Snack's 1967
Làng tôi

Làng tôi

Tác giả: Sưu Tầm

Làng tôi

Con bé ngước nhìn từng đàn cò đang chấp chới bay trong trời chiều, bóng đàn cò in xuống mặt ao những điểm trắng mơ màng.

***


Làng tôi


- Chúng đang bay về đâu vậy Dì?


- Dì ơi, con có khi cũng ước gì mình có thể nhỏ lại, nhỏ lại bé xíu để cưỡi trên lưng những con cò đó, con sẽ nhìn xuống trọn vẹn làng quê mình, nhìn thấy hết những cánh đồng từ làng một đến làng ba. Sẽ nhìn thấy đồi KiTô Vua của Gia Hòa, nhìn thấy đồi Ông Cụ Vựng bơ vơ giữa bạt ngàn ruộng lúa ra sao. Con sẽ biết được mặt trời lặn bên kia trái đất có đẹp như ở mình không . Mà sao những đứa bạn con cứ muốn và tìm mọi cách để sang bên ấy.


- Sao hôm nay con mơ mộng vậy? chắc lại bị mẹ mắng rồi phải không?


Con bé đã lớn rồi, mặt mày xinh xẻo y hệt như chị tôi. Nó nhìn tôi bằng cặp mắt tròn.


- Dì à, khi sáng nay Ba con về đó Dì!


- Vậy hả? Vậy sao con biết đó là Ba con? Con có nhớ gương mặt ba con là như thế nào đâu chứ!


Con bé nước mắt lại trào ra.


- Lúc con chuẩn bị đi sang nhà cái Linh nhờ nó xin cho con vào ca đoàn thì Ba về. Vì Ba con hỏi Mẹ nên con cũng không để ý lắm. cứ nghĩ chỉ là hỏi Mẹ có chuyện gì mà thôi. Hai người nói chuyện lâu lắm! Lúc con về vô tình nghe Mẹ nói con mới biết ông ấy là Ba con. Nhưng không phải con nghe lén đâu! Con nghe mà muốn chạy vào ôm ông ấy, nhìn thật kỹ gương mặt người Ba của mình,.... Ba con có vợ khác bên Mỹ rồi Dì ơi, con cũng co em gái nữa. đứa nhỏ đó cũng hơn 10 tuổi rồi. Ba nói đây là lần đầu và cũng là lần cuối Ba về thăm quê, Ba đi và sẽ ở luôn bên đó. Lần này Ba ghé là để thăm Mẹ con con và cũng là xin lỗi Mẹ. Con nghe nói Ba sẽ kiếm người làm mai để đưa con qua bên ấy, giờ Ba đang có hai tiệm Nail bên Texas gì đó.


- Rồi sao? Mẹ con có nói gì không?


- Mẹ con chẳng nói gì hết, con thấy Mẹ nín thinh à, cứ lát Mẹ lại giơ ống tay áo lên thấm hai hàng nước mắt. Lúc đó, tự nhiên con thấy thương Mẹ con lắm Dì àh! Mẹ con đã khổ dữ lắm rồi. Ba còn đưa cho Mẹ một số tiền hình như là đôla và xin lỗi nữa nhưng Mẹ con không lấy.


Chị tôi đã khổ như thế cả mười mấy năm rồi! Xinh đẹp vậy, đang hạnh phúc với gia đình vậy mà đùng một cái anh rể tôi theo tàu đánh cá đi không thấy về. Một mình chị tôi nuôi con bé lớn khôn, cho nó ăn học đầy đủ mà không một lời oán trách, chị âm thầm và lặng lẽ nhìn con bé lớn từng ngày. Lúc anh rể tôi đi mà cả hơn một năm cũng chưa thấy về, chị tôi khổ sở khóc từng đêm trời mưa bão. Mọi thứ trong nhà cũng nhờ hàng xóm giúp nhiều hơn là do chính bản thân làm ra. Cái quán tạp hóa này trước kia cũng nhờ hàng xóm giúp đỡ nên giờ nó mới được như vậy. Tôi biết có rất nhiều anh từ làng một đến làng ba, có những anh cũng tận Xuân Sơn, đứng đắn, khá giả tìm đến chị ngỏ lời. Dù biết chị tôi đã có chồng và con bé! Ấy vậy mà chị tôi từ chối, từ chối cứ như là bản năn của Chị vậy. Cô Uyên kế bên nhà vẫn nhận xét:" Chị mày còn trẻ, đẹp ấy vậy mà mắc cái chứng bệnh chờ người đã chết."


- Rồi sao? Khi con được nhỏ bé lại thì con muốn cưỡi trên lưng những chú cò trắng mà bay đi đâu?


- Con chẳng biết mình sẽ bay đi đâu. Miễn sao là đi và đi thật xa cái làng này, con thấy ở đây sao mà nó tù túng và khó chịu lắm Dì ơi!


- Nhưng đi rồi, con bỏ Mẹ con lại với ai? Ông bà nội ngoại cũng không còn, Dì đâu này nào cũng có thể qua đây với mẹ con? Dì còn Dượng, còn các em nữa chứ!


Con bé lại rơm rớm nước mắt.


- Con chẳng biết như thế nào nữa Dì ơi,... con khổ quá. Con thấy sau này chắc con cũng khổ như Mẹ con vậy. Mọi người có thể sống tốt và vui vẻ với nhau mà Dì. Ba con bỏ mẹ con con đi như vậy, biết là Mẹ con sẽ khổ mà sao Ba vẫn làm, mình có thể sống dễ dàng, hạnh phúc mà sao con thấy Ba con khó vậy Dì?


Con bé đã lớn rồi, trong đầu nó bây giờ đã có quá nhiều thứ ngổn ngang rồi. Bằng tuổi nó, mấy đứa con gái trong làng đã tay bồng tay bế, phần lớn đã đi nước ngoài sống cuộc sống sung sướng. Mà có nhiều đứa khi về rồi cũng vẫn chưa hết bàng hoàng, nhớ như in ngày ra đi và cuộc sống nơi xứ lạ, bất đồng ngôn ngữ,.... Còn nó, vẫn ở nơi xóm nghèo này mà không một lời trách than. Có lẽ hôm nay khi nghe được cuộc nói chuyện giữa ba mẹ nó đã khiến nó như đảo lộn đi cuộc sống xưa nay vốn vẫn yên bình.


Hai dì cháu tôi nhìn từng gợn nước lăn tăn trên mặt ao, cứ chốc chốc lại vài con rô đồng ngoi lên đớp bóng. Tôi vẫn cứ miên man nghĩ về những câu hỏi của con bé mà không sao trả lời được. Tình bạn của tôi và con bé là vậy! Nó sẽ hỏi, sẽ nói chuyện với tôi về mọi thứ mỗi khi nó thật sự buồn và cần người tâm sự. Mãi nhìn những gợn nước mà không ai nói với ai một câu nào, để đưa mình vào một thế giới riêng trong từng suy nghĩ. Mà đúng, làng Bình tôi giờ vắng đi tiếng chim hót thay vào đó là các âm thanh ổn tạp từ các cửa hàng , các quán ca hát ngoài đường chính vọng vào trong các con đường nhỏ nơi chúng tôi đang sống. Nhớ hồi chị em chúng tôi còn là những đứa con gái tuổi đôi mươi, đi bước một bước hai thì chim chóc cũng chuyền cành bước ba bước bốn. Có khi đi lúa lại vô tình đá chân vào chú chim nhỏ đang cố kéo những chú sâu đang bị vùi dưới những hạt lúa giữa sân nắng chang chang. Mỗi độ tháng mười, nào là chim én, chim xanh bay lượn trên cánh đồng bao la lúa chín vàng, có khi đậu trên nón những người đang lom khom cắt lúa. Như là chúng nghỉ mệt sau những lúc bay tìm bắt những chú cào cào, châu chấu vụt bay lên bởi bàn tay người khươ từng thăn lúa mà cắt. Cắt gom từng cụm để những chàng thanh niên kéo những chiếc cỗ bịt mùng nặng trịch trên từng ô ruộng sình lầy mà đập . Cái âm thanh bùm bụp, rào rào khi những chàng thanh niên đập lúa xuống cỗ, khi những hạt lúa rơi vào cỗ nay còn đâu?... Thay vào đó là những âm thanh phành phạch, xình xịc của những chiếc máy thổi lúa vang lên suốt ngày trên cánh đồng nho nhỏ nuôi chị em tôi. !


Những chú ruồi chốc chốc lại lao thẳng vào mặt tôi như những chiếc máy bay thần phong hồi làng Bình tôi mới hình thành chẳng bao lâu. Cái biến cố năm 1964 khiến tôi không bao giờ quên! Chính những chú ruồi đã đưa tôi về với thực tại của ngày hôm nay, của bây giờ và đang ngồi bên cạnh con bé. Rằng mọi thứ đã đổi thay nhiều lắm, rằng hiện trạng sinh thái bây giờ rất đáng lo ngại, rằng đời sống xóm làng đang phát triển rất nhanh, rằng lớp trẻ bây giờ nghĩa thoáng và làm tất cả mọi việc nhanh hơn chúng tôi rất nhiều, có những chuyện ngoài sức tưởng tượng của tôi.


Nghĩ cũng lạ, sự nổi tiếng thời này hóa ra cũng rất dễ dàng. Một cô bé viết thư tình trên mạng Internet gì đó cũng giật được giải văn chương, một anh chàng suốt ngày cờ bạc để đến khi không còn một xu dính túi rồi quay lại chỉ điểm thì cũng nhận được giấy khen có công trong bài trừ tệ nạn xã hội. Thật giả nó cứ loạn xì ngầu vì cái cân giá trị và độ tin cậy của nó chẳng còn ai muốn quan tâm làm chi nữa. ....


- Hôm bữa Dì nói sẽ viết bài gửi cho báo về mấy vụ đụng xe ngoài hàng nhất Dì đã viết chưa?


Con bé đột ngột lên tiếng.


- Chưa,..... à mà có!


Tôi nói là để lảng xa đi câu chuyện buồn trong đầu con bé.


- Dì định viết về ý thức sinh hoạt của bà con ta, Dì sẽ viết về con đường xứ mình thì nhỏ nhưng xe lớn lại lưu thông quá nhiều. Cú vài ba bữa lại nghe tin có tai nạn giao thông, không bị người khác đụng thì cũng là do say rượu đụng nhau dẫn đến qua đời. Dì sẽ viết về các loại rác được đựng trong bao và chất thành đống như đống rơm bốc mùi hôi thối, người ta đưa ra chỗ tập kết chờ xe rác gom mà chẳng ý thức, có khi để ngay cổng nhà người khác, ngay cửa tiệm của ông này bà kia. Nơi người ta kinh doanh, cũng phải kiếm từng miếng cơm hạt gạo. Ấy vậy mà người ta ăn tô to bát lớn rồi vất đi, gom ra trước cổng người khác mà đổ, thế thì khách nào chịu nổi cái mùi đó mà vào tiệm người ta được hả con? Dì sẽ viết về mấy con heo, con mèo chết và bốc mùi trên đường ra ruộng nữa! Sao súc vật nhà người ta chết , người ta không mang chôn cho tốt vườn sạch đất mà lại đem vứt ra ngoài đường cho người khác phải ngửi, phải gom đem chôn! Con có còn nhớ cái đợt dịch heo tai xanh vừa rồi không? Nhà dì làm gì có heo con. Ấy thế mà ai đó cũng vất xuống ao nhà Dì một cái bao trong đó có hai con heo đã chết, khi Dượng con phát hiện ra thì nó cũng bắt đầu rữa ra rồi,....


- Nghe cũng hay lắm đó Dì! Dì cứ viết đi, lần này nhất định con sẽ không chọc quê Dì như những bài thơ trước mà Dì viết tặng Dượng đâu.


Con bé có vẻ đã bớt buồn.


- Dì sẽ viết chứ! Dì sẽ viết thêm một bài thơ hay bài văn để tặng cho cháu gái Dì lúc lên xe hoa về nhà chồng nữa kìa.


Con bé mắc cỡ mà đấm vào vai tôi thùm thụp rồi quay đi chỗ khác, mặc cho tôi cười vui như vừa bắt được một kho tàng quý giá.


- Mà con cũng bộn tuổi rồi đó, mai mốt mà lấy chồng thì mẹ con cũng hết được nhờ cậy chi luôn.


Con bé mắc cỡ, đứng dậy bước vào nhà và buông lời trở ra:


- Chồng con chi Dì ơi!


Nhìn theo dáng đi của nó, cái lưng mảnh mai của đứa con gái tuổi đôi mươi. Ừ, chồng con làm gì? Cái đời mẹ nó chưa đủ khổ hay sao? Cũng chồng, cũng con đấy! Nhưng anh rể tôi cũng theo tàu theo ghe mà đi biền biệt gần hai chục năm không biết ở phương nao, sống hay đã chết. Để hôm nay lại xuất hiện trước mặt chị tôi và con bé. Hai mẹ con nó phải dựa vào nhau, dựa vào hàng xóm láng giềng, dựa vào cái chòi lá bé nhỏ này mà sống cho đến nay.


Chợt con Bé kêu vọng ra:


- Dì ơi, Dượng hỏi có Dì bên này không, về đón thằng Hai dùm vì Dượng hôm nay về muộn.


- Ừ, Dì về luôn nghen con!


Bước những bước đầy những câu hỏi ngổn ngang mà con bé hỏi tôi, không biết sẽ trả lời như thế nào với nó. Chợt nhớ đến câu thơ:


" Phải chi lên được đến trời,Hỏi trời sao để cho đời khổ đau." (*)


Câu thơ nó ấm áp mà như đang than trách, tôi bị nó xuyên vào máu, vào thịt như một vòng gai ngoằn nghèo. Cuộc sống quê tôi, của Chị tôi và bao mảnh đời khác trong làng tôi hay những nơi khác là vậy. Nó khiến tôi ưu tư suy nghĩ mãi, vì Cái gì nó đã đi vào lòng người thì cũng như thế thôi, chẳng bao giờ nó thẳng cả!


(*) Câu thơ được trích trong bài thơ Đời của Thầy Hồ Văn Lành.


Francisco Phong


 
2hi.us