Polaroid
Truyện Ngắn - Chuyện Người Tổ Trưởng Máy Kéo

Truyện Ngắn - Chuyện Người Tổ Trưởng Máy Kéo

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Chuyện Người Tổ Trưởng Máy Kéo

một lúc, vừa lên đèn Doãn đã tất tưởi lên nhà văn phòng của đội sản xuất. ở văn phòng chỉ có Khôi, đội phó phụ trách kế hoạch đang hội ý với Tuệ, thư ký thống kê. Doãn chưa bước qua ngưỡng cửa đã nói to:
- Chào đồng chí Khôi, tôi ở tổ máy kéo lên báo cáo đồng chí một việc cần!
Đôi mắt nhỏ của Khôi liếc lên, rồi lại nhìn ngay vào tờ giấy để trước mặt, nói hơi gắt:
- Chờ ít, đang bận!
Doãn ngồi vào ghế dài, lấy tay khẽ bấm vào đùi Tuệ:
- Có thuốc lá xin một điếu.
Tuệ vẫn không ngoảnh lại, móc túi lấy ra một điếu dúi vào tay Doãn và tiếp tục nói:
- Dao ở kho chỉ còn chừng hơn mười chiếc có thể làm được, còn thì mẻ gỉ cả, anh cho ý kiến nên giải quyết như thế nào. Đem lên tổ rèn nông trường nhờ đánh lại thì lâu lắm.Tính ra số dao phải dùng cũng trên dưới năm chục con.
Hai tay Khôi chống lên má, cặp mắt đưa đi đưa lại sắc sảo:
- Ông phải báo cáo cụ thể một chút, hơn mười chiếc là mười một, mười hai hay mười lăm chiếc, số còn lại là bao nhiêu, thống kê không nên dùng chữ: hơn, độ, áng chừng, trừu tượng bỏ mẹ. Năm nay kế hoạch là phải cụ thể đến từng gánh phân đấy...
Tuệ rõ ràng bị lúng túng:
- Anh để tôi đếm lại, nhưng số dùng được thì còn ít lắm.
Đôi ủng dưới chân Khôi cứ cọ vào nhau sào sạo, những thớ thịt trên khuôn mặt rám đen như sắt lại, khẽ rung rung:
- Có cách đấy! Nha, Vừu hình như biết làm nghề rèn thì phải...
Tuệ ngồi thẳng người, ngẫm nghĩ:
- Đồng chí Vừu làm một bễ riêng từ dạo nọ, vẫn đánh dao dùng riêng, còn Nha thì... thằng cha ấy khéo tay lắm. Có thể được.
Khôi đưa ngón tay di di lên mặt tờ giấy:
- Ông ghi tên hai cậu ấy vào đây cho tôi, chốc nữa báo cho trung đội 1 điều người tạm thời sang rèn... Rèn dao có khó quái gì. Cứ nung cho đỏ, lấy búa giọt cho chặt những thớ sắt lại, đem tôi lên, chứ có cái gì phức tạp mà không làm được.
Doãn hút đã quá nửa điếu thuốc vẫn thấy công việc của hai người còn miên man. Anh đằng hắng vài cái, ngồi dịch lại gần đèn như để Khôi biết còn có một người khác đang đợi. Khôi như không để ý, anh lúc lắc cái đầu:
- Anh đã tính khối lượng hai gian nhà kho hộ tôi chưa. Năm nay lúa nhiều lắm đấy, tính sơ ra cũng ngót nghét hai trăm tấn rồi.
Tuệ lại bị lúng túng lần nữa, công tác thống kê cuối năm bận bịu quá, anh lại mới làm, riêng mỗi việc chạy đi chạy về cân kẹo những hoa màu còn lại trong kho cũng đã đủ hết ngày. Cứ mỗi lần ngồi trước mặt đồng chí đội phó, Tuệ lại có cảm giác rằng mình không thể nào trả lời được trót lọt những câu hỏi sắc bén của đồng chí ấy. Cái ấn tượng chết tiệt này đã khiến anh trở nên rụt rè, lo sợ một cách vô lý, rồi đến chính anh cũng tự đánh giá mình là thiếu tích cực, kém tháo vát. Còn Khôi thì rõ ràng là không bằng lòng lắm cái lối làm ăn luộm thuộm của anh thống kê, được một việc, hỏng mười việc, lúc nào cũng lấn cấn, nhăn nhó, rút lại vẫn chẳng nắm được cái gì. Khôi xòe bàn tay ra trước mặt Tuệ:
- Bất cứ việc gì cũng thế, phải nắm được việc nào là chính, việc nào là phụ. Việc nào phải tự tay mình làm, tự tay kiểm soát, việc nào có thể dựa vào các tổ sản xuất được. Ví dụ việc quan trọng nhất hiện nay là anh phải cân kẹo, theo dõi số thóc đã phơi khô, quạt sạch để nhập kho cho tôi. Thứ nữa là số phân các tổ làm, ủ ở những chỗ nào, mỗi chỗ tính được bao nhiêu gánh, phải phân phối chỗ ủ đều khắp các khu đồng đểsau này vận chuyển đỡ tốn công... à, còn một việc quan trọng,... nay mai tôi đi họp vắng, nếu ở nhà lạc đã bắt đầu ra hoa hết, đã có củ thì phải cho bấm ngọn ngay để rút nhựa xuống củ. Hôm qua đi kiểm tra lại bãi lạc tôi cũng phát buồn vì cách vun gốc của bộ đội nhà ta, đúng là làm chiếu lệ. Lạc ba tháng tia bao giờ cũng đâm thẳng xuống thì phải vun gốc thật

cao. Bảo là phấn đấu thực hiện một éc-ta thu trên ba tấn, nhưng cứ làm ăn như vừa rồi thì thu một tấn cũng khó.
Cách nói của Khôi bao giờ cũng rành rọt, dứt khoát, tính toán đâu vào đấy, những việc phức tạp nhất cũng thành ra giản dị. Tuệ vừa nghe vừa nghĩ thầm: "Dân văn hóa cao có khác, họ giải quyết hàng núi việc vẫn ung dung, còn mình... mai phải xếp sắp lại sổ sách cho thật khoa học mới được, phải kế hoạch hóa đi một chút...". Còn Doãn cũng ngồi ngây người ra nghe, quên cả thời gian chờ đợi. Khôi rút thuốc lá hút, cái mặt xương xương bóng lên bướng bỉnh của anh quay sang Doãn:
- Nào ta làm việc, có cái gì thế?
Tuệ thu xếp sổ sách rất vui vẻ chạy sang gian bên.
Doãn bò một nửa người lên cái bàn tre, nói hấp tấp:
- Rạ tốt quá, mấy thằng máy kéo nửa cười nửa khóc đấy đồng chí ạ...
Khôi hơi cau mặt: "Thằng này ăn nói với ai cũng sống sượng, làm việc cứ như đùa".
- Đồng chí trình bày nghiêm chỉnh lại cho tôi nghe nào.
Trình bày nghiêm chỉnh là thế nào nhỉ? Doãn ngơ ngác một chút, thực ra anh vẫn quen cái lối vừa báo cáo, vừa như nói chuyện thân mật, đôi lúc vui vẻ còn kề cà thêm cả những chuyện râu ria.
- Vâng, gốc rạ nhiều quá, không bập lưỡi cày vào đất được. Thành thử cày được một luống phải nhảy xuống moi rạ quấn đến ba lượt... rồi thì dùng máy mà chậm bằng trâu kéo đấy.
Mỗi lần nói chuyện với Doãn, tự nhiên Khôi thấy trong lòng mình không được thoải mái, anh vốn có ấn tượng là mấy thằng ở tổ máy kéo đi lang thang nay đây mai đó nên không có tính kỷ luật bằng anh em ở đội sản xuất. Đấy, cứ xem như cách ăn nói của nó thì biết. Như đối với bạn chứ không phải là đối với cấp trên nữa.
- Vậy đồng chí đề nghị nên giải quyết như thế nào. Hay là tôi phải điều anh em đi cắt gốc ra, xếp lại từng bó cho phẳng mặt ruộng để dễ cày. Việc gì mà không gặp khó khăn, phải tìm cách khắc phục chứ.
Doãn như không hiểu được thái độ hơi hách dịch của Khôi, anh ta thành kiến gì với tổ máy kéo đây, cặp mắt một mí rất dài, đen nhánh của Doãn liếc sang Khôi gườm gườm:
- Thế đồng chí bảo anh em chúng tôi sợ khó khăn à?
Khôi nhìn cái đầu húi ngắn rất vuông và hai cánh mũi rộng thở mạnh mẽ của người nói chuyện với mình, thầm nghĩ: "Đúng là một thằng bướng bỉnh. Nó đặt vấn đề như là cấp trên của mình". Từ phút ấy anh mất hẳn cái bình tĩnh, khách quan trong khi giải quyết công việc, mà chỉ còn lại sự tức giận, ghen ghét, muốn tạo ra một thế bí cho đối thủ, và buộc cái đứa ngang ngược kia phải chịu phục tùng sự cứng rắn của mình.
- Vậy anh bảo tôi nên giải quyết ra sao. Lúa ở ngoài đồng chưa chuyển hết về. Quản lý, tài vụ, anh nuôi cũng phải rút ra để đập lúa. Để lúa hấp hơi mọc mậm hơn, hay là các anh chịu khó nhọc một chút lùi lại cái đầu máy, nhảy xuống móc nắm rạ rối hơn. Anh phải nhìn vào toàn bộ công việc của một đội sản xuất mà yêu cầu chứ đứng nên chỉ biết có các tổ máy kéo... Phải nắm được việc nào chính, việc nào phụ mà giải quyết.
Những bắp thịt cuộn tròn ở hai bả vai rộng của Doãn khẽ rung rung trong lượt áo xanh mỏng, một màu đỏ nhạt lan ra trên cái cổ trắng mịn và hai gò má nhẵn bóng. à, à, ra thế đấy, thế thì bốn cái máy kéo mỗi ngày chỉ cày được sáu bảy éc-ta thôi à, chậm hơn cày đất hoang ư?
- Cày chậm như thế rồi có ảnh hưởng đến thời vụ đấy. Đồng chí nên...
- Được, được, tôi lại hỏi anh, nếu anh có cày chậm độ mươi hôm thì bảy mươi éc-ta đất vẫn nằm dài ra đó chứ nó có chạy đi đâu mất mà sợ. Còn nếu lúa ngoài đồng không chuyển hết về ư, anh cũng biết đấy, tình hình địa phương không phải là đã ổn thỏa lắm đâu, ví dụ có một thằng phản động nào đó nó châm cho mình một mồi lửa là ôi thôi, đi đời nhà ma hết, nửa năm vất vả, rút lại trắng tay, rồi Nhà nước sẽ cho lũ chúng tôi đi tù vì tội ngờ nghệch, không biết bảo vệ công sức của anh em. Chẳng nhẽ lúc ấy tôi lại xưng xưng viện cớ vì tôi phải bớt một số người đi dọn rạ cho tổ máy kéo... á... à... Anh thử nghe xem có lọt tay không? Họ sẽ cho tôi là thằng ngốc, là thằng cãi liều, anh hiểu chưa? Rồi còn phải đập, phải phơi, phải quạt... Rồi lại phải cử người đi mót lúa nữa kia. Anh tưởng cái khẩu hiệu "thu thanh, gọn, tốt" là nhẹ nhàng, vui vẻ lắm đấy hẳn. Nông trường bộ các anh còn được nghỉ ngày chủ nhật, chứ dưới đội sản xuất thì phải làm tuốt, cứ chiếu luật lao động ra ngày làm tám giờ thì có mà... có mà quay lại ăn cơm nếp mốc với cá mắm thối sớm.
Rồi tự nhiên vì có nhiều lý lẽ đanh thép mà lại rất giản dị một cách bình dân, đượm chút khôi hài nữa, nên Khôi càng nói càng đỡ bực tức, cứ vui vẻ dần, giọng nói càng sôi nổi, đến nỗi Doãn cũng không nhìn anh bằng con mắt gườm gườm nữa. Khi Doãn chào anh ra về thì không khí đã êm dịu hẳn. Khôi nhìn theo bóng anh chàng tổ trưởng máy kéo lẩm bẩm một cách thú vị: "Nó bướng thế nhưng cũng còn biết ra lẽ phải, không dồn cho một trận kịch liệt thì còn là lèo nhèo... Mấy cái

° ° °

Quá trưa, Nông Ký Lâm đi họp ở bản về. Chân đi đất, mũ không sao, vành mũ đã buộc chỉ xơ ra những sợi vải, quần áo nhem nhuốc, xốc xếch, một bên túi quần phùng to không biết đựng vật gì. Đến giường nằm anh móc túi lôi ra một chai rượu Thái. Anh để chai rượu vào gậm giường cũng đã ngổn ngang rất nhiều thứ chai. Đầu giường một đống những chăn, màn, áo mưa, quần áo cũ đã thay chưa giặt, tạp chí Quân đội nhân dân, họa báo, và cả sổ sách, giấy má linh tinh. Khôi đang nằm xem báo trên giường ở góc bên kia. Sát vách căng một tấm sô giặt trắng, trên đính ảnh hai cô thiếu nữ, một cô người Trung Quốc, một cô người Liên Xô, cả hai như có điều gì vui vẻ nên cười cả. Thẳng trên đầu một cái mắc treo áo, ngoài bọc giấy báo, có lẽ là một cái áo rét hàng dạ gì đó. Gối rất trắng có dua chung quanh, trên lại phủ một cái mùi xoa màu rất nhã. Lâm bỏ mũ ra giường đến ngồi cạnh Khôi, tay anh đầyvết đất quyện với mồ hôi, từ trong quần áo thoáng bay ra một thứ mùi khen khét. Khôi nằm dịch lại phía trong, hỏi:
- Họp gì mà lâu thế?
Lâm chim chíp miệng, hai con mắt to, bàng bạc của người đã có tuổi vẫn anh ánh lên những tia sáng rất trẻ.
- Ông bố nuôi lại giữ ăn cơm, uống rượu nên về muộn. Này đồng chí Khôi ạ...
- Hử?
- Tổ máy kéo họ cày vất vả quá. Phải cho người ra dọn rạ giúp cho thôi.
Khôi bỏ báo, ngồi dậy, có vẻ khó chịu.
- Cậu Doãn lại báo cáo gì với ông đấy... Tay ấy là hay kêu ca lắm.
Đôi mắt Lâm chơm chớp, anh hơi cười, hàm răng trắng trông rất dễ thương:
- Mình đứng xem một lúc thấy cày gay quá, gốc rạ dạy cứ quấn vào lưỡi, thế thì còn làm ăn gì... đất lại rắn nữa. Đồng chí đã ra ngoài ấy chưa?
- Chưa, cậu ấy có đến xin người, nhưng mình làm gì còn người.
Khôi bắt đầu kể lại câu chuyện bực mình tối qua, và cách giải quyết rất dứt khoát của anh. Có điều qua một đêm và nửa ngày những lý lẽ của anh càng trở nên chín chắn và sắc bén, còn mấy ý kiến của Doãn càng thành ra cộc lốc và vô lý. Cuối cùng anh không quên nói thêm mấy nhận xét của riêng mình về cái tính tự do, ương bướng, hay yêu sách của tổ máy kéo. Lâm không nói thêm gì, hai bàn tay có những ngón hầu như vuông, sù sì, đan vào nhau, vặn vẹo rất bối rối, một bên mép hằn sâu xuống thành một đường nhăn dài. Anh cứ ngồi lặng lẽ như thế một lúc rồi sang giường của mình nằm duỗi

thẳng chân, mắt hơi nhắm lại. Những ý nghĩ trong đầu Lâm bắt đầu mờ nhạt và lẫn lộn thì có tiếng Tám the thé ở đầu khu gia đình:
- Chào thủ trởng ạ... Tuần trước sao anh không về. Bà chị em cứ nhắc nhở mãi.
Cả Khôi lẫn Lâm cùng bật dậy một lúc:
- Chắc anh Cừ về!
Lâm chưa kịp chạy ra đã nghe tiếng nói oang oang của Cừ, chủ nhiệm chính trị nông trường:
- Lúa má đã đem về hết chưa đấy?... Trời nắng hanh thế này chỉ cốt để cho nông trường phơi thóc thôi mà!
Cừ bước vào, mặt anh đen ngòm vì hàm râu quai nón chưa cạo. Khôi nói vui một câu:
- Trời rét thế này mà anh nỡ để chị ấy nằm một mình à?
Cừ cười gượng gạo:
- Ôi chào, còn nụ cà hoa mướp đếch gì nữa, gọi nhau bằng ông bằng bà cả rồi!
Cừ ngồi xuống giường, lấy thuốc lá hút, hỏi Lâm:
- Hôm qua mình đến quân y chơi lại gặp cậu Thọ. Sao tay ấy sốt rét luôn thế nhỉ. Cẩn thận đấy, sốt rét ác tính chết người như bỡn... Thọ đi thì ai giữ kho?
Lâm nhìn sang Khôi:
- Tạm thời vẫn để đồng chí Tư tài vụ kiêm cả.
Đôi môi Khôi động đậy như muốn nói, nhưng Cừ đã hỏi trước:
- Chị Tư độ này đã đi làm được chưa? Cặp ấy cũng vất vả giống vợ chồng mình... có lẽ bố mẹ phàm ăn quá nên tranh mất cả phần con.
Lâm xua xua tay:
- Không phải đâu đồng chí ạ... bệnh này thuốc tây chữa không khỏi đây. Trên Lạng Sơn chúng tôi có thứ lá sắc uống khỏi được đấy. Ông cụ tôi ngày xưa chữa được nhiều người lắm. Sau này họ đều có con cái cả. Kỳ này về phép tôi sẽ lấy một ít đem về đây. Nhất định là khỏi.
Cừ giương đôi mắt tròn to nhìn Lâm, đôi môi anh trễ ra, như không tin lắm cái lối chữa bệnh bằng lá lẩu của những người vùng Đông Bắc, nhưng anh vẫn cứ nói:
- ừ, ừ, nếu ông lại tài giỏi thế thì vợ chồng chúng tôi sống tết chết giỗ.
Khôi ngồi xích lại, tay anh gấp đi gấp lại tờ báo, nét mặt trở nên đăm chiêu, và anh nói bằng một giọng trịnh trọng:
- Đồng chí chủ nhiệm ạ, hôm qua chúng tôi đã bàn với nhau (Lâm nghe chăm chú: bàn gì nhỉ?)... để đồng chí Tư kiêm coi kho là một điều hết sức ngờ nghệch (Cừ cũng quay lại: có vấn đề gì mà quan trọng thế?), không đúng những nguyên tắc về tài chính. Tôi lấy ví dụ, đồng bào đến đây mua lạc giống rất nhiều, chốc hai cân, chốc năm cân, cùng một đồng chí Tư mở kho lấy lạc bán, vừa viết hóa đơn thu tiền. Giả thử như đồng chí không viết hóa đơn chẳng hạn thì có ai biết không... tôi nghĩ có mà giời biết. Từ ngày nhập lạc đã cân lại bao giờ đâu mà biết thừa, thiếu, rồi nào những lạc đem biếu phái đoàn, lạc tặng các đơn vị bạn, lạc nộp lên nông trường làm giống, cả lạc lấy ra nấu thức ăn, trăm thứ, cứ nhộm nhoạm linh tinh cả, như thế thì... thì... có tham ô vài chục cân, cứ gọi cho là hàng trăm cân cũng vẫn trôi chảy như thường. Đáng lý anh giữ kho cân kẹo riêng, tài vụ tính toán tiền nong riêng, mỗi anh đều có sổ sách chi thu hẳn hoi, anh nọ kiểm soát anh kia như thế mới là đúng nguyên tắc... Tôi xin hỏi anh là... mặc dù đồng chí Tư ở trong cấp ủy nhưng có ai dám bảo đảm là cấp ủy không tham ô, nhất là khi lại không chịu một sự kiểm soát nào.
Cừ khẽ gật đầu: - Phải biết tin, nhưng cũng phải biết kiểm soát.
Lâm nghe Khôi trình bày mắt anh cứ đờ ra, lòng đen càng bạc đi.
Khôi thấy chủ nhiệm chính trị có vẻ quan tâm đồng tình với sự phát hiện có tính chất nguyên tắc của mình nên càng hồ hởi, cách nói càng rành rọt, trôi chảy. Vừa nói anh vừa lắng nghe tiếng nói của mình, thưởng thức một cách thú vị và hãnh diện những ý kiến táo bạo mà mình đã đề ra, và trong chốc lát anh tưởng như những người ngồi nói chuyện với anh đều ít thông minh hơn, kém từng trải hơn.
- Tôi không nhớ hồi kháng chiến có đồng chí cán bộ cao cấp nào nói "những thằng quản lý cứ ba năm nên đem chém đầu đi một lượt"...
Cừ hơi cười, xen vào:
- Nói hồ đồ như thế không được đâu. Trước hết phải có lòng tin...
- Vâng, câu nói ấy tuy ác một chút, nhưng thật hay. Các anh để ý đến những cuộc họp của quản lý không? Xe đạp cứ xếp thành hàng ở trước nhà, còn cuộc họp của cán bộ đại đội thì... chỉ lủng củng những chân là chân. Anh Cừ ạ, tôi trông lơ mơ thế này mà đã từng ở trong phái đoàn kiểm tra công tác hậu cần của trung đoàn đấy nhé. Chẳng là các ông ấy thấy tính tôi cũng hay sắc mắc nên kéo đi. Lần ấy đến một đại đội, ông chính trị viên cứ cam đoan với chúng tôi rằng cậu quản lý là người rất tốt, toàn đơn vị đều mến, ai tham ô chứ cậu ta thì không đời nào. Tôi không dám cãi gì, chỉ nghĩ bụng: "Đã giữ tiền mà không chấm mút có là người đời". Bắt đầu phải điều tra xem anh ấy ăn tiêu ra sao, thống kê lại, đem so sánh, lòi ra một số lỗ hổng, chất vấn, tiền anh lấy ở đâu ra, ai cho, cho bao giờ... hết nói... Tính ra đến lúc ấy anh ta đã ăn cắp của anh em đến hai mươi vạn rồi. Hôm thanh toán tài chính trước hội đồng quân nhân, mặt các ông thủtrưởng cứ đỏ như gấc... Nhưng tài nhất là cái khoản đánh cắp tiền ăn những cậu hy sinh trong chiến dịch. Thằng nào nghĩ ra cái mẹo ấy phải nói là thánh thật (Cừ nhìn đi chỗ khác, hơi rùng mình). Tiền thì lĩnh đầu tháng, nhưng nhiều anh em chỉ ăn đến mồng năm, mồng sáu thôi, còn lại vào túi quản lý cả. Đánh nhau như Điện Biên, một đại đội chết hàng trăm, rồi lại bổ sung hàng trăm, cứ nhộm nhoạm linh tinh cả, đến sổ nhân sự cũng chưa kịp ghi thì nói gì đến kiểm tra ngày giờ chết của từng người... Nhưng anh Cừ ạ, tôi cam đoan với anh rằng cậu quản lý nào đã ở với tôi thì dù có bảy mươi hai phép biến hóa cũng khó mà lọt qua con mắt của tôi được. Sơn lở từng mặt, ma bắt từng người, cũng tùy thái độ của nhau mà đối xử thôi đấy anh ạ.
Cừ hơi quay nghiêng lại, nhưng không nhìn thẳng mặt Khôi, trong người anh như vừa gợn lên một cái gì tởm lợm. Rồi anh hỏi Lâm về một chuyện khác:
- Thời gian làm việc của tổ máy kéo ở đội này được bao nhiêu lâu đấy?
Lâm nhăn nhó:
- Trạm thì quy định là trong vòng hai mươi hôm, nhưng xem chừng gay lắm đồng chí ạ, toàn gốc rạ, có lẽ phải kéo dài hơn đấy.
Khôi đã quên ngay câu chuyện vừa qua, anh bị lôi vào câu hỏi mới:
- Khó khăn ấy các đồng chí ở tổ máy kéo đã trình bày, tôi đã đề nghị anh em cố gắng khắc phục, vì ở đội nhân công thiếu quá.
Cừ vẫn nhìn chênh chếch sang Lâm:
- Nhưng khắc phục bằng cách nào?
Lâm như sững sờ, họ có bốn người ngồi cả trên bốn cái đầu máy, thì làm cách nào mà khắc phục được. Họ xin đội cho người ra giúp, nhưng đồng chí Khôi đã giải quyết khác hẳn với ý muốn của anh. Anh lắp bắp:
- Tôi... cũng chưa biết là nên khắc phục bằng cách nào?
Khôi lườm Lâm rất kín đáo, anh xen vào hấp tấp:
- Anh Cừ ạ, tôi đề nghị với các đồng chí ấy cứ cày, nếu rạ quấn nhiều quá thì cho máy lùi lại, chịu khó xuống móc rạ ra. Anh cũng biết đấy, kỳ vừa qua lúa chín rũ một loạt, trên lại không điều người về gặt giúp, nhất nhất cái gì cũng đội tự lực cả, công việc cứ mê ra, đành phải tập trung vào giải quyết những công việc chính thôi.
Cừ im lặng như không có ý kiến gì khác. Khôi thoáng mừng: "Cũng đồng ý như cách giải quyết của tôi thôi. Anh em thì đứa nào mà không muốn thêm người cho nhẹ việc".
Cừ lắc đầu, môi anh bĩu ra giống như là một nụ cười gượng gạo:
- Giải quyết thế không ổn đâu các ông ạ, việc ùn là vì mình thiếu kế hoạch (Khôi nghĩ: chỉ thiếu người chứ kế hoạch thì có thừa). Sở dĩ làm sao lúa chín rũ

một loạt hàng mấy chục éc-ta, chỉ do là cày bừa chậm nên phải gieo vội, gieo một loạt. Tôi ví dụ nếu như mình tranh thủ cho cày bừa được khắp một lượt bảy mươi éc-ta nội trong tháng một này, thì chỉ đầu giêng tổ máy kéo đã có thể trở lại cày bừa được lượt nữa. Các anh cũng còn phải tính tới đất mềm, đất rắn nữa chứ, gió nắng này chậm một hôm là đất bằng đá rồi, cố cày thì gãy lưỡi không lấy tiền đâu mà đền chính phủ được, hay là gác máy đợi mưa mới cày... Đập chậm một tí thì lúa vẫn còn đấy, còn cày chậm thì ảnh hưởng đến cả vụ sau, ảnh hưởng đến cả vụ sau, ảnh hưởng đến cả các đội bạn.
Cừ đập đập hai bàn tay vào nhau, hỏi cả hai người:
- Đồng ý như vậy chứ, chỉ cần bớt ra một tổ thôi, thanh nữ cũng được, đi đốt rạ ấy mà, người Thái họ làm thế cả đấy... Các anh coi tổ máy kéo như đứa con hoang. Cứ khoán trắng là không được đâu. Anh em người ta mới tập làm cả, mình không động viên thì thôi, chứ ai lại bỏ mặc.

° ° °

Mới chớm tối, gió thổi vào mặt đã tê buốt, trời xanh lạnh lẽo dầy đặc những vầng sao. Từ đầu nhà mùi lá sả bỗng bay lên ngây ngất, say say như mùi tóc đàn bà. Khôi định đứng dậy thắp đèn làm việc chợt thoáng thấy bóng Thoa từ phía nhà ăn đi lướt qua, thân hình tròn lẳn, mỗi bước đi các bắp thịt như nẩy lên trên đôi guốc gót cao. Anh để đèn sang một bên, gọi qua khung cửa sổ:
- Cô Thoa!
Thoa ngơ ngác rồi ngoảnh lại phía gọi:
- Ai đấy?
- Tôi đây! Nhờ cái này một tí.
Thoa ngần ngừ một chút:
- Anh Khôi phải không, em cất bát đã nhé.
Khi Thoa bước qua ngưỡng cửa buồng, in cái bóng mờ lên khung cửa, người Khôi bỗng nóng rực lên, máu như dồn cả lên mặt, một hơi lạnh chạy lướt trên sống lưng, anh nói mà cảm thấy hơi thở của mình đã mất nhịp.
- Nhờ cô đính hộ tôi mấy cái khuy áo.
Thoa ghé ngồi xuống giường. Khôi vẫn im lặng như không nhúc nhích, miệng anh khô lại, và hai thái dương mạch máu giựt mạnh. Một sự thèm khát không thể nén nổi đối với cái thân hình đầy mùi thơm của người con gái ngồi trước mặt. Chỉ cần với tay ra một chút, đầu ngón tay của anh sẽ chạm vào đôi vai căng thịt dưới lần vải mỏng, và tiếp đó sẽ là hai cánh tay rất mềm quấn chặt lấy người anh, cái mớ tóc ngây ngất lá sả sẽ dụi vào lồng ngực nở rộng, đôi môi cháy bỏng vì sung sướng sẽ gắn lên trên cái má như mọng đầy nước ngọt. Có thể thế được chăng? Được lắm chứ! Vì đó là con Thoa, một con bé rất đĩ tính, chỉ cần cái nháy mắt của người đàn ông, nhất là của anh đội phó trẻ tuổi, khỏe mạnh, chưa vợ là nó có thể ngã ngay vào lòng. Biết bao nhiêu lần nó đã nhìn anh bằng đôi mắt quyến rũ, nhiều tình ý, đôi mắt mời mọc, mà chỉ vì nghĩ tới mình là một quân nhân, một người chỉ huy nên anh phải làm ngơ. Biết bao lần nó nắm lấy tay anh như không muốn rời, ngồi sát bên anh hơi thở đã nóng rực vì thèm muốn nhưng anh cũng đã bỏ qua. Còn lần này đây... tối nay đây... có thể nào nhắm mắt trước một cơ hội thuận lợi nữa. Thằng đàn ông có phải là thánh đâu. Miễn sao công việc được êm dịu. Khi cả hai cùng đồng tình thì việc gì mà không trôi chảy. Ngồi lại gần đây, xích lại thêm một chút nữa, đã nghe thấy hơi thở của nó rồi, đã ngửi thấy mùi da thịt của nó rồi. Chao ôi, của quý, của trời cho, thằng đạo đức là thằng ngốc. Mắt anh lóa lên, tai ù đi, miệng càng khô đắng, tim đập nặng trĩu nghe rõ từng nhịp một, đầu ngón tay đã bắt đầu run bắn. Anh xô người lại, một khối thịt mềm nhũn và nóng hổi lả vào hai cánh tay, như điên dại anh vừa ghì chặt lấy, thì... một sức bật gạt anh ra, một cái tát rất mạnh làm tê cả một bên má, loáng thoáng một tiếng hét nhỏ: "Đồ khốn nạn! Tôi kêu lên bây giờ!" Khi anh nhìn lại trước mặt chỉ là cái bóng tối mênh mông, mát lạnh.
Sự thật hay làmê sảng? Việc trước mắt hay trong mộng mị? Cái gì đã xảy ra như thế? Cái gì đó vậy?
Tối hôm ấy Thoa xin nghỉ họp tổ, buông màn đi nằm sớm. Ai hỏi gì chị cũng không trả lời được, khi cầm mép chân rũ ra người chị vẫn còn run lên vì sợ hãi, một thứ hơi người nồng nặc mùi khói thuốc lá dính vào da thịt không sao bay đi được, và chị có cảm giác rằng người nào đứng cạnh chị cũng sẽ ngửi thấy mùi lạ ấy. Một cái gì tủi nhục như kim châm vào da thịt, một nỗi đau đớn dày vò, giằng xé, bỗng nhiên chị thấy mình lẻ loi, cô độc, bị hăm dọa, bị khinh rẽ.
... Chị để mẹ già ở dưới xuôi lên đây xây dựng nông trường cùng với bộ đội đã được già nửa năm rồi. Một cuộc đời lạ lùng, mới mẻ, rộn rịp bao vây lấy chị, kích thích chị từ lúc mờ sáng cho đến tối đêm... Đốt tre măng mọc vót lên với những chiếc mo nang vàng nượm, những giọt sương sớm đọng long lanh ở cọng cây đu đủ, những đốm trắng quay tròn trên cánh bày sáo nghệ, một bông hoa vông vang mướt vàng, mỏng manh, mọc chồi lên giữa bụi ké và me dại. Bất cứ một hình ảnh nào cũng đem lại một nguồn vui mênh mang, một thứ vui chẳng có duyên cớ gì, chỉ muốn được trò chuyện với mọi người, được luôn luôn cất nhắc chân tay, trong giấc ngủ cũng thấy người thổn thức, chưa kẻng đã choàng mắt dậy, nhìn mảng sáng nhạt in vào khe cửa trong lòng lại xôn xao vì một ngày mới bắt đầu với những việc làm mới, những câu chuyện mới, những khung cảnh mới. Khi chị mới đến đây anh em đều coi như một con bé: nước da đen khô, cổ ngẳng, ngực lép và chân tay queo quắt, lóng ngóng. Một nửa năm qua, khí hậu Điện Biên, nước sông Nậm Rốm, cơm gạo bộ đội, và nguồn thu mênh mông của đời sống tập thể đã thay da đổi thịt và thổi vào tâm hồn cô bé những cảm xúc, những ước mơ lạ lùng. Anh em bộ đội bắt đầu chú ý đến chị, đã có những con mắt ngắm nghía thầm kín, những lời khen ngợi đến đỏ mặt, những câu nói bóng gió xa xôi, những chuyện đùa vui sổ sàng, và cả những chuyện gán ghép. Giữa những ngi đó nổi bật lên một con người thương mến, Diễm, anh y tá của đội sản xuất. Hai người quen thân nhau từ ngày cùng đi làm hồ Huổi Phạ, chị bị cảm mấy hôm được Diễm chăm sóc rất tận tình, gần như đặc biệt. Tối nào anh cũng nói chuyện với chị đến khuya, dịu dàng như một người anh trai. Những lúc ấy chị thấy mình hoàn toàn mềm yếu, bé bỏng, chỉ muốn khóc lên để được nghe một giọng nói đầm ấm, một bàn tay vuốt ve. Chị cần có chỗ nương dựa trong lúc xa gia đình, xa mẹ, mà Diễm lại là một anh bộ đội rất tốt. Chị theo dõi, săn sóc từng bước đi, việc làm, lời nói, cho đến cái ăn mặc của người mình yêu, đến nỗi ai cũng nhận thấy sự đổi khác quá lộ liễu. Chị một lời nói thiếu trìu mến, một cái nhìn hơi bàng quan, một cách đối xử quá bình thường của Diễm cũng đủ làm chị hờn tủi, đau đớn hàng mấy ngày. Nhưng anh ấy đã có vợ và anh cũng dự định đón vợ lên Điện Biên để xây dựng cuộc sống lâu dài ở nông trường. Người yêu thứ hai của chị là Lưu, có lẽ bắt đầu bằng tình thương thì đúng hơn, vì anh ấy chẳng có gì đặc sắc, đã ba mươi tuổi, rất ít nói, nhưng thật là một người rất tốt. Người tốt thế mà lại gặp bước không may, hai vợ chồng lấy nhau đã trên mười năm, đã có con sống con chết, nay chị vợ ở nhà mê một anh góa vợ người cùng xóm, nằng nặc xin ly dị với chồng cũ. Lưu tâm sự với Thoa về cách giải quyết của mình, anh sẽ đưa vợ con lên đây, chắc chắn mọi việc sẽ ổn thỏa. Sao có con người đáng yêu đến thế. Chị dành tiền mua vải hoa, may một cái áo bông trẻ em rất đẹp, mua cả mũ, để nay

mai anh đem về làm quà cho con. Chị săn sóc đến nỗi chính Lưu cũng ngượng nghịu và tìm cách lẩn tránh. Một buổi đi làm lạc chị đã nói hết nỗi lòng thầm kín của mình: "Nếu việc nhà không giải quyết xong anh cứ đưa con lên, nếu anh bằng lòng em xin nhận làm dì nó". Lưu về phép một tháng khi lên có cả vợ đi theo, anh chàng góa vợ kia đã phụ tình chị ta, lấy một cô khác còn rất trẻ. Cách ít lâu, vợ Lưu dò biết chuyện đã có lần cô Thoa ở tổ thanh nữ định quyến rũ chồng chị, định làm cho gia đình chị tan nát, chị liền tìm cớ gây chuyện đôi co với Thoa, làm ầm ĩ lên để tỏ cho mọi người biết xưa nay chị vốn chung thủy với chồng. Còn Thoa sao vụ hiểu nhầm ấy chị mấy cái vui vốn có, người trầm lặng hẳn đi, chị sống lặng lẽ và gần như cô độc. Trong tình yêu chị là người ít được may mắn, tuy vậy mỗi lần nghĩ đến yêu đương chị vẫn thấy rạo rực sung sướng, như những vệt nắng làm bừng sáng cái tuổi dậy thì, nhưng chị lại rụt rè, lo sợ, vì dấu vết hai lần tan vỡ còn in quá rõ nét. Hình ảnh Doãn, anh tổ trưởng máy kéo, tính nết thẳng thắn gần như sỗ sàng, đến với chị thật bất ngờ. Đầu tiên có lẽ do sự gán ghép đùa cợt của chung quanh. Nhưng rồi bóng dáng anh ta với lối đi nhảy nhót, cái miệng cười hóm hỉnh thoáng nhìn tưởng là châm chọc, đôi mắt hơi xếch sắc sảo, dần dà xâm chiếm toàn bộ đời sống của chị. Chị theo dõi sự biến đổi của mình với trái tim trĩu nặng lo âu. Chị bắt đầu yêu anh ta rồi chăng? Liệu tình yêu giữa hai người lần này có được trọn vẹn? Nhưng Doãn đâu có dễ gần, hình như anh ấy khinh rẻ chị, coi chị là một con người xấu xa gì đó. Anh ấy nhìn chị bằng cặp mắt gườm gườm đầy nghi ngờ, và đối xử với chị không chút ân huệ riêng, gần như nhạt nhẽo. Buổi sáng gặp lại Doãn chị khóc suốt buổi trưa, tự thề rằng sẽ cắt đứt mọi quan hệ với con người bội bạc (tuy rằng Doãn chưa hứa với chị một điều gì), chị tìm mọi nét xấu xa của anh ta để gây mối hằn t
thù, một anh bộ đội kiêu ngạo, một thằng lái máy kéo lỗ mãng, là một con người chẳng ra gì. Nhưng chao ôi, càng tìm bới ra thì những nét đáng yêu càng lộ rõ, càng thu hút, muốn thù ghét anh ta nhưng lại thấy yêu quý vô ngần, muốn cắt đứt nhưng lại tự bảo rằng không thể sống được nếu thiếu bóng
2hi.us