Truyện teen- Để Hôn Em Lần Nữa

Truyện teen- Để Hôn Em Lần Nữa

Tác giả: Internet

Truyện teen- Để Hôn Em Lần Nữa

Đức nhìn cô rồi quay sang người lớn tuổi nhất trong phòng, thoáng ngơ ngác, nghi hoặc.
Quỳnh vội nhấc bát tương hoà mù tạt đặc sánh trước mặt đặt ra một góc bàn xa để lôi kéo sự chú ý của anh chàng. Đăng lên tiếng như muốn giành lấy một chút trách nhiệm của kẻ vừa là thủ phạm vừa là đồng loã, nhẹ nhàng đánh lạc hướng Đức bằng một câu hỏi gãi đúng chỗ ngứa:
- Thế xong rồi cụ có tìm được file không?
Đức có lẽ chỉ chờ câu hỏi đó. Anh chàng tì tay lên bàn, vừa hấp tấp ăn bù ấy phút vắng mặt, vừa kể lể với vẻ bức xúc nhưng đầy âu yếm về ông bố sắp về hưu “low-tech mà còn đú” đã lưu nhầm folder ra sao, gọi điện hớt hải như sắp cháy nhà thế nào. Cuối cùng, khi câu chuyện mất file đã đi đến một kết thúc có hậu và món tráng miệng đã xuất hiện trên bàn, sắc hồng lờ mờ dần trở lại trên gò má Quỳnh.
Cô im lặng nhấm nháp miếng bánh bột gạo nhân dâu tây, kiên nhẫn làm khán giả theo dõi cuộc tranh cãi không đầu không đuôi về Minh Trị Thiên Hoàng, Công nương Masako và… Maria Ozawa mà Đức là người khơi ra nhưng lại không chiếm ưu thế. Chẳng biết vô tình hay cố ý, Đăng đánh rơi chiếc mặt nạ điềm tĩnh mà bấy lâu anh ta đeo như dán vào da, thể hiện thái độ “hiếu chiến” khó tin. Quỳnh nhìn anh ta bẻ lại Đức trong từng chi tiết nhỏ nhất, tự nhiên thấy ấm ức thay. Có vẻ như việc dồn ép cô phát khóc bằng một tràng câu hỏi đục khoét vào quá

khứ chưa làm kẻ độc ác ngạo mạn này hài lòng. Anh ta định biến người bạn mới của cô và cũng là người hào phóng mời anh ta ăn trưa thành nạn nhân tiếp theo chăng? Quỳnh cảm thấy cần phải làm gì đó để bảo vệ Đức. Nhưng ngay khi cô định lên tiếng, Đăng đã quả quyết nghiêng đầu về phía cửa, chấm dứt bữa trưa ê hề nhưng vô bổ của ba người bằng câu gọi tính tiền gọn lỏn.
Cô gái phục vụ mang chiếc bìa da kẹp hoá đơn vào. Theo thói quen, cô đưa nó về phía người khách mà cô đã nhớ mặt, người có thẻ VIP của nhà hàng. Nhưng mới chỉ đi được nửa đường, tấm bìa đã rơi vào tay anh chàng lớn tuổi hơn sau một hành động hơi giống “hớt tay trên”, bất ngờ và có phần thiếu lịch sự. Anh ta mở bìa kẹp, liếc qua con số mà ai cũng biết là hơi nhiều đuôi 0 so với một bữa trưa của dân văn phòng, rồi lẳng lặng rút ví.
- Ấy, anh để em trả – Đức, dường như không cảm nhận được thái độ khác lạ của đàn anh, sốt sắng nhoài sang giành hoá đơn.

Đăng gạt nhẹ tay Đức, đẩy chiếc bìa kẹp hoá đơn ra khỏi tầm với của cả hai, rồi rút bừa mấy tờ polyme mệnh giá lớn đưa cho nhân viên. Thật không may, mấy tờ tiền mới chỉ chạm được vào đầu ngón tay của cô gái phục vụ đã bị giật lại một cách phũ phàng đến nỗi phát ra tiếng “roẹt” mà ngay cả người nghễnh ngãng cũng nghe rõ (tác giả xin cảm ơn những người đã quyết định đưa tiền polyme vào lưu thông để hoạt cảnh này có thể diễn ra trọn vẹn mà không có thiệt hại gì!). Đức cầm tiền thả về phía Đăng với vẻ khá cẩu thả, gần giống như vứt trả. Vào một ngày bình thường nào đó, Đăng sẽ chẳng chấp nhặt hành động của thằng nhóc vô tư quá hoá vô tâm này làm gì. Nhưng đúng vào lúc tâm trạng của anh không hiểu sao lại vô cùng căng thẳng như bây giờ, hành động mang đậm phong cách thiếu gia thừa tiền của Đức biến thành lời khiêu chiến rõ ràng.
Và thế là, trước sự bối rối của Quỳnh và sự ngạc nhiên của cô gái phục vụ, một cuộc tranh giành hoàn toàn không phù hợp với không khí trầm lắng của nhà hàng Nhật bắt đầu diễn ra. Nếu không vướng cái bàn đã được dọn gần hết bát đĩa nhưng vẫn còn mấy cốc nước uống dở, có lẽ hai vị khách nam đã biến căn phòng thành sới vật.
Quỳnh nhìn nét mặt cố gắng bình tĩnh và tươi tỉnh nhưng không giấu nổi vẻ sốt ruột và có phần khó chịu của cô nhân viên, tự nhiên thấy sượng sùng. Ánh mắt cô gái liếc vội về phía cô dù kín đáo nhưng cũng ẩn chứa thật nhiều ý nghĩa. Không chịu nổi cái nhìn phê phán ấy, trong tích tắc, Quỳnh quyết định để cho bản tính bốc đồng của “cô Khùng” trỗi dậy. Vươn người thật nhanh, nhặt tờ hoá đơn đã bị cuộc vật lộn hất xuống dưới sàn, cô mím môi rút toàn bộ tiền trong ví ra giúi cả vào tay cô gái phục vụ. Và không nói thêm một lời với Menelaus và Paris* lúc này còn đang ngớ ra chưng hửng, nàng Helen hiên ngang đứng dậy, rời khỏi chiến trường với gương mặt hả hê thắng lợi, bất chấp một sự thật kinh khủng là toàn bộ tiền điện nước xăng xe tháng này của nàng đã nằm lại nơi đây!
*: Hai nhân vậttrong trường ca Iliad của Homer, họ đánh nhau để tranh giành nàng Helen.
Vài ngày sau bữa trưa quá thịnh soạn, nàng Helen thế kỷ 21 bước lên xe buýt với hai thứ đều lép kẹp là bụng và ví. Dù đã cố gắng co kéo đến nỗi không dám đi xe máy đi làm, chỉ mua một suất bánh mì ruốc cho cả bữa sáng và bữa trưa, nàng vẫn phải căng óc nghĩ cách xoay tiền để sống sót cho đến khi bố mẹ nàng hoàn thành xong tour thăm thân kết hợp chữa bệnh (cho người khác) ở miền Nam và trở về Hà Nội, hoặc đến khi nàng nắm trong tay tháng lương đầu tiên.
Bán chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng mà bố mẹ mới tặng nhân dịp tốt nghiệp, mua một chiếc hàng Tàu nhái có hình dáng na ná, lấy số tiền chênh lệch để cầm hơi? So với việc rao vài món quần áo giày dép trên muare.vn rồi nhăm nhăm “up topic” và trả lời tin nhắn mặc cả (chưa kể có khi còn bị đòi “ship” tận nơi) hay việc gọi điện nói bâng quơ dăm câu ba điều với đứa bạn nào đó, nghe nó nói xấu từ sếp đến người yêu đến oshin nhà hàng xóm chán chê mới dám ngập ngừng “à này” rồi hỏi vay vài trăm ngàn, việc ghé qua cửa hàng thu mua điện thoại cũ là cách đơn giản gọn gàng nhất. Được rồi, nếu đến ngày mai mà vẫn không có người lớn nào trong họ qua thăm hay người bạn nào của bố mẹ tình cờ ghé qua chúc Tết muộn (muộn những sáu tháng!), Quỳnh sẽ đem con dế hồng thời trang này ra làm vật tế thần, thần Tài!
Tạm yên tâm với những suy tính, cô quên khuấy mất việc phải xuống ở điểm dừng gần nhất. Khi chiếc xe đã đi quá một trạm, Quỳnh mới nhớ ra và hớt hải chen xuống. Còn gần mười phút nữa là tới giờ làm việc, quãng đường từ đây trở lại văn phòng cũng không dài lắm, nếu là bốn năm về trước, có lẽ cô đã chẳng ngần ngại xách giày lên tay, chạy thục mạng. Nhưng bây giờ, với hai bên xương bánh chè đều bị tổn thương nặng, cô không thể làm gì hơn là bước đi nhanh hết mức có thể và cầu trời cho tất cả mọi người trong toà soạn, hoặc trong phòng Tin quốc tế thôi cũng được, đều bị tắc đường và kẹt thang máy.


Nhưng trước khi những lời cầu nguyện rất thành tâm nhưng hơi thất đức ấy lọt được vào danh sách “cần duyệt khẩn cấp” của các đấng tối cao, họ đã kịp sắp đặt một giải pháp khác cho Quỳnh. Người làm nhiệm vụ bưu tá chuyển phát nhanh phương cách ấy đến tay cô là nam giới, trong độ tuổi hai mươi, ăn mặc sành điệu, cưỡi trên chiếc xe tay ga cao nghệu. Từ làn đường bên kia, người đó nhận ra cô và rẽ sang khi còn chưa kịp chạm tay vào nút bật xi-nhan. Không thèm để ý đến hàng chục ánh mắt hình viên đạn và vài câu cục cằn của những chủ xe đi sau, tác giả của cú tạt trái mạo hiểm đó tấp vào sát vỉa hè, vừa đi ngược chiều đường, vừa bấm còi pim pim cho đến khi Quỳnh giật mình quay ra, để rơi khỏi miệng hai chữ “anh Đức” đầy ngơ ngác. Chào cô bằng một nụ cười sáng trưng như trong quảng cáo kem đánh răng, Đức hỏi:
- Sao hôm nay em lại đi đường này?
- Em đi xe buýt, quên xuống ở bến trước ạ.
- Đầu óc bác học ghê nhỉ! Thế sao không gọi xe ôm mà đi bộ? Sát giờ rồi còn gì…
Thật may, câu hỏi tuy khó nhưng Quỳnh không phải trả lời. Khi cô mới chỉ bắt đầu ngắc ngứ, anh chàng đã vung tay chỉ về phía yên sau, nói tiếp luôn:
- Lên đi, anh chở, lấy giá hữu nghị, thề!
- Nhưng em không có mũ bảo hiểm.
- Giờ này các chú còn lo dẹp tắc đường, không bắt đâu.
- Nhưng em…
- Em mà còn “nhưng” nữa là anh muộn theo em luôn á.
Khi chữ “muộn” xuất hiện, mọi chữ “nhưng” bị đánh bay tan tác, Quỳnh hấp tấp leo lên sau xe Đức. Sau chưa đầy năm phút ngồi thu mình thật gọn và cúi đầu thật thấp, cuối cùng cô cũng thở phào nhẹ nhõm khi chiếc xe dừng trước cửa văn phòng. Thật không mấy dễ chịu khi cùng lúc phải mang đến hai nỗi nơm nớp, đi làm muộn và bị công an tuýt còi. Giờ thì cả hai nguy cơ đều đã tan biến, Quỳnh cho phép mình gặm trộm một miếng bánh mì trong lúc chờ Đức quay lại từ bãi gửi xe đằng xa. Cô ngoạm một miếng khá to mà không biết rằng toàn bộ hoạt động của mình trong vòng mươi phút vừa qua đã nằm trong tầm quan sát của một người.
Người này xưa nay chưa bao giờ thích tỏ vui buồn qua sắc mặt, cũng rất ít khi hành động khi chưa suy nghĩ kỹ càng. Dù trong đầu đã xuất hiện cả những câu hỏi lẫn những lời

nhận xét nhọn hoắt dành cho Quỳnh, anh ta vẫn lùi xa khỏi chỗ cô đứng, lặng lẽ hoà vào đám cư dân công sở đi qua cánh cửa tự động của toà nhà. Thang máy đang ở trong thời điểm quá tải nhất nhưng anh ta không rẽ về phía cầu thang bộ như trước đây. Đã hai tuần nay, lối thang bộ vắng vẻ kia không còn là nơi đem đến cho anh ta cảm giác bình yên và thanh thản nữa.
Dĩ nhiên, thang máy nêm chặt những nhân viên văn phòng điển hình- những người nên ghi vào CV rằng kỹ năng tốt nhất của họ là buôn chuyện chứ không phải thuyết trình hay làm việc nhóm- lại càng không phải nơi lý tưởng để tìm kiếm những thứ xa xỉ như sự yên tĩnh hay thanh thản. Ngay khi cửa thang máy vừa đóng, một anh tuổi đang xoan huých khuỷu tay vào lườn một chị tuổi đã toan về già, nói với vẻ bí bí mật mật:
- Này, vừa nãy bà để ý bên đường không?
- Không, có chuyện gì?
- Thằng Cáp Treo chở gái sau xe.
- Hả? Thật á?
- Thật, cả tôi và thằng Long cùng nhìn thấy mà.
Chị gái lại khều nhẹ vào vai anh chàng nhỏ thó đang đứng sát bảng nút:
- Mày thấy con bé đi cùng thằng Cáp Treo không?
- Cáp Treo nào?
- Thì thằng suốt ngày chơi mốt dây đeo quần như bọn mỹ nam Hàn Quốc ý.
- À.
- Trông thấy con bé đi cùng nó không, xinh không?
- Cũng được.
- Cũng được thôi ấy à?
- Trông không sành điệu bằng em Yến nhà mình – anh chàng xoan lúc đầu nói chen vào, rồi như chưa thấy lời miêu tả đủ sát thực, anh ta thì thào giải thích rõ thêm – nhưng cũng khá chứ không phải dạng rẻ tiền quê quê đâu.
- Nó là ai mà lại đi quen gái vớ vẩn chứ. À, có phải con bé đấy đeo cái túi chéo màu khoai môn sống không?
- Màu khoai môn sống là màu gì?
- Thì màu giống như cái bộ sếp mặc hôm đón chuyên gia ấy.
Thang máy dừng ở tầng năm, bộ ba ngồi lê đôi mách kia trong lúc theo nhau lách ra đã kịp đổi sang chủ đề thời trang công sở và bỏ lại cho kẻ sẽ ra khỏi thang ở tầng tiếp theo một nỗi tò mò không dễ chịu. Túi đeo chéo màu khoai môn sống, còn “cáp treo” màu gì?

Tin tức liên quan đến đám tang của vua nhạc popMichael Jackson, vụ rơi máy bay thảm khốc ở Yemen và hàng loạt cuộc bạo động sắc tộc ở Tân Cương dồn dập đổ về màn hình máy tính của tất cả mọi người trong phòng. Những bài dịch sớm cũng được dịch muộn cũng chẳng sao về bệnh Alzheimer và cách nuôi dạy trẻ tự kỷ của nhân viên thử việc như Quỳnh cũng bị gác lại. Mọi người trong phòng tập trung theo dõi những tin tức nóng hổi từ CNN, AFP, AP… Ngay cả trưởng nhóm, người thường ngày thường chỉ đọc soát bản dịch (và… bới lông tìm vết) cũng phải lao vào trực tiếp thanh toán một bài phân tích đầy thuật ngữ chính trị phức tạp. Khi những tin bài quan trọng đã được những “thợ dịch bậc cao” đẩy lên trang nhất, các mốc dữ kiện hình ảnh cũng được mấy biên dịch viên non kinh nghiệm rải đều ở các cột phụ, một tiếng rưỡi nghỉ trưa đã trôi hết sạch.
- Giờ này thì còn đi ăn gì được nhỉ? – Lân vươn vai.
- Xuống dưới kia ăn tạm bát miến cua, hàng chị ấy bán đến ba giờ cơ – Hạnh ngáp dài, nói mà không có ý định nhấc người dậy.
- Hôm qua hôm kia em đều phải ăn miến cua, sợ lắm rồi! – Cúc Anh nằm gục xuống bàn.
- Ăn hamburger được không mọi người? Này, dậy đi mua đi! – Một anh chàng gầy choắt ngồi cạnh Cúc Anh vươn tay đập bồm bộp vào lưng ghế của cô nàng.
- Ai mua về cho tôi thì tôi ăn, tôi không ra khỏi đây đâu. Nóng lắm! – Cúc Anh nói mà vẫn không ngẩng đầu lên.
- Đúng rồi, ai đi mua đi – Mấy người còn lại nhao lên.
Quỳnh cúi xuống nửa phần bánh mì ruốc đã để dành từ sáng. Cô thừa hiểu “ai” ở đây là ai. Để tỏ rõ sự thiện chí và cầu thị của một nhân viên mới, cô nên đi mua đồ ăn trưa ọi người như đã từng đi mua chè và caramen tuần trước. Nhưng khi trong ví chỉ còn đủ tiền cho ba phần tư chiếc hamburger và khi mọi người chẳng có vẻ gì là muốn góp tiền, cô sẽ chỉ có thể lựa chọn phương án ba không, không nghe không thấy không biết. Dù sao thì cô cũng bị mất nhiều điểm trong mắt đồng nghiệp lắm rồi, mất thêm lần này cũng chẳng vấn đề gì.
Từ chỗ ngồi của mình, Đăng thấy được hết những biểu hiện từ bối rối, áy náy đến lì lợm, bất cần mà Quỳnh đang cố để không ai thấy. Anh vẫn nhớ thái độ này của cô, rất nhớ là khác. Bốn năm trước, cứ khi nào bị đẩy vào hoàn cảnh khó xử, cô cũng phản ứng y như vậy. Rồi như chợt nhận ra mình sắp mỉm cười, anh quay người ngó ra ngoài cửa sổ. Trời đang quá xanh, mây đang quá trắng, nắng đang quá vàng, những quả cầu hút nhiệt lác đác trên mái các nhà dân thì gần như bất động, bức tranh với những tông màu bị đẩy đến mức chói gắt này hẳn sẽ chỉ đem đến cảm giác đuối sức cho người nào bất đắc dĩ phải trở thành nhân vật trong nó. Đăng quay lại với màn hình máy tính. Anh hít sâu bầu không khí khô lạnh dễ chịu của văn phòng, vừa gõ địa chỉ trang web của một cửa hàng pizza quen, vừa nói mà không nhìn ai cả:
- Pizza 112 hôm nay mua 2 tặng 1. Có ai ăn Bố Già không?
Ngay lập tức, cả phòng nhao lên với bộ sưu tập nhân bánh nghe kêu choanh choách. Hai mươi phút sau, trong khi độc giả của tờ báo điện tử đang thưởng thức những mẩu tin quốc tế nóng rực đầy phè màn hình thì những người dịch chúng đang quây quanh chiếc bàn họp giữa phòng, cắn ngập răng từng góc một phần sáu của mấy chiếc pizza nhân cá anchovie và hành tây, nhân xúc xích chorizo và ớt, nhân nấm và rau chân vịt… Một loáng sau, trên bàn họp chỉ còn lại toàn hộp giấy, lon rỗng và những vỏ gói tương cà chua nhỏ, ai nấy đã trở về bên máy tính của mình để tiếp tục theo sát tình hình thời sự thế giới, trừ Quỳnh. Cô đang nhặt mấy miếng bánh đã nguội ngắt vào một hộp, cho những hộp rỗng còn lại và vỏ lon vào túi nylon, đem ra ngoài hành lang.
Đăng theo dõi mọi hành động của cô, và khi cô ra ngoài, anh chần chừ vài giây rồi cũng theo ra.
Quỳnh không hề biết mình đang có một cái đuôi bám theo nguy hiểm đến mức nào. Vẫn xách nguyên túi rác, cô cắp hộp bánh thừa tới phòng kỹ thuật. Vừa thấy cô thò đầu vào, Mạnh đã gọi ầm lên:
- Đức đẹp trai ra có người thăm nuôi kìa!

Đức ló đầu lên từ một góc đầy dây dợ, gương mặt nhăn nhó khó có thể trở thành ví dụ minh hoạ cho tính từ “đẹp trai” mà trưởng nhóm vừa gán. Anh chàng đi về phía Quỳnh, chưa kịp khép cửa đã chép miệng lầu bầu với cô:
- Hôm nay bên phòng em làm gì mà độc giả đổ vào kinh thế. Server quá tải làm bọn anh toát mồ hôi, chỉ lo sập.
- Thì toàn tin hot nhiều người chết mà! Bọn em còn không kịp đi ăn trưa – Quỳnh thở dài, cô chìa chiếc hộp trong tay cho Đức – Đây là quà em hối lộ bạn Pizza, anh cầm về nhé. Có ngại không?
- Ngại ơi là ngại ý chứ! – Đức chắp tay làm điệu bộ ngượng ngùng như thiếu nữ.
- Hay để em kiếm cái túi giấy đẹp đẹp gài nơ để anh giả làm quà?
- Thôi khỏi – Đức chồm tới giằng lấy cái hộp, mở ra nhìn – Trông ngon nhỉ! Thế mà chỉ cho chó thôi chứ người không được ăn à?
Quỳnh bật cười. Trước khi cô kịp nghĩ ra cách đối đáp tương xứng với câu hỏi nhảm nhí của Đức thì anh chàng đã lách vào sau cửa, nháy mắt:
- Hôm nào anh bố trí cho nó gặp em để cảm ơn nhé.
Không cần biết câu trả lời của Quỳnh, Đức đóng sập cửa lại, không chút lịch sự. Quỳnh chẳng lấy làm phiền lòng. Cô hợp với lối giao tiếp thẳng tuột thế này hơn là những kiểu cách lịch lãm giữ kẽ vốn vẫn thường thấy trong những thứ vẫn được

coi là tình bạn giữa nam và nữ. Quay người đi dọc hành lang tới lối thang bộ, cô mở cửa bước xuống chỗ chiếu nghỉ, đặt túi rác xuống một góc mà các nhân viên quét dọn vẫn dành để tập kết những loại rác bán được rồi nhanh chóng trở lên. Nhưng Quỳnh chưa kịp chạm tay vào cánh cửa, nó đã từ từ mở ra, không phải vì gió thổi.
*
Đăng chỉ dám liếc sang khuôn mặt hơi xanh của người đứng cạnh một giây rồi đưa mắt lảng ra chỗ khác. Phòng họp rộng có vô số thứ để nhìn ngó. Dãy ghế im lìm, mặt bàn trống trơn, chiếc màn chiếu trắng tinh, bình hoa giả xỉn màu kê trong góc… tất cả chúng đều rất buồn tẻ, nhưng an toàn cho cảm xúc. Anh khoanh tay trước ngực, nghe giọng mình vang lên xa lạ:
- Em không thích mọi người trong phòng?
Cô rùng mình, chẳng rõ vì phòng họp quá vắng và lạnh hay vì câu hỏi quá thẳng thừng và đột ngột. Cô nhìn sang, cố đọc trong đôi mắt đang nhìn thẳng lên bức màn chiếu kia một chút gợi ý nào đó để nương theo mà trả lời câu hỏi, nhưng khôngthành công. Khi cô còn loay hoay giữa hai lựa chọn, phủ nhận cho phải phép xã giao hay thừa nhận cho đúng với suy nghĩ thật và lương tâm, Đăng đã nghiêm giọng:
- Không nói gì tức là không thích, đúng không?
- …
- Cho tôi biết lý do!
- …
- Cho tôi biết lý do! – Ngưng một giây, thấy Quỳnh vẫn không có vẻ gì là muốn cất lời, anh nói nhanh như vị quan toà kết án khi đã quá thừa chứng cứ – Em lúc nào cũng vậy, cư xử không giống ai, thái độ lì lợm, thiếu hoà đồng, luôn gây phiền phức…
Nghe đến lý lẽ cuối thì Quỳnh cảm thấy không thể không “bật” lại. Cô nhún vai, lời nói nghe có vẻ thật nhún nhường nhưng vẫn lộ ra chút cương quyết và bực bội:
- Tôi nghĩ mình không làm gì để bị coi là luôn gây phiền phức.
Thật vậy, cô chẳng gây phiền phức gì cả. Đúng là cô cư xử khác thường, nhưng cô đã cố gắng rất nhiều để hoàn thành công việc cũng như lấy lòng đồng nghiệp. Không đi muộn về sớm, không chat chit facebook, luôn dịch và đưa lên đúng hạn kể cả khi có tin bài đột xuất…, cô thậm chí còn chủ động đỡ việc cho Cúc Anh và Lân, hai người hay bị nhắc nhở thúc giục nhất, khi họ chỉ vừa mới bóng gió than vãn đôi câu. Ngay cả biên tập viên phụ trách chuyên mục thường đăng bài dịch của cô, một nhà báo đã qua tuổi về hưu từ lâu, rất khó tính, kiệm lời và thường xuyên không có mặt ở toà soạn, cũng đã tìm vào tận bàn để tặng cô một cái vỗ vai khen ngợi. Thế nhưng, mặc cho cô có cố gắng đến mức nào, Đăng không bao giờ thèm ghi nhận. Anh ta chỉ nhìn mọi thứ cô đang làm hiện nay qua lớp sương định kiến đã bao phủ anh ta từ bốn năm trước và đến bây giờ vẫn chưa thèm tan. Quỳnh mím môi, sắp xếp nhanh những lời tự bào chữa. Nhưng cô còn chưa kịp mở miệng thả chúng ra, Đăng đã ngoặt vấn đề sang một hướng khác hẳn:
- Em thích Đức, phải không?

Một lần nữa, Quỳnh rùng mình. Cô biết chắc anh ta sẽ lôi Đức vào câu chuyện nhưng không nghĩ câu hỏi lại… sỗ sàng và tọc mạch đến vậy.
- Tôi nghĩ đây là chuyện cá nhân – cô nói nhanh, không vấp nhưng cũng không thật mạch lạc.
Ý tứ của câu nói, thái độ quấy quá, bất hợp tác của Quỳnh khiến người đối diện nổi quạu:
- Tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ thế khác. Em chỉ biết bản thân em thôi hay sao? Trong toà nhà này còn có bao nhiêu người, em biết không?
“Còn đến một tỷ người đi nữa thì cũng không ai rỗi hơi tự nhiên lôi tôi vào đây tra hỏi nói năng vô lý như anh”, Quỳnh những muốn quăng thẳng câu ra đấy để đáp trả luận điệu chụp mũ của Đăng, nhưng cuối cùng, cô chỉ trình cho anh ta một bản rút gọn:
- Họ thì có liên quan gì đâu ạ!
- Sao không liên quan! – Đăng gắt gỏng – Em có biết em đang trở thành chủ đề cho người ta bàn ra tán vào không?
- Người ta nào? – Quỳnh cũng không ngần ngại đáp lại bằng giọng gắt gỏng không kém – Mà họ bàn tán cái gì cơ chứ?
- Cũng không có gì đặc biệt đâu – Đăng sục tay vào túi quần, mỉa mai – Chỉ là em xinh hay xấu, quê hay tỉnh, có xứng với Đức không, liệu bao giờ sẽ bị nó đá… vậy thôi.
Quỳnh hơi đờ ra, một lát sau mới mấp máy được một câu, không rõ là muốn nói một mình hay muốn hỏi người đối diện:
- Có nhất thiết phải ngồi lê đôi mách đến vậy không?
Đăng quay hẳn sang nhìn cô chăm chú, như muốn tìm hiểu xem mấy tiềng lầu bầu đầy bất bình kia nhằm đến ai. Đúng lúc đó, Quỳnh cũng ngẩng lên, và anh đột nhiên nín thở. Tại sao trải qua bốn năm với không ít phiền muộn, gương mặt cô vẫn còn giữ nguyên nét trẻ thơ khiến người ta mềm lòng như vậy? Gò má lấm tấm những đốm tàn nhang nâu nhạt, đôi mắt đen trong sáng chứa đựng ánh nhìn vừa bối rối vừa hoang mang của cô khiến Đăng cùng lúc cảm thấy lòng mình có cả lửa và nước, bồn chồn nóng nảy nhưng cũng rất êm dịu…
Cảm thấy mối đe doạ rõ rệt từ cái nhìn lạ mà quen của Đăng, Quỳnh nhích xa thêm một bước, đồng thời nhìn ra phía cửa như muốn tính đường tháo chạy. Giọng cô run run:
- Chúng tôi không có gì đâu. Chỉ là… chỉ là…
Đăng tự nhiên thấy buồn cười. Những cảm giác khó chịu vô cớ đeo bám anh từ sáng nay bỗng chốc tan biến cả, chỉ vì mấy câu lắp bắp chẳng đâu vào đâu của cô nhóc này. Anh rút trong túi quần ra một phong bì nhỏ dán kín, đặt lên mặt bàn rồi đẩy về phía Quỳnh:
- Em cầm cái này đi.
Phong bì làm bằng loại giấy dày và sần, muốn biết bên trong có gì, người nhận phải mở hẳn ra chứ không thể sờ hay soi ra ánh sáng rồi đoán. Quỳnh mới chạm ngón tay vào một góc định bóc thì Đăng đã khoát tay ngăn lại:
- Để lát nữa hãy mở… Ừm… tôi về phòng trước đây.
Nói xong những lời dịu dàng hiếm hoi ấy, Đăng quay người đi nhanh về phía cửa. Quỳnh không biết phải làm gì, cô như một nạn nhân vừa bị cướp giật ngoài đường mà không thể hô hoán hay truy đuổi, chỉ dùng cặp mắt ngơ ngác của mình dõi theo cho đến khi không còn thấy anh ta đâu nữa.


Một ngày làm việc mệt mỏi cuối cùng cũng kết thúc. Đăng rời cuộc họp giao ban cuối giờ sớm hơn mọi người. Những lời khen mà cấp trên dành cho nhóm tin quốc tế tuy rất dè sẻn nhưng cũng khiến anh cảm thấy dễ chịu đôi chút. Hôm nay có lẽ là một trong những ngày nhóm anh chịu sức ép lớn nhất kể từ đầu năm. Vừa phải chạy đua với thời gian để lên bài, vừa phải điều tiết thứ tự và độ dài các bài sao cho phù hợp với tình hình bài vở chung, lại còn phải đảm bảo độ chính xác và trung lập của từ ngữ trong những bài liên quan đến biến cố chính trị khá nhạy cảm của nước lớn láng giềng, ngay cả người đã quá quen với nhịp độ công việc khẩn trương như anh cũng muốn phát điên. Đám nhân viên trong phòng thì khỏi nói, người nào người nấy căng thẳng đến bơ phờ, thậm chí còn không đủ sức để kêu ca hay than thở lời nào. Nghĩ đến đây, Đăng tự nhiên nhăn mặt. Trong hoàn cảnh bận rộn bù đầu như vậy, khi tất cả đều dán mắt vào màn hình máy tính với vẻ nghiêm trọng giống hệt nhau như vậy, thật khó để đoán xem ai đang nghĩ gì!
Trước khi đầu óc Đăng kịp lan man thêm, Điệp đã đuổi kịp anh bằng bước chân dứt khoát và mùi nước hoa cổ điển của chị.
- Sếp khen hơi xách mé nhỉ! – chị nhìn anh ái ngại nhưng vẫn cố mỉm cười.
Phải mất một giây Đăng mới hiểu chị đang nói về chuyện gì. Trong cuộc họp vừa rồi, phó tổng biên tập khen nhóm tin quốc tế với giọng khá miễncưỡng. Nếu chỉ nghe một cách

hời hợt, chắc hẳn ai cũng sẽ có nhận xét như Điệp. Đăng thì hiểu sự tế nhị của cấp trên. Ông không muốn làm mất mặt, rồi sau đó là mất lòng, mấy biên tập viên phụ trách tin trong nước, những nhà báo lớn tuổi xuất thân từ những tờ báo in truyền thống. Nhưng anh không tiết lộ chuyện đó với Điệp chỉ mà trả lời chị bằng một cái nhún vai. Điệp hiểu ngay điệu bộ ấy chính là lời tuyên bố “không muốn nói thêm” của Đăng và nhanh chóng chuyển đề tài:
- Tối nay Đăng rỗi không?
Điệp hơn Đăng một tuổi nhưng hai người vẫn xưng hô ngang hàng theo thói quen từ trước. Nhiều khi anh nhận thấy chút gì đó tha thiết và dường như trên mức trìu mến trong cách gọi của chị. Những lúc như vậy, anh thường giữ thái độ không quá nghiêm nghị nhưng vẫn chừng mực, giống thái độ của anh lúc này:
- Mình cũng chưa biết nữa, chắc không có chương trình gì, sao thế?
- À, thấy Đăng hôm nay có vẻ oải nên định rủ đi massage chân rồi qua Seventeen nghe nhạc.
Đăng đưa tay lên vuốt mặt, kín đáo liếc nhìn vẻ chăm chú chờ đợi của Điệp. Chức vụ quyền thư ký toà soạn nhiều ưu đãi nhưng cũng lắm bấp bênh mà chị mới bắt đầu nắm giữ cách đây chưa lâu đã kịp để lại vài dấu tích, rõ nhất là hai quầng thâm trên mắt và những đường nét không nhân nhượng ẩn nấp trong từng góc khuôn mặt. Đăng nén tiếng thở dài, mỗi ngày qua đi, anh lại thấy Điệp xa lạ hơn một chút. Tránh nhìn thẳng vào đôi mắt quá ráo riết của chị, anh chậm rãi lắc đầu:
- Để hôm khác nhé… Giờ mình đang đau đầu quá, chỉ muốn về nhà.
Nếu như Điệp có phản ứng gì với lời từ chối của anh thì lớp phấn trang điểm mịn như sáp cũng đã che đi hết rồi. Chị gật đầu, mỉm cười máy móc:
- Được rồi, để hôm khác – Sải bước về phía cửa thang máy, Điệp nhoài người bấm nút rồi quay lại hỏi – Đăng về luôn bây giờ không?
- Chưa, mình phải tạt qua phòng chút đã. Đang làm dở mấy thứ.
- Vậy mình về trước đây!
Đăng gật đầu. Điệp quay hẳn mặt về phía cửa thang, nhưng rồi sực nhớ ra điều gì, chị quay lại, lục túi xách lấy ra một túi nylon in hoa văn sặc sỡ, đưa cho Đăng. Thấy anh định mở miệng hỏi, chị ấn luôn túi vào tay anh, giọng dứt khoát hệt như khi ngồi trước bàn họp:
- Đĩa bay cho Tin. Mình mua từ hôm trước, bảo đưa mà quên.
Đăng chẳng biết nói gì ngoài câu cảm ơn nhạt thếch. Anh không đợi Điệp vào thang máy mà đi thẳng về phòng.
Trái với không gian dường như rất chật hẹp nhưng im ắng lúc trước, căn phòng quen thuộc mở ra trước mắt anh rộng thênh và ồn ào. Tất cả nhân viên đã về hết, chỉ còn lại Cúc Anh đang vừa gõ máy tính vừa nện gót giày xuống sàn theo một bản nhạc phim thần tượng Hàn Quốc phát ra từ chiếc điện thoại có loa ngoài tốt quá mức cần thiết. Thấy anh, cô nàng ngừng chơi trò cập kênh đế giày, với tay tắt nhạc và nhanh nhẩu nói như thanh minh:
- Anh ạ, em dịch xong rồi, đang soát lại thôi.

Đăng chỉ gật đầu rồi đi thẳng về bàn. Anh chẳng còn hứng thú gì với chuyện cứ phải lặp đi lặp lại lời nhắc nhở dành cho cô nhân viên yếu kém nhất phòng này nữa. Cúc Anh là cháu ruột của một vị “khai báo công thần” trong toà soạn. Cô học khoa ngoại ngữ của một trường dân lập lắm tai tiếng. Trong nhiều trường hợp, tấm bằng tốt nghiệp loại khá của trường này chỉ có tác dụng chứng minh rằng người được cấp bằng đã đóng tiền- gồm cả những khoản chính thức và không chính thức- đầy đủ trong vòng bốn năm chứ không phản ánh chính xác trình độ của họ. Vào làm từ năm ngoái, mặc dù đã được anh cùng những người khác chỉ dẫn, kèm cặp hết sức nhiệt tình và nghiêm khắc, Cúc Anh vẫn không tiến bộ là bao. Việc toà soạn phải tuyển thêm một biên dịch viên làm việc toàn thời gian giữa lúc tình hình doanh thu từ quảng cáo đang sụt giảm do suy thoái kinh tế cũng xuất phát từ năng lực trời ơi đất hỡi của cô nàng.
Vừa xếp tài liệu giấy tờ vào cặp, Đăng vừa thầm đếm trong đầu những nhược điểm của Cúc Anh. Dịch ẩu, dịch sai, xào xáo bài dịch của dân mạng, không có tinh thần trách nhiệm, không biết tiếp thu và rút kinh nghiệm, ăn nói bộp chộp vô duyên…, đôi khi Đăng tự hỏi tại sao mình vẫn giữ được thái độ điềm đạm đến vậy với dạng nhân viên 3D* như cô gái này. Chợt một tờ giấy gấp đôi là lạ rơi ra từ xấp tài liệu dưới cùng cắt đứt mạch kể tội trong tâm tưởng của anh. Mới chỉ mở ra đọc lướt được dòng đầu, Đăng đã ngẩng phắt lên, hỏi người mà anh vừa thầm kể tội bằng một giọng nóng nảy rất không
2hi.us