Nhớ thầy

Nhớ thầy

Tác giả: Sưu Tầm

Nhớ thầy

Tôi còn nhớ như in hình hài thầy tôi nằm đó, trên chiếc giường trắng, vẫn còn mặc bộ đồ trắng của bệnh viện, gương mặt vẫn hiền hòa và thanh thản như đang nằm ngủ.


***


Những chiều mưa màu hạ mang theo mùi ngai ngái từ đất xông lên xộc vào mũi chẳng thế xua đi cái nắng mùa hè oi ả, mấy cành bằng lăng tím sẫm trước cửa bị nước mưa làm cho oằn xuống, trĩu nặng quệt ngang đầu. Một vài vũng nước đọng lại trên đường chưa kịp rút xuống cống còn lềnh bềnh bong bóng nước cứ vừa tạo thành lại vỡ tan theo bao ký ức nhạt nhòa về một thời xa thẳm. Chiều mưa từ trong nhà nhìn ra phố vắng, nhìn dòng người vội vã tìm chỗ trú hay tìm một bóng cây nào đó mặc vội chiếc áo mưa tiện lợi vừa mới kịp mua vào, lòng tôi bâng khuâng nhớ một mùa mưa nhiều năm trước, bao kỉ niệm về trường, về lớp gắn với cơn mưa chiều mùa chia tay bất chợt ùa về như một thước phim quay chậm, một thước phim không màu có lẽ đã cũ lắm nhưng cũng chẳng kém phần sống động, rõ đến từng chi tiết.


Nhớ thầy


Đoạn phim quay chậm dừng lại ở một ngôi trường hai tầng quét vôi vàng đã cũ kĩ, bám đầy rêu phong ẩn mình trong lùm cây xanh ngắt. Phải, đấy chính là ngôi trường cấp Hai nơi tôi đã gắn bó bốn năm trời với bao kỉ niệm buồn có, vui có, nơi đã chứng kiến sự tiến bộ và trưởng thành qua từng ngày của tôi, cùng bao kỷ niệm thầy trò mà tôi mãi vẫn không quên. Kỷ niệm về người thầy giáo dạy môn Toán đáng kính của tôi, người đã để lại trong tôi một nỗi biết ơn sâu sắc cùng niềm ân hận muộn màng, một nỗi đau âm ỉ không thể nào nói nên lời.


Năm đó, tôi mới lớp sáu, bước chân vào trường không khỏi xa lạ và bỡ ngỡ. Thầy giáo dạy Toán của tôi khi ấy tên là Hùng. Khác với những thầy giáo dạy Toán khác có vóc dáng cao lớn, đôi mắt sáng quắc với cái nhìn uy nghiêm, gõ thước liên tục xuống bàn mỗi lần kêu học sinh lên trả bài, thầy Hùng của chúng tôi khá thấp, lưng hơi khòm, đầu hơi hói, vầng trán cao và đặc biệt là đôi mắt sáng tỏa cái nhìn trìu mến, ấm áp. Và có khi, tôi còn nhìn thấy trong đôi mắt ấy ẩn chứa một nỗi buồn thầm kín, sâu thẳm chỉ thoáng qua trong mơ hồ khi thầy đưa mắt nhìn xa xăm đâu đó vào khoảng không vô định. Giọng nói của thầy trầm, rất trầm, ấm và mang sức truyền cảm đến nỗi, ai nghe thầy đang giảng bài bên lớp tôi cũng đều tưởng rằng chúng tôi đang có giờ Văn. Thầy hiền lành và giản dị, đi dạy thầy chỉ mặc chiếc quần đen với cái áo nâu đã sờn, nhưng trông thầy lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Thầy viết chữ không thật đẹp, thậm chí có đứa còn chê nét chữ thầy nhìn tròn tròn cụt cụt như quả trứng gà í, nhưng rất thẳng hàng, ngay ngắn và đều. Nhìn nét chữ ấy cũng có thể đoán ra được phần nào phẩm chất bên trong con người thầy. Học trò kính nể cũng một phần bởi sự giản dị đến mộc mạc, chân chất của thầy.


Tôi còn nhớ, mỗi bài học thầy dạy đều hay và cuốn hút vô cùng. Thầy giảng rất cặn kẽ, dễ hiểu, không ngại giảng lại cho chúng tôi những chỗ khó cho đến khi nào thật hiểu thì mới thôi. Bất chấp nắng hay mưa, tôi chưa bao giờ thấy thầy đến lớp trễ dù chỉ một phút.


Thầy hay đi dạy trên chiếc xe máy cũ kĩ, chắc là lỗi thời lắm rồi. Nhiều khi tôi thấy thầy vừa vất vả đạp xe chạy ra đến cổng nó bỗng dưng chết máy, thế là thầy phải dắt bộ đi một quãng khá xa đến nơi có tiệm sửa xe máy. Những lúc như thế, vài đứa chúng tôi chạy tới hỏi xe thầy bị làm sao vậy, thầy chỉ cười nói "Cái xe của thầy nó lại dở chứng ấy mà!"


Nghe nói nhà thầy xa lắm, ở tận trên thị trấn, vợ thầy làm nghề bán trái cây ở chợ. Chính vì vậy mà lũ chúng tôi thỉnh thoảng vẫn thấy thầy trên chiếc xe máy cà tàng ấy, chở từng thùng trái cây đi giao hàng cho vợ. Chúng tôi có đứa chào thầy, có đứa hét thật to gọi thầy, thầy đều cười hiền gật đầu hay vẫy tay chào lại.


Năm đó, những ngày gần thi học kì Một, trời làm bão, lụt lớn. Ba mẹ bảo tôi nghỉ nhưng rồi tôi vẫn nhất quyết đòi lên lớp. Cả một lớp nghỉ hơn phân nửa, trường chỉ có mấy giáo viên là đến lớp được, hôm đó lại có tiết Toán, chúng tôi đinh ninh nhà thầy Hùng ở xa không đến được nên chuẩn bị kéo nhau về. Từ đằng xa, thầy Hùng xuất hiện trong bộ áo mưa rách tươm vì gió dập mạnh, trên chiếc xe cà tàng nổ tạch tạch vì bị vô nước, và, thầy vần luôn thật đúng giờ. Chúng tôi lúc đó ai cũng thương thầy, hầu hết các giáo viên ở xa trường đều vắng mặt, chỉ có mình thầy không quản nắng mưa gió bão lên lớp vì sợ chúng tôi đến chờ mà không thấy thầy đâu. Hôm ấy, mặc cho mưa gió ầm ĩ ngoài trời, trong lớp học chúng tôi vẫn ấm áp hơn bao giờ hết vì có tình thương vô vờ bến của thầy.


Còn nhớ ngày đó, tôi là một đứa học sinh giỏi trong lớp nhưng rất bướng bỉnh và nghịch ngợm hệt như con trai. Thầy Hùng cũng rất quý tôi vì tôi học khá tốt, những ngày đầu năm tôi vô cùng kính trọng thầy, nhưng càng về sau thấy thầy hiền, tôi càng tỏ ra không nghe lời, thỉnh thoảng còn hùa với đám bạn nói những câu trêu thầy, nhất là khi thấy thầy đang giao những thùng trái cây ngoài chợ. Thầy luôn hiền và dễ tính với chúng tôi nên có đôi đứa rủ nhau bày trò chọc phá thầy, hay hỗn láo dám cãi lời thầy. Tôi thấy chúng nó mất dạy với thầy như thế là quá đáng, nhưng không phủ nhận chính mình cũng có tham gia vào những trò quậy của bọn con trai trong lớp chọc tức thầy để làm trò cười. Dù sau mỗi lần như vậy thầy không tỏ thái độ hay giận dữ, lòng tôi có đôi chút ăn năn.


Bước sang học kỳ Hai, cả lớp chúng tôi đều nhận thấy thầy trở nên khó tính và thi thoảng nhăn nhó hơn. Thầy cũng không la rầy gì đến bọn tôi, thầy vẫn dạy rất nhiệt tình, nhưng thầy cũng không còn cười nhiều như trước. Mấy đứa còn thêu dệt lên rằng thầy không ưa lớp tôi nữa, thầy ghét chúng tôi rồi nên mới thế, làm tôi cũng cảm thấy có chút khó chịu mỗi khi học tiết thầy.


Cho đến một ngày gần đến đợt thi cuối kỳ Hai, thầy cho chúng tôi đề cương ôn tập và hẹn tuần sau sẽ giải. Thầy còn lên lịch ôn cho chúng tôi hai buổi khi thầy có thời gian, tất nhiên, chúng tôi chỉ cần đi học cho đầy đủ mà không phải nộp tiền gì cả. Rồi đột nhiên, sau ngày hôm ấy, nghe mấy đứa lớp khác nói thầy bị ốm nên không thấy đi dạy nữa. Đến hôm chúng tôi có tiết Toán, vẫn không thấy thầy lên lớp. Bạn lớp phó hớt hải chạy vào "Tụi bây, tụi bây, ông thầy mình vào viện rồi, bữa nay lớp mình trống tiết Toán!"Chẳng biết tâm hồn thơ trẻ lúc ấy nghĩ thế nào, chúng tôi nhảy cẫng lên hò reo sung sướng vì được nghỉ hai tiết Toán, đứa nào đứa nấy chạy ào ra sân trường tiếp tục mấy trò chơi nhảy dây, đá cầu quen thuộc. Đến tiết tiếp theo, dù gần đến ngày thi, chúng tôi vẫn vui mừng vì lại được nghỉ tiết. Thật ra, tôi cũng có nghe lớp trưởng nói loáng thoáng qua về việc sẽ vào viện thăm thầy, nhưng ngặt nỗi nhà thầy ở xa quá, nếu đạp xe lên tận thì trấn những mười mấy cây số sợ xe cộ nguy hiểm, ba mẹ chúng tôi thì đều bận cộng việc đồng áng không thể đưa đi được. Mà có muốn đi cũng đâu có thời gian, gần thi học kì rồi còn bao nhiêu môn chưa học. Mấy cái đầu óc non nớt lúc đó chỉ nghĩ thầy bị bệnh rồi sẽ khỏe lại, sẽ đi dạy và ôn tập cho chúng tôi nên chẳng có gì phải lo lắng.


Một ngày mùa hạ cuối năm vẳng tiếng ve sầu kêu ran trên những chùm hoa phượng vĩ đỏ thẫm, lớp tôi vừa học thể dục xong chuẩn bị vào lớp thì thấy có mấy đứa đứng túm tụm trước văn phòng. Bản tính tò mò tôi cũng chạy lại xem, bỗng nghe tin sét đánh "Thầy Hùng mất rồi! Mới mất hôm qua, do bị tai biến." Tai tôi ù ù, tôi hét thật lớn bảo không tin, tôi không tin thầy đã chết, không tin là mình không bao giờ đcòn ược gặp lại thầy! Nhưng sao chân tôi như muốn khụy xuống, xung quanh, tiếng khóc lóc thảm thiết của đám bạn cùng lớp có, khác lớp có cứ ù ù đi như có hàng ngàn con ong bay vo ve trong tai. Rồi mưa ập đến, tôi chỉ biết đứng trong màn mưa, hai mắt đẫm nước...


Thầy tôi bị tăng huyết áp, phải nhập viện. Sau bốn năm ngày nằm viện, thầy đã hồi phục chỉ chờ chiều hôm đó xuất viện. Người nhà đưa thầy đi dạo ngoài hoa viên bệnh viện vài vòng thì thầy kêu mệt, vào giường nằm. Khi bác sĩ vào kiểm tra lại lần cuối trước khi cho thầy xuất viện, mới phát hiện thấy thầy Hùng đã tắt thở tự bao giờ.


Nghe đến đây, đứa nào trong chúng tôi cũng gào lên đau đớn trong niềm tiếc thương vô hạn và một chút hối hận vì những lỗi lầm trẻ con đã gây ra với thầy, vì sự vô tâm hờ hững bao ngày qua của những con tim thơ dại. Thầy đã ra đi rồi đó, sẽ chẳng còn nhìn thấy bóng dáng ai bước đi nhanh nhẹn với dáng khòm khòm, cần mẫn xách chiếc cặp sờn cũ đến lớp. Ngày hôm sau, bất chấp bài vở còn chồng chất, cả bài vở môn Toán còn chưa kịp giải, mấy đứa bạo gan rủ nhau đạp xe lên nhà thầy, phải thấy thầy tận mắt chúng tôi mới dám tin là thầy không còn nữa. Tôi còn nhớ như in hình hài thầy tôi nằm đó, trên chiếc giường trắng, vẫn còn mặc bộ đồ trắng của bệnh viện, gương mặt vẫn hiền hòa và thanh thản như đang nằm ngủ.


Khi ấy, chúng tôi đều hiểu rằng tuy bình thường thầy hiền lành là vậy, thầy ít nói là vậy, tuy lũ học trò nghịch ngợm vẫn hay trêu chọc thầy là vậy, nhưng tận sâu đáy lòng đứa nào cũng kính trọng thầy vô cùng. Chúng tôi, tất thảy đều đã xem thầy như cha ruột của mình, dù không nói ra, chúng tôi biết rằng thầy cũng xem đám học trò của mình như con đẻ. Thầy biết chúng tôi còn con nít lắm nên mới thích quậy phá thế thôi, thầy có rầy la chúng tôi bao giờ. Nhưng, giá mà thầy từng một lần la mắng, một lần than phiền về chúng tôi, để giờ đây gương mặt hiền từ và nụ cười ấm áp của thầy đã không ám ảnh trong đầu tôi mãi về sau! Sao thầy hiền quá, thật thà quá, mà lại ra đi sớm quá!


Tôi nhớ về thầy, về những kỉ niệm đã nhạt nhà đi trong một cơn mưa rào đầu hạ. Còn một điều nữa, mà đến giờ tôi mới hiểu. Chẳng phải thầy ra đi vì lâm bệnh đột ngột đâu, thực ra thầy đã phát bệnh từ hồi giữa học kì Hai năm đó cộng với lao lực cực nhọc trong việc dạy học mới khiến thầy ra đi sớm như thế. Thảo nào thầy hay lên lớp với gương mặt mệt mỏi, thi thoảng hơi nhăn nhó và ít cười hơn hẳn, ai biết đâu khi ấy cơn đau đang hành hạ mà thầy vẫn cố gượng bước trên bục giảng để mang đến kiến thức cho chúng tôi. Con chỉ ước thầy hãy sống lại dù chỉ một phút giây mà nghe lời cảm ơn về tất cả những gì thầy đã làm cho con, và cũng cầu mong thầy tha thứ cho đứa học trò dại dột bé bỏng này về những phút bất kính với thầy con vô tình phạm phải, nào biết đâu có thể khiến cho thầy buồn... Thầy có còn giận con không?


Quy Nhơn, ngày 17/10/2014


* Viết cho người thầy yêu quý nhất của con, thầy là người mà con mãi mãi biết ơn và kính trọng nhất. Mong thầy yên nghỉ...


 
2hi.us