Disneyland 1972 Love the old s
Đối Tâm

Đối Tâm

Tác giả: Sưu Tầm

Đối Tâm

Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của bạn, bằng cách này hay cách khác chính bạn cũng sẽ thực hiện được điều đó miễn là đừng viển vông, ảo tưởng!


***


Tên cô gái - Đối Tâm. Cô sống, học hành và làm việc ở thành phố này đã ngót bảy năm, bảy tháng. Cô sống trong một phòng trọ mười mét vuông với em trai.


Em cô ở đây chắc được mười năm không lẻ. Nó đi học đại học và làm việc tại thành phố luôn, nghề của nó không phù hợp ở quê. Nó kém chị nó ba tuổi, hai tuổi chuột, mèo xung khắc nhau ấy vậy mà nhường nhịn nhau cũng ngần ấy thời gian êm ấm. Có lúc tưởng như chia ra ở riêng với bạn nhưng Đối Tâm không đồng ý nên kéo dài tới giờ.


Đối Tâm


 


Thằng em vừa mới kết hôn, mua được chung cư nên dọn ra ở riêng còn lại mình Đối Tâm. Có lẽ quen với cuộc sống một mình nên cô cũng chẳng muốn ai ở ghép với mình, mặc dù cô có vài đứa em họ học gần đó. Hồi còn thằng em sống cùng, nó cứ đi Hà Nội, Đà Nẵng...công tác dài ngày suốt, ở nhà một mình, ăn cơm một mình riết thành quen. Đôi lúc có những buổi tối trắng đêm không ngủ được vì sợ "ma", cô lại mở đèn sáng choang, mở nhạc nho nhỏ đủ nghe, có khi nghe kinh. Người ta nói "ma" rất thích nghe kinh, cứ mỗi lần như vậy cô thấy yên tâm trong lòng một chút, rồi chợp mắt nhưng một lát lại giật mình ngồi bật dậy như gắn lò xo dưới mông vậy, rồi cô lia ánh mắt khắp phòng. Không biết là ảo giác hay là thật mà cô cứ thấy đồ vật di chuyển , thật kinh khủng. Rồi cô quyết định xem phim Hàn Quốc , Trung Quốc hay Thái Lan gì đó cho đến năm giờ sáng mới đi ngủ. Khoảng hơn bốn giờ tiếng chuông nhà thờ vang lên và một lát sau cô mới tắt màn hình máy tính đi ngủ. Cô thiếp đi trong mệt mỏi vì thức đêm. Nếp nhăn và tính tình khó chịu từ đó mà ra cả.


Cũng giống như bao người khác cô cũng có ước mơ nhỏ rồi ước mơ to. Thời gian trước lúc còn ở quê ước mơ to nhất của cô là được đi học. Thậm chí nằm mơ cô cũng thấy mình được đi học. Với người khác không biết thế nào nhưng với cô là một khao khát không kiềm nén được nó cứ thôi thúc cô. Nhưng khổ nỗi ngày xưa khi nghỉ học dang dở cấp hai chưa tốt nghiệp, mà ở quê làm gì có dạy bổ túc thế là giấc mơ tan tành, cô cũng đau khổ dằn vặt dữ lắm một thời gian. Ngày đó, thời gian trước vì gia đình cô đông con , ba má chật vật lắm mới có được cái ăn cho bốn đứa nhỏ cập kê tuổi đang lớn. Cơm thì bữa cơm trắng với nước mắm mỡ hành thơm lựng, ấy vậy mà bốn đứa ăn lấy ăn để một cách ngon lành. Đứa nào sức khỏe cũng tốt, chắc nhờ trời thương. Ba má làm lụng quần quật quanh năm với ba sào đất thổ trồng trỉa . Đến khi thu hoạch cũng chẳng nhiêu đồng, cộng với vườn chuối trong nhà năm, bảy ngày được buồng chuối đem chợ bán tầm ba, bốn chục ngàn gì đó. Má đâu dám mua gì, chỉ mua một ít cá nục, mua gói thuốc lá cho ba, một gói kẹo cà bọc trong gói lá chuối khô đem về cho mấy đứa nhỏ. Má phải để dành ít tiền phòng đau, ốm với đóng tiền học cho bọn trẻ. Ba cô bản chất hiền lành ít giao du với ai, cũng chẳng la cà quán xá nhưng có một tật là uống rượu. Thỉnh thoảng những cơn say của ông làm cả gia đình rối loạn, hàng xóm được phen lời ra tiếng vào, mỗi lần như vậy má cô ôm mặt khóc đòi chết lên chết xuống cho xong. Còn mấy đứa nhỏ thì béng mảng đi chỗ khác trốn chứ đứa nào dám đến gần. Không biết quá khứ ông đã tổn thương sâu sắc điều gì mà ông đã mượn rượu để giải sầu suốt thành nghiện không bỏ được.


Và cô chán, chán cái cảnh như vậy nên cô bỏ học và quyết định đi làm thuê làm mướn ở Tây Nguyên. Chị cô không sống với ba má cô, từ nhỏ chị ấy ở với chú thím vì họ không có con. Họ lấy nhau mười mấy năm vẫn không con, nghe đâu ông chú không sinh được thế là họ xem chị cô như con ruột của mình. Họ sống ở thành phố nhưng cuộc sống cũng chẳng khá gì, hai vợ chồng làm lụng tần tảo mua được căn nhà nhỏ với chiếc xe máy. Hàng ngày chú cô đi làm ở công ty với đồng lương còm cõi, bà thím mở một quán cà phê nhỏ và chị cô phụ bán với bà.


Đối Tâm nghỉ học khi đang lớp tám, ban đầu má cô không đồng ý nhưng cô thuyết phục l: "gia đình mình khó khăn, con phải đi làm phụ ba má nuôi em". Được sự đồng ý của ba má, sau đó một ngày cô rời quê lên ở với chú thím để xin đi làm xưởng gỗ . Công việc ở xưởng gỗ cực nhọc một phần, một phần bị những đồng nghiệp cũ chèn ép, chơi xấu đủ điều. Nhưng người tốt hẳn sẽ có người giúp đỡ, cô được một số đàn chị có máu mặt trong xưởng thương chỉ nghề cho. Bên cạnh đó, một quản đốc xưởng trạc tuổi ba cô với khuôn mặt phúc hậu, tính tình ôn hòa rất thương cô, luôn nhắc nhở chỉ bảo tận tình trong công việc, đôi lúc cô không tránh được sai phạm và bị chú Tú quát mắng là cô lại trốn trong một xó nức nở khóc . Vì tính chất công việc, buổi sáng cô phải đi làm từ năm giờ đến tận khuya gần mười giờ đêm mới về đến nhà. Công việc cứ thế trôi chảy được một năm sau vì lý do sức khỏe nên cô buột lòng phải nghỉ làm ở đó. Mỗi đêm trở về nhà cô đều không ngủ được vì không thở được. Hàng ngày cô cũng như các công nhân khác hít rất nhiều bụi gỗ, keo dán gỗ nên cô bị viêm phổi cấp tính, phải chữa trị gấp. Không làm ở đó nữa người cô nhớ nhất là chú Tú, chú là một người đàn ông tốt, đã dẫn dắt cô vào nghề còn bảo vệ cô khi có những người khác ức hiếp. Tự sâu thẳm trái tim cô cảm kích và rất biết ơn chú suốt thời gian làm việc ở đó.


Sau khi phụ bán với thím, bà cho chị cô ra bán một quán cà phê nhỏ ở trong chợ. Quán tuy nhỏ nhưng rất đắt khách vì thế mà cô ở đó để phụ chị, mỗi tháng chị gửi tiền về quê cho ba má nuôi em. Thoắt bốn năm trôi qua ở Tây Nguyên, lần này cô về quê chơi thăm nhà hay tin bà chị họ mở trường mầm non dạy học ở thị trấn. Họ nói với ba má :"nếu được thì chú thím cho Đối Tâm tới trường làm", họ để dành cho một chỗ làm " cô giáo". Ừ thì cô giáo nhé ! Vậy là cô không lên Tây Nguyên nữa mà ở lại quê để làm "cô giáo" mầm non. Vì trường của chị họ mới mở ra nên tất cả đều mới mẻ từ hiệu trưởng, cô giáo, nấu ăn, bảo vệ...và các phòng học, học sinh đều mới. Mọi thứ đều sáng sủa và sạch sẽ. Những cô giáo học trung cấp ra trường tuổi còn rất trẻ, mười chín đôi mươi. Cô làm ở đó và được học hỏi rất nhiều cũng chịu ấm ức không kém rằng được vào làm là do " bà con" chứ học chưa hết cấp hai thì làm gì biết dạy. Dạy được hay không là do kinh nghiệm thực tiễn, bằng cấp là do quá trình học lý thuyết, cô chỉ thua họ cái gọi là bằng cấp. Đó là nỗi khổ tâm lớn nhất của cô, cô đã chạy hỏi rất nhiều nơi xem có dạy bổ túc cấp hai không nhưng hầu như đều lắc đầu.


Nhà cô và chỗ làm cách nhau ba cây số nhưng cô không về nhà mà ở lại nhà chị họ. Nhà chị họ cô làm nghề và cô xin một xuất tối để học, làm thêm để có thêm thu nhập. Phần thì muốn mua chiếc xe máy với để dành tiền cho em cô vì nó sắp vào đại học rất cần tiền. Ba má thì chỉ lo được ba bữa là tốt lắm rồi làm gì có dư, mỗi khi có đám tiệc gì cũng chạy mượn hàng xóm hoặc bên phía ngoại rồi trả sau khi bán chuối hay lúa gì đó. Cuộc sống quả thật rất chật vật. Cô làm ở đó cũng đâu được bao nhiêu tiền, người có bằng trung cấp được bốn trăm ngàn , người không có bằng được ba trăm không mẻ một xu. Cái thời năm 2002 - 2003 nhiêu tiền đó là nhiều rồi.


Làm thêm buổi tối được nhiều tiền hơn nhưng công việc không ổn định có hôm làm, hôm không. Có khi việc nhiều phải làm ba - bốn giờ sáng mới đi ngủ. Khi đến trường cô luôn trong tình trạng thiếu ngủ . Hàng ngày tiếp xúc với bọn trẻ có nhiều điều thú vị nhưng cũng không kém phần gay cấn giống trong phim. Người ta nói dạy mầm non giống như làm dâu trăm họ vậy. Thật vậy đấy, có ai vào ngành đó mới thấy hết nỗi thống khổ. Bọn trẻ có đứa hiếu động đến hông chịu được, có đứa trầm tính nhưng đa phần đều nghịch ngợm. Chúng còn nhỏ giống như tờ giấy trắng, mọi thứ đều phải dạy từng li từng tí một. Làm việc, dạy dỗ đến trưa chỉ muốn được nghỉ lưng một chút thì đứa này khóc đứa kia đi ị bậy trong phòng, phải lau chùi dọn dẹp . Chiều trả cháu chỉ mong mọi chuyện yên bình hễ mà có bé nào bị bạn cào vào mặt hay chân tay thì thể nào cũng bị phụ huynh giáo huấn một trận. Họ nói tiếp với hiệu trưởng là bị hiệu trưởng hát nghe tập hai. Đâu chỉ vậy, trẻ con dễ bệnh, có những bé bị sốt cao lên cơn co giật là bắt đầu cô giáo cũng hồn vía phách lạc luôn, mỗi lần như vậy là mặt mày cô tái mét, miệng lắp bắp không ra tiếng, sợ đến nỗi nấc lên không nói được lời nào. Vì mọi thứ là lần đầu với lại yếu bóng vía nên cô cứ luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi suốt.


Tuy là làm dâu trăm họ thật nhưng thời gian làm ở đó vui và ý nghĩa lắm. Cô học hỏi rất nhiều thứ, được chơi với bọn trẻ nên trong lòng cũng thoải mái chỉ có khổ với công việc. Mỗi năm cứ đến dịp 20/11 là trường tổ chức ca múa nhạc, cô nhớ nhất là lúc mình hóa thân thành ông đồ dạy cho đám học trò học nhưng trên bàn có một đĩa bánh mật, ông không dạy cũng chẳng phát cho học trò cái nào mà ngồi ăn ngay trước mặt bọn chúng. Ăn hết banh, còn cái đĩa dính mật ông liếm luôn cái đĩa sạch trơn . Tiết mục kết thúc, được mọi người tán thưởng , hò hét quá chừng. Mỗi lần bên đoàn xã tổ chức ca hát nhân các ngày lễ, trường cũng cử cô tham gia ca hát, thế là cô ra sức tập hát tập múa, đủ thứ chuyện cả. Đó là những kỉ niệm đẹp trong quãng thời gian làm " cô giáo" mầm non của Đối tâm mà mãi đến giờ mọi thứ như mới hôm qua.


Nhưng, sau bảy năm hoạt động nhà trường quyết định đóng cửa vì làm ăn không có lãi , thế là mỗi người lại phải tự tìm cho mình một hướng đi riêng. Có ngườ ra mở riêng để dạy, có người xin vào các trường nhà nước, có người lại đi học tiếp và Đối Tâm đã quyết định đi Sài Gòn - một thành phố hoa lệ....................


"Từ nay con không đủ khả năng để chu cấp tiền cho Minh ăn học nữa, ba má tự lo cho nó, con phải vào Sài Gòn còn chưa biết cuộc sống ra sao, mong ba má đừng có buồn. " Chỉ vỏn vẹn vài câu trước khi rời quê để tiếp tục nơi đất khách quê người. Khi ra đi, cô không nghĩ cuộc đời lại thay đổi theo hướng tích cực như vậy. Khi quyết định đi cô đã khóc một ngày và ngồi ngoài nắng để trách ông trời sao lại chặn mất lối đi trước mắt của cô .Trước đó cô và chị họ xảy ra mâu thuẫn nên cô không về nhà chị họ ở nữa mà ở hẳn lại trường để làm việc. Chị họ biết cô chuẩn bị đi Sài Gòn nên đã gọi cô đi uống nước để trò chuyện :


- Em ở lại làm với chị, chỉ bé Ngân - con gái chị học . ( Đối Tâm rất thương con bé và ngược lại con bé cũng quý Đối Tâm nhất ), có cơ hội chị mở một lớp giữ trẻ gia đình cho em làm, đừng đi xa như vậy , em có biết gì ở đó đâu ?


Cô im lặng, chị tiếp :


- Ở lại với chị giúp chị đi chợ, nấu cơm, dù sao chị chỉ tin tưởng em chứ có nhiều người vào làm rồi cũng nhanh chóng ra đi, như em thấy đấy !


Cô im lặng hồi lâu, rốt cuộc cũng nghe giọng nói của cô


- Dạ, em cảm ơn chị suốt thời gian qua đã giúp em rất nhiều


Chị họ xen vào: - Có phải vì chuyện chị giận em lâu nay không? Chị với anh Bình - chồng chị vẫn thường xuyên cãi nhau rồi sau đó vẫn làm lành, có gì đâu mà em phải suy nghĩ. Bỏ hết đi, ở lại với chị, em đi bé Ngân sẽ nhớ em lắm!


- Dạ, em biết. Nhưng em đã quyết định đi rồi. Vì thế xin chị đừng khuyên em nữa. Em thật sự xin lỗi vì đã làm chị giận và em cảm ơn anh chị đã giúp em rất nhiều.


Cuộc nói chuyện diễn ra không có kết quả như chị họ mong đời. Tưởng đâu sau khoảng sáu tháng chị giận cô rồi giờ nói chuyện với cô, cô sẽ hồi tâm chuyển ý, nhưng cô vẫn quyết định ra đi.


Làm sao ai biết được cô đã tổn thương thế nào trong thời gian chị giận cô, chị không nói một câu nào, không thèm nhìn cô. Chẳng thà cô sai gì thì cứ nói sao phải dùng điều đó để làm cô tổn thương đến vậy. Sau này Đối Tâm mới nghe cô họ tức là mẹ chồng của chị đã nói: "Hôm chủ nhật vừa rồi sao con không ở nhà giúp con Viên nấu cơm, đi chợ, mà con đi đâu thế? Để nó đi công việc về gần đến trưa mà không có cơm cho thợ ăn, nó đã cằn nhằn rất nhiều với cô, với thằng Bình". Cô nói: "Vậy hả cô, bữa đó con đi về nhà con". Chuyện chỉ có vậy mà giận như thế ai chịu được. Người ta nói bạo lực gia đình không phải là đánh đập mà là sự im lặng, chị cô đã im lặng một cách đáng sợ. Bình thường khi cô và chị chưa cãi nhau, thỉnh thoảng cô thường mè nheo chị điều này điều nọ. Vì cô thương chị và cảm kích chị nhiều lắm nên mỗi cử chỉ trên nét mặt của chị dành cho cô không vui cũng khiến cô buồn và lo lắng. Cũng có thể vì chị giận lâu vậy nên cô tổn thương và tự ái, niềm kiêu hãnh của một đứa con gái đôi mươi không thể quay về nơi đã từng làm mình tổn thương nên cô quyết định ra đi là cần thiết cho lúc này. Cô tự hỏi:


- Tâm à, giờ đi Sài Gòn làm gì, ở đâu làm sao sống những ngày sau, phải làm sao đây, sao tương lai như mờ đi trước mắt ?


Cũng may khi ra đi cô có được một ít tiền để dành, vào Sài Gòn cô sống nhờ nhà bạn vài ngày ở Bình Dương. Sau đó em trai gọi cô đến sống cùng và hai chị em đi thuê nhà, là phòng trọ mà cô hiện giờ đang ở. Cuộc sống mưu sinh ở một nơi hoàn toàn xa lạ quả thật rất khó khăn. Cô đọc báo mua bán và tìm được việc làm bán thời gian, sau đó cô quyết định đi tìm trường để học tiếp tục chương trình dang dở. Cuối cùng cũng tìm ra trường thích hợp cho cô, ở cái tuổi hai mươi lăm thì ngôi trường này là lựa chọn duy nhất.Cô bắt đầu nhập học và đổi công việc làm để phù hợp với việc học vì với cô việc học là quan trọng nhất.


Hai chị em đều học và hai chị em đều đi dạy thêm. Số tiền dạy thêm ít ỏi, còm cõi chỉ đủ trả tiền nhà mỗi tháng. Hàng ngày ăn uống rất kham khổ, thiếu thốn, quần áo sờn cũ cũng đâu dám mua. Bà chủ nhà thường xuyên qua nhà nói to nói nhỏ:


- Bây giờ hai chị em bay sao ., chứ tao thấy hay là tụi bay trả nhà để tao cho người khác thuê. Tụi bay làm gì mà trễ tiền nhà cả nửa tháng không trả.


Lúc này Minh - em cô nói:


- Cô ơi, cô ráng con vài bữa nữa nhận lương con gửi cô, tại tháng này sao chị mẹ bé Hân vẫn chưa gửi tiền cho con ạ !


Cô chủ nhà nói :


- Tao , là tao thấy chị em mầy ăn ở hiền lành nên tao cho ở vậy chứ nãy giờ mà láo cá là hai chị em mầy dọn đi từ lâu rồi, biết chưa ?


Em cô tiếp:


- Dạ, dạ con biết rồi cô. Cô thông cảm cho chị em con, tại hai chị em phải đi học nữa nên mới có thiếu một chút. Cô vui vẻ nha cô !


Đó là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất trong quãng thời gian đầu cho tới khi thằng Minh ra trường đi làm. Quãng thời gian đó với cô là địa ngục trần gian. Phải mà, muốn nếm trái ngọt phải trải qua cay đắng, đau thương. Không biết có bao nhiêu người thống khổ với nỗi khổ của cô khi phải dắt bộ gần tám cây số trong khi trời mưa tầm tã, chẳng thấy ai hỏi " chị ơi có cần tôi giúp gì không? " Cô tự hỏi, liệu Sài Gòn này người ta có còn mở rộng lòng từ bi bát ái để giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn ? Giá như giờ này có ai đó đẩy xe giúp cô thì cô sẽ cảm kích đến rơi nước mắt.


Chuyện đôi lúc không có hai ngàn là chuyện bình thường, ngày trước vé xe buýt ba ngàn mà cô cũng không có để trả xe buýt, cô đành đi bộ từ chỗ dạy về nhà. Những điều đó chỉ là nỗi khổ nhỏ của những người tha hương cầu thực thôi, còn ti tỉ chuyện trớ trêu khác mà mấy ai hiểu thấu. Kêu trời trời không thấu, kêu đất, đất không nghe .


Rồi em cô cũng ra trường đi làm, cuộc sống của hai chị em được cải thiện. Thằng Minh đi làm lương tầm năm triệu không nhiều nhưng đủ chi tiêu và trả dần tiền vay sinh viên khi nó còn đi học. Còn Đối Tâm, công việc cô cũng được tăng lương nên cảnh dắt bộ vì hết xăng, xẹp lốp xe không còn nữa. Em cô ra trường hai năm và đổi việc tại một công ty nước ngoài, đây là thời gian thằng Minh gửi tiền về quê cho ba má. Còn cô cũng tốt nghiệp lớp mười hai với tấm bằng khá.Cô cũng thi đại học nhưng trượt và cô học trung cấp chuyên nghiệp tai một trường uy tín. Những năm đi học, cô quen được rất nhiều người nhưng chỉ là những mối quan hệ chị em đơn giản, cười, nói khi gặp nhau không thân thiết lắm. Trải qua nhiều sóng gió cuộc đời, cô giờ đây đã chai sạn hơn trước.Nhìn người còn phải xét đoán, cẩn thận. Cô ít nói, ít cười bề ngoài có vẻ lạnh lùng nhưng khi chơi thân mới biết cô là một người nhiệt tình, trung thành với bạn bè. Nói đến bạn bè cô mới thấy bẽ bàng cho tình bạn hơn bảy năm của mình. Lúc ở nhà cô cũng có ba đứa bạn thân hai gái một trai , có hai đứa vào Bình Dương lập nghiệp, công việc ổn định có của ăn của để . Từ khi cuộc sống cô xuống dốc tụi nó cũng biến mất xác chẳng thấy ai hỏi han quan tâm gì. Dù cuộc sống khó khăn nhưng đến sinh nhật mỗi đứa cô đều tặng quà, không lớn thì nhỏ nhỏ cho vui, cho nhớ ngày. Nhưng nhiều năm nay cô không biết đến món quà sinh nhật dù chỉ là câu chúc. Bạn bè là để khi hoạn nạn có nhau chứ đâu chỉ để giúp thêm nụ cười vui thôi. Đúng là hoạn nạn mới thấy được tình bạn không ra gì. Và cô cũng thấy mình quá nghèo nên trốn luôn cho đỡ chua xót.


Giờ đây ngoài ba mươi, cô vẫn không yêu ai, vẫn một mình. Khi còn ở quê cô có thích một anh lớn hơn cô một tuổi và hai người đã thích nhau rất nhiều. Khoảnh khắc đó với cô đẹp đẽ đến nhường nào, cho tới giờ cô vẫn không sao quên được cảm giác đó. Hai mươi ba tuổi cô đón nhận nụ hôn đầu đời với trái tim rung động sắp rớt ra ngoài, một vài lần nắm tay, ôm nhau nhưng ấm áp , hạnh phúc. Ba tháng sau anh bỏ cô không lý do sau đó cô đau khổ rất nhiều, vì cô đã thích anh nhiều lắm, vậy mà !


Đã bao nhiêu năm rồi, không phải vì còn thích anh mà cô không yêu ai, mà vì trái tim cô không rung động. Cô cứ sống như vậy. Đôi lúc gia đình cô nhắc khéo, rồi em cô nói " chị lấy chồng đi cho em lấy vợ".Cô nói :" Ừ, để mai" để mai của cô là không có ngày, tháng, năm cụ thể. Rồi thằng Minh cũng lấy vợ, một cô gái gần nhà ở quê. Gia đình tuy không giàu nhưng nề nếp, hiền lành, chất phát. Con bé nhỏ hơn thằng Minh năm tuổi.


Cô ra trường hơn một năm mà vẫn chưa đi làm đúng ngành mình học. Mà giờ được mấy ai làm đúng ngành mình học đâu ? Cô vẫn đi dạy, đi làm thêm gì đó nếu cô thích. Cô là mẫu người không phải sống chết vì đồng tiền nên cô vẫn đang chờ một công việc đúng như cô nói " sống chết cùng nghề". Dạo gần đây cô phát hiện ra mình có nhiều năng khiếu nghệ thuật. Cô có thể vẽ chân dung của một người giống đế chín mươi lăm phần trăm, có thể đan khăn len rất đẹp, nấu ăn rất cừ ( điều này tất cả ai ăn món ăn cô nấu đều khen ngon). Những năng khiếu này có vẻ dành cho những cô gái dịu dàng, nhưng cô là một cô gái mạnh mẽ, cứng rắn, kiên định vì vậy mà mới có thể đi đến hôm nay. Cô có ba ước mơ lớn mà cô đang ấp ủ trong lòng và đang lên kế hoạch cho nó. Cô quan niệm, nếu điều ước mà nói ra nó sẽ không linh nghiệm nữa. Vì thế mà chỉ mình cô biết mà thôi. Cô là một người tin vào thế giới tâm linh, thỉnh thoảng cô vẫn đi chùa để lòng được bình an, thanh thản. Ngày trước cuộc sống khó khăn đôi lúc tưởng như chỉ chết đi cho rồi thì cô lại tìm đến chùa để nghe kinh, thuyết pháp. Đi lâu thành thói quen nhưng tần suất ít hơn vì cô bận đi làm. Những người quen nhận xét Đối Tâm có một bản lĩnh của một gã đàn ông mà ít ai có được. Từ sự kiên trì bên bỉ, thụ động nhưng kiên định của cô đã giúp cô vượt qua nhiều trở ngại trong cuộc sống.


Giờ đây cuộc sống của cô không phải là của một kẻ giàu vật chất, nhưng đây mới chính là cuộc sống thật sự, một cuộc sống đáng sống, đáng trân trọng. Mỗi ngày cô đều nhắc nhở mình " Tâm ơi, Tâm phải cố lên , cố gắng lên sống vui vẻ với mỗi giấy phút trôi qua, vì càng ngày mầy càng chạm đến cái đích cuối của cuộc đời rồi. Vì vậy muốn làm gì phải làm ngay hôm nay thôi !" Những câu độc thoại tâm của cô cứ diễn ra như vậy mà đã giúp cô đứng vững trên chính đôi chân của mình. Khi ra đi từ miền quê nghèo khó hành trang chỉ có hai bàn tay trắng. sau ngần ấy thời gian , giờ đây cô đã đạt được ước mơ to của bảy năm bảy tháng về trước. Tương lai phía trước là cô sẽ thực hiện ba ước mơ to của ngày hôm nay. "Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của bạn, bằng cách này hay cách khác chính bạn cũng sẽ thực hiện được điều đó miễn là đừng viển vông , ảo tưởng, tin tôi đi", cô nói.

2hi.us