The Soda Pop
Cô Tư

Cô Tư

Tác giả: Sưu Tầm

Cô Tư

Trong làng không ai là không biết chuyện của cô Tư. Cái chuyện xuất hiện trên mục tin tức nho nhỏ các báo về một người đàn bà bị hiếp dâm rồi sinh đứa con đầu lòng trong sự ghẻ lạnh của hàng xóm và gia đình vì không chịu phá cái thai đó. Cô Tư là người đàn bà phù hợp cho mẫu nhân vật phải chịu thua thiệt ngay từ nhỏ: hiền lành, ngu muội, dễ bảo, và nhất là không ý thức được cuộc sống xung quanh. Bố mẹ cô bán niêu đất, 8 ngàn cái nhỏ, 14 ngàn một cái lớn, họ sống trong căn nhà lụp xụp ngoài rìa làng, năm ngoái họ được rút ra khỏi hộ nghèo nhưng điều đó chỉ làm cuộc sống của họ tồi tệ hơn.


***


Chuyện xảy ra vào năm ngoái, cô Tư đi coi lúa buổi tối rồi bị một thằng say xỉn nào đó hiếp dâm. Khi công an xã kêu lên làm việc để tìm nhân dạng thì cô chịu, không nhớ gì cả, ban đầu mọi người xót thương cho cô, ai cũng bảo nghèo mà còn gặp eo, cha mẹ cô đi đâu cũng bảo cái số nó khốn nạn, sau đó người ta chửi cô ngốc nghếch, không nhớ mặt thì ít ra cũng phải nhớ đặc điểm gì của nó chớ, hay lúc đó sướng quá rồi không biết cái gì nữa. Cha mẹ cô bảo đi phá cái thai cô lại không chịu. Năm đó cô đã 34 tuổi rồi.


Cô Tư


Nhà cô Tư cách nhà tôi một cây cầu, đi qua một cái mương nhỏ. Thuở trước cô ở đợ cho nhà tôi, chủ yếu là cắt cỏ cho trâu ăn và đổ nước vào một cái thùng chứa lớn, vài việc tẻ nhạt nhưng cần sự kiên trì. Mẹ tôi quý cô nên dù hai người cách nhau tới 20 tuổi mẹ vẫn xưng chị em và bắt tôi gọi bằng cô Tư. Cô Tư hơn tôi 14 tuổi, gầy tong teo, ngực lép như cá khô, cô chăm tôi từ nhỏ, mỗi khi thầy mẹ tôi có việc lên tỉnh, tiền công rất rẻ mạt, vài ba con cá vụn, dăm miếng da cóc hay quần áo nhà không ai dùng tới nữa. Vì cô dễ bắt nạt nên mẹ tôi mới quý. Hồi nhỏ tôi ốm yếu, lại hay khóc vặt, thầy mẹ tôi chỉ có mình tôi là con trai nên hết sức phiền hà, bà mụ nói tôi sinh vào giờ diêm vương, không hiểu tính theo cách gì đại khái là thầy mẹ phải cưới vợ trước khi tôi tròn 20 nếu không sẽ chết sớm nên lúc tôi mới năm, sáu tuổi mẹ tôi đã có ý dòm ngó các cô trong làng. Ở quê người ta tin mấy chuyện mê tín này lắm.


Việc sinh ra với cái ý tưởng là mình phải chết sớm không làm tôi phiền muộn nhiều bằng việc phải lấy vợ sớm. Năm 19 có lẻ, tôi nên duyên với một cô nhà bán vải, cô mới 17, con gái đang thì, tôi thì mê thơ văn nên bỏ bê vợ, hai vợ chồng trẻ con lắm. Cưới xin cứ gia tiên với hàng xóm là đủ vì cô vẫn chưa tới tuổi kết hôn. Hôm đó cô Tư có qua phụ, với cái thai đã ễnh lên, mặt cô xanh xao vì ốm nghén, dáng đi lật đật khổ một đời. Mẹ tôi xót, bụng lớn thế rồi còn qua đây làm gì cho khổ thân, lỡ việc gì có chết không. Cô cười cười hôm nay anh Lớn lấy vợ, nhà có mấy người đâu, em không qua sao đành. Rồi cô lăng xăng nơi xó bếp,chả ngước mặt lên nhà trên được giây nào, người ta ăn uống xong cô dọn dẹp rồi mới ra về. Mẹ tôi gởi cô hai đòn chả giò, một lạng thịt mỡ, một vung xôi gấc, một gói mè xửng, bảo tôi đưa cô qua cầu, tiện thể đi mua bóng đèn thay ngoài chuồng trâu. Tôi nhăn nhó hỏi sao mẹ không bảo cái Hoa ấy. Cái Hoa là vợ mới cưới của tôi. Mẹ tôi trừng mắt. Cô Tư lắc đầu thôi thôi chị ạ, em về một mình có sao đâu. Nói rồi cô cắp giỏ bước vội ra cửa. Tôi nhăn nhó đành vội bước theo. Cô thở dài:


- Cậu theo tôi làm gì?


Tôi im lặng. Giữa trưa tháng sáu nắng chói chang, gió ngoài đồng thổi vào người mát rượi, dưới cây cầu dòng nước như nghiêng đi, xung quanh chúng tôi là màu vàng bát ngát bao trùm của lúa. Tôi buột miệng:


- Cô Tư này, cảnh này làm tôi nhớ đến bài thơ "Lời Ru" của Phan Thanh Minh ghê!


Nhân có hứng tôi đọc luôn mấy câu:


- Trĩu vai mẹ gánh lúa vàng / Chị ru em ngủ nồng nàn ca dao / Ướt gầy bóng nhỏ xanh xao / Mưa ơi, nhẹ hạt kẻo đau mẹ già...


- Cậu Lớn nói với tôi mấy cái này làm gì, tôi có hiểu đâu...


Tôi ngượng ngập quay đi:


- Thì hồi nào giờ tôi cũng chỉ nói với cô chứ có nói được với ai đâu, tôi đâu bạn bè gì nhiều, thầy mẹ tôi vốn không thích tôi theo nghiệp đòi văn chương, với họ mấy cái đó khác gì xướng ca vô loài.


Cô chậc lưỡi:


- Anh chị Cả Lãm làm vậy là đúng, tôi học ít không biết nhiều không có tư cách nói cậu nhưng mấy cái bài thơ văn cậu đọc cho tôi nào giờ đó tôi không thấy nó có công dụng chi cả, cậu nên dành thời gian coi sóc việc đồng áng cho bố mẹ cậu thì hơn, cậu cũng có vợ rồi đừng có chơi bời nữa.


Tôi đỏ mặt vì giận và xấu hổ:


- Cô thì biết cái gì? Nếu cô khôn lanh vậy sao cha đứa bé là ai cũng không biết? Cô có biết cái làng này nói gì không? Bọn họ nói cô bày chuyện để kiếm đứa con, chứ ai mà ngu đến nỗi đứa hiếp dâm mình cũng không nhớ?


Cô tái mặt vì sợ, lâu nay cô vẫn có cái kiểu đó, hễ ai nói nặng cô một câu cô im như thóc, không dám cãi lại. Tôi bực mình đi nhanh lên trước, cô vội bước theo sau. Đến đầu cầu tôi đưa tay cho cô nắm.Tôi nhìn cô:


- Tôi đi mua bóng điện, cô về đi!


Cô nghi ngại:


- Cậu Lớn! - Trước nay cô vẫn một hai gọi tôi bằng cậu. - Cậu có phải còn giận tôi chuyện đó không?


Tôi lắc đầu:


- Tôi xin lỗi, cô nói đúng, tôi không có tài, tôi không nên làm khổ thầy mẹ tôi theo cách này nữa.


Mắt cô buồn buồn:


- Tôi không nói chuyện này, tôi nói chuyện khác kìa... - Tôi im lặng - Cậu còn có tương lai, tôi không đành lòng nhìn cậu bị điều tiếng, vả lại anh chị cũng đối với tôi rất tốt, tôi...


- Cô biết đấy, tôi còn trẻ con lắm không phải chuyện nào tôi cùng hiểu, nên nếu tôi lỡ có làm cô buồn thì cũng vì tính cố chấp của tôi thôi... Khi nào cô sinh?


- Bà đẻ nói tầm 2 tháng nữa.


- Cô cũng nên kiếm lấy một người đi, tôi để ý thấy cái anh mổ thuê ở xóm trên có vẻ ưng cô đó, anh ta tuy một đời vợ lại có sắp nhỏ nhưng ảnh không ngại miệng đời, cô lấy anh ta chắc trông cậy được.


Cô cúi gằm mặt xuống, không nói gì.


***


Tháng 8 đứa bé chào đời. Mẹ tôi qua thăm, đem theo chục ký cam với lon sữa, khi về bà nhìn tôi thờ thẫn mấy lần nhưng không nói gì. Tôi cũng không nói gì. Thầy tôi còn bận công tác trên huyện chưa về nên mâm cơm chỉ có 3 người ăn. Vợ tôi im lặng xới cơm, mặt mày sưng sỉa, bình thường mọi ngày cô ta nói huyên thuyên bị mẹ tôi la suốt. Tôi cũng thây kệ cho yên thân. Ăn xong tôi lánh vào phòng đọc báo. Một lúc sau cô ta bước vào, giật tờ báo trên tay tôi ném xuống đất tru tréo:


- Giờ này còn ngồi đọc báo, anh có biết người ta đang đồn ầm lên ngoài kia không?


- Cô im đi một tí cho tôi nhờ, be bé cái mồm lại không mẹ nghe thấy bây giờ.


- Cái đồ vô lại nhà anh! Cái bọn ngoài kia chúng nói anh tằng tịu với cái đồ ngủ lang mà anh nói tôi im đi! Anh là đồ khốn nạn. Trời giết các người đi! Anh không ngủ với con nào lại ngủ với cái con đĩ đáng mẹ anh. Ối làng nước ơi sao tôi khổ thế này, giờ thì đẹp mặt chưa, tôi nhục nhã quá, để tôi chết đi cho các người vừa lòng rồi anh rước con mụ đó về làm bà lớn! Ông trời ơi ông cúi xuống đây mà coi này! Ối cha ối mẹ ơi!


Rôì cô ta dộng đồ đạc rầm rầm. Vừa dộng vừa khóc lóc tru tréo ỏm tỏi cả lên. Tôi nóng quá tát vào mặt cô ta một cái, thế là cô ả được dịp hét ầm lên. Gân xanh tôi nổi lên, tôi bước tới khóa cửa lại. Nhìn cô ta cười khẩy:


- Tôi mà không dạy cho cô một bài học thì cô không biết thân biết phận. Để xem cô còn lớn lối với ai nữa?


Liền sau đó, tiếng chân mẹ tôi chạy thình thịch, mẹ tôi đập cửa rầm rầm, chúng mày làm cái quái gì trong đó thế, mau mở cửa ra, tối rồi đừng để hàng xóm qua mắng vốn.


Chúng tôi lao vào đánh nhau.Vợ tôi cũng không vừa, cô ta dùng răng với móng tay cào cấu tôi, vừa cào vừa la oang oảng.


Mẹ tôi đứng ngoài ruột gan bầm tím, hốt hoảng:


- Cái thằng trời đánh. Vợ mày đang có thai mày biết không? Nó mà có mệnh hệ nào tao từ mày!


Tôi cứng người. Vợ tôi được dịp tát vào mặt tôi thêm phát nữa.


- Mẹ nói ra làm gì, cứ để nó giết con đi, đứa con trong bụng con anh ta không cần đâu, để 2 mẹ con tôi chết đi!


Tôi để im cho cô ta đánh. Cô ta đánh đã tay rồi tôi mới ra mở cửa cho mẹ. Ngay lập tức mẹ tôi nhào vào xem cô ta có sao không, sau quay sang tôi định trách móc nhưng vừa thấy mặt tôi thì cơn giận bùng lên:


- Sao mày đánh con bà nó không ra mặt người thế hả? Mày đánh chết nó thì lấy ai ở với mày? Nó chồng mày mà mày hỗn quá vậy. Nhà mày mẹ mày không dạy mày về làm dâu thì thế nào à?


Vợ tôi tấm tức khóc.


- Chứ mẹ nói con phải làm sao? Mẹ phải đòi công bằng cho con, con bỏ cha bỏ mẹ con về làm dâu cái nhà này, vậy mà giờ vì một con đàn bà lang chạ anh ta đánh con, anh ta coi con không bằng con kiến con ve...


Mẹ tôi đỡ vợ tôi dậy ngao ngán:


- Cô cũng vừa vừa phải phải thôi, cô không lo cho cô thì cũng lo cho cái thai trong bụng cô đi, nó là tiếng nói của cô ở cái nhà này đấy!


Bà quay sang tôi:


- Hôm nay nó ngủ ở phòng tôi, còn cậu đi dội cái đầu lại cho nguội bớt rồi bôi thuốc vào, các cô cậu lớn rồi mà làm trò hề quá. Việc hôm nay tôi không muốn nhắc tới nữa. Chuyện này đến đây là kết thúc, khi nào thầy các cô cậu về tôi sẽ nói lại sau.


***


Tôi không dám qua thăm đứa trẻ vì sợ điều tiếng. Một lần, ở phiên chợ huyện tôi gặp cô, cô bán gà con bằng giấy màu. Nhác thấy tôi cô vội cụp mắt xuống, quay đi. Cô lúc nào cũng khiến tôi tội nghiệp đến bực mình.


Tôi ngồi xuống gian hàng.Thằng con cuộn tròn trong lòng mẹ, cu cậu đang ngủ, mắt nhắm nghiền, ngón tay cái còn ngậm chặt trong miệng. Cô giải thích:


- Nó phải có hơi mẹ mới ngủ được.


Tôi gật đầu:


- Hồi nhỏ tôi cũng bị thầy tôi mắng vì bám mẹ suốt.


- Vâng.


Đầu cô cúi sát hơn, ai không biết chắc tưởng cô đang quỳ lạy tôi.


- Dạo này cô thế nào? Vợ tôi có thời gian gây chuyện với cô mà tôi không tiện can thiệp, cô cho tôi xin lỗi.


- Mợ Cả có gây gì đâu? Cậu đừng bận tâm!


- Sao mẹ tôi đưa tiền cho cô cô lại không nhận?


- Con tôi tôi nuôi phiền gì nhà cậu. Tôi không muốn nó thì tôi đã không để nó ra đời.


- Trong chuyện này thì cô là người bị hại. Cái đêm đó...


- Thôi cậu đừng nhắc nữa...Cha cậu đã xin lỗi tôi rồi, tôi cũng không muốn nhớ lại làm gì.


- Thầy tôi thật bậy quá. Có nói với cô cũng không hết tội. Mẹ tôi đến giờ vẫn chưa biết chuyện này. Cái đêm mà thầy tôi quỳ xuống xin cô đừng nói với ai, tôi đã thấy, từ đó giờ ổng cũng ít khi về nhà.


- Vợ cậu thương cậu lắm, cậu đừng để cô ấy buồn. Sáng hôm qua tôi thấy cô ấy địu con qua đò, trời nắng chang chang mà cô ấy ủ hết cái nón cho đứa nhỏ.


Tôi thở dài. Đàn bà dù thông minh hay ngu đần, nanh nọc hay hiền lành đến mức bị ức hiếp, dù ở thời đại này hay thời đại nào, đối với họ con họ vẫn là thứ quý giá nhất. Tôi buồn buồn:


- Hình như đàn ông sinh ra là để làm khổ đàn bà thì phải... Thôi, cô bán cho tôi hai con gà xanh đỏ này, chắc đứa nhỏ nhà tôi thích lắm...


 

2hi.us