Cải lạc loài
Cải lạc loài
Năm nay tôi hai mươi bảy tuổi, tôi biết đã muộn lắm rồi, ừ, muộn lắm, những vẫn phải trở về, cho một bắt đầu khác...
***
Bà già ngồi im lìm sau những đống cải khô, cái miệng thèm nhai trầu mà chẳng còn răng cũng im lìm, hai hốc mắt thầm lặng nhìn con đường phía trước mặt. Bà ngồi chờ chiếc xe tải cuối cùng, chất đống cải khô lên thùng để về làng. Từ đầu làng, bà sẽ đi bộ về nhà. Nhà bà chót vót trên đỉnh núi. Nơi ấy mỗi năm lại một mùa hoa cải. Rực rỡ.
Bà chờ hoa cải rụng, những chiếc hạt nằm căng mọng trong những chiếc quả giống như những lưỡi kiếm nhỏ đang muốn căng mình. Bà đi cắt, rồi phơi, khi những cành cải thơm ngái thì bà gom về, tết thành từng bó. Bà cất chúng trong căn nhà bé xíu được dựng bằng gỗ tùng vàng. Suốt cả mùa hè, bà ngồi nhìn đống cải khô vàng, bà ngủ trong lòng hương thơm nhẹ khiết của chúng. Rồi đến mùa đông, bà rời xa nó, bà đem chúng xuống chợ huyện, gửi bán cho người ta. Những chiếc hạt bé xinh sẽ được dịp bung ra, những lưỡi kiếm cũng vụn ra. Và hạt cải nảy mầm. Hoa cải của bà vàng tràn từ lưng chừng trời xuống mãi dưới bình nguyên, nơi những đứa trẻ mải mê đem tình yêu hoa vàng vào những câu thơ nhiều đến mức chưa bao giờ biết chán. Hoa cải như biểu tượng của thị trấn, người ta lần tìm đến nó cho mỗi năm một tháng ba. Bà tên Vịn, còn tôi gọi là bà nội. Bà nội không sống với ai, bà không thương nổi bố tôi, cũng chẳng cưu mang tôi. Nhưng mỗi khi cần lẩn trốn cuộc sống của mình, tôi về đây, sống với bà, với hương cải vàng, thơm miệt mài.
Tôi về nhà đúng bữa tan sương, đường về nhà cong như một nét phác thảo, hai bên là những tàng cây chó đẻ nở hoa tơi bời, những bông chín rụng bay tràn với gió, lẫn cả vào tóc, cắn nhẹ lên cổ áo. Thị trấn thay đổi nhiều, đường vào nhà bà nội bê tông nhựa đường cũng xấn xổ vào cả, chỉ mỗi bà nội là vẫn thế. Bà nhìn cái ba lô lấm tèm lem của tôi, nói lều phều, cái giọng toàn lợi và lưỡi: Tao mệt mày quá, mày lại lọ mọ về đây làm cái gì thế? Tao không có cơm có gạo cho mày đâu. Có khi nào mày mang được cái thân hình thơm tho tử tế về không hả? Đi ngay, đi ngay. Nói xong câu đó thì nước dãi bà đã nhểu ra, rồi kéo thằng cháu mất nết lết quết quần áo bẩn thỉu ngồi xuống, lấy cái nón quạt lẹt phẹt chả thấy gió chỉ thấy vướng và tay bà gầy nhẳng như cánh cò đói. Tổ sư bố chúng nó, nó lại hành con phỏng? Mệt bà quá, lần nào cũng hỏi, về ở với bà không được à? Thế thì tổ sư bố nhà mày, về được bao nhiêu hôm? Về khi nào bà đuổi thì đi. Thế thì mày đi ngay cho khuất mắt, bố tiên nhân ranh con. Mày làm sao mà đầu cắt trọc lốc thế hả? Cháu bị nấm tóc. Thế ai bắt mày để râu dài thế kia? Đứa con gái cháu yêu. Lại bị nó bỏ nó đi lấy chồng mất chứ gì? Giống hệt thằng bố mày... Thôi bà, bà để cho cháu yên, bà bán hết đống cành cải rồi à? Thế tao để làm thuốc chữa ghẻ chắc? Bà này, đã bảo để lại cho cháu một ít mà, nói bao nhiêu lần rồi, bực mình quá. Tổ sư bố ranh con, tao phải treo trên chái nhà ấy, không chuột nó cắn cho nhừ tử, ở đó mà bực mình. Thế dạo này có gặp lại con bé không? Bà hỏi con bé nào? Còn con bé nào nữa? Con bé đẹp người dẫn về đây rồi, hồi đó tao cứ tưởng là cưới nhau. Bà nói làm tôi khựng lại. Bà hỏi làm gì thế, nhiều chuyện quá. Lúc nào cũng là cái chuyện đó, mệt quá rồi. Bà ậm ừ, con bé đó xinh thật là xinh, mà sao... Mà sao tôi không giữ được em chứ gì? Ờ, ngày em về đây với tôi, gần như bà trẻ ra vài chục tuổi. Bà tíu tít lấy nước cho em rửa chân, bà nấu nước hoa cải cho em tắm, bà múc từng gáo nước ấm dội lên mái tóc em. Đêm ngủ trên giường bà nằm giữa, không cho tôi chạm vào người em. Với bà, em hoàn toàn trong sáng và tinh khiết. Nhưng chúng tôi có yêu nhau không nhỉ?...
Tôi nấu cành cải vàng, trộn vào cùng mùi lá bưởi và loài lá hong khô bà không cho gọi tên. Một nồi nước vàng hượm. Ngoài sân, trên cầu rửa, bà vẫn để chiếc chảo vạc lớn, dưới đáy có cái van nút bằng cuộn giấy nilon. Tôi gọi, bà ra tắm đi, trưa nắng tắm cho khỏi cảm. Bà ra đây cháu cọ lưng cho rồi tí nữa còn cọ lưng cho cháu chứ. Bà lụm cụm ngồi dậy, sống áo dềnh dang, tao chẳng biết còn sống bao nhiêu năm để mày về cọ lưng nữa. Lưng tao toàn xương ống, xương sườn, mày cọ nhẹ thôi chứ ông hộ pháp. Tắm xong bà thay bộ quần áo mới, trông hồng hào hơn. Bà đừng có mà bỏ trốn, phải cọ lưng cho cháu đấy. Để tao đi lấy nắm mùi khô, lưng mày vẫn còn mọc mụn phỏng? Hết rồi, cháu đi massage bọn tiếp viên rỗi việc nó nặn hết mụn rồi. Nó đấm bóp có bằng bà đấm cho mày không? Đàn ông con trai chúng mày toàn mất tiền nhảm nhí, vào những chỗ chẳng ra gì. Thế tí nữa bà massage cho cháu nhé? Bà bóp bằng cái dầu cây gì ấy, cây óc chó à, thơm ơi là thơm. Bà cười, thôi, tao mệt lắm, không đủ sức làm tiếp viên cho mày nữa đâu...
Trời mùa đông chiều xuống nhanh. Đêm đến trời giá và gió phả về từ những đỉnh núi, xuyên qua những ván gỗ. Nhưng căn nhà ấm sực mùi dầu thơm. Bà nằm trong lòng tôi, cọt kẹt trở mình không biết bao lần. Bà này, cháu ru bà ngủ nhé? Bà than, tao thèm miếng trầu quá. Nhưng mà bà làm gì còn răng mà nhai. Mày giã cho bà một cối, bà ngậm lấy cái hơi cho nó đỡ thèm. Mệt bà quá, rồi bà lại nhểu cốt trầu ra ngực cháu ý. Sư bố ranh con, cái mồm đầy cốt trầu này ngày xưa nhai cơm mớm cho mày đấy. Nhưng mà bây giờ cháu chỉ thích những đứa con gái có răng trắng đều, miệng thơm như cơm nếp nương. Nói thật đi, mày yêu bao nhiêu đứa con gái, mày ngủ với chúng nó bao nhiêu lần? Bà hứa là không đụng đến cái roi trên gác bếp nhé? Mày cứ kể đi, bà già rồi, bà không có hứa hẹn gì hết. Bà ngậm miếng trầu trong miệng, nhai chọt choẹt. Cháu yêu tám đứa, ngủ chín mươi chín lần rồi. Đứa nào ngủ nhiều nhất? Cháu quên rồi. Bọn nó đều xinh mà bà. Nhưng chuyện ngủ nghê nhiều khi nhạt nhẽo. Mày nằm đấy để tao đi thắp cái bóng đèn, đốt cái bếp lên, trời lạnh quá. Bà định làm cái gì đấy? Cháu đã nói là bà không được đụng đến cái roi mà. Bà vẫn đi thổi lửa bếp. Rồi bà rút cái roi xuống, hình như là hai chục năm rồi, từ năm tôi lên bảy bà đã có nó, mỗi năm bà sẽ có dịp sử dụng một lần, khi thì là tôi, khi thì bố tôi. Mày lột quần ra, nằm xấp mông xuống. Cháu nói thật mà bà đánh cháu à? Thế lần sau cháu nói dối đấy. Bà quất thật, đau thật. Tôi vừa cố ghìm tiếng xuýt xoa vừa bảo, tay bà già quá, bây giờ đánh cháu chẳng đau gì. Bà quất tiếp một nhát roi nữa. Bà, sao bà đánh cháu chứ? Yêu nhau thì ngủ với nhau, có làm gì xấu đâu? Thế cộng bao nhiêu lần đi massage? Cháu làm sao mà nhớ được, nhậu xỉn đi massage, xong việc thấy dễ chịu thôi. Quất cho mày thêm roi nữa. Bao nhiêu năm rồi vẫn như con chó hoang. Mày có nhớ mặt đứa nào không? Nhiều quá mà, làm sao nhớ, sao bà cứ hỏi làm gì, rồi lại đánh cháu. Mai cháu không đi được là tại bà đấy. Lỡ cháu ị đùn như ngày xưa thì bà phải đi đổ bô đấy. Đánh cho chết cái tật giống thằng bố mày. Hư hỏng ăn chơi rồi về già ngồi như một khúc gỗ mục. Lần nào đánh cháu xong lại so với bố cháu. Thôi, không cho bà đánh nữa, đánh rồi mất công so sánh... Thế thằng bố mày đâu, cả năm không thò mặt lên đây để tao trị tội hả?
Bố tôi ở đâu? Bố tôi ở cái xứ nào tôi cũng chẳng nhớ, chỉ nghe qua điện thoại giọng nói khào khào như cơn mưa ban trưa. Ông bảo, giờ ông yếu quá, chân bị loãng xương rồi, đâu có làm được gì nhiều, ngồi nhà nhìn đám con đi làm ăn rồi tối lại xem ti vi. Thằng em con bà mẹ dì có bữa đi lơ xe tôi gặp chân cầu Long Biên, bảo anh có ghé thăm ông già không, giờ ông ấy nằm nhà, đâu có đi được đâu, đụng vào người chỗ nào đau chỗ đó, loãng xương mà, nửa đêm kêu ời ời thấy gớm. Tôi thoái thác nó, nói chừng nào thu xếp rồi ghé chơi với ông già, giờ công việc toà soạn bận bời bời, đâu dứt ra được. Nó nói, anh làm cái giống gì? Tôi nói, thì đi viết bài, viết phóng sự điều tra mát xa mát gần. Nó cười hăng hắc, ông nói láo ăn tiền, đụng đến niêu cơm của tôi tôi đánh mất hàng tiền đạo. Tôi cũng cười, bắt chước gần giống cái giọng hăng hắc, ờ, mày thì ngon quá, kiếm mỗi ngày vài triệu không? Nó nói đủ tiêu, cũng mua được cho ông già mỗi tuần một lon sữa canxi. Tôi thấy mình cũng hơi tệ, dúi nó mấy trăm, tuần này tao mua sữa can xi nhé. Nó lại cười, mẹ đời, nhỏ tới giờ mới thấy ông anh mua quà cho ông già. Nhưng mà cũng cảm ơn. Tôi biết, ông ấy đối với anh cũng chả ra cái mẹ gì. Rồi nhận được cái hộp canxi sữa thằng em lơ xe đưa, chắc nó cũng nói của tôi mua, ông già gọi điện, khiến tôi giật mình đánh thót. Có một câu duy nhất ông nói tôi thấy đáng nghe, rằng ông bảo ông bất hiếu quá, nên giờ tôi phải chăm sóc bà.
Nhưng tôi làm sao chăm sóc được bà. Ngày tôi kiếm được món tiền từ mấy đứa đại gia doanh nghiệp chíp hôi, cứu chúng nó khỏi cảnh tù tội, mua được cái nhà chung cư giá hơn năm trăm triệu, tôi gần như cưỡng chế bà xuống thành phố, lôi xềnh xệch bà cùng nắm cải vàng. Vậy mà bà cự tuyệt, được ba hôm hưởng gió lầu cao thành phố rồi bỏ ra vườn hoa ngồi chơi với đám bán hàng rong, tối mịt chưa chịu về. Rồi bà đi bà nói với người ta, có thằng cháu làm nhà báo, nhưng mà hư hỏng quá, chán nhà không muốn ở, đi chơi cho nó xấu mặt. Tôi ra vườn hoa, lại một lần cưỡng ép về. Bà than, trời ơi, nhà mày cái tủ kem nó cứ kêu ì èo ghê quá, như chứa ma gà ma xó. Bà tôi gọi tủ lạnh là tủ kem, cái điều hoà nhiệt độ là cái máy mùa rét, gọi ông già hàng xóm mê phim chưởng là con ngáo ộp, gọi bà bán vé số tô son đậm là Hắc tinh tinh, bà gọi những cô gái lượn qua nhà tôi mỗi buổi trưa khi bà sang hàng xóm hóng chuyện hầu bóng là Bạch cốt tinh. Bà dằn tôi ra giường, lấy cái quạt giấy đập phì phẹt vào mông, mày ngu lắm, mấy con Bạch cốt tinh nó hút hết cả máu cả tuỷ của mày. Tôi bảo, bà đừng có lo, cháu quá già để ngây thơ với mấy vụ đó. Bà bảo, đàn ông khôn đông khôn tây rồi chết dưới váy đàn bà. Chết đúng những vùng nhạy cảm đó cũng được bà ạ. Tiên sư bố ranh con, nói mãi không chịu nghe, rồi tao lên gặp lãnh đạo cơ quan, bảo người ta tống cổ mày ra đường. Cháu thất nghiệp bà nuôi cháu được không? Ngày xưa mày chưa biết thế nào là bú mớm tao còn nuôi mày lớn tướng. Ngày xưa là ngày xưa thôi bà ơi...
... Đêm càng về sáng sương rơi càng nặng. Những phên lá đao trên mái già cũ quá, lộ cả những vùng sao trời, sương rớt vào má, vào trán, thấy da xon xót và lạnh như kem. Tôi bảo bà, bố cháu vẫn sống tốt, còn mẹ cháu thì cháu chịu đấy, bà đánh cháu trăm roi cháu cũng chịu. Ờ, tao cũng chả biết con mẹ mày đi đâu. Đàn bà nhiều khi cứ oái oăm thế, trong đục đời mình không tự quyết lấy, mà dựa vịn vào những thằng đàn ông chả ra chó gì, như cái thằng bố mày. Thế còn bà thì sao? Ngày xưa ông nội có ra gì không mà giờ bà sống một mình? Ông nội mày đẹp trai nhất cái vùng này. Bà yêu ông nội mày từ lúc bà mới mười tuổi. Mỗi lần ông đi qua nhà, bà đều tìm cách để được nhìn thấy ông gần nhất. Bà thường gài hoa lên tóc. Ông cười, hay xoa đầu. Thế mà mấy năm sau ông nội không xoa đầu nữa. Mà thành ra có thằng bố mày. Rồi ông ấy đi buôn nứa xuôi bè, người ta đồn thác sóng mạnh quá mà mất xác. Tao thì tao chả tin, có khi ông ấy đang sống trên cái bãi bờ nào dọc cái con sông Cầu này, chứ ông ấy làm sao mà chết. Thế bà có đi tìm bao giờ không? Có đi mà chẳng thấy nổi một cái tăm cá. Có khi ông lấy vợ khác, đẻ ra cả mấy cái làng dưới hạ lưu cũng nên. Bà chép miệng, nước bọt nhễu nhão, ờ thì cũng làm sao mà biết, đời người ta có khúc như sông, cũng trả trách ông mày. Bà chả tin mà vẫn còn thắp hương cúng là sao? Thì cúng thần linh sông suối, cùng cho nó an cái tâm mình. Bà ngồi bếp, tuổi già ngủ chả mấy nả, miệng vẫn còn tiếc rẻ miếng bã trầu tươi. Toàn, mày dập thêm cho bà một cối nữa, đời bà là đời cái bã trầu, nhìn ngoài thì tươi roi rói mà trong xơ xác như lúa sau bão. Thế có khi nào bà nằm mơ thấy ông về không? Tao thức đêm bao nhiêu năm rồi, chả mơ mộng gì, thế mới tin là ông ấy còn sống. À, hôm trước có người nói ông nội mày sống dưới Ba La Tắc Cun, nhà lão ấy sống bằng cám ngô, ăn bằng cháo ngô, uống bằng rượu ngô, vợ đẻ một bầy con, con sinh thành bầy cháu như những bầy lợn nái, nghe phát tởm. Tao nghe, tặc lưỡi cười, chân tao nhức quá rồi, chả đủ sức đi tìm lão ấy nữa. Mà giờ thì cũng mấy chục năm, xa nhau dài như một kiếp khác, gặp nhau rồi lại thấy mình vớ vẩn, cũng chả thiết. Chi bằng cứ để trời nó tính cho đời mình. Đời tao cũng chả còn thiếu gì, biết mọi sự, sướng khổ cũng đủ rồi. Thế bà có muốn cháu thử đi tìm không? Thôi, mày rảnh rỗi thì lo kiếm vợ nó đẻ con cho. Cứ kiếm đứa nào nó chịu lấy mày là được. Xinh không mài ra mà ăn. Không có việc thì đem nó về đây, đất đai của bà không thiếu. Bà đúng là bà già nhà quê lẩn thẩn. Bọn con gái nó chịu chui về cái xứ khỉ này nó ở với bà chắc. Trên đời này chỉ có bà khoái chí với cái miệt chó đá này thôi. Cháu không hiểu được. Bà tức quá, móm mém khóc, cầm roi quật tiếp vào chân tôi. Mày biến đi, thằng chó con, đời bà khốn khổ khốn nạn ở cái xứ này rồi, bà không đi được. Mày bị bả thành phố nó lây nhiễm, mày hư hỏng, sống như con chó dại, đời người không ra sao. Không vợ không con, đời nhìn như lá vàng. Tôi cười, ôm chặt lấy bà, nhấc bổng bà lên. Bà khóc làm gì, để cháu bế cháu ru bà ngủ nhé. À ơi, gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay... Bà nhẹ tọp, nước mắt cạn, bà khóc mà như sương thu. Mày ru trả nợ bà ngày xưa đây, ôi, thằng chó con, mày không sống cho tử tế tao chết chắc cũng không nhắm được mắt...
Thực ra thì mẹ tôi không phải không về thăm, nhưng ngày đó tôi ghét mẹ, tôi là đứa cực đoan bướng bỉnh và thiếu kiên nhẫn, sống vội vàng. Mẹ tôi về, mang những thứ quà rách rưới nhặt được từ đâu đó, mà về sau tôi mới biết là bà phải năn nỉ những đứa con của chồng để chúng không bán cho đồng nát và mang về cho tôi. Tôi mang những món quà xấu đến dị người và thum thủm mùi nước cống đó buộc vào con bù nhìn coi vườn cải. Mẹ tôi nhìn, khóc rưng rức, Toàn, mẹ xin lỗi con. Tôi cười, mười tuổi tôi đã học được cách cười khẩy của bà, những thứ rác rưởi này làm bù nhìn coi cải là tốt quá rồi. Bà đi đi, đừng bao giờ mang những thứ thiu thối này về. Đời tôi sẽ không cần bà đâu. Tôi sẽ sống để bà chống mắt lên mà nhìn... Về sau, tôi thấy mình ác, mà cũng không biết mẹ tôi đã chuyển đến xứ nào, sống chết ra sao mà tạ lỗi. Ngày tôi vào đại học, bà tôi có cho địa chỉ của mẹ dưới thành phố. Nhà mẹ ngay dưới bãi sông, ông chồng làm nghề thịt lợn, còn mẹ quanh năm có phản thịt bán ở chợ Quán Triều, tay liên tục cầm cái quạt có buộc túm rẻ đuổi ruồi. Bà kể, có lần người làng đi chợ dưới đó, thấy mẹ cầm con dao chọc tiết lợn chạy phăm phăm trên các sạp hàng đuổi theo một đứa ăn cắp dám ăn trộm quả tim. Vừa chạy mẹ vừa cho cả phường ăn cắp hưởng một bữa "tiết canh" thịnh soạn. Bà dặn, mày đi ô tô, về tới Quán Triều chắc chỉ mất mười mấy đồng thôi, (bà tôi luôn quy mọi loại tiền ra thành từng đồng, dù đó có là mấy triệu mấy tỷ) rồi mày xuống đó, hỏi bà Diên bán thịt lợn. Lâu quá tao cũng chả nhớ là mẹ mày có còn đó hay không, nhưng chắc là vẫn còn thôi, đi đâu được nữa, bìu díu con cái thế. Tôi nghe lời bà, cũng tính sẽ kiếm chác ít tiền của mẹ để đi học, đỡ tiền bà phải gửi hàng tháng. Tôi tìm tung cả cái chợ Quán Triều, tìm dọc cả cái bờ sông Cầu mùi thum thủm, nhìn xuống con sông đục ngầu bọt giấy mà không thấy mẹ đâu. Tôi hỏi bà bán cau đầu chợ, bà có biết bà Diên bán thịt không? Bà bán cau nhìn tôi, có biết, bà Diên bán thịt cho khách, bán tiết canh cho chồng, chửi con chồng như hát hay chứ gì. Tôi bảo, cháu không biết, nhưng bà ấy là mẹ cháu. Bà bán cau trợn mắt, mày đẹp trai quá mà bà ấy như con nặc nô, mẹ con là ra cái làm sao? Tôi cười, tại bố cháu đẹp trai. Mà mẹ cháu còn ở đây không? Bà bán cau vẫy tôi ngồi cạnh, nói thì thầm, mắt liếc xung quanh. Bà bảo, ngày trước nhà mẹ tôi ở ngay mép sông, chồng mẹ muốn ở mép sông để đêm thả vó và làm lòng lợn cũng tiện. Ông ta bảo, lòng lợn làm nước sông Cầu, luộc cũng bằng nước sông Cầu ăn ngọt và giòn, đĩa lòng vật đổ mấy cút rượu, sủi bong bóng mũi mấy ông lực điền. Chả biết ra sao nhưng đúng là hàng lòng lợn của mẹ luôn đông khách. Vậy mà sau một cơn bão, chỉ trong một đêm, cái nhà của mẹ đã im lìm ở một khúc đáy sông nào đó. Còn mẹ cũng đã im lìm ở một nơi nào đó, không còn dấu vết, không văng vẳng lại cái chợ này lấy một dư âm. Nhưng cũng như bà tôi, tôi chẳng tin là mẹ đã chết...
Khi bắt đầu về toà soạn báo, tôi đã tìm mọi cách để đến được gần sự thật về mẹ. Cuộc đời mẹ thực ra cũng khốn nạn nhiều, một phần của sự khốn nạn đó là có một thằng con mất dạy, chửi mẹ như hát hay, như hắt a xít vào nơi chốn sinh ra mình. Trong những chuyến đi của mình, tôi hay tin vào những cảm giác và lần nào tôi cũng thấy cảm giác của mình sai. Tôi đã đi hết con sông Cầu, đi khắp các triền sông, ở đó có biết bao nhiêu người đàn bà, mỗi người là một phận đời không giống nhau, nhưng sao vẫn giống mẹ tôi cái vóc dáng lam lũ. Trong những chuyến đi gần như vô vọng tôi đã tập dần cho mình tính kiên nhẫn. Tôi đã tự tay chôn mất dấu gốc tích của mình mà đến mãi bây giờ, khi viết ra những dòng này, tôi mới dám thừa nhận. Có thể mẹ đã không còn như tôi hy vọng. Mẹ đã lẫn vào cỏ cây ở một nơi nào đó, mẹ đã đi đâu đó với biển cả. Mẹ bận rộn, mẹ có nhiều tật xấu nhưng mẹ đã đẻ ra tôi, đứa con lạc loài như cỏ dại, bản năng như cỏ dại.
Cũng có lần tôi gọi điện, hỏi bố tôi về mẹ. Khi ấy tôi đang khóc lóc vì say xỉn sau khi tan vỡ mối tình đầu với một con ranh chưa sạch máu đầu, mắt chớp chớp liên hồi như phim Hàn Quốc nhưng có tật ăn cắp trong bách hoá. Thế mà tôi đã yêu nó, đã đi làm thêm như một thằng điên để cung phụng cho nó, để nuôi sức mình trong những trận cuồng phong mây mưa lúc nửa đêm, để sáng hôm sau hai đầu gối mỏi nhừ và hai mắt đỏ quạch nhìn đời cứ như say. Lúc đó thực tình tôi không muốn chửi bậy, nhưng đ.m chứ, đàn bà là cái đek gì mà sao mình khốn khổ nhọc xác vì nó quá. Bố an ủi tôi, đàn bà là cái thiếu của đàn ông, mày đừng có lo, rồi có con đàn bà khác nó lấp vào đó, mày lại thấy đời chả có gì đáng chán. Thế bố có biết mẹ tôi ở xứ nào không? Ông nói về ở với bà mẹ dì của tôi, ông mất dấu hoàn toàn với cuộc sống cũ. Ông sống ở cái cửa sông cửa biển đó cho đến hết đời thôi, vợ ông không cho ông đi đâu, sợ ông sẽ bỏ trốn khỏi cuộc sống nheo nhóc, sống chán chường và mỏi mòn với rau muống luộc và cá kho. Vợ ông bảo, ông ăn chơi quen rồi, ông mài vẻ đẹp của ông, mài đũng quần của ông ra để lấy sự phụng thờ của đám đàn bà con gái, giờ ông phải trả giá. Lúc đó tôi gần như nín khóc, vì buồn cười. Vợ bố có đẹp ngang với... mẹ không? Bố tôi cũng cười, giọng cười như rượu khê, cũng ngang cỡ đó đấy mày ạ. Các cụ nói đâu có sai, thế gian được vợ hỏng chồng. Chứ không phải dẻ cùi tốt mã dài đuôi mà chả làm ăn được gì ra hồn sao? Bố tôi nói, ờ thì mày chửi bố mày đi, tao sống chả ra sao, nên giờ hết phúc. Tôi chán, giá mà ông điên lên, ông chửi tôi, thì tôi lại thấy mình còn chút gì ý nghĩa với ông trong cái đời sống chó chết khốn nạn này. Ông coi tôi như một món nợ mà ông không bao giờ trả được và mỗi lần tôi có động tác gì, ông gần như khóc và mong chờ tôi xoá nợ. Có lần uống bia hơi trên cái hàng cơm phản ở đầu phố Phùng Hưng, tôi bảo thằng em, ông già có coi tao là cái chó gì, tao chửi mà ông ấy không buồn cãi. Thằng em lại cười hăng hắc, anh mà về nhà anh mới thấy ông già đáng thương. Tôi đi làm mệt bỏ mẹ, tối về ông kêu đổ bô, tức ói máu, nhưng rồi lại thương. Đời ông già là cái đời chó cắn, buồn như chó cắn. Tôi bảo, tao bất hiếu, nhưng tao chán nhìn cảnh ông già nằm bê bết trên giường, rên rẩm chờ chết lắm. Mày bảo ông già là tao không chịu được. Thằng em bảo, ông già có trách gì anh đâu. Anh sống được như bây giờ ông già cũng tự hào lắm rồi. Như cái cây bỏ hoang mà vẫn sống thẳng. Tôi cười, tao cũng chả thằng. Con người mỗi lúc một đông. Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều. Muốn thanh cao chỉ có lên trời mà ở thôi. Thằng em đập cốc bia, ông nói thật đấy à? Tôi bảo, thật chứ, tao sống cũng chả ra chó gì. Đời tao bị lừa nhiều mà lừa người cũng chả ít. Tao sống chán lắm. Thằng em chỉ mặt chửi, mẹ kiếp, thế mà lâu nay tôi và ông già vẫn ngấm ngầm tự hào về anh. Hoá ra anh là thằng nói láo. Tôi cười, mày đừng nóng, đời tao chả thần tượng mẹ gì ai, nên tao chả bao giờ phải thất vọng. Đừng đòi hỏi gì hết. Đời ai người đó sống đi. Thằng em kiên quyết trả tiền phần bia của mình, bỏ lại hộp sữa tôi mua, và ra về. Nó không liên hệ gì với tôi nữa. Nghĩ cũng buồn cười, một thằng trong sáng như nó việc chó gì phải thờ phụng một đứa như tôi?
...Bà nội không ngủ, trời lạnh tôi ủ bà vào chăn, bà chồi ra. Bà nhìn tôi. Có phải mày đã làm chuyện gì không? Hay mày bị đứa nào nó lừa? Cháu không lừa ai thì thôi, đừng hòng đứa nào lừa được cháu. Mày ghê gớm quá mà. Không gớm sao sống nổi với bọn yêu tinh thành phố. Bà ở dưới đó bà không thấy ngày nào báo cũng rao có vụ giết người cướp của hiếp dâm đấy à. Bà phóm phém cười, thì mày chả bảo báo nói láo còn gì? Tôi cũng cười. Bà hiểu tính cháu bà quá. Chuyện gì nhỉ? Giờ này, không biết cô ta có oán oán hận tôi không, một kẻ đốn mạt không ra sao, một kẻ ngủ với cô ta không biết bao nhiêu lần, biết rõ từng dấu vết bí mật trên cơ thể nhau, rõ từng cao trào ân ái, vậy mà đã nói về cô như một con điếm hạ lưu. Hay cô ta đã lạc vào một vũng sương mù nào của trần thế? Hay cô đã đi vào những cơn bão của đất trời? Tôi thực lòng không biết. Bà này, cháu kể chuyện này có khi bà đánh cháu chết mất. Bà ngồi bật dậy, vuốt tóc vuốt râu tôi, được rồi, mày kể đi. Tôi nhìn bà. Bếp lửa đã lụi, chỉ còn những đốm than âm ỉ và tiếng gà rừng đã tác sáng. Tôi đã từng ước chi mình là con gà trống, sáng gáy vang rừng chiều dẫn đàn lên cây ngủ. Ngày mai sẽ như thế, sinh sôi cũng tự nhiên mà huỷ diệt cũng do trời. Giá như thế, giá mà tôi là con gà trống, có phải tôi đã không day dứt đến thế này không? Bà nhìn tôi, chuyện gì, lại đàn bà chứ gì. Mày đến chết với đàn bà thôi con ơi. Tôi nhìn bà, không, chuyện đàn bà nhưng không phải là đàn bà. Thế con bé lại quay lại, thế hai đứa định cưới nhau à? Tôi bật cười, nó xinh thế, lấy bọn nhà báo để nghèo kiết xác à. Nó phải lấy đại gia. Thế sao ngày xưa nó leo lên giường với mày? Ngày xưa đó là tình yêu. Tình yêu? Sư bố ranh con, thế cái tình yêu đó nó cho mày cái lợi lộc gì để mày lục bục về đây như chó ăn vụng cám thế? Vâng, vì nó cặp với đại gia nên cháu mới phải về đây. Mày sống khó quá, tao chả hiểu được...
Bà không hiểu được. Mà tôi đã làm gì nhỉ? Tôi đã làm gì trong cái bộn bề gian khó kiếm ăn mỗi ngày của mình? Cô gái đi giày đỏ, cô gái có mái tóc ngang vai, mặt đẹp như trên ti vi. Tôi muốn gọi cô là Giày đỏ, vì tôi không muốn thêm một lần cô phải đọc tên mình trong những dòng chữ này. Tôi biết, cô đã sống một cuộc sống khác thường mà đến lúc này tôi cũng chưa cảm nhận hết. Ngày cô bỏ tôi ra đi, mà đúng ra là chúng tôi chẳng bao giờ cùng nhau đi trên đường, nên không có ngày từ biệt, chúng tôi đã ngồi trên cái quán trà đầu dốc, nhìn xuống hồ Tây. Cô nói rằng, đời em cũng chả ra gì, nhưng em thấy anh sống cũng được, cũng biết cách làm một người đàn ông với phụ nữ, anh nên sống khác em. Chúng ta cứ lẹt xẹt thế này chả mấy thành thứ bèo nhèo của đời sống, nhìn thấy nhau là phát mửa. Tôi bảo, được, em cứ đi, nhưng đừng dạy đĩ vén váy làm gì. Cô bảo, anh đanh đá như con mụ bán cá. Tôi cười sằng sặc, bán cá ra tiền thì anh cũng bán, đời cái gì nhiều tiền là anh làm thôi, miễn không phải đi tù, không chết người. Giày đỏ cười, thì em cũng biết, anh coi em ra gì đâu, chỉ là vui chơi thoáng chốc, ngày trước em cũng tưởng là anh yêu em nên em mới ngả người ra mà cho anh vày vò, để anh cho em biết mùi đời lần đầu. Giờ anh phủi em như bụi đường, em cũng chả trách anh. Đàn ông giống nhau phết. Nên em sẽ sống cho anh biết. Câu nói như gió đùa tóc, thế mà đâm mạnh vào lòng tôi. Sự sĩ diện của tôi bị sỉ nhục khi Giày đỏ bỏ tôi lại ngồi một mình, đi xuống xe ô tô đỏ của một thằng tóc nhuộm, lao xuôi dốc Cổ Ngư. Về sau, trong đám người mẫu mà tôi quen, người ta có nói, Giày đỏ kể về tôi biết bao nhiêu giai thoại. Và hầu hết các cô người mẫu đều tin rằng, tôi là gã phóng viên đàng điếm, có thể làm tình một đêm bảy hiệp, làm từ trong nhà tắm cho đến sân thượng và biết nhiều mánh lới kiếm tiền từ cái thẻ nhà báo. Thoạt đầu tôi cảm ơn Giày đỏ, vì như thế tôi cũng có chút ít vị thế trong mắt những đứa trẻ chân dài mới lớn. Các cô gái nhìn tôi, không biết ngưỡng mộ hay dè bỉu. Tôi quen các chân dài hoàn toàn không phải để viết báo mà vì đi nhiều với đám giám đốc nhí. Tôi và chúng sống với nhau theo cách các loài cộng sinh, và chân dài cũng là một phần cộng sinh trong cái đời sống nhiều màu đó. Cho đến một lần, tôi bất ngờ gặp Giày đỏ ngồi bàn chuyện với mấy đứa công ty quảng cáo Siêu Việt. Giày đỏ nói, có một người mẫu không chuyên, nhưng rất hợp với yêu cầu quảng cáo nhãn quần lót NaNo. Một phóng viên chân dài, ngực nở, bụng sáu múi như vận động viên và mặt sáng như diễn viên. Mấy đứa công ty quảng cáo há hốc mồm, gần như nghe chuyện thần tiên. Giờ này tìm một người như vậy thì chỉ có lên trời. Các công ty quảng cáo ra rả casting mà đâu có nhiều người đẹp đến thế. Mà người mẫu quảng cáo thì đẹp còn chưa đủ. Tay giám đốc quảng cáo nói, một người mẫu vô danh thì thật tốt bởi chúng tôi không muốn những gương mặt nhàu nát trên truyền hình. Giày đỏ mỉm cười, còn phía sau tôi gần như ngất đi vì giận dữ. Giày đỏ, em hận gì tôi nào? Ngay chiều ấy, giám đốc quảng cáo gọi điện. Tôi biết mà vẫn tới. Giám đốc quảng cáo nhìn tôi mà tôi biết cách nhìn của giám đốc. Tôi cười rung rốn, tôi chả nghĩ mình có giá đến thế này. Biết thế đi làm người mẫu từ trước có phải đời tươi sáng không? Giám đốc cười, giờ vẫn chưa muộn, nếu muốn hãy đầu quân về công ty của bọn anh, với điều kiện là... sống phải có kỷ luật... Tôi cười to hơn, cười để anh ta không hở thêm cái câu đáng sỉ nhục cuối cùng, chỉ cần tối em lên giường với anh. Tôi bảo giám đốc, tôi không đẹp như Giày đỏ nói đâu, hoặc là tôi chỉ đẹp với riêng cô ấy. Vì cô ấy còn nhớ tôi. Giám đốc để lại danh thiếp, giá của vụ này là hai ngàn, nếu em thấy OK thì gọi cho anh nhé. Tôi đứng dậy, tiền thì ai cũng cần anh à. Tiền mà. Nhưng tôi sẽ chỉ làm người mẫu quảng cáo đó cùng với Giày đỏ mà thôi...
Thế nhưng, chuyện đã không hề đơn giản như giám đốc mong ước. Giày đỏ đã bỏ trốn khỏi sự truy đuổi của tôi qua điện thoại. Giày đỏ bỏ lại tôi với cái tin nhắn ngắn như ngón tay trọc phú: "Tiền đó, tiền Siêu Việt, anh