The Soda Pop
Truyện ngắn - Tạm biệt người yêu dấu

Truyện ngắn - Tạm biệt người yêu dấu

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện ngắn - Tạm biệt người yêu dấu

Tôi thấy mình đang rơi!

Trượt dài, bất lực, tuyệt vọng!

Tôi sắp chết!

Ừ! Đứng trước cái chết mọi thứ vô nghĩa lắm. Tôi – một tổng giám đốc quyền lực với tấm bằng tốt nghiệp đại học Harvard danh giá, sở hữu một chuỗi cửa hàng siêu thị điện máy trên toàn cuốc, nắm trong tay số tài sản đáng ngưỡng mộ và ghen tị, điều khiển hàng trăm con người dưới quyền mình. Ấy vậy mà tôi vẫn phải chết.

Chết là chết! Không có mặc cả!

Vài tháng trước, tôi thấy trong người mệt mỏi vô cùng và thị lực giảm đi trông thấy. Vốn có bệnh cận thị nặng, tôi ung dung đi đo mắt và cắt một cái kính khác. Bên cạnh đó bảo người làm nấu một vài món ăn tẩm bổ vì nghĩ mình chỉ lao tâm lao lực quá mức.

Mẹ tôi thì không vô tư như thế, một mực bắt tôi đi kiểm tra tổng quát. Bà bảo tôi “để lâu mà nuôi bệnh à?”.

Ôi! Thanh niên khỏe mạnh trong độ tuổi đẹp nhất của đời người thì có bệnh gì được cơ chứ.

Tôi đã nghĩ vậy đấy.

Ấy thế mà tôi có bệnh thật, mà còn là bệnh nặng. U não – khối u vừa khéo nằm ở vị trí nguy hiểm, không thể phẫu thuật. Nó sẽ dần dần làm tôi không còn khả năng nhìn, sau đó làm thần kinh tôi xử lí thông tin chậm dần và cuối cùng là một giấc ngủ dài chìm dần vào cái chết.

Điều duy nhất mà tôi có thể làm là uống thuốc để làm chậm tốc độ phát triển của cái khối u khốn kiếp ấy. Tức là kéo dài thời gian chờ chết. Điều này còn kinh khủng hơn cái chết.

Biết rằng mình sẽ chết mà không thể làm gì, chỉ biết bất lực chờ đợi. Tôi cứ tưởng mình tài giỏi lắm, hóa ra mình cũng chỉ là thằng vô dụng.

Tôi giờ đây giống như một quả bom nổ chậm. Một khi phát nổ, tôi sẽ giết chết nhiều người và cả chính bản thân mình. Không còn tôi, mẹ biết dựa vào ai đây? Ai sẽ chăm sóc bà khi tuổi cao sức cạn? Các nhân viên của tôi sẽ như thế nào đây?

Nực cười! Bản thôi mình tôi còn chẳng cứu được, ở đó mà lo cho người khác. Tính ra tôi cũng ít có rảnh lắm.

Tôi đến công ty muộn cùng với hơi rượu và bộ quần áo từ hôm qua. Đêm qua tôi say mèm ở một quán bar quen và ngủ mất xác ở đó cho đến sáng. Dù đã tranh thủ thời gian, không về nhà mà đến thẳng công ty, ấy vậy mà tôi vẫn muộn.

Thư ký báo với tôi rằng có một cô gái đến tìm tôi từ sớm và đang đợi trong phòng làm việc.

Đó là một cô gái không đẹp nhưng dễ nhìn, gương mặt thanh tú và nụ cười răng khểnh rất duyên. Chưa đủ để làm điên đảo mọi trái tim nhưng cũng quật ngã khối cậu trai.

Tôi nhìn cô ấy.

Chưa gặp lần nào!

Thư ký mới của đối tác nào đó sao?

“Tôi là Thanh Phương.” – Cô ấy nói với tôi.

Ơ! Trùng với tên tôi.

“Tôi đến lấy lại hồ sơ bệnh. Bệnh viện họ nhầm. Họ đưa nhầm hồ sơ.” – Phương tiếp tục nói.

Niềm vui cả cuộc đời tôi cộng lại không bằng một phần lúc này. Tôi không chết, không có cái khối u nguy hiểm nào trong đầu tôi. Tôi vẫn sống, vẫn làm tổng giám đốc, vẫn là chỗ dựa của mẹ. Tóm lại là tôi khỏe, tôi ổn, tôi chẳng có cái vấn đề gì.

Ôi tôi muốn nhào đến ôm chầm lấy cô gái trước mặt như ôm một người bạn vừa cùng tôi hoàn thành một dự án khó khăn.

Kiềm chế! Kiềm chế nào! Mẹ kiếp Thanh Phương! Mày bình tĩnh lại tao coi nào!

Ôi tôi vui đến phát rồ mất!

Ơ! Mà thế có nghĩa là cô gái trước mặt tôi bị u não và cô ấy sắp chết sao?

Tôi biết cái này không phải việc của mình. Một ngày có biết bao người chết, thương làm sao hết, quản làm sao xuể. Nhưng mà... Cô ấy mang đến cho tôi một niềm vui lớn thế này còn tôi lại gián tiếp ném cô ấy xuống địa ngục tuyệt vọng sao?

Bôn ba trên thương trường đã lâu, tôi ít nhiều cũng trở nên lạnh lùng và vô cảm. Nhưng lúc này tôi quả thật không nỡ.

“Hồ sơ của anh nè. Còn của tôi đâu?” – Cô gái lấy từ trong túi sách ra tập hồ sơ đưa cho tôi.
Tôi đón lấy. Địa chỉ công ty tôi ghi ngay bên ngoài. Tôi mở ra xem. Vấn đề của tôi là làm việc quá nhiều ảnh hưởng đến thị lực.

Hồ sơ bị nhầm, ấy thế mà tôi không phát hiện ra. Sau khi bác sĩ xem hồ sơ của tôi, ông ta yêu cầu tôi cùng người nhà đến vào lần sau và ông ta sẽ nói rõ. Khi đó tôi nằng nặc nếu không nói tôi không quay lại nữa nên ông ta đành bất đắc dĩ nói cho tôi biết bệnh của mình. Nghe xong hồn phách tôi chính thức rời khỏi xác, chẳng còn đầu óc đâu xem lại hồ sơ bệnh án thêm một lần nào nữa.

Hóa ra chỉ là một sự nhầm lẫn. Bệnh với viện, làm ăn thế đấy!

“À! Hồ sơ của Phương tôi để ở nhà, không có mang đến chỗ làm.” – Tôi gãi gãi đầu nói với Phương.
“Nó không có vấn đề gì chứ?” – Phương nhăn nhăn mặt.

“À không. Vậy nên tôi đem bỏ đi luôn rồi.” – Tôi nói dối trơn tru.

Không lẽ giờ tôi bảo có đó, cô bị u não. Ôi thôi tôi thà nói dối. Quả thật không có đủ can đảm nói cho người ta biết bệnh của mình. Giờ mới hiểu nỗi khổ của bác sỹ.

Phương ra về, xem ra không nghi ngờ gì câu trả lời của tôi.

Còn lại một mình trong văn phòng, tôi rõ ràng đang có chuyện vui mà lòng bỗng buồn ghê gớm. Tôi làm vậy là đúng hay sai? Lẽ ra tôi nên nói để người ta còn biết đường uống thuốc chứ.

***

Nhà Phương hóa ra gần công ty tôi. Đi qua một con phố là tới.

Tôi cũng chả hiểu mình tới làm gì, chỉ là từ cái hôm nhận lại hồ sơ bệnh của mình, tôi cứ thất thần và nghĩ về cô gái kém may mắn ấy.

Mở cửa cho tôi là một bé trai kháu khỉnh tầm sáu bảy tuổi. Cậu bé có đôi mắt giống Phương.

Tôi chưa kịp nói gì cậu bé đã chạy vù vào nhà la lớn “mẹ ơi có khách”.

Không lâu sau thì Phương đi ra. Cô ấy nhận ra tôi, mời tôi vào nhà. Chúng tôi trò chuyện khá vui vẻ về căn nhà nhỏ của Phương, về công việc của tôi. Cô ấy chẳng chút mảy may hỏi lí do tôi đến, nếu không tôi cũng chẳng biết phải trả lời thế nào.

Nhà của Phương nhỏ nhắn, lọt thỏm giữa Đà Lạt phồn hoa. Dàn hoa tím trước cửa u uất một màu hoài niệm. Ngôi nhà dễ thương nhưng cũng buồn bã thế nào ấy.

Chắc vì nó dễ thương nên tôi thích đến.

Chuyện đến nhà Phương trở thành một phần trong thời gian biểu của tôi. Dù bận rộn đến mấy tôi cũng dành ra một tuần ba đến bốn buổi đến đây chơi sau khi đi làm về. Giờ đó cô ấy cũng đã đi làm về.

Mỗi lần đến tôi đều mua cho cu Phúc một món đồ chơi. Cậu bé thích lắm, cũng rất quý tôi. Có điều tôi chưa bao giờ gặp ba thằngbé.

Ban đầu tôi cũng thấy ngại khi cứ đến nhà “gia đình người ta”, nhưng đến vài lần mà không thấy “trụ cột gia đình” đâu, tôi dằn vặt vài ngày rồi lại chịu thua, tự vác xác đến ngồi uống trà Phương pha.
“Sao Phương không hỏi ba thằng Phúc đâu.” – Có một lần cô ấy hỏi tôi như thế.

Chúng tôi bằng tuổi nhau nên xưng tên, có điều trùng nhau cả họ lẫn tên nên nghe cứ buồn cười làm sao ấy.

“Ừ, tại sợ hỏi Phương không nói.” – Tôi cười cười xoa đầu, nhìn mặt chắc ngố lắm.

Phương mỉm cười lộ răng khểnh rất duyên, quả nhiên không nói.

Tôi bắt đầu nghĩ rằng ba cu Phúc đã mất. Giống ba tôi.

Tôi vẫn tiếp tục đến nhà Phương cùng một vài món đồ chơi và thêm một vài vật dụng gia đình. Cũng không có gì to tát, có khi là cái bóng đèn để đó phòng khi đèn hư bất ngờ, có khi là một vài gia vị mà lần trước tôi để ý sắp hết. Phương hay cười bảo tôi chu đáo, ai lấy được tôi chắc có phúc lắm.

Những lúc như thế tôi chỉ cười ngây ngốc. Ôi ở nhà tôi lười chảy thây ra ấy.

Mỗi lần đến đó, tôi dùng bữa với mẹ con Phương rồi mới ra về. Và không phải về tay không.

Tôi về mang theo nỗi nhớ em.

Càng ngày tôi nghĩ

về em càng nhiều, có lúc còn vu vơ mỉm cười khi nghĩ đến một câu nói đùa nào đó mà em từng nói với tôi.

Nhưng mà bên cạnh nỗi nhớ ấy là sự dày vò khủng khiếp. Sao tôi lại đưa mình vào một tình yêu không lối thoát thế này?

Em có chồng rồi.

Em có con rồi.

Kinh khủng hơn là em sắp chết rồi.

Đáng sợ lắm! Nghĩ thôi đã rùng mình. Giờ mà sống không có em, tôi sợ mình sống không nổi. Tôi chết mất!

Khi bạn yêu thương một người, chỉ cần nghĩ đến việc sẽ vĩnh viễn mất họ thôi bạn đã nghẹt thở rồi. Không còn được thấy người mình yêu thương nữa là cả một nỗi sợ kinh hoàng.

***

Tôi đến nhà em cùng với một số trái cây, sữa và “thuốc bổ”. Gần đây em chán ăn, sức khỏe cũng đã xấu đi nhiều lắm.

Vừa đến cửa nhà đã nghe tiếng cu Phúc khóc ầm ỹ gọi mẹ, tôi hoảng quá mở cửa đại mà không gõ. Cửa không chốt trong.

Chạy đến chỗ phát ra tiếng khóc, tôi thấy em nằm dưới đất, tay khùa khoạng trong không trung, đôi mắt dại đi nhưng vẫn nổi rõ vẻ hoang mang sợ hãi.

Tiếng khóc của Phúc càng làm tôi phát hoảng.

Tôi lao đến đỡ em dậy.

“Ai! Ai đấy.” – Em dãy dụa, tránh tay tôi.

“Phương đây, Phương nè Phương.”

“Phương ơi, Phương không nhìn thấy gì hết. Làm sao? Làm sao đây Phương?” – Nước mắt em bắt đầu chảy dàn dụa.

Bí mật mà tôi chôn dấu hình như không thể tiếp tục rồi.

“Phương bình tĩnh, Phương đưa Phương đến bệnh viện.” – Tôi nói mà mắt cay xè, cảm giác cả người đang run lên vì sợ hãi.

***

Thật ra thì không phải em không nhìn thấy gì, chỉ là mọi thứ đều nhòe nhoẹt chỉ còn lại cái bóng. Khi tôi đi qua đi lại, em vẫn hướng mắt dõi theo dù không nhìn rõ hình thù.

“Phương về công ty đi! Đừng lo cho Phương.”

“Công ty đang rảnh không có việc gì, chán quá nên Phương mới tới nè.” – Tôi tiếp tục nói dối. Có cái dự án mở thêm chi nhánh dưới Bảo Lộc nữa đấy chứ, mà đầu óc đâu mà làm nữa không biết.
Em không nói gì, nở một nụ cười buồn nao lòng rồi nằm xuống nhắm mắt. Tôi biết em không ngủ. Ban đêm em cũng không ngủ.

Đôi vai ấy trong đêm vẫn run lên vì khóc...

***

Lượng thuốc em uống càng ngày càng tăng, người ta phải tiêm thêm thuốc vào bình nước biển, thức ăn cũng đã phải chuyền trực tiếp vào bao tử.

Một buổi sáng, đột nhiên em trở nên tỉnh táo và tươi tắn khác thường. Tôi không cảm thấy vui. Tôi sợ đến mức cả người run lên.

“Phương này, Phương muốn nghe chuyện ba thằng Phúc không?” – Em vẫy vẫy tay với cái bóng nhòe nhoẹt của tôi.

“Để khi nào khỏe rồi kể đi Phương.” – Tôi đi đến cầm lấy bàn tay xanh xao, áp lên má mình. Đây là lần đầu tiên tôi được cầm tay em dù chúng tôi thân nhau cũng đã tám tháng. Bàn tay ấy giờ gầy trơ xương. Cầm vô mà lòng tôi như bị ai lấy dao rạch rồi đem muối chà xát.

“Phương muốn kể, Phương phải nghe.” – Em nhăn mặt, giọng nói yếu ớt như mèo con.

“Ừ. Vậy Phương kể đi. Kể một chút rồi để dành lần sau kể tiếp nhé.” – Tôi dỗ dành. Để dành em nhé! Để dành kể tôi nghe cả cuộc đời. Tôi xin em đấy!

“Thằng Phúc năm nay tám tuổi, Phương mang thai nó hồi mới ra trường.” – Em bắt đầu kể, giọng lí nhí và có cái gì đó nghèn nghẹn.

“Ba nó học cùng khoa với Phương, học giỏi lắm, hát lại hay. Nói chung là người nổi tiếng ở khoa. Vừa ra trường đã có công ty nước ngoài mời về làm, lúc đó Phương cũng mới mang thai thằng Phúc. Không muốn ảnh hưởng đến tiền đồ của người ta nên Phương bảo người ta cứ đi đi, Phương sẽ đợi. Người ta cũng bảo sẽ quay về, nhưng mà rồi không có về. Phương đợi hoài người ta cũng không về. Không dám nhìn mặt ba má nên Phương cũng không về nhà từ khi mang thai thằng Phúc. Phương là đứa con bất hiếu!” – Nước mắt em long lanh chảy xuống, nước mắt tôi cũng chảy. Sao mà khổ thế hả em!

Tôi siết chặt tay em, dùng cả hai tay nắm trọn bàn tay yếu ớt ấy. Cái thằng khốn ấy, tôi mà gặp nó thì tôi sẽ giết nó không cần nói thêm tiếng nào. Mẹ kiếp nhà nó! Sao làm khổ Phương của tôi thế chứ? Con gái một mình sinh con, một mình nuôi con trước lời ra tiếng vào của xã hội, cái nhòm ngó ác ý của người xung quanh cực khổ vô cùng. Nó sống ích kỷ cũng vừa thôi. Đạp lên lòng tin của em mà sống, nó có hạnh phúc không?

“Thuốc Phương bảo Phương uống không phải là thuốc bổ hay vitamin gì đúng không.” – Em đột nhiên chuyển chủ đề làm tôi cứng người.

“Làm gì có.” – Tôi đáp sượng sùng.

“Đến giờ phút này còn muốn giấu Phương sao? Phương biết Phương muốn tốt cho Phương, nhưng mà đừng để Phương thành ma rồi còn không biết vì sao mình chết.” – Em bông đùa mà giọng như mếu, nụ cười méo mó đến xót xa.

“Nói bậy gì đấy! Không có ai chết ở đây hết.” – Tôi đau quá hóa giận, vì quá sợ hãi khi nghĩ đến một ngày không có em mà tôi lỡ lớn tiếng. Tôi thề là tôi hối hận ngay khi vừa nói xong.

“Ai chẳng phải chết hả Phương. Điều Phương đau đớn nhất là Phương chết rồi, con Phương sẽ phải vào trại trẻ mồ côi. Ở trong đó tủi thân lắm!” – Em thổn thức rồi khóc thành tiếng.

Nước mắt tôi cũng ướt đẫm gương mặt, nhòa đi hai tròng kính.

“Em khôngchết đâu, em phải sống làm mẹ cu Phúc, còn anh sẽ làm ba.” – Vì quá xúc động mà tôi cũng chẳng ý thức được mình đã đổi cách xưng hô mất rồi. Nhưng tôi dám đưa tay lên trời mà thề rằng đây là lời nói, là suy nghĩ tự tận đáy lòng tôi.

“Nói bậy gì đấy?” – Em vội rút tay khỏi tay tôi.

Nhưng tôi một mực không để bàn tay ấy thoát khỏi tay mình.

“Anh thương em lắm! Muốn đỡ đần cuộc sống với em, phụ em nuôi cu Phúc.”

“Không được đâu! Địa vị của chúng mình khác nhau lắm. Phương phải cưới một cô gái còn trong sạch.”
“Cái gì mà trong sạch. Em cũng trong sạch vậy.” – Tôi làu bàu.

Em đang định nói gì đó để cãi lại nhưng tôi đã kịp dùng môi mình chặn lại. Tôi đã luôn khao khát hôn lên đôi môi em, được ôm em trong lòng nhưng vì sợ ba cu Phúc đang đi làm xa, không như tôi suy đoán nên không dám. Giờ thì chẳng còn gì để ngần ngại.

Em hình như bị bất ngờ trước hành động của tôi nhưng không đẩy tôi ra.

Sau nụ hôn dài, tôi tham lam ôm em vào lòng.

“Thương em nhiều lắm em biết không.”

“Không được thương em, em sắp chết rồi anh ạ.” – Em nghẹn ngào khóc nấc trên vai tôi.

“Chuyện đó đã không còn do em hay anh quyết định nữa rồi.” – Tôi lại khóc. Ai nói đàn ông không được khóc. Mà khóc cho em thì tôi thấy hoàn toàn xứng đáng.

Em im lặng không nói, khóc trên vai tôi cho đến khi ngủ thiếp đi.

Và em không thức dậy thêm một lần nào nữa.

Em chưa chết, máy điện tâm đồ vẫn nhích từng cú yếu ớt, nhưng em không tỉnh lại nói với tôi thêm một lời nào nữa.

***

Cu Phúc hoang mang nhìn mẹ mình và cứ vài phút lại hỏi tôi một lần “mẹ ngủ khi nào thức để dạy con làm bài tập?”.

Tôi đau đến tê tái lòng, hết nhìn Phúc rồi lại nhìn em đang nằm bên trong phòng cách li. Tôi muốn khóc, nhưng mà tôi biết tôi phải kiên cường để cu Phúc còn dựa vào.

“Để mẹ ngủ đi con, ba dạy con làm bài tập.” – Tôi xoa đầu Phúc. Thằng bé cũng gày đi nhiều.

“Con không có ba, mẹ bảo con là con của trời, không cần ba cũng có thể sinh ra.” – Phúc ngô nghê chỉnh tôi.

“Ừ! Mà ông trời bảo con đáng yêu quá nên sai ba xuống làm ba con đây. Từ giờ con có ba rồi.” – Tôi nói mà nước mắt chỉ trực chảy ra.

Không rõ vì sao cu Phúc òa khóc rồi ôm lấy chân tôi, có bao nhiêu nước mắt nước mũi chùi hết vào vạt áo

tôi.

Tôi không thấy phiền, chỉ nhẹ nhàng xoa đầu thằng bé. Nó là đứa bé đáng thương!

“Cuối cùng cũng có ba rồi, mấy đứa ở trường trêu con là thằng con hoang, con bảo con là con của trời mà tụi nó không tin.” – Khóc chán chê Phúc mới thỏ thẻ.

“Từ nay con đừng nói với tụi nó con là con của trời mà hãy nói con là con của ba.” – Tôi gỡ tay cu Phúc ra, ngồi xuống cho ngang tầm rồi ôm thằng bé vào lòng.

Phương à, em có thấy không? Cu Phúc đã có tôi chăm sóc, em đừng lo lắng gì nhé! Ngủ thật bình yên em nhé! Tôi sẽ là ba của con em!

Hình như những lời nói trong thâm tâm tôi, em có thể nghe thấy. Vì thế mà đêm đó, em trút hơi thở cuối một cách bình yên. Tôi đau đến quặn thắt nhưng em ra đi sẽ tốt hơn cho em. Cứ nằm đó không thể cử động thì chẳng thà bay lên trời cao, làm thiên thần dõi theo tôi và con em.

Tôi biết mười năm, hai mươi năm sau, thậm chí là cuối đời, tôi vẫn sẽ nâng niu hồi ức đẹp đẽ và nhức nhối này. Nếu không gặp em, có lẽ tôi vẫn là tôi, sống vô tư và chẳng bận tâm điều gì. Sẽ không nỗi đau nào đủ mạnh chạm vào tim tôi. Nhưng em biết không, dù đau thế này hay đau hơn gấp trăm lần, tôi vẫn muốn gặp em nếu được chọn lại. Đến cả nỗi đau của sự chia ly này, thật may mắn vì đó là em.

Đeo vào tay Phương chiếc nhẫn đã mua từ lâu, tôi im lặng nhìn người ta niệm em vào áo quan.

Em giờ ở xa tôi quá. Ở mãi trên trời cao. Tôi biết là mình sẽ mỏi cổ lắm vì mỗi ngày đều phải ngước nhìn lên đó. Nhưng chỉ cần tin em cũng đang trên đó cúi nhìn xuống. Tôi nguyện ngước mắt trông về em cả đời.

Tạm biệt người yêu dấu!

Tôi muốn làm chồng em, làm ba của các con em, muốn được ôm em ngủ, được chăm sóc khi em bệnh, đưa đón em đi làm. Tôi tham lam nên muốn nhiều lắm.

Điều này sẽ xảy ra vào kiếp sau em nhé!


[Trích: Tuyển tập truyện ngắn "Đặt tay lên tim và nói... Em Yêu Anh!"]
2hi.us