Polaroid
Truyện Ngắn - Phận Dì Tôi

Truyện Ngắn - Phận Dì Tôi

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Phận Dì Tôi

Hồi Bé, Cũng Những Sáng Mùa Thu Thế Này, Khi Màn Sương Mỏng Chưa Tan Hết, Mùi Đất Ẩm Còn Nồng, Tôi Lại Tha Thẩn Theo Dì Ra Đường Cái Quan Đón Ruổi. Hai Bên Vệ Đường Cây Cối Xay Mọc Um Tùm, Những Cánh Hoa Vàng Mong Manh Khẽ Rung Theo Chiều Gió…



Không hiểu sao người ta vẫn gọi những người bán cá là ruổi, chỉ biết từ sáng tinh mơ chưa rõ mặt người họ đã ra bãi ngang đón thuyền về, tiếng í ới gọi nhau, tiếng chành chọe tranh giành ầm ĩ. Có lẽ vì họ rong ruổi khắp từ bãi ngang lên đến phiên chợ xép nên gọi là ruổi, cũng vì “bản năng sinh tồn” trong môi trường như vậy nên bọn họ ai cũng có vài món võ chửi, chanh chua, đanh đá.





Sau khi chất cá đầy quang gánh, họ bắt đầu chạy. Hình như cuộc đời của họ sinh ra là để chạy. Chạy lên mười cây số, chạy về mười cây số, dọc đường ai hỏi mua thì dừng lại, có người hỏi thách không mua thì mấy bà văng vài câu chửi tục xong ghếch chân bên vệ đường tè “xả xui”. Chính cái vẻ ngoa ngoắt quá đáng đó nên mẹ ghét, mỗi lần bà sai đi mua cá là dì phải đi, dì thật thà hỏi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu không hề mặc cả nên mấy bà khoái, sáng bảnh mắt chưa thấy dì là dò hỏi um sùm…



Ngoài việc mua cá ra dì còn muốn tìm một chút gì đó là cảm giác yêu thương của người đi xa qua dáng vẻ tảo tần của những người đàn bà ốm tong teo miền biển. Dì và chú quen nhau khi hai Chi đoàn cùng tham gia làm đập thủy lợi. Dáng vẻ nhanh nhẹn, chắc nịch cùng nụ cười có duyên của chú đã hớp hồn dì ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hôm dì đưa chú về nhà, biết chú dân làng chài lại con nhà ruổi mẹ bực lắm, hết dỗ dành lại dọa nạt. Mẹ bảo “lấy chồng miền biển khổ lắm, lúc nào cũng lênh đênh sóng nước, nguy hiểm lúc nào cũng rình rập. Với lại tao thấy thằng này mặt mũi nó có gì bất ổn, giả tạo lắm ”. Mặc! Dì chỉ ậm ừ cho qua rồi đâu lại vào đấy. Ngày chú nhập ngũ dì khóc như mưa, còn mẹ thì hí hửng, khoảng cách là kẻ thù của tình yêu mà lại. Thực ra mẹ thương dì thì đúng hơn, dì là con út nên bà và mẹ nuông chiều từ nhỏ, chỉ sợ dì vất vả…



Dì buồn ít nói và hay cáu gắt nên tôi không dám vòi vĩnh, dì nhìn theo vòi vọi bóng dáng mấy bà bán cá đi khuất, trong đôi mắt dì ẩn chứa những điều khó tả… Mỗi trưa thứ bảy dì lại ra cửa ngóng chú giao liên, hôm nào có thư dì khẽ đưa tay lên môi ra hiệu im lặng, dì lặng lẽ ra gốc chuối sau vườn đọc thư lúc nào đọc xong thư đôi mắt dì cũng đỏ hoe. Một lần vô tình bị tôi bắt gặp, dì lau vội nước mắt cất giọng ngăm nghe “bép xép với ai thì liệu hồn” nói vậy nhưng dì nhát như cáy nên một lúc đã đấu dịu “đừng nói với ai rồi vài hôm đi chợ huyện dì mua bánh trung thu cho”. Dì quái thật! Chỉ có cái bánh trung thu cái thứ thời bấy giờ hiếm như mì chính cánh với vị ngọt, mềm, bùi bùi, ngầy ngậy của miếng thịt mỡ dày cộp, mới nghĩ đến nước miếng đã tứa đầy mồm may ra mới có thể bịt được cái miệng bép xép của tôi. Những lúc dì đi vắng tôi còn tình nguyện nhận thư, giấu thật kỹ trưa mang ra cho dì, không quên nhắc lại điều kiện…



Ngày cưới, dì vui vẻ vì lấy được người mình yêu còn mẹ thì bực lắm nhưng đành chép miệng “đất không chịu trời thì trời đành chịu đất vậy”. Tôi còn bé nên không được đi đưa dâu, một mình ra đường cái quan khóc tấm tức. Con đường đất bụi cuốn lên đỏ quạch, những cụm cối xay khô quắt mỗi lần có cơn gió thổi cất tiếng kêu như tiếng chuông gọi về một cõi xa xăm.



Lâu lắm kể từ ngày lấy chồng dì mới có dịp trở lại, cùng đoàn ruổi quẩy cá lên bán. Dì có vẻ buồn hơn trước, trên gương mặt trắng mịn giờ đã sạm màu gió cát, hơi có vị tanh tanh mặn mòi của biển. Dì lùa vội bát cơm nguội từ tay mẹ rồi tất tưởi chạy cho kịp phiên chợ mai. Mỗi lần về dì lại khe khẽ lau nước mắt, ngoài vẻ lam lũ còn ẩn chứa nét cam chịu.



Lần này dì trở về mà không quẩy gánh cá như mọi lần, vừa vào nhà là sà vào lòng mẹ khóc nấc nở, trên mắt trái hằn một vết bầm tím, con mắt bầm máu đỏ lừ.



“Nó theo con mẹ chủ tàu nên ngược đãi dì phải không? Thôi! Lên đây, chị em rau cháo nuôi nhau”, dì càng khóc to hơn lắc đầu quầy quậy, nói vậy thôi chứ mẹ biết đời nào dì dám bỏ lại đàn con với bà mẹ chồng ngoài bảy mươi tuổi, ai bảo trời sinh ra dì có tấm lòng đức độ.



Buổi chiều tiễn dì về, nắng Thu trải màu vàng nhẹ khiến lòng buồn thăm thẳm. Dì cho tôi cái bánh trung thu nhỏ xíu, vẫn hương vị ngọt ngào nhưng mặn chát, lần đầu tôi thấy bánh không còn ngon nữa, bên vệ đường những quả cối xay khô quắt rung rung như tiếng chuông reo.
2hi.us