Snack's 1967
Truyện Ngắn - Đôi Mắt Ấy

Truyện Ngắn - Đôi Mắt Ấy

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Đôi Mắt Ấy

Mười năm phát triển kinh tế cơ chế thị trường, chẳng những vực dậy nền kinh tế từ hố sâu lên, mà còn kéo theo những cái bị lãng quên trở về hiện thực. Và thậm chí, từ cái không biến thành có. Thế mới biết: Sức mạnh của Phú quý sinh lễ nghĩa.

Khi kinh tế đã có của ăn của để, con người thường tìm đến một bến bờ tinh thần, đồng hành với vật chất để tạo thế quân bình cho dòng chảy cuộc đời.
Một trong những chỗ dựa đầy tính nhân văn: Sự về nguồn.

Như một trận mưa rào làm thức giấc dòng chảy tìm về quê cũ, tình bạn, cội nguồn. Người ta truy tìm lại gốc tích gia phả của dòng họ mình, để có thể từ một dòng họ bặt vô âm tín, đã biến thành một dòng họ tiếng tăm lừng lẫy. Tìm lại những bè bạn hay đồng đội một thời chiến đấu bên nhau để khơi lại niềm tự hào một thời oanh liệt. Hay tìm lại chút hương vị quê hương của những người đồng hương đồng khói cho ấm lại cảnh đời tha phương cầu thực. Và rồi những người đồng hội đồng thuyền cũng làm sống lại những năm tháng gian nan một thời chung nhau đấu cật. Tất cả đã nhen nhúm lên những hội đoàn này, câu lạc bộ nọ được hình thành và phát triển một cách nhanh chóng. Và Hội Đồng môn, những người cùng học một lớp, chung một trường, cũng không thoát khỏi quy luật tất yếu đó của cuộc sống.

Nhận được giấy báo mời họp mặt Lớp 5 Trường cấp I PCT, Niên khoá 75 - 76. Thoáng chút bở ngỡ, và rồi cố truy cập vào cái ổ cứng hồi ức cùn mằn và rỉ sét của cái tuổi ngũ thập niên, như để tìm lại những khuôn mặt thân quen một thời, đã chìm sâu vào dĩ vãng cách đây 28 năm. Nhưng rồi cố gắng cách mấy, cũng chỉ váng vất được đôi chút bóng dáng của mấy đứa như: Hoà đen, Thịnh cá lóc, Nga tồ, Hải cẩu….28 năm chia cách Cô Trò mỗi người một phương và mỗi người một nghiệp sống. Chính hoàn cảnh sống khác nhau đã chia xa lối về từ độ ấy.

Và cảnh kinh tế muôn vàn khó khăn thời hậu chiến, đã không cho phép tâm trí con người được thảnh thơi, để trống chỗ cho những hình ảnh người thân quen đọng lại. Ngay cả tôi, cũng đã rời ngôi trường cũ - sang trường khác - hơn 25 năm rồi, còn gì để nhung nhớ nữa kia chứ. Một ngôi trường mà, mỗi lần nhớ tới, lòng lại quặn đau một nỗi niềm day dứt. Một sai phạm của nghề giáo đã không cho tôi một cơ hội sửa sai, để rồi những năm tháng sau đó, tôi không thể sống yên ổn với lòng mình. Và đôi mắt ấy – của cậu học trò đen đủi - cứ ám ảnh cuộc đời đi dạy của tôi mãi
Nỗi đau quay quắt bám víu tôi mãi cho đến một ngày…

Đó là ngày họp mặt của lớp 5B, tại nhà riêng một học sinh cũ của lớp.
Khi tôi đến, các em đã tề tựu đông vui lắm rồi. Vừa bước vào, các em đã đồng loạt đứng lên đón chào rân vang: Em chào cô, em chào cô…Tôi như bị chìm sâu giữa cánh đàn ông to cao và đẩy đà của cánh phụ nữ. Vốn đã nhỏ con, tôi như bé lại giữa đám đông quần tụ. Bao lời thăm hỏi tuôn trào tình cảm chan chứa sau 28 năm xa cách. Cô có khoẻ không ? Bây giờ cô dạy ở đâu ? Chồng con ra sao rồi hả cô ? Tôi bỗng xúc động lạ thường và nói không nên lời. Tôi đâu ngờ có buổi gặp mặt thân thương và đầy cảm xúc đến thế. Thú thật, tôi đã không thể nhận diện ra ai để gọi tên. Bên cánh nữ, tôi có thể nhận ra được đôi người. Nhưng cánh đàn ông thì thật khó để nhận ra được người nào. Thời gian, một cỗ máy biến hình đã làm thay đổi nhân dạng và khuôn mặt của mọi người rất nhiều. Dáng vóc to cao và dày dạn nét phong trần đã xoá đi những nét thư sinh trắng trẻo và nhỏ nhắn ngày xưa. Chỉ có vài ba người gầy rạc, cũng hơi cảm thấy nhớ mang máng, nhưng lại không nhớ nổi tên. Có người tóc đã muối tiêu. Người khác lại râu ria xồm xoàm. Xấp xỉ tuổi 40, nhưng có người còn bạch diện thư sinh lắm. Tuy nhiên, cũng có người trông già như cha chú tôi. Riêng cánh nữ, tạo hoá có vẻ cưng chiều hơn đôi chút với phái đẹp, nên vẫn còn làn da trắng nõn nà bên mái tóc vẫn còn xanh xao thủa nào. Và dáng xưa mảnh mai cũng được phù sa mầu mỡ đẩy đà và đẹp ra như các mệnh phụ, khiến tôi phải phát ghen.

Phút đầu gặp nhau còn đôi chút e dè, ý tứ. Nhưng rồi càng lúc, men nồng bia rượu đã gây phấn kích, làm mở toang cánh cửa đời, vốn đã khép kín riêng tư bấy lâu. Và giờ đây những tình cảm như chợt vỡ bờ, tràn ngợp ào ạt cả hội phòng. Những kỷ niệm chôn kín 28 năm bỗng thức giấc như những dòng chảy đan kín nhau. Mọi người say sưa kể cho nhau nghe những chuyện đời dâu bể. Những tiếng cười nói rộn rã, âm vang liên tu bất tận, tưởng như chưa bao giờ được cười nói với nhau.
Thịnh cá lóc – đầu hắn to như đầu cá lóc - bắt đầu bằng màn độc diễn hài tấu rất vui nhộn, rồi quay lại phỏng vấn tôi:
- Hai mươi năm xa cách, có bao giờ cô nhớ đến chúng em ?
Một câu hỏi tưởng rằng đơn giản, nhưng khi trả lời thì thật khó khăn. Cuối cùng tôi cũng phải nói thật lòng mình.

Thú thật là chẳng mấy khi tôi nhớ nổi. Cuộc đời một giáo viên có biết bao học sinh, có bao lớp qua tay và rồi cứ như từng đợt sóng dâng lên vùi dập lớp kia. Đời giáo viên cứ mãi cuốn hút và miệt mài với những giáo án và những tiết học xoay vòng tròn tháng năm. Hầu hoạ một đôi khi xẩy ra những sự cố tương tự, giống như ngày xưa thì nhớ đến người này, người kia…mà thôi.

Trong khi Cô và Trò đang thổn thức với những tâm sự đời dâu bể thì bỗng, một bóng dáng to cao, khệng khạng bước vào. Cả lớp bở ngỡ, chẳng ai nhận ra hắn. Cái đầu to húi tóc đinh nhẵn thín và làn da rám nắng càng làm cho hắn thêm bặm trợn. Nhưng rồi nhờ chiếc áo cộc ngắn tay màu sọc xanh và chiếc cà vạt màu xanh nhạt làm cho con người hắn trông khá phong nhã. Và dáng đi trong đôi giày Ba ta sọc xanh đỏ, thanh thoát làm cho con người hắn trẻ trung và hoạt bát hơn. Hắn cầm một bó hoa, hai tay giơ cao và tiến về phía tôi. Với khuôn măït rạng rỡ và đôi mắt sáng rực đầy tự tin kêu lên:
- Cô Mai, cô không nhớ em nữa sao ? Rồi hắn ôm chầm lấy tôi một cách thân thương. Tôi như nhỏ bé trong đôi cánh tay chắc rắn của hắn. Những râu ria lởm chởm của hắn ghì vào má tôi nhột nhạt. Bất chợt tôi rùng mình, và hình như vừa nhận ra một điều gì vừa thân quen vừa đáng sợ. Thôi rồi, đôi mắt ấy, không thể lầm vào đâu được nữa. Cũng vừa lúc ấy hắn thốt lên:
- Hoà đen, Hoà đen đây mà cô.

Tôi bỗng tuôn tràn nước mắtxúc động: Trời ơi, bây giờ hắn nên thân nên người thế này rồi ư ?
Cả lớp nhao lên:
- Hoà đen, Hoà đen khẳng khiu năm xưa đây mà.
Trong tôi, bỗng tuôn chảy về đây một dòng hồi tưởng, như một khúc phim đời lướt nhanh trong tâm tưởng.

Ngày đó - sau giải phóng - tôi đuợc phân bổ về dạy Trường điểm cấp I ở trung tâm thành phố, nơi con em của giới thượng lưu và viên chức cán bộ trung cao gửi vào. Mặc dầu là kinh tế thời hậu chiến khó khăn, nhưng khu vực đó vẫn còn khá ổn định để chăm lo cho các con em ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, tươm tất, trông rất dễ thương.

Những ngày tháng trôi đi trong yên vui và êm ả như từng chiếc lá vàng rơi nhẹ dưới bầu trời Thu sóng biếc mặt hồ. Thế rồi một hôm, thằng bé đen nhẻm, khẳng khiu, được đua vào lớp 5B – Lớp mà tôi đang phụ trách. Nó thuộc tầng lớp dân nghèo lao động. Quần áo ăn mặc xốc xếch, đầu tóc bù rối. Nhưng là diện chính sách, con thương binh liệt sĩ mới được chiếu cố đưa vào học ở trường này. Các bạn bè xem nó như “thằng hủi” và đều xa lánh nó. Nó cũng tự biết thân

phận nghèo hèn và tự tìm cho mình một chốn nương thân cuối lớp để khỏi ai quan tâm. Tính nó trầm lặng ít nói, nhưng khi nói thì cộc cằn và đốp chát rất ngỗ nghịch.

Buổi đầu, tôi vốn chẳng mấy thiện cảm, thì càng về sau, nó càng làm tôi thất vọng và chán nản hơn. Đi học thì trễ nãi. Bài vở không mấy khi thuộc và kể cả những bài tập về nhà cũng lười biếng làm. Thật khó để chắt chiu chút tình cảm dành cho nó. Dần dà nó bị cả lớp – và tôi – quên lãng.

Đến một hôm rất đỗi tình cờ, tôi ra đề luận: Em hãy tả người thầy hoặc cô mà em đã từng học. Đa phần các em đều tả về tôi với lời lẽ xưng tụng: Xinh đẹp, hiền hoà, nhiệt tình và năng động trong công việc dạy dỗ. Thật tình mà nói, tôi khá cảm kích những lời văn xưng tụng đầy mộc mạc đó – tâm lý con người ai chẳng thích được khen nịnh. Thế nhưng, khi cầm đến bài luận văn của hắn, tôi chợt sững sờ với phần kết luận hết sức bẽ bàng:
“Trông cô giáo em đâu đến nỗi nào. Thế mà lại vô cảm và định kiến với lũ học trò nghèo nàn như tôi. Trái lại, cô tỏ ra niềm nở và thân thiện với những đứa con nhà giàu ; Phải chăng, nơi chúng nó luôn có lời chúc tụng và quà cáp biếu xén cô ?”

Đọc đến phần cuối, tim tôi như thắt lại đến ngộp thở. Nó đã xúc phạm đến cái phần sâu thẳm trong tôi. Giận quá, tôi gọi nó lên và quất cho nó mấy thước kẻ. Nó không né tránh và chấp nhận đòn thù.

Trước lúc bước ra khỏi lớp, nó quắc mắt, nhìn tôi như muốn trút bao điều căm giận lên tôi. Và mãi mãi nó chẳng bao giờ đến lớp nữa. Mặc dầu sau đó, tôi cố tìm để đưa nó trở lại học, nhưng nó vẫn cố lẫn tránh.

Suốt những năm tháng sau đó, tôi luôn bị lương tâm dày vò và cắn rứt ghê gớm. Tôi tự nghĩ: Mình hèn quá, đánh một đứa bé cô thế và vô tội như thế, liệu có xứng là một nhà sư phạm chăng? Phải chi tôi nén giận để suy nghĩ về những lời viết của nó về tôi. Đúng quá rồi còn gì nữa. Quả là tôi có cưng chiều con nhà giàu, con cán bộ và kể cả quà cáp... Dường như trong tâm tưởng, tôi đã ruồng rẫy và bỏ rơi nó. Một lần lầm lẫn của nhà giáo đã đưa đẩy số phận của nó vào con đường thất học. Và rồi đôi mắt ấy, cứ ám ảnh tôi mãi.

Thi thoảng, tôi lại đưa bài luận đó ra xem như một tấm gương soi lại chính mình.
Và hôm nay, đôi mắt ấy…
- Cô khóc đấy à!
Nó làm tôi chợt bừng tỉnh lại với thực tại. Tôi nói trong cảm xúc:
- Thấy em được thành đạt như hôm nay, tôi mừng lắm; nếu không, suốt cả đời tôi sẽ ân hận mãi về cách hành xử bài luận văn ấy năm xưa.

Hắn cười đôn đã:
- Lẽ ra em phải cám ơn cô về cái bài luận văn ấy chứ !
- Rồi Hoà đã kể lại bao nỗi truân chuyên sau cái biến cố bước ngoặc của đời Hoà cho cả lớp nghe.
Từ một đứa trẻ đi nhặt ve chai và mua nhuôm nhựa, bị một trận đòn thừa sống thiếu chết chỉ vì mua lầm đồ ăn trộm, đến làm ông chủ bãi mua phế liệu. Và ngày nay, là Giám đốc một Công ty xuất khẩu hàng may mặc với hàng trăm công nhân là một nổ lực vươn lên không biết mệt mỏi.
Và đôi mắt tự tin, đầy nghị lực ấy đã sưởi ấm lại cõi lòng tôi trong những năm tháng sau đó của cuộc đời.

Nhưng tôi cũng không cho phép mình tự quên “đôi mắt ngày xưa ấy”. Nó như một chiếc gương soi và lời cảnh báo cho người giáo viên: “Hãy luôn tự xét lại cái đạo đức của nhà giáo mỗi ngày”.
2hi.us