Ring ring
Không nhan sắc

Không nhan sắc

Tác giả: Sưu Tầm

Không nhan sắc

Thơm đứng bên cửa sổ, tóc buộc ở sau gáy bằng một sợi dây thun màu vàng. Trong ngày, hễ có lúc nào thuận tiện chị lại đứng bên cửa sổ nhìn ra khoảng sân xi măng rợp bóng cây bàng. Gió đưa những chiếc lá xào xạc, lá nào vàng thì lìa cành rơi xuống sân.


Không nhan sắc


Hoàng hôn với những bóng râm sẫm lại giữa những cây bàng trong khi bầu trời vẫn còn giữ được một màu nhôm đánh bóng. luồng ánh sáng lấp lánh cuối ngày ví như tia hy vọng mỏng manh ở trong chị.


Đến tháng bảy mưa dầm thì chị về đây làm việc đã mười năm. Trước đó chị công tác ở một cơ quan hành chánh sự nghiệp trong thị xã. Quê ở vùng nông thôn sâu, bên dòng sông nước đục ngầu sáng chiều vẫn chở những mảng lục bình xuôi ngược.


Khi chiến tranh kết thúc, mái nhà của gia đình chị chỉ còn là một hố bom khuất sau hàng dừa nước xanh rì. Cô bé Thơm lúc ấy mười ba tuổi, người gầy nhom đen đúa với đôi bàn tay, bàn chân thô kệch lại thêm tật lãng tai sau lần hụt chết vì một quả bom nổ rất gần - chẳng còn ai thân thích ngoài một người chú họ xa. Thơm được chú đưa về thị xã nuôi nấng và bắt cô phải học văn hoá dù cô đã qua tuổi tiểu học. Dù sau Thơm cũng qua được lớp năm phổ cập và đậu tiểu học.


Năm Thơm hai mươi tuổi, chú Thơm xin cho cô vào làm việc ở một cơ quan hành chánh. Cô làm tạp vụ, tiếp phẩm và vô số công việc khác. Ban ngày, lặng lẽ chăm chỉ với công việc. Tối đến, lùi lũi về căn hộ chật hẹp ở khu tập thể, Thơm nằm co quắp trên chiếc giường gỗ cứng, mắt mở thao láo nhìn lên nóc mùng, cô cố vận dụng đôi tai bệnh tật của mình để lắng nghe tiếng gió thổi bên ngoài cửa sổ. Sáng ra, chưa sáu giờ, Thơm đã dậy nấu cơm, quét sân với đôi mắt trũng sâu vốn có tròng trắng nhiều hơn tròng đen.


***


Sau, nghe nói có làng trẻ mồ côi Thơm xin chuyển về đó. Ở đây, công việc có bận rộn hơn nhưng những đứa trẻ hình như khiến chị vui lên. Cùng với chị có hai người phụ nữ khác cũng làm công việc nuôi trẻ.


Mẹ Hai, mẹ Tươi ngoài ba mươi tuổi có gia đình và con cái. Vì công việc đòi hỏi nên thỉnh thoảng cả hai mới về thăm nhà. Họ có một mái nhà riêng và một hạnh phúc riêng.


Đôi lần chị thở dài khi chị nghĩ về họ rồi nhớ đến mình. Chú chị giờ đây đã về hưu sống với vợ chồng người con trai duy nhất, hoạ hoằn một năm có hai lần chú đến thăm chị, mặc dầu từ thị xã đến đây chỉ hơn hai mươi cây số.


Lặng lẽ, cô đơn, đêm đêm ngồi đom những chiếc cúc áo đứt như người thư ký ngồi mân mê những chiếc đinh ghim mà mong cho đến giờ tan sở.


Gần bốn mươi tuổi, chị chưa bao giờ nghe được một lời tỏ tình, một câu hò hẹn, nào đâu một bài thơ đẹp, nào đâu nhữngcánh bướm ép khô trong quyển vở học trò. Và chị chưa bao giờ nhỏ được một giọt nước mắt dỗi hờn trong một lần ai lỗi hẹn.


Có lần xem phim truyền hình "Hoa Phong Lan" chị cứ bồi hồi day dứt. Giá mà có ai đó tặng cho chị một giò phong lan như vậy có lẽ chị hạnh phúc lắm.


Thời gian cứ qua, mỗi ngày tóc chị mỗi ít đi, xơ xác, đôi vai gầy nhô lên qua lần vải áo rẻ tiền. Tự biết mình, một người đàn bà không nhan sắc, nên chị chẳng màng soi gương, không bao giờ quan tâm đến thân thể áo quần. chị chỉ cặm cụi với công việc và tìm vui trong tiếng cười của các đứa trẻ.


Rồi bỗng dưng một tối ẵm thằng bé quấy khóc trên tay chị nẩy ra ý nghĩ có một đứa con riêng của mình. Thật hạnh phúc! Đó sẽ là niềm an ủi vô biên của chị! Và chị chọn đứa trẻ mà chị yêu mến nhất.


Nó được mang đến đây khi vừa mở mắt chào đời được hai ngày, bây giờ đã qua tuổi thôi nôi. Trước tình cảnh của chị, ban giám đốc bằng lòng để chị nhận nuôi đứa bé. Mọi sinh hoạt chẳng có gì thay đổi, duy có đìều nó sẽ được khai sinh mang tên Lê Minh Nhựt, mẹ là Lê Thị Thơm.


Cũng chẳng có gì khiến cho chị phải ngóng trông khắc khoải nếu như không có một người trong đoàn từ thiện thường đến thăm trẻ muốn nhận nuôi bé Nhựt. Chẳng phải chú Sáu giám đốc đã cho anh ta biết bé Nhựt không phải là trẻ mồ côi đó hay sao...


Nhưng anh ta vẫn tỏ ra quyến luyến bé, quan tâm đặc biệt đến nó làm như thằng bé bụ bẩm vừa biết nói bập bẹ này có sức thu hút đặc biệt đối với anh ta. Qua cô Huế y sĩ chị cũng biết đôi điều về anh ta. Tên là Phạm Văn Quân, đã từng đi bộ đội, có một mối tình dang dỡ trong chiến tranh. Hoà bình rồi, cuộc sống ổn định, anh ta có một cửa hiệu bán tạp hoá bên chợ Ba mươi tháng tư, sống với mẹ và một cô em gái... tất cả những chuyện về Quân chị không hề quan tâm.


Huế nói thì chị làm ra vẻ chú ý, đầu gật gật. Những điều Huế được biết về Quân là qua những người cùng đi với Quân nói lại chưa biết thực hư thế nào. Cho dù có thực hay hư thì chị cũng không màng đến, cả đến dáng đi khập khểnh của Quân, nếu Huế không nói thì chị cũng không biết. "Anh ta là thương binh, bị thương ở chân trái".


Điều chị lo lắng là bé Nhựt rất mến Quân. Trẻ con được ai thương yêu chiều chuộng cũng đều quyến luyến người đó. Nào đồ chơi, nào quần áo, nào quà, nào bánh... Nó thường cười nắc nẻ mỗi khi Quân nhấc bổng nó lên cao. tiếng cười của cả hai làm vỡ toang không gian yên tĩnh của buổi trưa êm ả và muốn làm vỡ tung lồng ngực chị.


Những lúc ấy Thơm từ trong cửa sổ nhìn ra rất khó chịu. bản tính ích kỷ của người phụ nữ trổi dậy ở trong chị, chị không muốn ai đụng vào một sở hữu của chị dù rằng họ không làm mất mát một thứ gì.


Thêm nữa đó lại là lẽ sống của đời chị. bởi vậy chị thường tìm cách giữ rịt lấy thằng bé ở trong nhà mỗi khi thoáng thấy Quân đi vào hay đang đứng nói chuyện với ai đó cạnh cây bàng. Còn bé Nhựt vừa nhác thấy Quân đã vứt bỏ cả đồ chơi, bỏ dỡ chén cơm đang ăn tất tả chạy ra ngoài "Ba! Ba Quân! ". Nó hét to lắm. Thật là ghét! Thơm bị lãng tai mà còn nghe nó hét inh ỏi. mỗi lần nghe như vậy chị lại thấy tưng tức, mặc dù tất cả trẻ ở đây đều gọi Quân là "Ba Quân".


Có lần Quân đến vào lúc bé Nhựt đang ngủ trưa. Thật may! Trưa nó ngủ dậy muộn. Chị khắp khởi mừng thầm. "Nó ngủ rồi". Chị nói ngay khi Quân vừa bước vào. "Vậy à! " Quân đưa mắt nhìn về phía thằng bé đang nằm ngủ như để yên tâm về những lời chị vừa nói. Thơm hả hê trong lòng khi thấy Quân có vẻ ngượng ngập, tay cầm một món gì đó trong chiếc hộp giấy. Chị vờ chăm chú xếp quần áo.


"Nó mới ngủ thôi. Đừng đánh thức nó". "Ờ! " "Mà nè! " Hôm trước nó ăn sôcôla của anh cho nó đau bụng cả đêm. Lần sau đừng để phần cho nó nữa, cứ chia hết cho mấy đứa kia đi". Không ngẩng lên nhưng Thơm biết Quân đang nhìn chị khó chịu.


"Tôi có bắt mất nó đâu mà chị ghét tôi quá vậy... " Quân hỏi lớn tiếng, nhưng không phải vì đang bực mình mà vì anh biết chị bị lãng tai. Anh toan đi ra cửa nhưng chưa đi vội mà đưa chiếc hộp về phía chị. "Đưa bé hộ tôi". chẳng biết chị có nghe hay không nhưng chị vẫn bình thản gấp chiếc áo trên tay và không buồn ngẩng lên. Quân thở ra, đặt chiếc hộp trển đầu giường rồi khập khểnh ra khỏi phòng. Tiếng chân của anh vang lên không đều và chị cũng không nghe thấy.


***


Không nhan sắc


Lại một buổi chiều, mọi sinh hoạt đang dần đi vào buổi tối, tất cả trẻ đều đã tập trung vào nhà sau bữa ăn chiều vậy mà Quân còn bế bé Nhựt ngồi trên thành xi măng ở gốc cây bàng. Những người cùng đi với Quân chờ anh không được đã đi về trước.


Đã vậy, đến lúc anh lên xe bảo nó vào nhà để anh đi về nó cứ lắc đầu "hổng chịu! hổng chịu! " và khóc đòi theo. Thơm bồn chồn từ nãy giờ, không nén được chị ra ẵm phắt nó vào còn phát vào mông nó mấy cái ngay trước mặt Quân.


Anh nhìn theo cả hai một lúc lâu với vẻ mặt buồn bã. Đợi hai mẹ con khuất hẳn trong nhà, anh mới nổ máy xe chạy đi. Nghe tiếng xe nổ bé Nhựt càng khóc dữ dội hơn, nó dỗi không thèm nhìn chị mà úp mặt xuống gối đến khi ngủ thiếp đi. Đêm hôm đó chị mấy lần đến giường thăm chừng như thể sợ nó có thể bất ngờ biến mất, như sợ có ngọn gió lạ ùa vào phòng cuốn nó đi.


"Tôi có bắt mất nó đâu mà chị ghét tôi quá vậy". Câu nói của Quân như là tiếng chuông gõ vào đầu Thơm từng hồi, từng hồi khiến chị vô cùng hoang mang lo sợ. Liệu có một lúc nào đó Quân sẽ thực hiện lời nói ấy không... Và bé Nhựt, tự nó sẽ bỏ chị mà về với Quân. Chị không có thời gian dành riêng cho nó, ăn thì ngồi xếp hàng như các trẻ khác, ngủ cùng đồng loạt trên giường như nhau.


Với chị chỉ có sự khắc khe và hình phạt còn Quân luôn mở rộng vòng tay đón với bao vuốt ve trìu mến, cả đến những sự nuông chiều có khi quá đáng. Chị cứ ngồi bó gối trên giường thằng bé cho đến sáng. Phải biết giành giật lấy những gì mình đang có. chị quyết tâm nghĩ như vậy nên sáng hôm sau chị lên văn phòng gặp chú sáu giám đốc.


"Cái gì... Nghỉ việc à... " Chú sáu muốn nhảy chồm lên trên ghế khi nghe nguyện vọng của chị. "Rồi hai mẹ con sẽ sống ra sao... Đâu cần phải trốn tránh như vậy...". "Cháu phải đi chú à...". "Chặc! Thôi để chú nói với Quân đừng đến đây nữa để cho cháu yên tâm. Chú hứa như vậy. Nhớ! Không được lén lút bỏ đi đâu. Nghe chưa...".


***


Quân không đến thật! Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày... chị thở phào nhẹ nhõm như người vừa cất được gánh nặng khỏi vai. Chị không còn lúc nào cũng để mắt đến thằng bé nữa. Có lẽ vì vậy nên chị không thấy nó buồn và ngơ ngác.


Một tuần, hai tuần, rồi ba tuần... một đoàn xe gắn máy chạy vào sân chưa kịp dừng lại bé Nhựt đã chạy ra ngoài hét to: "Ba Quân! Ba Quân! " Thơm ôm một chồng quần áo trẻ em. Vừa bước vào nhà trẻ, trông qua cửa sổ chị thấy nó xẻn lẻn đứng nhìn những gương mặt lạ hoắc vừa mới đến.


Một người cúi xuống bế nó lên nựng nụi. Nó buồn thiu sụp mắt nhìn xuống đất. Thơm quay mặt đi che giấu nỗi xót xa và cũng như chị trốn tránh không muốn nhìn nhận lòng cảm thấy trống vắng. Như Huy Cận "Vậy đó tự nhiên mà họ lớn". Cái "tự nhiên" sao mà thật "tự nhiên". Đã hơn nửa đời người lẽ nào vẫn còn "tự nhiên" đến vậy.


Lần đầu tiên trong đời chị cảm nhận một nỗi nhớ da diết dày vò tâm tư chị. Một sự tiếc nuối tưởng chừng như khiến chị ngạt thở. Thằng bé mỗi ngày càng bơ phờ thấy rõ, biếng ăn, lười chơi, đêm ngủ hay giật mình. Chị chợt nhận ra mình đã quá ích kỷ. Có lẽ không nên giành giựt những gì không thể giành giựt được.


Về với Quân tương lai nó sẽ tốt đẹp hơn. Quân sẽ cho nó một mái nhà riêng và những gì nó mong muốn. Thơm muốn ứa nước mắt khi nghĩ đến lúc chị phải mất nó. Nhưng chị không thể vì chị mà không nghĩ đến tương lai của nó.


Chị thầm mong Quân trở lại, lần này thôi, chị sẽ nói: "Tôi thua anh rồi!" và để Quân mang thằng bé đi càng xa càng tốt. Chị sẽ khóc, sẽ đau khổ lắm nhưng rồi chị sẽ quên, sẽ lại sống như những ngày tẻ nhạt trước đó. Không có bé Nhựt và không có cả Quân. Hôm trước, thằng bé ôm con gấu nhồi bông ngồi ở bậc thềm thì chú Sáu đến, thấy chú nó hỏi: "Ba! Ba Quân đâu..." Chú cười xoa đầu nó: "Bỏ rồi! Bỏ Nhựt rồi!" Rồi chú nhìn Thơm đang đứng cạnh đó. "Con có mẹ Thơm rồi". Vẻ đắc ý của chú khiến Thơm phải nhìn xuống đất. Chị chỉ muốn nói với chú "Cháu đã sai rồi chú ạ!"


Hai mươi chín ngày rồi Quân vắng bóng. Mẹ Hai và mẹ Tư nói như vậy còn Huế y sĩ thì nói ba mươi ngày. Thơm thì cho là ba mươi mốt ngày. Chị tin là mình chính xác nhất. Từ buổi chiều Quân mặc chiếc áo sơ mi màu xanh dương và chiếc quần xam xám đứng vịn con ngựa gỗ cho thằng bé Nhựt cưỡi với vẽ mặt nặng trĩu.


Chị biết, hôm đó chú Sáu đã nói những gì chú đã hứa với chị. Chú đâu biết là giờ đây chị cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Hình như là tiếng cười của Quân và thằng bé, hình như chiếc bóng của Quân ngã dài trên mặt sân, hình như... mọi cái điều hình như thoắt ẩn thoắt hiện ở trong chị, ở nơi người đàn bà không nhan sắc đã đi quá xa tuổi dậy thì. Chị bỗng dưng khắc khoải từng ngày, mong chờ từng phút mà hy vọng thì như ánh hoàng hôn sắp tắt ở cuối ngày.


Thơm vén mấy sợi tóc loà xoà trên má, nghe tiếng trẻ nhốn nháo chị biết chúng sắp sửa từ nhà ăn đi lên. Thơm định rời cửa sổ thì bỗng nhiên chị trông thấy Quân xuất hiện trên khoảng sân đã râm mát. Chị nhìn đăm đăm không chớp mắt như sợ chỉ cần chớp mắt một cái thì dáng người vừa xuất hiện kia sẽ biến mất như ảo ảnh. Trên sân Quân đang hối hả đi vào, về phía nhà trẻ, một tay xách vali, tay kia xách mấy túi nilon nằng trĩu. Anh có vẽ bơ phờ như vừa qua một chặng đường dài.


Sau phút lặng người, Thơm như sực tỉnh quay đi toan tìm thằng bé thì nó đã cùng bọn trẻ chạy vào phòng. "Nhựt! Lại đây! Ba Quân! Ba Quân!" Chị gọi nó và chỉ tay ra cửa. Thằng bé ngẩn người ra nhìn chị một chút rồi chợt hiểu, nó ù chạy ra khỏi phòng. Bọn trẻ chạy theo nó nhưng đến cửa thì cả bọn dừng lại trố mắt nhìn nó đang lao vào vòng tay của Quân. "Ba! Ba!" Các thứ trên tay Quân bị vứt xuống sân.


Anh nhấc bổng nó lên miết cằm vào mặt vào cổ nó. "Ôi! Nhớ quá! Nhớ quá!" Thằng bé cười nắc nẻ. "Bỏ! bỏ rồi!" "Bỏ à! Ai bỏ... Bỏ ai..." "Ba! Bỏ! Bỏ Nhựt!" Quân bật cười. "Không bao giờ! Không bao giờ ba Quân bỏ Nhựt". Thơm đứng bất động bên cửa sổ với đôi mắt vô hồn. Cuối cùng thì ánh sáng le lói cuối ngày cũng tắt.


Cuối cùng thì Quân cũng trở lại. Chị sắp mất tất cả rồi. Có ai như chị, đợi chờ để bàn giao lẽ sống của đời mình. Có cái gì đó dâng lên ngực chị đầy ứ, tức uất. Chị bỏ đi như chạy trốn ra phía sau nhà, đứng tựa vào bồn chứa nước, úp mặt vào hai bàn tay chị khóc nức nở. Khóc thật to như ngày nào người ta cho chị hay bom rơi ngay nhà của chị mà mẹ chị còn ở trong đó, như lúc người ta đưa cho chị chiếc nón tai bèo và chiếc khăn rằn của ba chị.


Những giọt nước mắt đã từ lâu lắm rồi không thoát ra khỏi đôi mắt khô khốc của Thơm giờ như nguồn nước có muốn ngăn cũng không được. "Mẹ Thơm!" Tiếng gọi của thằng bé lôi khuôn mặt đầy nước mắt của chị ra khỏi đôi bàn tay, Quân đang bế nó trên tay đứng trước mặt chị. Thơm nhìn cả hai như qua một tấm kính phủ hơi sương.


"Xin lỗi!". Quân có vẽ bối rối. "Tôi thăm thằng bé một lát... tôi biết chị phiền. Xin chị thông cảm! Tôi đi thành phố vừa về đến đây thì ghé lại. Tôi ... có quà cho hai mẹ con". Quân đặt bé Nhựt xuống đất để nó chạy đến với thơm. Chị bế nó lên, úp mặt vào vai nó thổn thức. "Anh mang nó theo đi. Nó nhớ anh lắm... Nó rất cần anh..." Rồi chị sụt sùi khóc.


Những tiếng nấc bị nén lại trong lồng ngực khiến đôi vai chị run lên. Tai chị lùng bùng nhưng chị vẫn nghe được tiếng Quân rõ ràng, chậm rãi. "Đi xa lâu ngày tôi cứ nôn nóng, linh cảm có người đang chờ đợi tôi. Không phải là bé Nhựt! Vì thằng bé, tôi biết nó nhớ tôi lắm, nó rất cần tôi. Và nó cũng rất cần chị" Quân bước tới một chút như sợ Thơm không nghe được lời anh. "Tôi cũng rất cần chị, nhưng... tôi không biết chị có cần tôi hay không?"


Thơm không trả lời, người người như nhẹ hẫng lâng lâng và chị như thấy trước mặt một giò phong lan thơm ngát.


 Trần Lệ Thường


 

2hi.us