Pair of Vintage Old School Fru
Già cả rồi

Già cả rồi

Tác giả: Sưu Tầm

Già cả rồi

Bà khẽ cầm tay ông bằng đôi tay đã nhăn nheo của bà. Tay ông to và thô ráp. Cánh tay anh Mạnh ngày nào đã cầm tay bà tìm chỗ nấp khi chiếc khu trục lượn lờ chĩa đại liên xuống cánh đồng. Giờ đây, anh Mạnh của bà đã già hơn nhưng vẫn là người mà bà đã yêu thương và chăm sóc suốt mấy chục năm.


***


Già cả rồi


Bà San đã ra đến đồng. Cỏ ướt lạo xạo dưới gót chân bà. Trời hẵng còn sớm. Đâu đó, lác đác vài người cũng đã ra đồng. Dòm thửa ruộng trắng lăng nước, dường như có quả tạ nặng cả trăm kí đeo trên hai chân bà. Không phải bà ngại cực. Đời nhà nông bám gốc lúa lùn. Cái khó cái khổ đã đeo gót chân bà hàng chục năm nay như đỉa đói đeo chân trâu thì bà còn ngại gì nữa.


Thửa ruộng nhà bà năm nào như nấy, vì nằm ở chỗ trũng nên hễ mưa xuống là nước ngập như cái ao làng. Vào mùa này mỗi năm bà đều phải vác gàu sòng tát nước vào con mương chảy ngang cánh đồng cho giống khỏi úng. Những người nông dân như bà, cuộc sống lao động gắn với cây lúa chỉ mong thuận mưa thuận gió, mùa màng bội thu. Chỉ mong vậy mà có mấy khi được toại ý. Mấy hôm trước, thấy trời không mưa, bà mừng thầm trong bụng rằng năm nay bà không phải dặm sạ cực nhọc nữa. Ngờ đâu, giống vừa gieo xuống, ông trời đã trêu ngươi bà. Nhìn ruộng nhà người ta, lúa đã cắm chông cả mà ruộng nhà bà, giống còn ngủ trong nước. Bà lắc đầu thở một hơi dài rồi lội chân xuống đồng.


Con cái bà , thương má đã lớn tuổi nên khuyên ngăn không cho bà làm lúa nữa. Bà không nghe


"Bây không biết. Nhà có ruộng mà không làm được lúa. Người ta đi ngang nhìn, người ta cười. Người ta nói có mỗi đám ruộng cũng làm không xong. Đất mà bỏ hoang, phụ đất thì lấy gì mà ăn hả con. Làm chi thì làm nhưng còn ruộng thì còn bám lấy mà trồng lúa", bà bảo.


Ba đứa con bà đều đã có vợ có chồng. Con trai con gái, con dâu con rể, đứa làm nhà nước, đứa làm tư nhân cũng đủ chu cấp cho bà hàng tháng. Chúng đòi nuôi bà nhưng bà không chịu. Vẫn cứ một năm hai mùa, bà làm ruộng. Dù có cực khổ đến mấy, bà cũng không để cho thửa ruộng ba sào rưỡi thành đất hoang.


Bà dừng tay nghỉ mệt. Bà leo lên cái chỏm đất ở góc ruộng. Bà vấn điếu thuốc lá và hút một hơi. Bà uống ngụm nước chè xanh. Nhà nông, cứ trầu cau, thuốc lá và nước chè là đủ để lại sức.


Bà ngồi nghỉ, mắt nhìn về khoảng đồng phía trước. Trước mặt bà hơn trăm mét, dọc hai bên đường quốc lộ là những tòa nhà, những bãi xe, những công ty vận tải với hàng rào thép B40 bao quanh mỗi khu - tách cao và nổi bật với ruộng đồng bên dưới. Cách đây vài năm, nơi những khu nhà đó mọc lên hẵng còn là đồng ruộng. Từ khi thành phố có dự án phát triển kinh tế địa phương bà thành cổng thương mại phía nam thành phố, người người đổ xô về mua đất ruộng dọc hai bên đường để kinh doanh. Bà còn nghe đâu thành phố dự định quy hoạch xã kế bên thành làng đại học. Ông bí thư Thành ủy cho xây một cây cầu vượt, bắc ngang qua cánh đồng, ngang qua con sông ngăn cách hai xã, tạo một đường thông từ quốc lộ 1A đến công trình quy hoạch. Ruộng đồng được lấp phẳng cho nhu cầu quy hoạch và xây dựng công ty, đường sá, cầu cống. Người ta lắp đèn cao áp sáng choang cả một con đường dài. Người ta phát triển kinh tế. Những người dân quê được tiền đền bù thì bỏ hẳn chiếc áo làm đồng nhuộm phèn bạc phếch. Họ mua xe máy, làm nhà, gửi ngân hàng... Trông mặt ai cũng phơi phới. Bộ mặt nông thôn đổi mới sau chính sách thành phố, đã không còn vẻ chân chất của những làng quê Việt mà cây lúa gắn bó bao đời nay.


Quê bà đã và sẽ bớt đi những cánh đồng. Người dân sẽ chẳng mấy ai còn làm nông nữa mà người người nhà nhà vẫn phải cần gạo cho bữa cơm.


Bà biết, rồi người ta cũng sẽ quy hoạch đến ruộng nhà bà. Bà cũng mong như thế. Hơi nửa đời người làm nông, bà không còn nhiều sức lực như trước. Bỏ ruộng không đặng, bà chỉ mong một ngày bà có thể vứt cuốc một cách thảnh thơi mà không phải bứt rứt vì cái gốc nông dân hàng chục năm dằn vặt.


Gần trưa, ruộng đã gần cạn nước. Những hạt giống với mầm sống bé tý nằm ngái ngủ trên nền bùn. Nước cạn. Mấy con rạm bò lổm ngổm tìm chỗ trú. Vài con ốc bươu quấn quýt với bùn nhão, chậm rãi như không hề di chuyển. Giờ này người đi làm đồng đã về cả. Bà còn chần chừ cho kịp xong thửa ruộng để chiều khỏi mất công ra lần nữa. Đồng rộng mênh mông chỉ còn mỗi mình bà, dáng gầy guộc đứng tát nước.


Việc đồng áng xong xuôi, bà San quày quả vội về nhà để kịp nấu bữa trưa cho chồng. Bà hy vọng chồng bà ở nhà đã cắm cơm rồi. Cuộc sống hiện đại thật tiện lợi. Chỉ cần bật nút là cơm chín. Nấu ăn thì đã có bếp gas, bếp điện. Chẳng phải như hồi trước, đi làm đồng về, đã mệt còn phải còng lưng thổi lửa, nhọ nồi quệt cả lên mặt còn chưa rửa sạch bùn.


Bà về đến nhà lúc giữa trưa. Từ cổng bà thấy ông Mạnh - chồng bà - tươm tất áo quần trên chiếc dream lùn chạy ra. Ông Mạnh nhìn bảnh bao với chiếc quần tây đã được bà là thẳng nếp. Áo sơ mi sọc dài tay cũng được là thẳng. Nom ông trẻ hơn so với tuổi sáu hai của mình. Ông đẹp hẳn ra, trẻ hẳn ra nhưng không phải cho bà. Hôm nay ông lại đi. Ông chỉ nhìn bà một cái rồi đi.


Bà biết ông đi đâu. Người ta đồn đãi từ làng trên đến xóm dưới chuyện ông tằng tịu với cô Thanh xóm Rừng.


Cô Thanh là một người đàn bà góa chồng từ khi đứa con trai còn chưa dứt sữa. Cô ở vậy nuôi con đến lớn. Nay thằng con cô cũng bằng tuổi con trai út bà rồi. Hai lăm hai sáu gì đấy. Ở cái tuổi ngoài bốn mươi, cô tân thời và mơn mởn. Đôi má cô hây hây hồng những phấn. Duyên cô mặn mà hơn gái tuổi đôi mươi. Đàn ông theo cô nhiều vì cái duyên hồi xuân ấy. Thế nhưng, bà San không hiểu được vì sao người đàn bà góa chồng, hơn hai mươi năm thủ tiết ấy lại theo dính ông chồng bà.


Những đứa con bà cũng biết chuyện nhưng chúng không khuyên giải gì. Chúng coi như ba chúng – người sinh ra chúng không tồn tại. Có những chuyện đã xảy ra lâu rồi mà ngẫm lại cứ như mới ngày hôm qua thôi. Có lẽ là vì tổn thương mà ông Mạnh gây ra cho bà, cho con bà vẫn còn hằn sâu.


Mười lăm năm trước, bà cũng như cô Thanh bây giờ. Bà không đẹp tân thời như cô nhưng bà mặn mà vẻ bình dị. Thân hình phốp pháp, đẫy đà ở cái tuổi xuân thứ hai của cuộc đời khiến bà đẹp, đẹp đến nỗi ông Mạnh phát ghen. Bà đi làm đồng, bà đi buôn trứng, bà đi đâu đều khiến ông lo lắng. Rồi chẳng biết ai ác ý đem gậy chọc bồ thóc. Họ nói rằng ông bị bà cắm sừng. Hai cái sừng to trên đầu mà ông không biết. Rằng bà mèo mả gà đồng với ông Lực, chồng bà Năm Lai. Nghe sao biết vậy lại thêm mặc cảm vì ông không làm ra nhiều tiền để lo cho gia đình, ông nổi máu ghen.


Ông Lực là bạn từ thuở nhỏ với bà. Hai người thân nhau vì trạc tuổi lại cùng lớn lên bên nhau qua những năm tháng khó khăn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tuổi đôi mươi, ông Lực ngỏ lời yêu bà nhưng cô San ngày ấy đã trót yêu thầm anh chàng Mạnh thật thà từ cái lần anh nắm tay cô băng qua đồng tránh đạn từ máy bay Mỹ. Rồi bà đi lấy chồng, ông Lực cũng lấy vợ. Chừng ấy năm, ông Lực và bà vẫn là hai người bạn thân chưa có làm gì sai trái để thiên hạ điều tiếng. Nhưng người đời ác khẩu , bà làm sao chống chế.


Bà nhớ như in buổi chiều của mùa hè đau lòng ấy. Cuối ngày rồi mà nắng như đổ lửa lên dải đất miền Trung khô cằn vẫn còn day dứt chưa muốn tắt. Ông Mạnh say rượu đi ngất ngưỡng qua cái cổng nhà. Chợt nhìn thấy ông, bà như thấy điềm chẳng lành. Gọi thằng Út, bảo nó dọn dẹp giường chiếu cho ba nằm, bà quăng đôi quang gánh vừa đi lấy trứng về trên sân, chạy vội ra đỡ ông. Nhưng vừa nhìn thấy bà, ông Mạnh đã sấn tới. Ông rút cái đòn gánh đang nằm chỏng chơ trên sân phang mạnh vào bà. Vừa phang tới tấp ông vừa chửi vừa rủa cái thứ đàn bà trắc nết, lăng loàn - là bà - đã làm nhục ông. Đám con bà đẻ ra không phải con ông. Bà cho ông ăn cơm thừa của người khác. Cái tủi hờn của người đàn ông cộng với con ma men dồn sức mạnh lên đòn gánh và từ nó, da thịt bà như xé tung ra. Thằng Út - lúc đó mới mười một tuổi, khóc thét lên phía sau bà. Nó cố chạy đến ôm chân ba, những tưởng nó sẽ quật ngã ông nếu đủ sức. Quá đau đớn - cơn đau đến từ những vết lằn trên thể xác và cơn đau đến từ lồng ngực - bà ngất đi. Bà chỉ kịp nhìn thấy thằng con đầu vừa hét vừa nhào vào từ cổng. Bà tỉnh lại trong bệnh viện sau gần một tuần mê man. Và con bà đã không thể tha thứ cho ba chúng từ dạo đó.


Hôm nay, bữa cơm tối trong gian nhà cấp bốn chỉ có ba người. Bà San, thằng Út và vợ nó. Ông Mạnh chưa về. Bữa cơm quay quanh chuyện cơ quan cô con dâu chậm phát lương báo hại nhân viên cứ thấp thỏm và lảng dần sang chuyện kiếm tiền thời buổi này thật khó khăn. Sau đó, cậu con trai hỏi bà về chuyện đồng áng. Nó bảo, ngày mai được nghỉ, nó nhất định sẽ đi phun thuốc mấy sào ruộng cho bà. Hồi mới cưới nhau về, ba má vợ cho tụi nó căn nhà để ở riêng. Hai đứa bảo bà ra ở cùng nhưng nghĩa vợ chồng bao năm, dù sắp nhỏ có không tha thứ cho ba chúng thì phận làm vợ, sao bà bỏ ông một mình cho được. Huống chi bà thương ông còn hơn thương bản thân mình. Chuyện ngày xưa chỉ là hiểu lầm, bà không trách ông. Thấy bà kiên quyết ở lại, không biết hai đứa tính tới tính lui thế nào lại dọn đồ về ở luôn với bà. Căn nhà nhờ vậy bớt quạnh hiu.


Bữa cơm đã xong từ lâu. Hai vợ chồng đứa con đã đi nghỉ. Bà San thì cứ ra vào thấp thỏm. Hơn chín giờ tối. Ông Mạnh vẫn chưa về. Có khi nào ông đi khuya vậy đâu. Thường thường tầm thời sự xong là ông về. Vì giờ đó là lúc con trai cô Thanh đi làm về, mà cậu này thì không ưa gì người đàn ông lớn tuổi vẫn hay bám lấy má mình. Đương lo lắng, bà San nghe tiếng chó sủa ngoài cổng. Bà nạt con Ki im lặng rồi chạy vội ra sân. Kia là ông Mạnh, áo quần bê bết máu, người mệt lả trên cánh tay của anh Hạnh – người hàng xóm kế bên nhà cô Thanh.


Để thằng Út dìu ba vào nhà, bà quay sang hỏi con người tốt bụng đã giúp đưa chồng bà về. Anh ta vừa thở vừa kể


"Số chú xui. Hôm nay thằng Đương về sớm. Bắt gặp má mình ngồi nói chuyện với ông già trên cái phản giữa nhà. Nổi nóng, thằng nhỏ quật luôn ông xuống nền. Sức trai trẻ, nó với cái bình hoa trên chiếc bàn gần đó phang cho ông một cú vào đầu. Vết thương trúng mạch máu bên thái dương nên máu ra quá trời. May mà con nghe tiếng la chạy đến rồi đưa chú đến trạm y tế băng vết thương. Không có chi nặng đâu, cô đừng lo. Thôi con về, đang ăn cơm nửa chừng."


"Cô cảm ơn con. Thôi con về. Trời tối lắm, nhìn đường cho kỹ nghe con. Ừ, về cẩn thận."


Tiễn Hạnh về xong, bà đi đến chỗ chồng đang nằm nghỉ trên cái giường tre. Mất máu nhiều, ông Mạnh nằm im. Môi ông tái nhợt, áo quần xộc xệch, đầu tóc bết với máu đã đông lại. Lúc trưa ông trẻ trung như thế nào, giờ nhìn ông thê thảm chừng ấy. Bà San gọi con dâu mang chút nước cho ông uống. Bà bước đến gần ông, nhẹ nhàng ngồi bên cạnh. Uống nước xong ông uể oải nằm xuống. Bà San nhìn ông với nỗi thương cảm dâng lên trong lòng. Bao lâu rồi bà không nhìn ông gần như thế này. Mắt bà ầng ậc nước.


Bà khẽ cầm tay ông bằng đôi tay đã nhăn nheo của bà. Tay ông to và thô ráp. Cánh tay anh Mạnh ngày nào đã cầm tay bà tìm chỗ nấp khi chiếc khu trục lượn lờ chĩa đại liên xuống cánh đồng. Giờ đây, anh Mạnh của bà đã già hơn nhưng vẫn là người mà bà đã yêu thương và chăm sóc suốt mấy chục năm. Hơi ấm từ đôi tay người vợ già có lẽ đã truyền tải được những tâm tình mà lâu nay bà giấu kín. Ông Mạnh như đọc được hết những thương yêu không lời ấy. Ông mím chặt môi nhưng màng mắt ông lay động. Từ trong đôi mắt già nua đó, hai hàng nước chảy dọc xuống hai bên mang tai. Bà San thì thầm với chồng, giọng nói như nghẹn lại trong cuống họng.


"Già cả rồi. Có bao nhiêu danh dự cho đến ngày gặp tổ tiên, ông không để dành được sao?"


Rồi bà khóc. Bà gắng không khóc trước mặt hai con nhưng không kiềm nổi. Nước mắt người già không như nước mắt của trẻ nhỏ - hễ đau thì chúng khóc. Năm tháng làm chai sạn trái tim con người. Nước mắt cũng có mấy khi chảy được đâu.


Sau lưng bà, cô con dâu bỗng khóc nấc lên.


 

2hi.us