Duck hunt
Truyện teen Hành Trình Của Ly Biệt

Truyện teen Hành Trình Của Ly Biệt

Tác giả: Internet

Truyện teen Hành Trình Của Ly Biệt

Chương 1

Tên tôi là Vũ. Tôi sinh ra tại thành phố Cẩm Phả, thuộc tỉnh Quảng Ninh. Nơi tôi sống không được nhiều người biết đến cho lắm, cơ bản vì họ để ý đến Hạ Long nhiều hơn. Hờ, phải, là vịnh Hạ Long – một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới. 
Có một điều đặc biệt khó tin là tuy tôi sinh ra ở Quảng Ninh, nhưng tôi chưa bao giờ tới vịnh Hạ Long. Có vẻ như tôi không có duyên với nó. Tôi từng có nhiều lời mời đi tới đó, nhưng lần nào cũng gặp trở ngại. Một phần là vì ba mẹ, còn lại một phần cũng là do vận mệnh. 
Sau này khi tôi ra ngoài xã hội làm việc, có rất nhiều người hỏi tôi rằng tại sao lại không thử tới đó, tôi đều cười trừ rồi bỏ qua. Thực ra có những câu chuyện khi nói ra thì sẽ thành nhảm nhí, sẽ không có ai tin cả. Tôi đã từng nghĩ mình sẽ bỏ ý định đến Hạ Long, cũng từng tính tới chuyện nói một lời khước từ nó với cuộc đời của tôi. Một lời khước từ mà không một ai biết cả. 
… 
Tôi với Vân đi qua con đường Thanh Niên. Cô ấy là một nhà văn, viết lách cũng khá. Tôi thích những câu chuyện của Vân. Nó khá đời thường, bình dị nhưng lại luôn mang một nỗi lòng của riêng cô ấy. Vân viết truyện vì bản thân cảm thấy cần phải viết nó ra, chứ không phải là viết vì đam mê. Đôi khi cô thường nói với tôi rằng: “Tớ muốn bỏ nó, ném nó đi. Tớ cần được yên tĩnh. Nhưng yên tĩnh quá lại hóa cô đơn”. Rồi cô ấy sẽ hút thuốc. Đó là một thói quen xấu của Vân, tôi không thích chuyện này, nhưng cũng chẳng ngăn cấm được cô ấy. 
Bởi Vân là một cánh chim tự do. 
Bản thân tôi thì không phải là một nhà văn, tôi học báo. Tuy nhiên, trong lòng tôi luôn có một câu chuyện. Mà tôi nghĩ trong lòng ai cũng thế thôi. Tôi muốn viết nó, như viết ra những dòng hồi ký vậy. Có lẽ tôi là một con người hoài niệm, luôn thích sự ố vàng của thời gian và mùi vị cổ điển đeo trong từng năm tháng. Vân không biết chuyện tôi viết lách, cô ấy sẽ không ủng hộ tôi, nên tôi chỉ có thể viết một mình. 
Viết lách một mình cũng có thể coi là cô đơn. Khi viết, dễ sinh ra một cảm giác tủi thân. Rằng bạn sẽ không có ai để san sẻ câu chuyện này cùng. Không có ai là người đưa ra ý kiến cho bạn. Rằng họ có thích nó hay không, họ có muốn được đọc những chương tiếp theo hay không. Khi tôi nghĩ đến chuyện này, tôi đã muốn bỏ dở. 
Đường Thanh Niên là một con đường khá nổi tiếng ở Cẩm Phả. Nó nằm ở phường Cẩm Thành. Dọc con đường luôn có các hàng quán. Quy mô nhỏ lẻ, một số rất vắng khách. Tôi và Vân mỗi khi rảnh rỗi thường đi tới đó. Hôm nay cũng vậy. Chúng tôi sẽ đi từ đầu con đường cho tới cuối con đường. Đi bộ. Chúng tôi sẽ nói chuyện phiếm với nhau, những câu chuyện tẻ nhạt rất khó để cười nổi, nhưng vẫn phải tiếp tục. Bởi nếu như gặp nhau mà không nói chuyện gì, thì giống như chuyện tự đưa nhau vào trong sự xa cách vậy. 
Vân rủ tôi đi ăn tiết hầm, một món rẻ nhưng chưa chắc đã sạch. Dạo gần đây có rất nhiều tin báo được đưa lên về an toàn thực phẩm, người dân đã chán chường và mất niềm tin vào những thứ mà bản thân cảm thấy cần phải ăn. Chỉ riêng chúng tôi là vẫn bỏ ngoài tai, giống như đem mạng sống bản thân ra đặt cược vậy. 
Người chủ quán là một phụ nữ chừng hơn năm mươi tuổi, khuôn mặt khắc khổ, ăn mặc bân bẩn nhưng vẫn luôn nở một nụ cười chất phác. Bà bưng cho chúng tôi hai bát tiết hầm lá ngải. Mùi lá ngải hầm thuốc bắc đặc trưng tỏa ra, khiến dịch vị cồn cào. Chúng tôi cùng nhau ăn trong im lặng, cơn đói dần lắng xuống. Tôi hay có nhã hứng vừa ăn vừa ngắm nhìn đường phố. Con đường Thanh Niên này cũng khá tấp nập. Ở ngoài cổng bệnh viện gần đó luôn ồn ào, chỉ có cái lõi bên trong là yên tĩnh. 
Một bà già mặc đồ bệnh nhân từ đó bước ra. Tay bà xách một chiếc cặp lồng nhỏ, chắc là để đựng cơm canh. Những bước đi dò dẫm như sắp đổ gục, tuy nhiên ý chí thì vẫn còn mạnh mẽ lắm. Có lẽ đó là bản năng sinh tồn trong mỗi con người. Là một bản năng đặc biệt. Cho dù có cô đơn thì vẫn phải duy trì sinh mệnh của bản thân. 
Tôi luôn có cảm giác sợ bệnh viện, là sợ thật sự. Tôi nghĩ tôi sẽ dễ dàng chết đi như trong phim. Rằng nhận thấy sự thay đổi đến kỳ dị của bản thân nhưng lại không muốn tới cái nơi sặc mùi thuốc tẩy trùng ấy. Tôi sẽ để mọi thứ cứ thế sinh sôi, trừ khi mẹ tôi phát hiện ra nó. Và cứ thế, tôi sẽ chết đi như mấy diễn viên máu trắng. Vì giấu người tình mà phải ra đi. 
Đúng thế. Có người hỏi tôi thấy cái chết nào dễ dàng hiến dâng nhất, thì tôi nói là cái chết trong phim. Người ta luôn nghĩ cái chết thật nhẹ nhàng, giống mấy vị anh hùng hảo hán thời xưa. Cứ động một chút là người này bệnh, cứ động một chút là tai nạn, chỉ vì một lý do đó là sóng gió. Đây là kiểu phim thịnh hành nhưng rẻ tiền. Thật! Một cái chết, vài giọt nước mắt gào thét và hết phim. Không ai biết số phận đằng sau của những con người còn lại. 
Chúng tôi ăn xong, tự trả tiền cho bản thân. Đó thể hiện sự thân thiết công bằng. Nhưng đa số người ta không có khái niệm ấy. Họ thấy đã là bạn thân thì cần phải làm tất cả cho nhau, kể cả về vật chất. 
Vân nói: “Tớ sẽ viết một câu chuyện về cái chết!” 
“Ừ!” 
“Chỉ là cái chết của một cuộc tình. Mạng sống tớ không dám động vào, nó là một thứ thiêng liêng. Và tớ yêu nó.” 
“Một cuộc tình? Sẽ chết?” 
“Ừ, nó chết đi như thế, không thể cứu vãn được. Thật đau buồn!” 
“Cậu không để họ chết chứ?” 
Vân nhìn tôi, cau mày: “Tớ đã nói không dám động vào sinh mệnh mà. Chẳng ai muốn đem thứ bản thân yêu tha thiết ra làm một cuộc thí nghiệm khó có thể thành công được.” 
Tôi gật đầu, tự thấy bản thân cũng yêu đời như vậy. Tôi rất sợ chết, nhưng không biết giới hạn của bản thân. Tôi đã nói rồi, một kẻ sợ bệnh viện thì dễ chết hơn những kẻ khác rất nhiều. Nó mang vẻ của một cái chết phim ảnh. 
Và có lẽ, ông đạo diễn của tôi chính là ông Trời.  

   
Chương 2

Tôi là một người không thích hoa, nếu không muốn nói là ghét. Không hiểu vì lý do gì, nhưng tôi đặc biệt khó chịu với cái vẻ mau nở mau tàn của chúng. Đó là những thứ yếu đuối nhất thế gian, có khi chỉ cần chạm nhẹ cũng dễ dàng tan biến. 
Mẹ tôi thì khác, bà yêu hoa. Thỉnh thoảng bà lại đi chợ hoa, mua vài bình cho dùgiá thành không hề rẻ. Tôi thường kêu ca này nọ, nhưng bà chỉ cười bỏ qua. Thái độ đó của bà giống như là đang bảo vệ tình yêu của mình vậy. Mẹ tôi là một người có lập trường rõ ràng. Chỉ cần là thứ bà yêu thích, thì sẽ không ai ngăn cấm được. Hoặc ngược lại, chỉ cần là thứ bà muốn bỏ, thì dù có yêu thương bà cũng sẽ tuyệt tình vứt đi. 
Năm ấy khi tôi tròn mười tám tuổi, ba mẹ tôi ly hôn. Mọi thứ lúc đó không hề kinh khủng như tôi tưởng. Chỉ đến sau này, khi nhớ lại tôi mới thấy lạnh lòng. Kiểu ly hôn của ba mẹ tôi là kiểu ly hôn trong câm lặng. Không có bất kỳ một cuộc cãi vã nào diễn ra, càng không có ẩu đả như những gia đình tan vỡ khác. Ngày ly hôn, ba mẹ và em trai tôi phải ra tòa, ba vẫn gọi điện cho mẹ nói: “Xong chưa? Anh sẽ đến để đưa hai mẹ con đi”. Vì tôi là người đã tròn mười tám tuổi, nên không cần phải ra hầu tòa. Nhưng em trai mười bốn tuổi của tôi thì phải ra. Sự quan tâm của ba dường như được mẹ coi là một việc tất dĩ ngẫu. Bà nói được, rồi đi cùng ba tôi. 
Tôi cứ có cảm giác, giữa hai người như tồn tại những đóa hoa. Mau nở rồi

chóng tàn, không thể nói lời từ biệt. 
Em trai tôi trong lòng đã có sự lựa chọn cho riêng mình. Tôi cũng thế. Cả hai chúng tôi đều chọn mẹ, nhưng không có nghĩa là bỏ ba. Ba chúng tôi là một người rất yêu con cái. Trong lòng ông luôn có một khoảng trống đầy yêu thương dành cho chúng tôi. 
Tôi còn nhớ năm bốn tuổi, được ba đưa đi nhà trẻ. Tôi ở phường Cẩm Thạch, nhà giữ trẻ chỉ cách khoảng vài trăm mét. Ba nắm tay tôi, dắt đi trên một con đường vàng nắng trong một buổi sáng trong lành. Hai bên đường là ruộng rau muống xanh mướt, thấp thoáng vài bóng người đang lội dưới đó. Tuy mùi phân bốc lên nồng nặc, nhưng chúng tôi đều im lặng. Vì đã quen rồi. 
Ba thường huýt sáo, vẻ mặt vui tươi. Ông có thói quen xấu là khạc nhổ. Tôi không thích cái hành động thiếu lịch sự đó. Nhưng sống cùng nhau nhiều năm, tôi tự phải coi đó là một phần quan trọng trong con người của ông. 
Lúc ấy tôi sẽ đi bên cạnh, chỉ tầm ngang hông của ông tôi. Đôi mắt ngây thơ, không ngừng nghiêng ngó. Với tôi lúc ấy, mọi thứ trong cuộc sống còn khá là lạ lẫm. 
Rồi ba đưa tôi đến hàng quà cạnh nhà trẻ. Ông hỏi tôi muốn ăn gì. Tôi suy ngẫm một lúc lâu rồi trả lời thích sữa chua và thích mua đồng hồ đeo tay. Ông mua cho tôi những thứ đó – một hộp sữa chua và một chiếc đồng hồ đeo tay rẻ tiền dành cho trẻ con. Sau đó ông dẫn tôi vào nhà trẻ rồi đi làm. Thực ra lúc ấy tôi không thích gì cả, tôi chỉ muốn kéo dài thời gian ở bên ông. Tôi rất sợ cảm giác phải nhìn thấy bóng lưng của ông, lúc ấy tôi sẽ khóc. 
Cô giáo là một người khá kiên nhẫn. Tôi khóc rất lâu, gào rất lâu, nhưng cô lại chỉ dỗ dành. Đôi khi tôi làm dữ quá thì nạt nhẹ. Đó là ngày đầu tiên tôi đi học. Sau này lớn lên, tôi bắt đầu nghĩ về nỗi cô đơn đầu đời. Không phải là cảm giác nhớ nhung ai đó, mà lại chính là cảm giác một bản thân bị ba mẹ bỏ lại ở nhà trẻ. Cảm giác đó sau này rồi sẽ quen, nhưng tôi biết ngày đầu tiên đi học, cũng là lúc bản thân không kìm được nước mắt tủi hờn. 
Mẹ tôi nhắn tin thông báo việc mọi thủ tục đã được làm xong. Ba dọn ra ngoài sống, ba mẹ con tôi sẽ ở lại trong căn nhà cũ. Mọi thứ sẽ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ là thiếu đi một người đàn ông. Tôi thấy mẹ gỡ bức ảnh hai người chụp năm 2006 xuống và cất dưới gầm giường. Trong lòng tôi như có một thứ gì đó rất hụt hẫng tràn qua, cảm giác khó chịu chỉ muốn chạy trốn. 
Sau ngày hôm đó, mẹ tôi cười nhiều hơn, nhưng bà mua ít hoa dần. Tôi không hỏi về việc này, còn cảm ơn thần phật rằng mẹ không còn yêu hoa nữa. Tuy nhiên, tôi luôn biết đó chỉ là một sự kiềm h- ãm. Đôi khi cần phải nén lòng lại để tránh cho lòng khỏi những đau đớn nhất. Mẹ nói với tôi rất nhiều, hầu như chỉ là những câu nói mang tính tượng trưng. Bà nói bà không buồn, cũng chẳng có gì vướng vào lòng hết. Bà thấy rất vui khi đã bỏ được ba, như nhỏ bỏ được một chiếc gai cứ cắm ngập trong tim. Tôi vẫn chọn cách im lặng trước thứ mặt nạ của mẹ, chỉ biết thở dài và nhìn người bà gầy đi từng ngày. 
Tôi biết trong lòng của mẹ, những bông hoa đã bắt đầu khô héo. Kết thúc cho sự rực rỡ và kiêu hãnh của nó. Trong mẹ chỉ còn giá lạnh, tình yêu đã là một sự tàn úa đau thương. 
Từ bỏ một người bao giờ cũng là một việc khó khăn. Chinh phục người đó đã khó, nhưng để buông tay họ ra còn khó hơn. Mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường, cho nên bà mới rời xa được khỏi người đàn ông của đời mình. Ông là mối tình đầu của mẹ, và có thể sẽ là tình cuối.  
Hạ đã tới, cũng là mùa sen nở. Tôi nghe nói Việt Nam đã bầu chọn hoa sen là quốc hoa. Tôi không phải người yêu hoa nên không rõ lắm, chỉ là loáng thoáng biết qua báo đài. Mẹ tôi không có ý kiến gì về việc đó. Bà đã không còn mua hoa về cắm nữa rồi. Bà nói sẽ chỉ cắm hoa vào ngày lễ Tết, như để thanh tẩy không khí ngột ngạt trong nhà. 
Tôi hỏi: “Mẹ có thích sen không? Tâm sen pha trà sẽ rất ngon đấy. Có thể chữa được chứng mất ngủ của mẹ.” 
Mẹ tôi cúi đầu, nói: “Mẹ không mất ngủ. Cũng không thích uống trà.” 
Mùa này sen nở rất rộ, cảm giác như chưa năm nào nở nhiều như vậy. Tôi nghe qua những kênh thông tin truyền thông mà cũng cảm thấy có chút phấn khởi. Không hiểu vì lý do gì. Có thể là nó vui mừng vì bản thân được chọn làm quốc hoa. Hoặc cũng có thể là đã lâu lắm rồi nó chưa sống hết mình như thế. 
Bạn bè tôi chụp rất nhiều ảnh ở ao sen. Chúng nó đều mặc quần áo “kinh điển mọi thời đại” khi chụp những tấm ảnh cạnh quốc hoa. Cũng chỉ có một chiếc yếm đỏ và một chiếc váy nâu sờn cổ truyền của Việt Nam thôi. Ảnh nào cũng như ảnh nào, mắt không có hồn, khuôn mặt gượng gạo, nhưng có vẻ như vẫn rất thích thú. Tâm lý đôi khi đánh lừa cảm giác, khiến chúng ta không thể phân biệt được thế nào mới là cái đẹp thực sự. 
Tôi hỏi một cô bạn trên Facebook rằng: “Cậu sao lại chọn cái ngày nắng thế mà đi chụp ảnh? Không sợ cháy da à?” 
Cô ta gõ lại: “Có chứ! Nhưng sen đang nở rất đẹp. Không nhanh thì nó tàn mất.” 
Tôi mỉm cười nhìn màn hình, bàn tay click vào chuột một cách vô thức. Chợt phát hiện ra tôi đã tắt cửa sổ chat từ bao giờ. Tôi ngẩn ngơ nhìn tấm hìnhcủa cô bạn, không hiểu sao bỗng dưng lại thấy tiếc. 
Con người sợ thời gian tới mức vội vã, tới mức quên đi chính bản thân mình. Thời gian là thứ vô tình, cho dù có đẹp đến đâu thì vẫn phải tới lúc tàn lụi. 
Một lúc nào đó, tôi sẽ nói với mẹ rằng: “Mẹ biết không? Thực ra mọi thứ đều song song một cách rất tự nhiên. Thời kỳ hoa nở đẹp nhất, cũng là lúc sự lụi tàn đang chảy trôi trong lòng.”  

   
Chương 3

Tôi bắt đầu đăng tải câu chuyện của mình lên mạng vào ba ngày trước. Không có ai đoái hoài gì nó. Tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý, và cũng đã tự học được cách vô cảm trước những thất vọng của bản thân. 
Khi tôi đăng tải những chương đầu tiên, tôi bắt đầu có rất nhiều dự định cho nó. Rằng nếu sau này nếu hoàn thành được, thì có nên gửi nó cho một nhà xuất bản nào đấy hay không. Tuy nhiên, tôi lại sợ mẹ và Vân sẽ đọc được nó. Tôi rất sợ những nỗi lòng của bản thân được những người xung quanh biết đến. Trừ những ai xa lạ. 
Vân từng ngồi trên cửa sổ phòng tôi, nhìn ra ngọn núi đá vôi phía xa xa và nói rằng: “Cậu đừng vùi mình vào những con chữ. Chúng luôn có một ma lực lôi kéo cậu. Đến lúc ấy, cậu sẽ không kiểm soát nổi bản thân mình đâu.” 
Tôi cười, không nói gì cả. Trong lòng tôi hiểu rõ mọi thứ của bản thân, kể cả trái tim. Với những gì tôi có thể kiểm soát được, tôi tự tin với chúng. Tôi muốn kể một câu chuyện, chứ không phải là đơn thuần viết ra. Năm tháng là một thứ vô tận, chẳng ai có thể nắm bắt được. Câu chuyện của tôi là những thứ đời thường và nhàm chán. Nhưng đó là nỗi lòng của riêng tôi, nó mang mùi vị của năm tháng. 
… 
Một người con trai đã nắm tay tôi ở trên xe bus! Những ngón tay thon dài, bao quanh lấy cổ tay tôi nhưng không dám siết chặt. Tôi có thể cảm nhận được hơi lạnh tỏa ra từ đầu ngón tay của anh ta, còn cảm nhận được một sự bàng hoàng và thảng thốt. 
Tôi ngước lên nhìn, không hiểu sao lại nhoẻn miệng cười – nụ cười ngây ngốc nhất có thể. 
Anh ái ngại buông tay ra và nói: “Xin lỗi em, xe đông và lắc quá!”. Thế rồi xe dừng, anh xuống, không một lần ngoảnh lại. Tôi đã ngẩn ngơ, không biết cách níu với. 
Tôi vẫn cười

như một đứa trẻ, trong đầu trống rỗng không một suy nghĩ. Cổ tay tôi vẫn lưu lại dư âm của anh. Lạnh nhạt mà xao xuyến. Tôi đứng lẫn trong đám người đang chen lấn, anh không thể nhìn rõ mặt tôi. Và tôi cũng không kịp nhớ khuôn mặt của anh. 
Hóa ra duyên phận chính là thứ còn mong manh hơn cả những bông hoa mà mẹ tôi yêu thích. Sự lụi tàn của nó không diễn ra đủ chậm để ta kịp nhìn thấy. Mà có khi, còn không hề biết đến sự tồn tại của nó. 
Ngày hôm đó tôi phải đi phóng vấn một anh chàng ca sĩ tên Tùng Lâm. Dạo gần đây dân tình có vẻ chú ý đến anh ta. Lâm luôn luôn đắt show diễn và lúc nào cũng tỏ ra mình là một người khiêm tốn. 
Khi tôi đến điểm hẹn, tôi đã phải nhìn lại chính mình trong gương. Cô giáo dạy môn Phỏng Vấn của tôi đã từng nói: Tâm thế và tư thế là những thứ cực kỳ quan trọng. Có đôi khi, chỉ đơn giản là việc đứng hay ngồi cũng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý phỏng vấn của bản thân. 
Tùng Lâm đi một mình, không hề có quản lý hay là những người kiểu “râu ria” gì đó đi cùng. Mái tóc anh ta nhuộm vàng, trông có phần kỳ dị. Khuôn mặt lạnh lùng, mỏi mệt. Có lẽ vì những show diễn cho nên anh ta ngủ không đủ. Lâm mặc một chiếc áo sơ mi hoa hoét, lòe loẹt – mẫu điển hình của ca sĩ thời nay. Anh ta mặc một chiếc quần jeans ống côn và một đôi giày lười màu đen. Khi nhìn thấy tôi, anh ta chỉ gật đầu rồi cúi xuống phủi phủi ống quần jeans. Tôi không hiểu hành động của anh ta cho lắm, nhưng chợt hiểu hóa ra người được phỏng vấn cũng phải có tâm thế và tư thế riêng của họ. Để có thể tránh được những câu hỏi của phóng viên một cách nhiều nhất có thể. 
Anh nói: “Cô có uống gì không? Tôi mời!”. Cách nói chuyện hết sức phóng khoáng, mang dư vị của biển cả. Tôi là người sinh ra tại vùng biển, không sinh sống như những dân chài, nhưng trong tôi cũng tồn tại những phóng khoáng như của anh ta. 
Tôi gật đầu: “Tôi uống nước mơ.” 
Lâm với tay gọi một ly mơ đá cho tôi. Sau đó nhìn tôi chỉnh kịch bản và liên hệ với người quay phim đang bị mắc kẹt trên đường. 
Tôi có hơi ái ngại, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn người nổi tiếng. Cũng chính vì điều ấy nên có đôi phần lúng túng. Tôi bắt đầu nhẩm lại những câu hỏi trong đầu, có thể trong quá trình phỏng vấn sẽ có những câu hỏi phát sinh, nhưng chỉ cần tập trung vào chủ đề là được. 
Mười phút sau, người quay phim vội vàng chạy tới. Anh ta bê một chiếc chân máy, máy quay nằm trong túi đeo qua thân người. Mồ hôi từ trán chảy qua thái dương, rồi đến cổ. Như là một sự trôi qua rất mãnh kiệt. 
Tôi thích ngắm những người đàn ông như thế này. Tôi thích vẻ mạnh mẽ khó cưỡng ấy của họ. Những người đàn ông khiến tôi bị chú ý thực ra không hiếm, nhưng để tôi phải ngắm nhìn thì lại cực hiếm. Tôi không có thói quen nhìn chằm chằm người khác. Hay có thể nói đó là một sự bất an cũng được. 
Lâm là một người khá kiên nhẫn. Tôi nghĩ với một người luôn bận rộn như anh ta, thì thế này đã có thể coi là một người đủ kiên nhẫn được rồi. Lâm trả lời những câu hỏi của tôi, ánh mắt luôn tập trung về tôi, đôi khi lại liếc lên ống kính. Nụ cười của Lâm không hề mang một ý nghĩa nào hết, anh ta cười như một cái máy. Bất kể khi nào cũng có thể cười được. Tôi nghĩ đây là đặc thù nghề nghiệp. 
Tôi có hỏi qua về bài hát mà anh đang tập trung sáng tác. Một bài hát được sáng tác trong yên lặng. 
Khi nghe xong câu hỏi ấy, Lâm đã ngạc nhiên hỏi tôi rằng: “Sao cô biết?” 
Thực ra thông tin này là của một người bạn đã nói cho tôi. Tùng Lâm là người khá kín tiếng về các quyết định. Anh ta cố gắng không để mình dính vào mấy vụ lùm xùm. Tôi thích cách suy nghĩ của anh ta. 
Tôi nhún vai: “Phóng viên mà! Nói thô lỗ ra thì giống như loài chó săn có cái mũi thính vậy đó.” 
“Thế cô muốn biết về điều gì?” 
Tôi bặm môi suy nghĩ, đối với phóng viên như tôi, đây là điều tối kỵ. Phỏng vấn cũng giống như chiến đấu với kẻ địch vậy đó. Càng rút ngắn khoảng im lặng giữa hai người càng tốt. Bản thân càng ở thế chủ động thì càngcó nhiều thông tin. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định dành tặng câu hỏi này riêng cho bản thân mình.  
“Sẽ có một ai đó xuất hiện chứ?” 
Lâm im lặng một hồi, rồi đáp: “Không hẳn. Tôi không muốn ai xuất hiện trong không gian riêng tư của tôi.” 
“Anh định theo lối sáng tác suy tưởng?” 
“Không. Tôi không thích thể loại đó. Cái tôi muốn chỉ là một bản nhạc sâu lắng, nhẹ nhàng. Có thể cất được một khoảng trống trong tim vào trong đó, hy vọng nó sẽ đánh tan được cảm giác cô độc trước ánh hào quang.” 
“Sẽ đến một lúc nào đó anh bị tự kỷ!” 
Lâm bật cười, anh ta đưa tách cà phê lên miệng nhấp rồi liếc nhìn tôi. Khoảnh khắc đó tôi vội quay đi, giống như là một sự khước từ. Đó là phản xạ, cũng là bản năng. Tôi biết cần phải bảo vệ bản thân, ngay cả khi nguy hiểm chưa tới gần. 
Và tình ái là một trò chơi khá nguy hiểm!  

   
Chương 4

Tôi bắt đầu có ý định sẽ dành cả đời để đi du lịch vào năm mười bảy tuổi. Khi ấy, tôi biết một cô tác giả lớn hơn tôi vài tuổi đã được đặt chân đến một số nước. Hơn nữa, tôi là một cô nàng Song Tử, sở hữu một đôi chân đói đường, một đôi mắt luôn thiếu cái mới lạ và một bộ óc khát phiêu lưu. 
Từ sau khi ba mẹ tôi ly hôn, tôi đã quyết định sẽ độc thân để thực hiện ước mơ của mình. Tôi nghĩ nó không phải là táo bạo, chỉ là tạm thời như vậy đã. Trong tôi luôn tồn tại một sự bất an. Cuộc đời không có ai nói trước được điều gì. Tôi lại là một người dễ yêu dễ thích một ai đó, cho nên khó có thể khẳng định sẽ cứ thế mà lãnh cảm với tình yêu. 
Tôi bắt đầu kiếm tiền, không bao giờ để cho bản thân ngơi nghỉ. Tôi nhận viết kịch bản cho một số chương trình nhỏ lẻ, nhận dựng hình ảnh video cho một số người bạn mà tôi có quen qua loa, tôi viết báo, và cả truyện nữa…. Đó đều là tất cả những công việc nằm trong tầm khả năng của bản thân. 
Có thời gian rảnh rỗi, tôi lại đi xem phim. Ngồi trong bóng tối với một đống bỏng ngô và một hộp nước ngọt. Theo dõi bộ phim mà mình muốn xem. Xung quanh tôi đều rất xa lạ, không có một sự quan tâm cần thiết nào cả. Tôi như người vô hình, ngồi giữa những đồng loại vô hình khác. Tất cả chúng tôi đều không nhìn thấy nhau, mà chỉ có thể cảm nhận qua mùi vị của hơi thở - sự sống đang tồn tại. 
Những hình ảnh cứ thế hiện lên. Với hai mươi tư khung hình trên một giây, nhưng bạn lại chỉ có thể lưu giữ một hình ảnh trong khoảnh khắc đó. Con người có giới hạn của riêng mình, muốn nắm bắt một thứ cũng là một điều rất khó khăn. 
Năm tôi học cấp ba, thi trượt vào trường điểm. Ba mẹ đã mất một khoản tiền không nhỏ để lo cho tôi vào ngôi trường “chết tiệt” đó. Kỳ thực trong lòng tôi chỉ coi nó như một thứ không đáng mơ ước, vì lúc ấy tôi là đứa lười học. Sự căm thù học hành là căn bệnh muôn thủa của đám học sinh. Cảm giác chán ghét ngôi trường và tưởng tượng nó giống như nhà tùa hay địa ngục cũng thế. Là một căn bệnh nan y khó chữa mọi thời đại. 
Ngày đầu tiên tôi bước vào ngôi trường đó, cũng là ngày mà tôi hiểu được: Đối với chính đồng loại của mình, tôi luôn giống như một con vật sợ hãi loài người. Tôi không dám giao tiếp, không dám kết thân. Mặc dù tôi rất muốn. Tôi luôn tự dằn vặt chính bản thân mình, luôn kêu gào với

nó rằng hãy bước lên đi, hãy đưa tay ra, hãy cười với họ…Những tất cả đều bị một điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn dập tắt. Và cứ thế, tôi thấy bản thân tan rã từng ngày. 
Người bạn đầu tiên mà tôi thân thiết không phải là nữ giới, mà lại là nam giới. Cậu ấy tên Thiên – một cái tên khá hay. Rất nhanh nhạy, hoạt bát. Lần đầu tiên nhìn vào đôi mắt cậu, tôi đã liên tưởng ngay đến một chú hươu đang chạy trong cánh rừng xanh mướt. Sự nhanh nhạy của cậu cứ thế lướt qua mọi thứ. Vô lo, vô tư…Cảm giác như đó là một sự thuần khiết khiến tôi phải mỉm cười. 
Thiên nói với tôi rằng ba mẹ muốn cậu lên Hà Nội học, nhưng cậu không muốn đi xa. Ở đây có bạn bè của cậu, có cô bạn gái mà cậu thầm thích, và có cả những kỷ niệm mãi mãi không thể dứt bỏ được. Tôi mỉm cười, mi mắt khẽ cụp xuống. Tôi là một người rất thích đi xa, càng xa càng tốt. Nhưng ở bên cạnh tôi, lại là một người luôn níu kéo những gì đẹp đẽ nhất. 
Tôi nói: “Thiên này, cậu không thể bắt giữ mọi thứ trong tay được đâu. Hãy chọn cho bản thân một con đường duy nhất. Hãy tự tạo ra một chiếc máy ảnh cho riêng mình, rồi chụp khoảnh khắc đẹp đến khắc cốt ghi tâm.” 
Tôi không cho rằng Thiên cố chấp, bởi mỗi người khi sinh ra đều có sự cố chấp của riêng mình. Chỉ đến khi nào bạn quá mù quáng, đến khi bạn không còn phân biệt được mọi thứ nữa, thì đó mới gọi là cố chấp thực sự. 
Và bây giờ, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về sự cố chấp điên cuồng ấy của tôi. Đó là một câu chuyện, không mấy vui vẻ gì, nhưng nó đã nằm trong lòng tôi một thời gian dài. Tôi sợ sau này bản thân sẽ quên đi mất câu chuyện đó, không còn cách nào để nhớ lại được bản thân đã từng yêu ai nhiều đến vậy, nên tôi phải viết câu chuyện này. 
Câu chuyện về hành trình Ly Biệt của tôi.  

   
Chương 5

Cô độc không phải là không có ai ở bên cạnh. Mà là trái tim không thể đón nhận ai ! 
Trạm xe bus ngày hôm đó không hiểu sao lại đông đến vậy. Người ta liên tục nhìn ngó, đợi chiếc xe của mình tới. Mặt trời tỏa ánh nắng màu nghệ tươi, mồ hôi chảy ra từ những lỗ chân lông thành giọt. Họ không ngừng khó chịu, không ngừng cau mày. 
Mùa hè càng thêm nóng. 
Cô ngồi một góc phía bên trong. Cả người thẳng đừ như khúc gỗ, hai bàn tay đan vào nhau, đôi mắt nhìn thẳng, khuôn mặt lạnh lùng. Cô suy nghĩ một số chuyện, mãi mãi không thể thay đổi được. Giả dụ như sự vội vã xa cách của những con người này. Chúng ta sẽ không bao giờ chạm được vào thế giới của nhau, cho dù có ở chung một tinh cầu. 
Khoảng nửa tiếng sau, cả không gian gần như bùng nổ khi một chiếc xe bus đã tới. Một số người bắt đầu xụ mặt xuống khi phát hiện đó không phải là chiếc xe bus mà mình chờ đợi. Số còn lại thì không ngừng chen lấn nhau như đang giành giật mạng sống với Tử thần. 
Cô đứng đằng sau đám đông, cũng là người bước lên sau cùng. Ngay khi cánh cửa đóng lại, cô vội vàng quay ra nhìn. Đôimắt chợt đờ đẫn, không hiểu bản thân đang cố níu kéo một thứ gì. Người phụ xe không ngừng hò hét với hành khách, quát họ phải đứng gọn vào. Cô im lặng thu người vào bên trong, giống như một con rùa đang chui vào chiếc mai cứng cáp của mình. Gió từ điều hòa tỏa ra, xua đi cái nóng trong người. Mồ hôi dần khô cạn, để lại một cảm giác dớp dính. 
Chiếc xe phanh lại, đám đông ồ ồ lộn xộn. Cổ tay cô bị một người đàn ông nắm lấy, những ngón tay lạnh lùng khẽ chạm lên da thịt giống như những giọt mưa. Trong hơi người dày đặc, cô ngửi thấy mùi hương bạc hà thanh mát. Bàn tay kia vội vàng buông ra, cô chỉ có thể nghe được một giọng nói trầm ấm: “Xin lỗi em, xe đông và lắc quá!” Thế rồi xung quanh cô chỉ còn lại sự im lặng. Là thế giới của riêng cô. Dường như nó vẫn luôn là vậy, thứ vừa rồi cô nghe được chỉ là một ảo giác. 
Cửa xe đóng lại, xung quanh toàn người xa lạ, cô lại thở dài và đứng im trong góc. Không ai để ý đến ai. 
Cô tên là Vũ. Mùa hè năm ấy cô sống ở Cẩm Phả - một thành phố vô cùng ô nhiễm thuộc tỉnh Quảng Ninh. Thầy hiệu trưởng năm cấp ba của cô từng đặt cho nó một biệt danh khá hài hước là “thủ đô bụi của Việt Nam”. Vì đây là một thành phố công nghiệp nặng. Các mỏ than cùng với nhà máy xi măng và nhà máy nhiệt điện liên tục hoạt động, nên trong không khí bạn sẽ luôn ngửi thấy bụi bặm xen kẽ. 
Cuộc sống của Vũ khá vô vị. Không bạn bè, không người yêu, không ham muốn. Hàng ngày, cô ngồi nhà viết truyện, mặc kệ cuộc sống bên ngoài đang chảy trôi. Bạn bè dần dần quên lãng cô. Đối với tất cả, cô bắt đầu cảm nhận được hương vị của màu trắng vĩnh hằng. 
Một số độc giả trên mạng thường nói chuyện với Vũ, nhưng chỉ là những lời vu vơ, không có ai kiên trì được mãi. Cô cũng dần ít giao lưu với họ, tự hưởng dư vị cô đơn từ những con chữ của mình. Các câu chuyện của cô thường nói về một người đàn ông, mãi mãi không thay đổi. Vũ cũng không hiểu sao lại phải nhớ đến anh ta nhiều như thế, nhưng nếu không có anh ta, thì câu chuyện của cô đã không thể hoàn thành được. 
Trong lòng cô, luôn luôn tồn tại một sự biết ơn đối với anh. 
Cô rất thích những bài hát của Tokyo Square – những bài hát tiếng Anh mang hương vị cổ điển. Khi nghe, bạn sẽ dễ dàng quên lãng mọi thứ, chỉ tập trung vào những lời ca nhẹ nhàng sâu lắng ấy. Con tim bạn sẽ trào lên một dòng cảm xúc, rằng đã nghe thấy nó ở đâu rồi. Có thể ấy là kiếp trước! 
Các mối quan hệ dần dần được tạo dựng. Cô phải đi gặp một số người. Họ luôn có những cử chỉ quen thuộc. Ấy là một nụ cười khách sáo, một cái bắt tay, hoặc đi sâu hơn nữa thì là một cái ôm tạm biệt. Hầu hết, họ đều nói mình rất cô đơn, và cần có một ai đó bên cạnh để khỏa lấp nỗi cô đơn ấy. Vũ không cho rằng họ đang thật lòng với chính bản thân mình, bởi họ chỉ là điên cuồng trong sự ham muốn tình cảm mà thôi. Ai đó đã từng nói: “Đừng cô đơn rồi mới nói yêu tôi”. Vậy nên, không có ai cô đơn mà đi tìm tình yêu. Đơn giản thứ họ cần chỉ là một ai đó thấu hiểu. 
Vũ đến gặp một người bạn chơi thân lúc còn ở trường cao đẳng. Cô ta tên là Linh. Linh luôn giải thích tên của cô ta rằng: Linh trong Linh Hồn –
2hi.us