Pair of Vintage Old School Fru
Ngược

Ngược

Tác giả: Sưu Tầm

Ngược

(Admin - "Chuyện đời sinh viên")


Mọi người nói tôi là đứa đẻ ngược, không biết có phải vì thế hay không mà tôi rất thích làm những chuyện ngược đời và nhất là tính tình cũng rất ngang ngược.


***


Năm 4 tuổi, thằng bạn học cùng mẫu giáo giật đồ chơi, tôi cào rách mặt nó.


Năm 6 tuổi, tôi đã biết đánh nhau với bọn con trai cùng lớp, đó là lần đầu tiên mẹ tôi bị mời lên trường họp phụ huynh.


Năm 10 tuổi, tôi nhất quyết đòi bố mẹ đăng ký cho đi học võ, bố mẹ không cho, tôi bỏ ăn 2 ngày, bố mẹ thua, tôi thắng.


Năm 15 tuổi, tôi cắt đi mái tóc dài vướng víu, để mái tóc ngắn cũn, mát mà.


Năm 18 tuổi, bố mẹ bắt thi sư phạm để tiếp nối truyền thống gia đình, tôi im lặng không nói gì. Ngày giấy báo trúng tuyển đại học về đến nhà, mẹ tôi suýt ngất, tôi đậu kinh tế. Tôi mỉm cười, lần này tôi lại thắng.


Một thân một mình lên Sài Gòn ăn học quả là có một chút khó khăn, một chút thôi nhé, bởi vì tôi vốn thích đương đầu với khó khăn mà lại.


Lòng vòng mãi qua mấy con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo mà trong khái niệm của tôi không thể nào ngoằn ngoèo hơn mới kiếm được một phòng trọ đủ ba tiêu chí: rẻ, sạch và không quá ồn.


Ngày đầu tiên bước vào giảng đường đại học, tôi thề đứa nào đang nhìn tôi với ánh mắt như nhìn thấy "sinh vật lạ" thì chỉ cần tôi lia mắt một cái là cụp đuôi bỏ chạy hết. Thấy chưa, từ nông thôn hay thành thị, sức đe dọa người khác của tôi là không cần bàn cãi.


"Này, hình như là Tomboy đấy!"


"Ừ, nhìn không ra chút gì là con gái cả."


Mọi người kháo nhau, tôi hiên ngang bước qua, có gì đâu, quá quen rồi mà.


Ngược


Bố mẹ tôi không khá giả gì, với mấy đồng lương còm cõi của giáo viên vừa phải lo tiền học phí và sinh hoạt phí cho tôi, quả thật là rất vất vả. Lý ra tôi phải thuê chung phòng để tiết kiệm hơn, nhưng mới nghĩ đến chuyện phải ở cùng với đám con gái suốt ngày tám chuyện nhức cả đầu là tôi lại thôi.


Một tháng lên Sài Gòn, cũng hơi quen quen đường đi nước bước ở đây, tôi bắt đầu tìm việc làm thêm để phụ giúp phần nào gánh nặng cho bố mẹ. Tôi biết, ngoài tôi ra, ông bà còn phải lo cho hai đứa em tôi nữa.


Chạy đến mấy trung tâm hỗ trợ sinh viên, trung tâm giới thiệu việc làm, chép lại một đống thông tin tuyển dụng và mấy vị trí tôi nghĩ rằng mình có thể làm được để tiện liên hệ.


Phát tờ rơi, công việc đầu tiên tôi nghĩ đến, không đòi hỏi trình độ cũng như không kén chọn người làm. Lúc chưa bắt tay vào làm, tôi từng nghĩ nó dễ như nhai một viên kẹo, nhưng làm rồi mới thấy cũng không quá giản đơn.


Trừ những lúc phát tờ rơi kèm sản phẩm dùng thử như dầu gội đầu, sữa rửa mặt... còn lại thì chả ai hứng thú với nó cả. Không ít lần tôi phải đối mặt với những cái lắc đầu, cái xua tay khó chịu, tệ hơn là chưa tới 5 giây sau khi họ cầm, tờ rơi trong tay họ đã nằm la liệt dưới lòng đường hay trên vỉa hè.


Sau công việc thứ nhất tôi rút ra được một điều, tiền không phải thứ dễ kiếm và muốn biết một công việc là dễ hay khó, phải bắt tay vào làm mới có thể kết luận được. Cầm những đồng tiền đầu tiên kiếm được trên tay, tôi hiểu thêm một chút về giá trị của nó.


Gia sư, công việc thứ hai tôi trải qua mà theo tôi là một nghề khó nhằn. May mắn thì được giới thiệu đến nhà có con em ngoan ngoãn, chỉ cần lo trang bị kiến thức cho bọn nhỏ, kèm cặp để bọn nhỏ đạt điểm cao. Xui xẻo hơn thì rơi vào nhà của các cậu ấm, cô chiêu, kiến thức hổng thì chớ, lại còn cứng đầu khó dạy bảo, vừa phải lấy lại căn bản cho bọn nhỏ, vừa phải dạy bọn nhỏ làm người.


Sau công việc thứ hai, tôi thấy khả năng giao tiếp tốt hơn một chút, thấu hiểu tâm lý bọn trẻ hơn một chút và nhất là khả năng lắng nghe và thuyết phục bọn trẻ. Tôi ngộ ra một điều, mình cũng có chút năng khiếu sư phạm, đây là do di truyền sao?


Học hành, công việc chiếm hết thời gian của tôi, cuốn trôi luôn nỗi nhớ nhà. Nửa năm đầu đại học cứ thế trôi qua, tôi thấy mình trưởng thành hơn.


***


Kết thúc lớp gia sư, đến trạm xe buýt ngồi chờ, tôi cao hứng huýt sáo theo một điệu nhạc.


"Hay đấy! Tôi nghe rất quen mà nghĩ mãi không ra. Cậu vừa huýt sáo bản nhạc tên gì thế?" Người bên cạnh lên tiếng hỏi.


"November rain." Tôi đáp.


"Con gái?" Người kia ngạc nhiên.


"Thì sao?"


"À, không có gì. Tôi xin lỗi vì tưởng cậu, à ừm... bạn là con trai."


"Bình thường thôi, tôi 18 tuổi, còn cậu?"


"Tôi 22 tuổi."


"Vậy phải gọi anh rồi."


"Sao cũng được, em tên gì?"


"Hiền."


"Hiền thật không?"


"Tùy người, tùy chuyện."


"Em không hỏi tên tôi sao?"


"Hỏi làm gì?"


"Haha, em thật thú vị." Người kia phá lên cười.


"Vô vị."


"..."


Xe buýt dừng lại, tôi và anh ta bước lên xe. Chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày nên cũng không có nhiều khách cho lắm. Tôi bước nhanh đến vị trí quen thuộc của mình, còn anh ta ngồi phía sau tôi một hàng ghế.


Im lặng, không ai tiếp tục câu chuyện lúc nãy.


"Chú ơi! Cho cháu xuống ở đây ạ!"


Nhảy xuống xe, tôi bắt đầu lết bộ về phòng trọ.


Từ lúc xuống xe buýt đến giờ, tôi cảm nhận được có người luôn theo sau mình. Con hẻm nhỏ về đêm rất yên tĩnh, càng ngày tôi càng nghe thấy rõ rệt tiếng bước chân đang đuổi theo sau. Xoay người 180 độ, chuẩn bị tư thế sẵn sàng để ứng phó với tình huống xấu.


"Là anh? Anh theo tôi làm gì?"


"Theo em? Tôi ở khu này mà." Anh ta ngạc nhiên.


"Ờ."


Tôi quay người đi thẳng một mạch.


Ngược


***


Hôm nay là cuối tuần nên tôi ngủ nướng thêm một chút. Lúc tỉnh dậy thì mặt trời đã đứng bóng.


Tôi nhảy xuống giường, làm vệ sinh cá nhân, lười biếng ôm đống đồ mặc cả tuần mang đi giặt.


Tới sàn nước thì thấy có người đang hì hục ở đó giặt đồ trước rồi, tôi lầm bầm: "Xui xẻo quá!"


Người kia nghe thấy, ngoảnh đầu lại: "Là em?"


"Là anh?" Tôi hơi ngạc nhiên.


"Em ở đây lâu chưa?"


"Nửa năm."


"Em luôn kiệm lời như thế à?" Anh ta nheo mắt.


"Nói nhiều có ích sao?"


"Có chứ, có thêm bạn, thêm một người bạn là bớt một kẻ thù đó nha."


"Ừ."


"Ừ, là sao?"


"Là có lý."


"Có lý vậy sao không muốn nói chuyện với anh?"


"Đang nói đây."


"..."


Cứ thế anh ta hỏi một câu, tôi trả lời một câu, tôi không quá chán ghét anh ta, cũng không quá thú vị gì, nhưng ấn tượng thì có. Chính là lần đó, khi biết tôi là con gái, anh ta không có vẻ gì gọi là kỳ thị với ngoại hình đặc sệt phong cách Tomboy của tôi.


Ngoài mấy thằng bạn thân từ nhỏ cho đến lúc lớn lên tôi hay kề vai bá cổ ra, những thằng con trai khác từ bạn cùng lớp đến bạn cùng trường đều nhìn tôi với ánh mắt kỳ dị.


Trong quá khứ, nhiều lúc tôi cũng tự hỏi tính hướng của mình là gì. Les sao? Les là thích con gái đúng không? Tôi không có, vậy không phải les. Mà nếu không phải, thì là gì? Tôi cũng đâu có thích con trai.


Nghiêm túc suy nghĩ nhiều lần nhưng không tìm được câu trả lời, tôi cũng để nó chìm xuồng theo thời gian.


Nói chuyện một buổi, thông tin tôi thu hoạch về anh ta cũng không ít. Anh ta tên Nam, người Đà Lạt, học khoa báo chí, mà mấy thứ này là anh ta tự giới thiệu, tôi không hỏi.


***


Ra vào chạm mặt trong dãy phòng trọ một thời gian, tôi cũng bớt lạnh lùng với Nam, đã chủ động chào hỏi và xem anh là bạn, thi thoảng cũng có thể kiên nhẫn ngồi nghe anh tán hươu, tán vượn, đúng là dân báo chí, mồm mép thôi rồi.


Thường thì, mỗi tối hai, tư, sáu, Nam hay ngồi chờ xe buýt với tôi, mặc dù anh có xe nhưng lại không chịu đi, mà tôi cũng chả buồn thắc mắc.


Ma xui quỷ khiến gì mà hôm nay có hai gã say rượu cũng đến trạm này ngồi chờ.


Họ đang cãi nhau chuyện gì đó, tôi không muốn nghe, nhưng mà, ồn chết được.


Cãi nhau chán chê, một gã vung tay, thế là đánh nhau, một gã đổ sập vào người tôi.


"Đánh nhau thì đi chỗ khác mà đánh." Tôi đẩy hắn sang một bên, cất giọng khó chịu.


"Hóa ra là con gái à? Vậy mà nãy giờ anh cứ tưởng con trai. Ôm một chút thì có sao đâu người đẹp." Một gã vừa lè nhè vừa sấn tới trước mặt tôi.


Tôi lùi lại một bước, chưa kịp lên tiếng đã thấy Nam đứng chắn ngay trước mặt tôi, giọng tức giận: "Anh không được giở trò."


Gì đây? Anh hùng cứu mỹ nhân sao? Sao kịch bản này thấy quen quen, tôi cố nhịn cười.


Gã say rượu vung tay lên, Nam bắt được, tôi đứng ngoài xem kịch vui, vừa xem vừa nghĩ thầm, tay nghề Nam cũng khá, không đến nỗi tệ.


Một cú đấm rơi vào mặt gã thanh niên nọ, hắn loạng choạng ngã xuống đất.


Nhìn thấy bạn mình bị đánh như vậy, gã còn lại cũng quên luôn chuyện xung đột lúc nãy, xông lên túm lấy áo Nam. Gã này to cao hơn gã trước, ra đòn cũng lợi hại và thâm hiểm hơn, tôi âm thầm đánh giá.


Nam vẫn bình tĩnh tránh né những cú đấm đá của gã nọ, về cơ bản gã này không phải là đối thủ của anh. Tuy nhiên, chuyện không ai ngờ là gã kia đã đứng lên được, tiếp tục lao vào người Nam, chơi trò hai hiếp một.


"Bốp!" Một cú đấm rơi thẳng vào mặt Nam, khiến anh mất thăng bằng lui về sau mấy bước.


Tôi nghĩ đã đến lúc mình nên vào cuộc rồi, đàn ông với nhau mà chơi trò hai đánh một thì hèn quá.


Tôi xông đến, xoay người một cước đá vào mặt một gã, cước còn lại tống thẳng vào bụng gã kia, khiến hai tên ngã sóng soài trên mặt đất.


Có ai ngược đời giống như tôi không, phải đi cứu ngược lại Nam, tôi than thầm, đúng là đẻ ngược.


Nam há hốc mồm nhìn tôi ra đòn, giây phút đó tôi hả hê, nhưng mà, đau quá, đến phiên tôi khuỵu chân xuống đất.


"Hiền, có sao không em?" Nam rối rít chạy đến đỡ tôi.


Tôi cười, nói: "Đau quá, chắc chưa khởi động, bong gân rồi thì phải."


"Em thử đứng lên xem nào."


Tôi gật đầu. Nam đỡ tôi đứng dậy nhưng thực sự là rất đau, tôi nhăn mặt.


"Không được rồi, anh đưa em đến bệnh viện."


Nam vẫy nhanh một chiếc taxi rồi bế tôi lên xe, tôi thấy hơi xấu hổ, cũng may là trời tối và Nam đang sốt ruột nên không thấy biểu hiện này của tôi.


***


Bác sĩ nói dây chằng đầu gối của tôi bị tổn thương, cần phải nghỉ ngơi, nhất là trong vòng một tháng phải tránh vận động, rồi đưa một toa thuốc đặc trị gồm thuốc giảm đau và chống viêm. Bác sĩ còn nói phải thường xuyên chườm lạnh, cứ cách 20-30 phút thì chườm một lần, có tác dụng giảm đau, gây co mạch làm ngưng chảy máu và hạn chế phù nề.


Hay rồi, thế là thời gian này trở thành đồ "phế vật" thật rồi, tôi thở dài thườn thượt sau khi nghe bác sĩ nói.


Nam cầm toa thuốc chạy ra nhà thuốc của bệnh viện, không lâu sau đó thì quay trở lại với mấy thứ lỉnh kỉnh trên tay. Anh dí thuốc cùng chai nước suối vào tay tôi, nói: "Em uống thuốc trước đi cho đỡ đau."


Tôi gật đầu, cho hết nắm thuốc trên tay một lượt vào miệng rồi nuốt, tiếp đó mới thong thả mở nắp chai nước suối, tu ừng ực.


Nam trố mắt nhìn một loạt động tác của tôi, rồi lắc đầu, nói: "Đúng là ngược đời, đến uống thuốc cũng trái ngược người khác."


"Anh nhà quê thì có, thiếu gì người uống thuốc kiểu này." Tôi mỉa mai.


Nam không nói gì, lại cầm một cái hộp nhựa khác đẩy đến trước mặt tôi.


"Ăn cháo đi cho nóng."


Tôi ôm bụng cười ngặt nghẽo.


"Trời ơi! Em bị bong gân chứ có phải cảm sốt gì đâu mà ăn cháo."


Nam mất hứng, anh nhăn mặt.


"Thế giờ có ăn không?"


"Ăn, ăn chứ!" Tôi giật lại hộp cháo, đâu có ngu gì mà hành hạ bao tử thân yêu của mình.


Có lẽ tiếng húp cháo soàn soạt của tôi tác động mạnh đến dây thần kinh thính giác của Nam, hay thái độ ăn như hổ vồ mồi của tôi xúc phạm thị giác người nhìn nên anh cứ nhìn tôi trân trối?


Nam buồn cười hỏi tôi: "Em đói lắm à?"


"Ừ, chiều giờ đã ăn gì đâu."


"Ăn thêm không?"


"Hết rồi còn đâu?"


"Ăn phần của anh này, lát nữa anh mua cái khác ăn." Nam vừa nói vừa đưa hộp cháo còn lại đến trước mặt tôi.


Tôi cầm lấy, tiếp tục ăn như vũ bão.


"Này, này! Em không thể giả vờ từ chối sao?"


"Giả vờ làm gì?"


"..."


Nam lắc đầu rồi đi thẳng vào nhà vệ sinh. Rất nhanh sau đó anh quay lại với cái khăn trên tay, còn tôi lúc này thì cũng đã giải quyết xong hộp cháo còn lại.


Anh xắn ống quần tôi lên khỏi đầu gối, để lộ phần da thịt trắng ngần. Tôi hơi mất tự nhiên trước động tác này của Nam, cũng không hẳn là xấu hổ, chỉ là có chút khác lạ khi bàn tay anh tiếp xúc vào da thịt mình.


Nam giúp tôi chườm lạnh đầu gối, vài lần như vậy tôi cảm thấy đỡ đau hơn nhiều, mà chắc cũng là vì thấm thuốc nữa.


"Đây là người yêu của cháu à? Cậu ấy chu đáo quá." Một thím nằm giường bên cạnh quay sang hỏi.


Tôi kịp bụm miệng lại để không phát ra mấy tiếng cười haha khiếm nhã trước mặt người lớn tuổi, chưa kịp đáp lời thì Nam đã lên tiếng: "Không phải đâu cô, bọn cháu chỉ là bạn ở chung dãy phòng trọ."


"Cô ấy nói không phải thì tôi còn tin nhưng cậu nói thì không tin được." Thím ấy tủm tỉm cười rồi quay mặt đi, để lại hai đứa tôi mỗi đứa chạy theo dòng suy nghĩ của riêng mình.


"Anh kiếm gì ăn đi, cũng khuya rồi." Tôi chủ động lên tiếng trước, phá tan bầu không khí kỳ dị này.


Nam nhìn đồng hồ và nói: "Ừ, cũng muộn rồi, em ngủ trước đi, anh đi ăn, lát sẽ quay lại. Giờ này cô chủ đóng cửa rồi, hôm nay ở lại bệnh viện một đêm thôi."


Tôi gật đầu. Có lẽ do tác dụng phụ của thuốc nên tôi cảm thấy buồn ngủ, rất nhanh đã thiếp đi. Trong lúc mơ màng tôi vẫn cảm nhận được có cái gì đó lành lạnh nơi đầu gối.


Ngược


***


Nam qua phòng tôi, vừa thấy tôi đang cà nhắc, anh vội chạy đến ấn tôi xuống giường, bảo ngồi yên đấy, muốn làm cái gì thì nói để anh giúp.


Ngẫm lại, mấy ngày nay anh giúp tôi quá nhiều rồi, nào chạy đến trường xin phép, rồi chạy đến mấy lớp gia sư dạy thay tôi trong thời gian này. Nhiều lúc tôi tự hỏi, người đâu mà tốt quá vậy, tốt bẩm sinh hay tốt có ý đồ?


Mà sao dạo này tôi suy nghĩ nhiều về anh ta thế nhỉ? Não hỏng rồi chăng?


"Này, còn muốn làm gì nữa không để anh giúp luôn? Nghĩ gì mà ngây ra vậy?" Giọng Nam cắt ngang dòng suy nghĩ hỗn độn trong tôi.


"À, đang suy nghĩ tại sao tiền thuốc, tiền viện phí anh không chịu lấy? Em không muốn mắc nợ ai đâu."


"Sau này còn nhiều thời gian để trả." Nam cười bí hiểm còn tôi đần ra vì không hiểu.


"Giờ không lấy thì thôi nhé, không có sau này." Tôi nhún vai.


"Chắc chắn có sau này." Nam quả quyết.


"Hay ho nhỉ, em quỵt đấy, biết nhà em đòi chắc."


"Biết chứ."


"Hết hồn, biết luôn mới ghê!"


"Vậy mới ghê."


"Thần kinh."


"Đang rất bình thường."


"Thôi không nói nữa."


"Nói có lại đâu."


"..."


Đúng là đồ dẻo mồm, tôi mắng thầm trong bụng.


"Thôi, anh đi học đây. Cơm trưa để trên bàn, đói thì ăn. Chiều về tạt sang dạy học giúp em luôn. Mì gói để trên kệ ấy, có đói thì nấu ăn đỡ, tối anh mua cơm về ăn thêm."


"Biết rồi, nói nhiều như mấy bà má chồng." Tôi càm ràm.


"Không phải má chồng, là chồng đấy."


Nam cười to rồi quay lưng đi mất.


Tính Nam vui vẻ hòa đồng, cũng hay nói đùa, tôi biết, nhưng sao nghe câu này tim tôi lại đập nhanh một nhịp. Người ta mới tốt với mày một chút mà đã khiến mày cảm động rồi sao? Không phải chứ?


Thôi mệt, không suy nghĩ nữa, ngủ đây. Tôi trùm chăn kín đầu, đánh một giấc.


***


Sau vụ anh hùng cứu mỹ nhân, à nhầm, mỹ nhân cứu anh hùng lần đó, tôi và Nam thân hơn trước, tôi cũng nói chuyện với anh nhiều hơn. Rồi cũng sau vụ đó, anh mặc nhiên cho mình cái quyền làm khách quen chạy qua chạy lại phòng tôi.


Mọi người chung dãy phòng trọ cứ chọc ghẹo bọn tôi là tình nhân vì cứ thấy bọn tôi như hình với bóng. Lúc đầu nghe có hơi quê quê, nhưng nghe nhiều lại nhàm, tôi mặc kệ, mà chúng tôi cũng có phải là tình nhân đâu.


Tôi đoán nhà Nam khá giả vì thấy anh rất thường xuyên về quê. Lần nào trở lại Sài Gòn, anh cũng đều tay xách nách mang một đống quà vặt từ Đà Lạt sang tặng tôi.


Một đứa quen sống tự lập như tôi, mới đầu trước những hành động quan tâm chăm sóc của Nam có chút không quen, thậm chí là khó chịu. Nhưng bằng cách này hay cách khác, anh đã rất khéo léo chen vào cuộc sống của tôi.


Chưa đến mức lệ thuộc vào sự quan tâm của Nam, nhưng tôi nghĩ mình đã quen thuộc với nó mất rồi. Bằng chứng là, dạo này mỗi lần Nam về quê, tôi đều cảm thấy có một chút buồn, một chút nhớ.


Mới đó mà đã sắp kết thúc một năm đại học, ngẫm lại, tôi thấy dường như mình thay đổi quá nhiều.


"Lúc này hay để tâm hồn treo ngược cành cây nhỉ?" Nam cốc đầu tôi.


"Treo gì mà treo, tại đang buồn ngủ."


"Thi xong hết rồi phải không? Khi nào thì em về quê?"


"Cuối tuần này, còn anh?"


"Mai về."


"Anh định làm việc ở đâu? Đà Lạt hay Sài Gòn?" Không hiểu sao tôi lại hỏi Nam câu này, là vì sợ phải xa anh sao?


"Còn tùy thuộc vào chuyến đi lần này." Nam ra vẻ bí hiểm.


"Đi đâu?"


"Về quê vợ."


"Vợ thì có liên quan gì?"


"Cô ấy chịu làm vợ thì anh tiếp tục ở lại Sài Gòn, không chịu thì về Đà Lạt ôm mối tương tư thôi."


"Ra vậy."


...


Đêm đó, tôi trằn trọc mãi không ngủ được, hóa ra Nam đã có người yêu, còn sắp chuẩn bị ra mắt nhà người ta. Tôi nghe có chút gì đó hụt hẫng và mất mát không thể gọi tên. Đêm vẫn còn rất dài...


***


Cuối tuần, tôi bắt chuyến xe về quê, chẳng biết lòng buồn hay vui.


Về tới đầu xóm, trời cũng đã gần trưa. Tôi cuốc bộ về nhà, tham lam hít thở bầu không khí trong lành quen thuộc của quê hương, cảm thấy lòng dễ chịu hơn một chút.


"Chị hai về rồi!" Nhỏ em út của tôi chạy ra reo mừng.


Tôi bẹo má nhỏ, nói: "Chà, mới có một năm mà Út của chị lớn nhanh quá ta!"


"Sao chị hai không về một lượt cùng với anh hai?"


"Anh hai? Anh hai nào?" Tôi ngạc nhiên.


"Anh Nam đó, đang ở trong nhà kìa! Anh về đây mấy hôm rồi." Nhỏ vừa nói vừa chỉ tay vào phòng khách.


Tôi bất động, khoan đã, chậm chút đã, ai nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra được không?


Nhác thấy bóng tôi, Nam chạy vù từ trong nhà ra, đỡ lấy hành lý trên tay tôi và nói: "Có mệt không? Nhanh vào nhà đi kẻo nắng."


Anh tự nhiên quá nhỉ? Đây là nhà của tôi mà! Tôi nghĩ thầm.


"Thưa bố, thưa mẹ con mới về."


"Sao hai đứa không về cùng một lượt?"


"Ý mẹ là sao ạ? Chuyện này là thế nào, con chẳng hiểu gì cả."


"Nam nó chưa nói cho con biết sao?" Mẹ tôi ngạc nhiên.


"Dạ chưa, cháu vẫn chưa nói ạ." Nam lúng túng đáp.


"Thôi mọi người ngồi xuống cả đi, bố kể cho mà nghe."


Bố kể rằng bố có một người bạn chí thân cùng làng. Ngày xưa, lúc bạn bố sinh được con đầu là trai, hai người có hứa với nhau, nếu sau này bố có con gái thì hai người sẽ kết làm sui gia. Lúc Nam được 3 tuổi, thì bạn bố lên Đà Lạt lập nghiệp, nhưng hai người họ vẫn còn giữ liên lạc cho đến giờ.


Bố còn kể rằng nửa năm trước hai bố con Nam về thăm quê, ông ấy nhắc lại chuyện cũ, bố mới giật mình nhớ ra. Nhưng ngặt một nỗi, con gái Út thì còn quá nhỏ, con gái lớn thì tính tình chẳng giống ai nên bố từ chối.


Lúc nghe bố kể đến đây, tôi nghĩ thầm, từ chối là đúng, thời đại nào rồi mà còn có chuyện hứa hôn cổ lỗ sỉ như thế, người ta cưỡi máy cày lên cung trăng hết rồi mấy cụ ơi!


"Nam lúc đầu biết chuyện này nó cũng không đồng ý, nhưng chả hiểu sao khi nghe bố con kể về tính tình của con thì nó lại bảo con rất thú vị, nó nói để nó thử tìm hiểu con xem thế nào. Nó bảo có tình yêu thì mới tiến đến hôn nhân, không thể đồng ý kết hôn chỉ vì lời hứa giữa hai nhà." Mẹ tôi tiếp lời bố.


"Thế mà con có biết gì đâu?" Tôi quay sang lườm Nam.


"Lần đó nó xin địa chỉ nhà trọ của con, cứ cách một tháng nó lại về đây chơi, kể cho bố mẹ nghe sinh hoạt của con trên đó. Mẹ thấy nó hiền lành, chín chắn, cũng muốn nó làm rể nhà này. Mẹ có gửi gắm nó ở trên đó trông chừng, giúp đỡ cho con."


Đầu tôi nhanh chóng nhớ lại một chuỗi hành động và lời nói trước đó của Nam, hóa ra bấy lâu nay tôi bị anh cho "vào tròng" sao?


"Thôi trưa rồi, con ra sau nhà rửa mặt rồi phụ mẹ dọn cơm lên ăn đi." Bố tôi phất tay nói.


Tôi vâng lời bố ra nhà sau, vốc nước giếng rửa mặt, làn nước mát lạnh ít nhiều khiến tôi tỉnh táo hơn. Nghĩ đi nghĩ lại cũng khó tin chuyện này là thật, nghe cứ như kịch bản trong phim, nhưng mà, nó lại là thật.


***


Trên bờ sông quê, có hai bóng người đang ngồi cạnh nhau.


"Vậy là ngay từ đầu anh tiếp cận em là có mục đích?"


"Cứ cho là vậy."


"Lúc ở trạm xe buýt đã biết em là con gái còn giả vờ?"


"Không, hôm đó mới chuyển nhà trọ thôi, chưa biết em là ai. Vì xe hư nên mới đi xe buýt."


"Vậy còn những lần sau này, anh có xe sao cứ thích đi xe buýt vậy?"


"Muốn có cơ hội tiếp cận em nhiều hơn, với cả bảo vệ em nữa."


"Em cần bảo vệ sao?" Tôi bụm miệng cười.


"À, tại không biết em lại giỏi võ đến vậy." Nam xấu hổ gãi đầu.


"Mẹ em nói tháng nào anh cũng về đây chơi là thật?"


"Anh có nói giả sao?"


"Thế còn mấy món quà Đà Lạt?"


"Anh bảo người nhà gửi vào."


"Nói dối hay nhỉ?"


"Không hay sao có vợ."


"Ai thèm làm vợ anh?"


"Anh nói em là vợ anh bao giờ?"


"..."


"Hiền, em có thích anh không?"


"Không."


"Vậy là được rồi."


"Cái gì được?"


"Thì em có thích anh."


"Em vừa nói không còn gì!"


"Em là chúa nói ngược, thích làm chuyện ngược đời, đẻ ngược mà lại."


"Còn chuyện gì của em mà anh không biết không?" Tôi hơi đỏ mặt vì bị nói trúng tim đen.


Nam lia mắt từ trên xuống dưới thân thể tôi một lượt rồi trả lời: "Chắc là cơ thể em."


Nói xong Nam co giò bỏ chạy, tôi đuổi theo. Nắng chiều ráng đỏ cả bầu trời, tiếng chúng tôi cười vang vọng cả dòng sông.


Thái Hà 

2hi.us