Polaroid
Truyện Ngắn - Thoại Khúc Rừu Và Thơ

Truyện Ngắn - Thoại Khúc Rừu Và Thơ

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Thoại Khúc Rừu Và Thơ

1. Xóm lò heo. Buổi sáng chưa mở mắt đã hỗn độn, mù trời hơi nước. Cái thế giới được khoanh vùng bằng tiếng kêu bi thiết các con vật thảm tử. Mùi phân chuồng phát tán, nghẹt thở. Tiếng người lê la trả giá, mặc cả. Tiếng cười rộ lên đắc ý trộn lẫn tiếng chửi thề tục tằn đe doạ. Đâu đó, mơ hồ giọng trẻ con khóc và tiếng ru hò ngái ngủ xa xôi…

Người đàn ông đen điu quần đùi thô, mình trần tóc râu bậm xị. Ông ta lặng lẽ, cật lực với thứ ánh sáng lạnh người, loang loáng quanh thân. Lưỡi rìu.

Bé gái đến, đặt một cục bọc lá lên bi củi cao nhất rồi le te chạy ngay. Cặp sách đeo sau lưng thủng lỗ. “Ba ba…xôi đó nghe”. Một bàn tay thộp mạnh vào vai nó “Này, này may húc người ta”. Thanh niên thọc tay túi quần lững thững bước vào…

Người đàn ông buông rìu. Thanh niên đã dựa lưng vào đống bi củi, mặt che túi xách tay, ngủ ngồi từ hồi nào. Ngó gói xôi chỉ còn nắm lá… Ông ta bỏ đi về phía vườn cây và trở lại với vài quả chuối xanh, xoè bàn tay chấm muối nhai ngồm ngoàm.

Rít điếu thuốc, người đàn ông tiếp tục công việc. Đống củi cao dần, mùi nhựa tươi dễ chịu. Cho tới khi có tiếng vươn vai sảng khoái sau lưng:

- Người bửa củi, đổi cơm. Cơm bửa người, nợ củi… Ê, có thằng cháu tới bửa thêm mấy ngày. Ráng chịu. Lão Trình Giảo Kim… Ba Rìu ơi.

- Con đười ươi. Không đi khuất mặt, khuất mày luôn.

Thoáng tia cười trong mắt, người đàn ông cố chèn cho bi củi dựng đứng. Thanh niên thuận tay chuồi ngay túi xách tay vào chỗ chông chênh. “Rồi, khỏi chèn”. Quầng sáng bạc huơ lên. Bi củi văng bắn hai đường. Người đàn ông khùng khục cười, gỡ bỏ túi xách ra khỏi lưỡi rìu “Đười ươi nghèo gần chết bày đặt đồ đạc. Tao… bập luôn” Thanh niên tỉnh bơ “Tội nghiệp. Tội nghiệp”

Xé toạc cái túi rách vướng lưỡi rìu, ông ta trợn mắt lấy cuốn sách cũ bị rìu chặt hai:

- Quá… trời luôn. Tao tìm không ra. Hèn gì đi đâu cũng thủ túi xách kè kè.

Thanh niên che miệng ngáp dài:

- “Giải trừ kiến thức” của Krishnamurti. Trả chú. Tình trạng phổ thông về thiểu năng bộ nhớ. Chôm... không biết bao giờ?

Người đàn ông bần thần đứng mân mê cuốn sách hồi lâu:

- Mê cái búa cha Nietzsche hả. Giải trừ kiểu nầy còn gì kỷ niệm mầy. Tao mua 73, thời Văn khoa, học chung ông già mầy. Giờ quý vị dư tiền rất khoái mua sách bày kiểng. Kiểng sách.

Thanh niên ậm ừ:

- Chôm sách, rất vệ sinh. Nó không hề sợ sách. Quái gở, những đứa sợ sách lại không thiếu sách bao giờ. Chúng chả đọc, miệt mài chôm thứ khác…

Người đàn ông bật cười hô hố, đặt cuốn sách “bửa rìu” lên bi củi, nói bâng quơ:

- Quên sách đi. Đứa nào hỏi, nói làm toán cộng không nhớ. Không học thì ngu. Học, quên không nổi sách là ngốc. Là tao nói qua còn có bọn chuyên ăn mày theo sách…

- Cứ sách này nói thế, cha nọ nói kia... Nô lệ trọn đời. Bằng chứng về triệt tiêu sáng tạo. Tự thiến, để được cho quà. Những đứa khoác áo choàng và hớn hở vì vinh danh kẻ khác.

- Không tự tin nổi, bảo tao đang nói ra cái của tao đây, nghe cái coi…

- Vẹt chỉ “nói thuội” cái đã nói… Khổ nỗi, có một loại hãnh diện vì tài năng, danh vọng… vẹt.

Nâng cuốn “bửa rìu” lên tận mặt, người đàn ông cẩn thận lật tìm từng nửa trang rách nát…“Đây. Mấy dòng chữ của tao đây. Hê hê… Còn chưa hề hấn gì. Tốt”.

Thanh niên chồm tới, chong mắt nhìn:

- Có gì đâu. Viết tầm phào ngày tháng không hà.

- Ê, tìm đâu ra nữa mầy. Nét chữ thời sinh viên của tao.

Hai cái đầu chụm vào nhau. Trang sách rách y nguyên mấy dòng chữ viết, nét ký tháu bằng bút “Bic” xanh dương, còn rất rõ chưa phai “Ngày… tháng… năm. Chia tay bạn thân trước cổng trại nhập ngũ số 2… Chiều bỏ giảng đường, lang thang”.

Người đàn ông cẩn thận xé nguyên nửa trang giấy cất kỹ vào túi cái áo còn vắt ở bụi chuối bên hè. Thanh niên buột miệng:

- Ủa, kỷ niệm với ông già.

- Ừ, từ đó tới bây giờ…

Không ai hỏi ai. Một hồi khá lâu, thanh niên xoay quanh chép miệng:

- Sao thấy thiếu thiếu cái cữ... buổi sáng Ba Rìu ơi. Nhớ gì chưa?

- Ê, chúng sinh đứa nào ưa cà phê, thuốc lá khỏi hỏi Trình Giảo Kim. Hỏi cục bi này này… Củi không biết nói. Nó kêu toác toác, dzậy đó. Rìu đây. Tao phát tâm vô lượng.

Thanh niên cố nín cười, trợn mắt lấy chân đạp mạnh vào đống ba cục bi to tướng còn lại, lầm bầm:

- Này, cái tâm vô lượng. Thấy mặt, có việc.

Lượm rìu, gã vung tay coi cứng ngắc “Ê Ê, coi bập vô chân con đười ươi. Nghe nói làm thơ cực khổ hơn nhiều. Tao không tin. Tao đi kiếm… thơ đây. Quán cóc”. Giọng hô hố khoái trá kéo ra đường, mất hút…

Thanh niên cởi áo. Tiếng bập rìu vào bi củi lại nổi lên toang toác. Một nụ cười lặng lẽ mơ hồ trên môi gã.

2. Hai phin cà phê đá, năm điếu thuốc lẻ. Nhạc “Boléro chợ Nọ” trộn lẫn tiếng heo kêu ằng ặc. Hai người ngồi bàn và một cái rìu gác ghế. Mụ quán lom lom đứng nhìn phía sau cái quầy bẩn thỉu mốc meo.

- Bốn năm ra trường thất nghiệp sống chui hả? Trường phái hái lượm quanh gốc cây đến đâu rồi. Hậu hiện đại không mầy? Thứ thơ thập loại chúng sinh… Coi coi. Hay một cách Rimbaud đang tìm vàng thử thơ nào đó?

- Khác khỉ, đười ươi không trường phái. Nó cứ tận hưởng cô độc để thường trực đối diện tự thân. Sức mạnh bầy đoàn tố cáo khả năng sáng tạo tự thân suy thoái. Đười ươi dị ứng áp đặt. Mọi thứ áo quần, kể cả y phục hậu hiện đại đều dư thừa trước bộ lông của nó. Đười ươi ngoài vùng phủ sóng bầy đoàn. Nơi nhân danh phúc lợi buộc sáng tạo tự thân treo cổ. Văn minh khỉ xuất phát từ bản chất suy thoái ấy.

- Nhưng “Mãnh hổ nan địch quần hồ”. Thắng thế của văn minh khỉ đã nghiễm nhiên đẩy đười ươi xa lần vào bóng tối hang động. Nó chỉ kiếm lưng lửng bụng xong ngủ ngồi hà. Còn gì không. Đôi chút nghe lịch kịch…?

- Bùi nhùi và đá. Đười ươi bình thản đánh lấy ngọn lửa hắt hiu cho chính nó. Không còn cách nào khác, sáng tạo trả giá bằng cô độc và bi thảm. Ngọn lửa đười ươi. Nếu không, sáng tạo sẽ trá hình từ kiêu ngạo phán truyền. Khỉ mơ ước giá trị phán truyền vì luôn đặt dưới phán truyền con vật thủ lĩnh. Thơ đười ươi không phán truyền, không thủ lĩnh.

- Vô lộ. Vô môn. Vô trường phái. Hê hê. Đười ươi cứ ra hang, vào lại… hang hoài mầy. Sáng tạo, “tối tạo” hết cha ngày. Rồi sao nào… Đến đâu?

-“The gateless gate”. Vô môn cũng là một loại cửa. Nó sẽ tự mở ra cho chính nó. Sáng tạo không phải mở bất cứ con đường nào mới hơn để chỉ trở về La Mã. Còn “tối tạo” tất nhiên - sẽ bồi táng theo xác thơ - cùng hướng về… nghĩa địa. Với đười ươi, thơ là chuyển ngữ của lửa - hang động - cô độc và tiếng hú. Đười ươi cười hay khóc? Cả hai? Khi nào cười, khi nào khóc? Hay chả khóc, cười gì? Thánh cũng chưa từng biết.

- Tự nó chưa lường trước huống hồ thánh. Ai đã bảo chung chung là khỉ hay đười ươi gì… thuỷ tổ. Coi như âm bản rửa thành bức hình nhân loại nghe mầy. Hoành tráng… như khỉ.

- Âm bản đười ươi tồn tại trong tiềm thức hôm nay với số phần trăm quá nhỏ. Âm bản khỉ - loài có đuôi - với phần trăm đa số, cứ vẫn là khuôn mặt xa xôi cho vinh danh thông minh, khôn ngoan hiểu biết của con người. Bức ảnh nền văn minh lồng khung. Nó được nhuận sắc liên tục bởi phần sáng lửa hắt ra từ hang động. Một dương bản chung cho cả hai. Đười ươi và khỉ, rửa ra từ hai âm bản… ghép.

- Khỉ hoạt đầu ma lanh. Ê, các thứ trường phái xuất hiện y chang

dãy khỉ nối nhau ngồi. Hội chứng trường phái tồn tại hai điều hoạt kê… Nhất định biết kêu “Có rận” với cái lưng trước mặt. Và nhất định không thể… biết ngay sau lưng nó rồi cũng có tiếng kêu lên y hệt “Có rận”. Quy luật phủ nhận đấy. Buồn cười muốn…tịch luôn.

- Trường phái. Trò nhàm chán vô tận. Nó được đậu thai từ trời tây và cấy tất cả vào dạ con của nó. Thế giới cúc cung, tuân thủ. Cái dạ con kiêu hãnh thuộc dòng họ định nghĩa, thống kê và sắp xếp. Quy luật phủ nhận chưa can đảm phủ nhận chính nó. Điều lệ trò chơi có phong tước mặc nhiên được tôn vinh, bái tổ. Mặc nhiên khác tất nhiên. Bất quân bình nầy chờ đợi vượt qua để lấp đầy lỗ hổng. Đười ươi tự tìm lỗ hổng vĩ đại, thiết thân nhất của nó. Hang động. Nơi suốt đời, có thể vẫn chưa tìm ra cánh cửa. Với đười ươi, đấy là tất cả. Nó khịt mũi trò bắt rận giây chuyền. Nó là nó.

- Ấy, dzậy đó… Khoảng giữa phê bình và sáng tạo mọc trái núi chình ình. Hai bên. Bên nào nhô cao hơn trái núi để bên kia chiêm ngưỡng, lập tức độc tôn giai đoạn. Bên kia khuất phục. Ê, nhờ phê bình mớm ý một trường phái èo uột vẫn có thể ra đời. Khi ngược lại, một trường phái tự ra đời, đủ sức buộc phía phê bình đặt tên, công nhận. Ấy là lúc phê bình giết trâu bằng dao mổ chuột…

- Thực ra chả trường phái nào lâu dài ngoài: phê bình và sáng tạo…Hai con lắc tung hứng đẻ ra thành tựu chung của chúng. Cuộc lựa chọn ứng viên duy nhất từ hai phiếu bầu nhân loại. Ngoài hai khả năng ấy - chưa hết - vẫn tồn tại ít nhất hai tình trạng bất thường. Khi cả hai bên - rất lý tưởng đều cao hơn núi giữa. Cái còn lại, chính trái núi là nơi cao hơn hết… Cả hai bên, lúc bấy giờ nằm sâu dưới… huyệt Khí Hải của nàng thơ.

- Đười ươi nhắm tít mắt cười rú không ưa thấy. Nó chán ngấy trường phái, chui ngay vào hang động. Ừ, ngón giữa, ngón vô danh bấm huyệt Lao cung. Ba ngón còn lại chổng lên trời bắt ấn trừ tà. Hết nhập.

- Sáng tạo là hành trình khám phá luôn đầy mạo hiểm và hoàn toàn không nương cậy. Cô độc hay không cô độc, còn có nghĩa sáng tạo hay là không sáng tạo. Nó là nó hoặc không hề là nó.

- Khi cái sự thưởng thức thơ đang lên sàn “chứng khoán”. Quả nhiên có những tiếng kêu huỳnh huỵch… Cười ngất.

- Khả ố hay tuyệt vời. Tất cả vô nghĩa trước lý sinh và lẽ diệt. Còn lại, đều là trò ảo giác. Từ đâu, về đâu? Cái vô cùng cũ kỹ nhưng vĩnh viễn tân kỳ. Sự giản đơn thường nhật song mênh mông, bất tận đến kinh hoàng. Thơ ra đời từ bi thảm móc-phin. Mũi kim tiêm chữ làm dịu đi cơn đau vạn thuở. Từ đó, thậm xưng hàm hồ, thơ bị cưỡng bức để choàng vòng hoa cứu rỗi….

Mới hay cũ? Chỉ là ống xơ ran đổi kiểu. Trò đám rước, tôn bàn thờ thơ để nhảy múa hoặc sụt sùi cầu nguyện. Thực thơ chưa bao giờ tồn tại dưới một ống thông hơi bệnh viện, một miếu mạo nào… Thơ chả cần ai giúp đỡ.

- Như thủ tục con đồng trước khi ban ra lời thánh dạy. Cơn động kinh nói lên gia cảnh thơ trước những thầy mo thơ phù phiếm. Thực chất thơ phi-thấu-thị như một bố thí trá hình. Coi chừng lẫn vào doping, thuốc điên hoặc độc dược trong nồi thuốc thơ sùng sục… Mù luôn.

- Từ chỗ phi-thấu-thị, thơ hướng về đỉnh cao thấu thị. Là lúc hoá thân thơ vào thi kinh và sấm ngữ. Thơ lúc ấy thấu thị sự móc ngoặc giữa hồ lỳ thời gian cùng những tay chủ chiếu chuyên cầm cố vận mệnh con người. Khi nào nhân loại còn quầng mắt thâu đêm trong ảo giác thứ hạnh phúc được chơi trò xóc đĩa… Chừng ấy thấu thị còn đích thực vinh danh thơ cứu rỗi. Bản lai diện mục thơ phi-thấu-thị là những mũi kim tiêm bên giường bệnh…

- Tao biết. Đười ươi hì hục khai sinh thứ gì. Khi muốn, a lê hấp nó sẽ tự mình đem khai tử. Hạnh phúc đơn giản và có thực của chính nó. Trong cô độc có một điều kì dị. Đấng khai sáng và thần huỷ diệt chơi thân tương đắc. Hai trong một. Như thứ tiếng đười ươi ấy mà. Hà hà. Cười hay khóc nói mau? Chịu luôn…

- Gừ gừ… Nó nhăn răng tự chỉ vào mặt nó để người ta đừng hốt sọt rác ngôi thứ nhất số ít. Nhưng chắc chắn nó không là loài ăn thịt. Thịt sống và thịt chết.

Tự dưng người đàn ông phát cười rộ tít mắt, hai tay khuỳnh ra thay phiên nhau đấm ngực “Đây. Nó đây. Không bắt chước ai hết. Đười ươi tự đánh thức lấy nó. Ừ, đôi khi nhón cả xôi, có thể giúp hiểu rõ hơn về chuối chát. Sẽ rất tiêu điều khi… được đười ươi chợt nhớ” Thanh niên cười to…

Người đàn ông chợt trầm xuống:

- Quên cha luôn ngày tháng. Không có lịch.

- Chi… vậy?

- Ngày giỗ ông già mày.

- Đây rồi. Hôm nay. Lão Trình khỏi coi lịch.

Hai người im lặng không nhìn nhau… Rất lâu, mắt ngó ra đường, người đàn ông bình thản:

- Không về nhà giỗ sao mầy?

- Ổng chết trên trại, nhà cửa hai mươi năm sau xin lại được nửa cái. Hồi ấy lấy đâu ra nơi giỗ.

- Nhưng bây giờ này này… Tao nói chuyện cũ chi mầy.

- Giỗ ông già tại nhà bạn thân ông già được không. Ai bắt. Nếu ổng có về, không tìm nhà bạn thân mới là lạ.

Người đàn ông lại cười hô hố:

- Đúng y bon. Tao còn… nhà chuồng heo. Không nhắc. Quên cha.

Hai người vắt áo lên vai, vác rìu lòn ra quán cóc. Một xị rượu đế, gói lá chuốicủ kiệu, cây nến nhỏ và thẻ nhang. “Nợ ba đời để lại. Mở mắt ra là ký… thiếu. Đồ vô hậu”. Mụ quán nghiến răng chửi te tua sau lưng, đóng cửa rầm lập tức.

3. Ba ngày sau… Đống bi củi mới, ngổn ngang được người ta lăn vào. Không thấy ai. “Ba Rìu đâu? Muốn đói a mầy. Sướng dữ quá mà” Chủ lò heo hầm hầm:

- Đồ ăn mày bày đặt cà phê cà pháo. Lương tháng mới trả hai trăm. Đuổi cổ không cho ở cho biết tay.

Hắn thò đầu vào cái lều che bằng nylon sát bên chuồng heo, nghiến răng “Vợ ve chai. Con đi học. Chó chết... dzọt luôn rồi. Quỷ quái thật”.

4. Bến xe ngoại tỉnh. Một chiếc xe khách khởi động. Hai người nhảy ra khỏi quán cà phê cóc. Thanh niên lên xe, thò đầu ra:

- Ê, Ba Rìu đi kiếm cái chỗ khác xẹp xẹp ở. Khi nào giỗ giùm ông già cho có bạn.

Người đàn ông dưới đất cười ngất:

- Mua xổ số chờ… thánh dạy ha mầy.

- Quên thánh tốt hơn.

Xe chạy, thanh niên lôi trong ngực gói giấy cột giây thun liệng vù. Người đàn ông chụp đại, trố mắt muốn lộn tròng ra ngoài… Cái gì. Lòi ra một cọc tiền mới dày cộm. Xe chạy khá nhanh. Người đàn ông đuổi theo không kịp, ông ta cong lưng gào lớn giữa bến xe:

- Làm bậy mầy? Đâu ra…

- Về quê bán... nhà rồi... Yên chí.
2hi.us