Old school Easter eggs.
Truyện Ngắn - Tắc Kè

Truyện Ngắn - Tắc Kè

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Tắc Kè

Ngày đầu tiên dọn về, đêm vừa đặt lưng xuống Tú đã nghe tiếng nó đâu đó từ trên trần vọng xuống. “Tắc kè! Tắc kè!” - rõ mồn một.

“Sợ hông cưng?” - Nga nằm bên rủ rỉ.

“Hơi hơi...”.

“Nó biết nhà có người mới, muốn làm quen Tú đó mà!” - Nga cười khì khì.

Nga kể lâu lâu mới lại nghe tiếng nó kêu, cũng có khi nó chợt kêu bất thần.

“Hồi Nga mới dọn về đã nghe nó “chào mừng”, rồi tới lượt nhỏ Thy, nó kêu suốt đêm luôn, bữa đó con nhỏ sợ quá chừng...”.

Tú nghe cũng rờn rợn thiệt. Đêm đó cứ vừa thiu thiu lại giật mình nghe “tắc kè”. Trằn trọc, quay bên này, lật người bên kia. Cuối cùng mắt đành thao láo mở to.

“Chị Thy hay đi vầy lắm hả chị?”.

“Ừa, nó... có bồ mà...”.

Tú gặp Nga sau lần lang thang đọc được mấy dòng “cần nữ ở ghép” trên mạng.

Phòng rộng, nhà đẹp yên tĩnh, giờ giấc tự do, được nấu ăn, để xe miễn phí.

Đọc xong, Tú alô số di động kèm theo nhưng chẳng ai bắt máy. Nửa tiếng sau Nga mới gọi lại, thế là chiều chị em hẹn cà phê.

“Nga thích xưng tên, đừng chị em gì hết nha...”.

Nói thì nói vậy, Nga hơn tuổi Tú nhiều, ai dám gọi tên thôi. Nga bảo Nga đang làm nhân viên văn phòng.

“Con nhỏ cùng phòng tối đến toàn đi chơi suốt bỏ chị một mình, nhà lại rộng thênh thang, buồn buồn Nga mới lên mạng kiếm thêm người nữa vào ở cho vui... Tú học năm mấy rồi?”.

“Dạ, năm hai. Năm đầu em ở ký túc xá, thấy cũng bất tiện, rồi năm sau trường cũng không cho ở nữa nên em tìm chỗ trọ gần trường. Em cũng ở qua mấy nơi rồi...”.

Không biết có phải bởi Nga đêm nằm một mình sợ nghe tắc kè kêu hay vì tiếng của nó buồn quá, sầu muộn quá... đến nỗi mỗi lần cất lên cứ muốn lây qua mình, tới cái đà chịu hết nổi phải tìm ngay ai đó về ở tạm kề bên cho dịu bớt cơn thảng thốt trong lòng. Phải vậy không, Tú thầm hỏi. Nói chuyện hồi lâu, hai chị em khá tâm đầu ý hợp.

Vậy là gật đầu cái rụp.

“Tắc kè! Tắc kè! Tắc kè!”.

“Chị thấy nó bao giờ chưa?”.

“Ai? Con tắc kè đó hả? Nó đẹp lắm đó. Lúc xanh lúc đỏ. Tắc kè đổi màu được mà...”.

Tú ngó lên chỗ tiếng kêu vọng xuống, rướn mắt tới những chỗ tối tăm nhất nơi tầm mắt hoàn toàn bị che khuất. Không lẽ tối thui vầy, con tắc kè cũng đổi màu đen thui lui?

Lạ nhà cộng thêm sự nhiệt thành quá đỗi của con tắc kè, Tú nhắm mắt để đó một mạch cho tới sáng. Còn Nga - Tú bắt gặp khi trở mình lần nữa - có vẻ những nỗ lực cuối cùng chăm lo cho giấc ngủ đã được đền đáp: thiếp đi rất nhanh, cơ mặt giãn ra nhẹ nhõm. Dẫu trên kia chốc chốc văng vẳng:

“Tắc kè!”.

° ° °

Dù Nga đã kể ít nhiều về Thy - người cùng nhà còn lại, Tú vẫn thoáng bất ngờ khi chạm mặt.

“Em chào chị...”.

“Tú là em à?”.

Thy đẹp thật. Cái đẹp trời cho, diện thêm quần áo hợp thời trang lại càng toát lên sự sành điệu. Mải ngắm, đầu óc Tú cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ.

“Em mới đi học về à?”.

Bừng tỉnh, Tú gật gật:

“Dạ”.

Thy đang sửa soạn, chắc tối nay lại không về. Tú rụt rè:

“Chị ăn cơm rồi đi, em nấu nhanh lắm”.

Đang soi gương tô lại bờ môi, Thy cười nhột nhạt:

“Nấu cho bà Nga với em thôi. Chị thì có khi nào ăn cơm nhà...”.

Thoáng trong mắt Thy một nỗi buồn mông lung nào đó. Tú chợt liên tưởng ngay tiếng kêu sầu thảm của con tắc kè mỗi đêm khuya mù mịt.

Tắc kè! Tắc kè!

“Em làm gì đứng như trời trồng vậy. Vào đây”.

Tú lấy trong giỏ xe đạp bọc rau thịt xách vào nhà. Trên đường đi học về Tú tạt qua chợ mua nguyên liệu cho bữa cơm chiều, y nhiệm vụ Nga đã “bàn giao”.

“Mấy bữa nay chị đi đâu không thấy về ạ?”.

Thốt xong Tú mới biết mình buột miệng. Thy vẫn soi vào cái gương nhỏ nhắn cầm trên tay.

“Đi du lịch với bồ...”.

° ° °

Nga về muộn như thường ngày, thấy nhà cửa gọn gàng, trên bàn cơm nước đã sẵn sàng tươm tất, thích lắm.

“Tú ơi!”.

“Dạ, em đang giặt đồ - giọng Tú trong nhà tắm vọng ra - Chị đợi em chút, em xong rồi, ra ngay...”.

“Lâu ơi là lâu Nga mới biết lại bữa cơm nhà, yêu Tú thế!”.

Vừa và cơm Nga vừa tấm tắc. Tú lạ gì những bữa cơm ngoài tạm bợ qua loa, cốt cho xong bữa của Nga. Dù mang tiếng là con gái cả năm cũng hiếm khi đụng được vào nồi niêu xoong chảo một đôi lần. Cuộc sống thành phố này hối hả vội vàng quá, cuốn trôi hết tất cả. Ai mà chậm lại nổi được vài ba giây. Cái gì cũng phải thật nhanh gọn lẹ làng. Làm đã vậy, nên yêu cũng phải vậy chăng?

Tú đã thấy bồ của Thy, đầu vàng khè, mắt kính đen, đi tay ga bóng loáng đậu lấp ló trước cổng ban chiều. Hắn bấm còi inh ỏi, giục giã, hối thúc. Thy ngoắc tay “bái bai” Tú, ngúng nguẩy bước ra. Chiếc đầm ống ngắn cũn cỡn màu hồng nổi bật ôm sát những đường cong “chết người” theo mỗi bước đi của chủ nhân khiến Tú lại thêm một phen nữa sững sờ.

Ai? Con tắc kè đó hả? Nó đẹp lắm đó. Lúc xanh lúc đỏ. Tắc kè đổi màu được mà...

Trong đầu Tú bỗng văng vẳng câu nói của Nga. Tú giật mình.

“Tắc kè!”.

“Hôm nay nó kêu sớm ghê!”.

Tú đang ngồi học bài, nghe Nga bảo, ngẩng đầu nhìn lên chỗ tiếng kêu vọng xuống.

“Biết sao không Tú, tại vì nó gọi người yêu tới khan cổ mà chẳng được đoái hoài...”.

Con tắc kè vẫn chờ mong hoang hoải một tình yêu, ngày ngày cố cất mấy tiếng gọi thảm sầu. Tú nghĩ tới đó, tưởng tượng thôi đã thấy thương nó kinh khủng. Ở trên đó lâu vầy, cô đơn vầy, chịu sao thấu, tắc kè ơi.

“Đố Tú nó là đực hay cái?”.

Chỉ có tắc kè đực mới biết kêu. Tú biết mà. Tắc kè cái không bao giờ kêu hết. Nhưng mà không kêu đâu có nghĩa nó không biết buồn. Có nhiều nỗi buồn không cất nổi thành tiếng, cứ giấu giếm trong lòng, ngày qua ngày chôn chặt, người ta hiểu làm sao?

Tú biết Nga có những nỗi buồn như vậy. Khi cái tuổi “băm” chợm đến, đôi mắt của người con gái nhìn về đâu cũng thấp thỏm, xa xăm. Nga kể ngày chân ướt chân ráo lên đây một thân một mình cũng y như Tú bây giờ, có khi còn khờ khạo, ngây ngô hơn.

“Ai cũng từ một chốn nào đó mà, phải không Tú?”.

Những mẩu chuyện của Nga cứ vụn vặt đứt quãng, rời rạc, lại thường được Nga thêm dấu chấm hỏi vào sau cuối. Cũng chẳng khi nào quá nhất thiết Tú phải trả lời.

“Sao chị không quen ai...?”.

Tú dễ hay buột miệng, hệt con tắc kè trên kia. Nga cười:

“Ai bảoNga không quen ai. Yêu nhiều lắm ấy, muốn “chống lầy” lắm ấy, cuối cùng vẫn cứ phòng không...”.

Tối đến hai chị em nằm ngóng tắc kè kêu, ngóng Thy về. Chẳng bao giờ biết trước khi nào tắc kè sẽ kêu, khi nào Thy về lại. Giờ này ở những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, Thy chắc đã quên hẳn tiếng con tắc kè một thời rướn cổ chào mừng Thy dọn vào ở chung một nhà.

“Nó giống Nga hồi đó...”.

Nó? Tắc kè? Thy? Tú yên ắng, vẫn dỏng tai lên phía trên cao kia chờ đợi.

“Đêm nào Nga cũng đi...”.

“Tắc kè! Tắc kè! Tắc kè!”.

Nó kêu kìa. Tú nhắm tịt mắt lại. Xung quanh tối đen như mực.

“Tắc kè!”.

“Rồi có ngày nó sẽ về luôn, không đi nữa...”.

“Tắc kè! Tắc kè!”.

° ° °

Ánh mắt cùng giọng thầm thì buồn bã của Nga theo Tú mãi đến giảng đường. Ngồi trên lớp không sao tập trung được. Lâu lâu trong tâm trí lại vang lên những tiếng gọi tê tái nao lòng: “Tắc kè!”.

Giờ giải lao, Tú ngồi yên tại hàng ghế trống như thường lệ, mắt dáo dác nhìn quanh quất. Những khuôn mặt bạn học lạ lạ quen quen ra ra vào vào hiện lên đây đó trong giảng đường rộng rãi. Một thời, cảm giác choáng ngợp khi phải bước chân vào giảng đường này đã từng là cơn ám ảnh

sợ hãi của cô tân sinh viên xa nhà rất ít khái niệm về “thành phố”. Bây giờ Tú đã bớt sợ. Đêm về, cô đơn, lạc lõng, nỗi nhớ ba má da diết dần hao hao đi ít nhiều. Tú biết mình đã thay đổi. Dù rất chậm, vẫn cứ là thay đổi. Và từ khi nào, Tú cũng chẳng còn quá tròn mắt ngạc nhiên trước một bộ váy mới của nhỏ bạn từng ở chung ký túc xá. Không thấy lạ lùng khi giọng nói của nhỏ pha thêm những âm vị xa lạ thị thành. Càng bình thản khi biết nhỏ cặp bồ cặp bịch, những buổi học trên lớp mỗi lúc một thưa vắng dần.

“Tắc kè! Tắc kè!”.

Tú có nghe lầm không? Trong giảng đường có tiếng tắc kè? Dỏng tai, Tú cố nghe tiếng kêu phát ra từ đâu. Lòng tự hỏi... Vẫn là con tắc kè ở nhà đêm đêm mắt thao láo dõi xuống hai chị em Tú. Hay là một con tắc kè khác, ngày ngày ngó xuống, chứng kiến biết bao nhiêu khuôn mặt. Những khuôn mặt mà ngày hôm nay lại khang khác hôm qua ít nhiều.

Cho đến một ngày không thể nhận ra nữa.

° ° °

Lớp phấn son trên mặt Thy nhòa đi cùng nước mắt. Tú đứng ở cửa, biết rằng một trận cuồng phong vừa mới qua đây. Lúc đạp xe chỗ ngã rẽ vào nhà, Tú suýt té nhào vì chiếc tay ga đi ngược chiều rú nhanh hết cỡ. Loạng choạng, Tú vẫn kịp nhận ra mái tóc vàng khè cùng gương mặt đỏ ngầu dữ tợn.

Đêm, ba chị em nằm chờ tắc kè kêu. Tiếng thút thít rất khẽ. Giọng Nga ủi an nhỏ nhẹ. Hơi thở nặng nề. Không gian ngột ngạt.

“Tắc kè!”.

Tú thiếp đi. Trong mơ, Tú đã thấy nó - con tắc kè hai màu xanh đỏ tuyệt đẹp. Nhưng không chỉ một mình nó ở đó. Đôi mắt mở to chăm chú nhìn về một hướng. Tú nhìn theo. Rùng mình.

Xa kia, Tú đếm được: một, hai, ba. Là ba con tắc kè khác. Tú tiến lại gần hơn, gần hơn nữa. Con đầu tiên còn khá nhỏ người chỉ độc một màu trắng muốt. Con thứ hai to hơn lòe loẹt đủ màu xanh đỏ tím vàng. Con cuối cùng cũng là con to nhất, phủ trên mình màu đen tuyền lạnh lẽo. Chúng nó bám dính lấy nhau, con nhỏ cắn chặt đuôi con lớn hơn nối tiếp thành một hàng dài.

“Tắc kè! Tắc kè!”.

Nó vẫn đứng đó quan sát, chốc chốc lại cất tiếng kêu buồn thảm, như luôn muốn nói điều gì đó. Đột nhiên, con tắc kè nhỏ nhất quay đầu lại nhìn Tú chằm chằm.

Giấc mơ kỳ lạ ấy còn ghé thăm Tú nhiều lần, trong nhiều năm sau nữa. Mỗi lần như vậy, con tắc kè trắng muốt lại hơi ngả sang vàng, rồi cam, rồi đỏ...

Mỗi lần mơ thấy, Tú lại giật mình hốt hoảng vì rõ rệt bên tai:

“Tắc kè!”.
2hi.us