Truyện Ngắn - Nổi Loạn

Truyện Ngắn - Nổi Loạn

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Nổi Loạn

có gì cả. Dường như không có thương tích. Phan ngồi xuống nền nhà, tựa lưng vào vách. Chàng nói, từ tốn và buồn bã:


– Cứ coi anh là một thằng hèn cũng được. Nhưng anh rất yêu em. Nếu em không hiểu được điều đó thì em chỉ là một kẻ ngu ngốc và...


Chàng không nhìn xuống, nhưng chàng biết máu đang thấm ướt ngực mình. Vết máu trên áo loang dần ra, đầm đìa trên nền vải trắng.


Ngọc kêu rú lên, chạy xô lại, quỳ trước mặt anh, ôm lấy anh, khóc nức nở.


Ngọc nói:


– Hãy tha lỗi cho em. Em thật là một người ích kỷ.


– Em không có lỗi gì cả. Chính anh đã đưa em vào một tình trạng hoảng loạn. Anh đã không giàn xếp được.


Ngọc hôn quanh vết thương anh.


– Em hiểu anh lắm. Thôi, anh hãy về đi. Rồi anh lại đến với em nhé.


Phan im lặng. Chàng biết rằng lúc này chỉ cần một câu nói lỡ lời cũng đủ phá tan sự hòa dịu mong manh, khiêu gợi lòng tự ái đàn bà và những sóng gió khủng

khiếp sẽ ập đến, nhận chàng chìm sâu xuống vực thẳm.


Phan đốt thuốc lá, nhắm mắt lại. Ngọc vẫn nài nỉ:


– Em nói thật đấy. Anh hãy đến bệnh viện đi. Rủi có bề gì em sẽ ân hận suốt đời. Nhưng anh có đau lắm không?


– Không. Phan đáp. Máu đã hết chảy rồi.


Chàng đứng dậy lấy cái chìa khóa xe. Ngọc tiễn anh ra cửa.


Khi bóng Phan đã khuất sau hàng cây, Ngọc quay trở lại căn phòng. Nàng ngồi thẫn thờ nhìn ra cửa sổ với cõi lòng trống trải hoang tàn. Nàng cứ ngồi như thế cho tới khi sự mệt mỏi kéo nàng nằm vật xuống giường. Nàng khóc và ngủ quên đi như một đứa trẻ mồ côi.


*


Buổi tối Ngọc thức dậy trong im lặng quạnh quẽ. Con dế vẫn kêu như mọi ngày, rả rích, bất tận. Giờ này mấy đứa con đang coi tivi hay đang khóc? Bé Thảo sáu tuổi một mình đi vào phòng tắm tự gội đầu lấy, xà phòng dính đầy kẽ tai. Bé Hoa đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, quần áo bẩn thỉu không ai giặt. Tại sao ta lại nằm một mình ở đây? Ta bỏ nhà bỏ con đi theo hắn nhưng giờ này hắn đang hầu hạ vợ hắn ở bệnh viện, có khi đã xuất viện về nhà rồi. Hắn đang xem tivi với vợ con hắn hoặc đang nằm với vợ hắn trong phòng riêng và lập lại những lời âu yếm hắn đã nói với mình?


Ngọc vùng dậy. Những viên thuốc ngủ đã hết. Mười giờ đêm nàng mở cửa đi tìm một tiệm thuốc tây. Nhưng tìm đâu ra ở cái làng ngoại ô hẻo lánh này? Cuối cùng nàng ghé một quán cóc.


Và xách chai rượu về.


Ngọc rót rượu vào tách trà và uống cạn. Như một cực hình. Nhưng vẫn uống. Nàng ngồi dưới đất, tựa lưng vào tường.


Nàng muốn nguyền rủa sự ngu xuẩn của mình. Kẻ nổi loạn muốn vùng thoát ra khỏi bi kịch nhưng lại sa vào một bi kịch khác tàn nhẫn và nghiệt ngã hơn. Ly rượu rơi xuống sàn nhà. Chai rượu rời khỏi tay, lăn đi. Ngọc gục xuống. Ðàn muỗi quầng đảo chung quanh và con gián nhỏ đang thập thò từ trong kẹt tủ bước ra.


*


Phan mở cửa, bước vào căn nhà của mình.


Im lặng. Chỉ có con chó già ra đón chàng.


Phòng khách trống trơn. Con mèo ngủ trên ghế bành. Chút nước trà cặn như đã khô đi trong đáy tách.


Phan bước lên lầu, nhẹ nhàng, chậm chạp, thăm dò. Trên lầu cũng im lặng. Trên chiếc giường rộng Quỳnh đang say ngủ, đầu ngoẻo sang một bên, cánh tay rớt ra ngoài nệm, tóc rối và bết mồ hôi. Mười chín tuổi vẫn thơ dại như đứa trẻ con.


Phan lui ra, đứng ngoài hành lang. Những cây bông giấy không ai chăm sóc đã tàn héo, xơ xác lá.


Buổi trưa đường phố yên tĩnh hơn. Xe cộ như đang trôi trên một dòng sông mơ hồ. Dòng sông đang chảy ngoài cuộc đời chàng, dửng dưng, xa lạ. Những người đang đi kia không biết nỗi khổ tâm của chàng. Chàng không thể chia xẻ cùng ai cả. Chàng đứng đơn độc giữa hành lang rộng và im lặng.


Hai mươi năm xây dựng một gia đình. Mở đầu là những ngày hàn vi khốn cùng ở Phan Thiết, chuyến xe lam đưa Bích và bé Quỳnh mới ba tháng đến nhận việc tại bệnh viện Phan Thiết. Hồi đó Bích chỉ là một cán sự y tế mới ra trường, còn Phan đang nằm ngoài mặt trận. Thiếu úy bộ binh sư đoàn 22. Ðại đội đóng trên một ngọn đồi thấp cạnh dòng sông, những cuộc hành quân buồn tẻ trong những thôn xóm vắng người xơ xác. Ðêm lạnh lùng trong rừng dừa trụi lá, cháy đen như những chiếc đũa mun khổng lồ cắm bừa bãi giữa mặt đất hoang dã. Ánh lửa le lói, những phát súng bất chợt trong đêm, Máy truyền tin PRC 25 kêu rè rè, tiếng nói như nghẹt mũi, khẩu phần ăn gạo rang ngâm nước nhạt thếch trong miệng, thịt ba lát, kim chi Ðại Hàn. Chàng về phép giữa mùa hạ oi ả. Từ cây cầu đôi bắc ngang sông lên bệnh viện, phượng nở đỏ rực. Năm ấy chàng hai mươi sáu tuổi, lính ở ngoài mặt trận mới về.


Bích khóc và bảo chàng hãy về nhà với con.


Chàng đi xuống cái dốc cát để ra xóm cá. Chàng nhớ con, đi như chạy. Cát bắn lên mặt chàng đau rát. Trong ba lô chỉ có vài bộ quần áo sờn rách, chàng đã quên không mua gì cho con.


Mẹ con Bích thuê một căn phòng sát bờ biển. Căn phòng xây bằng đá ong, mái lợp lá, cửa được ghép bằng những mảnh ván thùng đạn.Trong phòng chỉ có một chiếc giường nhỏ trải chiếu, chiếc võng gai lủnglỗ và cái thùng gỗ đựng quần áo. Ðó là tất cả gia tài của hai mẹ con. Phan ngồi xuống giường, không thấy con đâu cả. Chàng bước ra cửa, đứng ngóng. Giữa bãi cát xám xịt, trống trải, chàng thấy một đứa bé đang chập chững bước. Nó đen sạm và trần truồng. Ðó là bé Quỳnh, con chàng. Chàng chạy ra bế nó vào. Có lẽ nó cũng không nhận ra chàng nhưng vì nó là đứa bé thiếu cha nên cứ ôm ghì lấy chàng. Phan bế con vào nhà, đặt con xuống giường rồi chạy ra đường mua bánh. Lúc trở vào thì bé Quỳnh đã ngủ rồi. Nó ngủ ngồi, gục măt trên chiếc ba lô của chàng. Chàng ngồi xuống cạnh con, hôn lên cái lưng trần rám đen của nó và khóc. Chiến tranh và những cuộc chia ly. Cảnh đơn chiếc. Những người vợ thui thủi một mình với đứa con thơ dưới ánh đèn dầu leo lét. Chiếc máy thu thanh nhỏ đầu giường. Tin chiến sự hàng đêm. Đưa bé nhận ra ngay cha của mình vì đã từ lâu không có ai là cha của nó. Chỉ hai hôm sau Phan đã phải ra đi. Bé Quỳnh ôm chặt cứng. Chàng bế con trước ngực, vòng tay bé nhỏ của nó ôm chặt lấy cổ chàng, mặt nó dụi vào tai chàng. Nó vẫn cảm nhận được cuộc chia ly. Chàng rứt con ra đi như rứt ruột ra khỏi cơ thể mình. Ðứa bé òa khóc. Phan bỏ chạy lên cái dốc cát. Ba lô lệch trên vai. Gió biển vi vút trong tiếng sóng gầm thét. Buổi trưa nắng đục, quáng mắt. Lên tới đầu dốc chàng ngoảnh lại. Biển sáng lòa.


Phan nghe tiếng ho, chàng bước vào phòng Bích, ngồi xuống bên giường. Bích mở mắt ra, nắm lấy những ngón tay của Phan.


– Anh có còn thương em không? Bích hỏi.


– Anh rất thương em. Hãy yên tâm mà trị bệnh, đừng nghĩ ngợi gì cả.


– Nhưng ban đêm thì anh phải ở nhà. Có nhiều đêm em lên tăng xông, mấy đứa con quýnh lên, chẳng biết phải làm gì.


– Thỉnh thoảng anh cũng phải vắng mặt em ạ. Anh phải ở với Ngọc. Ðể cổ ở một mình, anh rất đau lòng. Em nghĩ mà xem, hoàn cảnh của cổ như thế anh không thể không có trách nhiệm.


Bích buông tay chồng ra.


– Không phải là trách nhiệm mà anh mê nó. Anh tìm mọi cách dần dần tách rời khỏi gia đình.


– Không phải đâu em ạ. Nhưng vì giữa anh và cổ tình nghĩa nặng lắm. Cổ đã bỏ tất cả để theo anh, thì anh cũng phải...


– Cũng phải bỏ vợ con để theo nó chớ gì? Bích vừa nói vừa khóc tức tưởi. Anh bảo anh tình sâu nghĩa nặng với nó, nhưng còn với gia đình thì sao?


– Tất nhiên là gia đình nặng hơn, nhưng em còn có con cái, có những phương tiện giải trí, tivi, đầu máy, xe cộ, nhà cửa, tiền bạc..còn cổ, em thử tưởng tượng xem lúc này đây cổ đang nằm chèo queo một mình trong căn phòng tồi tàn, không chồng không con, không tiền bạc, không nhà cửa và không có một phương tiện giải trí nào cả. Làm sao một người đàn bà có thể chịu đựng nổi cảnh đó. Ví dụ như em, em có chịu nổi không?


– Có ai buộc cổ như thế đâu?


– Không buộc mà cũng như buộc. Bởi vì cổ đã phải lấy một người chồng mà cổ không yêu. Cổ sống với ông ta như sống trong nhà mồ. Chẳng lẽ bắt cổ cả đời phải chịu đựng như thế?


– Kệ cổ chớ. Việc gì anh phải hứng chịu?


– Không phải hứng chịu mà anh yêu cổ.


Bích ôm lấy ngực thét lên:


– Im đi! Hãy để cho tôi yên, đừng nói những lời đó với tôi.


*


Ngọc xuống trạm xe buýt gần bưu điện, ghé

mua một ít bánh ngọt rồi đi thẳng lại trường. Lúc đó đang giờ học, sân trường vắng và im lặng. Ngọc đứng bên hàng rào khuôn viên trường, ghé mắt nhìn các cửa sổ phòng học. Khoảng cách xa quá, chị chỉ thấy lô nhô những mái đầu, không tài nào nhận ra những đứa con mình ngồi ở đâu. Chị hỏi lão gác cổng. Ông nói:


– Cô đợi chút, gần đến giờ ra chơi rồi.


Chị đi lại một sạp báo gần đó xem qua mấy tờ báo. Bỗng nhiên Ngọc nghe có tiếng trẻ con la ầm ĩ:


– Ông điên! Ông điên!


Ðó là tiếng la của mấy đứa trẻ bán vé số dạo. Các cô gái bán thuốc lá vỉa hè và cả những người khách đang đứng mua báo cũng quay nhìn ra đường.


Ông điên ăn mặc xốc xếch, áo bỏ ngoài quần nhăn nhúm, quần tây ống thấp ống cao, đi chân đất. Ông ta đang đứng giữa đường, dang hai tay làm cảnh sát chỉ đường cho xe cộ, miệng không ngớt kêu: “rét rét” giả tiếng tu huýt. Bọn nhỏ xúm lại cười cợt:


– Ông điên!


– Cảnh sát gì mà không có súng!


Người điên có vẻ bị khiêu khích vì câu nói đó, hắn đứng chống nạnh giữa đường trừng trừng nhìn lũ nhỏ.


– Súng hả? Người điên hét lên. Súng của tao đây.


Hắn móc trong túi ra một khẩu súng đen sì, chĩa về phía lũ nhỏ làm chúng hoảng hồn chạy tán loạn. Người điên đuổi theo. Lúc chạy đến gần Ngọc hắn bỗng dừng lại. Ngọc cũng hoảng hốt khi nhận ra đó là “anh hàng xóm” của mình. Hắn dừng lại, cười ha hả:


– A, con đĩ. Ðồ theo trai! Mày cũng có mặt ở đây à?


Mũi súng đen ngòm chĩa về phía Ngọc. Ngọc lùi lại, lấy tờ báo che trước ngực.


– Anh làm cái gì vậy?


– Ðồ lang chạ, mất nết. Tao sẽ giết mày.


Mấy người đàn ông đứng gần sạp báo thấy thằng điên tấn công Ngọc xông đến định can thiệp nhưng đã muộn, anh hàng xóm bước tới một bước và bấm cò. Một tia nước bắn phọt ra từ nòng súng làm ướt cả ngực áo bà ba trắng của Ngọc. Bọn trẻ con vỗ tay cười:


– Súng nước! Súng nước!


Thế là chúng bu lại, vây lấy “anh hàng xóm”, đè hắn ta ra, cướp mất khẩu súng.


Tiếng chuông ra chơi vang lên. Ngọc bước nhanh tới cổng trường trong lúc người điên lồm cồm ngồi dậy, cắm đầu chạy.


Học sinh ùa ra sân trường. Ngọc đi lẫn trong đám đông, lang thang tìm con. Chị gắp bé Hoa ở ngay cửa lớp.


– Em đâu? Ngọc hỏi con.


Bé Hoa nắm tay mẹ dẫn đi tìm em. Ba mẹ con gặp nhau nơi ghế đá. Tụi nhỏ ôm cổ mẹ hôn hít, nũng nịu.


– Mẹ đi đâu lâu quá vậy?


– Ba đuổi mẹ nên mẹ phải đi. Nhưng mẹ nhớ các con lắm. Con có nhớ mẹ không?


– Nhớ. Hôm nay mẹ về nhé. Về ngủ với con.


– Mẹ muốn về với con lắm nhưng ba sẽ giết mẹ.


– Không giết đâu. Ba cũng nhớ mẹ lắm đấy. Tối nào ba cũng khóc.


– Ba cứ ngồi đầu giường, hút thuốc liên tục. Ho suốt đêm. Cứ giựt mình thức dậy là thấy ba ho. Ba không có ngủ đâu mẹ à.


Ngọc bắt chí cho con.


– Ba có gội đầu cho con không?


– Không. Con tự gội lấy.


Ngọc cúi xuống ngửi áo con.


– Hôi rình. Sao Hoa không giặt cho em?


– Chị Hoa tối ngày đi nhảy dây.... nhưng mẹ ơi.. ba đếnkìa!


Ngọc vừa ngửng lên đã thấy hai người đàn ông đứng ngay trước mặt mình. Người thứ nhất là Hùng, chồng chị và người thứ hai là anh hàng xóm.


– Ðứng dậy! Ði chỗ khác chơi!


Tiếng gầm ghê rợn làm hai đưa bé co rúm người lại.


– Ba đừng đánh con.


– Ði chỗ khác chơi!


Hai đứa bé lẳng lặng chuồn mất. Còn lại Ngọc đối mặt với hai người đàn ông. Người chồng hỏi:


– Mày đến đây làm gì?


– Thăm con tôi.


– Mày không phải là mẹ của con tao. Mày là một con đĩ.


Ngọc nhìn trừng trừng vào mặt chồng:


– Anh không được nói như thế. Ðây là trường học của con. Anh phải biết nghĩ đến con chứ.


– Mày đừng dạy tao. Chính mày mới là người không nghĩ đến con.


– Anh vẫn không khá hơn được tí nào. Anh muốn đánh, nuốn chưởi tôi cũng được nhưng hãy đi đến chỗ khác. Không nên làm chuyện đó ở đây. Anh có hiểu không?


– Tao không cần hiểu. Muốn đánh là tao đánh.


Anh hàng xóm tru tréo:


– Ðánh nó đi. Anh không đánh, em đánh.


Ngọc không muốn làm khổ con mình và gây phiền hà cho trường nên đứng dậy bỏ đi nhưng người chồng đã túm lấy tóc chị, ghì đầu chị xuống và “lên” đầu gối. Cú đánh mạnh, thúc thẳng vô bụng. Ngọc gập người xuống. Thằng điên cũng xông vô đấm vào lưng Ngọc túi bụi.


Học trò bu đến đông như kiến, bất kể hồi chuông dài báo hiệu giờ vào lớp. Các thầy cô rẽ học trò chạy đến can thiệp nhưng lúc này cả hai người đàn ông đều đã hóa điên. Họ đánh đấm túi bụi.


– Tại sao hai người đàn ông lại đánh một người đàn bà? Ông hiệu trưởng hỏi một cách gay gắt.


Hùng ngừng tay, la lớn:


– Tại vì nó theo trai. Nó là vợ tôi nhưng nó bỏ nhà đi theo trai. Vì mê trai mà nó đành lòng bỏ con nheo nhóc. Các người còn binh nó không?


Hiệu trưởng là một người đàn ông nhỏ thó, mặt choắt. Ông ta nhìn một lượt quanh các thầy cô rồi nói:


– Cho các em vào lớp đi. Bấm chuông lần nữa.


Khi đám học sinh đã xếp thành những hàng dài trước cửa lớp người ta nghe thấy tiếng gào khóc của hai đứa trẻ. Ngọc quẹt nước mắt, ngơ ngác tìm con nhưng những người bảo vệ của trường đã đẩy chị ra khỏi cổng cùng với hai người đàn ông giận dữ.


Ngọc nuốt nước mắt, căm giận nhìn chồng, tia nhìn rực lên vẻ man dã hung tợn. Ðó là cái nhìn của kẻ cùng đường, sẵn sàng nhào đến cắn xé và hút máu đối thủ của mình. Người chồng tránh cái nhìn ấy và bỏ đi, chỉ còn lại anh hàng xóm. Ngọc tiến lại sát hắn, nhổ bãi nước bọt vào giữa trán hắn.


– Ðồ gà mái. Ta chưa từng thấy một thằng nào hèn như mày.


Anh hàng xóm trợn mắt lên, mặt nghệch ra như một con đười ươi. Ðột nhiên hắn nhảy cỡn lên rồi vừa la vừa phóng ra giữa đường. Hắn lại dang hai tay, điều khiển xe cộ qua lại. Còn Ngọc thì khóc.


Người phu xe trờ đến.


– Cô lên xe?


Ngọc bước lên.


– Ði đi.


– Hướng nào?


– Cứ đi đi.


Xe đi vòng vòng qua phố xá. Nắng rực rỡ, đường phố tấp nập xe cộ. Ðột nhiên chị nghĩ đến Phan và một cơn giận, một nỗi oán hờn tê dại trào lên làm tắc nghẹn hơi thở.


– Cho tôi về đường Ðiện Biên Phủ.


Ðó là tòa soạn tạp chí Văn Học. Phan không có mặt. Ngọc kêu xe đi lại nhà Phan ở Ngã Bảy. Nàng đứng dưới đường gọi lên lầu:


– Phan ơi! Phan!


Bé Quỳnh thò đầu ra ban công nhìn xuống.


– Ba ơi có người tìm.


Phan đang ngồi trên giường vợ, chạy ra. Hai người nhìn nhau lặng im nhưng Phan biết đang xảy ra một chuyện gì đó nghiêm trọng. Chàng hấp tấp chạy xuống cầu thang. Cửa vừa mở, Ngọc đã bước vào, ngồi xuống ghế và khóc nức nở. Phan đến bên và ngồi cạnh Ngọc.


– Sao vậy?


Ngọc khóc lớn hơn. Khóc như mưa như gió. Cái dáng ngồi mảnh mai. Tóc rối. Áo bà ba trắng toát. Lạnh lẽo, run rẩy, mong manh như con thiên nga bị thương. Phan nhắc lại:


– Nói đi. Cho anh biết chuyện gì đã xảy ra?


– Không có gì đâu.


Ngọc vừa khóc to vừa lắc đầu. Lúc ấy chàng nhận ra một vết bầm tím nơi cổ.


– Ai đánh em?


– Ðừng hỏi. Hãy đi với em.


– Ðợi anh một chút.


– Không đợi gì cả. Ði liền bây giờ. Vì em đang rất cần anh.


Ngọc nói xong, đứng dậy đi ra cửa. Phan bước theo.


– Anh đi đâu đó? Bích vừa từ trên lầu xuống.


Phan quay lại:


– Anh phải đi với Ngọc một lát.


– Anh không đi đâu cả. Tôi có chuyện muốn nói với anh.


– Ngày mai chúng ta sẽ nói chuyện. Bây giờ anh đang rất kẹt.


Bích hét lên:


– Kẹt gì? Có mê nó thì đi luôn. Ðừng bao giờ về đây

nữa. Còn cô...


Bích sấn tới, mắt long lên, rút chiếc dép dứ dứ trước mặt Ngọc


– Tôi nói cho cô biết, nếu còn vác mặt tới đây một lần nữa thì đừng có trách tôi.


Phan đứng chắn giữa hai người đàn bà


– Ðừng có la. Anh năn nỉ và đẩy Bích ngồi xuống ghế.


Ngọc bước ra khỏi cửa, đứng chờ. Phan còn nấn ná trong nhà.


– Cổ đang khủng hoảng. Cổ đang rất cần anh.


– Anh không được đi đâu cả. Nghe rõ chưa! Bích vùng dậy cầm lấy cái gạt tàn thuốc. Tôi thách anh bước ra khỏi cửa! Bé Quỳnh cũng chạy đến níu tay Phan:


– Ba ơi! Ba đừng đi.


Bích túm lấy cổ áo Phan la lớn:


– Hãy bảo nó cút đi! Nói mau!


Phan hoàn toàn bất lực. Anh quay nhìn Ngọc nhưng không nói được nửa lời. Ngọc cũng nhìn anh. Cái nhìn ấy anh chưa từng thấy bao giờ.


Rồi chị bỏ đi. Ði rất nhanh ra đường.








mười hai


Lúc ấy dưới đường vang lên tiếng nhạc rock của một người bán kẹo kéo. Tiếng nhạc ồn ào, sôi động bốc lên trên các ngọn cây nghe như có đám rước gì đi ngang qua. Những âm tanh điện tử rổn rảng như sắt thép của Morden Talking. Chiếc xe kẹo kéo khuấy động cả một khu phố lúc xế chiều, át cả tiếng xe cộ, tiếng rao hàng, tiếng trẻ con.


Một người đàn ông. Một chai rượu. Hùng nghĩ đến anh hàng xóm. Ông muốn tìm hắn, nhưng lại sợ hắn nổi cơn điên đập phá, la hét. Làm phiền cả khu tập thể.


Ông xách chai rượu đi ngang qua phòng hắn. Phòng đóng cửa nhưng bên trong có ánh đèn. Thoạt tiên không thấy ai. Ngọn đèn để bàn tỏa ánh sáng vàng cũ kỹ nám khói. Trong mớ quần áo treo lỉnh kỉnh đầu giường ông nhận ra chiếc quần đen, mấy cái áo cánh và ba bốn cái áo ngực, quần lót của vợ ông. Bỗng sau lưng có tiếng cười. Anh hàng xóm xuất hiện như một người lên đồng. Hắn trang điểm loè loẹt, môi thoa son đỏ chót, má phấn,tóc xịt keo dựng đứng. Hắn đang bận bộ đầm sặc sỡ của Ngọc. Hắn đứng im, trơ bộ mặt loè loẹt, buồn bã.


– Chú làm gì vậy?


Anh hàng xóm nhe răng cười, râu vểnh lên, khoé mắt giựt giựt. Hùng bảo:


–Uống với tôi một ly.


Anh hàng xóm ngồi xếp bằng dưới đất, cái váy xòe tròn trên nền nhà che khuất cặp giò khẳng khiu, chỉ để lòi những ngón chân cùn xơ xác. Hùng cứ nhìn anh hàng xóm đăm đăm.


– Chú thay đồ đi. Sao chú lại mặc quần áo của vợ tôi vậy?


Anh hàng xóm giật nảy người lên:


– Chết cha. Em mặc đồ của chị hả?


Hắn đứng dậy. Hùng giở cái váy lên, bên trong là cái quần xịp màu hồng. Ông càu nhàu:


– Lại thế này nữa. Chú lục tung cả đồ đạc của vợ tôi ra à? Tôi không gởi cho chú nữa đâu.


Tiếng nhạc rock của cô gái bán kẹo kéo dưới đường trở nên giựt gân. Anh hàng xóm kéo hai bên váy lên và bắt đầu nhún nhảy. Hùng ngồi chờ cơn điên ấy dịu xuống nhưng anh hàng xóm nhảy càng lúc càng cuồng loạn, vừa nhảy vừa tiến lại đầu giường lấy cái nịt vú màu cà phê sữa đeo toòng teng trên cổ. Hùng chạy lại chỗ cái vali của vợ, thấy khóa đã bị phá tung, ông mở ra. Bên trong chỉ còn hộp nữ trang là nguyên vẹn. Ông lấy cất vô túi, buồn bã ngồi xuống giường, thở dài. Tiếng nhạc dưới đường vẫn dồn dập, anh hàng xóm nhảy tưng tưng như con rối. Ðột nhiên Hùng bật dậy, phóng đến bên cửa sổ, thò đầu ra ngoài, hét xuống đường:


– Tắt máy đi!


Tiếng hét làm những người đi trong phố ngửng lên nhìn.


– Tắt máy, không tôi tạt nước xuống bây giờ.


Cô gái bán kẹo kéo đứng chống nạnh, ngửa mặt nhìn lên, cười:


– Tạt đi! Tạt nước đi!


Và cô vặn nhạc to hơn, nhịp nhịp chân. Cũng muốn nhảy.


Bọn trẻ con trong phố đã bu lại, chỉ tay lên lầu cười ầm ĩ. Những người phu xích lô, những chị bán hàng rong và người đi đường cũng cười. Một đám đông hình thành rất nhanh trên vỉa hè. Hùng lại la lên:


– Ðẩy xe đi chỗ khác.


– Không đi đâu hết, cô gái vẫn bướng bỉnh. Có ngon xuống đây chơi.


Bọn trẻ hòa theo:


– Xuống đây!


Nhưng Hùng đã mềm rũ bên cửa sổ, bất lực.


Anh hàng xóm vẫn giựt lia lịa. Hùng thì ngồi bệt xuống đất, giương đôi mắt đục, thất thần ra nhìn. Một lúc ông chậm chạp đứng dậy gom tất cả quần áo, khăn tay, đồ lót, đồ trang điểm của vợ gấp lại, xếp vào vali.


– Giơ tay lên!


Hùng ngoái lại. Một họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào ông. Trời ơi, hắn lấy súng của mình hồi nào vậy.


– Chú điên nặng rồi.


Mắt anh hàng xóm long lên:


– Không được đụng vào đồ đạc của vợ tôi.


– Ai là vợ chú?


– Ðừng làm bộ. Anh hàng xóm rít lên. Bỏ hộp nữ trang trong túi ra!


Hùng sấn tới, giận đỏ mặt, sùi bọt mép:


– Mày định ăn cướp hả?


– Ra khỏi nhà, không tôi bắn nát óc.


Hùng bước ra khỏi nhà, vừa đi vừa ngó chừng khẩu súng.


– Bỏ hộp nữ trang trong túi ra.


– Ðừng bắn ẩu. Chú quên rằng tôi đã gởi cái vali của chị cho chú giữ sao?


Anh hàng xóm bóp cò.


Tiếng nổ dập tắt điệu nhạc của người bán kẹo kéo dưới đường.


Cuộc đời của một con người đã kết thúc tình cờ, đơn giản và nhạt nhẽo như thế.








mười ba


Ðằng sau cánh cửa là sự lạnh lẽo của cái chết, sự im lặng của mộ phần, của rêu xanh, cố tích và hoang phế. Chàng bước vào căn phòng tối tăm của mình mà như bước vào một quá khứ ẩm mốc, bụi bặm, đổ nát, điêu tàn. Hình như đã một ngàn năm rồi không ai bước chân vào đây, cả thú rừng, những con bọ và cả chim chóc. Ðó là cõi trống trải, cô tịch đìu hiu của thế giới bên kia. Dấu tích sinh vật chỉ còn để lại trong đá. Dấu tích của Ngọc thì không hề tìm thấy. Ngọc mất dạng, biệt mù như không hề có trên đời. Căn phòng trống vắng và xa lạ như người chủ của nó đã bỏ đi hàng chục năm, hay đã qua đời, đã thành người thiên cổ, đã hóa tro bụi. Không một dòng chữ để lại. Quần áo của Ngọc vẫn còn nguyên vẹn trên móc. Ðôi dép vẫn dưới chân giường, cái lược nhựa màu xanh lá cây, cái quấn tóc... Không có dấu hiệu gì là đã trở lại đây trước khi bỏ đi. Nàng đã ra đi mà không chuẩn bị gì hết. Một bộ đồ bà ba duy nhất trên người.


Chủ nhà nói:


– Mấy hôm nay không thấy cổ về.


Chàng biết rằng Ngọc sẽ không về nữa, sẽ không cần gì nữa, không cần ai nữa. Ý nghĩ đó làm chàng hoảng hốt. Nằm lại đây chờ hay đi tìm? Mười giờ đêm. Quán nước dừa dưới gốc cây si, quán cà phê Nguyễn Trãi. Chàng đến nhà những người bạn, những người bà con của Ngọc. Nửa đêm, Phan trở về căn phòng một mình, ngồi khóc. Chàng biết rằng không bao giờ còn nhìn thấy bóng dáng Ngọc nơi này nữa. Chàng sẽ ở đây một mình với bốn bức tường hẹp, đàn muỗi và con dế gáy suốt đêm trong xó nhà.


Trời đã khuya lắm. Chỉ có chàng và con dế còn thức. Có lẽ Ngọc cũng còn thức, nhưng đang ở đâu? Hay Ngọc đã chết rồi? Chàng không ngủ, chàng thích hình dung nỗi cô đơn của Ngọc, sự khốn khổ của Ngọc. Và khóc.


Buổi sáng, khi ra bờ sông ngồi, chàng là người cha đi tìm xác con dưới đáy nước. Trưa nắng, chàng đi bộ trong phố gặp ai mặc áo bà ba cũng nhìn. Chàng vô chợ Bến Thành tìm kiếm vô vọng trong đám đông. Chàng tìm tới những người bạn cũ của Ngọc. Nhưng không ai biết gì về Ngọc cả và họ chỉ nhắc đến những chuyện đã qua, nhưng chàng vẫn thích nghe, vẫn hy vọng rằng trong cái mớ hỗn độn của quá khứ ấy chàng sẽ tìm được một chi tiết nào đó giúp tìm ra nơi ở của Ngọc. Ðến một lúc người đối thoại mệt mỏi, ngáp dài hay ngủ gục chàng mới biết rằng mình phải chấm dứt câu chuyện.


Lại một người bạn khác của Ngọc, chị bán bún riêu ở vỉa hè. Chàng không hỏi gì cả mà chỉ

ngồi chờ, may ra có một lúc nào đó Ngọc xuất hiện từ đàng xa.


Chàng chờ và đi. Chàng cứ chờ và đi như thế trong nhiều ngày.


Có một chiều chàng trở về nhà thấy đứa con gái lớn ngồi nhai ổ bánh mì trong bếp một mình, chàng đứng lặng im rồi đến bên con, chàng ngồi xuống chiếc ghế gỗ thấp, cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của con và khóc.


– Ba đi đâu hoài vậy?


– Ba đi tìm cô Ngọc.


– Tại sao ba phải đi tìm cổ?


Chàng khóc như đứa trẻ con, chàng hôn tay con, nước mắt nhỏ giọt trong lòng bàn tay nó. Chàng nói:


– Ba yêu cô Ngọc lắm. Ba không thể nào xa cổ được.


– Ba khôngyêu má nữa sao?


– Ba không biết phải giải quyết thế nào. Khi lớn lên con sẽ hiểu rằng ba đã khổ đến như thế nào.


Cô bé cũng khóc. Khúc bánh mì lăn ra bàn.


Chàng cảm thấy mọi sự như đã vỡ lở và gần như không thể cứu vãn được. Cuộc tình này chỉ thấy có dày vò, đau khổ, thù hận và nước mắt.


Xưa nay chàng vốn không thích những kết thúc bi thảm, cường điệu trong kịch của Shakespeare nhưng dường như quy luật của ái tình đã cuốn chàng vào vòng xoáy của bi kịch và chàng không tài nào cưỡng lại nổi.








mười bốn


Ngọc trở về như một bóng ma giữa ban ngày. Áo bà ba trắng, quần đen. Không trang điểm. Nàng đã vượt qua ba cửa ải đầy những ma quỷ, thú dữ, rắn rít để bước lên bậc thang cuối cùng của căn hộ mình từng ở. Những cặp mắt xoi mói. Tiếng thì thầm rụt rè và miệt thị: Nó về, nó về kìa! Những cánh cửa sổ chợt mở ra. Lời nguyền rủa từ miệng mụ phù thủy xương xẩu: Hỡi kẻ lăng loàn, mi đã đánh mất nhan sắc và trở thành một con méo cái.


Ðến cửa ải cuối cùng, nàng nghĩ nếu tên hàng xóm ra chặn đường thì ta sẽ giết chết hắn, đạp hắn xuống cầu thang sâu hút của ba tầng lầu. Nhưng gã hàng xóm đã không xuất hiện.


Nàng đứng sững giữa sân nhà mình. Một năm dài đã trôi qua. Lần đầu tiên nàng bước chân trở về. Tất cả im lặng, lạnh lẽo, hoang vắng và xơ xác. Không một tiếng nước chảy, không một tiếng bước chân, không một giọng nói. Ðó là sự im lặng của một trận chiến đã tàn lụi.


Những cánh cửa đóng im lìm. Cái chòi sau bếp cháy nham nhở, bức mành trúc đổ nát, nám khói mắc toòng teng trên một đoạn dây kẽm. Con mèo đen có đôi mắt xanh lè vừa xuất hiện ở giữa hành lang, đứng nhìn nàng trừng trừng. Ngọc bước đến mấy bước và qụy xuống bên thềm nhà, bật khóc. Con mèo đen sợ hãi biến mất. Nàng khóc như một người đàn bà sống sót trở về sau chiến tranh. Nàng khóc trong im lặng của tro tàn.


– Mẹ!


Ðứa bé hiện ra sau lưng Ngọc, ốm yếu, bé nhỏ như một con chim sẻ. Ðó là kẻ sống sót thứ hai.


– Mẹ ơi!


Ngọc ôm con vào lòng, nhẹ hẫng như một con mèo con. Nàng bước vào nhà, mở cánh cửa sổ nhưng chúng đã mục nát hết, giường chiếu bề bộn những quần áo dơ, mùng mền bẩn thỉu, giấy vụn vung vãi trên nền nhà.


– Con ở nhà một mình sao?


– Con ở với cô Thủy.


Ngọc bế con xuống căn bếp đổ nát. Tất cả điêu tàn như sau một trận bom napal. Căn bếp chỉ còn là một cái sườn nhà bằng tre nám khói. Tro than ngập ngụa lối đi. Trên cái bàn gỗ nứt nẻ còn hai cái soong nhôm đậy nắp. Ngọc mở ra, những con cá kho đã cháy khô và một nồi cơm đã lên nấm đỏ rực.


Lẫn trong tro tàn là những phần còn sót lại của quần áo Ngọc. Một mảng lưng quần jean với mấy cái nút đồng, một chiếc giày da cháy nham nhở. Một sợi dây thắt lưng cong queo...


Ngọc trở vào phòng, đặt con nằm xuống giường.


Nàng bật quạt cho con rồi trở ra bếp, gom những mảnh vỏ chai, những mẩu vải cháy xém và giấy vụn.


Khi lục dưới gầm giường nàng thấy còn một chai rượu chưa khui và mấy bịch đậu phọng da cá. Nàng đặt chúng lên giường và dùng một miếng bìa cứng gom đống tro lại. Lúc ấy nàng nghe cái giọng cười kinh tởm của con đười ươi. Ngọc quay lại. Gã hàng xóm mặc bộ đầm sặc sỡ của nàng, mặt mày son phấn lòe loẹt. Ngọc ném miếng bìa xuống đống tro, chụp chai rượu, sẵn sàng đối phó. Nhưng anh hàng xóm vẫn đứng im với cái nhìn của kẻ mất trí.


Bỗng nhiên hắn quỳ xuống, lết tới bằng hai đầu gối:


– Kính thưa mẫu hậu.


Hắn nói và sụp lạy lia lịa.


– Xin thương xót kẻ tôi tớ.


Ngọc tựa lưng vào vách nhìn hắn trừng trừng. Nàng khui chai rượu, rót vào cái ly ống tre. Anh hàng xóm chợt bật khóc, nước mắt và mồ hôi túa ra trên gương mặt son phấn làm cho nó nhòe nhoẹt.


– Về đi!


Anh hàng xóm sụp lạy:


– Xin thương xót kẻ tôi tớ.


Trông hắn giống hệt một thằng hề trên sân khấu.


– Thế mi có biết ca cải lương không? Ngọc hỏi.


Anh hàng xóm bật đứng dậy, cười toe toét:


– Ðó là nghề của con. Hãy khoan! (hắn vô sáu câu) Gươm chỉ là một thanh sắt vô tri có làm chi nên tộ ộ..i...


Ngọc uống cạn phần rượu trong ly. Một niềm hạnh phúc man dã đã bừng dậy trong nàng. Nàng đưa tay ngăn anh hàng xóm:


– Thôi im đi. Mi có biết làm xiếc không?


– Ðó là nghề của con.


Ngọc cầm một hạt đậu phọng đưa ra trước mặt.


– Chuẩn bị nhé. Ta ném vào miệng mi đó.


Hạt đậu bay đi. Anh hàng xóm há miệng đớp gọn. Ngọc lại ném một hạt nữa, hắn lại đón được, vừa cười ré lên vừa nhảy nhót như khỉ.


Ngọc lại hỏi:


– Mi biết trồng cây chuối ngược không?


– Xin tuân lệnh.


Và hắn lộn đầu xuống đất, chổng hai chân lên trời. Hai ống quần vải thô rộng thùng thình tụt xuống, bày ra hai ống chân đen đủi.


– Ðến đây! Ngọc gọi.


Hắn bước tới bằng hai tay, va vào khung cửa, ngã chổng gọng trên nền nhà.


Ngọc ném cái vỏ chai sang bên, bước xuống giường, mặt nóng bừng vì rượu. Nàng đến bên lu nước. Không có gì để múc nước cả. Một cái lon sữa bò, một cái chén bể cũng không có. Ngọc phải cúi thật sát. Nàng vốc nước trong lòng bàn tay, uống. Nàng vục mặt xuống. Nước chảy tràn qua ngực áo, thấm qua chân tóc. Nước làm nàng quên tất cả. Nước đang chảy qua nàng, như một dòng suối róc rách, vô tận.

Tháng Sáu năm 1992
2hi.us