XtGem Forum catalog
Truyện Ngắn - Nổi Loạn

Truyện Ngắn - Nổi Loạn

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Nổi Loạn

"Nổi Loạn" là một tác phẩm hư cấu,
không mang tính thời sự,
và không truyền tải một ý đồ chính trị nào.



một

Thực ra Bích không ngủ. Chị đang nghĩ về cái giường. Có lẽ đó là đồ vật thân thiết nhất với con người. Con người cất tiếng khóc chào đời trên cái giường, hưởng những lạc thú xác thịt trên cái giường và cũng nằm chết trên đó. Sự gắn bó cũng ở trên giường mà sự tan vỡ cũng ở trên giường.

Ví dụ như đêm nay, nào ai biết hắn ta đang nghĩ gì. Hắn nằm đó, hai tay đặt bình yên trên bụng. Có thể hắn tưởng là Bích đã ngủ và hắn chờ đợi. Bích cũng chờ đợi. Hai người đang diễn một màn kịch câm.

Con cáo nằm phục trong bụi rậm hàng giờ. Và sau khi nó thấy người thợ săn mệt mỏi tựa lưng vào gốc cây ôm súng ngủ thì nó nhổm dậy, bước những bước nhẹ nhàng trên mấy đầu ngón chân. Hắn mở cửa phòng, bước nhẹ ra hành lang, đi xuống lầu. Phòng làm việc của hắn ở tầng dưới. Hắn bật đèn và ngồi vào bàn viết. Xấp giấy trắng đặt trước mặt. Hắn viết nguệch ngoạc, bôi xóa nhiều lần rồi dừng lại suy nghĩ. Ðêm hoàn toàn im lặng,

Con cáo không biết rằng họng súng của người thợ săn đang hướng về hắn từ một lỗ thông hơi trên tường. Bích ngắm nghía con mồi, vạch một đường thẳng từ lỗ ngắm đến đỉnh đầu ruồi, ngón tay đặt lên cò súng. Nhưng chị không bóp cò, chị lặng lẽ rút êm lên lầu, trở vào phòng lên giường nằm nhắm mắt trong tư thế cũ.

Ðộ nửa giờ sau, người chồng trở lên, lẻn vào phòng như kẻ trộm.

Lần này người chồng ngủ rất nhanh.

Bích vẫn thao thức. Nhưng bây giờ chị không nghĩ về cái giường. Chị nghĩ về những dòng chữ nguệch ngoạc trên trang giấy trắng. Hắn đã viết những gì lúc hai giờ sáng?

° ° °

Phan thức dậy trong cảm giác rất mơ hồ về chung quanh. Sắc đỏ tía của hoa giấy rập rờn trước mặt giống như nó được phản chiếu trong một mặt nước lăn tăn sóng.

Rồi đột nhiên hắn nghe giọng Bích vang lên như lời phán truyền từ trên đỉnh núi:

– Các con hãy đọc bức thư tình của ba viết cho cô Ngọc đi.

Con cáo chợt nhận ra họng súng đen ngòm đang hướng về mình. Hắn bật dậy. Hoàn toàn hết hy vọng chạy thoát. Nhưng hắn không run sợ.

– Này các con, Phan gọi. Hãy lại đây! Có lẽ đã đến lúc ba phải nói hết sự thật. Hãy lại đây đi.

Nhưng ba đứa con vẫn đứng im ở vị trí của chúng. Bích ngồi xuống giường nhìn thẳng vào mặt người chồng.

– Nói đi, Bích khai hỏa. Hãy nói cho lũ con anh nó nghe đi.

Phan bị đẩy ra trước vành móng ngựa. Nhưng anh vừa là bị cáo vừa là người cha nên lời biện hộ của anh vụng về, lúng túng, không thuyết phục. Cuối cùng tòa phán quyết một cách vội vàng:

– Ði đi! Ngay từ giờ phút này hãy cuốn gói mà đi đi! Trả tất cả chìa khóa lại đây rồi cút đi và đừng bao giờ vác mặt về đây nữa.

Thế là chàng ra đi.

Những đứa trẻ im lặng bên khung cửa.

– Ba không bao giờ bỏ các con đâu. Phan nói. Ba sẽ về thăm các con, sẽ nuôi nấng các con, chăm sóc các con.

Trong cái xách tay nhỏ của chàng chỉ có vài bộ quần áo, cái khăn mặt, bàn chải đánh răng, mấy cái quần đùi. Chàng đem theo máy chữ và mấy xấp giấy trắng. Tất cả được chất lên chiếc xe PC cũ kỹ, ràng hai sợi cao su hai bên. Chàng ra đi đơn giản, nghèo nàn, thầm lặng.

Chàng đến thẳng căn phòng nhỏ của chàng và Ngọc thuê trong xóm vắng ngoại ô. Cửa khóa, chàng mở cửa bước vào thế giới nhỏ hẹp, nghèo nàn, lạnh lẽo. Cái bếp dầu kê trên một bục gỗ thấp cạnh những bát đĩa đầy bụi, những đôi đũa vung vãi dưới nền gạch bông, cơm trong cái soong nhỏ đã lên meo đỏ chói. Ðàn muỗi đậu đen kịt trên tấm ra trải giường đã xỉn màu, bụi bám đầy trên mặt bàn viết của chàng.

Phan bật đèn, mở cửa sổ. Ðàn muỗi vẫn chưa chịu bay đi, dường như chúng đang đói lả và đang chờ người chủ trở về. Chàng bật quạt nhưng lũ muỗi vẫn nằm im.

Phan đặt máy chữ lên bàn, ném cái xách tay sang một bên rồi ngồi xuống giường, lúc ấy đàn muỗi mới chịu bay tản mạn trong xó nhà, trong mớ quần áo treo lỉnh kỉnh trên vách.

Không có dấu hiệu gì là Ngọc đã đến đây và điều đó làm cho Phan thấy dễ chịu hơn. Chàng nằm xuống giường, nhắm mắt lại.

Chàng ngủ trong tiếng gió nhẹ xào xạc trên những đọt dừa. Giấc ngủ lơ mơ trong cái im lặng của buổi trưa hè oi ả. Chàng ra đi mà như trở về. Trở về mà như ra đi. Ngủ mà như thức. Ðọng lại trong giấc mơ của chàng là một tình cảm quen thuộc mà không có tên gọi.

Ðến một lúc chàng không còn nghe tiếng dừa xào xạc nữa, không nghe tiếng con chim nhỏ lách chách trong lùm cây chùm ruột nữa, cũng không nghe tiếng chuông leng keng của người già bán kem đi xiêu vẹo giữa trưa nắng.

Trong giấc ngủ, chàng nghe thấy những tiếng gọi mơ hồ của lòng mình. Ðó là sự phân vân, vô định và ảm đạm.

Vậy mà khi Ngọc đến, chàng vẫn hay. Tiếng chân của Ngọc bước trên ranh giới giữa mộng và thực, khuôn mặt Ngọc gần kề và chàng cảm nhận sự ấm áp quen thân của vùng mông, cái lưng thon thả, sự mịn màng của quần áo, sự mềm mại của mái tóc. Nhưng chàng vẫn nằm im.

– Anh giận em hả?
– Cô về đi. Phan nói. Tôi không hề đợi cô đâu.
– Thế sao anh đến đây?
– Vì tôi đã bỏ gia đình rồi. Nhưng tôi không muốn gặp cô nữa đâu.

Ngọc đứng dậy, sờ tay vào máy chữ, nhìn quanh căn phòng đầy bụi bặm.

– Ở nhà có chuyện gì vậy?
– Không có chuyện gì cả. Nhưng cô biết để làm gì. Giữa tôi và cô kể như xong. Tôi xin nhắc lại là bây giờ tôi muốn sống một mình.

Ngọc ngồi xuống giường, nàng ôm lấy Phan, vuốt tóc chàng, hôn lên trán chàng. Nàng nói:

– Hôm đó em đã giải thích với anh rồi. Anh đã hiểu rồi, tại sao bây giờ còn thắc mắc?

Phan gỡ tay Ngọc ra, với tay lấy thuốc lá hút. Chàng nằm ngửa nhả khói lên trần nhà.

– Lúc đó tôi cũng tưởng là đã hiểu nhưng khi về nhà mới biết là tôi bị cô lừa. Tôi nằm thao thức hoài không ngủ được. Ðến hai giờ sáng tôi dậy viết cho cô một lá thư rất dài.

Ngọc cười, vuốt ve dỗ ngọt:

– Thư đâu? Ðưa em xem nào.
– Bà Bích lấy rồi. Mọi chuyện đã trở nên công khai rồi. Bà ấy sẽ quậy.
– Em có sợ đâu. Em yêu anh em chấp nhận tất cả. Bộ anh sợ quậy lắm à?
– Không, nhưng cô có yêu tôi đâu. Cô đã đánh lừa tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên cái đêm ấy. không phải chỉ lừa đối mà phản bội, tráo trở, lang chạ.

Ngọc nói:

– Em thậtkhông ngờ anh lại cố chấp đến thế. Anh xoàng lắm anh Phan ạ.

Nàng đứng dậy lấy giỏ xách, bỏ đi. Nhưng khi mở cánh cửa phòng, nàng dừng lại. Cánh cửa vẫn mở. Nàng ném cái giỏ xách lên bàn rồi mở tung các cửa ra. Nàng cầm cây chổi, quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn ghế rồi đem chén bát, soong nồi đi rửa.

Khi đã sạch sẽ tươm tất, nàng đeo cái giỏ xách lên vai.

– Tôi sẽ không bao giờ trở lại căn phòng này nữa đâu.

Nàng nói và bước ra khỏi phòng, đóng cửa lại.

Phan nhỏm dậy định đuổi theo, nhưng ánh mắt của người đàn ông đi với Ngọc đêm hôm trước đã ngăn chàng lại.

– Cút!

Chàng ngã người nằm xuống giường, nhắm mắt lại. Nhưng đôi mắt khiêu khích của gã kia cứ nhìn chàng. Chàng mở mắt ra ngồi dậy bật nhạc. Chàng muốn xua đuổi ánh mắt của người đàn ông mà chàng chưa hề biết tên.

° ° °

Người đàn ông đó tên là Thắng. Tên ấy ban đầu không gây một chút ấn tượng nào trong trí nhớ của Ngọc. Ðó chỉ là một khách hàng bình thường như những khách hàng khác. Anh ta đến mua một cái áo jean rồi về. Ngày hôm sau lại đến mua một cái áo jean. Ðến cái thứ

tư thì Ngọc hỏi:

– Bốn ngày liên tiếp mua bốn cái áo jean giống nhau. Ðể làm gì vậy?
– Ðể được gặp Ngọc.
– Ủa sao anh biết tên tôi?
– Thật là vô lễ nếu không biết tên một người đẹp như Ngọc.

Thế là anh ta ngồi xuống ghế. Bắt đầu tán tỉnh. Ðợt đầu kéo dài trong một tiếng đồng hồ. Thực ra anh ta nói chuyện cũng có duyên. Ngọc ngồi chăm chú nghe. Cuối cùng nàng giở phù phép của mình ra:

– Anh có biết sự tích về ông táo không?

Thắng đáp:

– Hai ông một bà.
– Tôi không muốn nói tới khía cạnh đó. Chỉ nói về mốt của táo quân thôi.

Thắng có vẻ lớ ngớ:

– Mốt của táo quân?
– Ừ, Anh không biết mô-đen ông táo à? Mặc áo nhưng không mặc quần.

Thắng chắp tay vái Ngọc.

– Tôi thua cô.

Sau đó bốn ngày liên tiếp Thắng đến mua bốn cái quần jean, mỗi cái sáu chục nghìn. Lần này anh ta ngồi suốt bốn tiếng đồng hồ, nói đủ các thứ chuyện.

Có lần người chồng hỏi:

– Hắn làm gì mà tới cửa hàng hoài vậy?
– Khách sộp của em đó. Anh có thể tưởng tượng hắn mua một lúc bốn bộ đồ jean.
– Nhưng nói chuyện thì cũng vừa thôi, làm gì mà ngồi cà rà suốt bốn tiếng đồng hồ, quên ăn trưa.

Ngọc nói:

– Chẳng lẽ em đuổi anh ta về à.
– Nếu cô không đuổi thì tôi sẽ đuổi. Ðể rồi cô xem.
– Thế thì anh ra đây ngồi mà bán hàng.
– Ừ. Cô lên quận mà thay tôi đi. Bộ cô tưởng tôi chỉ ngồi chơi xơi nước thôi à? Suốt ngày tôi phải giải quyết bao nhiêu việc của tôi.
– Vậy thì anh phải để yên cho tôi bán hàng chứ. Anh hiểu gì về nghề nghiệp của tôi.

Người chồng ra về. Vài lần sau đó ông ta cũng có gặp Thắng nhưng không đuổi.

Thắng vẫn thường xuyên có mặt ở cửa hàng và chiều hôm đó khi anh ta ra về thì Phan đến.

– Em có ông khách đẹp trai quá.
– Khách quen. Ông rất thường đến đây.
– Thế anh ta có tán em không đấy?
– Có. Anh phải coi chừng đấy. Nói chuyện có duyên lắm nhé.

Phan ngồi xuống chiếc ghế mây:

– Anh chẳng coi chừng đâu. Anh tôn trọng tự do của em.

Ngọc gọi một ly nước cam cho Phan. Ðường phố buổi trưa vắng người. Phan hỏi:

– Sáng giờ ông xã có ra đây không?
– Không. Hình như hôm nay anh ấy phải tiếp một phái đoàn tu sĩ. Anh không đi làm sao?
– Không. Suốt ngày anh ở nhà viết. Ðịnh rủ em tối nay lại chị Tâm chơi.

Ngọc ngẫm nghĩ:

– Tối nay không được rồi. Em bận.
– Bận việc gì vậy?
– Thực ra thì không bận nhưng em đang "kẹt.” Trong người rất mệt.

Phan im lặng. Chàng hút hết điếu thuốc rồi về. Chàng cầm bàn tay nhỏ nhắn của Ngọc, hôn và nói:

– Vậy thì em ở nhà nghỉ. Tuần sau mình hãy lại nhà chị Tâm.

Phan đến cơ quan, thấp thoáng ở đó vài phút rồi ra sạp báo mua vài tờ. Buổi chiều chàng ăn cơm không thấy ngon.

Bích pha cho anh một ly cà phê sữa và đem cái gạt tàn lại. Phan đem ly cà phê vào phòng viết của mình và ở đó cho tới khi trời tối mịt. Chàng bật ngọn đèn nhỏ nơi bàn viết và ngồi trước cái máy chữ.

Nhưng chàng không viết được một dòng nào. Chàng rút tờ giấy khỏi máy chữ, vò nó lại và ném đi. Chàng lấy sách ra đọc. Phan đọc được khoảng vài chục trang thì đột nhiên nghĩ rằng rất có thể Ngọc đang có mặt ở nhà chị Tâm.

Rồi cứ sợ mình đến trễ Ngọc sẽ bỏ về mất, Phan vội vàng thay quần áo, lấy xe đi.

Phan đến nơi lúc hơn tám giờ tối. Chàng bấm chuông. Ông già ra mở cửa.

– Có nhà đấy. Cháu vào đi.

Phan mừng rỡ đắt xe vào nhà. Chàng thấy hai cái xe cub dựng song song nhau, một chiếc của chị Tâm, một chiếc của Ngọc, Chàng thích quá gọi lên lầu:

– Chị Tâm ơi!

Cả hai người đàn bà đều hiện ra ở cuối cầu thang. Phan hấp tấp chạy lên, sung sướng đến nghẹt thở, chàng phải dừng lại gục đầu trên thành cầu thang để nén xúc động. Chàng nghe bước chân Ngọc đến gần. Chàng nói:

– Anh biết thế nào em cũng đến nên anh tới đây.

Ngọc nói:

– Lên đây chơi. Mọi người cũng đang chờ anh.

Và nàng bước lên trước, Phan đi sau, nhìn ngắm cái dáng thon thả của người yêu. Chàng cảm thấy chuyện tình cảm của mình và Ngọc rất đẹp và đầy hạnh phúc.

Nhưng khi Phan bước vào căn phòng của chị Tâm thì chàng nhìn thấy Thắng, người chàng đã gặp hồi trưa ở cửa hàng của Ngọc. Cuộc chạm trán ấy giống như điện giật. Phan bị rúng động toàn thân, bị tát vào mặt, bị cởi truồng ra, bêu giữa chợ. Chàng ngồi xuống ghế như ngồi trên đám mây bồng bềnh. Phải chi có chiếc mũ tàng hình đội lên và biến đi. Thế mà Ngọc vẫn cười. Cô cười tươi với tất cả mọi người.

Chị Tâm thấy tình hình có vẻ căng thẳng liền bỏ vào phòng mình. Còn lại ba người, Phan lớ ngớ. Chàng thấy mình bị thất thế, bị lừa, bị chọc quê, bị thừa.

Chàng rót trà vào cái tách nhỏ, uống cạn. Trà nguội ngắt. Chàng cưới một cách gượng gạo:

– Tôi xin phép vào gặp chị Tâm một tí.

Chàng đẩy cửa phòng ngủ, bước vào và khép lại.

Chị Tâm đang rửa mặt trong toa lét. Phan nằm xuống giường. Nó là một con rắn độc. Con rắn quý tỵ ba mươi bảy tuổi. Trong tất cả các truyền thuyết dân gian thì con rắn bao giờ cũng tượng trưng cho sự độc ác, tinh ranh, nham hiểm và tráo trở. Lòng dạ nó không biết đâu mà lường. Nó mổ vào ta không biết bao lần, khi thì tiêm nọc độc, khi thì ma túy. Sự lừa dối cũng nằm trong chính nọcđộc của nó, bởi khi nó mổ vào ta, lại làm ta mê đắm, ta nhớ, ta thương, ta hờn giận... để rồi cuối cùng nó ngắm nghía trái tim của ta, mổ một phát quyết định. Ta á khẩu, sùi bọt mép, mắt trợn trắng.

Chị Tâm đã rửa mặt xong đến bên giường.

– Chuyện gì vậy?
– Nhức đầu quá. Chị cho tôi nằm một lát.
– Ðừng nói dối. Tôi biết hai người có chuyện gì.

Phan cắn chặt hai hàm răng lại. Nuốt căm hờn.

Chị Tâm lại giục:

– Nói đi. Có chuyện gì mình giàn xếp cho.
– Không có gì đâu. Chị ra ngoài tiếp khách đi. Lát tôi ra.

Tâm vừa biến đi, Ngọc đã đẩy cửa bước vào. Nàng quỳ bên giường, áp môi lên bàn tay Phan.

– Anh hiểu lầm rồi.

Phan làm thinh, gồng người lên chống chõi với bão tố. Ngọc kéo Phan xoay người về phía mình.

– Ra ngoài chơi. Rồi em sẽ giải thích sau. Chẳng có gì mờ ám cả.

Gió mạnh cấp mười hai vẫn lồng lộng trong cơ thể chàng suốt từ ngón chân út lên tới đầu mút của từng sợi tóc. Gió làm chàng bị chao nghiêng, run bần bật. Ngọc vẫn nài nỉ:

– Ra đi anh.

Phan rụt tay về, quay lưng lại.

– Cô ra đi. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao cô từ chối cuộc hẹn với tôi. Bây giờ tôi là kẻ dư thừa ở đây. Tôi là khách không mời mà đến. Tôi xin lỗi đã quấy rầy các người.

Ngọc ôm lấy Phan, hôn lên trán chàng.

– Thôi, đừng có ghen. Sự việc không như anh nghĩ đâu. Rồi em sẽ giải thích cho anh mà.
– Không cần giải thích. Những kẻ đần độn nhất trên đời này cũng có thể hiểu. Việc gì phải giải thích.

Ngọc vẫn ôm lấy người yêu, vùi mặt mình trong ngực anh, vuốt tóc anh, nàng nói:

– Thôi anh muốn nghĩ gì thì nghĩ, nhưng bây giờ anh phải ra chơi. ­Ở trong này lâu người ta hiểu lầm.

Phan quay phắt lại, trừng mắt nhìn Ngọc:

– Cô sợ anh ta hiểu lầm à? Thế thì cô ra đi.
- Anh nghĩ lại mà xem. Anh phải ra chứ. Em không muốn Thắng nghĩ rằng anh đang ghen.

Rồi nàng đỡ Phan dậy, dịu dàng như người mẹ. Lạ thay, Phan ngoan ngoãn như đứa trẻ con, bước vô phòng tắm. Ngọc lấy khăn ướt lau mặt cho Phan, hôn anh. Tóc nàng xõa xuống bờ vai, bồng bềnh, óng ả, đôi môi tươi tắn, phớt hồng, mỉm cười. Mắt nhìn tinh nghịch.

– Ðẹp rồi đấy cậu bé ạ. Có cần chị bế ra không?
– Thôi dẹp trò hề đi.

Phan gạt Ngọc

ra một bên, mở cửa ra ngoài.

Nhưng chàng vẫn tránh nhìn vào mặt Thắng, chàng kéo ghế ngồi.

– Tôi bị cúm mấy hôm nay, chàng nói và cố mỉm cười, rút bao thuốc lá ra mời kẻ tình địch của mình.

Thắng rút một điếu, lấy trong túi áo ra cái quẹt ga đưa cho Phan. Chàng đốt thuốc rồi xoay xoay cái quẹt trên mặt bàn. Ðột nhiên tim chàng nhói lên, tay chân bủn rủn. Từ chiếc quẹt ga màu xám, cơn bão cấp mười hai lúc nãy lại nổi lên, thổi vào mặt chàng một luồng gió tanh rình. Vì đó là chiếc quẹt ga mà chàng đã tặng cho Ngọc tuần trước. Phan khốn khổ vì phải dằn cơn giận xuống, ngồi chịu trận cho cơn lốc khai mùi nước đái và rác rưởi kia quất vào mặt. Vậy mà phải cười, phải nói năng nhã nhặn, lịch sự.

Chàng đưa mắt nhìn Ngọc, bầm gan tím ruột.

Chàng đang ngồi trên lò lửa, nhảy tưng tưng như con khỉ trong lồng tìm cách thoát ra, đi về rừng. Gai nhọn đâm vào mông chàng, kiến lửa bò trên đùi chàng. Chàng ngọ ngoạy, thấp thỏm tìm cách bỏ về.

Nhưng câu chuyện kể của Thắng càng lúc càng trở nên sinh động, dí dỏm:

– Máy bay đáp xuống phi trường Dakota. Lần đầu tiên mình thấy tuyết rơi. Tuyết rơi trắng xóa, giống hệt trong chuyện thần tiên.

Ðó là những kỷ niệm thời xa xưa khi Thắng sang Mỹ học lái máy bay. Tâm gật gù, Ngọc chăm chú, còn Phan thì bị gai đâm vào mông, bị kiến lửa cắn. Chàng không thấy tuyết, chỉ thấy cái quẹt ga màu xám chàng đã mua ở chợ Vườn Chuối cách đây một tuần và đem đến tặng Ngọc để nàng thắp nhang bàn thờ ông địa. Từ bàn thờ ông địa, nó nhảy vào nằm im trong ngực áo của Thắng. Ðó là sự lăng nhục tàn nhẫn, độc ác nhất mà con rắn độc quý tỵ ấy đã làm.

Cuối cùng Phan đành đứng dậy:

– Tôi xin phép về trước.

Chàng dẫn xe ra cửa, băng ngang khu chợ xổm đã vắng người. Mặt đường bừa bãi những rơm rạ, lá bắp cải. Một chiếc cub vượt qua chàng, ép chàng vô lề.

– Em cần nói chuyện với anh. Ngọc nói, mặt kênh kênh.
– Khuya rồi.
– Sợ về trễ vợ đánh hả?
– Ðúng thế.

Ngọc dựng xe vào lề đường, đến ngồi sau chiếc PC của Phan.

– Không cho về! Anh phải thông minh một tí chứ.
– Rất thông minh.
– Sao ghen tuông lẩm cẩm vậy? Có gì đâu. Hồi chiều lúc em vừa dọn hàng xong thì chị Tâm và Thắng đến. Thắng có cái nhà mặt tiền ở đường Ðồng Khởi muốn đổi cho chị Tâm, thế là rủ em đến nhà chị Tâm để cho Thắng coi nhà.
– Nhưng chuyện đó có liên quan gì tới em mà em phải đi?
– Có chứ. Vì chị Tâm hứa rằng nếu đổi được nhà thì sẽ cho em ra bán ở đó.
– Nhưng sao anh ta lại đổi nhà ở đường Ðồng Khởi để lấy một căn nhà ở quận Tư? Vô lý.
– Vì Thắng sắp đi Mỹ, Thắng muốn có tiền xài trong thời gian chờ đợi.

Tạm thời Phan có thể chấp nhận những lời giải thích ấy. Cơn giận cũng nguôi ngoai và thậm chí còn thấy mình ghen tuông một cách vô lý. Nhưng khi về tới nhà, chui vào mùng, Phan lại thấy mình bị lừa như một đứa con nít, bị qua mặt một cách dễ dàng. Chuyện cái quẹt ga lại dày vò chàng. Chàng lấy làm tiếc là tại sao lúc nãy lại quên hỏi Ngọc về vụ cái quẹt ga để xem cô ta còn giở trò tráo trở nào nữa. Cái cảm giác bị lăng nhục, bị phản bội lại nổi lên hành hạ chàng. Phan nằm im, gồng mình lên chống trả cơn bão ngầm ấy. Cuối cùng chàng đã phải chịu thua nó. Lúc gần hai giờ sáng chàng tưởng Bích đã ngủ nên lén ngồi dậy, vào phòng làm việc của mình, viết cho Ngọc một bức thư.


hai

Lúc ấy người hàng xóm chưa ngủ. Hắn nhìn đồng hồ treo tường. Mười một giờ đêm. Hắn thay chiếc sơ mi màu sáng đang mặc bằng cái áo pull màu đen. Hắn ra khỏi phòng, khép cửa rồi bước lại cầu thang. Giờ này các hộ trong khu tập thể đã ngủ. Cầu thang tối. Hắn dò từng bước xuống đến giữa cầu thang thì đứng lại, đứng nép vào tường, lẫn trong bóng tối.

Chừng mười phút sau đã nghe tiếng bước chân nhẹ nhàng. Từ trong bóng tối lờ mờ, cái dáng quen thuộc hiện ra, tóc búi gọn trên gáy, vai đeo túi vải. Ngọc đã đánh hơi được có người rình nên dừng lại. Hai bàn chân to bè bất động trên bực cấp của cầu thang.

Những lần trước hắn cũng rình như thế nhưngnàng không sợ vì cả khu tập thể còn thức. Lần này mọi người đã ngủ hết và hắn thì nồng nặc mùi rượu. Tuy nhiên Ngọc không dám kêu chồng vì biết Hùng đang giận.

– Ði đâu về trễ vậy?
– Ði đâu kệ tui.
- Ði theo trai hả?
Ngọc nạt:

– Ðồ điên!

Nàng rấn tới. Không ngờ hắn chụp lấy cổ tay Ngọc, nắm chặt cứng như hai gọng kìm. Ngọc vùng vẫy cố hết sức gỡ cổ tay ra nhưng hắn giữ chặt quá, miệng thì càm ràm:

– Chồng con như thế không lo, đêm nào cũng đi.

Ðột nhiên hắn quỳ xuống dưới chân Ngọc, buông cổ tay nàng ra. Hắn cúi rạp xuống, lạy.

Ngọc hấp tấp bước lên cầu thang nhưng hắn cũng bò theo bén gót, vừa bò vừa lạy.

– Ngọc ơi! Xin hãy thương tôi! Xin hãy thương!

Hắn bò sát cửa nhà Ngọc, đập đầu xuống sân. Ngọc kéo cánh cửa nhưng nó đã được cài chốt bên trong.

– Anh Hùng ơi! Anh Hùng!

Bên trong vẫn im lặng. Ngọc gõ cửa. Vẫn không thấy tiếng trả lời. Người hàng xóm vẫn quỳ dưới hiên nhà:

– Xin hãy thương tôi!

Ngọc nói:

– Về đi! Ông Hùng ra, ổng nện cho một trận bây giờ.

Nhưng hắn vẫn phủ phục như đã biến thành đá rồi.

Lát sau cánh cửa sịch mở, Ngọc lách vào trong, đóng cửa lại.

– Cô đi đâu vậy?
– Em đi lấy hàng.
– Chớ không phải đi hẹn với tình nhân à?

Người chồng rút trong túi lá thư của Phan, ném ra trước mặt.

– Thư của ai vậy? Ngọc hỏi.
– Ðừng làm bộ. Không nhận ra nét chữ của cái thằng khốn khiếp ấy à?
– Ừ, thì người ta viết thư cho tôi đó là quyền của người ta. Chừng nào tôi làm chuyện ấy anh hãy trách tôi.
– Thế đi đêm có đáng trách không?
– Cho dù tôi có đi chơi đi nữa thì cũng được. Vì tôi làm việc suốt ngày mệt nhọc, suốt ngày ngồi một chỗ, đến chiều tối cũng phải đi chơi một lát chứ.
– Nhưng cô không được đi một mình. Cô phải dẫn con theo hoặc cô phải đi với tôi đây này.

Ngọc nói:

– Anh có bao giờ đi chơi với tôi đâu. Anh là ông thầy tu và từ lâu anh đã biến căn nhà này thành cái chùa. Hãy nhớ mà xem, bao nhiêu lần tôi rủ, anh có đi đâu.

Người chồng hằm hằm, lấy cái roi mây trong xó nhà ra.

– Ðừng già hàm! Hãy khai thực đi: hồi tối giờ cô đi đâu?

Ngọc nhìn thẳng vào mặt chồng:

– Anh định làm gì mà cầm roi đấy?
– Tao đánh mày nát xương.

Rồi ông ta bước lại bàn, mở ngăn kéo, lôi ra một mớ giấy nhàu nát thảy trước mặt.

– Những bài thơ này cũng là của cái thằng nhà báo chó chết ấy. Nó tặng cô cách đây sáu năm rồi vậy mà cô còn giữ tận dưới đáy vali.
– Anh có quyền gì mà lục vali tôi.
– Tôi là chồng. Tôi có quyền. Cô khai đi, không đừng có trách tôi.
– Tôi không khai báo gì cả. Ðây là nhà tôi chứ không phải là đồn công an.

Hùng lại bàn lấy một xấp giấy trắng và một cây bút. Ông đặt các thứ ấy trước mặt vợ.

– Viết tờ kiểm điểm đi!
– Tôi không viết.
– Không viết thì cô ngồi đó tới sáng.

Ông ta nói xong ngồi xuống ghế đối diện, tay lăm lăm cây roi mây, mắt nhìn Ngọc chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống.

Hai người đối diện nhau trong tư thế ấy chừng mười phút. Ngọc buồn ngủ quá. Chị nhìn tờ giấy, thấy nó trống trơn, trắng bạc và trơ trẽn một cách khốc liệt, rồi nhìn cái roi mây run bần bật trên tay chồng và những bài thơ Phan tặng đang vung vãi dưới sàn nhà. Nỗi chán chường làm nghẹn cổ họng. Chị không hiểu tại sao đời mình lại bị

mắc kẹt giữa khung cảnh này, giữa những con người này. Tất cả đều nhảm nhí và đang trơ cái bộ mặt lố bịch ra dưới ánh sáng mệt mỏi của ngọn đèn huỳnh quang cũ kỹ.

Ngọc định chiều theo ý chồng nhưng chị ngán ngẩm đến độ không cầm bút được. Ðột nhiên chị cảm thấy mình bị xúc phạm một cách nhục nhã, bị người ta coi như một đứa trẻ con, một kẻ tội phạm, một vật sở hữu. Cơn giận cũng từ đó bốc lên. Ngọc đưa tay gạt phăng mớ giấy đi.

– Trò hề!

Chị đứng bật dậy, vào phòng nằm.

Ngọc rất buồn ngủ, hai mắt díp lại. Nhưng vừa lơ mơ được một lúc thì bị nắm ngực áo lôi dậy. Ngọc mở mắt, chạm vào một khuôn mặt to bè, đỏ gay, nồng nặc mùi rượu.

– Không được ngủ. Dậy viết kiểm điểm đi đã.

Nhưng Ngọc lại nhắm mắt, mềm rũ, nằm vật xuống giường. Người chồng lại ghế ngồi, lấy thuốc lá ra hút. Chưa hết điếu thuốc, ông đã bật dậy, đến bên giường, nắm hai ngón chân cái vợ kéo mạnh:

– Chưa ngủ được đâu! Tôi bảo cô phải viết kiểm điểm. Cô nghe rõ chưa?

Ngọc cứ nhắm mắt mặc cho người chồng lay gọi.

Khi cảm thấy không làm gì được, Hùng bèn buông hai bàn chân vợ xuống, thở dài rồi bước ra khỏi phòng. Lúc ấy bé Hoa vừa thức dậy đến bên ba, nó hỏi:

– Chuyện gì vậy, ba?

Hùng không trả lời. Cô bé nhìn thấy những giọt nước mắt.

– Sao vậy?
– Con vô ngủ với ba nhé?

Ông bế con, bước vô phòng ngủ, nằm trên chiếc giường nhỏ kê bên giường Ngọc. Hai cha con nằm cạnh nhau nhưng vẫn im lặng. Một lúc nước mắt ông lạt trào ra.

- Sao ba khóc?

Ông rên hừ hừ, run lẩy bẩy.

Ðứa bé sợ hãi, đến bên giường lay mẹ:

– Mẹ ơi!

Ngọc mở mắt.

– Dậy cạo gió cho ba, mẹ ơi!

Ngọc vòng tay ôm lấy con, kéo nó xuống nằm cạnh mình.

– Ngủ đi, không sao đâu.
– Ba đang rên dữ lắm. Run lập cập.
– Mẹ nghe rồi. Ba con nhõng nhẽo đó. Không có gì đâu.

Tiếng rên nghe càng lúc càng lớn, giống như tiếng của người sắp chết. Ngọc hé mắt nhìn, thấy tay chân ông chồng đang giựt lia lịa. Chị ngồi dậy vuốt mớ tóc bạc lốm đốm của chồng.

– Thôi ngủ đi. Em bật quạt nhé?

Tiếng rên nhỏ lại, chân tay cũng bớt co giật. Ngọc cúi xuống hôn nhẹ lên trán chồng, lại bảo:

– Ðể em pha nước chanh nóng cho anh?

Hùng gật đầu, mở mắt ra nhìn vợ nhưng miệng vẫn rên nho nhỏ.

Ngọc đem nước chanh đến. Người đàn ông nắm lấy tay vợ.

– Anh yêu em lắm.
– Em biết.
– Em đừng bỏ anh nhé?
– Em không bỏ anh đâu. Nhưng anh phải tỏ ra độ lượng và phải hiểu em chứ. Nói tóm lại là anh phải thay đổi.

Hùng ngồi dậy, bưng ly nước chanh uống. Ông nói:

- Anh sẽ cố gắng


ba

Lần đầu tiên phan nghe ông già thổi khẩu cầm, hình như ông mới xin ở đâu đó được một cái harmonica cũ kỹ. Ông thổi lúc giữa trưa khi ngồi bán thuốc lá dưới gốc cây chùm ruột. Mình trần, đen đủi, tóc bạc trắng, miệng móm xọm. Ông thổi khẩu cầm như bọn trẻ con thổi kèn lá chuối, những bài xưa cũ, lạc điệu, ngớ ngẩn. Phanđến ngồi hút thuốc lá với ông dưới rặng cây. Chiếc khẩu cầm như lời bi bô ngọng nghịu của trẻ con làm chàng vui, chàng dụ khị ông thổi búa xua và chàng vừa ăn trái chùm ruột vừa nhịp tay trên cái bàn gỗ nhỏ.


– Sao mấy bữa nay cổ không về?


– Ði buôn bán. Tụi cháu mỗi người một công việc, ít khi gặp nhau.


Ông già lại đưa chiếc khẩu cầm lên miệng, giống hệt một tượng gỗ châu Phi tạc trên rễ cây. Hồi ở trong trại cải tạo Phan cũng gặp một hình ảnh như thế. Một lão già người dân tộc Ê-đê thổi chiếc tù-và.


– Cứ thổi, Phan nói, cháu vô nhà một chút.


Ðồ nghề của chàng là một con dao điêu khắc nhỏ xíu và một đoạn gỗ mít, vàng xỉn.


– Bác thổi lại bài Xuân Và Tuổi Trẻ đi.


Tiếng khẩu cẩm lại vang lên, bất kể nhịp phách và giai điệu. Nhưng Phan không cần, chàng chỉ cần sự say mê của ông già. Phan gọt bỏ phần thừa của khúc gỗ nhỏ. Cái dáng ngồi của lão già hiện dần ra. Ðường sống lưng cong và gồ lên như đốt mía lau, sống mũi cao và mảnh, hai môi mỏng ngậm lấy chiếc khẩu cầm. Nét dao của Phan đi nhanh, dứt khoát và sắc sảo.


Chàng vừa khắc vừa ăn chùm ruột chấm muối ớt.


Ông già liếc chàng nhưng vẫn vung vẩy đôi vai và lắc lư cái đầu. Lũ nhỏ trong xóm xúm lại.


Những người đàn bà đi chợ về cũng xúm lại để xem trò xiếc, xem người fakia ngồi trên bàn đinh thổi sáo dụ con rắn. Phan thảy bức tượng dang dở trên bàn.


– Sao lâu nay cậu giấu nghề?


– Nghề gì đâu. Hồi trước đi học tập cải tạo, buồn quá không biết làm gì,cháu kiếm gỗ, kiếm rễ cây về khắc đẽo bậy bạ chơi.


Ông già ngắm nghía bức tượng nhỏ của mình, ngạc nhiên về vẻ đẹp gân guốc của nó. Ông đeo mục kỉnh lên ngắm, lấy ngón tay sờ sẫm.


– Hồi trước có ai dạy cậu không?


– Không, tự nhiên cháu làm được. Cháu có thể khắc chân dung con người trên một cái đầu đũa.


Ông già trố mắt nhìn, có vẻ không tin, còn lũ trẻ con thì ngồi chồm hổm quanh chiếc bàn thấp, chăm chú nhìn.


Buổi chiều chàng lại ngồi nghe ông già thổi khẩu cầm và hoàn tất bức tượng trên gỗ mít. Tượng cao hai tấc, một tác phẩm ngẫu hứng và cách điệu. Sau đó chàng uống rượu với ông già và nghêu ngao hát như kẻ dở người. Rượu không làm chàng hết buồn, chàng ngồi ngóng ra con đường đất đỏ, đợi Ngọc. Suốt một tuần Ngọc không đến, chàng ăn cơm một mình, ngủ một mình và đi lang thang một mình trên những con đường làng vắng vẻ đầy gió, trên những bến sông hiu hắt, Chàng đứng hàng giờ trên cây cầu gỗ nhìn chiếc thuyền câu trôi đi lặng thinh trong hoàng hôn. Chàng đi qua những nghĩa trang, những cánh đồng nước mênh mông, những khu rừng bạch đàn thưa lá. Chàng đứng ngắm nắng chiều lấp lóa trên đôi cánh trắng của đàn cò bay về phía chân trời.


Chàng cứ đi một mình, cô độc, thầm lặng.


Chàng cũng trở về thầm lặng như thế. Giống như một con thú về hang. Vẫn đàn muỗi đậu dày đặc trên tấm ra trải giường, đàn muỗi đói lì lợm không chịu bay, vẫn cái bếp nhỏ xíu như nắm tay, những vỏ bia, bao thuốc lá, phin lọc cà phê đổ nghiêng ngả.


Buổi tối điện cúp, chàng thắp ngọn đèn dầu leo lét. Có lẽ một trăm ngàn năm trước đây, người tiền sử cũng ngồi thu mình trong hang đá như chàng vậy. Chàng gặm bánh mì khô. Thấy mình như con thú lạc bầy.


Ðến ngày thứ mười thì Ngọc đến. Tóc rối tơi tả, cái nhìn mệt mỏi.


– Mười ngày qua biết bao nhiêu là chuyện. Ngọc nói và ném cái xách lên bàn, cạnh máy chữ.


– Anh ăn cơm chưa?


– Ăn rồi.


Ngọc nằm xuống giường, đặt bàn tay nhỏ nhắn lên lưng Phan.


– Anh đừng giận em nhé. Mười ngày qua em phải đối phó đủ thứ chuyện. Ổng theo em sát nút. Cả bà xã anh nữa.


– Thôi, dẹp những chuyện đó đi.


Phan nằm xuống, ôm siết lấy Ngọc, ghì đầu nàng vào ngực mình. Họ nằm như thế rất lâu và nghe tiếng dế kêu. Phan hỏi:


– Em có biết con dế trốn ở đâu không?


– Ở đâu?


– Trên đầu giường. Nó kêu suốt đêm. Kêu hoài, không biết mỏi. Anh ngủ một giấc dài, nửa đêm thức giấc, vẫn nghe nó kêu. Suốt mười ngày nó cứ kêu như thế.


Ngọc lặng im, như vừa ngủ quên đi. Ðột nhiên Phan cảm thấy có giọt nước mắt ấm ấm thấm qua ngực áo mình. Rồi những giọt kế tiếp nóng hổi, run rẩy. Chàng không nói nữa. Nhưng con dế thì vẫn kêu.


Phan hỏi:


– Bọn họ đã làm gì em vậy? Em nói đi!


Phan hôn lên mái tóc đen nhánh và nghe một tiếng nấc nhẹ.


*


Anh có thể tưởng tượng một con người mẫu mực như ông ấy lại bỏ việc cơ quan suốt
2hi.us