80s toys - Atari. I still have
Truyện Ngắn - Những Người Không Biết Nhau

Truyện Ngắn - Những Người Không Biết Nhau

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Những Người Không Biết Nhau

Tôi cứ đạp đi như người vô định, lòng không khỏi đau buồn cho số phận, nhưng không quên phác ra trong đầu một cái gọi là kế hoạch làm bù ngày mai. Bấy giờ đường phố vẫn bềnh bồng trong màn sương đậm đặc của đêm mãn thu. Xung quanh hoàn toàn vắng lặng, không một bóng người, không một tiếng động, loại trừ thi thoảng mới có một chiếc xe động cơ vút qua như điên rồi mất hút. Có lẽ đã gần mười hai giờ khuya rồi, cái giờ mà đúng ra không nên gọi là giờ. Tôi dừng lại, ghếch xe lên vỉa hè dưới một gốc muối, ngao ngán tựa lưng vào nệm xe lạnh ngắt vì vắng hơi người, thiu thiu rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tôi bàng hoàng tỉnh dậy vì một cái lắc vai nhẹ và một làn hơi thơm thoảng vờn qua tai "Anh ơi! Dậy đi! Anh ơi!". Không cần giụi mắt tôi cũng thấy trước mặt tôi là một người đàn bà. Chị ta đã đứng tuổi, nền nã trong chiếc áo len cổ bẻ màu gạch tôm, ngoài khoác măng-tô xám sáng. Chiếc quần âu màu sô-cô-la may ống đứng chỉ có thể thấy ở một số phụ nữ không theo các mốt hiện hành. Dưới chiếc mũ vải cùng màu với áo măng-tô, khuôn mặt trái xoan không có đường nét gì đặc biệt của chị bỗng toát lên một vẻ gì khó nói khiến cho người ta lập tức thấy tin cậy lạ lùng. Chị xem đồng hồ tay giọng nữ trung gần như thì thầm: "Xin lỗi đã đánh thức anh, mong anh giúp đỡ!". Tôi hỏi: "Thưa chị, chị cần gì?". “ Xin anh vui lòng chở giúp tôi một chuyến xe”. “ Vâng. Chị về đâu?”. "Không! Tôi không đi…". Tôi vô cùng ngạc nhiên nhìn không chớp mắt vào nét mặt người đàn bà đẹp. "Ủa, chị vừa bảo…?". "Vâng, quả như thế, tôi không đi, nghĩa là anh sẽ chở một người khác!" "Người nào? Ở đâu?". "Đằng kia, từ bệnh viện ra!" Tôi thở hắt, vừa đẩy xe xuống lòng đường vừa quay nhìn người khách lịch sự với vẻ trách móc không giấu diếm. Chuyện xích lô chở người đau ốm vào ra bệnh viện là chuyện quá bình thường, làm gì mà chị ta có vẻ dông dài và bí ẩn thế. Tôi nhảy lên bàn đạp, lòng rộn lên một niềm vui nho nhỏ. Trong đời làm nghề đạp xích lô, tôi đã quá quen với những tiếng kêu hách dịch, xách mé: "Ê! Xích lô! Xích lô ê! Lô! Lô!..." đủ kiểu, có lẽ đây là lần đầu, tôi nhận được ở khách lòng tôn trọng và sự dịu dàng… Tôi toan đạp đi thì người đàn bà bỗng kéo tay lại, giọng chìm xuống: "Khoan, anh! Chúng ta còn có thì giờ, hãy bàn cho xong xuôi êm đẹp đã!" Tôi khựng người, chợt nhận ra một điều vô lý là vào cái giờ này làm gì còn có người ra viện. Như một tia chớp, nỗi nghi ngờ lóe lên trong đầu tôi. Người đàn bà này là ai? Chị ta đang làm gì trong đêm khuya khoắt vắng lặng này? Tôi cảm thấy như bị xúc phạm, nghiêm hẳn nét mặt lại, cố gắng để khỏi tỏ ra thô lỗ nhưng vẫn gần như dằn từng chữ: "Xin lỗi, tôi chỉ là một người làm thuê kiếm sống, song không phải vì thế mà người ta…" Người đàn bà bỗng đưa hai tay bưng mặt, ngắt lời tôi: "Không, không! Anh đừng hiểu lầm. Từ đầu hôm đến giờ, tôi đã tốn hơi tốn sức biết bao nhiêu, nhưng ai cũng từ chối. Gặp anh, thoạt nhìn, tôi nghĩ rằng mình đã tìm được!". Tôi nóng ruột, cao giọng: "Vậy chị cần gì, xin nói ngay cho!". "Tôi cần anh chở một người từ bệnh viện ra". "Vâng thì đi!" "Nhưng người đó… người đó… chỉ còn là… một xác chết!" Tôi giật bắn người, lạnh toát toàn thân. Người đàn bà đứng trước mặt tôi bỗng nhòa đi, thoắt ẩn thoắt hiện như một bóng ma. Phải một phút sau tôi mới định thần lại được, nhìn xoáy vào đôi mắt chợt âu sầu của người đối diện: "Người nhà của chị à?" "Vâng, dĩ nhiên là người nhà, là em tôi!" "Họ cho chở về nhà mai táng à? Sao không làm việc đó vào ban ngày? Bệnh viện không có xe à?" Tôi hỏi dồn dập, cảm thấy mình không còn đủ bình tĩnh kéo dài cuộc đối thoại kỳ quặc này. Người đàn bà lại đưa tay xem đồng hồ, nói nhanh: "Sắp hết giờ rồi! Anh ạ, tôi thấy anh hoàn toàn chân thật, không hiểu sự việc gì đang xảy ra. Vậy anh hãy nghe đây, tôi xin nói tóm tắt. Em tôi vừa mới chết, giờ đây đang nằm ở nhà xác của bệnh viện. Nếu để ở đó, người ta cũng sẽ chôn cất chu đáo, song trước khi làm như vậy, người ta sẽ mổ tử thi để nghiên cứu, đó là việc họ cần làm, có thể quan niệm đó là một cách nhân đạo. Còn chúng tôi, chúng tôi có cách nhân đạo khác. Em tôi phải được toàn vẹn thân thể về với ông bà tổ tiên. Vì vậy, chúng ta phải tổ chức một cuộc cướp xác!" Những tiếng sau cùng, người đàn bà rít lên một cách giận dữ, khuôn mặt đẹp một cách đôn hậu của chị phút chốc đanh lại, lệch đi. Chị thản nhiên bước lên xe, không cần biết tôi có đồng ý hay không, trở lại dáng vẻ dịu dàng lịch sự, hơn nữa là thân tình, giục tôi đạp đi. Tôi như người bị thôi miên, làm theo lời người đàn bà không một chút chống lại mặc dù trước đó, trong lúc chị ta nói, tôi đã có ý định chối từ thẳng thừng. Tôi vốn là một thằng đàn ông nhát gan, có lần phải chở một người bị tai nạn giao thông trên đường phố đi cấp cứu, nhìn thấy máu, tôi đã bủn rủn tay chân ra rồi, huống hồ giờ đây phải chở một xác chết!... Vậy mà…
Theo hướng dẫn của người đàn bà, trong một trạng thái gần như vô thức, tôi đạp xe vòng ra con đường sau bệnh viện. Đường phố vắng lặng một cách dễ sợ, chốc chốc một làn gió đâu đó thổi qua vòm cây phát ra những tiếng nghe thật dị kỳ. "Dừng lại!" Tiếng thì thầm của người đàn bà vẫn dịu dàng làm tôi càng thêm sởn gáy. Một bóng người từ gốc cổ thụ sù sì ló ra, thong thả tiến đến đón chúng tôi. Đó là một người đàn ông cao lớn, tuổi khoảng trên dưới năm mươi. Trong ánh đèn lờ mờ từ phía bên kia đường hắt sang, tôi quan sát những người không quen biết trước mặt. Người đàn ông ăn mặc bình thường, bê-rê tím than, áo blu-dông nâu cứ để hở cúc, sơ-mi ca-rô huyết dụ. Nét đặc biệt là đôi bàn tay ông ta rất dài, cử động cực kỳ nhẹ nhàng và hình như là rất chính xác. Ông ta bắt tay tôi, nói tuồng như tôi là đồng bọn từ lâu: "Chào chú, chú đến thật đúng lúc. Chỉ còn năm phút nữa thôi. Chúng ta chuẩn bị chiến đấu!" Đoạn quay qua người đàn bà, ông ta mỉm cười, trên vầng trán nghiêm trang của ông ta thoáng vờn một nét bão tố: "Cám ơn em! Em giỏi tuyệt!" Người đàn bà không trả lời, lặng lẽ và uyển chuyển bước qua bên kia đường, đi xiết về phía trước. Bấy giờ tôi mới thấy ở vệ cỏ đằng xa cách chỗ chúng tôi chừng haichục bước, một chiếc xe máy đã dựng sẵn ở đó. Người đàn bà bước tới, mở khóa xe, đẩy chân chống bật lên, sẵn sàng nổ máy. Cùng lúc người đàn ông ấn vào tay tôi một tấm chăn dù sực mùi nước hoa lấy đâu từ trong ngực áo ra: "Chú trải sẵn một mép vào nệm xe. Khi tôi bồng người chết vào ngồi, chú kéo mép kia đắp bọc lại, xong lật mái che xuống, đạp luôn theo chị lái hon-da dẫn đường. Đừng sợ! Mọi chuyện tôi đã tính trước. Gặp công an cảnh sát dọc đường, chú cứ mặc tôi xử trí!". Nói xong, ông ta đứng áp mặt vào tường, quay lưng về phía tôi, hai chân doãng ra, mặt hơi ngước lên, chờ đợi. Tự dưng bị lôi cuốn vào một việc bất đắc dĩ, không còn cách tháo lui, tôi chỉ còn có ngoan ngoãn nghe theo. Lúc này tôi đã bình tĩnh trở lại, có lẽ một phần do thái độ đĩnh đạc đàng hoàng của hai người mà tôi đoán chắc là đôi vợ chồng kia, một phần biết người chết sẽ do người đàn ông kia bế, điều này làm tôi hết sợ, phần nữa giờ đây trí tò mò của tôi đã bị kích thích mạnh. Tôi không thể hình dung nổi cái việc

"cướp xác" sẽ diễn ra như thế nào nên càng hồi hộp ngóng xem. Như bị nam châm hút, tôi nhìn lom lom vào người đàn ông đang đứng im như bức tượng, đúng hơn như một võ sĩ vào thế tấn. Mặc dù vậy, trống ngực tôi vẫn nện thình thình. Mỗi phút trôi qua lúc bấy giờ thật dài bằng một thế kỷ. Để chống lạnh và cũng để tăng thêm sức trấn an cho chính mình, tôi móc lọ dầu Sao vàng trong túi ra xoa khắp chân tay mày mặt, đoạn xòe diêm châm một điếu thuốc lá, mắt vẫn không rời tọa độ. Đây rồi!... Trong giây lát, trên mặt tường vụt nhô lên một đôi mắt đùng đục dưới vầng trán ngắn dẹp như được cắt ra từ miếng bìa các-tông. Bắt được tín hiệu, "miếng bìa" thụt xuống, biến mất. Tôi ngơ ngác chưa biết tình thế tiếp diễn ra sao thì đùng một cái như xiếc, một vật dài, đen, từ bên trong tường tung ra. Thiếu chút nữa thì tôi kêu lên thành tiếng nếu như trong cái tích tắc hoang vu ghê rợn đó, tôi không vụt nhớ là mình đang tự nguyện đồng lõa thực hiện một phi vụ có một không hai. Người đàn ông cao lớn đã dang tay đón xác người gọn gàng và chính xác như một cái máy. Ông ta nháy mắt về phía tôi, thoắt cái đã ngồi gọn vào thùng xe, hai tay ôm người chết nâng niu như ôm một vật quí dễ vỡ. Tôi úp tấm chăn dù lại, hất mui tấm bạt xuống, móc vào thành gầm, nhảy phóc lên yên, tự ngạc nhiên về sự bình tĩnh, nhanh nhẹn và chuẩn xác của chính mình. Tất cả công việc của chúng tôi diễn ra không đầy mười giây trong vắng lặng của đêm khuya và trong tiếng nổ nhè nhẹ giòn tan phối hợp của chiến hon-da bên kia đường do người phụ nữ áo gạch tôm lái. Từ đầu, chưa kịp hỏi hai người nơi chúng tôi sẽ đến là đâu. Người đàn bà đi trước, gài số một. Ra khỏi trung tâm thành phố, chúng tôi vòng vèo quanh co trong vùng đồi ngoại vi một chặng khá dài. Chúng tôi dừng lại bên một mái đồi thoai thoải mọc đầy thạch thảo. Ánh trăng hạ tuần bị bao phủ trong lớp mây khá dày nhưng vẫn đủ soi rõ những gì gần cạnh. Người chết là một phụ nữ còn khá trẻ, khoảng ngoài ba mươi. Trong lúc người đàn ông loay hoay tìm cách bước ra khỏi xe, có lẽ vì ngồi lâu và ôm nặng nên cuồng chân - thì chị vợ móc ví tiền, tẽ ra một xấp giúi vào tay tôi, nói: "Cám ơn anh nhiều. Từ đây, xem như mặc chúng tôi lo liệu, anh trở lại nhà nghỉ kẻo mệt, cũng sắp sáng rồi đấy! Đây là chút quà mọn, mong anh vui lòng…" Tôi nhìn xấp bạc trong tay mà run bắn, nghẹn ngào. Không phải vì món tiền công quá lớn mà là vì một cái gì đó, tôi không sao diễn tả được, một cái gì như là sự đồng cảm đậm đà, tình yêu thương bao la giữa thế thái nhân tình đen bạc… Tôi trả lại tiền cho người đàn bà, ngớ ngẩn nói: "Em chả dám lấy nhiều của anh chị đâu. Công giá chỉ đáng vài tờ thôi!" Người đàn ông bấy giờ đã đến bên cạnh vợ, anh ta nhét tiền trở lại vào túi áo tôi: "Những việc như thế này không có giá. Vô giá! Chú hiểu không". Tôi nói: "Thôi thì anh chị đã cho, em xin nhận, có điều xin anh chị để cho em làm chút việc nghĩa đối với người đã khuất; được chứ ạ?" Người vợ bỗng kéo khuỷu tay chồng: "Anh này, hay là chúng mình nhờ chú ấy nán lại giúp thêm một tay vào việc chôn cất. Rồi còn nhờ chú ấy trông nom phần mộ thay chúng mình một thời gian nữa cho đến lúc chúng mình vào đưa cô ấy về quê?" "Ừ phải. Em nghĩ phải. Anh cũng quên tính chuyện ấy" Tôi từ sửng sốt này sang sửng sốt nọ, líu cả lưỡi: "Thế… Thế… anh chị chôn cất cô ấy ngay đây à? Không đưa cô ấy về quê bây giờ à?". "Quê anh chị xa lắm, mãi ngoài Bắc, đem về bây giờ thế nào được!". "Trời! Thế ư". Rồi tôi ngẩn ra, không hỏi thêm được điều gì nữa…
Người đàn ông bế xác chết lên đồi. Không biết bằng cách nào và từ đâu, soạn sửa từ bao giờ mà họ đã có đủ tất cả mọi thứ cần thiết cho việc mai táng một người chết. Quan tài, quần áo, vải khăn, hương đèn, xẻng cuốc… rồi cả một tấm bia đá nữa. Hai người lôi ra từ sau những bụi rậm hết thứ này đến thứ khác. Huyệt cũng đã được đào sẵn. Cũng vì vậy, chẳng mấy chốc chúng tôi đã làm xong mọi việc. Một nấm mồ tròn trặn nổi lên giữa đồi thạch thảo lãng đãng sương thu. Chúng tôi đốt mấy nén hương, cúi đầu đứng lặng, ngậm ngùi vĩnh biệt người đã ra đi. Tôi liếc nhìn. Những ngấn nước ầng ậng trong mắt hai vợ chồng. Tôi không cầm lòng được, vội quay mặt đi… Lát sau tôi từ biệt những người không quen biết giờ đây đã trở nên thân thiết gắn bó lạ lùng, đạp xe trở lại thành phố trong một trạng thái nửa thực nửa hư, lòng rười rượi buồn. Tôi ngẩng nhìn lên. Bấy giờ, đóa sao mai vừa rựng phía trời đông…"

"…Tôi vừa bị kỷ luật không lâu. Khai trừ ra khỏi Đảng và buộc thôi việc. Vụ kỷ luật tôi phạm phải là có thật. Tôi đã tung một xác chết bay qua tường bệnh viện. Người ta qui cho tôi là bán xác chết lấy tiền. Tôi không cãi được, và có cãi cũng chẳng ai nghe. Sự thực là tôi không bán. Tính tôi bỗ bã, nghĩ sao nói vậy. Chỉ có những thằng táng tận lương tâm, tức là không phải người nữa, mới làm cái việc buôn bán con người. Chỉ có những thằng đã từng bán người sống mới biết có thể bán người chết. Còn tôi, nếu túng thiếu, tôi có thể bán áo quần, bán sức lực. Tôi khẳng định cái việc tôi đã làm là đúng, xuất phát từ lòng thương người. Vì thương ngườimà bị kỷ luật thì cứ gọi là thanh thản. Tôi nhận kỷ luật chẳng kêu ca gì, sung sướng dĩ nhiên là không, nhưng cũng chả vạ gì mà buồn khổ. Nếu như hôm đó, tôi không ném qua tường thi thể người con gái ấy cho người nhà cô ta mang về chôn cất vẹn toàn thì tôi sẽ vô cùng ân hận, ân hận cho đến khi đã nằm dưới mộ. Tôi biết trước hậu quả đó. Tôi sống độc thân nên không ai vì tôi mà đau khổ cả, nói đúng hơn, tôi không làm ai đau khổ vì tôi cả.
Một hôm người ta đưa vào bệnh viện một người con gái. Cô ta không còn trẻ, và hình như tứ cố vô thân, không chồng con họ hàng thân thích gì. Người con gái đau bệnh gì tôi không biết rõ. Tôi chỉ là cái anh trông coi nhà xác, trong công việc, tiếp xúc với người sống thì ít, tiếp xúc với người chết thì nhiều - tôi thường nói đùa là tôi chẳng biết mấy đến chuyện dương gian. Người con gái bị bệnh gì không biết. Người nói là ung thư, người nói là sốt ác tính, có người lại bảo là dạ dày, đường ruột… đủ cả. Nghe cứ loạn ù, chả biết đường nào mà lần. Rồi cô chết. Chuyện người chết ở bệnh viện là chuyện có thể xảy ra hàng ngày, chả có gì ghê gớm, nhiều người còn dửng dưng là đằng khác. Quen quá hóa trơ lì, thường tình là vậy. Có kẻ lại còn mong có bệnh nhân chết để mổ, họ khoái mổ lắm, họ bươi vầy trên thi thể người ta mặt cứ lạnh như nắp bia, nhìn thật khủng khiếp. Trước ngày cô gái chết mấy hôm, tôi gặp một người đàn ông không quen biết. Ông ta tự giới thiệu là bác sĩ, giám đốc một bệnh viện lớn. Chị vợ cũng là bác sĩ. Hai người từ Hà Nội vào, thăm người nhà là bệnh nhân ở bệnh viện tôi. Người đó là cô gái nói trên. Hóa ra cô gái không phải tứ cố vô thân như mọi người đã tưởng. Tính tôi không hay tò mò chuyện của người khác nên cũng chả hỏi kỹ hai người, nhưng tôi tin. Một hôm, sau khi đi thăm về, anh chồng tạt vào chỗ tôi, mời tôi đi uống cà phê. Anh ta bảo cô gái không thể qua được, năm ba ngày nữa là cùng. Sau đó, chẳng cần rào đón, chẳng cần mua chuộc, tán tỉnh, anh ta bàn với tôi chuyện cướp xác. Chính thái độ này của anh ta thuyết

phục tôi, tôi nhận lời. Tôi giúp vợ chồng anh ta chuẩn bị đủ mọi thứ. Anh ta vạch ra một kế hoạch thoát cho tôi. Sau khi tôi tung xác cô gái qua tường, anh ta vào trói gô tôi lại. Tôi chịu khó nằm vài tiếng rồi kêu cứu. Tôi bảo làm thế không ổn, vợ chồng anh cứ lo công chuyện của mình cho trót lọt, cứ mặc kệ tôi, tôi khắc có cách. Cô gái chết lúc tám giờ tối. Người ta dự định mổ tử thi cô lúc hai giờ sáng. Tôi quyết định hành động vào một giờ. Mọi chuyện suôn sẻ. Đó là phần vợ chồng anh ta. Còn tôi, mọi chuyện trục trặc. Nhưng thôi, chả có gì đáng kể… Tôi thường lên thắp hương ở mộ cô gái. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp ở đó những cành hoa tươi. Ai? Ai đã cắm lên mộ những cành hoa này? Linh tính báo cho biết những người liên quan đến chuyện này còn đầy bí ẩn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết thêm gì về họ…".

"…Tôi tìm được tung tích cùng địa chỉ cô ấy quá muộn, đúng vào những ngày bệnh tình cô ấy lâm vào tình trạng ngặt nghèo nhất. Tôi đến thăm, cô ấy không còn nhận ra ai xung quanh nữa. Tuy vậy, dường như có một linh cảm nào đó, cô ấy bỗng mở đôi mắt đã dại khờ nhìn tôi, trên môi thoảng một nụ cười mơ hồ. Khó lòng nhận biết đó là nụ cười, song tôi đã nhận biết được, và có lẽ duy nhất mình tôi như thế. Cô ấy không phải là em như vợ tôi đã nhận, trái lại, là một người hoàn toàn xa lạ, hơn nữa, nói như người đời thường nói trong những trường hợp như thế này, là một tình địch. Vâng, đúng như thế. Về điều này, rồi đây có dịp tôi sẽ xin lỗi hai người bạn mới của chúng tôi - giờ đây họ vẫn chưa biết nhau. Đó là người đạp xích lô và người trông coi nhà xác bệnh viện. Vâng, đúng như thế. Tôi đã yêu cô gái ấy trước khi đến với nhà tôi. Hai người cũng không quen biết nhau. Cả khi đã có với vợ hai mặt con, tôi vẫn yêu cô ấy. Đến bây giờ, khi cô ấy không còn trên đời này nữa, tôi vẫn yêu. Đó là sự thật. Tình yêu của tôi là vậy, tôi yêu tha thiết cả hai người, tôi không thể cân đong được bên nào nặng bên nào nhẹ. Tôi không biết như thế là nên hay không nên, tôi chỉ biết làm theo lòng mình.
Có lẽ tôi sẽ không kể diễn biến mối tình của chúng tôi, cùng nguyên nhân vì sao cô ấy tứ cố vô thân, vì sao yêu nhau đến thế vẫn không nên vợ nên chồng, và vì sao mà cô ấy rời Hà Nội ra đi, giấu biệt tung tích của mình trong ngót mười năm qua. Kể những điều đó ra, lòng tôi đau đớn lắm, và điều chủ yếu là linh hồn người đã mất không bằng lòng. Là một cán bộ khoa học, nói điều này nghe có vẻ kỳ cục, nhưng sự thực là như thế. Vả lại, đó là cả một câu chuyện khác.
Có một lần - bấy giờ chúng tôi đã định ngày cưới - ngồi với nhau trong đêm Hồ Tây, cô ấy bỗng nói: "Anh nhỉ? Chúng mình sống với nhau cho đến già rồi chết với nhau, anh nhỉ!" Tôi bảo: "Ừ, anh cũng muốn thế, nhưng trời không cho thế. Thế nào rồi cũng người chết trước người chết sau!" "Thế thì em lãnh phần chết trước!" "Vì sao?" "Vì em sẽ được tự tay anh chôn cất. Em sẽ được toàn vẹn trong tay anh cho đến phút cuối cùng!".
Hôm vào thăm cô ấy ở bệnh viện, câu chuyện trên vụt hiện về trong tôi. Đó là lý do vì sao tôi - một bác sĩ, một giám đốc bệnh viện - lại đi làm cái việc lạ lùng bí ẩn tôi đã làm…
Chúng tôi thờ cô ấy như thờ một thành viên trong gia đình đã mất. Cái bát hương nho nhỏ xinh xinh trên tủ kia là của cô ấy. Tự tay vợ tôi tìm mua được ở gian đồ cổ. Vợ tôi là một người đàn bà kỳ lạ. Nói về vợ mình mà lại nói về những điều tốt đẹp nghe cũng kỳ, song tôi không có lời nào khác. Tôi không giấu vợ tôi. Vợ tôi biết chuyện là do tôi tự đem kể. Bấy giờ cô ấy đã ra đi. Rung động với tình cảm sâu sắc của tôi, vợ tôi chẳng những đã không ghen, không tìm cách xóa bỏ hình ảnh cô ấy trong tim tôi như thường tình các bà vợ vẫn làm, mà lại còn khuyên tôi, giúp tôi ra sức truy tìm bằng được tung tích cô ấy. Chúng tôi đã tốn rất nhiều công sức và thời gian, cuối cùng ngày gặp nhau lại là ngày vĩnh biệt nhau. Trong mấy ngày ngắn ngủi ở bệnh viện, vợ tôi đã chăm nom, nuôi dưỡng cô ấy chả khác gì đối với một cô em gái. Hơn thế, chẳng khác gì đối với chính tôi. Phải chăng đó là lòng nhân ái? Không! Không! Tôi cảm nhận một cách chính
2hi.us