Teya Salat
Truyện Ngắn - Đáy Vực

Truyện Ngắn - Đáy Vực

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Đáy Vực

1. Chuyện ma đi đò

Con sông Đáy chảy đến đầu làng Vực thì bị bẻ gập lại. Dòng nước xiết đâm thẳng vào một mỏm đá bật trở lại một đoạn rồi mới có lối chảy về xuôi.
Chỗ mỏm đá có một cây đa chùm xuống lòa xòa.
Nơi dòng sông bị gấp lại tạo nên một vùng xoáy nước lớn, sôi sùng sục như một cái chảo khổng lồ khi mùa lũ lớn. Những người đi bè tre nứa từ thượng nguồn về đến đây thường phải chèo chống rất vất vả mới thoát khỏi cảnh bị quay vòng mấy bận trong vùng xoáy nước này.
Tôi còn nhớ ngày học cấp 2 thường theo cánh bạn bè ra sông tắm. Chúng tôi thích nhất là đứng trên mỏm đá phóng thẳng xuống chỗ xoáy nước rồi nằm ngửa trên mặt nước mặc cho dòng chảy đưa mình xoay vòng, xoay vòng mãi. Mùa hè bọn con gái thả những cánh hoa phượng xuống chỗ xoáy nước. Cả một thảm đỏ của những cánh hoa phượng loang ra như vệt máu quay tròn.
Một hôm mới sáng ra, những người đi chợ sớm hốt hoảng nhìn thấy thi thể một cô gái lập lờ trong vùng nước xoáy. Cô gái gần như không mặc gì trên người. Một mảnh khăn buộc ngang bụng rách tả tơi. Ngực cô nham nhở những vết xước. Dân làng Vực đưa cô gái lên bờ. Các bà các chị vừa khóc vừa tắm rửa, mặc quần áo cho cô. Cô gái còn rất trẻ. Cặp vú như hai ngọn măng mới nhú. Cô bị cưỡng hiếp rồi bị đẩy xuống sông. Công an huyện chưa cho chôn cất ngay vì còn khám nghiệm tử thi và chờ tìm thân nhân.
Nhưng rồi chờ đến hơn một ngày, không thấy ai đến nhận xác cô gái. Dân làng Vực mới được phép chôn cất. Đám ma cô gái chết trôi sông rất đông. Cánh con gái lớp tôi tết cho cô một vòng hoa bằng những chùm phượng vĩ đỏ như máu.
Từ đó, chúng tôi không dám ra tắm ở chỗ dòng sông gẫy khúc ấy nữa.
Bà Thường làm nghề chèo đò chở khách sang ngang ở bến sông Làng Vực. Anh Thưởng, người con trai duy nhất của bà đi bộ đội. Một mình bà với một niêu cơm nhỏ trong túp lều rách trên bến sông. Những buổi chợ phiên, người qua đò đông, nhiều bữa bà chả kịp nấu cơm. Bà gò lưng ghì chặt mái chèo lựa cho con thuyền vượt qua vùng nước xoáy. Đêm đêm nghe tiếng gọi “Đò ơi!”, thì dù mưa gió, giá rét bà cũng lập cập khoác chiếc áo tơi, cởi dây chèo thuyền sang sông đón khách. Bà bảo: “Mình lỡ một giấc ngủ không sao nhưng để khách lỡ một độ đường thì cực lắm!”.
Từ hôm có cô gái chết trôi về vùng nước xoáy ở bến sông làng Vực thì rất ít khách qua sông vào lúc đêm khuya. Người ta đồn rằng nhiều đêm nghe tiếng gọi đò bên kia sông, bà Thường chèo thuyền sang đều gặp khách là một cô gái mặc quần áo trắng tinh đứng đợi. Nhưng lần nào bà đưa cô gái đến giữa sông thì cô ấy cũng biến mất. Lại có người làm nghề cắm đăng trên sông khẳng định rằng nhiều lần nhìn thấy bóng một người con gái ngồi trên mỏm đá phía trên chỗ xoáy nước, đôi mắt cô đỏ rực như lửa.
Chuyện ma ở bến sông làng Vực mỗi người nói một phách và ngày càng thêu dệt thêm nhiều tình tiết ly kỳ khiến cánh trẻ con chúng tôi sợ hãi. Lớn lên, tôi mới hiểu đó toàn là chuyện người lớn phịa ra để dọa lũ trẻ hay lội xuống bến tắm khi mùa lũ lớn dễ chết đuối. Nhưng, có những chuyện thì tôi không hiểu nổi vì sao, đó là từ sau ngày cô gái chết trôi về bến sông làng Vực thì hầu như năm nào chỗ nước xoáy ấy cũng có người bị chết đuối. Mà người chết toàn là đàn ông mới lạ. Có những thi thể từ đâu trôi về. ở vùng thượng nguồn khi có người ngã xuống sông, bị lũ cuốn trôi, người nhà thường đem hương nhang, có khi cả quan tài đến vùng nước xoáy ở đầu làng Vực chờ sẵn. Thể nào xác thân nhân họ cũng sẽ trôi dạt về đây.
Lão Phụ làm nghề quét chợ khẳng định, cô gái bị cưỡng hiếp rồi đẩy xuống sông được vua Thủy Tề nhận làm con nuôi. Cô được thủy thần cho phép bắt chín mươi chín người làm quân hầu. Nhớ lại mối thù bị chết oan ức, cô giết chết toàn đàn ông rồi kéo xác về nơi bến sông làng Vực.
Anh Hừng bị thọt chân nên không phải đi bộ đội. Anh là tay sát cá lại bơi lặn giỏi. ở trên bờ, anh đi lại khó khăn nhưng khi xuống nước thì như một con rái cá. Anh chả bao giờ tin câu chuyện ma quỷ của lão quét chợ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, anh Hừng đều lặn xuống chỗ xoáy nước bắt cá. Anh chẳng cần lưới vó gì, chỉ tay không lặn xuống. Lúc anh ngoi lên thì lũ trẻ reo hò ầm ĩ. Hai tay anh cầm hai con cá chép lấp loáng vây đỏ, hai nách kẹp hai con, mồm ngậm một con. Cả thảy là năm con. Mỗi con độ bảy tám lạng đến một cân. Anh đem lên chợ bán, đổi lấy gạo. Có người bảo anh giỏi bắt cá thế sao không lặn liền mấy hơi bắt lấy vài chục cân lên chợ mà bán. Anh cười hì hì bảo:
- Dưới đáy vực cá nhiều lắm nhưng bắt làm gì nhiều, chỉ đủ tiền đong gạo thôi.
- Thế anh có gặp ma không?
Một đứa trong bọn chúng tôi hỏi. Anh trợn mắt dọa:
- Có chứ! Mắt nó đỏ rực. Nó ngồi trong hang đá chỉ cho anh con cá nào, anh mới dám bắt con đó.
Tôi biết anh nói đùa. Nhưng một hôm, anh vừa lặn xuống đã ngoi lên, mặt mũi tái mét, đờ đẫn. Anh không nói gì lặng lẽ mặc quần áo rồi về làng. Từ đó, tôi không thấy anh bắt cá ở chỗ nước xoáy đầu làng nữa. Bọn trẻ con kháo nhau: “Anh Hừng gặp cô gái chết đuối hồi nào. Cô ấy cho anh ấy nhiều cá rồi muốn bắt ở lại làm chồng. Anh ấy sợ quá vội nhao lên bờ rông mất”.
- Ha... ha... ha... - Nghe tiếng cười sau lưng, chúng tôi giật mình quay lại và nhận ra đó là anh Thú. Anh Thú là con ông đồ Hạo. Ông đồ Hạo là người khá giả. Ông nuôi anh ăn học đầy đủ, nhưng anh tính tình hung bạo, không chịu nghe lời bố. Khi nhỏ anh ấy thường trốn học đi chơi. Lớn lên, anh bỏ nhà đi biệt tăm. Nghe nói anh đi đào đãi vàng, tham gia nhiều vụ đâm thuê, chém mướn, bảo kê cho bọn buôn lậu, cho các nhà hàng Karaoke. Anh bị bắt đi tù. Lúc ra tù, người anh xăm trổ đầy những hình thù quái dị. Cả làng đều sợ anh. Anh đi đâu, làm gì, ông trưởng công an xóm cũng ngại hỏi.
Nghe chúng tôi kháo chuyện ma ở xoáy Vực, anh chìa ra một cái gói vuông vuông bảo:
- Chúng bay biết cái gì đây không?
- Không biết ạ!
- Thuốc nổ đã gắn kíp rồi đấy!
- Ôi trời... - Chúng tôi hốt hoảng cuống cuồng chạy rạt về một góc. Anh Thú cười sằng sặc bảo:
- Theo tao ra chỗ xoáy Vực mà lấy cá.
Lũ chúng tôi tuy sợ hãi nhưng vẫn rẹo rọ đi theo anh, cách một khoảng khá xa. Anh Thú cầm quả bộc phá vừa đi vừa vung vẩy trông phát khiếp.
Đến xoáyVực, anh Thú đứng trên mỏm đá. Rít một hơi cho điếu thuốc đỏ rực rồi anh dí vào dây cháy chậm. Khói xì xì ra mấy giây anh mới thả quả bộc phá xuống vực. Một tiếng nổ trầm đục nhưng nước tung lên tận ngọn tre. Sóng chưa kịp lặng cá đã nổi trắng lên mặt nước. Bọn cá mương, cá trôi chết ngay nổi như phao. Lũ cá chép, cá bống cỡ độ trên một cân thì còn cố quẫy quẫy rồi lờ đờ rạt vào bờ. Trẻ con, người lớn ào xuống. Người xúc, kẻ đâm chém ồn ào, tranh cướp cá náo loạn cả khúc sông.
Anh Thú ngồi trên bờ rít nốt điếu thuốc. Những người bắt được, vớt được cá bắt đầu kéo lên bờ vì rét. Khi đi qua chỗ anh Thú, họ đều khép nép và để lại cho anh một con cá to nhất bắt được. Khi anh Thú vừa túm cái bao tải đựng đầy cá lại thì có nhiều tiếng người gào lên thất thanh:
- Cá... cá... có một con cá to quá. Nó bị thương rồi!
Mọi người xô xuống bến. Giữa vùng xoáy nước, một con cá to gần bằng thân người đang nổi lên lập lờ, đuôi ngoe nguẩy. Nhiều người ào xuống nước lao đến ôm lấy con cá lớn. Con cá quẫy

mạnh, cố lặn xuống. Nhưng hình như nó bị sức ép quá mạnh của quả bộc phá nên đã kiệt sức.
Con cá được đưa lên bờ. Nó nằm dài trên bãi cát trắng nhởn. Đôi mắt mở trừng trừng, đỏ rực. Nhìn con cá, bất giác tôi chợt nhận thấy nó từa tựa như cô gái trẻ bị chết trôi dạo trước.
Theo lệnh của anh Thú, người ta xẻ thịt con cá lớn. Máu nó chảy đỏ cả bến sông.
Khi tôi lên đường nhập ngũ thì nghe tin anh Thú lại ném một quả mìn nữa xuống xoáy vực. Quả mìn vừa buông khỏi tay đã phát nổ. Anh ấy bị cụt cả hai tay và chột mù một mắt. Giờ thì anh ngồi lê la ăn xin ở chợ.
Anh Thưởng đi bộ đội về phục viên. Mấy lần về quê qua đò anh đều nhận ra tôi. Mặc dù ngày anh đi bộ đội tôi còn nhỏ đang học cấp 2. Anh Thưởng về làng đã lâu nhưng chả thấy nói đến chuyện vợ con gì. Ngày còn ở nhà anh cũng yêu một người con gái. Hai người đã thề non, hẹn biển, trao kỷ vật cho nhau nhưng rồi duyên cũng chẳng thành. Anh vào miền Nam chiến đấu trong ba lô còn giữ cái vỏ gối do người yêu thêu tặng có bốn chữ “mãi mãi yêu anh” và hai con chim bồ câu ngậm mỏ vào nhau. Nhưng trong khi anh cố tìm cách viết thư gửi về thì ở nhà người thêu gối cho anh đã đi lấy chồng. Ngày chiến thắng anh trở về bến sông đã chẳng còn người đứng đợi. Anh Thưởng được xã bố trí làm một chân bảo vệ. Từ ngày anh làm bảo vệ, tình hình an ninh trong làng, ngoài xóm yên hẳn, ít xảy ra các vụ ăn cắp vặt, hoa màu ngoài ruộng không bị mất trộm như trước. Cũng có nhiều người hỏi anh chuyện vợ con nhưng anh chỉ cười trừ. Mẹ chết, anh trả cái chức tổ trưởng bảo vệ về bến sông với con đò của bà để lại.
Khi người ta bắc một chiếc cầu ở bến Gạo cách xoáy Vực hơn chục cây số về phía hạ lưu thì khách qua đò thưa hẳn. Bây giờ có xe máy, người ta đi cầu Gạo có xa hơn cả chục cây số nhưng tiện hơn. Chỉ còn những bà gồng gánh đi chợ là vẫn qua sông bằng đò. Cũng kể từ khi mua được chiếc xe máy thì mỗi lần về quê tôi chả bao giờ qua bến đò Vực nữa nên chẳng gặp lại anh Thưởng lần nào.
Bẵng đi phải đến mấy năm. Một trưa tôi về đang ăn cơm thì nghe tiếng trẻ con léo nhéo gọi cổng. Thằng con tôi ra mở cổng rồi dẫn vào một lũ trẻ con đến bốn năm đứa. Đoạn, nó vào buồng lấy ra một ôm báo cũ chia cho mỗi đứa mấy tờ. Thì ra lũ trẻ con đến xin báo cũ về bọc sách vở chuẩn bị năm học mới. Chia đến đứa con gái bé nhất, thằng con tôi hỏi:
- Cái Sương năm nay lên lớp một hả?
- Vâng ạ. - Con bé đáp.
- Cho mày thêm hai tờ nữa.
- Em xin! Em cảm ơn anh...
Tôi hỏi:
- Con bé ấy là con nhà ai vậy?
- Nó là con anh Thưởng lái đò bến Vực... - Vợ tôi đáp: - À! Mà anh Thưởng dặn khi nào anh về rỗi rãi ra nhà anh ấy chơi.
- Có nghe nói anh ấy lấy vợ bao giờ đâu nhỉ?
- Con nuôi anh ấy đấy!
- Anh ấy xin ở đâu được đứa con gái xinh xắn thế nhỉ?
- Xin gì! Người ta bỏ lại cho mà nuôi đấy!
Theo vợ tôi kể thì một buổi sáng mùa đông rét như cắt thịt da, sương mù còn giăng kín mặt sông chẳng rõ mặt người. Có một người đàn bà gọi đò sang sông. Chị ta chùm khăn kín mặt tay xách cái làn to bước xuống thuyền. Anh Thưởng xoa xoa hai bàn tay cho đỡ cóng rồi lịch kịch đẩy con thuyền rời bến. Càng ra đến giữa sông sương mù càng dày đặc. Người lái đò và khách chỉ nhìn thấy nhau lờ mờ. Sang đến bến sông bên kia, người đàn bà vội vã đi ngay hẹn chiều về sẽ trả tiền đò cả thể. Anh Thưởng quay mũi thuyền. Đến giữa sông thì trời trở gió. Mũi thuyền bị xô mạnh chòng chành. Chợt anh nghe tiếng trẻ con khóc. Tiếng khóc hình như rất gần. Vụt nghĩ đến chuyện ma đi đò mà mẹ vẫn kể, anh cũng thấy hơi run. Nhưng vốn là một chiến sĩ trinh sát, anh trấn tĩnh và phát hiện ra tiếng khóc ở ngay mũi thuyền của mình. Anh bỏ tay chèo lần tới phát hiện ra cái làn của người khách lúc nãy còn để lại. Anh bật lửa. Trong làn có một đứa trẻ con đang quẫy đạp. Thấy ánh lửa, nó nín ngay, hai tay huơ huơ lên như muốn với lấy anh. Đôi mắt nó sáng như hai viên ngọc. Anh thọc tay vào làn và chạm vào một bình sữa còn nóng ấm. Thì ra người mẹ này đã có ý định bỏ lại đứa con của mình cho người lái đò.
Anh Thưởng bế đứa bé lên bến suốt ngày ngóng đợi. Nhưng người đàn bà bỏ con ấy không thấy quay lại trả tiền đò như đã hẹn. Anh Thưởng đành nuôi đứa bé. May cô em gái họ của anh cũng mới sinh nên giúp việc bú mớm, thay tã. Con bé lớn lên cùng anh trên con thuyền rách. Bao nhiêu người khách là phụ nữ nuôi con mọn qua đò đã cho nó bú nhờ. Nó ít quấy khóc, ốm đau. Anh Thưởng đặt tên nó là Sương vì tìm thấy nó trong một sớm sương mù dày đặc.
Anh Thưởng rất yêu quý bé Sương.
Hai bố con anh quấn quýt bên nhau. Năm bé Sương hai tuổi đột nhiên anh nhận được một lá thư từ nước ngoài gửi về. Bức thư ấy của một người đàn bà mà đối với anh chẳng xa lạ gì. Đó chính là người đã thêu tặng anh cái vỏ gối có hai con chim bồ câu ngậm mỏ nhau với dòng chữ “mãi mãi yêu anh”, mà khi anh đi B thì chị ta cũng bỏ đi với người khác.
Đọc thư anh mới biết bé Sương là đứa con chị ta. Chị ta đã có chủ định để nó lại trên thuyền cho anh để khỏi vướng khi làm thủ tục xuất cảnh đi theo một người đàn ông ra nước ngoài định cư. Chị ta tỏ ra hối hận, tha thiết xin anh tha thứ đã phụ tình còn để lại thêm mộtgánh nặng cho anh là phải nuôi đứa con của mình. Chị ta hứa sẽ gửi tiền về chu cấp cho bé Sương. Đọc thư, mặt anh tái đi vì giận dữ. Đúng là đồ vô sỉ. Anh đã viết cho chị ta một bức thư yêu cầu nếu còn lương tâm thì chị ta hãy để cho bé Sương được yên. Anh sẽ nuôi nó lớn khôn mà không cần những đồng tiền của chị ta.
Những câu chuyện xung quanh cái vùng nước xoáy đầu làng Vực còn rất nhiều. Chuyện vui, chuyện buồn đều có cả. Khi tôi vừa viết xong chuyện này thì có thêm một cái xác người nữa nổi lên ở xoáy Vực. Đã từ lâu lắm rồi xoáy Vực không có người bị chết đuối. Nhất là từ khi người ta xây một con đập ở trạm thuỷ nông phía thượng nguồn sông Đáy. Xác chết này không phải từ đâu trôi đến mà đó là một người ở làng Vực - nói chính xác hơn là dân gốc ở làng Vực. Hắn ta cùng trang lứa với tôi. Những lần chúng tôi kéo nhau ra sông tắm hắn vẫn dạy tôi tập bơi. Hắn bơi lội giỏi nhất bọn. Khi mùa lũ nước xiết, xoáy Vực sôi sùng sục mà hắn vẫn dám đứng từ trên mỏm đá phóng xuống tắm. Thế mà hắn lại chết đuối giữa xoáy Vực lúc mùa cạn, nước lặng. Hắn đã ngã xuống sông hay nhảy xuống sông tự vẫn. Nghe nói hắn dính vào một vụ tham nhũng lớn, bị tịch thu tài sản, sắp phải hầu tòa nên trở về cái nơi hắn đã ra đi để chết.
Nhưng thôi, đó là một câu chuyện khác về hắn mà tôi sẽ viết, còn xin để câu chuyện này khép lại ở đây.


2. Dòng sông dòng đời

Một buổi sáng tinh mơ, dân làng Vực bị đánh thức bởi tiếng kêu thất thanh từ ngoài bến sông. Tiếng kêu cứu có người bị chết đuối khiến người ta nghi ngờ. Bây giờ đang là mùa khô, nước sông Đáy rất cạn làm sao có người lại bị chết đuối được chứ.
Mọi người hớt hải chạy ra bến sông, đổ dồn về chỗ xoáy Vực.
Mùa này nước xoáy Vực rất cạn. Dòng nước chảy lờ đờ như ngái ngủ, mất hết vẻ hoành tráng hung hăng gào thét như khi mùa mưa lũ lớn.
Khi tôi chạy đến nơi thì mọi người đã đứng đen đặc trên bờ sông. Trời lạnh nên chưa thấy ai nhảy xuống sông vớt xác người. Tôi túm lấy một thằng bé con đang chạy ngược từ bến sông lên hỏi:
- Ai bị chết đuối

thế?
- Cháu không biết! Ông này trông lạ lắm…
Quái lạ! Đã lâu lắm rồi không có người bị chết đuối ở xoáy Vực. Sao bây giờ lại có người bị chết ở đây. Hay là con ma nữ ở xoáy Vực lại bắt đầu nổi hứng bắt người về làm quân hầu phục dịch… Nhưng con ma ấy hình như đã bị anh Thú nổ một quả bộc phá lớn nên tan hết linh khí và đã về cõi niết bàn để đầu thai kiếp khác như người ta vẫn đồn đại rồi cơ mà.
Tôi xuống sát mép nước. Mấy anh dân quân đã dùng sào khều cái xác đang lập lờ vào gần bờ. Người chết đã nổi chứng tỏ đã nằm dưới đáy xoáy Vực từ tối hôm trước. Xác chết nằm úp mặt xuống nước. Đó là một người đàn ông. Hắn ta mặc một bộ com lê màu sẫm vào loại đắt tiền. Khi cái xác được lật ngửa mặt lên, tôi buột miệng kêu: “Thằng Hiến!”. Đúng rồi, nó là thằng Hiến - bạn học với tôi suốt thời phổ thông. Hôm qua, trên đường về quê, lúc cái xe máy Trung Quốc giá rẻ của tôi bị chết máy giữa cánh đồng không mông quạnh, thì có một chiếc xe Toyota bóng lộn phóng tạt qua. Tôi còn nhìn thấy hắn ngồi trên xe cơ mà. Tôi đoán là hắn cũng về quê vì vài hôm nữa là đến ngày hội làng đền Vực rồi. Thế mà hôm nay hắn đã chết ở ngay xoáy Vực dưới chân đền.
Tôi lại càng ngạc nhiên và băn khoăn bởi vì hắn là người từ nhỏ vẫn rất giỏi môn bơi lội. Hắn từng đoạt giải nhất cuộc thi bơi tại đại hội thể dục thể thao học sinh phổ thông trung học toàn tỉnh. Hắn vẫn dạy chúng tôi tập bơi. Chúng tôi vẫn gọi hắn là con rái cá. Mùa lũ, xoáy Vực như một cái chảo khổng lồ sôi sùng sục, hắn vẫn dám phóng xuống tắm. Thế mà hắn lại chết đuối khi mùa nước cạn, xoáy Vực lặng sóng như một cái bể bơi trong nhà. Người làng đồn đại lắm chuyện. Có người bảo hắn chết do tự tử. Người khác lại bảo hắn trượt chân ngã xuống xoáy Vực. Người thì lại nói hắn bị thánh vật ném xuống nước… Chẳng biết đúng sai thế nào.
Tôi thì cứ nghĩ có lẽ không phải nó chết vì dòng nước mà chết bởi dòng đời. Cuộc đời hình như vẫn còn tuân theo luật nhân quả. Tôi nhớ ngày ấy vừa học hết phổ thông, chúng tôi lên đường nhập ngũ thì thằng Hiến cũng đi học ở nước ngoài. Nó có người chú ruột làm quan chức trên tỉnh nên được ông thu xếp cho một xuất du học không phải thi. Ngày ấy, học giỏi chưa chắc đã được học tiếp lên đại học. Như tôi đã có giấy gọi nhập trường đại học tổng hợp vẫn không được đi học mà phải nhập ngũ trước đã.
Xã tôi hồi ấy có một ông bưu tá. Ông này bị lãnh đạo xã quản lý rất chặt chẽ. Thư từ, công văn gì gửi cho dân trong xã đều phải vào sổ và báo cho ông chủ tịch biết. Theo chỉ đạo của lãnh đạo xã, các loại giấy gọi đi học phải có lệnh mới được chuyển. Thường là sau khi hoàn thành các đợt tuyển quân mới chuyển những giấy gọi đi học của đám học sinh vừa thi đại học, cao đẳng xong. Thành thử khi chúng tôi đã yên ổn vào biên chế ở đơn vị quân đội rồi thì giấy báo vào đại học, cao đẳng mới được gửi đến nhà. Thằng Hiến thì lại khác. Khi còn đang học năm cuối cấp ba, một hôm nó ghé tai tôi bảo: “Tao chả cần phải học hành thi cử khốn khổ như bọn chúng mày làm gì. Học hết lớp 10 (hồi ấy lớp 10 là cuối cấp ba) là tao sẽ đi học ở Liên Xô”. Nghe hắn nói tôi không tin. Nhưng sự thật lại đúng như vậy. Thì ra chỉ có bọn học sinh bố mẹ là nông dân đặc sệt như chúng tôi là chẳng bao giờ biết trước được tương lai ngoài việc chắc chắn sẽ đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu.
Trước lúc lên đường, mẹ tôi bảo:
- Mấy thằng cùng nhập ngũ nhớ bảo nhau vào đền Vực thắp hương cầu thần, khấn phật để các ngài phù hộ cho “đi đủ về đủ, tránh được hòn tên, mũi đạn nơi mặt trận”. Đền Vực là thiêng lắm đấy!
Găp chúng tôi đang mua hương hoa ngoài chợ, thằng Hiến cười nhạo:
- Ngu! Bọn chúng mày ngu lắm. Chả có thần phật nào hết! Mà thần phật đ… là cái gì cả. Cứ có ô to là xong tất.
- Mày không được nói bậy!
Tôi mắng. Hắn phẩy tay vẻ lếu láo:
- Chúng mày có cúng vái suốt ngày thì có thằng cũng sẽ sinh Bắc, tử Nam cho mà coi…
Thằng Hiệp đưa bó hương cho tôi định xông tới tống cho nó một quả đấm vào mõm.Tôi vội can:
- Thôi chấp làm gì cái thằng hãnh tiến!
Thằng Hiến biết hơi quá lời, nó vội đạp xe đi thẳng.
Chúng tôi vào bộ đội. Năm thằng đi, chỉ có ba trở về. Thằng Hiệp bị thương rất nặng. Hôm tôi biết tin đến thăm nó ở bệnh viện quân y dã chiến nó đã nguy lắm rồi. Lúc hơi tỉnh táo, nó cố thều thào dặn tôi:
- Nếu tao không trở về được, mày nhớ đến đền Vực thắp một nén hương cầu thần phật phù hộ cho mẹ tao luôn mạnh khoẻ. Mẹ tao năm nay chắc là đã già yếu lắm rồi…
Hiệp đã không qua được vì vết thương quá nặng. Sau này hài cốt nó được đưa về quê. Mẹ nó đã làm lễ đưa linh vị nó lên đền thờ. Thằng Đoan cũng nằm lại mặt trận. Mộ nó đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy. Tôi và hai người bạn nữa, người thì còn trong quân ngũ, người đã chuyển ngành nhưng vẫn rất thân nhau. Hội đền làng Vực năm nào chúng tôi cũng hẹn nhau về.
Lại nói về chuyện thằng Hiến. Hắn đi học ở Liên Xô. Sau mấy năm đào tạo cơ bản được ở lại luôn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Hắn về nước khi chiến tranh đã kết thúc, lại gặp thời khi ông chú hắn được bổ nhiệm đứng đầu một bộ. Thế nên đời hắn cứ như diều gặp gió. Hắn được bổ nhiệm chức vụ phó chưa ngồi nóng chỗ đã chuyển sang phòng vụ trưởng, được vài năm đã là cấp cục. Tài năng chả biết, công lao cống hiến chẳng rõ đã có gì ghê gớm chưa nhưng cứ mỗi năm về họp mặt bạn đồng môn lại thấy hắn đi một cái xe ô tô khác nhau, cái năm sau xịn hơn cái năm trước. Trong khi đó chúng tôi năm nào về có cái xe máy là may, chỉ có điều là cái xe ngày càng tã tượi hơn.
Hắn giàu nhưng keo kiệt. Chưa thấy bao giờ hắn đóng góp nhiều hơn anh em khác. Khi chúng tôi bàn việc ủng hộ các bạn học, hay giúp đỡ các thầy cô gặp hoàn cảnh khó khăn thì hắn ít tham gia, nói là có việc bận, gọi lái xe đi mất.

° ° °

Mấy năm trước, khi đào đất ở gần đền Vực, người ta tìm được một tấm bia đá. Những dòng chữ Hán khắc trên bia còn tương đối rõ. Dân làng đã cử đại diện về viện Hán nôm ở tận thủ đô Hà Nội thuê người lên dịch văn bia. Đó là tấm bia ghi chép về việc xây dựng đền Vực. Mới biết đền là nơi thờ tự một vị nữ tướng từ thời Hai Bà Trưng. Người đã có công tích rất lẫm liệt trong cuộc khởi nghĩa của hai bà, cũng là người khai khẩn thành lập khu trang ấp mà bây giờ là làng Vực. Khi cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc đô hộ của Hai Bà Trưng thất bại, vị nữ tướng thua trận đã nhảy xuống xoáy Vực tự vẫn để giữ tròn khí tiết. Tôi đã về quê và viết một bài báo về sự tích ngôi đền thờ vị liệt nữ anh hùng.
Trước sự tích của đền Vực và công tích của vị nữ tướng, dân làng Vực bàn bạc và quyết định phải trùng tu, nâng cấp ngôi đền. Những người dân làng Vực bắt đầu thực hiện việc quyên góp. Họ phôtô bản dịch văn bia và cả bài báo của tôi viết về vị nữ tướng mang đi khắp nước. Nghe ở đâu có người làng Vực sinh sống là họ tìm đến quyên tiền. Quả là một cuộc hành trình vĩ đại của những người nông dân thành tâm hướng về tiên tổ. Có những bà, những chị chưa một lần ra khỏi làng cũng cứ khăn gói lên đường. Ai ủng hộ dù đấu gạo, vài nghìn họ cũng cảm tạ, cũng ghi chép cẩn thận vào sổ công đức và cấp giấy chứng nhận cho người đóng góp.
Một buổi sáng, tại một công sở của một cơ quan kinh tế có hai người đàn bà lam

lũ xin vào gặp ông thủ trưởng. Mấy anh bảo vệ ùa ra xua đuổi quầy quậy. Cơ quan đang chuẩn bị đón ông bộ trưởng xuống thăm. Cờ hoa, biểu ngữ đã chăng từ hôm trước. Đám nhân viên nữ áo dài thướt tha, ôm hoa đang đứng chờ sẵn.
Trong khi đó, hai người đàn bà quê mùa lại cứ nài nỉ, luẩn quẩn ở cổng đuổi mãi không chịu đi. Mấy anh bảo vệ đã nổi cáu. Nhưng khi một người đàn bà nói chính là thím họ của ông thủ trưởng cơ quan này và việc đến đây thì máu Trương Phi của mấy anh bảo vệ nguội hẳn. Họ vội cấp báo cho ông trưởng ban hành chính. Ông trưởng ban cấp báo lên ông vụ trưởng. Ông vụ trưởng vã mồ hôi hột lật đật chạy lên phòng thủ trưởng.
Thủ trưởng đang đứng trước gương ngắm nghía dung nhan và tập trước mấy lời thưa gửi, báo cáo cấp trên cho xuôi chảy, khỏi ấp úng, lúng túng. Nghe tiếng gõ cửa, ông ta sẵng giọng:
- Có việc gì thế?
- Dạ! Báo cáo… báo cáo… - Ông vụ trưởng vừa mở cửa vào vừa nói.
- Báo… báo… cái gì, nói ngay đi, bộ trưởng đến rồi à?
- Dạ chưa ạ! Mà là có thím của thủ trưởng từ quê lên ạ!
- Thím… có đúng không! Mà lên có việc gì?
- Bà ấy nói gặp thủ trưởng để quyên góp trùng tu đền… đền…
- Đ… ề… n… V… ự…. c!
Thủ trưởng nhắc. Ông vụ trưởng thở phào:
- Vâng… vâng… đúng rồi ạ! Họ nói có cả bài báo viết về ngôi đền xin gửi thủ trưởng xem để quyết định đóng góp ạ.
- Báo với chí gì, vứt đi, chỉ viết láo. Thôi quăng cho họ mấy đồng để họ đi ngay đi. Bộ trưởng sắp đến rồi đấy.
- Thưa anh bao nhiêu ạ?
- Hai triệu… À thôi… cho hẳn năm triệu…
Ông vụ trưởng vừa đi ra đã vội quay lại. Ông chưa kịp báo cáo thêm thì thủ trưởng đã hất hàm:
- Lại còn việc gì nữa?
- Dạ! Nhưng người đàn bà nói là xin gặp anh để anh ký vào bảng vàng công đức và đưa tận tay giấy chứng nhận đã ủng hộ xây dựng đền ạ!
- Thôi dẹp dẹp! Vớ vẩn, không cần, bảo họ đi ngay đi!
Ông thủ trưởng xua xua tay. Ông vụ trưởng đi rồi, ông ta vẫn còn bực. Ông lẩm bẩm: “Đền với điếc tày cái lỗ mũi! Ông sẽ về quê xây một cái đền to gấp ba gấp bốn cho mà biết!”.
Chả phải nói tên, bạn đọc cũng đã biết vị thủ trưởng đó là ai rồi. Đó là thằng Hiến bạn học thời phổ thông của tôi. Hắn đã về quê mua một khu đất khá rộng. Trong khu đất ấy hắn xây một cái biệt thự sang trọng để nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần. Rồi lại xây thêm một ngôi nhà thờ tổ họ khá to trong khuôn viên. Có lần tôi đi qua còn nghe thấy cả tiếng chuông ngân nga, tiếng mõ lốc cốc nữa.
Nhưng rồi mọi việc biến thiên. Trời đất xoay vần, chả ai lường trước được. Hắn đang lên như diều, bỗng bị đứt phựt một cái. Từ một việc rất nhỏ là cái cốt tre trong cột tiêu giao thông, thanh tra phát hiện ra một vụ tham nhũng, rút ruột công trình rất lớn. Mà tác giả chỉ đạo và thu lợi chính là hắn. Mọi việc vỡ lở, bung bét cả ra. Ông chú cấp cao ô lớn của hắn cũng đành bó tay, không cứu nổi. Người ta mớiđang ở giai đoạn điều tra, chưa công bố kết luận cuối cùng, nhưng hắn đã hiểu thế là hết.
Và gần đến ngày hội đền làng Vực hắn trở về quê.
Chập tối hôm trước người làng thấy hắn đi bộ ra chợ. Họ thấy hắn vào quán mua một thẻ hương rồi đi về phía đền Vực. Hắn đã vào thắp hương tạ lỗi với thần phật, tổ tiên tại đền. Cụ thủ từ coi giữ đền Vực lầm rầm khấn giúp cho hắn. Nhưng cầu xin mấy lần mà vẫn không gieo được quẻ. Hai đồng xu không chịu sấp ngửa theo mong muốn. Cụ thủ từ đành an ủi hắn: “Thôi thì nhất sự tại dương, vạn sự tại âm. Xin thí chủ cứ tĩnh tâm…”.
Sáng hôm sau, khi nghe có tiếng người kêu cứu dưới bến sông, cụ thủ từ vội nhỏm dậy. Cụ lật đật vào điện thờ châm ba nén hương chắp tay khấn rồi cắm vào bát nhang. Ba đốm lửa bỗng cháy rực lên rồi phụt tắt tựa như có ai vừa hắt một gáo nước lạnh vào những nén hương đang cháy.


3. Lòng người thăm thẳm

Hội làng Vực năm nay buồn. Bởi lẽ trước ngày khai hội lại có người chết ở Xoáy Vực. Thằng Hiến được người nhà đưa về mai táng sau khi công an đã khám nghiệm tử thi mất nửa ngày.
Hôm đưa đám, lũ bạn đồng môn chúng tôi cũng có nhiều đứa đến. Có đứa chả ưa gì nó nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, ai còn chấp nê người chết làm gì. Cơ quan nó cũng có một đoàn kéo về. Toàn ô tô xịn. Mấy chục vòng hoa bọc giấy bóng kính, nghe nói mỗi vòng cả trăm nghìn đồng khiến dân làng Vực lác mắt. Bởi đám ma ở quê giỏi lắm thì chỉ có vài vòng hoa tự làm tròn như cái vành nón, buộc lơ thơ mấy bông hoa dâm bụt héo rũ.
Thả một hòn đất xuống huyệt rồi tôi lùi ra cho đám thanh niên lấp huyệt và đắp nấm. Tôi đang chen ra khỏi đám đông nhốn nháo kẻ xúc đất, người kêu khóc thì có một bàn tay vỗ bộp vào vai. Tôi giật mình ngoảnh lại nhận ra anh Thưởng. Trông anh có vẻ gầy gùa, khuôn mặt vêu vao không còn vẻ sung sức như hồi mới về phục viên. Anh bảo:
- Ra nhà tao chơi đi! Hôm nay con Sương cũng về, nó mua được mớ cá tươi, đang rán. Ra làm chén rượu cho ấm bụng…
- Vâng… nhưng để em ngó xem thằng cháu nó đứng chỗ nào nhắn là trưa không về để vợ em khỏi chờ cơm.
Dặn thằng cháu xong, tôi theo anh Thưởng ra bến sông. Căn nhà của anh ngày xưa chơ trọi trên bờ sông bây giờ ngập lút giữa những ngôi nhà cao tầng ngất ngưởng. Kinh tế phát triển, bãi sông trở thành dãy phố. Nhờ mấy lần được trợ cấp, được hỗ trợ tiền sửa nhà tình nghĩa nên anh cũng xây được tường gạch, lợp mái ngói. Ba gian nhà ngoài còn lát được gạch hoa. Thứ gạch hoa nội do địa phương sản xuất, nét hoa văn nhoè nhoẹt.
Vừa cùng tôi ngồi xuống ghế, anh đã lên tiếng gọi cái Sương. Từ sau bếp cái Sương lật đật chạy lên. Tay nó còn cầm đôi đũa. Con bé lớn quá. Mới đấy mà đã chục năm. Hôm nó vào nhà tôi xin báo bọc sách để đi học lớp 1 còn bé tý. Thế mà bây giờ nó đã học đại học năm thứ hai. Trông nó phổng phao, xinh đẹp. Hôm trước nghe vợ tôi kể nó
2hi.us