Duck hunt
LÀNG

LÀNG

Tác giả: Sưu Tầm

LÀNG

LÀNG

Tôi sống ở làng. Một ngôi làng rất nhỏ.

Làng tôi có một ngọn đồi lớn, đường lên dài và quanh co. Ngày nào tôi cũng vài bận đi dọc theo lối ấy. Sáng tôi đi học, đi xuống đồi, hướng về phía đông. Chiều tôi đi về, đi lên đồi, hướng theo phía tây. Bao giờ tôi cũng đi về phía mặt trời.

Trường làng tôi nhỏ xíu, nằm lọt thỏm giữa một bên là đồi, một bên là hồ sen. Trẻ con làng tôi được đi học không nhiều. Giờ học, nếu ra đồng còn gặp nhiều trẻ con hơn đến lớp. Học nhiều, để làm gì? Rồi cũng sẽ chôn vùi cái chữ dưới lớp đất thôi, phải không?

Trong lớp, tôi chơi thân với Quảng nhất. Tình bạn của chúng tôi là nhờ con Miu mà thành.

Miu là một con chó, màu đen. Tôi không gọi nó là Mực như thằng Quảng đề nghị, tôi gọi nó là Miu. Chả lẽ con chó nào màu đen cũng gọi là Mực hay sao? Một con chó được gọi tên giống một con mèo mới hay chứ. Thằng Quảng phản đối không được, đành chịu. Dù gì cũng chỉ là tên một con chó thôi mà, nó nói. Nhưng lúc đó trông nó ấm ức lắm. Tôi hếch mũi lên cười, chỉ là tên một con chó thôi mà mày cũng không đặt được.

Nhà Quảng cũng ở trên đồi, nhưng khác đường về nhà tôi. Ở ngay đỉnh đồi có một ngã rẽ, rẽ trái về nhà Quảng, rẽ phải về nhà tôi. Hôm nào nó cũng chờ tôi ở ngay ngã rẽ đó, chúng tôi sẽ cùng nhau đi về phía mặt trời. Mặt trời là thứ chênh chếch ở trên cao, hướng về phía chúng tôi mà chói chang. Mặt trời ban sáng như một cái lòng đỏ trứng gà, lẫn khuất giữa mây mù mà bùng sáng, đỏ au. Tôi luôn chào mặt trời vào buổi sáng. Mỉm cười và chào. Thằng Quảng nói tôi bị điên, tôi nói với nó, mày có muốn điên cũng chả được.

Cái thói quen chào mặt trời của tôi bắt đầu từ cách đây nhiều năm. Mẹ tôi bỏ đi. Một tuần sau khi mẹ bỏ đi, tôi đứng trên đỉnh đồi, nhìn về phía mặt trời, cầu mong mẹ tôi quay trở lại. Tôi nhìn thẳng vào mặt trời mà cầu xin, rằng mặt trời đi đến nhiều nơi như vậy, chắc chắn biết mẹ tôi ở đâu, xin gửi lời nhắn là hãy trở về với tôi. Khi đó tôi học lớp 8.

Lúc ấy thì tôi còn chưa chơi thân với thằng Quảng, đương nhiên là nó không biết sự tích đó. Tôi cũng chẳng buồn nói, ai mà không có bí mật của riêng mình. Vậy là, thằng Quảng vẫn ngầm mắng tôi điên mỗi ngày, khi tôi hướng về phía mặt trời, mỉm cười và chào.

Thằng Quảng vốn chăm, nhưng sau ngày cưới của Duyên, nó lại càng chăm hơn. Duyên học cùng lớp chúng tôi, hè năm ngoái, nó đã lấy chồng. Ngày hôm đó, tôi và Quảng đứng trên đỉnh đồi, nhìn xuống đám người rước dâu rồng rắn đi trên đường làng quanh co. Cô dâu mặc áo dài đỏ, nhưng sao chẳng giống màu mặt trời.

Thằng Quảng hỏi tôi, rồi mày cũng sẽ như vậy hả? Tôi ừ. Có phải, tôi cũng sẽ khoác vào một chiếc áo chẳng giống màu mặt trời không?

Quảng muốn lên thành phố, nó cứ nhai hoài với tôi là nếu buộc nó phải chôn cuộc đời ở đây thì thà trói nó lại rồi quăng tòm xuống biển cho đỡ tốn cơm. Tôi tỉnh rụi, nói với nó, làng mình làm gì có biển. Nó liếc tôi, lần đầu tiên trong đời, nó thở dài mà nhìn tôi. Nó nói, cái ranh làng này tù đày mày đến mức đó sao? Tôi im lặng. Nó có biết không, mặt trời đi khắp thế gian.

Quảng nói, làng tôi buồn. Ừ, làng tôi buồn, buồn đến đáng sợ. Cả làng, sáng ra đồng, chiều đi về, đến coi tivi hay mở đèn cũng ngại tốn điện thì chẳng buồn? Cả làng, cứ chín giờ là tối thui đi ngủ, hỏi sao mà không buồn? Buồn như một vết thương.

Ba tôi cũng nói làng tôi buồn, mỗi khi buồn, ông ngồi trên đi văng, ca mấy bài nhạc xưa não nề, nghe còn rầu hơn.

Nhà tôi không có ruộng đồng, không có trâu bò gì hết. Chỉ có mấy sào vườn, trồng được dăm loại rau trái. Ba tôi làm bảo vệ trường làng, một tuần bảy ngày thì ban hôm ba tôi ngủ ở dưới trường. Những khi ấy tôi ở nhà một mình, từ hồi lớp tám rồi, tôi cũng không còn sợ. Hồi đầu, tôi hay giận mẹ. Nhưng càng lúc càng quen, tôi lại thôi không nghĩ đến nhiều nữa. Trong tôi chỉ còn chút nhớ thương, mà cái nhớ thương ấy, tôi cũng dửng dưng lắm. Kì nhỉ!

Thằng Quảng không bao giờ hỏi tôi về mẹ tôi, nó biết chứ, cái làng này ai chẳng biết, nhưng nó không bình luận gì cả. Vậy nên tôi mới chơi với nó được.

Tôi thân với thằng Quảng từ lớp 9. Đây, tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ việc con chó nhà thằng Quảng đẻ. Nghe thiệt là lãng xẹt. Năm đó, con chó nhà thằng Quảng đẻ năm con thì có một con bị tật ở chân. Mẹ thằng Quảng không chịu nuôi, đòi đem vứt. Thằng Quảng sống chết ôm lấy con chó, chạy khắp nơi tìm chỗ cho. Khổ, cái làng tôi, ai cần một con chó con bị què? Thằng Quảng đi giáp làng mà không có ai nhận nuôi. Nó ngồi nghỉ mệt dưới mái che trường tôi, ba tôi thấy, nhận nuôi con chó cho có bầu có bạn. Thằng Quảng mừng quýnh. Sau này nó với tôi chăm con chó cùng với nhau, mãi rồi thân. Có vậy thôi.

Con chó ấy là con Miu đấy.

Từ khi chơi thân với thằng Quảng, tôi không phải lủi thủi đi học nữa. Ngày nào nó cũng đứng chờ tôi ở ngay ngã rẽ, suốt đường đi nó không tiếc lời mắng tôi là đồ chậm chạp, là thứ con gái “lề mề lệt mệt”. Tôi cũng không bực, nó mắng vậy thôi chứ mai nó lại chờ. Nghe nó mắng, đường đến trường hình như gần đi một nửa.

Thằng Quảng kể, nó từng lên thành phố chơi. Thành phố rất đẹp, có rất nhiều xe, rất nhiều nhà, rất nhiều cửa hiệu. Đi đâu cũng thấy hàng quán, không phải ra đến chợ mới có mấy cái hàng con con. Nhà của thành phố thì, ôi thôi cao. Cái nhà 2 tầng ở đầu làng của ông bà Hồng cũng chả là cái đinh gì so với nhà của thành phố. Chả là cái đinh gì, thằng Quảng nói chắc như chém, mắt nhìn về phía đông, phía thành phố. Tôi còn tưởng rằng cái ánh mắt của nó phát ra hào quang, nhưng chắc chỉ là hoa mắt thôi.

Khi thằng Quảng hỏi tôi có muốn đi thành phố không, tôi nói không biết. Nó nói, đồ không có chính kiến, không có suy nghĩ, không có tương lai. Tôi nhìn nó, chả thèm nói gì. Tôi không chỉ muốn đi thành phố, tôi còn muốn đi lên núi, muốn đi xuống biển, muốn đi ngang qua bầu trời, muốn đi đến hết thảy những nơi mặt trời đi qua.

Ba tôi thì quá yêu làng. Ba nói, làng tôi tĩnh lặng, làng tôi chan hòa, làng tôi đẹp, làng tôi đầy kỷ niệm, làng tôi bình yên. Phải chi, ba đừng yêu làng quá như vậy, có khi mẹ tôi sẽ không bỏ đi. Người phụ nữ nào lại chịu được chồng mình yêu một cái gì đó hơn mình, mà cái đó lại là cái bà ghét cay ghét đắng.

Tôi chưa bao giờ ghét làng. Thằng Quảng thì khác, nó ghét làng. Ghét cay ghét đắng. Tôi hỏi sao mày ghét dữ vậy. Nó chỉ im. Hình như im lặng cũng là một cách trả lời. Cái làng này quá im lặng.

Im được cũng mừng! Thằng Quảng nói thế. Nó hỏi, mày có nhớ, thằng Bính từng nói mày là đồ không mẹ không? Đó là lần duy nhất thằng Quảng nhắc tới việc đó. Tôi nổi giận, giả vờ nổi giận, rồi bỏ đi. Chẳng là, tôi không muốn thừa nhận rằng mình nhớ.

Rồi tôi cũng thôi nhìn về phía mặt trời và cầu nguyện. Năm ấy tôi học lớp mười.

Tôi không còn trách mẹ, cũng không dám trách ba. Tôi có quyền gì? Đó là cuộc đời của họ, họ có quyền chọn. Giống như cuộc đời của thằng Quảng, nó có quyền chọn. Giống như cuộc đời của tôi, tôi có quyền chọn.

Ba tôi chọn làng. Vì làng tôi yên bình, làng tôi trong mát, làng tôi đẹp. Thanh bình và trong mát,

tôi không biết, nhưng đẹp, tôi công nhận. Tôi thích nhìn làng từ trên đồi xuống. Những cánh đồng xa tít tắp, những con đường quanh co, con sông uốn lượn như ôm trọn lấy làng. Những rừng cây phía xa xanh rặt một màu. Những mái nhà lẫn khuất, màu ngói đỏ nổi bật giữa rừng xanh bạt ngàn. Nếu nhìn lên cao, còn có mặt trời đỏ au và bầu trời xanh thăm thẳm. Làng tôi đẹp như thế đấy. Tôi tin, nếu có một tay nhiếp ảnh gia nào đến đây một lần, hẳn sẽ phải bấm máy liên tục. Hay là, chỉ khi yêu mới thấy đẹp. Tôi yêu làng tôi đến như vậy sao? Nhưng, tôi cho dù làng có đẹp hơn nữa, tôi vẫn có một cái khao khát được cuốn gói khỏi làng.

Có lần tôi hỏi ba vì sao không rời làng, ngày đó nếu ba rời làng, biết đâu cuộc đời sẽ khác. Ba nói, nếu ba rời làng, bây giờ tôi đã hỏi ba, vì sao ngày đó không ở lại, biết đâu cuộc đời sẽ khác. Phải, ai mà biết được.

Nhưng tôi vẫn muốn rời làng, đi đến những nơi mà mặt trời đã đi qua.

Ba tôi nói, không cấm, như ba tôi chưa bao giờ ngăn cản mẹ. Chỉ là, ba sẽ ở lại làng thôi.

Thằng Quảng thì mỗi ngày đều tỉ mẩn như một con ong thợ, rót vào tai tôi những lời đường mật về thành phố. Này, tôi bảo, tao đâu có nhà quê đến mức không biết thành phố ra làm sao, tao có coi tivi nhé.

Thằng Quảng cười, nói, nhưng mày chưa thấy tận mắt thành phố trông ra làm sao phải không? Thành phố không chỉ gọn trong cái tivi màn hình cong mười bốn inch nhà mày đâu. Tôi liếc nó, mày làm như tao ngu lắm vậy. Nhưng mà, thật lòng thì tôi cũng không tưởng tượng ra những nơi mặt trời đã đi qua to lớn như thế nào.

Trong en nờ cộng một con đường rời khỏi làng, thì con đường vinh quang nhất chính là đậu đại học. Làng tôi có mấy ai học được tới đấy đâu. Ôi thôi, có một đứa con đậu đại học là cả họ nhà đó vác mặt lên trời, mổ heo mổ gà khao cả làng inh ỏi.

Tôi nói, sợ tôi mà đậu rồi, mắt mũi ba tôi để ở trên trời, không nhìn đường đi vấp té thì khổ. Tôi nói, sợ tôi mà đậu rồi, ba tôi không có heo có gà, mổ con Miu khao làng thì tội nó.

Nói là nói vậy thôi, đến khi người ta đi làm hồ sơ thi đại học, tôi vẫn làm. Tôi làm hai bộ y chang thằng Quảng. Nó hí hửng trong lòng mà mở miệng quở tôi, cái đồ không có tương lai, mày phải học ngành mày thích, môn sở trường của mày, chứ theo tao làm chi. Tôi cười cười, nói, tại tao không biết trường nào nên theo mày cho chắc. Nhưng tôi âm thầm làm một bộ khác, nộp vào ngành du lịch. Tôi nghe nói, học ngành đó có thể đi đến những nơi mặt trời đi qua.

Đợt này ba tôi lại ho. Năm nào cũng vài đợt, sớm thì một tuần, trễ thì hai tuần là hết. Nhưng lần này ba tôi ho những một tháng mười ngày mà chưa thuyên giảm. Tôi giã cần dày lá cho ba mà lòng mặn chát, tôi ghét tiếng ho giữa ban đêm của ba. Khụ khụ, khô khốc. Tôi ghét, và sợ.

Ba tôi bị tổn thương phổi vì hồi trẻ suýt chết cháy trong một cái hợp tác xã ở thành phố. Sau đó ba tôi về làng làm chân bảo vệ trường cho đến bây giờ. Tôi nghĩ, vì vậy mà ba tôi ghét thành phố, chỉ có ở làng ba mới cảm thấy an toàn.

Tôi và Quảng thi tốt nghiệp xong, nó chuẩn bị ra thành phố ôn tập. Nó không mắng tôi thi văn bị lệch tủ, nó cũng không kí đầu tôi vì môn toán có tới 4 câu đáp án ra khác nó, nó chỉ nói: mày ra thành phố với tao ôn thi. Tao lấy tiền tao để dành cho mày, mày nhất định sẽ đậu. Tôi nhìn nó, chẳng nói gì.

Thằng Quảng tránh ánh mắt của tôi, nói, tao không có cho, tao sẽ đòi. Tôi vẫn chưa thèm nói gì.

Thằng Quảng nói tiếp, thôi được rồi, tao sẽ đòi cả lời, cả vốn. Lần này tôi không nhìn nó nữa, tôi mà nhìn nó tiếp thì không biết nó còn muốn đòi tôi cái gì. Tôi gật đầu với nó, nhưng tôi không đồng ý, chỉ là tôi hứa sẽ suy nghĩ thôi.

Thằng Quảng nhìn tôi thương hại, coi, có đồ ngu nào như mày không? Đến lúc này còn phải suy nghĩ? Dùng óc của con bò để nghĩ cũng biết phải làm sao.

Vậy chứ, khi đi về, tôi nhìn về phía mặt trời, mỉm cười và chào. Mặt trời đi khắp thế gian.

Ba tôi đồng ý, tôi biết tỏng ba sẽ chẳng bao giờ phản đối. Ba cho tôi hết tiền tiết kiệm. Tôi cầm lấy, biết đấy là tiền ba tôi để dành mua quan tài. Người quê tôi ai cũng thế, lo xa lắm.

Tối đấy, ba tôi ho ra máu. Có lẽ không phải lần đầu, nhưng bình thường thì tôi không biết. Do hôm nay tôi chộn rộn, ra lấy cái này, kiếm cái kia, nên mới thấy ba tôi khù khụ ở sau hè. Ba tôi ho ra máu, một bụm máu, đỏ tươi.

Tôi không nói gì, trở vào mùng. Mới chợp mắt được một chút thì tôi mơ thấy một giấc mơ chỉ đặc quánh màu đỏ và màu đen. Màu đen, chắc là do tôi nhắm mắt. Còn màu đỏ, chắc là màu mặt trời. Mà nói vậy thôi chứ lòng tôi không biết đó là màu máu hay màu mặt trời nữa.

Sớm hôm sau, tôi lên đỉnh đồi, đứng chờ thằng Quảng. Một chút nữa sẽ có chuyến xe lam đi từ làng ra thị trấn, rồi sau đó từ thị trấn có thể đón xe đi thành phố. Thằng Quảng thấy tôi, nó mừng húm, tôi sợ nó mà có cái đuôi không chừng nó vẫy còn nhanh hơn con Miu được cho xương.

Nhưng nó thấy tôi đi tay không, mặt nó tối sầm lại, giận dữ trừng mắt nhìn tôi. Cái đồ không có tương lai, không biết suy nghĩ, đồ ngu như con bò, à không, thua cả con bò. Tôi nghe nó mắng cho đã đời rồi mới nói, qua ba tao ho ra máu.

Nó chưng hửng, không mắng nữa. Nó đã biết đáp án rồi đấy, ba bộ hồ sơ tôi làm lại phí tiền rồi. Quảng im lặng nhìn tôi một lúc rồi mới nói, tao biết rồi. Nó không xin lỗi vì đã mắng oan tôi, nó chỉ nói nó biết rồi. Thằng khỉ!

Nó đứng với tôi một lúc thì xe lam đến, nó lên xe với mấy bà xồm xồm ra thị trấn mua hàng. Nó gọi vói theo tôi, nói rằng năm sau, nhất định tôi phải xuống thành phố.

Tôi vẫy tay với nó, nhìn chiếc xe chở thằng bạn thân nhất của tôi lao xuống dưới dốc, xình xịch chạy qua cánh đồng. Thằng bạn thân nhất của tôi, nó đi về phía mặt trời, thực sự đi về phía mặt trời rồi.

Tôi nhìn mặt trời, mỉm cười và chào. Mặt trời đi khắp thế gian, nên tôi sẽ cầu nguyện cho thằng Quảng, như tôi đã từng cầu nguyện cho mẹ tôi.

Tôi đứng nhìn mãi cho đến khi chiếc xe chở thằng Quảng mất dạng mới quay về. Tôi đi, ngược hướng mặt trời.

À ơi, hoa bay lên trời...À ơi, hoa cải bay đi...Rau răm thôi đành ở lại...

Quê nhà – sáng tác Trần Tiến
2hi.us