Ring ring
Khung cửa sổ bàn số 5

Khung cửa sổ bàn số 5

Tác giả: Sưu Tầm

Khung cửa sổ bàn số 5

Đan xuất hiện nhiều hơn trong suy nghĩ của tôi, đến tận bây giờ, khi sắp 18 tuổi, tôi mới biết cảm giác bị ám ảnh bởi một người con gái là như thế nào. Cứ rảnh rỗi là hình ảnh nhỏ chờn vờn trong đầu, những lúc ấy có một cảm giác gì dễ chịu xâm chiếm lấy mình mà tôi không thể nào lí giải được. Khi người ta thích một ai đó thì tự nhiên sẽ thấy người ấy ở khắp mọi nơi.

-o0o-

Mùa hè vẫn inh ỏi trên những vòm lá xanh đậm, nhưng mùa học của tôi đã bắt đầu rồi.

Con đường tôi đi học sáng lóa hoa điệp vàng, cả trên tán cây lẫn dưới mặt đất, hoa vàng tạo nên một khung cảnh kì diệu lắm, nhưng tôi không quan tâm, chỉ thấy khó chịu khi mỗi sáng đến trường vừa đi vừa gà gật mà tới đây thì không tài nào ngủ tiếp được nữa. Mới sáng mà con đường nhỏ đã rực như thắp đèn, trông xa cũng giống một dải bắp rang bơ vàng ửng người ta đánh rơi.

Như thường lệ, đi hết con đường hoa điệp vàng, tôi thấy Đan từ bước ra từ cánh cổng màu rêu, lúc mới đi ra khỏi nhà, đầu nhỏ cúi thấp, hai tay nắm chặt vào nhau, đi được một quãng, đến đúng cái khóm cúc Đà Lạt da cam ven đường thì cổ nhỏ mới bắt đầu chuyển động, ngửa lên trời, nhìn sang hai bên, tay cầm dây đeo cặp, tôi thấy đôi vai gầy thi thoảng đưa lên đưa xuống, nhỏ đang cố hít thở không khí trong lành buổi sáng.

Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình làm thế, như theo dõi người ta, mà đúng là đang theo dõi người ta thật. Nếu để bọn bạn biết thói quen đi sau và quan sát Đan như thế này, chắc chắn chúng nó sẽ hùa vào mà trêu tôi, vì chúng nó sẽ nghĩ rằng tôi thích Đan.

Tôi đang lê bước vào năm 12 cuối cấp, nhưng thực lòng mà nói tôi vẫn là một thằng ngờ nghệch, không hơn. Có một điều tôi ngờ ngợ, không rõ là có đúng hay không, nhưng nếu đưa ra câu hỏi chỉ được trả lời đúng hay sai, thì có lẽ đúng thật. Ừ! tôi thích Đan.

***

Nhà tôi cách nhà Đan đúng một con đường, không dài, đủ để tôi từ trạng thái mê ngủ ở đầu đoạn đường đến lúc tỉnh hẳn khi đi đến cuối nó và bắt gặp nhỏ. Tôi học cùng nhỏ từ năm lớp 10. Những ngày đầu, tôi rất sợ một đứa như nhỏ, học giỏi, xinh xắn, lạnh lùng, làm cán bộ lớp, và nhiều người theo đuổi. Với một thằng ham chơi, nhác học, suốt ngày lông nhông trong mấy quán game hay chạy huỳnh huỵch giữa trưa ngoài sân bóng thì nhỏ Đan trong từ điển của tôi được liệt vào danh sách quái vật ngoài hành tinh, hoặc yêu quái, vì tôi mê Tây Du Kí, dù đã lớn rồi, nhưng tôi không bỏ sót tập nào nếu bộ này được chiếu lại, bởi từ phim tôi đã rút ra được nhiều chân lí lắm, đặc biệt là sự thật không phải ai cũng biết: những đứa con gái xinh và giỏi, thì đều là yêu quái. Và tôi biết những đứa như thế thì cũng chẳng bao giờ coi người như tôi ra gì, thôi kệ. Có điều tôi tự thấy khó hiểu, tôi thường hay chế giễu mấy thằng con trai khi cứ mải mê ngắm nhỏ lúc nhỏ học bài, thật là đồ háo sắc, nhưng tôi cũng không thể ngăn mình thi thoảng liếc trộm cái khung cửa sổ nhỏ ngồi, ánh nắng trót lọt, ngoài sân trường tôi cũng đầy những hoa điệp vàng, nhưng so với bên trong khung cửa ấy, thì có vẻ bị kém rạng rỡ hơn. Nhưng dù có thế, tôi vẫn không thích nhỏ, coi như chẳng cùng thế giới cho dễ sống, tôi chưa một lần nói chuyện với Đan.

Nào ngờ lưới trời lồng lộng, tôi không thể thoát, ghét của nào trời trao của nấy. Đầu năm lớp 12, tôi bị chuyển tới ngồi cạnh Đan, một kết cục quá bi đát cho kẻ lười biếng.

Tự tôi giữ khoảng cách với nhỏ, làm như vậy mới mong sống yên ổn. Cũng từ thời điểm đó, Đan có những thay đổi kì lạ, nhỏ trở nên ít nói, không cười, vẻ mặt lạnh lùng sẵn có càng lạnh như băng, đôi mắt rất sáng giờ luôn trễ xuống ở khóe mi, không biết có chuyện gì xảy ra, hay nhỏ muốn tập trung học cho năm cuối cấp. Nhiều lúc tôi tự đập vào đầu mình, rõ ràng tôi không ưa nhỏ, nhưng sao vẫn cứ quan sát, để ý nhỏ như vậy.

Lại nói về mình, tôi không phải là một thằng nhận thức kém, nói đúng ra là khá thông minh, nhưng tôi lười quá, và đã lười thì có muôn vàn lý do để ngụy biện cho cái sự học hành chểnh mảng. Đến tận lớp 12 rồi, tôi vẫn chưa có định hướng nào cụ thể, vẫn như một quả trứng được bố mẹ bao bọc. Tôi cũng muốn kiếm cho mình một cái đam mê, một con đường để tự lập, nhưng bố mẹ ngày nào cũng rót vào tai tôi mấy câu kiểu:

- Học mau ra rồi về nhà bán hàng với bố mẹ, dễ kiếm tiền.

Tôi chán, nhưng cũng mặc kệ, đứng giữa bao nhiêu ngả đường của tuổi trẻ, tôi chọn con đường buông xuôi, có thể nói, tôi là một thằng hèn, vì khi ấy tôi chưa biết suy nghĩ như một người trưởng thành. Có lẽ trong đời ai cũng từng một lần như thế, quan trọng là có biết thức tỉnh hay không.

Lớp tôi gồm những thành phần đa số là thích chơi hơn học, đến năm nay thì có vẻ tinh thần thi cử cuối cấp đã ngấm vào đầu chúng nó, ai cũng lo lắng chú tâm mà học để ra trường. Nhưng chơi mãi thì kiểu gì chẳng tạo ra lỗ hổng, lớp tôi có truyền thống học kém và sợ môn Lý. Năm ngoái được thầy dễ tính dạy mà điểm đứa nào đứa nấy đều lẹt đẹt, ngoại trừ nhỏ Đan. Đúng như người ta hay nói, khi ta lo sợ điều gì, thì y như rằng điều đó sẽ đến. Lúc nhỏ Đan đi họp cán bộ lớp đầu năm về thông báo tên giáo viên chủ nhiệm mới, gần như cả lớp phản ứng theo dây chuyền: khóc một dòng sông. Đứa nào đứa nấy nhìn nhau cằm rơi xuống cổ, trong mắt đã long lanh những con điểm 0, 1, 2 nhảy nhót tưng bừng. Tất cả đều biết ngày tận thế sắp đến, khi bây giờ chủ nhiệm lớp tôi là cô Bắc, người được mệnh danh Sát thủ lực hướng tâm, tức là những dân đen dưới sự thống trị của cô ấy đều bị quay cuồng và văng tung tóe cho tan xác; Dòng điện một chiều hay Máy biến thế… Nghe các anh chị khóa trước truyền lại, lớp nào học cô, lớp ấy cứ xác định một đi không trở lại.

Giữa cái đám đông hỗn loạn vì kinh hãi ấy, Đan bình thản trở về chỗ ngồi, nhỏ đi đến đâu, tôi cảm tưởng hàn băng chân khí tỏa ra ở đó. Lúc nhỏ lách người sau tôi để vào trong, tay nhỏ khẽ chạm vào lưng áo, tôi thấy mình run bắn một cái như điện giật. Cả buổi tôi cứ bị cái cảm giác lâng lâng không tiếp đất khó chịu bám riết lấy, chẳng hiểu sao. Hoa điệp tô vàng khung cửa sổ bàn số 5, có một khuôn mặt lạnh lùng in lên ô cửa ấy.

Cô Bắc thực sự còn kinh dị hơn nhiều so với các giai thoại để lại. Với thuyết “không nhân nhượng” cộng với bộ mặt âm 273 độ K và đôi mắt như được làm bằng kim loại siêu dẫn điện, cô làm tê liệt tất cả mọi đối tượng đang run rẩy cắn bút phía dưới lớp.

Không ngoài dự đoán, tháng đầu tiên chúng tôi đã được nếm trải ách thống trị “tàn bạo” của Sát thủ lực hướng tâm. Vẫn cái thói không bao giờ học Lý, thằng Nam Trứng Vịt đã bị đưa lên đoạn đầu đài ngay từ tiết Lý thứ 3, nó nghênh ngang đi lên bảng, vừa đi vừa quay đầu sang hai bên và hôn gió các “fan”. Kết cục thì ai cũng biết, nó ôm một quả trứng tròn xoe về chỗ ngồi, cô Bắc ghi thẳng con 0 vào sổ điểm, “không nhân nhượng”. Cả bọn quay sang trêu:

- Mày nối nghiệp bố mẹ được rồi Nam Trứng ơi, học hết năm nay chắc cô cho mày đủ vốn.

Tiếng cười khúc khích, thằng Nam Trứng cũng tẽn tò cười, nhưng trong cái cười của nó có cái gì thảm thảm.

Tôi cũng không nằm ngoài cái danh sách bị xử trảm. Đứng trên bảng trả bài, tôi

chắp tay ra sau, chỉ ấp úng được vài câu nhớ mang máng trong đầu, nhìn ra ngoài cửa lớp, hoa điệp đang rụng dần, tán cây thưa lộ ra vài mảnh trời xanh ngọc, thu chắc đang trên đường đến, mùa thu cuối cùng của đời học sinh. Cô Bắc cho tôi mang về một con ngỗng dài ngoằng, lúc ném cho mấy chiến hữu dưới lớp một nụ cười, tôi bắt gặp mắt Đan, hàng lông mày khẽ nhíu lại, có nhiều thứ trong đôi mắt ấy. Tôi không cười nữa, lặng lẽ vào chỗ như một tên trộm vừa bị đánh. Hình như tôi đã sai, với chính bản thân mình.

Ngoài tiết mục kiểm tra miệng kinh hoàng, cô Bắc còn có một tuyệt chiêu khiến tất cả lũ trò chúng tôi chết ngất, đó là thi thoảng đang giảng bài, cô bỗng nhiên dừng lại, cả lũ nín thở như đợi giao thừa. Cô mỉm cười, nụ cười sắc như kiếm Nhật, có thể chém một phát đứt đôi …., và chậm rãi nói một câu khiến ai nấy rụng rời:
– Lấy giấy kiểm tra 10 phút!

Chúng tôi đặt cho cô Bắc một biệt danh ngầm mới: Bác Đại Bằng. Người ngoài nghe chắc chẳng ai hiểu, chỉ có lớp tôi mới hiểu được cơn ác mộng mang tên Bắc Đại Bàng.

Bảng điểm của chúng tôi dần được tô điểm bằng những con số không bao giờ quá 5, đứa nào được 5 sẽ phải khao cả bọn, nhưng khổ thay không đứa nào được hưởng cái diễm phúc đó. Tất nhiên những trò này đều ngoại trừ nhỏ Đan. Lớp tôi bắt đầu không mấy thiện cảm khi một mình nhỏ cứ điểm cao chót vót, rất được cô Đại Bàng tín nhiệm, đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra. Và nhỏ lại càng bị kì thị khi sinh hoạt lớp cuối tuần đứng lên phê bình cả lớp, nhỏ nói thẳng:

- Nếu các cậu cứ học như vậy, thì không chắc đã qua được năm nay, qua được kì thi tốt nghiệp.

Mấy thằng bạn lúc trước thích nhỏ, giờ cằn nhằn trong ngao ngán: “Con nhỏ tinh tướng”. Nhưng cả lũ thở dài, Đan nói đúng thật, năm cuối rồi, cứ tình trạng này liệu chúng tôi có qua được kì thi nào không?

Đôi khi không biết có việc bận gì, cô lại đi ra ngoài, và đưa đề kiểm tra 10 phút cho Đan chép lên bảng, mọi người xì xầm nhỏ được thiên vị, hay biết trước đề. Chẳng biết nhỏ có biết không, nhưng tôi thấy tội nhỏ. Tôi đã không còn ghét nhỏ nữa, trong khi cả lớp bắt đầu nhìn nhỏ với con mắt khác.

Tôi thường xuyên thiếu đồ dùng học tập, đặc biệt là giấy kiểm tra, mỗi lần cần, tôi lại í ới vay mượn khắp nơi, hoặc xé vở. Có lần không thằng nào cứu trợ nữa, tôi loay hoay tìm trang giữa nhưng cũng chẳng còn quyển vở nào đáp ứng được, đang nhăn nhó thì bàn tay bên phải đẩy sang một tờ giấy đã được kẻ điểm lời phê, tên họ đàng hoàng: Nguyễn Linh Đan. Tôi giật mình quay sang, mắt Đan vẫn chăm chú nhìn vào cây bút đang cầm, bàn tay đã rút về đúng địa phận của nó. Tôi chưa kịp cảm ơn thì cô đã đọc đề. Vội vàng gạch chữ Đan đi, thật may, tên của Đan chỉ hơn tên tôi đúng một chữ, tự nhiên tôi lại cười.

Đan xuất hiện nhiều hơn trong suy nghĩ của tôi, đến tận bây giờ, khi sắp 18 tuổi, tôi mới biết cảm giác bị ám ảnh bởi một người con gái là như thế nào. Cứ rảnh rỗi là hình ảnh nhỏ chờn vờn trong đầu, những lúc ấy có một cảm giác gì dễ chịu xâm chiếm lấy mình mà tôi không thể nào lí giải được. Khi người ta thích một ai đó thì tự nhiên sẽ thấy người ấy ở khắp mọi nơi.

Tôi luôn canh đúng giờ đi học để đi cùng Đan từ cuối con đường hoa điệp vàng đến trường dù là chỉ đi sau như kẻ ám sát. Tôi chỉ muốn đảm bảo nhỏ an toàn trên đường đi, từ khi nào tôi lại có cái ý nghĩ điên rồ là bảo vệ cho nhỏ như thế nhỉ? Trời đã chuyển sang thu. Bầu trời cong lại giống mái vòm, những đám mây xốp trắng thong thả trôi như những bản tình ca. Không biết từ lúc nào tâm trạng tôi cứ bồng bềnh, bồng bềnh như thế. Nhiều lúc truy hỏi lương tâm, tại sao tôi lại thích Đan, tại sao tôi lại thích một đứa như nhỏ, vò đầu bứt tai như tổ quạ, tôi thấy mình đần cả người, thích là thích, chứ không thể biết tại sao.

Dạo gần đây Đan lại có những hành tung bí ẩn, nhỏ hay ở lại sau giờ học và chui vào bãi để xe sân sau trường, cái dáng vội vàng khẩn trương, có chút cảnh giác của nhỏ làm tôi tò mò, nhưng tôi không dám đi theo, mặc dù rất muốn. Hôm nay lần đầu tiên Đan đi học muộn, cái khoảng trống bên phải khiến tôi thấp thỏm không yên, đến khi nhỏ đứng xin phép thầy ở cửa lớp, tôi mới thôi lo lắng. Vẫn cái thái độ lạnh lùng bình thản, nhỏ đi êm ru vào chỗ ngồi, nhưng trong mắt dường như có điều gì rón rén. Tôi thi thoảng cứ quay sang ngó nhỏ lom lom, nhỏ quay sang là lại giả vờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Điệp đã rụng hết không còn sót cánh nào, lá bàng đang ốm nghén ngả màu, trên tán xà cừ, có đôi chim sẻ đang hàn huyên tâm sự, tích tích tích…

Grù..grù…..grù… tiếng động lạ phát ra từ ngăn bàn Đan, tôi lắng tai nghe mới thấy. Nhỏ lật đật đút tay vào ba lô trong hộc bàn, mắt chớp chớp liên hồi. Rõ ràng tôi nghe thấy tiếng thở của con gì đó, hình như là một con mèo. Đan mang mèo đến lớp làm gì nhỉ, thật kì lạ, nhỏ càng ngày càng kì lạ. Xem chừng nghĩ rằng tôi đã biết, nhỏ quay sang không nói gì, chỉ dùng ánh mắt nói chuyện, tôi dịch được thứ ngôn ngữ vô thanh ấy ra thành:

- Cứ coi như cậu không biết gì đi.

Lần đầu tiên tôi thấy nhỏ bối rối. Cái cách một người luôn luôn tự chủ được những việc mình làm lâm vào cảnh không biết đối phó thế nào thật dễ thương. Tôi vẫn chú ý vào con mèo nhỏ, nó bắt đầu rên ư ư, có vẻ không chịu được cái không gian ngột ngạt nóng bức, nó sắp kêu meo lên rồi. Tôi chợt nhớ ra mấy thứ đồ hay cầm đi để trêu bọn con gái, thò tay vào ngăn cặp lục tìm, tôi dúi cho nhỏ Đan con chuột giả. Mèo con chắc là mải mê với đồ chơi mới, không quấy nữa. Đan cảm ơn tôi bằng một nụ cười. Cái lúc đưa con chuột cho nhỏ, tôi thấy ngón tay mình chạm vào lòng bàn tay nhỏ, mặt tôi nóng bừng lên, tôi phải cúi xuống vì sợ bị nhìn thấy khi đỏ mặt, giờ nhìn thấy nhỏ cười, cái cười từ mắt, đến môi, đến cái má lúm một bên, tất cả đều cười, vừa sáng bừng vừa dịu dàng như tháng chín, da gà da vịt của tôi nổi lên hết cả. Có thể nhỏ là yêu quái thật, chỉ cười một cái mà đã làm người khác chao đảo hồn bay phách lạc thế này.

Tan học Đan lại lủi ra phía sau trường, lần này tôi quyết tâm đi theo, nhỏ làm gì mờ ám không nghiêm chỉnh thì tôi không nghi ngờ, tôi chỉ sợ nhỏ gặp nguy hiểm.

Đan biến mất sau đống gạch đá đổ dở góc cuối bãi để xe, tôi thấy chộn rộn nhiều âm thanh gù gù meo meo nho nhỏ, chắc không phải chỉ một con mèo. Tôi đừng thập thò sau gốc bàng cổ thụ ngó vào. Lúc này nhỏ Đan băng giá hằng ngày biến mất, giữa đàn mèo 5, 6 con non và một mẹ mèo tam thể, nhỏ hiền lành như một cô tiên. Mắt cười lấp lánh. Nhỏ nựng từng con mèo nhỏ, đồ sữa và đồ ăn ra cho chúng, cái ổ kìn đáo dựng bằng thùng các tông tựa như xứ sở của những chú lùn. Nhưng nhiều mèo như thế này làm sao mà nhỏ nuôi được hết cho đến lớn.

Tôi cứ mê mải ngắm, mỏi gối quá đổi tư thế thì vô tình dẫm phải cành cây khô dưới đất đến “rắc” một cái. Không kịp chạy, Đan đã phát hiện ra tôi. Trước giờ tôi vẫn thấy mình giống như một thằng ngố, nhưng bây giờ chắc bộ dang tôi không khác gì thằng hề, tôi không dám chạy, cũng không dám bước tới, thế là ngồi thụp xuống, nhặt nhặt lá bàng và xâu lại, đúng như người ta miêu tả những thằng dở hơi

chuyên đi nhặt lá đá ông bơ. Tôi lại biết thêm một sự thật đau lòng nữa, khi người ta thích một người, thì bất cứ lúc nào cũng có thể trở nên ngu ngốc trước mặt người ấy.

Đan đến gần tôi, bình thường ngội cạnh nhau, tuy có tự phân chia lãnh thổ nhưng cũng chỉ cách một bàn tay, giờ nhỏ cách tôi hẳn mấy bước chân mà tôi lại run như cầy sấy, tôi đâu có làm gì sai.

- Linh ơi! Cậu có thích nuôi mèo không?

Thì ra là thế, Đan nhặt được mèo bị bỏ rơi, con mèo mẹ sắp sinh, vậy là nhỏ thương và nuôi nó đến tận ngày trở dạ. Rồi lại chăm sóc cho lũ mèo con từ ngày chưa mở mắt, một con bị ốm, nhỏ mang đi chữa bệnh rồi sáng nay mới đưa nó về với mẹ. Nhỏ không được phép mang mèo về nhà, nên mới phải tìm chỗ trong trường để nuôi. Tôi thấy lòng mình mềm nhũn, tưởng nhỏ ghê gớm với người, thì chắc là chẳng yêu thương cái gì cho nổi, nhưng tôi đã nhầm. Lòng người đa chiều lắm, luôn có một nơi ấm áp dù cho những chỗ khác có lạnh lẽo, hoặc giả là người ngoài không thể thấy được sự ấm áp trong tấm lòng con người ấy.

- Cậu giỏi thật, làm việc lén lút bao nhiêu ngày mà không bị phát hiện.

Đan không nói, chỉ cười, tôi không biết hôm này trời có bão tố giông lốc gì không, nhưng quả là một kì tích.
Tôi khuân hết đống mèo của Đan về nhà, hứa sẽ tìm chủ nuôi lũ mèo con cho nhỏ. Nhỏ còn chưa tin hẳn, đòi gặp chủ mới rồi mới đồng ý. Tôi kêu gọi mấy thằng bạn thân có em gái, bắt chúng nó mua về cho em nuôi. Chật vật mãi cũng lo cho lũ mèo được yên ổn.

Chỉ có tôi là không yên. Thằng Tuấn xù bóp bóp cằm bắt chước Gia Cát Lượng:

- Tao nghĩ mày bị bệnh rồi Linh ơi!
– Cái gì?
– Mày bệnh rồi, nên mới đi buôn lậu mèo với con nhỏ Đan quái dị

Thằng Long ruồi lại đế thêm:

- Đúng đúng, mày bị bệnh tương tư rồi con ơi…

Tôi thụi cho hai thằng bạn mỗi thằng một quả.

Kể từ lần ấy, trên lớp, Đan vẫn không hết lạnh lùng, vẫn không nói nhiều hơn, cũng chẳng cười, tôi tự hỏi tại sao lại có con người oái oăm như nhỏ. Nhưng có điều lạ, là thi thoảng không có giấy kiểm tra, bàn tay bên phải đưa sang cho tôi tờ giấy, đã kẻ điểm lời phê và họ tên, chỉ khác là không phải Nguyễn Linh Đan, mà là Nguyễn Linh.

Những người khó hiểu, luôn khiến người ta muốn hiểu họ nhiều hơn.

***

Trở về với chuyện cô chủ nhiệm Đại Bàng, sau buổi họp phụ huynh bất thường đầu tiên vào giữa kì một, các bậc cha mẹ xưa nay vẫn yên tâm vì con cái dù nghịch ngợm đến mấy cũng không thể ở lại lớp, nay đã gục ngã trước cơn đại dịch mang tên “bảng điểm” và lời đe doạ sẽ không đủ điều kiện thi tốt nghiệp vì môn Vật Lý mang đầy tính nhân văn. Trứng, gậy, vịt gà ngan ngỗng cứ thế được phụ huynh mang về nhà mà phang tới tấp vào mặt con trẻ, những tội nhân giấu mặt xưa nay đã bị lôi ra ánh sáng. Tối hôm đó hàng loạt những cuộc điện thoại kể khổ kèm theo hàng loạt kế sách đã được đưa ra để làm sao sống sót qua cái môn hãi hùng này.

Ngay hôm sau, bọn thằng Hùng “hồn” vì quá cay cú với vụ khủng bố bất ngờ, bày trò trả đũa cô Đại Bàng. Trên bục giảng chỗ cô hay đi lại có một cái lỗ hổng nhỏ xíu do gạch vỡ, chúng nó đục thêm cho cái lỗ to hơn cái gót đôi giày cao cô hay đi.

Quả nhiên không ai trên đời này hoàn hảo, sát thủ cũng có lúc gặp nguy. Đúng vào tiết học có người dự giờ, cô Đại Bàng mắc chân vào cái lỗ hổng do “quân phản nghịch” đào bới, gãy cả gót giày, Đại Bàng gãy cánh ngay trên bục giảng, cũng may chỉ đau chân sơ sơ, không nghiêm trọng.

Dân tình hả hê, chỉ có Đan giờ ra chơi lặng lẽ ra ngoài sân thể dục lấy cát sỏi lấp đầy cái hố nhỏ nhưng nguy hiểm chết người. Tôi nhìn những việc làm của nhỏ, thấy trong lòng tự nhiên buồn, không còn khoái trá của cái trò trẻ con kia nữa.
Trả đũa được một lần không có nghĩa là những bài kiểm tra hắc ám của chúng tôi chấm dứt.

Và cuộc hành trình của những con thiêu thân bắt đầu. Tất cả lao đầu vào học, dù sao thì mười hai năm đèn sách không thể có kết cục bi thảm chỉ vì một môn học xưa nay vẫn lười nhác cho qua. Bắt đầu xuất hiện lác đác nhưng con 6 khi trả bài kiểm tra. Nghe thằng Nam Trứng Vịt khoe bố mẹ nó đã ép plastic điểm 6 đầu tiên của nó rồi đóng khung treo giữa nhà. Rồi những điểm 7, 8 cũng bắt đầu xuất hiện. Lớp tôi như đang bước vào thời kì phục hưng, mọi bóng tối có vẻ như đang dần lùi về hậu trường nhường chỗ cho ánh hào quang phía trước.

Riêng tôi, tôi mua hẳn cuốn sách giải Vật Lý để đối phó khi gặp bài khó quá mà quên mất kiến thức đã học không giải được.

Một lần kiểm tra 10 phút bất ngờ, vì đêm hôm trước mải thức khuya xem bóng, tôi không kịp giải lại mấy dạng bài cô cho ôn tập, bí quá, tôi mở quyến sách giải trong ngăn bàn, nhẹ nhàng như khi lướt qua hàng phòng ngự của đội bạn để dẫn bóng về khung thành. Nhưng bỗng đâu tôi bị trọng tài thổi phạt. Đan đang nhìn tôi chằm chằm, ánh mắt nhỏ, làm tôi tê cứng, bàn tay trong ngăn bàn như bị búa giáng cho một nhát. Thường tôi vẫn dịch được thứ ngôn ngữ vô thanh trong mắt nhỏ, nhưng lần này, tôi không tài nào hiểu được ánh mắt nghiêm nghị ấy.

Bỏ trống bài làm đang dở, nộp bài. Tôi tự hứa với mình sẽ cố gắng học để không kém cỏi trước mắt Đan, tôi sợ ánh mắt ấy, tôi thấy xấu hổ vì ánh mắt ấy.

Chưa bao giờ tôi phát hiện ra khả năng của mình cho đến khi tập trung cho một mục tiêu nào đó. Dần dần những công thức, những định lý đã trở thành niềm đam mê của tôi, tôi thấy mình như trở thành một con người khác khi việc học giờ đây là một sự vui thích chứ không chán trường như trước. Không phải chỉ mình tôi, bố mẹ tôi đã định đưa tôi đi khám bệnh khi thấy tôi tự giác vào bàn học, rồi hai người lục đục đi thắp hương lên bàn thờ khi tôi nói tôi không sao. Mấy thằng bạn thân thì lại được thể mở hội nghị bàn tròn và phán bệnh cho tôi:

- Mày bệnh thật rồi đấy Linh ơi.
– Mày yêu nó thật rồi Linh ơi.
– Mày bỏ bọn tao rồi Linh ơi..

Tôi lấy quyển sách bịt mồm chúng nó lại, lôi chúng nó vào mấy cái đề thi khó nhằn.

Cả lớp tôi có một bước chuyển mình mạnh mẽ, tôi trở thành ngôi sao vụt sáng môn Vật Lý. Có những lần cô ra bài khó quá, cả lớp giải không xong, tất cả nhìn về phía tôi chờ đợi, tôi được gọi lên bảng giải bài, dù trong lòng có đôi chút tự hào, nhưng tôi vẫn không hết thở dài. Vì tôi biết rằng trong vở người ngồi bên phải, bài đã làm xong từ lâu. Đan vẫn không nói, hai khoé môi chỉ khẽ đưa lên, rất nhẹ thôi, nhưng cái cười ấy đã theo tôi cả vào trong giấc mơ.

Đúng lúc cái tiểu quốc nhộn nhạo này đang tưng bừng tinh thần học Lý, thì cô Đại Bàng nghỉ dạy. Những ngày cuối cùng, cô ho nhiều, và nói nhỏ đi, có ngày cô còn mang mic đi để giảng bài cho rõ.

Những đứa ngày trước một mực không đội trời chung với cô giờ lại là những đứa lo lắng nhất. Không ai nghĩ rằng một ngày cô biến mất lại để lại sự hụt hẫng lớn lao như thế.

Rồi một buổi chiều đầu đông, chúng tôi được trường cho nghỉ học. Cả lớp nối đuôi nhau đến tiễn cô lần cuối.

Khuôn mặt cô không còn nghiêm nghị nữa, hiền lành và thanh thản như đang trôi trong một cõi bình yên vô tận, có lẽ cô đã vất vả rất lâu để đến giờ mới được nghỉ ngơi. Đứa nhìn thấy cô, đứa chưa

đến nơi nhìn thấy mặt cô, đều khóc. Chưa nói được lời cảm ơn cô, chưa nói được lời xin lỗi cô, cô đã ra đi như thế. Những vòng khăn trắng làm đầy thêm tiếng nấc nghẹn trong cổ họng. Mưa phùn làm nhoà thêm nỗi đau, thấm nỗi buồn mất mát vào trong lòng những đứa trẻ sắp từ biệt tuổi học trò. Đan đứng một mình một chỗ, ôm quyển sổ bìa rộng màu đen, lặng lẽ lau nước mắt.

Ngày hôm sau chúng tôi nhận được một tập tài liệu ôn thi từ cuốn sổ bìa rộng màu đen, đã được soạn thảo rất kĩ, tới phần nào có một vài người thấy khó, lại được đề tên người đó, kèm theo ghi chú: “Cố gắng lên em!”

Trang cuối là những dòng tâm sự của cô. Chúng tôi đã không thể biết rằng, cô lo lắng quan tâm đến chúng tôi như thế nào; không thể biết cô đã yếu rồi nhưng vẫn cố đi dạy cho cái lớp yếu kém nhất trường về môn lý, không thể biết mỗi lần kiểm tra 10 phút bất ngờ là những lần cô mệt quá không thể nào tiếp tục giảng bài; không thể biết đằng sau những con điểm thấp là những đêm cô miệt mài thức soạn bài để chúng tôi học cho dễ hiểu. Đọc đến dòng cuối cùng:

“Cô xin lỗi vì đã không thể đi cùng cả lớp tới cuối chặng đường. Cô yêu tất cả các con!”

Nhiều đứa oà lên khóc. Đám con trai ngày trước vẫn hay xuyên tạc những câu chuyện châm biếm về cô hay bày trò phá hoại giờ ngồi lặng thinh, niềm hối hận ngập đầy trong mắt. Cô ra đi để lại cho lũ trò nhỏ bài học sâu sắc và không thể quên trước khi bước vào đời: Đừng vô tình phán xét bất kì ai, vì bạn không thể biết những gì họ đã từng trải qua.
Thời gian của năm cuối cấp như được gắn thêm động cơ tăng tốc. Mùa đông lạnh không thắng được không khí đang sôi sục của cái đám đang dùi mài kinh sử.

Qua hai mùa, tôi vẫn đi sau Đan như thế. Những ngày rất lạnh, gió tạt dọc đường đi học. Đan quay lưng về hướng gió, hai tay ôm vào nhau, đi ngược chiều. Cứ ngày nào như thế, tôi lại không thể đi sau nhỏ được nữa. Không biết làm thế nào cho phải, tôi đành bước đi cùng.

- Cậu lạnh à? Sao lại đi ngược?
– Ừ, cũng hơi.
– Sao cậu không mặc áo ấm, nhiệt độ này không cần mặc áo đồng phục đâu.
– Tớ sẽ mua khi có điều kiện.
– Bố mẹ cậu không lo cậu ốm ư?
– Dùng tiền của bố mẹ thì không hay.

Tôi cởi áo cho nhỏ mặc, nhỏ nhất quyết không chịu, chỉ đáp lại bằng một cái lắc đầu kèm theo một nụ cười rất ấm nhưng làm tôi đau thắt một nơi trong lồng ngực. Giá như nhỏ có thể mở lòng ra một chút, giá như tôi có thể bớt ngớ ngẩn và nhút nhát đi một chút. Giá như tôi có thể nói ra…

Ngày chia tay càng gần tôi lại càng thấy nhiều điều rõ ràng lên từng chút một.

Bàn số 5, ô cửa. Có một thứ tình cảm chẳng thể gọi tên, có một người luôn nhìn về bên phải, một người luôn không nói. Ngoài khung sắt mưa nắng đã thay màu không đếm được số lần, nhưng số lần tôi được nói chuyện cùng Đan, đếm đi đếm lại vẫn chưa đầy mười ngón.

Thời đi học tôi không sợ niềm đau thi trượt, chỉ sợ bị rơi vào một mối tình vô vọng đơn phương. Bây giờ những ngày tháng cuối đang gần đến, tôi mới hiểu tại sao tình đầu thời đi học là điều mà không ai có thể quên được.

***

Một buổi chiều không mưa, nắng vàng như đổ lửa, qua đoạn đường có cánh cổng màu rêu, tôi thấy mấy bóng áo xanh bên trong một đám người nhốn nháo. Vòng ngoài là những người hàng xóm đến xem, người này nói cho người kia chuyện của đôi vợ chồng phạm pháp.

Đan ngồi thu lu sau hàng rào bao cổng, nhìn người ta đưa bố mẹ lần lượt đi ra, lên xe theo công an về đồn. Không sợ hãi, không bất ngờ, không khóc.

Tôi chưa thấy hình ảnh nào thảm thương đến thế. Tôi đã hiểu tại sao Đan bỗng dưng trở nên trầm, kì dị và ít nói. Nhỏ chắc đã chịu đựng đến chai lì những phức tạp trong chuyện làm ăn mà bố mẹ. Từ khi bố mẹ nhỏ gặp khó khăn trong việc trả nợ, nhà nhỏ được ngăn ra thành nhiều phòng. Những đôi trai gái cứ lén lút ngượng ngùng ra vào đó. Chắc Đan đã rất buồn, rất thất vọng, nhưng không có quyền lựa chọn, chỉ còn cách cố gắng học để mau chóng tách khỏi ra đình.
Hoàng hôn buông phủ, Đan mệt nhọc đứng dậy đi vào trong nhà, cái dáng nhỏ liêu siêu trong màu nắng nhạt. Tôi thấy lòng đau quá, mà không dám chạy tới để hỏi han, không dám vào an ủi hay chỉ xem nhỏ có ổn không. Giá như tôi có thể dúng cảm hơn một chút…

Nghĩ lại mình, tôi thấy tự hổ thẹn vì cái lựa chọn buông xuôi lúc trước. Người ta khổ người ta vẫn phải sống cho kiên cường, tôi sướng mà còn định lãng phí cuộc đời. Người ta là con gái phải gồng mình lên để sống, tôi là con trai mà lại lêu lổng vô âu vô lo.

Tôi nhớ lại vẻ mặt Đan ngày cô Bắc mất. Có lẽ bây giờ nhỏ cũng đang rất đau.
Kìm nén nỗi buồn chắc chắn là biệt tài của nhỏ. Những ngày sau Đan vẫn đi học như bình thường. Mắt có thêm những đường viền mệt mỏi, hoặc khó nhiều. Tôi thấy xót xa lòng, mà không dám nói, sợ nhỏ ghét bị thương hại. Tôi vốn ngốc nghếch, không biết làm gì cho người khác vui, nhặt con ve khô xác ép vào trang vở, vẽ cánh quạt cho giống trực thăng, rồi tặng cho Đan. Khoé miệng nhỏ lại khẽ đứa lên, tôi biết mình chắc chẳng bao giờ quên được nụ cười ấy. Tôi rất sợ khi nghĩ đến cái ngày chúng tôi mỗi người một ngả, nỗi sợ thành hình, khiến giấc ngủ cũng không thể nào yên.

Bỗng muốn rơi em ạ!
Rơi về đâu phượng cháy một góc trời?
Những ngày tháng cũ em ơi
Làm sao đủ với giờ chia tay cuối?
Đỏ và tím chẳng nói lời tiếc nuối
Nắng tháng 5 lạnh một góc tim
Tôi sẽ đến tận nơi nao tìm?
Người con gái ba năm gọi bạn
Người con gái đầu tiên khiến tôi yên lặng
Tôi đợi chờ hay đợi bóng hạ sang?

Những ngày cuối chúng nó thi nhau truyền tay lưu bút, vẽ áo, kí tên. Đan vẫn ngồi chăm chỉ học bài bên ô cửa, có chú chim nào liệng bay
2hi.us