Đổi giày
Đổi giày
Mẹ là cô dâu năm 28 tuổi. Những năm vừa thống nhất đất nước mạng người quý lắm. Mẹ về làm dâu chưa tròn ba tháng, bố lĩnh án tù 5 năm sau một lần không làm chủ tốc độ, gây ra cái chết của người phụ nữ đang mang thai đi trái đường.
***
Chuỗi thời gian dằng dặc bốn năm cũng kết thúc khi bố cải tạo tốt và được ra trước hạn. Ba năm sau đó mẹ sinh liền hai chị em gái. Trở về cuộc sống đời thường bố mẹ lam lũ làm ăn. Mẹ vẫn theo nghề dạy học, bố xin vào làm công nhân rồi lên chức trưởng phòng. Bố được cấp đất...
Ngày ấy cả xã chỉ có ba cái ti vi thì nhà nó có một cái. Cả xã có hai cái đài cassette thì nhà nó có một cái. Cả xã chỉ có duy nhất một cái babetta màu đỏ đó chính là cái xe của bố nó. Nhà nội cách thành phố chưa đến 30 km mà tám tháng bố mới về một lần.
Ông bà nội mất, mẹ chịu tang ông bà một năm rồi mang hai chị em nó về ở gian nhà tập thể lụp xụp trong ngôi trường mẹ dạy học. Mùa bão, mẹ tự tay đóng lại cánh cửa, tự tay mắc điện nhưng không thể trèo lên mái đảo những viên ngói vỡ. Đêm. Mất điện, đèn dầu tù mù. Gian nhà dột đủ chỗ, thi thoảng viên ngói vỡ rơi khô khốc trên giường. Mẹ vơ vội giáo án, sách vở ấn đầy cái túi ni lông, đẩy hai chị em ngồi thu lu dưới cái bàn bốn chân mét hai.
Giỗ bà nội năm đó nó vào lớp Một. Bố về nhà mấy ngày. Mùa hè năm sau mẹ sinh em trai.
Không hẳn như lời mấy người hàng xóm thêu chuyện "mẹ mày sinh em trai là bố mày về"...Nó có em trai rồi bố vẫn biền biệt...
Em trai bốn tuổi. Một ngày bố về mua cho mỗi chị em một đôi giày. Ba đôi đều bé. Bữa ăn tối đứa em trai ngồi gọn lỏn trong lòng bố, đôi mắt mẹ ngấn nước khi thằng em ngước lên nhìn bố lạ lẫm:
- Tối nay bố ở đây ăn cơm với nhà cháu nhé!
Sáng, bố dậy sớm đi làm. Bố bảo: "Bố mang giày đi đổi số lớn hơn". Rồi bố ở hẳn với người phụ nữ khác ngoài phố...
Mãi những năm sau nữa ai trong xóm hỏi em trai nó: "Bố đâu?". Em trai vẫn trả lời: "Bố đi đổi giày".
Phạm Thúy Nga