Ring ring
Chợ biển

Chợ biển

Tác giả: Sưu Tầm

Chợ biển

(Admin - "Những thiên thần ngồi trên cán chổi")


Thế là mẹ lấy chồng. Không cưới, không hứa hẹn nhưng cả hai bên gia đình mặc nhiên chấp nhận sự tồn tại tình cảm của họ.


***


Nắng nướng khét lẹt mặt đất. Những con đường cát trắng chạy dài hun hút bị sức nóng của mặt trời nung vàng như bánh rán. Thỉnh thoảng, vài cơn gió lào thổi ngang làm rát rạt làn da. Một phụ nữ gây gò, đôi dép nhựa vùi trong lòng cát, chiếc nón lá cũ, trên đôi vai mỏi, đôi gánh hàng đã vơi đung đưa theo từng bước đi chậm rãi. Làn da ngăm đen vì muối biển của bà đỏ ửng lên trong nắng và gió Lào nhưng nụ cười đầy hy vọng không bao giờ tắt trên khuôn mặt. Đó là mẹ tôi. Hình ảnh đó tôi mãi mãi không bao giờ quên được.


Chợ biển


Mẹ tôi từng là một cô gái đẹp, nước da bánh mật, đôi môi nhỏ nhắn luôn thắm đỏ, đôi mắt trong veo làm bao chàng trai một thời xao xuyến. Điểm trên khuôn mặt khả ái là một nốt ruồi nhỏ ngay giữa trán làm vẻ đẹp của mẹ càng duyên hơn. Nhiều người còn nói rằng mẹ giống như một cô gái trong phim Ấn Độ. Đã có bao người đến rồi lặng lẽ ra đi trong buồn bã, trái tim mẹ chưa mở cửa trước ai cho đến một ngày...


Cha tôi đón đường mẹ trên chiếc cầu tre nhỏ. Dù mẹ biết ông là một gã sở khanh, dù mẹ bị sự cấm đoán rất gắt gao của gia đình nhưng hai người vẫn say đắm bên nhau trong một tình yêu sôi nổi như bao cặp đôi trẻ tuổi yêu nhau khác. Tình yêu đôi khi khó giải thích như vậy đó. Rồi mẹ mang thai tôi. Năm tháng. Cha tôi đã ra đi biền biệt cho đến bây giờ.


Tôi được sinh ra trong sự đùm bọc yêu thương của ông bà ngoại, của cậu dì. Tôi lớn lên nhờ những con tôm, con cá, nhờ những giọt mồ hôi của ông ngoại, của cậu bốn, cậu sáu tôi sau những chuyến đi biển về. Một gia đình đông miệng ăn, nghèo vật chất nhưng không bao giờ thiếu tình yêu thương. Thời gian trôi, gia đình ông bà ngoại trở nên lớn dần với sự xuất hiện của những người vợ của các cậu, rồi các em họ tôi ra đời. Mẹ nghĩ đã đến lúc phải có cuộc sống riêng cho hai mẹ con. Nhờ sự giúp sức của dì ba ở phương xa, của mấy cậu, cùng với số tiền tiết kiệm ít ỏi, mẹ chạy vạy vay mượn thêm, mua được một căn nhà nhỏ, cũ và dột nát. Và thế là hai mẹ con ra riêng, không còn nương nhờ gia đình ông bà vốn đã nghèo khó.


Từ đó, mẹ con tôi phải tự lập về kinh tế. Mẹ gồng sức lên để kiếm tiền nuôi tôi ăn học và trả nợ cho căn nhà mới. Lúc đó, tôi vừa vào lớp bảy, còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi cơ cực của mẹ. Nhưng tôi biết mẹ đã phải làm rất nhiều nghề để kiếm sống, tôi có thể kể đến gần hai chục công việc mẹ từng làm. Bây giờ, đôi khi ngồi lại, hai mẹ con thử đếm xem mẹ đã làm bao nhiêu nghề, rồi ngạc nhiên, rồi cười và giọt nước mắt lại lăn trên đôi gò má gầy gò của me. Những lúc ấy, tôi chợt thấy rưng rưng.


Chợ biển Phước Lộc, không biết tự bao giờ, đã là một cái chợ tự phát lớn nhất xã Tam Tiến. Người ta có thể mua ở đây bất cứ thứ gì, từ hàng rau, hàng thịt, cá cho đến áo quần, thức ăn, điểm tâm sáng... Nhưng ít ai biết rằng, mẹ tôi chính là người đầu tiên khai sinh ra cái chợ này. Ngày ấy, nơi này chỉ là bãi cá để ngư dân bơi thúng vào bán những thứ họ đánh bắt được sau một đêm lênh đênh trên biển. Vì cuộc sống khó khăn, sức khỏe lại không tốt nên mẹ tôi không thể cứ gánh cá vượt hàng chục cây số để đến các chợ xa bán được, bà mới nghĩ ra cách nhờ người bán cá lấy bánh mì từ chợ phố về rồi làm nhưng bánh bằng thịt heo mở thái lát mỏng xíu với phẩm màu, đường, xì dầu mang ra bãi biển bán cho người bán cá và mua cá ở đó. Quả như dự đoán, bánh mì của bà bán rất chạy hàng. Dân quê tôi không thích sáng tạo nhưng cần cù và có khiếu... học theo rất nhanh. Thế là từ một hàng bánh mì của mẹ tôi, dần dần, hai, rồi ba, bốn hàng bánh mì khác mọc lên. Họ bê y nguyên công thức của mẹ nhưng tất nhiên hương vị mỗi người mỗi khác. Không may, dân biển lại ưa hương vị bánh của vài người khác hơn của mẹ nên bà bị mất khá nhiều khách. Tuy có buồn nhưng bà không chịu thua. Mấy hôm sau, trên hàng bánh mì của mẹ có thêm món sữa đậu nành thơm lựng và tiếp tục thu hút khách như ngày nào. Như một hệ quả tất yếu, lại có thêm một số đối thủ bán sữa đậu nành ra đời. Cứ thế, mẹ đổi món xoành xoạch để tồn tại. Song song cùng sự cạnh tranh và sáng tạo của mẹ tôi với mấy hàng bánh mì và sữa, những hàng rau, trái cây cũng dần xuất hiện. Có lẽ, mợ bốn tôi là người tiên phong trong lĩnh vực này. Vài năm sau, một khu chợ đường hoàng không thiếu món gì đã thành hình và phát triển ngày càng sôi động cho đến hôm nay.


Tôi lớn lên trong vị bánh mì mằn mặn, trong hương sữa đậu nành thơm ngầy ngậy, ..., và mùi khói bếp nồng cay khóe mắt bốc lên từ mỗi sáng tinh mơ. Mẹ dậy rất sớm và thức rất khuya, tần tảo không kể cực nhọc để tôi yên lòng nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão. Những ngọn lửa sớm hun hồng khuôn mặt mẹ, rồi cái nắng chói chang ban trưa, những ngọn gió Lào rát rạt lại một lần nữa nung đỏ đôi má gầy gò mệt nhọc. Cha tôi vẫn bặt vô âm tín.


Tôi vào đại học. Con đường tương lai thênh thang đang đón tôi trước mắt thì nơi miền biển cát trắng, nắng và gió Lào ấy, lưng mẹ lại oằn cong thêm một tí, tóc mẹ lại bạc thêm vài sợi. Bốn năm đằng đẳng trôi đi, dù có sự giúp sức của dì, cậu, nhất là cậu sáu nhưng tôi ra trường với một đống nợ nần vay mượn từ ngân hàng và bà con họ hàng. Những ngày tháng thất nghiệp dài sau đó lại làm món nợ nhiều thêm. Nhưng dù sao tôi cũng không còn là gánh nặng cho mẹ nữa.


Từ lúc học cấp ba, tôi đã phải xa quê, xa mẹ lên phố học, bốn năm đại học càng xa, ra trường đi làm càng xa nữa. Mẹ cứ âm thầm, lặng lẽ một mình làm lụng rồi trông ngóng những chuyến về quê của tôi. Thương mẹ quá, tôi bảo mẹ đi bước nữa, mẹ cằn nhằn:


- Tổ cha mi, ai bày mi rứa?


Tôi cười hì hì rồi nói:


- Con đi xa hoài không có thời gian bên mẹ, nói chuyện, tâm sự. Con sợ mẹ buồn. Với lại rồi con cũng lấy vợ, mẹ ở vậy cô đơn lắm.


Thế là mẹ lấy chồng. Không cưới, không hứa hẹn nhưng cả hai bên gia đình mặc nhiên chấp nhận sự tồn tại tình cảm của họ. Mẹ hạnh phúc, tôi cũng rất vui. Niềm hạnh phúc của mẹ kéo dài vài năm thì người đàn ông của mẹ ra đi. Cõi vĩnh hằng. Mẹ lại cô đơn.


Tôi cưới vợ. Mẹ là người hạnh phúc nhất trong ngày vui của đứa con trai. Lâu lắm rồi, hay đúng hơn, lần đầu tiên, bà là một trong những người quan trọng nhất trong một lễ cưới. Con gái xinh của vợ chồng tôi ra đời chiếm hết thời gian của mẹ. Vợ chồng tôi tất bật với công việc, giao hẳn việc chăm sóc con cho ba nội bé con. Thời gian trôi lặng lẽ trong vất vả nhưng vui vầy của một gia đình nhỏ ấm cúng.


Vợ tôi mất việc làm. Kinh tế gia đình lại rơi vào khó khăn. Mắt mẹ chợt dâng lên một nỗi niềm khó tả. Mẹ nói:


- Lâu rồi mẹ không trở lại chợ biển. Không biết còn có chỗ cho mẹ ở đó nữa không?


Bùi Hữu Phúc


 

2hi.us