80s toys - Atari. I still have
Mối tình đầu của tôi

Mối tình đầu của tôi

Tác giả: Sưu Tầm

Mối tình đầu của tôi

đang rất cần những cán bộ như tôi. Bởi vậy, tôi xung phong đi Nam, nhận công tác tại Liên đoàn Địa chất số 8, thành phố Hồ Chí Minh. Tiếng là thành phố nhưng công việc địa chất thì chủ yếu là ở núi rừng. Một năm có hai mùa thì suốt cả sáu tháng mùa khô chúng tôi phải lăn lộn theo những tuyến lộ trình khảo sát thực địa khắp mọi nơi, từ miệt rừng sâu suối thẳm cho đến tận vùng hải đảo xa xôi. Tôi được cử làm đội phó đội thực địa miền Đông. Địa bàn của chúng tôi chủ yếu là miền núi rừng Đông Nam Bộ, bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Thuận Hải, Lâm Đồng.


Trong một chuyến công tác tôi ghé thăm Hiền và gia đình cô đang sinh sống ở Thuận Hải, địa chỉ mà tôi lần mò kiếm được ở quê, trước khi vào Nam nhận công tác. Tiếp tôi là anh Hải, anh ruột Hiền. Chúng tôi đã quen nhau từ trước. Tôi đã gặp anh vài lần khi đến thăm Hiền ở bệnh viện. Hải kể tôi nghe, sau năm 1975, gia đình anh trở về đây, là nơi quê cha đất tổ, sinh cơ lập nghiệp. Thời gian đầu bệnh tình của Hiền có khá hơn, cô tiếp tục theo học Cao đẳng sư phạm. Vài năm sau, ba mẹ mất, bệnh của Hiền lại tái phát. Hải đưa Hiền đi khắp nơi điều trị. Hết bệnh viện này, bệnh viện nọ, đến thầy lang này thầy lang kia, bệnh vẫn không dứt. Hải phải bán dần nhà cửa, ruộng vườn để trị bệnh cho em. Về sau, có người mách ở miền Bảo lộc, Lâm Đồng có ông thầy thuốc người dân tộc Ka-ho chữa bệnh rất hay, Hải cơm đùm cơm nắm đưa em lên đó nhờ cậy. Đó là một vùng núi rừng sâu thẳm, chỉ có người dân tộc sinh sống. Họ tốt bụng và hiền lành, không khí lại tĩnh lặng, yên bình, nên Hải yên tâm để Hiền ở lại. Mỗi năm vài lần Hải bỏ công chuyện làm ăn ở nhà, lên Bảo Lộc thăm em.


Thời gian đầu bệnh của Hiền chuyển biến rất tốt. Sức khỏe của cô khá hơn, tỉnh táo hơn. Thậm chí, Hiền còn có thể mở lớp dạy chữ cho con em trong bản. Nhưng năm sau nữa, Hải lên thăm Hiền thì cô đã bỏ bản đi. Đi đâu không ai biết. Hải không biết tiếng Ka-ho, dân bản nói tiếng kinh không sõi nên càng khó hỏi thăm. Vả lại, đang là mùa mưa, việc đi lại trong rừng rất khó khăn, nguy hiểm, nên anh đành quay về, tự hứa với mình là đến mùa khô sẽ đi tìm em gái...


Tôi nói với Hải về đặc thù công việc của mình, xin địa chỉ cũ của Hiền, hứa với anh sẽ đi tìm Hiền, rồi chia tay.


***


Công việc của tôi rất bận rộn, cực nhọc và gian nan. Mùa khô chỉ có sáu tháng nên chúng tôi phải gấp rút hoàn thành kế hoạch thực địa, bởi khi mùa mưa đến, những cơn mưa rừng hung hãn sẽ ngăn bước chúng tôi.Bất cứ lúc nào có cơ hội tôi lại tìm kiếm tung tích Hiền. Đầu tiên, tôi đến Phòng Giáo dục huyện Bảo Lộc để hỏi han. Người ta bảo, phòng không quản lí giáo viên ngoài biên chế! Tôi hiểu mình đã bắt đầu bằng một sai lầm ngớ ngẩn. Và tôi biết, mình phải làm gì.


Một lần, tôi tìm đến bản Đak-Riên, là nơi mà Hiền đã lần đầu tiên đến để chữa bệnh và sinh sống. Dân bản cho tôi biết, cô giáo bỏ đi vì sợ người Kinh. Có nhiều người Kinh là cô giáo bị đau trở lại. Tôi hiểu ý của bà con. Bản Đak-Riên không còn heo hút, yên bình như xưa nữa. Người Kinh dưới xuôi lần theo dấu vết xe "Be" khai thác gỗ lên tận đây buôn bán, làm ăn với dân bản ngày một đông. Kinh nghiệm cho tôi thấy, cứ ở đâu có vết xe "Be" chở gỗ thì ở đó có người Kinh! Thảo nào, rất nhiều nơi đi qua tôi nhìn thấy dân bản biết nhậu rượu đế, ăn mì tôm ... cười nói oang oang. Tôi đoán Hiền bỏ đi là vì thế. Cô không chịu nổi tiếng ồn!


Theo lời chỉ dẫn của dân bản, tôi cố lần theo dấu vết Hiền. Đã có khi tôi gần như đã tìm được cô. Nhưng cả hai lần, khi tôi đến thì Hiền đã dời đi. "Lọt bốt-tam-hiu", "lọt", "lọt!..." - Đi rồi! Dân bản bảo tôi. Bản của dân tộc Ka-ho tọa ở những nơi rất xa xôi, heo hút. Có khi cả bản chỉ có một, hai nóc nhà. Có khi phải đi suốt mấy ngày đường ròng rã mới gặp một bản. Một lần, tổ thực địa do tôi phụ trách phải đi một chuyến lộ trình xa. Suốt năm ngày lặn lội trong rừng chúng tôi không gặp một bóng người. Đến ngày thứ sáu chúng tôi mới đến được một bản Ka-ho hẻo lánh. Đến được một bản làng nào đó trong lộ trình là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của dân địa chất chúng tôi. Ở đó chúng tôi sẽ được tiếp đón nồng hậu, tử tế. Không phải là sẽ có mâm cao cỗ đầy, vì dân bản vốn rất nghèo, quanh năm chỉ có củ mì, trái bắp. Nhưng chúng tôi sẽ được trò chuyện với người này người kia, sẽ được ngủ trên nhà sàn ấm cúng, chứ không phải ngủ võng, ngủ trên nền đất ẩm ướt trong rừng sâu.


Bản nhỏ, chỉ có ba nóc nhà, nhưng lại có giáo viên người Kinh dạy học. Chúng tôi đến, thầy giáo còn vui hơn cả chúng tôi. Đón chúng tôi, thầy bảo: "Trời ơi! Suốt hai năm nay em chưa thấy mặt người Kinh! Các anh đến, em mừng hết lớn..." Thầy giáo mang ba lô của chúng tôi vào nhà, căn nhà trệt duy nhất trong bản, vừa là nơi dạy học, vừa làm chỗ ở cho thầy. Thầy đon đả giới thiệu: Tên là Huy. Quê Nghệ An. Học Cao đẳng sư phạm Lâm Đồng. Ra trường về đây dạy học được hơn hai năm. Qui định hai năm các giáo viên phải về Phòng họp một lần. Đi họp mất bảy ngày đường, nên chưa đi lần nào. Bao giờ hết "hạn miền núi" về luôn thể. Thầy Huy bảo chúng tôi: "Các anh ở lại đây, tắm rửa, nghỉ ngơi rồi em thịt gà nhậu chơi". Tôi hỏi: "Thầy nuôi được cả gà?" - "Không. Trong bản này, con gà nhà ai mấy tuổi em cũng biết hết!" Chúng tôi cười ngất!


Tôi hỏi Huy về Hiền nhưng thầy không biết. Thầy bảo tôi: "Lâm Đồng đất rộng, nhiều bản xa xôi, hẻo lánh, khó liên lạc, chưa chắc Phòng Giáo dục đã nắm được con số giáo viên nữa là...Có điều, nếu cô Hiền dạy học thì dân bản sẽ rất quí mến, thương yêu. Họ biết, cô giáo đem ánh sáng, đem cái chữ đến cho con em họ. Bởi vậy, dẫu cô Hiền có đi xa đến đâu cũng không bị làm hại, làm nhục. Bọn phỉ Phun- rô ([1]) có thể giết bất cứ người Kinh nào trừ thầy, cô giáo"


Lời thầy Huy đem đến cho tôi phần nào cảm giác yên tâm. Công việc của tôi quá bận, bởi thế việc tìm Hiền liên tục bị gián đoạn. Ba năm sau, kết thúc đề án điều tra Địa chất khu vực Đông Nam Bộ, để các đồng nghiệp về thành phố trước, tôi ở lại Lâm Đồng, dành hẳn một quãng thời gian, quyết tâm tìm kiếm Hiền. Từ một đầu mối đáng tin cậy, là bản Ka- tiêng, nơi tôi biết chắc là Hiền đã từng sống và dạy học một thời gian, tôi bắt đầu lần theo dấu vết cô, theo chỉ dẫn của dân bản. Nhờ biết tiếng Ka-ho bập bẹ nên việc hỏi thăm, giao tiếp của tôi cũng có phần thuận lợi. Đường đi ngày một xa, bản làng ngày một heo hút. Những cơn mưa rừng quái ác bắt đầu trút xuống, ngăn cản bước chân tôi. Có khi, hàng mấy ngày liền tôi phải nằm bẹp ở một bản nào đó, không thể đi được, vì lũ rất to.


Gần hai tháng trời trôi qua, rồi một ngày nọ tôi đã đuổi kịp Hiền, tìm thấy cô... nhưng chỉ là một nấm mộ!


Hiền chết khoảng một năm trước khi tôi đến. Dân bản Đak - Kliêng bảo tôi: "Cô giáo đến dạy học được nửa năm thì ngã bệnh. Nặng lắm. Phải đưa cô ra suối để con ma nó chữa bệnh cho cô. Nhưng không được..." Mộ Hiền được táng lưng chừng đồi, xung quanh có đặt đầy đủ lễ vật cúng bái như một người bản xứ: nồi niêu, dao rựa, nhà sàn... những vật dụng hàng ngày. Đặc biệt, phía trước mộ có trồng một cây nêu bằng tre, trên khắc hoa văn và hình thù kỳ dị để đuổi ma tà.


... Tôi đứng trước mộ Hiền rất lâu. Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, tâm trạng rối bời. Chiều tà, rừng đại ngàn u tịch, thẳm sâu. Chỉ có mùi gỗ mốc, lá mục, cỏ dại đưa hương thoang thoảng, ngai ngái. Xa xa, có tiếng suối chảy róc rách nhẹ nhàng. Tiếng một con chim gõ kiến gõ "tróc... tróc" đơn điệu, rồi ngừng hẳn, để sau đó rừng càng đắm chìm sâu trong tĩnh lặng muôn đời. Trong đầu tôi, những ký ức, những kỷ niệm về Hiền, về thằng Thành và những đồng đội đã hy sinh của tôi hiện về mờ tỏ, giống như những thước phim đậm nhạt kéo qua. Nếu còn sống, tất cả họ đều xấp xỉ tuổi tuổi tôi, tuổi thanh xuân rực rỡ.


***


Ba năm sau, tôi trở lại Đak - Kliêng để cải táng cho Hiền. Lúc đào mộ lên, trong thâm tâm tôi vẫn thầm mong đó không phải là Hiền. Rằng Hiền vẫn lang thang đâu đó trong những bản làng của người Ka-ho xa xôi, heo hút. Nhưng, bộ xương dài một mét bảy lăm cùng với chiếc nhẫn vẫn đeo ở ngón tay áp út bàn tay trái, chiếc nhẫn bằng đuya-ra, vẫn sáng bóng, đã nói lên tất cả.


Tôi nhặt nhạnh, xếp những mẩu xương mủn nát, cái đen, cái trắng vào một mảnh ni-lon, cố chùi sạch lớp đất ba-zan đen xỉn bám dày. Vừa làm, nước mắt tôi cứ thế ứ lên, rồi chảy tràn, chẳng thể nào ngăn được. Mới ngày nào đó mà Hiền của tôi bây giờ như thế này đây! Vậy là sẽ chẳng bao giờ Hiền còn nhận ra tôi là ai nữa. Chẳng bao giờ tôi còn cơ hội để nói cho em biết mình là ai. Hiền của tôi ơi... Em có biết không? Sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội kể cho Hiền nghe, đưa Hiền về lại tuổi thơ bình yên thơ mộng, về với trò chơi "mẹ con" của chúng mình nữa. Để tôi có thể thú tội với em rằng, anh đã trộm ngắm báu vật của em, để rồi hình ảnh một miền đồi lùm lùm, hơi nhô cao, bát ngát... có vẻ đẹp mê hồn, có sức cuốn hút kỳ lạ ấy, cứ theo anh mải miết tháng năm... Sẽ chẳng bao giờ tôi còn cơ hội để nói với em rằng, khi Thành mất, tất nhiên anh đã vô cùng đau xót, tiếc thương, nhưng không thể dối lòng rằng anh đã ngấm ngầm nuôi hy vọng mội ngày kia Hiền sẽ lành bệnh, sẽ tỉnh áo lại và sẽ chấp nhận tình yêu nồng cháy của anh. Chúng ta sẽ yêu thương nhau, sẽ sống bên nhau trong hạnh phúc, bình yên như những năm nào thơ bé... Hiền của tôi ơi... Mối tình đầu của tôi ơi. Sẽ chẳng bao giờ...


Tôi gói hài cốt Hiền, có lẫn những giọt nước mắt của mình, cho vào ba lô, rồi vội vàng rời bản Đak - Kliêng. Từ đó, tôi đón xe đò, đi thẳng một mạch về Hà Tĩnh. Tôi đã quyết định sẽ chôn Hiền cùng với Thành và đồng đội. Tôi sẽ đặt Hiền bên cạnh thằng Thành.


Mọi việc đều trôi chảy, êm đẹp. Dù rất vất vả, gian nan nhưng tôi đã hoàn thành công việc mà tôi tự cho là đúng, phải làm. Trên mộ giờ đây không phải là tám mà là chín tảng đá trắng lớn. Tôi vừa đặt thêm một tảng đá nữa cho Hiền. Chỉ duy nhất một chuyện nhỏ làm tôi áy náy mãi, là khi chôn Hiền, tôi đã không chôn theo chiếc nhẫn, mà giữ lại cho mình, làm kỉ niệm. Không hiểu sao lúc đó tôi lại quyết định thế. Cho đến tận bây giờ, khi đã già, tôi vẫn không thể trả lời được, rằng mình đã đúng, hay sai? Thỉnh thoảng tôi vẫn lấy chiếc nhẫn ra nhìn ngắm. Tôi thường xuyên lau chùi một cách tỉ mẩn nên nó sáng bóng. Chiếc nhẫn có đôi chim bồ câu tung cánh bay về cùng một hướng, có hai chữ "T.H" lồng vào nhau hết sức tinh tế, điệu đà!


Người già thích sống với kỷ niệm. Tôi thích lau chùi và ngắm nhìn chiếc nhẫn. Nó gợi cho tôi nhớ mãi mối tình đầu, nhớ mãi về tuổi thơ yên bình, thơ mộng của tôi.


Sơn Yên


TP. HCM tháng 11/2010

2hi.us