Bệnh viện dưới mưa

Bệnh viện dưới mưa

Tác giả: Sưu Tầm

Bệnh viện dưới mưa

(Admin - "Rồi sẽ qua hết, phải không?")


Mối tình với Lệ, thoát ra đôi khi là một hạnh phúc. Tôi đã thấy cảnh cô dửng dưng với gã bạn trai mới, và nếu tôi cũng ở trong cảnh đó, chắc sẽ chết mà mãi không nguôi lòng. Lưu ban một năm đại học là một việc không quá to tát, chỉ là năm sau bớt thâu đêm, và chịu ít nhất một trận đòn roi của ba mẹ. Cái cần là phải sống, như Hữu đã nói, đời này còn đẹp, có thể không nhiều màu hồng nhưng cũng ít màu đen.


***


Những đám mây nhạt màu dần tan mất trên bầu trời thành phố. Cơn mưa vừa dứt, nước bám víu trên những phiến lá rồi vô vọng trôi tuột đi. Bệnh viện giờ này vắng, thi thoảng thì cũng những tiếng hú ghê rợn phát ra từ mấy chiếc xe cấp cứu chạy suốt buổi.


Tôi cũng từng cấp cứu theo kiểu đó, khi mà cơn đau đến bất ngờ và ngã lăn ra cửa phòng trọ, cô chủ nhà trọ sợ hãi gọi xe và chăm sóc cho tôi trong này cả một đêm. Cũng một nhà trọ tốt, toàn những sinh viên tốt, hay phá đám và ồn ào suốt đêm, còn cô chủ thì cho quậy xả láng. Những ngày đầu tôi vào viện, cả một dãy phòng vào thăm, và huyên thuyên đủ mọi thứ.


Nhưng đó chỉ là những ngày đầu. Chẳng ai muốn bỏ bê đống bài tập và cắt hẹn liên miên với mấy cô bạn gái. Còn giờ, tôi bắt đầu học cách ngủ nhiều hơn và cũng biết thế nào là yêu thương con người khi mà cái cảnh tôi nhìn mỗi ngày đều khiến những đứa đa cảm rớt nước mắt...


Bệnh viện dưới mưa


Một đứa trẻ cười sằng sặc mỗi buổi sáng và lại nằm rúm ro khi mặt trời rớt ở bên kia thành phố. Một cô gái trẻ vừa rời khỏi chiếc giường đối diện hôm qua vì tên chồng bắt cô về bán bắp luộc để hắn rượu chè dù khối u vẫn còn đâu đó trong cái thân hình gầy guộc của cô. Một cụ ông sáu mươi chín tuổi nằm lặng lẽ bên cái máy trợ thở cùng một cô trợ lý mà những đứa con giám đốc của ông mướn để chăm nom ông, toàn những đứa con tài năng, nhưng số phận ông coi ra thì bất hạnh.


Giờ thăm bệnh, hành lang bệnh viện cũng ít nhiều đỡ buồn chán. Anh bác sĩ nhắc tôi về ngày mổ, khoảng một tuần nữa, ca này nhẹ, đừng lo quá. Tôi bảo anh lúc đó cứ cắt đứt đại cái mạch máu, rồi sao nữa thì kệ nó. Anh cười, "như vậy thì chắc bác sĩ tuyệt chủng hết rồi, nhóc à". Bác sĩ không nghĩ tôi nói thật, chẳng có thằng bệnh nhân điên khùng nào nằm chờ lịch mổ chỉ để bị cắt đứt động mạch máu. Hoặc nếu có thì cũng chỉ có một thằng nằm trước mặt anh đây, nhưng có lẽ anh không nghĩ thằng này khùng tới vậy. Bác sĩ thường chỉ nán lại ở đây ba phút, rồi lại đi theo mấy cô y tá sang những chỗ khác.


Khánh vào và đặt xuống bàn một mớ cam quýt gì đó. Khánh ở chung nhà trọ và học chung một giảng đường với tôi. Cậu ta quê đâu Đồng Tháp, cha chài lưới theo những mùa lũ trên một nhánh sông Mê Kông ra biển, mẹ hái sen vào những mùa cạn nước không lên nổi nửa sông. Mỗi lần đong gạo là phải chọn thứ gạo khô cơm, chứ cỡ gạo dẻo gạo thơm, tiền đâu mua cho nổi. Khánh đậu đại học không chỉ thơm nhà mà còn làm nức xóm, ở cái chỗ lưới nhiều hơn tập và ghe nhiều hơn viết thì đại học là một thứ quá xa vời với những đứa học trò mài chữ. Ngày cậu ta đi học, nhà phải bán đi mấy sào ruộng trồng lúa mùa, đẩy luôn bầy vịt vô cái lò giết mổ tập trung của thị trấn. Vậy đấy, chứ khoảng hai ngày cậu ta vô đây và xách theo một cái bị ni lông đựng một thứ trái cây nào đó.


- Lại phí tiền nữa à, ở đây tao đâu có cần mấy thứ đó.


- Không bồi bổ thì sức đâu mà mổ.


- Kệ nó, chết được lúc đó cũng mừng, khỏi có đau.


- Thằng khùng, mà mày gọi cho nhà biết chưa?


- Khỏi, tao có tài khoản ngân hàng mà, đủ mổ, chắc không sao.


- Mày không sợ nhà mày lo à?


- Không nói thì sao biết mà lo.


- Rồi ai ký cam kết cho mày mổ.


- Mày ký.


- Tao đâu phải người nhà của mày.


- Mày cứ nói mày là anh họ tao, cha mẹ tao ở nước ngoài bận công chuyện nên không về được, ai rảnh mà đi điều tra.


- Thiệt tao chưa thấy ai điên như mày. Thôi tao về, bữa sau tao vô.


- Đừng có xách đồ ăn vô nữa nghe, mày.


- Biết rồi, đỡ tốn.


Khánh là một đứa dễ bị lừa gạt. Nhưng nghĩ ra cũng tội, nếu may mắn tôi chết thì nó phải xui xẻo gánh cái trách nhiệm bị giằng xé bởi gia đình và những người thân của tôi. Thôi thì cứ coi đó là tâm nguyện cuối cùng của tôi, nghĩa tử là nghĩa tận, giúp một người nào đó thực hiện tâm nguyện cuối đời cũng giống như giúp một người phụ nữ sanh con. Chỉ có điều hai thứ đó nằm ở hai cực đối lập, một cái tạo ra một cuộc đời đầy những hy vọng mới, một cái giúp một cuộc đời ra đi thanh thản.


Khánh rời bệnh viện khi gã trời vừa ngưng thả mưa xuống thành phố. Một đứa bạn tốt, làm thêm trong một quán cà phê ở quận tám, sáng nuốt sơ sài gói mì tôm rồi leo tót lên giảng đường, trưa chưa kịp về nhà thì phải chạy sang quán làm tới ba giờ chiều, lâu lâu bao tử nhói lên những cơn đau xốn đến thót dạ. Vậy mà nó vẫn mua cho tôi những thứ tạm gọi là xa xỉ đó. Đời có mấy ai được như nó, ho ặc có thì gã trời đã đem tới những miệt xa tuốt luốt, đời nào gã bỏ vài người xuống thành phố này, Khánh ở đây chỉ do gã ta sẩy tay làm rớt thôi.


Tám giờ tối, mẹ gọi. Mẹ hỏi học ổn không? Ổn. Mẹ hỏi ăn uống được không? Được. Mẹ hỏi còn tiền xài không. Còn. Mẹ hỏi sao trả lời trống không? Đang mệt. Mẹ tắt, bên này nghe những tiếng tút tút dài vô vọng. Biết mẹ thương đấy, cũng thương mẹ lắm. Cái ngày mẹ tiễn thằng con yêu quý lên thành phố, cặp mắt nhạt màu vì những đêm thút thít trước. Mẹ hay gọi điện liên miên những ngày có lụt ở thành phố, hoặc có khi mẹ ráng leo xe lên thăm thằng con trai dù ruột ran cứ lộn lên vì những cơn nôn mửa. Nhưng ở cái thời điểm đời lọt tỏm trong tuyệt vọng này, nhả chữ cũng khó, huống gì nói ra được một câu hoàn chỉnh, mà còn là một câu có đầy rẫy những yếu tố biểu cảm. Giờ này dưới quê chắc mẹ không nghĩ thằng con yêu quý mà bà đau bụng hai ngày mới lôi ra được lại đang phản phúc bà. Con người chẳng mấy ai thương mình bằng những đấng sinh thành yêu dấu, đời có những ngã phi lý, mà triết học thì luôn cố tìm những lý thuyết phức tạp để giải thích nó.


***


Mặt trời sớm dậy và rọi những tia nắng đầu ngày xuyên qua tấm màn lụa bên cửa sổ. Thằng bé chạy ầm ầm như thể người nó hoàn chỉnh mọi mặt, không thiếu cái thận hay không dư cái tế bào nào trên người. Nó xàng xê qua giường tôi, cười bằng những nếp gấp cơ mặt phức tạp và cái miệng sẽ dễ thương hơn nếu hàm răng nó không mất cái cổng chính


- Ăn kẹo hông, anh lấy cho?


- Thôi anh, mẹ em nói ăn riết sún răng, - rồi nó hạ giọng nhỏ xíu - mà anh lấy cho em hai cục đi, lâu lâu ăn chắc hổng sao.


Tôi vớ cái bọc kẹo hôm trước Khánh xách vô, móc ra cho thằng nhỏ đúng hai cục kẹo, chỉ hai cục thôi, mẹ nó là một người không thích con nít nhai kẹo rộm rạo và luôn nói với con bà rằng, ăn kẹo nhiều con sâu sẽ chui vào miệng nhai hết hàm răng.


Thằng bé là một đứa con nít chuẩn mực của những đứa con nít khác, nó vô ưa, vô lo, vô sầu, vô cảm. Đời thì màu hồng, làm gì có chỗ nào màu đen, cứ sống cho sung cho sướng, mai mốt chết rồi cũng không hối tiếc. Nó nói với tôi như vậy khi có người từ khoa cấp cứu về và nói rằng có một đứa con gái nào đó vừa uống thuốc ngủ và gã thần chết đã kéo nhỏ đó đi xa. Cũng không hẳn là con nít, một đứa con nít chính hiệu chẳng bao giờ biết tới cái chết, nó vượt cao hơn những đứa con nít khác về cái mảng này. Nói chuyện với thằng bé, đôi khi tôi cũng nhỏ lại như nó, nhỏ như cái thời còn trần trụi ngoài sân đón mưa đầu mùa, rồi rên dài những đêm sau vì sốt.


- Mà bé, em tên gì, cứ thấy em chạy nhong nhong chứ anh cũng chưa biết tên em.


- Thôi, anh hỏi chi, tên em xấu hoắc à.


- Trả lời đi, có ai giấu tên mình hoài được.


- Hữu. Xấu ghê luôn.


Lệ cũng từng chê tên mình xấu. Lệ nói cái tên của Lệ vừa sến vừa không hợp thời, hễ ai hỏi tới là sượng mặt, họng cứng đơ. Lệ từng nghĩ đến việc đổi tên, có thể là Đài Trang hay Trang Đài gì đó, nhưng lại sợ những cha, mẹ, ngoại, nội và những người khổ công đặt tên cho mình nổi cáu. Thôi thì cứ kệ, đã mang theo được hai mấy năm, chẳng lẽ không mang được suốt đời.


Lệ vào bệnh viện mỗi ngày một buổi, anh tình nhân mới của cô còn đang mê man băng bó khắp người trong khoa chấn thương, điện tim vẫn còn chạy nhưng cũng những đường yếu ớt. Ba ngày sau khi cô đá thằng bạn trai cũ, gã bạn trai mới của cô lăn lốc trên một tuyến đường văng ở ngoại ô, cái nón bảo hiểm mỏng lét tan ra thành từng miếng nhỏ. Cũng những tên mê tốc độ, vượt cái vạch 120 trên hộp tốc kế xe. Và trong những tên thần chết đang lãng vảng ở bệnh viện này, có một tên nào đó của gã, nấp mình ở những tán cây trong khuôn viên, ngày đêm ngấm ngầm chờ thời cơ kéo gã về một cõi khác.


- Em nghe nói mấy bữa nữa anh mổ hả?


- Ừ, còn em chừng nào mổ, anh thấy cũng lâu rồi đó?


- Bác sĩ nói phải theo dõi gì nữa á. Mà anh ráng mổ nghe, mẹ nói mổ rồi là khỏe lắm.


- Ừ, khỏe hơn nếu đang mổ mà chết giữa chừng.


- Ấy, bậy. Nói vậy xui xẻo lắm đó, anh phun nước miếng nói lại đi.


- Chứ sống có gì đâu mà vui.


- Có chứ, con kiến nó còn muốn sống mà anh. Sống đặng đi học, mai mốt lớn lên làm bác sĩ chứ anh. Làm bác sĩ rồi có tiền xây biệt thự, mua xe hơi, sướng lắm anh ơi.


- Ờ, cũng vui.


Cũng vui. Sống vui được khi người ta hạnh phúc, còn ở một ngách buồn tẻ thì sống chỉ là cái lồng cầm chân những người khốn khổ. Nhưng Hữu nói không sai, con kiến trượt chân xuống bùn mà còn cố vẫy vùng để sống, cái khao khát sống trong con vật nhỏ bé ấy có được phải chăng vì não nó quá bé nhỏ. Có lẽ không, tất cả các loài vật đều coi sống là bản năng, con người không ngoại lệ, điều đó lý giải tại sao khi lạnh người ta phải mặc thêm áo, và khi nóng người ta uống nước chanh. Nhưng ở tôi đây, cái khao khát ấy đã tắt lịm từ mấy tuần trước, đám lửa ấy giờ lạnh như băng, thì việc muốn tồn tại ở cái cuộc sống đầy đau khổ này là một điều khá khó.


Hữu nói nó muốn làm bác sĩ, có thể chẳng cần hỏi đâu, làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người, những đứa trẻ bị bệnh hay nghĩ như thế. Điều đó có khi là một ước muốn trong thực tại của nó, có một ông bác sĩ nào đó sẽ đến, vuốt ve từ trán xuống cằm và nói với nó những câu ấm áp trước khi mổ. Và sau đó, nó tung tăng chạy dọc sân trường, đón những mùa mưa thời áo trắng và cũng có thể tập cắt cổ, làm gà cho mẹ nó.


Dù sao thì Hữu cũng ít nhiều nhe nhóm cái khao khát sống của tôi lên, so với những ước mơ của nó, tôi thấy mình quá tầm thường. Một đứa hai mốt ra lại chẳng bằng thằng bé bảy tuổi sao. Không, những thứ ấy tôi đã từng cho là không bao giờ xảy ra. Năm mười tuổi, một anh thanh niên mùa hè xanh đã về cùng những người áo xanh khác và bắt đầu ôn tập cho những đứa trẻ biếng học ở quê tôi. Anh ấy giải được những bài toán mà cả những đứa thông minh nhất lớp không làm ra. Tôi ngưỡng mộ anh. Anh xề xòa, lớn ai chẳng thế. Vậy là cái ý nghĩ đó đi theo tôi tới tận bây giờ. Tất nhiên tôi phải cố hơn Hữu, theo một nguyên lý mà tôi luôn cho rằng nó đúng.


Tôi bắt đầu nhìn những đám mây, không phải những đám mây màu hồng, tất nhiên đó không phải là những đám mây được tạo thành từ bàn tay của một bà tiên nào đó. Đó chỉ là những đám mây màu nhạt lơ lửng rồi bay đi mất trên bầu trời thành phố. Cũng chỉ là mây thôi, nhưng mây cũng yêu đời và hay bay đi những chỗ xa tuốt luốt để thỏa mãn với cuộc đời trước khi loãng ra tan vào bầu không khí mờ mịt.


Gió là những ả khô khốc và dữ tợn, trừ những ả heo may, nhưng ở thành phố này chẳng có ả heo may nào chui vào nỗi. Đôi khi gió cũng là biết làm cho mình đỡ xấu xa hơn, những ả gió kéo mây đi, như vậy là đủ với những kẻ mê man mong đợi cái nhà xác phía sau bệnh viện, chỗ gần khoa cấp cứu.


Mấy ông kiến trúc sư rất tài trong việc thiết kế, dù những công trình bệnh viện cũng ít nhiều gây rợn lòng. Ai đưa người thân vào cấp cứu, đưa mắt liếc ngang khu nhà xác ấy cũng sợ. Không qua nổi thì đẩy vô nhà xác, chỗ đó gần, tiện, có gì đưa thẳng vô là xong, khỏi cảnh kéo băng-ca đi ngang dọc bệnh viện, như vậy còn ghê hơn. Cô trợ lý ông già sáu chín tuổi nói với tôi, trong một lần tôi nghe tiếng xe cấp cứu và thì thầm "có qua nổi không?". Với cô, "tiện" là thứ được ưu tiên hàng đầu, cô chẳng mặc được một bộ đồ nào đẹp đẽ, vì lý do đồ đẹp không "tiện".


***


Mai sẽ mổ. Chẳng có gì bất thường. Khánh đã vào kí cam kết cho tôi ban sáng, cậu ta vẫn chưa biết những điều mà tôi sắp đẩy cho cậu nặng nề đến nhường nào. Ông cụ đã đi tối qua, cô trợ lý khi sáng đã phải chống chế rất nhiều với hai tên giám đốc, một tên của công ty may mặc, tên kia của xí nghiệp nước mắm. Hai gã hỏi tại sao ông già chết, cô nói không con cháu chăm sóc thì chết thôi. Hai gã ta tức đến nóng mình nóng ruột, vậy nhưng phải cố bỏ qua, người ta nhìn với những con mắt châm biến, làm lớn chuyện chẳng qua lại hại thân. Hai gã không khóc, dự định sẽ hỏa táng rồi đem tro cốt vô chùa. Cô thì thầm với tôi, đem bỏ vô đó rồi để cho mốc meo nó bám chứ có làm cái gì đâu. Nhưng chuyện đó chẳng là cái gì so với cái chuyện cô nói với tôi sau đó.


- Khuya đêm hôm qua ông cụ tỉnh, cô mừng tính đi kêu bác sĩ. Ai dè ông kêu cô rút cái ống thở ra, ông nói ông vẫn tỉnh dậy mỗi ngày, chỉ có điều nhắm mắt, thấy cái cảnh con cháu không đứa nào vô thăm, cô nuôi ông hoài chỉ cực thân. Lúc đó cô khóc, cô thấy tội ông ghê, lúc quẹt nước mắt thì ông rút cái ổng thở mất rồi. Sáng nay cô mới để lại như bình thường.


Đời như thế, phải chăng ông cụ muốn hai đứa con trai kia khỏi tốn tiền mà than thuốc. Hay vì cái đau đớn của xác thịt cứ hành hạ ông hằng ngày, ít nhất những đứa con sẽ chăm ông, nhưng không chẳng có cái bóng nào cả, vậy thì sống khác chi chết, mà chết đôi khi lại sớng hơn.


Gã bạn trai của Lệ cũng chết tối qua. Lệ không khóc, phải chăng thứ mà cô dành cho những thằng bạn trai không phải là tình yêu. Lệ không phải một đứa cứng rắn, cô yếu đuối như những tán liễu ở gần một nhà trọ ở quận chín, tôi đã từng thấy cô sướt mướt khi con mèo hoang cào nhẹ bàn tay. Vì thế, cái lý do cô kiềm chế không bao giờ xảy ra được.


Hữu cũng vừa mất, buổi sáng nó không dậy. Tôi ngỡ ngàng, tối qua nó vẫn long nhong khắp phòng bệnh, một nghịch lý mà lâu nay không có. Vào buổi tối, nó thường đau. Hay đó là một dự báo của gã thần chết, gã cho Hữu một khoảng thời gian vui vẻ nho nhỏ, một buổi tối tươi tắn trong cuộc đời. Những ước mơ biến mất, ngành y thiếu một bác sĩ tài năng. Và gia đình nó sẽ phải mất ít nhất ba năm để tạm quên nỗi buồn, chỉ là tạm quên thôi.


Ba gã thần chết đã thành công, đã mang những linh hồn đi về cõi khác. Tự nhiên tôi ghét những gã ta vô cùng, linh hồn con người, gã ta đã xin chưa mà lấy đi một cách vô tình như vậy. Ở bệnh viện này, còn bao nhiêu gã đê tiện như thế. Tôi quyết định trả thù, có thể không phải trên những gã thần chết kia, tôi cũng chỉ là một cá nhân, một cá nhân khó đấu tranh với một tập thể. Tôi sẽ phá một gã, chỉ gã mà tôi có khả năng phá.


***


Tôi đang mê man, có thể là một thứ thuốc mê nào đó đang ngấm ngầm chạy qua các mạch máu. Bác sĩ sẽ không bao giờ cắt đứt động mạch chủ, chắc chắn anh vẫn nhớ những ý nghĩ hôm trước tôi nói, anh vẫn cho đó là những câu đùa cợt. Hy vọng thế. Mổ xong sẽ gọi cho mẹ, mẹ sẽ thất thần chạy lên bất chấp cơn say xe và la một trận tưng bừng. Khánh sẽ không phải chịu những oan trái mà tôi dửng dưng đẩy sang cho cậu. Còn về gã thần chết kia, gã ta sắp quay về điện ngục và nổi cáu khi mà chờ đợi chừng ấy ngày lại về tay không.


Mối tình với Lệ, thoát ra đôi khi là một hạnh phúc. Tôi đã thấy cảnh cô dửng dưng với gã bạn trai mới, và nếu tôi cũng ở trong cảnh đó, chắc sẽ chết mà mãi không nguôi lòng. Lưu ban một năm đại học là một việc không quá to tát, chỉ là năm sau bớt thâu đêm, và chịu ít nhất một trận đòn roi của ba mẹ. Cái cần là phải sống, như Hữu đã nói, đời này còn đẹp, có thể không nhiều màu hồng nhưng cũng ít màu đen.


Tám tiếng nữa, mở mắt ra, cuộc đời sẽ có những bước chuyển mình mới. Dưới góc nhìn từ khung cửa sổ, tiếng xe cấp cứu sẽ là âm thanh của hy vọng, nhà xác là nơi cất giấu nỗi buồn. Rồi quá khứ nhạt màu kia sẽ qua hết thôi.


Nguyễn Trọng

2hi.us