pacman, rainbows, and roller s
Anh chàng kỳ cục

Anh chàng kỳ cục

Tác giả: Sưu Tầm

Anh chàng kỳ cục

Thư gửi đi, không có hồi âm. Mặt trận phía Nam ngày càng nóng bỏng. Bỗng một hôm tin dữ bay về: Anh Thang đã hy sinh! Bà cụ ngất lên ngất xuống. Nhiều bà con trong khu phố đến an ủi, còn quyên góp tiền, gạo giúp bà. Những ngày đó bố tôi ít nói hơn, mỗi khi nhắc đến anh lộ vẻ đau lòng, tỏ ý tiếc hồi anh ở nhà đã không giúp được gì. Ông còn bảo, nếu Thang được học hành đến nơi đến chốn sẽ trở thành nhà khoa học đích thực đấy, chiến tranh đã nghiền nát bao chàng trai ưu tú như thế!


***


Anh chàng kỳ cục


Tôi nhớ, sáng thu năm ấy, tôi vừa nhét những cuốn vở mới cứng cùng hộp bút vào cặp thì nghe tiếng bà cụ Thang từ bên kia đường vọng sang:


- Lớn như con voi nan mà còn nghịch mãi cái trò trẻ con. Chưa đi làm à?


Qua cửa sổ, tôi thấy anh Thang đang mải lúi húi ở góc hiên nhà, nghe mẹ quát vội thu đồ nghề, rồi khoác cái áo lấm lem dầu mỡ, lọc xọc dắt xe đạp ra. Bố đến sau tôi từ lúc nào, khẽ bảo:


- Đến trường thôi, con gái.


Hôm ấy là ngày trọng đại trong đời tôi: Tôi vào lớp một.


Trưa về, thấy anh con bà cụ hàng xóm đang cầm kìm vặn vẹo "trò trẻ con" ở hiên, tôi liền nhảy chân sáo qua đường.


- Cái gì đấy hở anh? - Tôi hỏi.


Anh cứ cắm cúi, chẳng thèm để ý đến con bé chíp hôi là tôi. Tôi nhòm vào thứ đồ chơi của anh. Chẳng giống thứ đồ chơi trẻ con gì sất. Miếng tôn dày cắt tròn trịa, phía vành có gắn một thanh sắt dẹt, đầu kia của thanh lại ốp một miếng gỗ vuông đặt trong cái máng cũng làm bằng gỗ. Ngắm nghía một hồi, tôi bỗng thấy nó giông giống thứ máy ngày ngày vẫn xình xịch qua đây, liền vỗ tay reo:


- Bánh xe tầu hỏa!


Đến lúc ấy anh Thang mới ngửng lên cười tít mắt, khen:


- Giỏi!


Rồi anh thưởng cho phát hiện ấy của tôi bằng việc bảo "Em quay mạnh miếng tôn tròn xem nào". Lập tức thanh sắt dẹt cứ co vào duỗi ra, còn cục gỗ vuông thì chạy tới chạy lui, hệt bánh xe ở đầu tầu hỏa đang kéo. Hay thật đấy! Anh bảo tôi ngồi xuống ghế băng bên cạnh, hỏi:


- Bố em dạy toán hay lý ấy nhỉ?


Ngẩn tò te, tôi chỉ biết bố dạy ở trường cấp ba thành phố thôi.


Buổi tối. Bài tập chỉ làm một nhoáng là xong, tôi mới hỏi điều anh Thang nhờ. Bố bảo là bố dạy lớp mười chuyên lý. Đến tối ngày hôm sau, anh Thang sang nhà tôi. Anh ôm theo một bọc giấy.


- Thưa chú - Anh đặt bọc giấy xuống bàn, lễ phép nói - Cháu muốn nhờ chú giảng cho một bài toán cơ học.


Bố ân cần rót nước mời anh. Bố suốt ngày bận việc ở trường, ít quan tâm đến những người hàng xóm, nhưng riêng với anh Thang thì bố rất có cảm tình. Gia đình anh mới chuyển về đây được vài năm, hồi bé anh học ở tỉnh khác, rồi khi bố anh lâm bệnh mất vào đầu năm ngoái, anh phải bỏ học, đi công nhân nhà máy dệt len để có tiền giúp mẹ.


Mẹ anh kiếm sống bằng gánh hàng cháo, sáng sáng bà lầm lũi gánh hai nồi cháo to đùng, bên cháo sườn, bên cháo trai qua trước cửa nhà tôi, chốc chốc lại cất tiếng rao khàn khàn: "Cháo ơ...".


Anh Thang thong thả mở bọc giấy. Tôi nhận ra ngay cái bánh xe tàu hỏa vẫn để ở hiên. Bố bảo:


- Ở trường cấp ba nào mà chẳng có thứ đồ dùng dạy học này, là mô hình biên tay quay.


- Vâng ạ - Anh Thang nói rồi chỉ cái cân lò xo móc vào phía đầu thanh sắt dẹt - Nhưng có khác chút ít đấy chú ạ. Cháu đặt thêm một lực kế ở đây để đo sự thay đổi lực khi biên chuyển động -


Nói rồi anh bất ngờ rút trong lần áo ngực ra một cuốn sách giáo khoa - Cháu thấy kết quả bài toán phân tích lực trong cuốn này không khớp với kết quả cháu đo được. Đáng lẽ khi góc an pha càng lớn...


Ban đầu bố chăm chú nghe, sau nét mặt bố thay đổi. Hẳn với một giáo viên lý kỳ cựu như bố, điều anh nói là quá sơ giản. Bố cười, rót thêm nước vào cốc anh, nói:


- Không biết cháu có quan tâm đến người soạn ra cuốn này không?- Ông lật trở lại trang bìa cuốn giáo khoa vật lý, chỉ vào tên các tác giả, nói tiếp - Toàn bậc thầy của chú cả đấy. Có vị là giáo sư, có vị là phó tiến sĩ. Vậy thì họ nhầm sao được.


Nét mặt anh thoáng thất vọng. Bố an ủi:


- Chú ghi nhận sự đào sâu suy nghĩ trong học tập của cháu. Nhưng không có chuyện sai lầm nào như cháu nghĩ đâu. Mà Thang này, cháu được cái khéo tay.


Anh hơi "cà cuống" khi vơ vội thứ trò chơi của mình đặt vào giữa tờ báo nhàu nát và lấy dây bọc lại. Hình như chẳng còn gì để nói nữa, anh bẽn lẽn đứng dậy cúi chào bố mẹ tôi. Nhìn ánh mắt anh, tôi biết điều bố nói chưa làm anh tâm phục khẩu phục đâu. Mẹ tôi ngồi trên phản, từ nãy đến giờ không xen vào câu nào, mẹ là giáo viên văn, chẳng liên quan đến vật lý. Anh về rồi, bố quay sang mẹ bảo:


- Trong đời dạy học, anh chưa thấy cậu học trò nào kỳ cục như vậy, phản bác cả sách giáo khoa.


- Có phải cái gì trong sách giáo khoa cũng chuẩn cả đâu - Mẹ tỏ ra không đồng tình với bố. Trong lòng tôi trào lên một cảm giác thương cảm. Giá lúc này không phải khuya khoắt, thể nào tôi cũng ù sang mà ngồi bên anh, ít ra cũng có được lời an ủi cho anh đỡ hụt hẫng.


***


Anh chàng kỳ cục


Bẵng đi một thời gian khá dài, tôi không thường xuyên được gặp anh Thang nữa, do ngày đó trường tôi phải sơ tán về một miền quê xa lắc. Một lần từ khu sơ tán về thăm nhà, tôi gặp anh đang dắt xe vào cổng. Mừng quýnh, tôi gọi giật lại. Đầu đội mũ cối có gắn sao vuông, vai đeo khẩu súng trường, bao đạn trễ ngang lưng, nom anh dạo này rõ oách. Anh cười và làm một động tác mà tôi không khoái tí nào là xoa đầu, khen tôi chóng lớn. Anh kể, máy bay Mỹ tăng cường bắn phá miền Bắc, nhà máy dệt len của anh cũng phải tháo dỡ máy móc, sơ tán về vùng rừng núi, anh ở lại biên chế trong trung đội trực chiến bắn máy bay. Tôi nhìn vào góc hiên, vắng cái trò chơi trẻ con, liền hỏi:


- Anh dẹp bài toán biên tay quay rồi à?


- Không! - Anh nói - Tạm cất. Hết đánh nhau tiếp tục.


Anh bảo tôi vào nhà. Bà cụ đã đi sơ tán, trong nhà chỗ nào cũng thấy bụi bám mốc meo. Anh đặt trước tôi một ca nước lọc, tỏ ra hào hứng. Tưởng chuyện gì, vẫn không ra ngoài cái chuyện cũ mèm ấy.


- Thông báo thêm với cô - Có lẽ anh thấy tôi lớn phổng thành thiếu nữ nên đổi cách gọi như vậy - Anh đã viết lại toàn bộ cách tính toán mới bài toán biên tay quay gửi lên Ủy ban Khoa học kỹ thuật thành phố. Có hồi âm ngay. Vị giáo sư Chủ tịch Hội trả lời sẽ nhờ chuyên gia tư vấn, phản biện thêm. Ông còn khuyến khích anh nghiên cứu tiếp.


Tôi bỗng lây cái vui của anh, không ngờ "trò chơi trẻ con" lại thành chuyện người lớn nghiêm chỉnh. Song đến lần gặp sau, vẻ mặt anh buồn hiu. Chả là, tháng trước có một tờ báo không biết lấy tin ở đâu, trương lên đầu trang cái tít khá đậm: "Một công nhân dệt len muốn sửa giáo trình cơ học".


Nhiều người tìm đến anh để hỏi cho ra nhẽ, trong đó có cả những giáo viên vật lý như bố tôi. Ủy ban Khoa học kỹ thuật thành phố đã tổ chức cuộc hội thảo xới lên "thắc mắc" của anh. Cứ tưởng thắng đến nơi.


Ai dè trong hội nghị toàn những vị lão làng bằng cấp bề bề, đã thẳng thừng sổ toẹt mọi tính toán của anh. Họ còn bảo, thật phi lý khi một người trình độ lởm khởm chưa hết cấp ba, dám phản bác cả một lý thuyết lâu đời. Nhưng các số liệu thực tế do anh quan sát được thì họ vẫn không thể bẻ bác, ruốt cuộc hội nghị không có kết luận cuối cùng, vấn đề anh nêu bỏ ngỏ.


Sách giáo khoa vẫn đúng. Bố tôi lặng lẽ theo dõi chuyện này, không hoàn toàn bài xích người hàng xóm dễ mến, nhưng ông bảo thời buổi chạy ăn từng bữa, lo tem phiếu, lo bắn máy bay mà cậu ta cứ lơ lửng trên mây trên gió như vậy là điều đáng ngại chứ chẳng đáng khen chút nào. Rồi ông kết một câu xanh rờn trước mẹ và tôi: "Thằng Thang hâm thật rồi!".


Đến khi tôi vào học năm thứ nhất Trường Đại học Bách khoa thì anh Thang lên đường nhập ngũ. Đáng lẽ anh trong diện ưu tiên, nhà con một neo đơn, không phải gọi đi đợt ấy, nhưng anh đã chích máu đầu ngón tay viết đơn tình nguyện (trong chuyện này, bố tôi hết lời ca ngợi tinh thần thanh niên ba sẵn sàng của anh).


Trước khi đi, anh sang chào bố mẹ tôi và thật bất ngờ câu từ biệt khi bắt tay bố tôi là: "Đánh giặc xong nhất định cháu sẽ về giải tiếp bài toán cơ ấy chú ạ!". Tôi tiễn anh sang tận bên kia đường, dừng nói chuyện hồi lâu trước cổng nhà anh.


Hôm đó đúng ngày rằm. Trăng tròn vành vạnh như cái mâm bạc vừa ra khỏi đám mây đen, chợt dát bạc lên mọi cảnh vật trên mặt đất, ấy là thứ ánh sáng trong ngần, tương phản với ngọn đèn đường đỏ đòng đọc thảm hại. Dáng cao cao, anh đứng đối diện và dưới ánh trăng, tôi thấy đôi mắt anh sáng lấp lánh.


Chẳng phải có lần mẹ tôi đã khen: "Thang có đôi mắt thông minh lắm đấy". Tôi đã thành thiếu nữ hồi nào, mà trước anh vẫn nghĩ mình nhỏ bé, chỉ là con bé "chíp hôi". Bỗng bàn tay anh tìm đến bàn tay tôi. Tôi thấy người nóng ran, run bần bật. Tôi cảm nhận được trong giây lát sự ấm áp, phấp phỏng trong đôi bàn tay thô ráp áp chặt vào tay mình của anh.


***


Anh chàng kỳ cục


Anh đi B, còn tôi tiếp tục học lên. Lần ấy, từ trường về nhà, tôi gặp bà cụ Thang đang trên đường gánh cháo ra chợ. Bà gầy xọp, mắt thâm quầng có ngấn nước. Bà bảo, anh ở tận Đồng Tháp Mười, thư về thưa lắm, cả năm có nhõn một lá.


Thế rồi bỗng một hôm tôi nhận được lá thư đầu tiên của anh, gửi theo địa chỉ trường tôi đang học. Thư bé bằng bàn tay, có lẽ anh xé vội từ một cuốn sổ, nét chữ thì ngay ngắn, tròn trịa. Anh kể, đang là lính trinh sát tiểu đoàn bộ đội địa phương Quân khu 9. "Gian khổ ác liệt lắm, sống chết không biết thế nào, vì thế không dám nghĩ xa em gái hậu phương ạ" (chữ "nghĩ xa" anh gạch chân). Câu cuối cùng của lá thư ngắn ngủi ấy là: "Chỉ lúc nào cũng thấy nhớ mẹ và em thôi!".


Đọc xong tôi bỗng ứa nước mắt. Tôi liền viết thư cho anh. Lá thư cũng chẳng thể dài, chẳng nói được điều gì cụ thể, mà đã có gì với nhau đâu, cuối thư chúc anh chân cứng đá mềm, hẹn ngày gặp lại tại quê hương.


Thư gửi đi, không có hồi âm. Mặt trận phía Nam ngày càng nóng bỏng. Bỗng một hôm tin dữ bay về: Anh Thang đã hy sinh! Bà cụ ngất lên ngất xuống. Nhiều bà con trong khu phố đến an ủi, còn quyên góp tiền, gạo giúp bà.


Những ngày đó bố tôi ít nói hơn, mỗi khi nhắc đến anh lộ vẻ đau lòng, tỏ ý tiếc hồi anh ở nhà đã không giúp được gì. Ông còn bảo, nếu Thang được học hành đến nơi đến chốn sẽ trở thành nhà khoa học đích thực đấy, chiến tranh đã nghiền nát bao chàng trai ưu tú như thế!


Ngày đó, dù bận rộn chuẩn bị cho đồ án tốt nghiệp, trong đầu tôi vẫn không sao quên được hình ảnh anh, đôi mắt sáng lấp lánh của anh và cả cái "trò chơi" của anh nữa. Một hôm, tình cờ tôi vào hiệu sách thấy có cuốn sách giáo khoa vật lý lớp 10 mới tái bản.


Và thật bất ngờ, giở đến trang diễn giải về bài toán biên tay quay, thì y chang như điều anh đã đề nghị sửa lại dạo nào. Vậy là những người soạn sách giáo khoa lần này đã âm thầm công nhận anh đúng, đấy cũng là cách giữ thể diện cho họ trước bàn dân thiên hạ.


Tin đồn anh Thang hy sinh đã lâu mà vẫn chưa có giấy báo tử về. Bà cụ Thang mấy lần lên thành đội hỏi, chẳng biết được gì hơn. Nghe nói người ta đang rậm rịch làm thủ tục chế độ gia đình liệt sĩ cho bà, vậy mà mấy lần gặp tôi, bà đều nói với niềm tin không suy chuyển: "Thang không chết đâu cháu ạ...".


***


Sau ngày nước nhà thống nhất được vài tháng. Vào một buổi chiều mùa thu se lạnh, tôi vừa ở cơ quan về, qua cửa sổ bỗng nhìn thấy một người cao gày, đội mũ cối sụp mặt, mặc bộ quần áo bộ đội cũ sờn, lệch trên vai cái balô con cóc móp, chống nạng tập tễnh đi vào cổng nhà bà cụ Thang. Tôi bật tung cửa chạy sang, cuống quýt gọi đến khản giọng:


- Anh Thang về rồi, bà ơi!


Người đó ngửng lên nhìn tôi: Không phải anh Thang. Bà cụ thì lập cập từ nhà chạy ra, đứng sững trên bậc thềm. Anh bộ đội chống nạng bước vội đến, gục đầu xuống bờ vai gầy của bà.


- Thằng Thang đâu con? - Bà nghẹn ngào, nước mắt giàn giụa - Nó chết rồi ư?


- Không mẹ ạ - Anh thương binh nói mà cứ lúng túng với cái nạng gỗ bên cạnh. Tôi vội đỡ bà cụ, cùng anh dìu bà vào nhà.


- Anh ấy bị thương nặng hơn con - Anh thương binh nói tiếp - đang trong trại an dưỡng. Con về trước báo với mẹ - Anh nói mà nước mắt thành vệt chảy dài trên gò má sạm nắng gió.


- Ối giời ơi! Con ơi! - Bà rên rỉ. Bà khóc to hồi lâu như cho thỏa bao nhiêu ngày tháng âm thầm nuốt nước mắt vào trong.


***


Rồi một ngày anh Thang trở về. Vẫn cái dáng cao gầy, chỉ có nước da không còn bánh mật như ngày xưa, giờ trắng xanh, như biến anh thành con người trong vắt. Bề ngoài lành lặn, nhưng giám định thương tật anh đã mất tám mươi phần trăm sức khỏe! Ngày đó tôi đã tốt nghiệp, là kỹ sư công nghệ ở một nhà máy cơ khí trong thành phố.


Hôm đón anh, nhà chật ních bà con chòm xóm sang thăm hỏi, chúc mừng. Anh kể chuyện chiến trường, về trận đánh cuối cùng bị thương nặng lúc tiến vào giải phóng thành phố Cần Thơ.Anh đã nằm trong quân y viện suốt ba tháng ròng. Chết đi sống lại mấy lần, mỗi khi tỉnh lại, nhớ mẹ, anh định viết vài dòng báo tin, nghĩ thế nào lại thôi, sợ mẹ lo buồn ảnh hưởng đến sức khỏe. Rồi người bạn thương binh nặng nằm cạnh giường anh không ở trại điều dưỡng nữa mà xin về quê để được vợ con chăm sóc, đã chủ động tìm đến nhà anh báo tin.


Trò chuyện với bà con xóm giềng được một lúc, anh mới quay sang tôi hỏi: "Em học ngành chế tạo máy hả?". Tôi chưa kịp trả lời, anh đã hồn nhiên nói tiếp: "Được rồi, ít bữa nữa sẽ trình bày với em cách giải mới của anh về mấy bài toán cơ học kết cấu". Tôi sững người.


Chao ôi, bao năm rồi mà anh vẫn canh cánh trong lòng về thứ trò chơi thời mới lớn ấy! Thì ra, nó đã thành một cái gì như là nghiệp chướng của đời anh rồi. Anh qua hết trại thương binh này đến trại điều dưỡng khác, nay sức khỏe đã hồi phục được phần nào, nguyện vọng duy nhất của anh muốn trở về sống bên mẹ già dưới mái nhà tuổi thơ. Và để được chơi tiếp cái trò ngày ấy nữa.


***


Một hôm, tôi lại bắt gặp anh Thang đang lúi húi ở góc hiên nhà. Đã hai mươi năm trôi qua kể từ ngày tôi vào lớp một, tóc anh đã điểm bạc, trên gương mặt xanh xao hiện lên vài nếp nhăn, chỉ đôi mắt vẫn rực sáng bởi niềm đam mê khám phá khoa học không gì có thể dập tắt. Còn tôi đã qua tuổi hai nhăm, cũng một lần yêu mà không thành, người ấy phản bội và đã đi xa.


Lòng tôi trống trải biết bao! Từ lâu tôi kính trọng anh như một người anh trai, như hình mẫu một vị thánh tử vì đạo. Cũng có khi tự hỏi: Anh chưa hề biết đến dư vị ngọt ngào của tình yêu chăng? Và bao năm anh vẫn chỉ coi tôi như con bé chíp hôi thôi? Với anh, bom đạn, bệnh tật, đói rét ở chiến trường vẫn không thể lấy đi trong anh cái hồn nhiên, vô tư con trẻ thuở nào.


Anh chàng kỳ cục


Tôi sang thăm anh. Vẫn chỉ là cái "chủ đề" ấy. Anh nói:


- Em có còn nhớ chương trình cơ kết cấu năm thứ hai của Trường Đại học Kỹ thuật không? Chắc quên rồi chứ gì. Học là để quên đi mà. Anh thì trong những ngày ở trại điều dưỡng đã biết thêm nhiều điều thú vị nữa từ cuốn giáo trình em đã học đấy. Không chỉ có bài toán biên tay quay đâu. Mà bài toán đó coi như đã giải xong, được vào sách giáo khoa rồi. Hiện anh đang đi vào một bài toán khác cũng của cơ kết cấu. Mấy ngày nay anh tìm cách dựng mô hình mô phỏng bài toán "thanh cứng - dây mềm".


Ôi, cái anh chàng kỳ cục nhất thế gian này! Tôi chỉ còn biết lẳng lặng mà nghe thôi. Anh cầm bản vẽ trên giấy croki khổ lớn, định giảng giải tiếp, bỗng mặt biến sắc, tái nhợt, mồ hôi tóa đầm đìa trên trán. Cơ chừng anh sắp gục. Tôi vội đỡ anh vào nhà. Anh chỉ hộp thuốc để trong tủ. Tôi lấy ra cho anh uống, được một lúc anh nằm xuống giường, ngủ thiêm thiếp. Đúng lúc bà cụ


Thang đi chợ về. Bà hiểu ngay sự tình, bảo tôi:


- Từ ngày về đã mấy lần thế này rồi cháu ạ.


- Sao bác không khuyên anh ấy đừng làm việc đầu óc nữa, hao tổn sức lực lắm.


- Khuyên thế nào được - Bà nói - Nó bảo cả đời con còn có thú vui này.


Bà âu sầu nhìn anh, lấy khăn chấm mồ hôi trên cái trán rộng bướng bỉnh, quay sang tôi tiếp tục than phiền:


- Có mấy ông ở viện nghiên cứu gì ấy của quân đội đến chơi, đã chẳng gàn, lại còn khích lệ em nó. Người ta cũng tốt, nhưng phải chiếu cố em nó thương tật nặng thế này chứ.


Tôi và bà nói chuyện được một lúc thì anh choàng mở mắt. Ngơ ngác giây lát, anh bảo tôi đỡ ngồi tựa lưng vào tường. Bà mẹ trách:


- Con cứ làm quá sức, hôm nay không có em nó ở đây thì khốn đấy.


- Mẹ đừng lo - Anh cười lấy lòng mẹ - Sức khỏe con dạo này tốt hơn hồi ở trại nhiều đấy.


Rồi anh bảo tôi mở cái tủ con lấy ra tập giấy đánh vi tính khá dày bằng tiếng Anh. Anh nói, nét mặt đã phần nào tỉnh táo hơn:


- Cậu bạn giúp dịch những nghiên cứu của anh ra tiếng Anh. Nó bảo bụt chùa nhà không thiêng, cứ gửi công trình ra nước ngoài giám định đúng sai. Thú thật với em, chờ đợi họ trả lời cũng hồi hộp như buổi đầu được cầm tay người yêu ấy...


Nói đến đây anh bỗng dừng lại, nhìn tôi lộ vẻ bối rối bởi lời nói lỡ ấy. Tôi cũng chỉ biết cười, vội lảng sang "vấn đề" khác:


- Anh có định đi nghỉ mát ở Sầm Sơn đợt này không đấy?


Anh gật gật. Tôi liền giao hẹn:


- Mẹ và anh đi, có thể em cũng ké theo đấy.


Anh cười tươi, giơ tay bắt tay tôi như một lời khẳng định: Tất cả sẽ cùng đi. Vậy mà chỉ ít phút sau đó, anh vẫn bị "nghiệp chướng" chi phối. Giọng điệu thật hào hứng, anh bảo tôi:


- Em đừng nghĩ anh cố đấm ăn xôi nhé. Hằng ngày giải bài toán này nọ, vẫn chỉ là thú chơi thôi mà. Biết đâu lại có ích. Em biết không, nếu công thức tính mới của anh mà được thừa nhận, thì khi ứng dụng vào thiết kế công trình, tiết kiệm được khối vật tư, nguyên liệu đấy...


Bà cụ ngồi bên cứ mấy lần nhấm nháy, ngầm bảo tôi phải nhanh chóng cắt "cơn nghiền" của anh. Tôi nói chen vào:


- Cho em mượn về đọc thử.


- Em dùng tiếng Anh tốt hử?


- Tàm tạm thôi ạ.


***


Thế rồi công việc bù đầu ở nhà máy, tập tài liệu của anh vẫn để đấy, chưa biết lúc nào đọc được. Lại có cuộc đi công tác dài ngày ở phía Nam. Hôm nay trên đường trở về nhà, mới đến đầu phố tôi nghe tin sét đánh: Anh Thang mất đã mấy ngày nay rồi!


Tai như ù đặc, tôi đâm bổ vào nhà anh.


Hôm nay làm lễ cúng ba ngày. Bàn thờ để giữa nhà, hương khói nghi ngút. Bức ảnh trên bàn thờ cứ thấp thoáng trong làn khói hư ảo, ánh mắt anh đang nhìn tôi như nhắn nhe điều gì. Anh chàng kỳ cục của tôi ơi! Giờ đã nằm dưới ba thước đất, anh có còn biết chuyện gì đã xảy ra trên cõi đời này nữa không?


Rằng, vẫn có một cô bé chíp hôi từ lâu thầm mong nhớ anh, thầm yêu anh và vẫn cố chờ đợi một phép mầu nào đó đến với hai người...


Phạm Quang Đẩu

2hi.us