Insane
Truyện Ngắn - Phan Trang Hy

Truyện Ngắn - Phan Trang Hy

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Phan Trang Hy

Người đàn bà bán lộc

Giờ giao thừa. Những tiếng chuông rung lên
lay động màn đêm. Tiếng còi tàu báo hiệu năm
mới. Những chòm pháo bông sáng rực cả khoảng
trời. Mùa xuân đang đến.
Bà Ba sửa soạn lại những nhánh trầu, xếp
chúng vào mủng. Năm mới đến, thế mà, bà vẫn cứ
đều đều công việc của mình.

Bà làm nghề bán trầu cau hàng chục năm nay.
Bà muốn đem lại nụ cười đỏ như son cho các bà,
nên bà chọn nghề này. Hằng ngày, cứ sáng sớm là
bà gánh hàng lên chợ. Vẫn chỗ ngồi khép nép giữa
những đồ hàng đúng kiểu của cái chợ mua giành
bán giựt, bà Ba đặt lên chiếc mủng những lá
trầu, những vôi, những hột cau khô. Bà lầm lũi
làm công việc của người già khi còn đủ sức để lo
cho cái ăn, cái mặc của chính mình. Bà không đon
đả mời mọc khách hàng. Khách của bà toàn là
những người quen, gần như là những bạn già với
bà. Lâu lâu mới có một vài đứa trẻ đến mua hàng
của bà về cho nội, cho ngoại.

Thắp nén nhang làm lễ Hành khiển, bà khấn
thầm : “Con là Nguyễn Thị Ba, năm nay 77 tuổi,
làm nghề bán trầu cau, cư ngụ tại phường Phước
Mỹ, bày biện hương đèn, hoa quả, trà bánh, cáo
với các thần cho con được khỏe trong năm nay”.
Bà biết rất rõ sức khỏe của mình. Tuổi già sức
yếu là chuyện thường tình, ai cũng phải mang.
Nhiều lần, đứa con trai muốn bà về sống với nó,
nhưng bà từ chối. Bà không muốn làm phiền con
cháu.

Nhìn khói hương bay nhẹ, bà thanh thản trong
lòng, bà thầm nghĩ : “Cả cuộc đời mình, mình
không làm điều gì xấu. Ước gì mình cứ khỏe để
nhìn con, nhìn cháu nên danh, nên phận là mình
mãn nguyện”.

Đèn điện khắp xóm bật sáng trưng chào xuân
mới. Mọi người đều thức đón xuân. Chiếc cát-xét
từ nhà ai vẳng lên khúc nhạc Hái lộc đầu năm.
Bài hát làm bà nhớ lại thời con gái. Hồi đó bà
thường đi lễ chùa hái lộc đầu xuân. Chỉ còn lại
những kỷ niệm trong ký ức.

Bà dậy thật sớm, sớm hơn ngày thường, gánh
trầu rời khỏi nhà…
Bà xếp những ngọn trầu, toàn là trầu tươi
xanh trên mủng, rồi ngồi chờ đợi trước cổng
chùa.
Nhiều người đi lễ đầu năm. Áo quần mới, lời
nói tốt đẹp rộn lên. Ngày mới của năm mới bắt
đầu.
Sương sớm thầm nhẹ trên những ngọn trầu.
Sương tươi xanh trên mủng trầu của bà.
Một người đến chọn lộc đầu năm.

Hai người, rồi ba người đến mua lộc…
Ai cũng mua lộc đầu năm.
Sương xuân vẫn còn rơi. Chỉ còn lại đôi mủng
trống.
Bà lặng lẽ đếm những tờ giấy bạc mới tinh.
Một ngàn, hai ngàn, ba ngàn…Bà mở chiếc túi vải
giắt trong lưng quần ra, rồi bỏ tiền vào.

Trên đường về nhà, bà nhai tiếp miếng trầu.
Nụ cười già của bà đỏ thắm. Tiếng nhạc xuân vẳng
đưa : Mùa xuân ! Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ
dâng cho đời…
Những đứa cháu của bà sà vào lòng bà. Bà rút
những tờ giấy bạc mới tinh, những đồng tiền bà
bán lộc đầu năm lì xì cho bọn trẻ…


Người thầy dạy Búp-bê

Tìm kiếm trong các ngăn kéo, đem ra những con
búp bê của lũ cháu, lão Giáo xếp từng con một
ngồi theo hàng ngang. Giọng lão đầy đam mê:
- Này, các em ! Hôm nay thầy giảng cho các em
nghe nguồn gốc của Người.- Lão đằng hắng rồi
tiếp lời - Các em yên lặng học bài !
Từng con búp bê ngồi, mở to mắt nghe lời lão.
Nhìn chúng, lão mãn nguyện: “Có thế chứ ! Thật
là lũ học trò ngoan !”.

Lão là người thầy đã về hưu. Từ khi nghỉ dạy,
trong giấc ngủ, lão thường mơ thấy lớp, thấy
trường…Lão mơ hồi lão còn sung sức, lão như bay
bổng trên bục giảng. Bọn học trò kính lão – một
lẽ lão dạy hay.

Lòng yêu nghề cứ bám riết lấy con tim lão để mà
hành hạ. Thế mà lão thấy thích khi được khổ đau
trong nghề nghiệp. Có lẽ trời định vị ! Lão phải
làm tròn thiên chức mà lão đã mang.

Lão nhớ cứ đến ngày Nhà Giáo Việt Nam, các học
sinh, các phụ huynh đến nhà tết lão. Niềm tự hào
và nỗi xót đau cứa con tim của lão trong ngày
ấy. Đêm nằm, lão cười một mình…
Lão biết rằng phụ huynh và học sinh vừa thương
vừa phục lão. Nhưng điều ấy đối với lão đâu có
phải là quan trọng. Còn thở là lão còn phải làm
tròn thiên chức.

Những ngày đầu về hưu, những điều trái tai gai
mắt làm cho lão ngứa miệng. Cựa một tí là lão
giảng giải, lên lớp. Những lũ học trò ngày nào
đâu còn nghe lão dạy. Chỉ có những đứa con của
lão chịu số phận làm học trò. Được cái thằng con
trai đầu của lão là đứa hiền, nó chịu đựng ngồi
im nghe. Nhưng ngặt nỗi, nó không có thời gian
dành cho lão lên lớp khi đàn con của nó đang cần
nó. Rồi lão đem những sự tích thời tu-huýt-tu-đế
để dạy lũ cháu nội. Bọn trẻ rất ít khi rảnh để
học những gì lão nói. Chúng còn phải đến nhà
trẻ, đến lớp, học vi tính, chơi điện tử…Lời lão
không còn ai nghe…Mà có ai rỗi để nghe lão dạy
?...

Niềm vui nghề nghiệp bỗng lóe sáng khi những con
búp bê ngồi không chớp mắt, nghe lão giảng :
- Các em biết đấy ! “Nhân chi sơ tính bản
thiện”, có nghĩa là tính Người vốn từ gốc thiện
mà ra. Cho nên đã là Người thì phải thiện mới
hợp đạo.
Nhìn lũ học trò búp bê, mắt lão nhòe…/.

1995


Vàng mai

Đưa chén trà lên môi, nhắp nhẹ, giọng từ
tốn, tôi khẽ nói: “Bác có khi nào tìm về chốn cũ
ấy chăng?”. Lão già nước mắt lưng tròng, gượng
cười: “Thầy giáo ạ! Trước đây thì có, giờ thì
chân chùn gối mỏi làm sao mà đến được. Âu cũng
là phận cả! Thế thầy có tin mỗi cuộc đời đều có
phận của nó không? Tôi thì tôi tin thầy ạ! Càng
già thì càng tin. Chả bù với thời trẻ”.
- Bác nói thế thì tôi tin thế. Mà đã có
phận tất có duyên. Cũng nhờ có duyên mà tôi được
làm quen với bác đấy.
Lão cười: “Thầy khéo nịnh! Mà thôi! Giờ thì
tôi đưa thầy đi xem mai”.
Tôi cùng lão ra vườn. Gọi là vườn cho nó
“khí thế”, chứ thực ra ở cái thành phố đang phát
triển này làm gì có đất rộng để làm vườn.
Chả bù lúc ngồi nói chuyện. Giờ thì lão
huyên thuyên khoe với tôi. Cả thảy 21 chậu mai.
Nào là Hồng Diệp Mai tậu từ Sài Gòn; nào là
Thanh Mai ở tuốt Bình Định; nào là Bạch Mai mua
tận Thái Lan… Dẫu không có đất, thế mà lão có
từng ấy chậu mai, quả thật là tuyệt! Lão tỉ mỉ
giới thiệu cho tôi cái thú chơi mai. Phải biết
đợi chờ mai nở, đếm cánh mai nhiều hay ít để
đoán tài lộc, may mắn trong năm. Phải cảm nhậnđược hương thơm của mai, hiểu được cốt cách -
tinh thần của mai. Phải thở với hơi thở của mai,
hít khí trời như mai… Lão cũng lên lớp với tôi :
“Như anh biết đấy! Tết đến mà thiếu mai thì mất
cả hương vị của ngày xuân, mất cả tình xuân”.
Con mắt của lão hóm lên ngời sáng như trêu tức
tôi. Tôi chỉ còn biết : “Dạ vâng! Dạ vâng! Bác
nói phải!”.
Lão chào hàng cả thảy 20 chậu mai. Chỉ còn
một chậu là lão không đả động gì đến nó. Theo
tôi biết, đây là chậu mai núi bình thường.
Nhưng, thế của cây mai quả là chỉ có tay sành
điệu mới tạo được dáng như thế. Thanh mảnh, dáng
dấp con gái. Nhìn chậu mai, tôi nghe như có
tiếng thì thào của đất, của trời. Và từ cây mai
toát ra cả mùi của suối rừng và nắng mới. Dẫu là
thứ mai núi, nhưng chậu mai đã cảm hóa được tôi.
Tôi cảm thấy hồn mình như đẹp thêm ra. Quả là
chậu mai núi đã thuyết phục được tôi trong chừng
mực nào đó. Tôi bèn đề nghị lão:
- Bác để chậu này cho tôi!
- Cũng có nhiều người nài nỉ tôi. Nhưng có
đựợc giá mấy đi nữa, tôi cũng không thể bán -
giọng lão chợt buồn như khi ngồi uống trà với
tôi trước đó - Nó là một

phần hồn của tôi mà.
Không có nó, tôi cần sống làm gì nữa. Xin thầy
giáo thông cảm cho tôi!
- Bác nói thế thì tôi chẳng dám đâu. Nhưng
tôi xin bác kể cho tôi biết sao nó cần thiết với
bác đến như vậy?
- Ta vô nhà nói chuyện.
Chúng tôi lại ngồi vào chỗ như trước khi
xem mai. Vẫn không khí trầm lắng. Lão rót trà.
- Mời thầy giáo uống trà! Tôi sẽ kể thầy
nghe.
Tôi không dám đưa chén trà lên môi uống,
chỉ chú mục vào lão. Giọng lão run run: “Chậu
mai khi nãy, cả cô ấy nữa, cả chốn ấy nữa là một
đấy, thầy giáo ạ! Nhìn thấy nó là tôi nhìn thấy
cô ấy, chốn ấy. Thử hỏi như thế thì làm sao tôi
để mất nó được”.
Và lão kể…
Giọng lão trầm hẳn xuống. Tôi chơi vơi
trong câu chuyện. Nguyên trước đây, lão là đại
đội trưởng quân giải phóng. Xuân 1968, đơn vị
lão được lệnh tấn công huyện lỵ Đại Lộc. Tham
gia chiến dịch này, cấp trên đã phái xuống đơn
vị lão một nữ chiến sĩ. Thực ra, người nữ chiến
sĩ ấy là nhà thơ. Theo lão kể, cô tham gia trận
đánh là để làm thơ.
Kể từ ngày cô về đơn vị, tâm hồn lão như
sáng thêm ra. Cái duyên ít thấy ở người đàn ông,
ở người lính, lúc ấy phát ra thứ ngôn ngữ của
“thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Cô ấy viết được câu
thơ nào đều đưa lão đọc. Đôi khi cô ấy chép
những vần ca dao về chuyện lứa đôi tặng lão. Dù
không nói gì với nhau, nhưng mùa xuân tràn ngập
trong mắt dịu dàng của họ. Họ như là của nhau.
Trận đánh năm ấy, quân ta gây được tiếng
vang. Thế nhưng, nỗi mất mát trong lão là cô ấy
đã hy sinh khi chưa viết xong bài thơ cho trận
đánh.
Khi rút quân về hậu cứ, đơn vị lão đã an
táng cô gái trong rừng mai. Mùa xuân vẫn còn rực
vàng như chưa hề có sự đau buồn và mất mát ở
đây. Lão đã khắc tên cô trên đá - đánh dấu nơi
an nghỉ của một con người, của một đồng đội, của
một trinh nữ, của một nhà thơ.
Đơn vị lão về hậu cứ an toàn. Đêm ấy, máy
bay giặc Mỹ thả bom phía rừng mai. Mỗi tiếng bom
nổ là vằm thêm trái tim lão. Lão trơ con mắt.
Con mắt đỏ theo tiếng bom. Cả khu rừng mai phía
ấy cũng đỏ lên…
Sáng hôm sau, khi trở lại rừng mai, lão
không tin ở mắt mình. Không còn dấu tích của
người con gái ấy ; không còn dấu tích của mùa
xuân. Lão rưng rức cúi đầu…
Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải
phóng, lão về lại chốn xưa, đúng cái ngày cô ấy
hy sinh. Lão ngợp hồn trong sắc vàng của mai,
lâng lâng chơi vơi trong hương mai. Lão thấy
mình như trẻ lại trong tiếng réo gọi của mùa
xuân. Lão nằm, nhìn lên đầy vàng mai. Lão ngồi
xuống, mai vàng. Lão chạy trong vàng mai. Lão
bay trong mai vàng. Bay trong mùa xuân của núi
rừng. Trong màu vàng xuân lão thấy hình như cô
ấy ẩn hiện đọc những vần thơ về mối tình đầu của
họ.
Về lại thành phố, lão đem theo một cây mai
rừng như là để tìm hình bóng cũ. Cả mùa xuân của
đời lão được vun vén, chăm sóc, nuôi dưỡng ở
trong chậu mai rừng…
… Lão đã khóc. Và cứ khóc. Lão nói trong
tiếng khóc. Tôi nghe tiếng khóc của lão: “Tôi
tìm hoài cô ấy mà không thấy. Chỉ có mai rừng,
chỉ có sắc vàng của mai. Tôi già rồi làm sao về
lại chốn ấy, làm sao tìm được cô ấy, làm sao đọc
được bài thơ cô ấy chưa viết xong?...”.
Một năm sau, tôi đến thăm lão. Lão không
còn. Tôi tự trách mình sao quá vô tình không
thắp được một nén hương cho ấm linh hồn lão khi
lão ra đi. Xin lão tha thứ cho tôi !
Rời căn nhà trước đây lão đã ở, tôi hòa vào
dòng người sắm Tết. Tôi vào chợ hoa ở Quảng
trường 29-3. Tôi không thấy gì ngoài hoa. Những
cành hoa đơm nụ. Người ta đang bán mùa xuân.
Người ta đang mua mùa xuân. Người ta trao nhau
mùa xuân. Tôi chọn mùa xuân cho mình : vàng mai.


Đau đáu Trường Sa
Kính tặng các chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa…

Lệ thường, ngày nào cũng vậy, lão Ban lại
ra biển. Không nhìn thấy biển là lão cảm thấy
sao sao ấy. Lão dễ nổi cáu với vợ. Chỉ cần nhìn
thấy biển, nhìn ra ngoài khơi xa là lão mới dịu
đi những cáu ghét của cuộc đời. Lão đi biển
không phải để nhìn thiên hạ tắm, không phải tập
thể dục dưỡng sinh, cũng không phải bông lơn
chọc ghẹo những mụ hồi xuân. Lão nhìn biển như
thể cho vơi bớt nỗi lòng của mình, khi chẳng
biết tỏ cùng ai. Thường là lão đi một mình.
Nhưng lần này lại khác. Lão cùng thằng cháu nội
ra biển chơi.

Nhìn thằng cháu đang lượm những vỏ ốc, vỏ
sò, những con sao biển, lão thấy hồn mình như
nhập vào sóng biển. Vẫn tiếng sóng vỗ bờ, vẫn
tiếng rì rào của đại dương, của hồn biển Đông
muôn thuở. Vẫn đâu đây từ cõi sơ khai nước mặn,
trời nồng. Bỗng thằng Phong - thằng cháu nội của
lão - lên tiếng :

- Nội ơi ! Nội coi nè ! Vỏ ốc này đẹp quá,
nội ơi ! - Vừa nói, nó vừa chạy tới khoe lão.

- Ừ ! Đẹp quá !- Lão khẽ nói.

Nhìn vỏ ốc trên tay thằng Phong, lão lại nhớ
cái vỏ ốc mà lão đã tặng cho Vũ - ba của thằng
Phong. Quá khứ ấy như hiện ra trước mắt…

Lão làm sao quên được cái ngày lão được nghỉ
phép về thăm gia đình ở Đà Nẵng. Được trở về đất
liền, được thăm vợ, thăm con - thăm cái thằng
con trai, cái thằng con mà lão chưa biết mặt,
lão cảm thấy sao quá tuyệt vời.Nằm thao thức,
nghe sóng, gió mang vị mặn trong đêm, lão không
ngủ được. Ngày mai là có tàu vào đất liền. Mừng
thật ! Vui thật ! Nghĩ đến vợ con, lão lục tìm
trong đầu nên tặng vợ, tặng con những gì ? Ở
trên quần đảo này có gì ngoài phân chim, cát
vàng, san hô, ốc biển…Tặng gì đây cho vợ, cho
con ?

Vừa về đến nhà, lão chào mọi người. Vợ lão
ôm chặt lão, khóc : “Sao anh không ở ngoài đó ?
Anh về làm gì ?”. Lão biết vợ quá thương mình
nên nói vậy thôi. Chính vợ lão đã khuyên lão ra
đảo nhận công tác khí tượng kia mà.

Nhìn thằng Vũ nằm trên nôi, lão giơ hai tay ra,
vừa vỗ vỗ vừa kêu lên: “Ba đây con! Cho ba bồng
tí!”. Thằng Vũ nằm trong nôi khóc ré lên. Thương
con, lão muốn bồng con, ôm con. Nhưng mỗi lần
lão bồng nó thì nó không chịu. Một bữa, vợ lão
lo sắm sửa một ít đồ dùng để lão ra lại đảo, bèn
giao con cho lão. Thằng Vũ cứ khóc, không chịu
cho lão bồng. Lão lấy những thứ đồ chơi bằng
nhựa cho nó chơi, nhưng nó vẫn không chịu nín.
Cực chẳng đã, lão bồng con và dỗ. Lão kêu kêu,
cười cừời; lão làm đủ trò; nhưng thằng bé vẫn cứ
khóc. Khóc miết rồi cũng mệt. Mệt nên nó nín.
Rồi nó đưa mắt nhìn lão, nhìn khắp phòng. Lão
thấy mắt thằng bé nhìn các thứ để ở trong tủ
gương như muốn khám phá điều gì đấy. Nhìn con,
lão lấy làm lạ. Những thứ trong tủ có gì lạ đâu.
Toàn san hô, ốc biển…, những thứ lão mang từ đảo
về. Lão bồng con đứng trước tủ. Thằng bé cười -
lần đầu nó nhoẻn miệng cười. Lão lấy mấy thứ nhỏ
xinh cho thằng bé chơi, nhưng nghĩ lại, lão sợ
thằng bé chơi, rồi nuốt bậy, nên lão cất. Thằng
bé lại khóc. Cuối cùng, lão chọn cho con một con
ốc to bằng nắm tay. Đây là con ốc lão lượm trên
đảo đúng vào lúc nghe tin vợ ở nhà sinh thằng
Vũ. Thằng bé cầm con ốc, ngậm vào miệng ra chiều
thích thú.

Kể cũng lạ ! Từ khi chơi với con ốc, thằng
bé lại muốn lão bồng, lão bế. Chỉ trừ lúc nó
thèm sữa, còn thì nó đòi lão bồng chơi cùng con
ốc cho bằng được. Nó cũng thích lão hát cho nó
nghe, nó cũng thèm lão hôn nó…

… Lão vẫn nặng nợ với đảo. Đảo là nhà, là phần
cuộc sống của lão. Những lúc thương con, nhớ vợ,
lão chỉ biết ngồi trên bãi san hô nhìn vào

đất
liền. Làm sao lão quên được những hoàng hôn. Màu
sắc kỳ ảo vàng đỏ tím xanh cả biển. Mặt trời lặn
dần xuống biển như thể thiên nhiên đang cất giấu
viên ngọc hồng vào trong rương vũ trụ. Chỉ còn
thứ ánh sáng diệu kỳ trên biển. Và trong lão
sáng lên thứ ánh sáng của đêm, thứ ánh sáng gia
đình, quê hương… Lão thèm được nhìn vợ, nhìn
con, nhìn những gì thân thương của mình. Lão
quên sao được những lần đem thư của con ra đọc.
Ngó thế mà thằng Vũ cũng đã lớn rồi. Học lớp
11.Thư gửi cho lão, lúc nào nó cũng nhắc đến con
ốc mà lão cho nó. Cũng từng ấy câu chữ, nó cứ
viết vào những lá thư gửi cho lão: “Ba biết
không? Bạn bè con, đứa nào cũng trầm trồ vì con
có con ốc đẹp. Con đã từng khoe với bọn chúng là
con ốc mang cả hình hài của quần đảo Hoàng Sa.
Bọn chúng không tin. Nhưng con tin là thế!”.

Lão cũng tin là thế ! Lão tin quần đảo Hoàng
Sa là máu thịt của quê hương. Làm sao lão quên
được có lần lão đã dắt thằng Vũ về quê ở tận
Quảng Ngãi. Trong lần giỗ chạp, ông tộc trưởng
họ Đặng của lão đã từng nhắc rằng lão là kẻ hậu
sinh đang kế nghiệp tiền nhân. Mở gia phả, lão
rưng rưng đọc những dòng chữ ghi công tích của
họ Đặng. Vua triều Nguyễn đã từng phái dòng tộc
lão vượt đại dương trấn giữ Hoàng Sa. Lão cảm
thấy như máu tiền nhân đang chảy trong cơ thể,
tăng thêm nghị lực, tăng thêm tình yêu cho lão
trên đảo Cát Vàng. Làm sao lão quên được lúc
cúng tế, bà con tộc họ đã bỏ thức ăn, sau khi
xong lễ, vào một chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối,
thả xuống biển. Mũi thuyền hướng về Hoàng Sa như
thể rằng Hoàng Sa không thể quên trong hồn người
đã khuất. Trong tâm tưởng lão, lúc nào chiếc
thuyền bẹ chuối ấy cũng lớn như những chiếc
thuyền của dòng tộc họ Đặng, họ Trần, họ Lê… ở
quê lão vâng lệnh triều đình, tiến thẳng Hoàng
Sa… Trong lão như trỗi dậy những bài văn tế các
thủy binh thời ấy. Nhận lệnh vua, nặng nợ nước
nhà, buổi ra đi đâu dễ dàng. Sóng gió trùng
khơi, thủy quái dẫy đầy, đến Hoàng Sa đâu dễ.
Các thủy binh được tế sống lúc lên đường như thể
rằng quê hương vẫn nặng nợ với những người con.
Lão bùi ngùi, run rẩy như có ai đang bóp nghẹt
trái tim. Lão khóc…

Thằng Vũ hy sinh trên Trường Sa năm 1988!

Lão đã khóc rất nhiều khi biết tin. Lão không
ngờ như vậy. Kỷ vật cuối cùng của con lão là
quyển nhật ký. Lão đã đọc đi, đọc lại hoài.
Những dòng cuối cùng lão như thuộc lòng: “Ba ơi
! Biển đảo là biển đảo của quê hương do cha ông
để lại cho con cháu đời sau. Phải giữ để khỏi có
tội với tiền nhân, với con cháu. Dẫu có hy sinh,
con vẫn không hối tiếc điều gì vì đã thực hiện
theo lời ba dạy”. Đến giờ, lão vẫn không biết
mình dạy con điều gì. Lão chỉ nhớ những việc
làm, những tình cảm gắn bó với Hoàng Sa. Không
biết có phải những điều ấy là lời lão dạy với
con? Có lần thằng Vũ cầm con ốc đố lão - lúc nó
vừa thi xong tú tài: “Đố ba, trên mình con ốc
này có gì?”. Lão ngạc nhiên sao con lão đố như
vậy. Nhìn con ốc, lão cười đáp: “Thì chỉ những
chấm, những chấm màu vàng nâu”. Thằng Vũ cũng
cười, nói : “Rứa con đố làm gì !”. Rồi nó chỉ
từng cái chấm, hỏi lão có giống những đảo mà lão
đã từng ở không, nhiều chấm có phải là quần đảo
không… Và rồi nó kết luận: “Trên mình ốc có in
hình quần đảo Hoàng Sa”. Kể cũng hay hay. Từ đó,
nó để con ốc vào chỗ trang trọng nhất. Khi nhập
ngũ, đi bộ đội hải quân, nó xung phong đi Trường
Sa. Lão không gàn con. Nó cũng có tình yêu đảo
như lão kia mà !

Kể từ ngày thằng Vũ mất, lão như mất hồn. Cứ
những đêm rằm, mồng một, lão lại ra biển. Dù
nắng, dù mưa, lão vẫn ra biển thắp ba cây nhang
hướng về Hoàng Sa, Trường Sa mà vái. Ngoài kia,
những con thuyền thả lưới, những chiếc tàu đánh
bắt cá sáng rực những ánh đèn như thành phố nổi
trên biển. Trước mắt lão hiển hiện những ngư dân
cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó chịu thương. Trước
mắt lão hiện lên những chàng trai giữ đảo, có cả
hồn của
2hi.us