Truyện Ngắn - Người Ơi

Truyện Ngắn - Người Ơi

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Người Ơi

Vy đứng trên sân ga, tay xách nách mang nhấp nhỏm chờ tàu đến. Người đàn bà đứng cạnh Vy làu bàu: “Tàu với chả bè”, rồi trút tiếng thở dài. Vy nhìn đồng hồ, chợt nhớ đến cái bảng thông báo giờ tàu đến 16 giờ 34 phút. Chậm đúng nửa tiếng. Thường cái gì chính xác quá lại không chính xác.

“Tàu đến”, ai đó nói như reo. Ga Huế náo nhiệt hẳn lên bởi tiếng gọi, tiếng kêu của đám người đông kịt, tiếng mời chào dẻo quánh của các cô gái bán hàng rong. Hành khách kẻ lên người xuống, kẻ đón người đưa bu kín cả thành tàu. Vất vả lắm Vy mới đu người được lên tàu.

Lách mãi Vy mới đến được khoang của mình. Mọi người đã ngồi kín, hình như họ lên ga từ trước. Thu xếp xong hành lý, Vy thở phào, áp mặt ra cửa tàu có chắn tấm lưới bảo hiểm đón gió. Bức quá! Mồ hôi ướt rỏng lưng. Chắc là sắp có giông, mây đen nhuộm xám cả bầu trời thế kia. Vy hắt hơi mấy cái liền, có lẽ trong nhà đang nhắc mình đấy. Giờ này chắc đông đủ cả, nghe đâu vợ chồng anh chị Biên từ Hà Nội cũng bay vào hôm qua.

Thật ra Vy đã thấp thỏm về chuyến đi này cả tuần lễ rồi. Nhưng kẹt, sáng qua cô mới thi lấy chứng chỉ C Anh văn nên không thể vào sớm hơn được. Cách đây hơn tháng, mẹ đã viết thư nhắc nhẹ, có cả trách móc: “Hồi trước U thương con nhất vậy mà dăm ba lần kỵ vẫn không thấy mặt mũi đâu”. Quỳ, em út Vy cũng xin vài dòng tái bút chua lét : “Chị Vy ơi vào mà xin U phù hộ độ trì cho để kiếm tấm chồng không thì ê sắc đấy”. Con Quỳ chỉ được cái lếu tếu nhất nhà, ai nó cũng đùa được.

Hình như một lần, mẹ cũng bảo Vy như thế. Vy mới ngoài hai mươi tuổi mà mẹ đã có lý do “Cứ làm như thời mẹ không bằng”. Nhưng nghĩ lại chỉ thấy thương mẹ. Thử hỏi trong nhà có đến bảy cô gái, bảy quả bom nổ chậm mẹ không lo sao được. Rồi nghĩ ngợi “Chả lẽ chuyện chồng con lại quan trọng vậy sao”.

Chả biết U có linh hiển hay không mà từ ngày U mất trong nhà hễ có chuyện lễ lược, cưới xin chuyện làm ăn, chuyện đi Tây, chuyện thăng quan tiến chức là mẹ lại dâng lễ cầu xin U. Thực hư thế nào Vy không tường nhưng huyền thoại về U cứ nối dài ra mãi.

Bắt đầu là cái gia sản kếch xù của anh Chỉnh. Anh Chỉnh là anh cả Vy, chưa đầy 30 tuổi đã là tay có máu mặt ở thành phố. Ở Sài Gòn phồn hoa đô hội mà nhà mặt tiền phố chính, cái để ở, cái cho doanh nghiệp nước ngoài thuê, cái nào cũng chót ngót ba bốn tầng; xe hơi đời mới loại xịn, trong nhà bội thực tiện nghi cùng cô vợ xinh đẹp không kém gì người mẫu thời trang.

Nhiều lần mẹ giảng giải với con cháu rằng: “Hồi Mậu Thân pháo kích từ biển nã vào thành phố mù trời. U bị sập hầm, chính thằng Chỉnh đã phát hiện ra và đào bới cứu được U. Rồi khi U ốm đau nó chăm sóc U tử tế lắm. Sau này U mất, công việc bề bộn thế mà nó vẫn bỏ cả tuần lễ ra Huế bốc mộ U đưa vào Sài Gòn hỏa tang rồi gửi chùa. Nó bảo: “Như thế không lẫn, không mất mà tiện bề hương khói”. Rồi mẹ kết luận: “Nó sống trước sau tình nghĩa thế nên giờ U mới phù hộ độ trì cho nó ăn nên làm ra”. Con Quỳ cãi: “Mẹ chỉ được cái mê tín, anh Chỉnh giàu là vì anh ấy buôn lậu xuyên quốc gia. Máu liều như anh ấy tháng kiếm vài ngàn đô là thường”. Rồi nó nheo mắt tặc lưỡi: “Mà cũng coi chừng của thiên lại trả địa”. Mẹ xén ngang: “Nói chi vô hậu, phải biết kiêng mồm kiêng miệng, mê tín là thế nào, toàn chuyện nhỡn tiền cả đấy thôi, đâu chỉ có chuyện của thằng Chỉnh”.

Dường như để khẳng định thêm sự linh nghiệm, mẹ lại kể chuyện chị Trang đi thi đại học. Vừa nhìn thấy đề thi đã bủn rủn chân tay, chị khẩn cầu U hãy giúp đỡ chị. Thế là như có người mách bảo, chị Trang cứ thế viết liền một mạch không phải nghĩ ngợi gì cả. Quỳ lại chích: “Mẹ nói chi lạ, U đâu có biết chữ mà đòi giải toán đại học được? Mẹ không biết đấy thôi, chị Trang nhà mình có bằng quay ca-mê-ra hạng siêu đấy mẹ ạ”. Vớt vát mẹ bảo: “Thần thánh cần gì phải học mới biết, thế chuyện chị Tâm mày lấy chồng bảy tám năm trời không đẻ đái gì, nếu không dâng lễ hậu cầu xin U thì bây giờ có cu Tuấn không? Còn đời cô đấy!”. Quỳ lắc đầu, biết nói với mẹ cũng vô ích. Nó hét to: “dxet – xờ”.

Từ tảng sáng, mẹ đã giục rối cả nhà thức dậy chuẩn bị làm cỗ. Mẹ là dâu cả. Từ ngày cha mất mọi việc kỵ giỗ, lễ lược đều mình tay mẹ đứng ra sắp đặt rồi mời chú của Vy đứng ra làm chủ lễ. Mỗi năm nhà thường có năm bảy đợt kỵ, có lễ mẹ phải chuẩn bị cả tháng ròng.

Giỗ U năm nay mẹ làm lớn, kể cả đám con cháu dâu rể, khách mời ngót nghét cả trăm. Nhưng mẹ không làm cỗ mặn, nhà Vy có truyền thống giỗ kỵ thế nào cũng chỉ cỗ chay. Trước đây U nổi tiếng là người nấu món chay vừa ngon vừa khéo. Nghe đâu U được bà nội truyền cho công kỹ lắm. Soạn cỗ chay mà giao cho U là mẹ không phải lo lắng gì nữa. Thật ra dân theo đạo Phật ở Huế nhiều, nhà nào cũng ăn chay định kỳ vào ngày rằm, mồng một nên hầu như ai cũng biết nấu món chay, nhưng để được gọi là nghề thì ít ai dám tự khẳng định. Nhìn U gọt tỉa rau củ sắp đặt mâm cỗ là Vy cứ mê đi như được ngắm một thảm hoa ngũ sắc. Vật liệu soạn cỗ chay đi lại cũng chỉ khuôn đậu, nấm, phù chúc, rau quả, tương chao không thịt cá gì mà mâm cỗ vẫn thịnh soạn, người lạ nhìn vào không phân biệt được chay mặn. Đã nhiều lần Vy chứng kiến khách khứa đến dùng cỗ, nhìn mâm cỗ cứ trầm trồ khen ngợi, thán phục, nửa muốn xăm đũa, nữa lại không nỡ như sợ làm hỏng một tác phẩm nghệ thuật. Có lần U đang loay hoay xếp ghép cho ra hình con công xòe đuôi, thấy Vy U hỏi: “Con coi đã giống chưa?”. Dạ rồi, rất đẹp ạ, “nhưng mà…”, “nhưng mà chi”; Nhưng mà U làm cỗ chay tại sao cứ muốn cho nó giống cỗ mặn. Làm thế có khác gì “hồn Trương Ba da hàng thịt không hở U?”. U bảo: “Cho nó đẹp”. Vy cãi: “Nhưng hoa lá cũng đẹp chứ sao”. U thở dài: “Có ai bỗng dưng mà trở thành thánh đâu con”. Vy không hiểu được những ẩn ý trong lời nói của U nhưng cũng không gặng hỏi thêm.

Đã nhiều lần Vy gạ gẫm: “U bày cho con nấu món chay với nghe”. U nhìn Vy lạ lẫm: “Chà con gái tân tiến, sắp ăn cơm hộp đến nơi cần chi phải học mấy thứ lẩm cẩm ni, định cướp nghề của U hở?”. Vy năn nỉ: “Con thích thật mà U, có cơm hộp rồi lại càng phải học. Bộ bữa ni có máy vi tínhrồi là không cần tập viết nữa sao”. “Chà lý sự dữ hè, biết cái chi cực cái đó con ơi, cứ có ăn ngon là được rồi, dại chi dại rứa”. “Nhưng nhỡ U…”, Vy biết mình lỡ lời. U cười “trù tui hả”, rồi cũng chỉ vẽ cho.

Trước khi vào chính lễ, ông chú Vy áo dài khăn đóng, bê một chiếc khay trên đó mẹ Vy đã chuẩn bị một ly nước trong, miếng trầu, chén rượu, hoa quả, giấy vàng bạc và hai tờ tranh in bằng gỗ hình hai vị môn thần đặt ở cổng rồi thắp hương khấn vái, nói là để cầu xin nhị vị môn thần cho phép vong linh vào cổng, vào nhà hưởng lễ cúng.

Sau lễ nhập môn, cả nhà lục tục lên gác để vào chính lễ. Mấy hôm trước mẹ bảo anh Chỉnh lên chùa thỉnh thầy về tụng kinh. Anh Chỉnh mời được hai thầy. Thầy có tuổi là Thượng tọa, mẹ gọi ông xưng con. Đệ tử của thầy chỉ bằng tuổi con cháu, mẹ vẫn một tiếng thưa thầy, hai tiếng thưa thầy thành kính lắm. Vy lẩn trong đám con cháu đứng lố ngố phía sau, tay chắp trước ngực, mắt ngó trộm thầy đệ tử. Đẹp trai chi lạ, mặt mũi cứ như diễn viên Hồng Kông, mày ngang, mũi thẳng, mắt sáng, đôi môi dày đỏ mọng trông mới gợi cảm làm sao. Con Quỳ

đứng cạnh cũng rỉ vào tai Vy: “Chao ơi thầy tu chi uổng rứa, chắc cũng được vài năm là hết chịu nổi cho coi”. Vy lườm: “Đồ con yêu bánh nậm”, nhưng lại nghĩ “nó nói phải”. Khi thầy tụng niệm, cặp mắt sáng nhìn ngay kim thân Đức Phật, tay đưa hương ngang trán “Ấn lan tỏa ha, ấn tap ha bà ha. Bà phạ trật độ bám; nguyện thử diệu hương vân…” Giọng thầy hòa trong tiếng mõ, tiếng chuông tạo thành tấu khúc không du dương trầm bổng nhưng thanh thản thành kính, đầy lòng tin cậy. Con Quỳ lại lắc đầu bấm tay Vy rồi hướng lên bàn thờ nhẩm tụng không nói gì thêm nữa.

Trong khi hai thầy thay phiên nhau tụng niệm, mẹ Vy quỳ trước bàn Phật, chắp tay sụp lạy. Sau hơn tiếng đồng hồ mà lễ vẫn chưa dứt, đám con cháu đã mỏi mệt, ủ ê, mất hết kiên nhẫn. Anh Chỉnh thôi không chắp tay nữa, lần túi tìm thuốc như một quán tính. Chị Biên cũng tìm cớ chuồn xuống bếp nói là để trông coi việc nấu nướng. Vy cũng cảm thấy tê dại cả đôi chân, chuyển đổi tư thế liên tục. Vy chỉ ngạc nhiên về mẹ, “Ngày thường ngồi lâu mẹ vẫn kêu nhức mỏi, chóng mặt; vậy mà bây giờ gương mặt mẹ xem ra không có vẻ gì ốm đau bệnh tật. Điều gì đã làm mẹ dẻo dai thế, đức tin chăng?”.

Buổi chiều, Vy rủ Quỳ lên chùa thắp hương cho U. Quỳ ô-kê ngay. Hai chị em phóng xe ngay trong cơn mưa chiều chợt đến, chợt đi. Xa lộ dẫn về phía Tây thành phố chìm trong biển mưa. Hình như người Sài Gòn ít có thói quen trú mưa, trong mưa xe lớn, xe nhỏ vẫn rú ga phóng văng mạng. Dù, áo mưa đủ màu, đủ kiểu xòe ra như nấm. Cả Sài Gòn rùng rình như trong cơn địa chấn. Thật khó hình dung cách xa lộ chừng vài trăm mét ngoặt về phía phải là một thế giới khác xa lạ và chết chóc. Đó là tháp Phổ Đồng, một nghĩa địa lộ thiên với hàng ngàn hài cốt trần trụi giữa một vùng đất rộng.

Tháp được xây cất trong khuôn viên chùa Huệ Nghiêm. Có lẽ tuổi chùa chưa được bao nhiêu nên kém phần u tịch. Tháp cao bảy tầng, hình tứ giác, được quét phủ màu ghi xám. Tầng một dùng để tiếp khách và thờ Phật địa tạng. Từ tầng hai trở đi là nơi bảo trì việc tế tự hài cốt.

Quen lối nhưng Vy vẫn dè dặt bước. Hai chị em Vy rón rén bước trong im lặng. Vy men theo chiếc cầu thang bằng đá lạnh ngắt, tối om. Trên mảng tường ghi xám có những ô cửa nhỏ. Ánh sáng le lói lọt vào trông như những lỗ thông hơi. Vy liếc mắt nhìn ra. Ngoài kia là nắng, là trời xanh cây cỏ, là cuộc sống trần thê quay cuồng hối hả, còn ở đây là chốn thâm u mờ ảo giăng đầy sương khói. Trầm hương phả nhẹ xua tan trong Vy nỗi sợ hãi phi lý truyền kiếp. Có vài người cùng xách đồ lễ lên tháp, không ai nói gì, có lẽ họ cũng như chị em Vy, thăm viếng, tưởng nhớ và kết thúc ở cầu xin.

Kệ tháp ken dầy các hũ cốt. Đó là những bình gốm cao thấp, vuông tròn với hoa văn đủ kiểu. Ánh sáng nhòa nhạt hắt ra từ chiếc đèn nê-ông quyện trong hương khói càng làm cho không gian trở nên kỳ bí. Nhìn các hũ cốt trong mờ ảo, tự nhiên Vy liên tưởng đến các bình cổ quý hiếm vẫn được cất giấu trong kho tàng bí mật cổ xưa. Cảm nhận của Vy về lần đầu tiên được tiếp xúc với khu nghĩa địa này là sự bình đẳng. Kích cỡ các hũ cốt không chênh bao nhiêu. Nó khác xa với khu nghĩa địa ở quê Vy. Ở đó, sau cái chết, sự sang hèn giàu nghèo vẫn còn hoành hành thống trị.

Căng mắt, Vy nhìn lướt qua những bức hình được gắn trên mặt bình: Này trẻ, này già, này khôn, này dại, này sang, này hèn, họ ở phương trời nào giờ tụ cả về đây, yên nghỉ bên nhau trong chốn vĩnh hằng. Bên dưới chân dung là những dòng chữ vẫn thường thấy khắc trên bia mộ: Sinh hữu hạn, tử vô kỳ, không ai tiên liệu được cái chết kể cả tự sát. Những gương mặt đẹp hãy còn quá trẻ làm Vy chạnh lòng. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi thành cát bụi” nghe như giai điệu chiêu hồn đội lên từ những nấm mộ. Giờ đây tất cả đã tan biến vào trong ngọn lửa. Hỏa táng đã trở thành cuộc đại lễ cuối cùng của một kiếp đời. Liệu ngọn lửa ấy có đưa được linh hồn người quá cố nhanh chóng trở về chốn cực lạc như con người vẫn khắc khoải tơ tưởng hay đó chỉ đơn thuần là sự tiện lợi của nền văn minh.

Hũ cốt của U đặt ở tầng ba mang ký hiệu 94b. Đó là chiếc bình gốm có hoa văn hình loa kèn. Chân dung U gắn trên mặt bình đơn sơ không áo dài, khăn cuộn vẫn không khỏa lấp được khuôn mặt trái xoan ôm lấy những đường nét thanh tú lưu giữ một thời xuân sắc.

“U ơi sao U đẹp thế mà lại đi làm con ở?”.

Năm 12 tuổi đã có lần Vy ngớ ngẩn hỏi U như vậy. Vy bị mẹ la rầy một trận nên thân. U cười buồn, “U mà đẹp chi”. Tiếng Nghệ tha phương sau mấy chục năm nghe vẫn còn nằng nặng.

U ở với gia đình Vy đã lâu lắm. Nghe đâu từ hồi cha mẹ chưa lấy nhau. U là chứng nhân lịch sử chứng kiến sự hưng phấn thang phế của gia đình Vy. Hình như U biết hết mọi chuyện nhưng lại câm lặng như nấm mồ. Còn cha mẹ Vy ai cũng lơ mơ về tuổi trẻ của U. Có lẽ không ai quan tâm đến điều đó. Sự có mặt của U trong gia đình Vy cũng tự nhiên như cái rìu cái rựa. Ngay đến tên thật của U cũng không ai biết chính xác. Trong nhà từ lớn đến bé đều gọi U là U, rồi lấy tên U ghi vào giấy chứng minh nhân dân luôn.Ngày tháng đẻ lại càng mơ hồ, mẹ phải bịa ra để ghi vào những tờ cần thiết. Con người sinh ra không thể không có tên tuổi; U không nhớ hay cố tình chôn vùi một quãng đời quên lãng làm sao Vy biết được, nhưng chắc chắn không có gì tốt đẹp.

Có lần Vy nghe bà nội nói chuyện với khách: Hồi mới xin làm con ở, U còn trẻ lắm, đẹp lắm, áo quần tả tơi rách rưới, yếm than, mấn gụ, khăn mỏ quạ chít đầu mà vẫn lồ lộ cái nhan sắc trời cho. Đẹp đến nỗi nội ngỡ người tiên giả kẻ hèn để thử lòng người phàm tục. Hoảng quá nội cho người cơm nước tiếp đãi tử tế nhưng không dám nhận. Thầm nghĩ, nếu là tiên thì nhà đâu có phúc nhận rước vào làm con sen con ở, còn người phàm mà đẹp thế kia liệu có đỏng đảnh được ba bảy hai mốt ngày không? Cái đẹp nào mà chẳng kèm theo chút hư hỏng. Đẹp thì lẳng, đẹp thì rồi thế nào cũng hư nết. Nhưng U khóc quá, một mực cắn rơm cắn cỏ van xin. Nội Vy không cầm lòng được đành phải nhận bất đắc dĩ.

° ° °

Thuở nhỏ, hồi nhà Vy còn ở Huế, Vy rất thích ngủ với U. Nhưng cha Vy cấm, “dưới bếp không thoáng dễ gây bệnh”. Cha Vy nghiêm lắm, nghe cha dạy đứa nào cũng dạ răm rắp. Riêng Vy vồ trán, mắt to nổi tiếng gan lì bướng bỉnh là không thuận theo ý cha. Đêm đêm, khi tiếng ngáy của cha vang lên từ chiếc phản gian ngoài là Vy rón rén chuồn xuống bếp. Hầu như đêm nào Vy cũng giở trò ranh đó nhưng chưa lần nào bị phát giác. Được ngủ với U rất thích, trước là không chen lấn, giành giật chăn gối cãi cọ lẫn nhau; sau nữa tránh được nguy cơ bị văng ra khỏi giường ngủ với đất. Ngủ với U được quạt, được xoa lưng, được nghe kể chuyện lại còn tha hồ được hỏi dông dài mà không bị rầy la. Thử hỏi có thú gì bằng.

Tối nào, trước khi đi ngủ Vy cũng thấy U ngồi xếp bằng lần tràng hạt, tụng niệm giờ lâu. Tràng hạt của bà nội Vy cho U. Một lần bà gọi U vào hỏi chuyện, bà bảo: “Tôi thấy chị đẹp người đẹp nết, ăn ở hết lòng với gia chủ tôi cảm mến lắm”, im lặng hồi lâu bà nói tiếp: “Này tôi hỏi nhé, chị có muốn lập gia đình không, tôi làm mối cho”. Mặt U tái nhợt, “dạ không ạ”; “Sao lại không, chị có biết chị đẹp lắm không, có người nhờ tôi dạm

hỏi chị đó. Nếu chị thuận tôi sẽ đứng ra để thu xếp cho, ông ấy cũng là người tốt”. “Ông ấy” mà nội bảo chính là bác Đãi, đại tá về hưu, bạn đồng niên với cha. Hồi Cách mạng Tháng Tám, bác gia nhập quân ngũ, rồi tập kết ra Bắc. Bác đã có một đời vợ, hai con nhưng bom Mỹ đã cướp đi tất cả, nên bây giờ bác vẫn một mình đơn chiếc. Nhưng U vẫn một mực từ chối, “dạ con không có phúc phận ấy bà cho con ở vậy”. Bà nội thở dài không nài ép nữa. Bà Vy trao vòng chuỗi màu huyết dụ vào tay U mà bảo: “Tôi chưa thấy người nào đẹp như chị nhưng có lẽ chị bị vướng vào chướng nghiệp nặng lắm mới lạc vào phận hèn hạ. Nếu chị không có ý lập gia đình, tôi khuyên chị hãy thành tâm tụng niệm, nguyện từ bỏ lòng ham muốn, rũ hết cái bụi đời thì về sau mới thoát khỏi cảnh luân hồi mà lên cõi niết bàn?”.

Không biết U có thấu thị hết lời giáo huấn của bà Vy hay không mà nước mắt chan chứa thành dòng rồi sụp lạy mà không nói gì.

Một lần Vy gạ gẫm hỏi U: “U tên chi?”, “tên U”, “ứ con biết không phải”, Vy nhõng nhẽo nhưng xem ra không nhượng bộ, “U nói tên thật ấy”; “U quên rồi”, “U không phải, U giấu con, con không chơi với U nữa, U thật dễ ghét”. “Con hỏi làm chi, tên mô nỏ được”; “con hỏi cho biết”, Vy dẻo mép, “mai kia lớn lên con đi lấy chồng, nếu chồng con hỏi U tên chi thì nói sao. Thương mà không biết tên nghe chi lạ”. Vy vừa nói vừa đẩy người U giằn dỗi. U lặng người hồi lâu rồi buông lời: “Tên Trầm”. Vy nhổm dậy: “Hả, U nói tên chi, tên Trầm à”; “không tên Trầm, trầm hương ấy”. “A, U Trầm, U Trầm, tên đẹp thế mà U dấu con, ở quê mà đặt tên hay ghê”, U lắc đầu: “Quê U có nhiều trầm lắm nên cha U lấy tên Trầm đặt cho U chứ có văn hoa chi mô”.

Như mạch nước nghẽn tắc được khơi dòng, ký ức bị khuấy động tuôn chảy, U đưa Vy về một vùng quê mà chưa một lần Vy nghe nói đến. Vy lịm dần vào xứ sở của mù sương huyền thoại.

Kể rằng, khởi thủy làng quê U là một khu rừng cổ thiêng lắm. Rừng nằm dọc triền một con sông lớn. Điều kỳ lạ là rễ cây rừng lan đến đâu hương thơm tỏa ra đến đấy ướp đẫm cả trời đất, cỏ cây, mây nước. Người làng U tin rằng đó là thứ hương của trời. Một lần vị coi kho của Ngọc Hoàng vô ý đánh vỡ chum đựng hương liệu quý, bột hương xòa ra rắc xuống trần gian, phủ lên cả rừng cây đại ngàn kia rồi ngấm vào đất, vào nước. Rễ cây được nuôi dưỡng trong đất thơm nước thơm ấy mới có được hương thơm kỳ lạ như vậy. Người sành hương bảo rằng: trầm ở khu rừng này không ngây ngất mê dụ mà thoang thoảng mùi dịu nhẹ, nhã đạm, tinh khiết, thâm trầm. Ngọc Hoàng một lần vi hành xuống cõi giới, qua vùng đất này thấy hình sông, thế núi uốn lượn mềm mại như có long mạch chảy qua, hương thơm tỏa khắp chốn, ngỡ đây cũng là chốn thiên đình lạc về trần thế, bèn cho xây một chiếc cổng lớn bằng vàng để ngày ngày tiên nữ giáng thế rong chơi. Ngọc Hoàng còn ban chỉ cho dân gian: Nếu ai có điều gì oan ức hoặc khẩn cầu thì đến khu rừng thiêng này, ngửa mặt lên trời hú dài ba tiếng, Ngọc Hoàng sẽ sai sứ giả đón tiếp và giúp đỡ.

Đêm ấy Vy không sao chợp mắt được, hình ảnh khu rừng cổ thiêng chỉ toàn hương thơm và chiếc cổng trời cứ ăn nhập vào tâm trí Vy như một khát vọng định mệnh. Ước gì Vy được một lần đến đó để ngửa mặt về cổng trời hú lên ba tiếng…

° ° °

Trong nhà chỉ có cha Vy lại dị ứng với U. Công bằng mà nói, trước đây ông không thế. Cha mẹ Vy vẫn được tiếng là người giàu mà biết lễ. Cha không điển trai, lại khiêm tốn về chiều cao, khuôn mặt mộc tinh, trán rộng, phẳng trượt dưới mái tóc dợn sóng, lúc nào cũng chải ngược về phía sau một cách tươm tất. Khi ra khỏi nhà, cha Vy lúc nào cũng đội mũ và đi giày hoặc dép có quai hậu. Bản tính ông điềm đạm, thận trọng nhưng gia trưởng, quyết đoán. Mỗi khi cha đưa ra ý kiến gì điều được mọi người từ lớn đến bé tuân phục vô điều kiện. Ít có ai trong nhà dám thắc mắc cha vì sao thế này, vì sao thế kia. Cha là con trai trưởng một dòng họ đã một thời vang bóng trong chốn quantrường. Ông được giữ lại ngôi nhà tổ tiên để lo việc thờ cúng. Ngôi nhà lợp mái ngói liệt ba gian hai chái bằng gỗ lọt thỏm giữa một khu vườn rộng có đến ba mẫu trồng toàn cây lưu niệm. Nhà được xây cất theo lối xưa toàn cửa là cửa. Trong nhà toàn cột sóng đôi. Trên xà ngang còn lưu giữ bức chạm cẩn rất tinh vi hình cổ đồng bát bửu mai hạc nay đã bị tróc đi ít nhiều. Hồi mới giải phóng, thấy vườn nhà Vy rộng nhiều người đánh tiếng muốn mua đất. Họ bảo: “Ông chỉ cần xén đi cái rẻo là lên lầu, xây nhà mô-dẹc” nhưng cha Vy không bán, “Đất tổ tiên để lại, bán đất đi chẳng khác nào trồng cây mà đốn rễ”, ông bảo thế.

Cha Vy còn có thú tiêu khiển đến đam mê là sưu tập cây kiểng. Trước vườn nhà Vy đặt toàn chậu kiểng. Hàng ngày đi làm về ông dành thời gian còn lại để chăm sóc cây kiểng. Cha Vy nổi tiếng uốn thế cây ở Huế. Với kinh nghiệm hãm cây dày dạn, ông đã tạo ra hàng loạt cây cảnh bon sai với những hình dáng mang vẻ đẹp tự nhiên mà giàu tính triết lý như thiên địa nhân, tứ quý, siêu phong, long giáng, lưỡng long tranh châu, cây nào cũng bé tý nhưng tuổi có khi gần cả đời người.

Trước khi lấy mẹ Vy, ông đã có một đời vợ. Nghe nói người vợ trước của ông cũng là một thiếu phụ xinh đẹp đoan trang. Vy chỉ biết mặt mẹ đích qua bức chân dung được cha truyền thần từ bức ảnh cỡ 4x6 đã ố màu. Trong ảnh người đàn bà mà Vy gọi là mẹ đích hiện ra với những đường nét thanh mảnh, mềm mại, đài các của cô gái xứ Bắc. Cha Vy không bao giờ nhắc đến mẹ đích; nhưng nội của Vy nói rằng, mẹ đích tên Giao được cha yêu chiều lắm, khi bà mang thai đầu lòng, cha Vy không cho bà làm gì, chỉ luẩn quẩn ở nhà thêu thùa, đan lát. Một hôm bà cầm ly xuống bếp uống nước, không may va phải bậc cửa, bà vấp thanh chắn ngã vật ra, mảnh vỡ văng vào cổ, đụng phải mạch chủ máu phun xối xả, vài tiếng sau thì mất. Cha Vy đau đớn đến không khóc được. Mai táng vợ xong, ông cạo trọc đầu, đêm nào cũng vác chiếu ra mộ vợ nằm đúng ba tháng mười ngày. Hồi đó, đám đàn bà con gái kháo nhau cha Vy là người chung tình nhất thế gian.

Sau này bà nội cho người đến dạm hỏi mẹ Vy, không biết có phải vì duyên số hay cảm cái đứng thủy chung của ông mà mẹ Vy với bà ngoại thuận luôn. Từ bấy đến giờ cha mẹ đã có với nhau 9 mặt con. Tính tình ông vẫn trước sao sau vậy. Vậy mà tất cả đều thay đổi, Vy không hiểu điều gì đã khiến ông biến thành kẻ khác nhanh đến vậy. Ông trở nên hay cáu gắt với những người trong nhà đến vô lý và thường tìm cớ xét nét U. Có lần ông phát hiện U dấu đĩa bánh bột lọc bọc tôm thịt úp trong chiếc nồi đồng, ông làm dữ: “U là giống tôi mọi. Trong nhà này có ai để U chết đói, chết khát mà phải làm thế”. Rồi ông chắp tay sau lưng, rảo những bước chân ngang dọc vừa đi vừa nói như quát “nhục nhã, nhục nhã”. U ngồi câm lặng trước bếp không thưa gởi một lời, đôi mắt ngấn nước nhìn ngọn lửa. Nồi cơm sôi reo đội nắp tràn cả ra ngoài mà U chẳng hay. Lúc đó, Vy thương U quá, chỉ muốn hét to lên: “Cha không có quyền làm nhục U như thế, U không phải là hạng người như cha nói”. Bởi Vy biết rõ, những chiếc bánh đó bao giờ U cũng để phần hơn cho Vy. Nhưng mặt Vy hết đỏ tía rồi lại tái xám. Vy run lên không nói ra lời. Có lẽ Vy hãy còn quá bé

chưa đủ can đảm để đối thoại với cha, mà ngẫm, dẫu nói cũng vô ích, máu gia trưởng cố hữu không cho phép ông đính chính hay nghĩ lại bao giờ, ít nhất là ông cũng tỏ ra như thế: “Cha con mà nói đúng thì có trời mới dám bảo sai” – mẹ Vy đã chẳng có lần nói thế là gì.

° ° °

Mẹ Vy thường an ủi U, “dạo này ông ấy bận lắm, công việc phải lo nghĩ nhiều sinh cáu gắt, U đừng để bụng làm gì. Ngay cả với tôi ông ấy cũng thế”

Mà có bao giờ Vy thấy U câu chấp ai đâu. Hình như U sinh ra để sống kiếp sống cam chịu, cam chịu đến phi lý. Lắm lúc Vy nghĩ mà giận thay cho U. Tại sao U vẫn thành kính với cha xem như không có chuyện gì xảy ra vậy?. Chao ôi, giá mà Vy đến được khu rừng cổ thiêng ấy để ngửa mặt lên trời hú lên ba tiếng…

Nhiều lần Vy gặng hỏi U: “Hồi ở quê, U có bao giờ cầu xin ông trời điều gì không?”. U gật đầu: “Có, nhiều lắm nhưng ông trời xa lắm con ạ”. Rồi U kể cho Vy nghe một câu chuyện cổ về một cô gái khi mới lọt lòng mẹ đã đẹp như vầng trăng. Thân thể đứa bé tỏa hương thơm lạ lùng. Người con gái càng lớn càng đẹp. Đẹp đến mức, làng bản đàm tiếu rằng thiếu nữ chính là ma rừng chứ không phải giống người. Lời độc loang ra, dân làng tìm cách trốn tránh nhà cô gái. Nhưng đám trai làng thì bất chấp, ngày đêm rình rập cạnh nhà nàng. Họ lao vào rừng tìm kiếm trầm quý và hoa thơm để dâng tặng dưới chân nàng, có là quỷ trá hình chăng nữa cũng không thể dập tắt niềm đam mê được ngắm nhìn nàng.

Rồi gặp năm hạn hán kéo dài, rừng khô cỏ cháy. Làng chẳng có cái gì ăn. Củ mài củ nâu cũng bị đào bới hết. Ngày nào trong làng cũng có người bị chết đói. Già làng làm lễ cúng tế trời đất. Ngày ngày cả làng ngẩng mặt lên trời hú lên những tiếng dài vang động cả núi rừng mong được Ngọc Hoàng ra tay cứu vớt. Nhưng hạn hán vẫn hạn hán. Đã nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều mùa trời không cho lấy một giọt mưa. Đói khát chết chóc, trùm phủ lên làng bản. Trong cùng quẫn bế tắc, dân bản họp nhau lại bàn tính mưu kế. Sau nhiều lần tranh cãi, họ kết luận: sở dĩ lời khẩn cầu của làng bản không thấu được đến thần linh là vì sắc đẹp của nàng đã làm cho các thiếu nữ ghen tức, sinh lòng đố kị mà giáng họa. Làng phán quyết, bắt người con gái xinh đẹp làm vật tế thần. Nhưng trước sắc đẹp của nàng, làng bản không nỡ bỏ nàng trôi sông hoặc lên giàn hỏa thiêu. Cuối cùng, họ cưỡng bức nàng phải lấy một gã hủi, chân tay ngón cùi ngón cụt; sống cô độc ở rìa làng. Già làng giải thích rằng, làm như vậy cuộc hôn phối chung đụng giữa người con gái sắc nước hương trời với người hủi sẽ làm cái đẹp bị hoen ố và thần thánh sẽ được thỏa mãn, không còn giáng họa cho làng nữa.

Kinh hoàng trước lời phán quyết đó, một đêm không trăng không sao, trời tối như mực, cô gái bỏ làng ra đi biệt xứ. Năm ấy cô gái vừa tròn tuổi trăng rằm.

Nghe xong, Vy xoáy câu hỏi: “Chuyện của U à”, U nẩy người: “Tầm bậy, chuyện cổ ấy mà”, Vy cũng không dám hỏi thêm gì nữa, nhưnglòng Vy vẫn không thanh thản chút nào.

Ký ức đầu đời của Vy là một ấn tượng khủng khiếp khi Vy mười ba tuổi. Mẹ vắng nhà, cha đi làm, Vy trốn học vì không thuộc bài. Vy xách cặp lang thang, rồi án chừng giờ này chắc cha đã ở nhiệm sở, Vy phóng một mạch về nhà.

Vừa lọt vào cái cổng bằng chè tàu, trụ cổng được cha tỉa khéo thành hình hai con hạc voóng cổ quay mặt chầu nhau, Vy ngớ người vì trông thấy chiếc xe hon da 50 quen thuộc, “Sao cha lại về giờ này”. Vy định vọt ra cổng chuồn lẹ. “Nếu cha phát giác trò trốn học thì thế nào cũng nếm đòn”. Nhưng tiếng U từ trong nhà hổn hển vọng ra: “Tôi xin ông, tôi cắn rơm cắn cỏ xin ông. Làm thế tôi có tội với bà nhà lắm”. Vy lạnh người, lờ mờ hiểu chuyện tồi tệ xảy ra. Tức tối, Vy định xô cửa chạy vào. Nhưng thay vì làm thế Vy lại đi giật lùi. Vy chạy bổ ra bờ sông, nhờn nhợn những bậc đá mờ rêu làm Vy xuýt ngã. Thây kệ! Vy vứt bừa sách vở, rồi vòng từ bên kia qua bên này sông. Vy bơi mãi, cho đến khi mệt lử người tím tái, tay chân bấn nớt dúm dó như cọng dưa héo Vy mới lướt khướt lên bờ. Vy khoanh tay ngồi lặng bên bờ sông nhấm nháp vị hăng hắc của loài cỏ dại. Mặt sông vẫn lặng lờ trêu người. Hương của trăm loài hoa đổ xuống lòng sông bay đi đâu cả hết rồi chỉ thấy tanh tưởi bốc lên ngập ngụa đến chân từng chân tơ kẽ tóc. Vy nhìn thẳm xa về phía chân trời, nắng chiều đỏ thắm đang lụi dần sau dãy núi. “Ngày mai mặt trời sẽ không bao giờ mọc nữa cha ơi…”

° ° °

Mọi cái đều đã thay đổi. Trật tự tôn ty trong nhà Vy đã biến dạng thành khuôn mẫu khác. Biết làm gì bây giờ? Nhiều lần, Vy lăm le muốn nói với mẹ, nhưng trộm ngó khuôn mặt thanh thản, thánh thiện của mẹ là Vy không nỡ. Mẹ không biết có lẽ tốt hơn. Mẹ còn bao nhiêu việc phải lo toan. Con người ta khốn khổ vì phải biết quá nhiều. Hơn nữa, mẹ ốm đau luôn, trái tim loạn nhịp của bà liệu có gánh nổi những điều khủng khiếp vậy không? Còn cha, đó chỉ là sự đam mê nhất thời hay tình yêu? Nếu chỉ là sự đam mê nhất thời thì có thể gọi là phản bội mẹ được không? Dù thế nào thì mẹ cũng không đáng được đối xử như vậy. Mẹ đẹp và hiền thục. Và điều quan trọng là đã hết lòng tin cậy cha. Cha đối với mẹ là một thứ tôn giáo khó giải thích được. Mọi lý lẽ đều trở nên vô nghĩa trước đức tin của mẹ, mấy ai có được may mắn đó để mà giữ gìn.

Nhưng Vy bị ám ảnh khủng khiếp, Vy cần phải chia sẻ với ai đó. Vy không thể đào hố để nhét vào lòng đất cho thỏa. Những cây sậy đang rình rập đâu đây. Vy bắt đầu viết nhật ký. Trang nhật ký đầu đời của Vy không phải là chuyện tỏ tình của thằng bạn trai cùng lớp đã dám to gan tặng Vy một nhành hoa cỏ hay đơn giản hơn chỉ là cây viết
2hi.us