Truyện Ngắn - Người Cha

Truyện Ngắn - Người Cha

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Người Cha

Mẹ con Nguyệt tiễn bố một chặng đường dài. Sau lưng bố đeo ba lô. Trước ngực bố bế Nguyệt. Mẹ đi theo sau. Cả nhà lọt thỏm vào giữa hàng quân dài dằng dặc. Đến bến đò quan thì hai mẹ con dừng lại. Nguyệt lấy tấm ảnh mới chụp để trong ví mẹ, tặng bố. Bố hôn lên trán Nguyệt, rồi xa, từ đấy.

Không ngờ, mấy tháng sau, Mỹ thả bom xuống cánh đồng đang gặt, Nguyệt không còn mẹ nữa. Bị một mảnh bom trúng ngực, mẹ Nguyệt chết ngay tại chỗ. Mẹ chết, Nguyệt khóc mấy ngày liền.

Càng thương mẹ, Nguyệt càng nhớ bố. Nguyệt hỏi ông bà:

- Bao giờ bố cháu về?

Ông bảo:

- Miền Nam đang tổng tấn công. Thắng trận thế nào bố cũng về ngay.

Nguyệt cứ mong bố hoài. Một hôm có chú bộ đội đến tìm Nguyệt ở lớp học. Cô giáo dắt Nguyệt tới, đặt tay Nguyệt vào tay chú. Chú bồng Nguyệt trên tay, âu yếm:

- Cháu có nhớ chú không?

Nguyệt đã nhận ra chú:

- Hôm ấy chú vác ba lô cho bố để bố bế Nguyệt.

- Đúng rồi. Cháu nhớ lắm.

Chợt nhớ bố, Nguyệt hỏi ngay:

- Thế bố Nguyệt đâu?

Chú bộ đội muốn trả lời ngay. Nhưng có cái gì ngăn nơi cổ, không muốn cho chú nói. Chú cứ ôm chặt lấy Nguyệt, và lòng thì cứ rối lên nỗi nhớ người đồng chí của mình, bên nhau giữ cửa Đông Ba suốt hai mươi tư ngày đêm, kiên cường, anh đã chết ở phút cuối cùng chặn địch.

- Bố cháu không còn nữa, Nguyệt ạ.

Nguyệt òa khóc. Vừa khóc, vừa gọi “Bố ơi! bố ơi! Trả bố đây! Trả bố đây!” Nước mắt Nguyệt tràn ra, tưởng không gì ngăn nổi. Chú bộ đội rơm rớm nước mắt:

- Bắt đầu từ giờ phút này chú là bố của con, Nguyệt ạ.

Những ngày nghỉ phép, bố đi đâu cũng cho Nguyệt đi đấy. Hai bố con như dính nhau cả ngày. Chưa bao giờ Nguyệt được chiều chuộng như thế. Hai bố con xin phép ông bà về thăm quê bố. Nguyệt có thêm ông, bà và nhiều chú bác, anh chị mới. Ai cũng quý Nguyệt. Ai cũng thương Nguyệt. Cả ông bà cũng muốn giữ Nguyệt ở quê. Nhưng hết phép, bố lại phải vào Nam chiến đấu. Ông bà nội phải xuống thăm quê bố, xin phép ông bà chú bác ở quê cho mang Nguyệt về họ hàng ở quê mới chịu.

Hôm chia tay, Nguyệt lấy bài thủ công cắt giấy dán chiếc mũ bộ đội, có ông sao vàng ở giữa, cô giáo chấm cho Nguyệt điểm mười. Nguyệt tặng cho bố:

- Lần sau bố về, con không cho bố đi nữa đâu. Bố hứa đi.

- Ừ. Lần sau về, bố ở hẳn nhà với Nguyệt. Đồng ý không?

Nguyệt thơm bố một cái thật dài vào cái sẹo trên trán. Thế rồi bố đi. Thời gian cứ trôi. Nguyệt ở nhà với ông bà, cũng lớn lên từng ngày. Nguyệt lên lớp ba, lớp bốn, rồi lớp năm. Hai bố con viết thư cho nhau rất đều. Nguyệt nhớ bố nên theo dõi kỹ từng bước đi của bố. Vì vậy Nguyệt chăm đọc báo, nghe đài. Mặt trận này nối tiếp mặt trận kia. Rồi bất ngờ chiến dịch Hồ Chí Minh nổ bùng ra. Tin chiến thắng tới tấp dội về làm náo nức cả làng xóm. Buôn Mê Thuột giải phóng. Huế giải phóng. Rồi Đà Nẵng vùng lên. Đơn vị của bố đang tiến thẳng vào Sài Gòn. Lá thư cuối cùng Nguyệt nhận được của bố gửi tại bưu cục Nha Trang. Rồi Sài Gòn giải phóng. Từ đó Nguyệt rất mong mà không có thư bố gửi về. Nguyệt chợt lo, rồi bồn chồn. Nguyệt hỏi ông bà:

- Có tin gì của bố con không?

- Ông bà cũng đang mong đấy.

Các chú bộ đội trong làng về thăm quê, làm Nguyệt càng nóng ruột. Nguyệt đã lớn rồi. Nguyệt đã biết nghĩ. Nên lắm lúc Nguyệt chột dạ: “Hay là…” Rồi Nguyệt gạt phắt đi, không dám nghĩ nữa. Có điều Nguyệt hay gặp lại bố trong giấc mơ nên càng nhớ. Một buổi trưa, Nguyệt ở trường về, thấy chú bộ đội ngồi với ông bà trong nhà. Ông bà nhủ Nguyệt cất sách vở rồi cho phép Nguyệt được ngồi cùng bàn. Linh tính báo cho Nguyệt chắc có chuyện gì. Chú bộ đội hỏi:

- Nguyệt có nhớ ra chú không?

- Không ạ.

- Cháu có nhớ dòng chữ hỏi thăm cháu viết bằng bút bi bên lề thư bố cháu gởi từ Nha Trang về không?

- Dạ, có ạ.

- Dòng chữ ấy là của chú.

- Thế bố cháu đâu hả chú - Nguyệt hồi hộp hỏi.

Chú bộ đội không trả lời. Chú lấy trong xắc ra, đặt lên bàn từ chiếc ảnh Nguyệt tặng bố trên bến đò quan, rồi từng lá thư của Nguyệt gửi vào chiến trường. Cuối cùng là quyển nhật ký của bố Nguyệt:

- Xe tăng của bố cháu bị bắn cháy ở Xuân Lộc. Nhưng xe tăng của chúng ta đã vào thẳng dinh Độc lập, đánh tan sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Bố cháu đã hy sinh rồi, và, Nguyệt ạ, bây giờ thì chú là bố của con. Kháng chiến đã thắng lợi. Nam Bắc đã thống nhất. Đất nước đã hòa bình.

Nguyệt ngồi lặng như khúc gỗ. Nước mắt Nguyệt cứ tràn ra. Nguyệt thấy nghẹn nơi cổ. Cố gắng lắm Nguyệt mới không òa khóc như ngày nào.

- Hãy lau nước mắt đi con.

Bất giác Nguyệt ôm chầm lấy chú bộ đội, và bất giác Nguyệt cất tiếng gọi:

- Bố!

- Con!

Ghì chặt Nguyệt trong lòng, chú bộ đội cũng thốt lên tiếng gọi ấy. Và chưa bao giờ anh nghe rõ tim mình đập, rộn ràng như thế.
2hi.us