Lamborghini Huracán LP 610-4 t
Truyện Ngắn - Mê Sa Li Câu Chuyện Bên Hồ

Truyện Ngắn - Mê Sa Li Câu Chuyện Bên Hồ

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Mê Sa Li Câu Chuyện Bên Hồ

Khoa chúng tôi không hiếm những căn bệnh lạ, nhưng đây là căn bệnh kỳ quặc mà tôi mới gặp lần đầu. Người bệnh là một người đàn ông luống tuổi, vốn là một thợ săn nức tiếng tài ba khắp vùng. Tôi nghe tên đã lâu nay mới gặp mặt. Trông anh ta không có phong thái của một người phong sương từng trải, cánh vạc đêm hè. Đôi mắt đăm đăm nhìn vào cõi xa xăm như đang dạo chơi trong miền ký ức. Tôi quyết định dùng trọn một buổi chiều nói chuyện cùng anh ta để mong tìm trong thẳm sâu hoài niệm một sợi tơ nguyên khởi, hòng từ đó phăng ra căn nguyên của chứng bệnh kỳ lạ này. Người bệnh đáp ứng yêu cầu của tôi một cách nồng nhiệt. Anh kể rằng…

Trước đây, tôi là một chú ngỗng nhà. Một chú ngỗng đầy lòng sùng kính vô điều kiện với các vị ngỗng vào hàng cha ông. Tôi học từ dáng đi, điệu vỗ cánh, kiểu cách vươn cao đầu, giọng ca vang rền và những động tác mổ thức ăn thuần thục, điềm đạm. Với tôi, các vị ấy là mẫu Ngỗng lý tưởng. Tôi luôn luôn bị la rầy, thỉnh thoảng bị bác ngỗng đầu đàn gõ cho một cái đau điếng vì những tội vớ vẩn do tính bộp chộp của tuổi mới lớn; mổ thóc văng tứ tung, đập cánh loạn xà mù, cất giọng ồm ồm làm mất giấc ngủ quý giá của các thím ngỗng đảm đang. Trái lại, tôi luôn luôn kênh kiệu đúng kiểu của một bậc đàn anh trong giới thượng lưu khi đứng trước bọn gà vịt, ngan choai choai cùng lứa. Mỗi lần như vậy, bao giờ tôi cũng vươn cổ thật thẳng, mắt ngước lên trời (nhưng thỉnh thoảng liếc xéo xuống dưới), bước đi khệnh khạng. Chốc chốc lại làm bộ xòe đôi cánh vỗ vỗ vài cái. Tôi không dám xòe hẳn vì bộ lông cánh cũn cỡn sẽ làm lộ bem cái tịt “choai choai” của mình, càng không dám cất cái giọng thanh la bể dù trong lòng rất muốn. Bọn gà, vịt, ngan choai choai lúc nào cũng nhìn tôi lượn lờ trong sân với những đôi mắt đầy thán phục và ao ước khiến tôi sướng tê người, sướng rung từng thớ thịt. Cao hứng, tôi phi nước đại với cái cổ vươn thẳng về phía trước. Chúng khiếp hãi kêu chiêm chiếp, càm cạp inh ỏi và chạy loạn cả lên. Khi ấy, tôi ngửa cổ lên trời, cười đắc chí: “Khà…khà…khoái thật!”.

Theo lời bác ngỗng đầu đàn, họ nhà ngỗng có biệt tài đánh hơi và nghe tiếng động. Ban đêm, nếu có bọn bất lương mò vào thì lập tức cả họ nhà ngỗng sẽ thổi kèn báo động “cướp… cướp…kìa!” đánh thức nhà chủ dậy. Thảo nào, chuồng tôi ở sát nhà chủ, chỗ sạch sẽ nhất, còn sân chơi thì rộng thênh thang, sát ngay đường cái, lớp hàng rào chắc chắn đủ ngăn bọn trộm ngày, khỏi lo. Chẳng bù cho bọn gà, vịt, ngan. Chuồng trại chúng nó bao giờ cũng lớp nhớp những phân rác, thức ăn rơi vãi làm mồi cho bọn chuột cống con nào con nấy mập thù lù. Có những lão chuột cống già lụ khụ, lông rụng gần hết, mắt lờ đờ, trông mà phát tởm. Chúng ít khi dám léo hánh sang chuồng tôi vì sẽ bị bác ngỗng đầu đàn mổ chết. Không bao giờ bác mổ trật. Mổ xong, bác để đó không thèm ngó đến rồi đỉnh đạc kêu nhà chủ: “Dọn… chuồng”. Lớn lên, tôi cũng sẽ như bác. Chắc chắn tôi sẽ làm cho những tên chuột khiếp đảm vì cái mỏ bách thắng của mình. Có điều… có điều… bây giờ thì… tôi thấy chưa cần giáp chiến với lũ chúng. Tôi còn phải làm nhiều việc khác có ích hơn, chẳng hạn phân xử các vụ tranh ăn ỏm xí tỏi giữa mấy cô cậu gà, vịt, ngan mỗi khi cô tiểu chủ quăng mồi. Cậu gà trống choai choai là phần tử phá đám nhất bọn. Bao giờ tôi cũng lấy tư thế đàng hoàng đỉnh đạc mà bảo chúng rằng: “Đừng tranh nhau. Hèn… hèn!”. Và tôi rất lấy làm kiêu hãnh về cái việc chẳng ai sai khiến này. Cho nên tôi cứ thấy đời vui phơi phới, mặc cho suốt ngày bên hàng rào có trăm con mắt dòm ngó, trăm cái mồm xì xào chê bai từ chút bùn đen dính trên lông đến bãi phân trắng dây tí máu đỏ. Lạ một điều những cái hay, cái đẹp của tôi chẳng thấy họ khen lấy một lời cho phải đạo. Có lẽ họ cho rằng ĐẸP là thuộc tính vốn có của ngỗng tôi nên không cần khen phò mã tốt áo chăng? Lũ trẻ con ông chủ thường ham chơi, chẳng bao giờ cho tôi ăn đúng bữa. Báo hại nhiều hôm tôi đói mờ cả mắt, phải lê bước kiếm mồi. Để trả thù mỗi khi chúng lảng vảng sát hàng rào, tôi lại nhảy vọt lên dọa mổ vào mắt làm chúng khiếp hãi chạy tứ tán. Dĩ nhiên sau đó tôi phải khôn hồn rúc vào chuồng nếu không muốn bị ăn đạn ná cao su. Tuy vậy, tôi cũng chẳng ghét chúng lâu vì nếu là người, tôi cũng sẽ như chúng: tò mò, nghịch ngợm một cách tai quái nhưng hồn nhiên, vô tư. Cái trò tai quái nhất mà tôi luôn luôn đề phòng là bị tròng lòng lọng vào cổ rồi xách bổng khỏi mặt đất. Thòng lọng là cái thứ ít khi chụp được những cái đầu rụt cổ hoặc những cái đuôi cụp. Cách tốt nhất để thoát khỏi tai ương là không nên ngẩng đầu. Nhưng như vậy thì còn gì là cốt cách họ nhà ngỗng bao giờ cũng ngẩng đầu mà đi, trừ khi bắt buộc phải cúi đầu để ăn theo lẽ sinh tồn. Một dòng họ mà tôi thường trầm ngâm đánh giá: “Đạt… đạt!”. Đôi khi thật cao hứng, tôi lại dài cổ hét tướng: “Tuyệt… vời!” Để đạt được mấy chữ ấy, dòng họ tôi đã chấp nhận sự hy sinh mỗi khi ông chủ cần thịt. Chúng tôi gọi đó là “sự cắt tiết”. Nghe mà ớn thấu lông đuôi. Dù sao mặc lòng, đó chính là “đạo làm…Ngỗng” mà tôi sẵn sàng tuân theo nếu không có một ngày đẹp trời Mê-Sa-La bay đến. Lần đầu mới gặp, tôi cứ ngỡ anh ở chuồng nhà bên. Sau này mới biết trên đời có một chàng ngỗng không ở… chuồng như tôi. Từ lần gặp ấy tôi có tên là Mê-Sa-Li.

Bằng lời kể hấp dẫn, Mê-Sa-La đã đưa tôi bay qua muôn núi ngàn sông, qua bao đại dương trùng trùng sóng vỗ, bao cánh rừng bát ngát bốn mùa xanh, qua những lâu đài rêu phong như cổ tích, những thành phố ngời ánh điện mà từ trên trời cao nhìn xuống cứ lấp lánh như muôn vì sao trong đêm hạ tuần. Nhờ anh, tôi còn biết một điều bất ngờ hơn: tôi có hình dáng hơi khác với các bạn ngỗng trong chuồng. Tôi đem chuyện này hỏi Mẹ. Mẹ cười buồn: “Phải đấy con ạ! Mẹ chỉ là mẹ nuôi của con. Ngày ấy, ông chủ lượm ở đâu về hai quả trứng cho mẹ ấp. Mẹ chỉ giúp con và bạn gái của con chào đời bằng hơi ấm của tình thương, nuôi con lớn lên và dạy con trưởng thành bằng chính những tháng ngày cơ cực. Ôi! Đứa con côi cút của ta, ai đã nói cho con biết điều này? “Anh Mê-Sa-La đấy, Mẹ ạ!”. Mẹ không nhìn tôi mà chợtquay đi chỗ khác. Trong mắt Người, một hạt buồn trong veo lớn dần lên rồi chảy dài như một dòng suối ngọc. Tôi hoảng quá, lặng im cúi đầu ân hận. Mẹ xòe cánh vuốt lên đầu tôi rồi khẽ bảo: “Nếu con không biết thì hay hơn!” Xúc động dâng trào khiến tôi không sao cất lời hỏi tiếp. Bây giờ dù tôi muốn biết điều gì cũng đành thôi vì không còn Mẹ trên đời. Mộ Mẹ nằm ở góc vườn, phần thưởng của ông chủ dành cho công lao của Mẹ sau nhiều tháng năm cần mẫn tặng cho đời những quả trứng no tròn. Ngày rằm mồng một tôi vẫn đến đó trầm ngâm tưởng nhớ đến Người. Tôi còn nhớ như in đôi mắt buồn thương vô hạn của mẹ nhìn tôi lúc sắp lìa đời. Nhớ đến nỗi buồn của Mẹ, tôi cạn ngay niềm mơ ước tung cánh trời mây. Nhưng nghĩ đến những điều đã biết và những phương trời xa, tôi lại dâng trào nỗi nhớ Mê-Sa-La, chàng ngỗng trời có bộ lông trắng như giấc mơ của tôi những ngày thơ ấu với cái cổ dài cong tuyệt vời tao nhã và một giọng ca trầm hùng mà thanh thoát lạ kỳ khiến các chị em nhà chúng tôi ngay phút đầu gặp mặt đã ngẩn ngơ nhìn rồi dúi vào

nhau mà thì thầm: “Đẹp tuyệt!”. Tôi mong gặp anh không phải vì những điều ấy, bởi tôi cũng là đàn ông, mà vì những buổi tập bay đầy hấp dẫn đã cho tôi được thấy những cảnh quan kỳ ảo mà khi đứng trên đất chẳng bao giờ thấy được đâu. Cho đến nay, sau nhiều lần theo anh tập luyện, tôi đã tự mình vỗ cánh lướt qua mặt hồ mênh mông (mà trước đây tôi ngỡ là biển Thái Bình như bao đứa trẻ khác), qua cả cánh rừng bên kia hồ bạt ngàn cây trái. Anh hẹn: đến một ngày đẹp trời nào đó, anh sẽ đưa em vượt qua rặng núi mờ xanh kia. Bên ấy là một miền trời hư ảo, chưa bao giờ có trong đôi mắt những chú ngỗng nhà: miền trời của những cánh thiên nga phiêu lãng. Tôi nghe mà thấy sợ, nhưng vẫn mơ hoài một chuyến viễn du.

Hôm ấy, tôi tưởng như bay lên tận đỉnh trời. Trước mắt tôi chan hòa muôn ánh ngọc. Quanh tôi, những nàng sao xõa tóc chao đưa giọng cười trong gió mơn man.

Chào bạn! Bạn là ai thế? – Một nàng sao cất tiếng.

- Tôi là Mê-Sa-Li. Còn bạn?

- Tôi là Sao-đêm-lấp-lánh.

- Tôi là Tinh-tú-lang-thang.

- Tôi là… Các nàng sao lao xao chen tiếng. Chao! Họ mới đẹp làm sao ! Ánh trắng tỏa ra từ họ làm tôi chợt thẹn thùng nhìn lại bộ lông trắng của mình mà đã bao lần tôi kiêu hãnh khoe cùng bầy ngan vịt. Dáng họ lướt bay giữa trời mây sao mà uyển chuyển mềm mại đến mê hồn. Mới trước đó ít phút tôi còn say sưa nhào lộn giữa tầng không, cứ tưởng như mình là vũ công đệ nhất. Còn bây giờ… Không hiểu sao tôi thấy buồn ngủ quá. Lại đói cồn cào. Chịu thôi, anh Mê-Sa-La ơi!

Hôm ấy tôi đành bỏ dở chuyến bay để quay về chuồng chén một bữa no bụng rồi lăn ra ngủ. Mấy ngày sau, Mê-Sa-La lại đến. Anh lặng nhìn tôi với đôi mắt đầy cảm thông xen lẫn một chút buồn buồn, một tia chế diễu làm tôi muốn hóa ngay thành Thổ Hành Tôn. Chúng tôi lại cùng nhau bay lên, vượt qua những cánh rừng trập trùng huyền thoại! Ngày xưa, Kinh Kha một lần đi không trở lại. Còn tôi… trái mơ xa chưa chín, chén cơm gần còn thơm!

Một sáng kia, cả chuồng đều đang ngủ say vì ban đêm lo phòng thủ. Riêng tôi phải dậy sớm để trực nhật. Sau khi quét xong chuồng trại, tôi chạy ra trước cổng tập bài thể dục buổi sáng và luyện giọng ca. Xong việc đứng nhìn vẩn vơ sang chuồng bên cạnh. Chẳng hiểu sáng ấy có chuyện gì mà nhiều cô cậu gà, vịt, ngan cứ nườm nượp đi ngang qua ngõ nhà tôi. Tôi toan hỏi nhưng chợt nhớ câu “im lặng là vàng” nên cứ đứng nhìn. Một chàng ngan có cái mào đỏ bầm xoăn tít thấy tôi đứng đó bèn nhanh nhẩu hỏi:

- Bác chưa đi thăm à?

- Thăm ai? – Tôi ngơ ngác hỏi lại

- Bác không biết thật à? Bà chủ bị cảm mạo phải vào bệnh viện mấy bữa nay rồi. Bác quả là vô tâm!

Ô hô! Bà chủ bị cảm mạo phong hàn (!), một cái tin chấn động địa… chuồng, một dịp để lũ gà, vịt nộp mạng. Bà chủ rất ghét thịt ngỗng vì hễ động thấy ngỗng là đỏ mặt, ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Bà không còn ở độ tuổi thấy thịt là ham, bất cần hậu quả. Có lẽ vì vậy, chuồng ngỗng chúng tôi vẫn cứ bình an. Nhưng sao bọn này nom thản nhiên đến lạ! Đứa ngậm củ gừng, đứa kẹp dúm lá chanh, toàn thị những thứ ông bà chủ yêu thích cả. Phải cho bọn này một bài học, để trước khi chịu nạn phanh thây, chúng cũng biết cái gì là cái gì, ai là ai mới được.

- Dẹp… dẹp! Làm gì mà nhặng xị cả đám thế? Bà chủ đã chết đâu? Thảo nào chúng mày cả đời không sao cất đầu lên nổi, cứ vục mỏ trong bùn ao – Đồ hèn!

- Bậy… bậy – Lão vịt già chống chế - Hoàng hậu ươn mình thì… nói chung thứ dân coi như …hèm…, nói chung phải lo đi thăm hỏi tặng quà… coi như đại thể là… hèm… hèm… bày tỏ lòng quý mến... Khà!

- Hơ hơ! Tao nghĩ rằng mấy ông chủ nhỏ đem tụi bây đi đặt cọc hoặc đấu thầu tình cảm với ông chủ lớn thì đúng hơn.

- Bậy… bậy… - Lão vịt già lại cất tiếng - Chúng tôi nói chung… hèm…hèm…coi như thương xót…

Tôi nổi xung:

- Loại chúng mày thì biết thương ai. Đồng loại tranh ăn còn mổ cần nữa là…Này! Bà chủ đếch biết tấm lòng quý hóa của chúng bây đâu. May chăng có lũ con bà thưởng thức phao câu đầu cánh. Chúng mày không biết xấu hổ một chút trước khi nộp mạng sao?

- Khà…khà! – một anh vịt cồ đột nhiên cười – xấu hổ giùm mấy ông chủ nhỏ thì có, chứ kiếp bọn mình chẳng tội gì mà xấu hổ. Bác cũng thế thôi, chưa đến lượt dao kề cổ thì còn đứng đó nói phét. Đến lượt thì cũng như bọn này chứ có hơn gì… khà…khà!

- Ừ nhỉ! – Tôi giật mình nghĩ thầm – hắn nói có lý đó!

Tôi buồn rầu quay vào chuồng trầm ngâm suy tưởng. Buồn thay cho kiếp cầm sinh! Cũng may bà chủ không ăn được thịt ngỗng. Nếu ngược lại thì sao? Ai sẽ làm vật tế thần? Nghĩ đến đó, lòng tôi chợt nao nao buồn, đôi mắt mờ sương…

Đang thiu thiu ngủ, chợt tôi nghe có tiếng người lao xao. Bừng mắt dậy, thấy lố nhố trước hàng rào những áo dài, quần cộc, tay có, tay không; che lấp hẳn một khoảng trời xanh trước mắt. Một ông người béo ị, mặc áo lương đội khăn xếp đang chắp tay sau lưng nghiêng người dòm vào chuồng. Dáng chừng một lão thầy lang. Trời nắng ấm mà bỗng nhiên tôi thấy ớn lạnh đến rùng mình.

- Bắt cho được con này – ông ta chỉ tay về phía…anh tôi – còn thằng kia – ông ta chỉ vào…tôi – đểtuần sau. Mỗi tuần bà chủ cần ăn một cái gan ngỗng đực, vừa trị bệnh vừa bồi dưỡng.

Ra thế! Bà chủ bình sinh không ăn được thịt ngỗng. Nay ông thầy lang “dĩ độc công độc” đấy!

“Vút”. Tiếng chiếc thòng lọng xé gió lao đến. Anh cả của tôi, người anh thật thà đôn hậu đã làm vật tế thần như sáng nay tôi vừa suy tưởng. Buồn thay cho kiếp cầm sinh! Dẫu biết rằng chủ nuôi là để thịt, đạo làm ngỗng làm gà cuối cùng đều thế cả. Nhưng sao tôi thấy vô lý quá chừng?! Cái đầu xưa nay vốn bộc tuệch của tôi, giờ phải làm việc hết ga mà vẫn không sao tìm ra nỗi cái vô lý nằm trong mớ hỗn độn những cái tưởng như là có lý trên cõi đời quá ư phức tạp đối với một chàng ngỗng đực đang độ trưởng thành như tôi. Lâu nay, tôi vẫn thường thấy các đồng loại của tôi vừa trước đó còn thong dong trong bộ lông trắng, ít phút sau đã phơi mình đỏ hỏn trên mặt thớt thâm sì. Ác thay, tôi cứ nghĩ lẽ đời là vậy, cứ ung dung chờ đến lượt mình. Tôi chưa hề phải dằn vặt về cái chết. Chơi đã! Thế mà hôm nay không hiểu sao, trong đầu tôi những cái chết tưởng như là hợp đạo lý – nên mất đi tính chất thê thảm – bỗng hiện về đầy trong nước mắt.

Hôm nọ, thằng ngỗng khoang – một thằng bạn trái nết, ngay cái khoang đen kỳ quặc cũng đã trái nết rồi – luôn mồm gào lên “thực…thực”. Gào mãi mà bọn tiểu chủ vẫn không hề động tĩnh. Điên tiết vì bị bỏ đói, nó lồng lộn cắn xé hàng rào. Bọn tiểu chủ đang vùi trong bữa nhậu, điên tiết vì bị mất vui, vác gậy nện cho nó mấy cái vào đầu thật lực. Thương thay! Còn đâu nữa cái đầu luôn ngẩng cao kiêu hãnh! Máu nhuộm đào bộ lông trắng, máu nhuộm bầm cặp chân hồng. Trước khi chết, nó còn cố vươn cổ lên kêu một tiếng khàn khàn: “Chớ…lầm!”. Cả chuồng ngỗng chúng tôi và các bạn gà, vịt, ngan hôm đó đều bỏ ăn, cúi đầu tưởng nhớ một con ngỗng bất khuất. Trong giờ phút đau thương, chúng tôi như hòa làm một, không kể sang hèn. Ngỗng khoang ơi! Tiếng kêu khàn khàn của anh như tiếng chuông thức tỉnh, giúp chúng tôi nhận ra điều phi lý ở trên đời: “Trên trái đất này, CON NGƯỜI là sinh chủ. Nhưng trong vũ trụ bao la, họ cũng chỉ là một sinh kiếp như

muôn loài khác, chứ có hơn gì?”. Anh Mê-Sa-La đã nói đúng. Hãy sớm giật mình đi, hỡi CON NGƯỜI luôn tự cho mình là động vật duy nhất biết tư duy. Ngỗng khoang ơi! Tiếng kêu khàn khàn của anh trong phút cuối đời, giờ đây đã trở thành bài ca thánh thót ngân mãi trong hồn tôi…

Thưa Mẹ kính yêu! Con biết rồi đây dưới nấm mồ sâu, Mẹ sẽ đau buồn. Nhưng Mẹ ơi! Kiếp làm trai, con phải bay lên chín tầng xanh thẳm, vươn xa khắp tám phương trời. Rồi sẽ đến một ngày thân con rữa nát chốn rừng sâu hay teo khô dưới nắng hè trên đảo vắng. Còn hơn làm miếng mồi cho lũ người chỉ biết há mồm ăn. Mẹ ơi! Hãy tha lỗi cho đứa con đang khát khao tìm đến Cái – Tự - Do trong giới hạn của VÔ CÙNG.

Chào em! Tôi phải ra đi tìm một cõi trời. Sẽ lại về cùng em chắp cánh. Nhưng không phải trong cái lâu đài tù ngục của tuổi thơ ngơ ngác dại khờ.

Chào các bạn và các em, những cậu bé, cô bé ngỗ nghịch, hồn nhiên như ngỗng trắng với những đôi mắt ngọc bích trong huyền. Ước gì ngày gặp lại, những đôi mắt ấy vẫn trong tươi lay láy tựa ngàn sao!

Chào tất cả! Chào mảnh đất lành, nơi đã nuôi tôi những tháng ngày tuy cơ cực nhưng đầm ấm biết bao! Đã đến giờ tôi cất cánh bay lên về với thiên nhiên xanh vô tưởng. Anh Mê-Sa-La, sứ giả của trời cao, kẻ đã cho tôi biết được cái giá trị lớn lao của đời ngỗng trời cho tự do đã đến kia rồi! Trời xanh, nắng mật đang gọi mời tôi và anh sóng vào cõi mới. Tôi vươn cổ thật dài rung một hồi kèn từ giã rồi vỗ cánh bay lên...

Từ đó tôi hoàn nguyên làm kiếp ngỗng trời.

° ° °

- Đã hoàn nguyên làm kiếp ngỗng trời, sao còn lưu luyến nơi đây? – Tôi ngạc nhiên hỏi – Hay còn thèm thuồng mồi thơm chuồng ấm?

- Không! Ông lầm rồi, ông thợ săn ạ! Loài chim khi đã sổ lồng thì không mồi ngon nào dẫn dụ nỗi - Mê-Sa-Li điềm đạm trả lời.

- Vậy thì vì cái gì lớn lao hơn thế?

- Đúng. Loài chim thường sống có đôi, có đàn. Tôi đã tìm ra miền xanh mơ ước – Đôi mắt Mê-Sa-Li bỗng ngời lên xa xăm – Nhưng còn Bạch Ngọc… Giọng Mê-Sa-Li trở nên nghẹn ngào.

- Bạch Ngọc là ai? – Tôi ngơ ngác hỏi lại.

- Trái tim của tôi, cô bạn gái thuở thiếu thời cùng được Mẹ tôi nuôi dưỡng. Nàng cũng thoát thai từ giống ngỗng trời…

- Ồ! Có phải là con ngỗng cái mà… - nói đến đó, đột nhiên tôi nghẹn cứng cổ và bất giác rùng mình.

- Phải, chính là Nàng – từ trong hai khóe mắt Mê-Sa-Li đùn lên hai hạt sương long lánh, đẹp não nùng – Chính ông, chứ không phải là ai khác…

- Tôi? Có thật không? – Tôi thảng thốt hỏi giật.

- Chính ông! Nhưng ông đừng sợ. Bây giờ ông mới thực là một CON NGƯỜI với nguyên vẹn phần thanh cao nhất. Tôi chẳng oán thù ông, chỉ lấy làm buồn - Mê-Sa-Li từ tốn nói.

Tôi ngồi chết lặng ngắm chàng ngỗng trời. Vẫn bộ lông trắng muốt. Có lẽ nào?! Tôi lắc lắc đầu, cố quên đi hình ảnh khủng khiếp.

Trước lúc nâng súng lên tôi đã nhìn thấy chúng. Hai con ngỗng. Con ngỗng đực đang xòe cánh, mỏ ngậm vào cổ con ngỗng cái. Con ngỗng cái với chùm lông đuôi bị cắt cụt và một chiếc cánh bị sả đang tựa mình trên lưng con ngỗng đực. Đúng là một đôi uyên ương liều chết cố thoát vòng vây. Tôi giương súng ngắm cẩn thận rồi bóp cò…

° ° °

Bỗng nhiên có tiếng chân người đạp trên lá khô. Tôi giật mình đứng lại. Bạch Ngọc - trái-tim-của-tôi đang run lẩy bẩy. Tôi khẽ nói: “Bình tĩnh đi em, kẻo bọn người độc ác nhìn thấy”. Nàng vẫn run bần bật từng hồi. Trời! Có phải tôi đã làm hại Nàng không? Nếu tôi không trở về gặp lại? Sau hai lần trốn khỏi chuồng để theo tôi tập bay, Nàng đã bị bọn chủ trừng phạt như thế đó. Loài chim khi đã bị thảm hình cắt lông cánh, chặt lông đuôi thì làm sao bay lên được?

- Mê-Sa-Li, anh bay đi đi. Em đành chịu xa anh một kiếp này – Bạch Ngọc run rẩy nói.

- Không! Nếu em không bay được, anh sẽ đưa em đến một nơi nào đó vắng bóng người. Anh sẽ tìm mồi đem về cho em như hồi nhỏ chúng mình vẫn thế.

Chúng tôi dìu nhau đi. Từng bước, từng bước chúng tôi đang rời xa chốn ngục tù. Chỉ còn vài bước, rừng cây âm u sẽ che chở chúng tôi thoát khỏi những đôi mắt đục ngầu tội
2hi.us