XtGem Forum catalog
Truyện Ngắn - Hoài Giang

Truyện Ngắn - Hoài Giang

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Hoài Giang

Hùng cúi khom lưng trần che chắn từng ngọn gió, cố nhen nhúm cái bếp dã chiến. Ngọn lửa mong manh cứ nháng lên rồi tắt ngúm. “Gió lớn quá” tôi lẩm bẩm và dịch người tránh luồng khói cay xé mắt cứ chực tạt vào mặt.
- Anh thấy chưa, rồi nó cũng phải chịu thua mình thôi.
Hùng hả hê nói khi ngọn lửa dần bốc cao và những ngọn gió bây giờ lại trở thành tác nhân giúp lửa cháy to hơn.
- Ông nầy kiên nhẫn thật, gặp tôi thì thà ăn sống chú vịt còn hơn phải xì xụp lạy lục ông táo như thế.
Dụi đôi mắt ngộp khói tôi trả lời rất vô duyên. Hà - tay trạm trưởng y tế xã - một ông bạn tôi mới làm quen được trong chuyến rong chơi đầy ngẫu hứng này, vỗ nhẹ vai tôi cười:
- Chẳng kiên trì thế làm sao nó có được cô vợ đảm đang xinh đẹp như bây giờ phải không Hoài Giang?
Câu nói của Hà khiến những người đang ngồi quanh bếp lửa phá lên cười tán thưởng. Hùng lúng túng cúi gầm mặt, đôi tay ngượng nghịu chẳng biết giấu vào đâu nên cứ day qua trở về cái soong nước mới bắc lên mấy viên gạch kê tạm làm bếp.
Tiếng cười quá lớn đủ để đánh thức bầy vịt ngủ trong chuồng, chúng đồng thanh kêu toáng loạn. Hoài Giang đang giúp chồng nhóm lửa, vội vã đứng dậy bước nhanh về phía cái chuồng che chắn hơi sơ sài bằng lá dừa nước. Tôi nhìn theo cái dáng thon gầy với mái tóc xõa dài đột hiện giữa nền trời sáng loáng vầng trăng hạ tuần mới nhú. “Đẹp tuyệt”, tôi buột miệng khen. Từ tuyệt đẹp vừa thốt lên tôi chỉ có ý tán tụng khoảnh khắc thơ mộng bất chợt bắt gặp. Có lẽ mới quen nên Hà chưa hiểu hết ý tôi, anh ta vội tán theo:
- Chưa đẹp bằng chuyện tình và thân thế của nàng đâu. Hấp dẫn ly kỳ hơn tiểu thuyết phải thế không chú Hùng?
Hùng gật đầu và ném thêm vào bếp những nhánh lá khô. Tôi hơi bị bất ngờ trước thái độ mặc nhiên công nhận của Hùng, nó bắt tôi phải nổi tính hiếu kỳ tra gạn Hùng về cái gật đầu xác nhận đầy kiêu hãnh ấy...
Hà ví von thật đúng, cái khoảng khắc tôi cho là tuyệt đẹp vừa bắt gặp chẳng nghĩa lý gì so với câu chuyện Hà kể về thân thế Hoài Giang, về Hùng và mối tình của đôi vợ chồng chủ nhân cái cồn cát mà chúng tôi ngẫu nhiên ghé lại trong chuyến thả thuyền rong chơi dọc sông Hoài. Thật sự cái tên Hoài Giang là tôi mượn tên để gọi người đàn bà trẻ có dáng dấp thon gầy mảnh mai và bờ tóc mềm mại xõa dài như dòng sông hiện hữu trước mặt.

Chị Hảo nén tiếng nấc trong lồng ngực để đẩy mạnh, chiếc thuyền thúng chòng chành theo từng vòng sóng nước, con bé mấy tháng tuổi no căng sữa mẹ được gia thêm vài giọt thuốc ngủ nên vẫn say sưa giấc. Chiếc thuyền thúng nhỏ xíu dật dờ trôi giữa dòng sông mù mờ ánh trăng hạ tuần. Chị Hảo thầm đọc những lời cầu nguyện rồi xốc lại cây súng, quay lưng bước nhanh về phía cánh đồng tranh lách um tùm trải dài đến tận rừng già. Chị không đủ can đảm để nán lại, nhìn theo đứa con rứt ruột sinh thành mà giờ đây số phận nó lại phải gởi gắm vào sự định đoạt của dòng sông. Nhưng chị có một linh giác rằng con nước hiền hoà thân thuộc gắn bó suốt cả một thời thơ ấu của chị sẽ cưu mang, bảo vệ đứa con gái của chị trong hành trình xuôi dòng qua cái thị trấn, qua gầm cầu ken đầy lính gác để đến được bến bờ bình yên, một làng chài ở hạ lưu con sông.
Vợ chồng chị đều ở trong đội du kích hoạt động bí mật giữa vùng địch chiếm, một đội viên bị lộ và bị bắt đã không giữ vững tinh thần trước những đòn tra tấn nên đã cung khai. Sự phản bội của y làm đa số du kích trong làng bị lùng sục bắt bớ, theo chỉ thị của Huyện đội, vợ chồng chị phải rút lên cứ ở thượng nguồn sông, đúng thời điểm chị đang mang thai. Hai tháng sau đứa bé chào đời. Chiến tranh đang ở thời kỳ bộc phát dữ dội, quân đội Sài Gòn liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân cấp sư đoàn, quyết tâm san bằng cứ địa của quân du kích. Đứa bé mới sinh trở thành gánh nặng cho vợ chồng chị, cho đồng đội trong những trận chống càn, những trận oanh kích mang tính huỷ diệt. Cái khó là làm sao đưa được đứa bé an toàn vượt qua vùng chiến tuyến đầy lửa đạn, đầy những đồn bót chốt trạm của nhiều đơn vị lính Sài Gòn tăng cường, ngăn chặn các ngả đường tiếp tế của dân lên chiến khu.
Cùng tất biến, chị Hảo chợt nghĩ tới dòng sông. Dưới hạ nguồn, cách nơi chị đang chiến đấu chỉ một đêm nước ròng, có biết bao dân làng, biết bao bà con nội ngoại thân yêu của anh chị sẵn sàng nuôi nấng, chở che cho con chị. Qua một đường dây chưa bị lộ, chị liên lạc được với hội phụ nữ kháng chiến còn hoạt động trong làng để bố trí ngày giờ đón cháu bé. Vợ chồng chị tranh thủ từng giây từng phút tạm yên sau những đợt đánh phá để chặt tre, đan thuyền. Anh chị em ở huyện đội cũng chia phiên đi thu gom từng lớp nhựa ứa ra trên những thân cây chò cổ thụ bị miếng bom mảnh đạn băm vằm. Mỗi ngày, hình như chị mỗi có cảm giác yên tâm với quyết định của mình. Đứa con gái bé bỏng của vợ chồng chị sẽ được bình an xuôi dòng trong chiếc thuyền thúng tuy thô kệch bé nhỏ nhưng rất vững chãi bởi niềm tin và nghĩa tình...
“Cũng một đêm có trăng như thế nầy…” Người du kích nhỏ tuổi nhất của huyện đội năm ấy sửa lại thế cho chiếc chân gỗ, thở dài rồi dốc cạn ly rượu, nghếch mặt ra phía dòng sông đang giăng kín những ngọn đèn của người đi dũi tôm, lưới cá, nghề sinh sống của đa số cư dân vùng cửa biển. Tôi hiểu Hà muốn nói vào một đêm trăng xa xăm thời chiến tranh, chính những ngọn đèn dầu tù mù, chập chờn theo triều sương, sóng nước ấy đã vớt được đứa bé chưa tròn một năm tuổi, một bé gái mềm mại, duyên dáng nhuần thấm đạo lý bồi, lở và nhân hậu trong xanh của một dòng sông. Như sự tính toán tỉ mỉ và những lời cầu nguyện đầy nước mắt của người mẹ...

Hoài Giang trấn áp xong hàng trăm chú vịt đã lên tiếng phản đối bọn người vãng lai không dưng phá vỡ giấc ngủ của chúng bằng tiếng cụng chén côm cốp, bằng tiếng cười ngợp ngụa hơi men.
- Ngày mai mà thất thu trứng là em bắt đền mấy anh đó.
Hoài Giang vừa cười vừa nói khi bỏ thêm vào nồi nước sôi sùng sục mấy quả trứng vịt nhặt được trong chuồng, nụ cười của người thiếu phụ mà tôi đoán chừng chỉ nhỉnh hơn tuổi hai mươi lăm một chút, thật hiền và quyến rũ, Hùng cũng trạc bằng tuổi ấy, chẳng hiểu bản lĩnh nào giúp hai vợchồng còn rất trẻ có thể chịu đựng được cuộc sống gần như biệt lập, tẻ nhạt trên cái đảo cát không tên gọi, không mấy khi có bóng người. Gọi là đảo chứ thực chất nó chỉ là một cái bãi bồi khá lớn nằm giữa hai nhánh sông chạy dài ra phía biển và chỉ độc một loài cây dừa nước tồn tại được. Chúng mọc từng đôi một, như muốn nương tựa nhau để chống đỡ những phong ba bão táp của đại dương. Cơ ngơi của vợ chồng Hùng là căn chòi, khu chuồng trại từ mái lợp đến phên vách đều làm bằng những tàu lá dừa nhưng trông rất ấm áp vững chắc.
Đêm đã vào sâu, ngoài dòng sông vắng dần những đốm lửa chài, con trăng mười tám muộn màng chếch ngã hẳn về phía nguồn núi bỏ lại chút ánh sáng mông mênh kỳ ảo phản quang từ cát, từ ngàn vạn ngọn sóng lăn tăn tìm đường về biển cả. Cái đẹp nguyên sơ hoang vắng thêm chút ngây ngây của men rượu như cũng khiến con người cởi mở cõi lòng hơn, giọng Hùng buồn buồn: “Bố em mắc nợ dân làng nhiều lắm anh ạ, không nhà nào không có người hy sinh, vùng đất này là vùng cách mạng truyền thống mà anh...”
Qua những lời tâm sự

nồng hơi men của Hùng tôi mới biết bố Hùng là một sĩ quan cấp tá chế độ cũ. Chính ông ta hồi ấy trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn địa phương quân càn quét du kích ngay trên quê hương bản quán của mình. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng ông đi học cải tạo, ngôi nhà hai tầng nằm giữa trung tâm thị xã và của cải đều bị tịch biên, cả gia đình Hùng bị đuổi ra khỏi nhà chỉ với mỗi người một xách tay quần áo. Túng quẫn, hết đường nên bồng bế nhau tìm đường về quê. Phải vất vả làm lụng kiếm miếng cơm manh áo giữa thái độ ghẻ lạnh mà đa phần dân làng và chính quyền địa phương dành cho gia đình kẻ “nợ máu nhân dân” là áp lực khủng khiếp nhất trút xuống đầu thằng con trai mới chỉ hơn mười tuổi. Thời gian mấy năm đầu mới trở về làng, Hùng còn nhỏ nên sự kỳ thị ấy chẳng ảnh hưởng nhiều tới tâm tính. Nó chỉ ngạc nhiên vì lũ trẻ con trong làng cứ tìm cách gây gổ hay xa lánh anh em nhà nó. Càng nhẫn nhịn càng bị chúng lấn áp bắt nạt, sau quá nhiều trận đòn vô cớ nên bất chấp lời mẹ răn đe, căn dặn, Hùng đánh lại bọn chúng, bao nhiêu uất khí dồn nén lâu ngày bỗng chốc trở thành liều lĩnh hung hãn làm bọn trẻ khiếp sợ...
Hùng ngừng kể, cúi sát xuống bếp lửa châm thuốc, khuôn mặt nhíu lại theo từng bụm khói đặc quánh... Tuổi hoa niên của Hùng rất khổ nhọc, Hùng mỗi ngày mỗi trưởng thành trong gánh nặng vật chất cũng như tinh thần, phần giúp mẹ lo miếng ăn, tấm áo cho bốn đứa em còn quá bé, phần lo bới xách cho bố còn nằm vô thời hạn trong trại cải tạo. Cứ sau một lần cùng mẹ đi thăm bố về, Hùng lại càng thấm thía hơn tính cách trầm lặng, tủi nhục của ông và những giọt nước mắt chua xót của mẹ… Tôi không ngạc nhiên khi biết trước đây Hùng nổi tiếng là côn đồ với hàng chục tờ kiểm điểm còn chất chồng trong uỷ ban xã. Bị cô lập bởi những định kiến, nỗi đau xót, khổ sở mà với suy nghĩ của một đứa trẻ rất dễ nảy sinh sự phá phách hung tợn bắt người khác phải nể sợ mình thì dù sao cũng đỡ hơn phải nhẫn nhịn cúi gầm mặt mỗi khi ra đường như người lớn… Vuốt nhẹ mái tóc dài mượt mà của vợ đang tựa trên vai, giọng nói của Hùng dịu xuống trìu mến: “Nói thật với anh, hồi đó chỉ có Hoài Giang chịu kết bạn với em, cũng may nhờ có cô ấy giáo dục em mới vượt qua được mọi mặc cảm rồi hoàn lương để có ngày hôm nay...”
Nhưng chưa hẳn mọi việc được kết thúc ngang đó. Khi Hùng chịu nghe lời khuyên nhủ của Hoài Giang, cải sửa tính tình để làm lại cuộc đời, thì cái rối rắm nhất, khó khăn nhất lại ập xuống, đó là chuyện tình cảm. Lúc Hoài Giang nhận ra trong nhiều năm giúp đỡ, động viên những thanh niên chậm tiến, trong tim cô bí thư chi đoàn thôn bỗng nảy nở một thứ tình cảm đặc biệt với gã con trai lỳ lợm ngang bướng và có cái lý lịch đen nhất.
Hoài Giang rất khổ tâm khi biết mình đã yêu Hùng, vì cô biết bố mình chẳng bao giờ nguôi quên được cái chết của mẹ trong một trận đánh do bố Hùng chỉ huy đơn vị địch. Ông vẫn thường quy kết bố Hùng là thủ phạm đã bắn băng đạn tiểu liên xé nát vùng ngực người vợ thân yêu của mình, nên luôn trút hết nỗi căm thù ấy lên đứa con của “thằng sát nhân, bán nước...” Đó là những lời gầm gừ mắng nhiếc mỗi lần ông thấy Hùng, và cũng rất nhiều lần ông la mắng Hoài Giang khi cô ra sức bảo vệ gia đình Hùng bởi những đối đãi thiếu công bằng của chính quyền thôn, như chính sách vay vốn, trợ cấp gia đình nghèo... Nhưng rồi thời gian cùng những lời nói dịu dàng uyển chuyển như dòng sông của đứa con gái ngày càng bào mòn thái độ thù ghét, hằn học của ông bố. Ông không còn chửi mắng hay nhìn Hùng bằng ánh mắt toé lửa.
Oái oăm thay lúc bố Hoài Giang bắt đầu thay đổi quan niệm hận thù thì bố Hùng lại trở về làng sau hơn mười năm gánh trả nợ nần đã gieo. Bố Hùng tuy không nói ra, nhưng sự khép kín, lạnh lùng với cuộc sống là hệ quả tất yếu của mười năm dài bị cầm cố, lao khổ bằng thứ tội danh bán nước nên luôn bị chà đạp sỉ nhục mà không thể minh oan được. Ông vẫn quan niệm rằng: Trong chiến tranh, số phận của một con người chỉ là hạt bụi giữa cơn lốc xoáy, không mấy ai có thể cưỡng lại được. Ông cũng thế, có sung sướng vui vẻ gì khi phải rời bỏ bục giảng, bỏ những đứa học trò bé nhỏ để cầm súng bắn giết người khác, nhất là với những người cùng quê hương, cùng kêu lên một tiếng mẹ ơi trước khi chết. Thôi thì ông cũng chấp nhận sự đối đãi với bản thân ông như thế, ông chỉ bất bình đau xót cho những đứa con vì chịu ảnh hưởng bởi tội danh của người lớn, nên cũng bị đánh mất sự hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ trong mặc cảm khốn khổ, trong sự đối xử không công bằng. Nên khi mãn hạn tù trở về làng, ông rất uý kị, lãnh cảm với những người có vai vế ở chính quyền sở tại như bố con Hoài Giang.
Thái độ bất phục của bố Hùng vô tình gợi lại lòng căm ghét, thù hận của bố Hoài Giang. Tình cảnh của Hùng và Hoài Giang thời đó căng thẳng không tưởng được, có lẽ nếu không vì thương nhau quá hoá liều, thì đã phải chia tay nhau. Và rồi hai đứa quyết định bất chấp sự từ bỏ của hai gia đình, bất chấp những buổi họp kiểm điểm, kỷ luật để dắt nhau ra uỷ ban đăng ký kếthôn. Trước tình yêu và luật pháp, Hùng và Hoài Giang đã qua tuổi vị thành niên, đã có đủ quyền chọn lựa hạnh phúc cho riêng mình, nên không ai ngăn cấm được.
Hùng rất chân quê, đậm dấu ấn lam lũ khắc khổ cũng như lối suy nghĩ rất thật thà, cứ xem mọi gian nan khó khăn chẳng khác gì việc còng lưng cuốc ruộng:
- Bọn em tính rồi, cả hai ông bố đều cố chấp cứ vin vào cái quá khứ để ghét bỏ thù hận nhau, nên chắc chắn chẳng bao giờ chấp thuận cho bọn em kết hôn… nhưng cứng như đá cũng bị thời gian bào mòn hà huống chi con người. Đến đời con em là xong, hết giận. Em chỉ ân hận Hoài Giang vì thương em mà không được mặc áo cưới, lên xe hoa đàng hoàng như thiên hạ.
Đăng ký kết hôn không ai ngăn cản được, nhưng sinh sống trong làng dưới bao áp lực nặng nề từ gia đình nội, ngoại hai bên mới thật sự khó khăn bức bối. Hai vợ chồng bàn nhau ra cắm dùi đảo cát vừa tránh lời ra tiếng vào, vừa dễ kiếm được bữa cơm bữa cháo nhờ sự hào phóng của thiên nhiên.
Hồi chân ướt chân ráo ra lập nghiệp ở đây, vợ chồng Hùng chẳng có gì ngoài một chiếc thuyền thúng, vài cái nơm, nò bắt tôm cá đắp đổi qua ngày. Cứ thế mà cả ngày lẫn đêm vật lộn với cuộc sống giữa bao la sóng nước. Cái chòi bằng những tàu dừa nước cũng bao lần rách tướp, thay mưa đổi nắng cố chống chọi từng cơn lũ rừng, từng cơn bão biển. Vất vả là thế, cô đơn là thế mà cả hai vợ chồng không hề nản lòng, cứ dành dụm từng chút một cho mơ ước và hy vọng hai ông bố sẽ không còn nhìn ngắm nhau bằng những hận thù của một thời xưa cũ.
Lợi dụng nguồn thức ăn vô tận do sông, biển hào phóng ban phát từ những đợt thuỷ triều lên xuống, Hùng gom góp vốn liếng nuôi thả vịt, từ vài con ban đầu đến bây giờ đã thành vài trăm con. Ở đây bốn bề đều là sông nước, khỏi mất công chăn dắt, đỡ tốn kém thức ăn nên lợi nhuận mang về cho vợ chồng Rô bin sơn thời hiện đại khá lớn...
Hùng thật thà tâm sự:
- Vợ chồng em thu hoạch mỗi ngày được hơn hai trăm quả trứng, ban đêm còn đi lưới tôm soi cá kiếm thêm chút đỉnh nên cũng tạm ổn.
Hùng lại ném thêm những tàu lá khô vào cái bếp dã chiến. Những tên bạn già nhưng còn ham chơi của tôi cứ vô

tư thi nhau xé xác chú vịt tơ béo ngậy do vợ chồng chủ đảo chiêu đãi. Ánh lửa bập bùng từ những tàu lá dừa nước, loài cây sống thành đôi và độc nhất trên cồn cát ở ngã ba sông nầy soi rõ từng khuôn mặt đỏ nhừ men rượu. Chưa kịp nuốt hết quả trứng có mùi vị ngọt bùi lẫn gian khó của vợ chồng Hùng tôi đã hỏi:
- Còn phần hai ông bố, bây giờ đã ổn chưa?
Hoài Giang vuốt lại mái tóc dài đang bù rối vì gió:
- Gia đình chồng em xuất cảnh sang Mỹ nhiều năm rồi, tháng trước ông già có về thăm cứ luôn miệng than ở bên ấy buồn lắm, chẳng có bạn bè gì, ông còn đòi về ở luôn với thằng cháu đích tôn...
Hùng vui vẻ cắt ngang lời vợ:
- Bọn em thời gian đầu mới lấy nhau rồi ra đây lập nghiệp rất gian khổ và khó khăn đủ mọi bề, hai vợ chồng đâu dám có con nên bây giờ chỉ mới có một chú nhóc, nó còn bé quá không thể ra ngoài nầy được nên phải gửi ông ngoại nuôi giùm… hết giận lâu rồi anh ạ. Nghĩ chuyện đời cũng hay, nhìn hai ông bố ngồi khề khà chung mâm rượu, dành nhau bồng ẵm cái nghiệp chướng hai đứa em sướng hơn trúng số độc đắc...
Tôi chạm cốc chúc mừng với hai vợ chồng, người du kích nhỏ tuổi nhất Huyện đội ngày xưa vừa hát một câu tình ca của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh, vừa chuếnh choáng đứng dậy, bước dần ra phía bờ sông, giọng hát nhừa nhựa hơi men dâng theo ngọn gió từ biển thổi vào lồng lộng, chiếc bóng khập khễnh duỗi dài giữa mênh mang bờ bãi sáng loáng màu trăng.
2hi.us