Teya Salat
Truyện Ngắn - Dậy Sóng

Truyện Ngắn - Dậy Sóng

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Dậy Sóng

đặt giương ngủ ở Hà Nội, trưa Huế, tối Sài gòn. Ước mơ của một người được nhìn thấy Huế, Sài Gòn, Hà Nôi một ngày không còn xa. Bây giờ quê hương đã thống nhất, tôi đã thấy Huế, thấy Sài gòn, nhưng chưa nhìn thấy Hà Nội, lại bỏ ra đi. Nhìn dòng nước đục ngầu sôi cuồn cuộn phía sau cánh quạt của chiếc phà, tôi nhớ đến sông Hương, sông Hàn, nước trong hơn vì ít phù sa của miền "nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá". Tôi chưa thấy sông Hồng. Tôi không biết nước sông Hồng đỏ như thế nào, có đỏ như màu máu của mười vạn quân Thanh chết chìm trên đường rút chạy? Trong tiếng máy tàu, tôi mơ màng tiếng trống Hà Hồi như những lần nghe trống tan học ở trường làng...

Quê hương thống nhất rồi sao tôi lại bỏ ra đi? Hồi đó mới trốn ở vùng kinh tế mới về, tôi còn lý tưởng lắm, thường hay tự hỏi mình như

thế. Lý tưởng cho đến trước hôm ra đi, hãy còn lải nhải lời hát: " quê hương ta sao đành bỏ ra đi, đem thân chôn nơi xứ lạ quê người, một đời phụng sự cho ai? Sao đành bỏ ra đi? Bỏ sao đành, Việt Nam? " Tôi phải đi. Muốn sống tự do thì phải ra đi trong cái chết. Câu trả lời như là một khẩu hiệu cũ mèm, nhưng, không còn câu trả lời nào khác hay hơn thế....

Sóng róc rách trên ghềnh đá, sương tan dần nhưng trời hãy còn lạnh. Chắc sáng nầy không bơi được rồi. Tôi nhón người khỏi tảng đá.

- Thịnh...
Tôi quay lại. Từ trong màn sương, bóng người đàn bà tuột thật nhanh xuống triền dốc. Sợ người ấy té, tôi chồm lên.
- Dì Trang?
Dì Trang theo đà rơi gọn vào vòng tay của tôi. Thân thể của dì nóng ấm, mềm nhũn trong vòng ôm. Ngực của dì chạm sát vào ngực của tôi, mềm mại. Tôi nghe hơi thở nóng ấm phà lên mặt. Ðặt dì xuống tảng đá, tôi hãy còn bẽn lẽn, má nóng bừng.
- Thịnh hay qua đây mỗi ngày à.
- Vẫn...dì ạ.
- Làm gì?
- Ngồi một mình...

Ðứng ưỡn ngực lên, tôi chỉ tay ra ngoài:

- Bữa nay sương xuống hơi nhiều. Mọi khi mặt trời mọc đẹp hơn nhiều. Bữa nào dì qua lại đây coi...
- Thì bữa nay Trang qua đây rồi. Sương mù cũng đẹp lắm Thịnh ạ.
- ....
Không trả lời. Tôi vẫn biết dì còn quá trẻ cho chúng tôi gọi dì là dì. Trang chỉ trên dưới 30 tuổi là cùng. Chuyện chồng của dì đã ngoài 50 lấy được dì Trang hãy còn trẻ, ra sao tôi không được rõ. Dì Trang không hề nói cho chúng tôi hay. Họ lấy nhau đã lâu mà vẫn chưa có con cái gì. Tuy dì còn trẻ, chúng tôi vẫn gọi dì bằng dì, vì đã quen kêu chú và xưng cháu với ông chồng.

- Thịnh có vẻ thích mặt trời mọc và lặn mỗi ngày, có phải không?
- Phải...sao dì biết?
- Biết chớ sao không, Thịnh vẫn thường rủ Miên đi dạo trên biển chờ mặt trời lặn mỗi ngày ...

Miên và tôi. Có những buổi chiều chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau từ Trung Ðảo về Nam Ðảo. Có khi chúng tôi dừng chân nghỉ trên một ghềnh đá để nhìn những cánh chim hải âu bay xa tít chân trời về phía Bắc mờ xa khi hoàng hôn tắt dần trên biển. Nhiều lúc nhìn Miên cười nói huyên thuyên, tôi muốn cầm tay em lắm. Nhưng chưa dám, một lần.

Tôi cười thẹn thùng như con gái. Dì Trang cười lại. Tôi nghĩ là dì có nụ cười rất đẹp. Tôi nghĩ đến bàtiên của tôi hôm mới đến đảo. Ngoài kia mặt trời đã lên dần, nóng ấm...

....................

Sóng biển bồng bềnh. Từng thảm bụi vàng óng ánh từ ngoài khơi xô nhau chạy vào bờ. Sóng vỗ rì rào dưới chân những ghềnh đá lớn. Trẻ con chơi đùa trốn tìm tìm, chạy lăn tăng trên bãi cát. Người lớn quây quần kể chuyện. Người ta kể lại, ngày xưa, gần mười tám năm trước, trong số những người thuyền nhân đầu tiên đến đảo nầy, có hai anh em nhà kia, một trai và một gái. Cậu con trai vừa trên tuổi đôi mươi, lớn hơn người em gái đôi ba tuổi gì đó. Họ đến ở gần một cặp vợ chồng, chồng già vợ trẻ. Người vợ chưa quá 30 tuổi. Người vợ trẻ và người con trai ấy phải lòng nhau sao đó...


....................

Thới gian và không gian giờ đây lắng đọng lại và hội tụ vào một điểm, bất động.

Tôi vẫn đếm khẽ trong đầu...một....hai....Tại sao lại lẩm cẩm như thế. Tôi nhũ thầm. Phải đếm lại từ đầu. Một..hai..ba..

Mắt tôi dán chặt vào đôi mắt của kẻ cầm dao kia. Ðôi mắt bây giờ không trắng dã như tôi đã nghĩ, mà đỏ ngầu, sòng sọc. Tôi nghe mùi rượu nồng nặc thở òa vào mặt. Tôi sợ. Ánh mắt tôi cố tránh tròng mắt không còn nhân tính ấy. Tôi liếc nhìn Miên. Em kinh ngạc, sững sờ. Mắt em long lanh. Nước mắt lưng tròng, nhỏ xuống đôi gò má tái xanh.

Không thể chết đêm nay được. Tôi hãy còn quá trẻ....

Tôi vung tay.....

.............

Tôi vẫn đếm khẽ trong đầu...một....hai....ba... bốn...

Không ngủ đêm đó. Ðã hai giờ sáng rồi, chỉ còn vài tiếng nữa tôi sẽ xuống tàu đi Mersing. Buổi sáng tinh mơ như lần xuống tàu ở Mỹ Tho. Không ai tiễn đưa. Tàu chạy độ nửa tiếng trước khi vào đất liền. Bến tàu Mersing lờ mờ ánh đèn diện. Một chiếc xe buýt nhỏ cũ kỹ đang nổ máy chờ đợi. Khói trắng tuôn ra khỏi ống cuồn cuộn hơi nước đọng trong buổi sáng lạnh lẽo. Chiếc xe chạy ngoằn ngoèo trong đêm tối, qua những màn sương dầy đặc, qua những đường sỏi đá gập ghềnh rồi dừng lại ở một khu ngoại ô thành phố Kuala Lumpur khi trời vừa rạng sáng. Trước mắt tôi là một khoảng đất chật hẹp trên sườn đồi. Những cái lều bằng nylon xanh căng san sát trên khoảng đất nhỏ ấy. Người ta chen chúc lẫn nhau trên những lối đi chật hẹp. Xuống xe tôi tìm được một người quen xin tạm trú. Ðây là trại chuyển tiếp, nơi chúng tôi sẽ qua mọi thủ tục hành chánh, trước khi mỗi người mỗi ngã lên đường đi đến những nơi khác.

Buổi sáng thứ sáu, người ta lại lùa chúng tôi lên một chiếc xe buýt cũ kỹ khác. Tôi ngồi nhìn lơ đãng ra ngoài khu trại một lần cuối. Mùa Xuân đã đến. Ðám hoa dại trên đồi trổ bông vàng tươi đong đưa trong nắng, nổi bật trên những tấm lều xanh phập phồng lên xuống trong gió sớm hiu hiu, lành lạnh. Lần tay vào túi áo, tôi định lấy thuốc hút. Không có thuốc. Hôm ra đi vội vã tôi đã bỏ quên gói thuốc. Tôi còn nguyên cây thuốc lá để lại cho lũ bạn, dự định chỉ đem đi gói thuốc lẻ đang hút dở mà thôi. Lại quên. Ðang lần mò túi trên rồi túi dưới thì có người quăng một gói thuốc lá chưa khui vào lòng:

- Quang!
- Ê Thịnh.

Quang đứng dưới mặt đường, bộ đồ mới tinh, điển trai, cười hì hà. Hàng ria mép mở rộng ra như đôi cánh chim hải âu, đểu như Omar Sharriff

- Tao tưởng mày đi rồi.
- Sắp. Mày mới tới? Coi mày bộ đồ mã xịnh ghê.
- Mày cũng thế. Chỉ có một bộ cho chuyến đi xa mà. Còn sợ không? Tội nghiệp dì Trang. Trước hôm tao đi còn hỏi thăm mày?
- Còn Miên?

Ðưa tay xoa cổ, tôi nghĩ đến Trang. Tôi nghĩ đến Miên. Ðêm tiễn đưa, hai người đàn bà đã khóc vì tôi. Không biết giờ nầy Trang làm gì? Có qua Ðông đảo ngắm mặt trời lên? Còn Miên, chiều nay em có ra biển một mình ngắm vừng hồng mặt trời đang lặn tắt trên biển, để thấy vắng tôi, để nghĩ đến tôi. Hay nghĩ đến chuyện của tôi và Trang?

Xe lăn bánh. Bóng Quang vẫy chào mờ dần sau đám bụi đỏ. Tôi ước gì đó là Miên chứ không là Quang đang vẫy chào từ biệt. Tôi thèm được nhìn Miên lần cuối. Ðể ôm em vào lòng. Ðể nghe Miên khóc thủ thỉ trên vai. Ðể nghe em hát tiếp bài hát dang dở, cho một mình, một mình tôi nghe thôi: " Mộng về một đêm Xuân sang, em thì thầm ngày đó yêu anh"......

.............

Tôi vẫn đếm khẽ trong đầu...một....hai....ba... bốn...
Không thể chết đêm nay được. Tôi hãy còn quá trẻ....

Tôi vung tay.

Lưỡi dao nhọn lấp loáng, cứa sâu thêm vào da thịt. Quay nhìn Miên. Miên ôm mặt òa lên khóc, chạy biến ra khơi, phía thủy triều. Ngước mặt nhìn trăng. Trăng treo đỉnh trời. Xoay nhìn sóng biển. Biển đỏ ngầu gào lên tận đỉnh trời nuốt chửng lấy trăng sao. Tôi nghe tiếng Trang gọi tên mình, bồng bềnh trên sóng, vang xa tới tận chân trời, theo tôi về đến bờ biển quê hương, về đến dòng sông Tiền, sông Hậu, và sông Hồng. Tôi đã thấy sông Hồng đỏ thắm. Ðỏ thắm... phù sa... xa tít.

Thới gian và không gian từ một điểm bất động bắt đầu xoáy chuyển.

Bổng nhiên, trong cái không gian chuyển vận lặng lờ của ảnh thể xuất hiện những tiếng xao xác. Những tiếng động không thực, từ đâu đó rất xa, nhưng trong cõi im lìm trắng xoá, nó sói dài như những vết xước, gây

cảm giác nhói đau trong ngực.

Một nổi sảng khoái dịu dàng chợt vụt qua. Ðầu óc tôi minh mẫn lạ thường.

Bốn...năm...sáu...

Thời gian và không gian xoay chuyển cuồng loạn.

Bảy...bảy..

Xoáy tròn. Xoáy tròn vào vực sâu....

- Rồi sao nữa .

Một đứa bé gái đang ngồi xổm, cất tiếng hỏi, mắt lấm lét nhìn quanh những cành cây chao động nhè nhẹ quanh miệng giếng. Những nhánh cỏ vươn dậy thành những cánh tay lửa khổng lồ uốn éo. Những gương mặt lẩn khuất sau mỗi nhánh cỏ, ẩn hiện như ú tim. Nó tì hai khuỷu tay lên đầu gối, rụt cổ lại, trông giống như con gà tây mà nó đã thấy được trong cuốn sách hình. Không hiểu sao nó rất thích nghe câu chuyện nầy, dường như một chuyện đã biết từ lâu, chỉ chờ đến đoạn kết. Nó thích nghe chuyện ma quái, huyễn hoặc. Tại sao nó thích? Tuổi thơ của nó có vẻ nhàm chán và bị gò bó trên cái đảo nhỏ nầy. Tự bản năng, nó cần phải thêu dệt thêm, bù lắp vào những cái lỗ hổng của trí tưởng tượng đang phát triển. Nó cần một quá khứ để nhìn vào tương lai cho sự phát triển được cân bằng. Tương lai và quá khứ đều mờ mịt với cái đầu óc và tầm mắt bé nhỏ của nó. Nó đã đọc được một số truyện kinh dị từ ngoài gửi vào. Chuyện về những tiếng chó tru man dại dưới ánhtrăng. Nó cố tưởng tượng ra tiếng chó tru, nhưng chịu. Nó lắc đầu. Nó chưa bao giờ nhìn thấy con chó chạy ngoài đường cả. Thấy ma còn dễ hơn thấy chó. Nó nghĩ như thế. Dễ. Có những buổi tối, nó và lũ bạn rủ nhau đi rình ma ở bãi tro tàn. Có thấy gì đâu, chỉ tiếng gió lùa ào ạt từ ngoài khơi thổi vào như tiếng rên rỉ của những oan hồn vất vưởng của những thuyền nhân xấu số từ những năm về trước. Biết đâu, chính bọn trẻ chúng nó là được tái sanh từ những oan hồn kém may mắn ấy, mong được một cơ hội thứ hai, đến miền đất tự do. Cơ hội ấy lại quá mong manh. Và, biết đâu phải đợi tới một đợt tái sinh lần sau nữa, nó mới thoát khỏi hòn đảo và vùng đại dương nầy. Nó đã được sanh ra và lớn lên ở đảo nầy. Thời gian chờ đợi được đi định cư trở thành diệu vợi. Tám tháng, mười tám tháng, rồi tám năm trôi qua biền biệt. Chưa thấy được nước thứ nhất thì làm gì có nước thứ ba. Nó mơ hồ nghe nói về một nước Việt Nam nào đó, nhỏ xíu trên bản đồ, với những làng, những xã, những con sông, êm đềm uốn quanh. Và, ở xa đâu đó, huyền thoại về một dòng sông, nước đỏ phù sa, đỏ như màu máu của bao nhiêu vạn quân xâm lược đã chết chìm dưới đáy. Với nó, cái đảo nầy là làng là xã của nó. Cái giếng nầy trở thành cái giếng làng, nơi nó thích được nghe những câu chuyện truyền lại từ những người lớn tuổi.

Tám...tám...

Tôi không thể chết đêm nay được. Tương lai đang chờ tôi ngày mai. Tôi không thể chết đêm nay được. Tôi hãy còn quá trẻ...

Và, vẫn trong sự lặng im lảng đãng, tôi nhận ra những gương mặt quen quen. Tôi mải miết gọi và theo đuổi ai đó, vừa gọi vừa ôm chặt lồng ngực ứ đầy, nghẹt thở. Tôi bổng thấy mình lơ lửng, chậm chậm rơi trong khoảng không lặng lờ những ảnh lửa. Một dòng điện chạy suốt thắt chặt lấy thân thể làm tôi không sao cử động được, và trong một khoảnh khắc, tôi nhìn thấy cái chết trong một nỗi sợ hãi kinh hoàng. Niềm tiếc nuối trào lên, hàng ngàn gương mặt chạy qua, hàng ngàn điều muốn nói thôi thúc mình chống cự quyết liệt, nhưng chân tay dường như bị bó chặt, và cái cảm giác chìm dần chìm dần càng làm tăng thêm nỗi sợ hãi tuyệt vọng cho những nỗ lực bám víu lấy sự sống.

- Rồi sao nữa.
Con bé dục,

- À...một hôm, người chồng già say rượu đã dùng dao cắt cổ người thanh niên ấy, từ mép tai này sang đến mép tai kia. Người ta kể, đầu gần đứt lìa khỏi cổ, máu tuôn có vòi, nhuộm đỏ cả bãi biển phía Nam, cậu thanh niên ấy chết. Một người bạn can thiệp cũng bị lụi luôn một dao, ruột đổ lòng thòng, chết theo. Người ta đem xác họ thủy táng ngoài khơi phía Mersing .

Chín!

Ðột nhiên, một luồng sáng xẹt qua. Thở dốc. Một cảm giác yên tâm sung sướng xâm nhập, mách bảo rõ ràng về sự tồn tại của bản thể. Ðang sống, và đang nhìn cái sinh thể kia chìm xuống. Dưới kia là vực thẳm. Vực thẳm mông mênh, hun hút những tàn lửa. Cái sinh thể đang chìm xuống ấy là tôi, và như bị thôi miên, tôi nhìn nó chìm xuống với một niềm khao khát đầy khoái cảm. Vươn rộng hai cánh tay, tôi sung sướng đón nhận những cánh hoa tràn ngập trong ánh sáng...

Ối chào. Có người kêu lên thảng thốt.

Con bé im lặng, không lấy làm lạ cho lắm. Còn nhỏ, nhưng nó dửng dưng về chuyện người ta cãi vã, giết chóc lẫn nhau. Hôm tuần trước, nó đã thấy người ta mổ ruột, đâm họng tự sát để chống lại việc hồi hương. Nó biết máu tuôn có vòi ra sao, ruột đổ lòng thòng như thế nào rồi.
Người ta nói đến chuyện đóng cửa trại tị nạn, bỏ rơi thuyền nhân. Thế giới bên ngoài đã nhàm chán chuyện thuyền nhân. Người ta bảo đừng nói đến chuyện thuyền nhân nữa. Cũ lắm rồi. Ngay cả lớp thuyền nhân cũ, có mấy ai còn nghĩ đến những thuyền nhân khốn cùng của ngày hôm nay? Một số thuyền nhân lên đường hồi hương, dù muốn dù không, tự nguyện hay không tự nguyện. Số khác, phải chuyển trại, tập trung vào những hòn đảo khác lớn hơn, tiếp tục cuộc sống mỏi mòn vô vọng.

Nó hỏi tiếp, chuyện muốn biết:

- Thế còn con ma?
- Ồ, người ta còn kể rằng cứ nửa khuya trăng tròn, có một người đàn bà xõa tóc đi lang thang từ miệng giếng nầy, băng qua khu trại cũ từ phía Nam Ðảo, ra đến sườn núi về phía Trung Ðảo. Có những đôi tình nhân hò hẹn, còn thấy con ma ấy ở bên kia Ðông Ðảo những buổi sáng sương mù dầy đặc. Gần đây bóng ma ấy thường khóc tỉ tê trên đống tro tàn những đêm trăng sáng. Có người không tin chuyện ma quỷ, cho rằng ấy chỉ là một người đàn bà điên mà thôi.

- Người ấy là ai?
- Không biết, không ai còn nhớ cả. Chỉ biết một trong hai người đàn bà đã nhảy hoặc bị xô xuống giếng nầy, chết ngộp, ít ngày sau vụ thảm sát ở Nam Ðảo. Còn người kia, đi định cư ở Mỹ, bây giờ không biết ở đâu.
2hi.us