Insane
Truyện Ngắn - Dài Nỗi Đợi Chờ

Truyện Ngắn - Dài Nỗi Đợi Chờ

Tác giả: Sưu Tầm

Truyện Ngắn - Dài Nỗi Đợi Chờ

Nếu người Mỹ có thói quen chào nhau "Good morning" mỗi sáng thì chị Sao mỗi ngày, khi đẩy cửa tiệm bước vào nhìn thấy tôi, câu đầu tiên của chị là: "Hôm nay trời nắng vui quá cô há!".

Dĩ nhiên, gặp hôm trời ui ui buồn bã, chẳng thể kết luận "nắng vui quá", chị chỉ lặng lờ buông thõng một câu "Chào cô" rồi lủi thủi đi từng bàn, lấy những chai tương ớt ăn phở hay xì dầu đã lưng lửng, lui cui trong một góc quầy, châm cho đầy. Nhung nháy nhó với tôi, Bây giờ bà ấy "tỉnh" lắm rồi đấy. Hồi em mới mướn bả, nhìn bả hệt như người điên. Rồi Nhung chép miệng, chồng có bỏ thì kệ mẹ, ngu gì đau khổ cơ chứ. Thế giới còn chán vạn đàn ông mà nếu không có thằng cha nào thương mình, ở không như vậy chẳng phải khoẻ hơn ha?

Tôi không thể đoán ra tuổi của chị mặc dầu chị vẫn giữ thói quen xưng hô chân chất của người dân miền quê, sự nể nang dành cho người họ nghĩ trên giai cấpï bằng cách nhún mình, tự xưng "em" dù kẻ đối diện có nhỏ tuổi hơn chăng nữa. Nụ cười của chị lúc nào cũng méo mó ngay cả khi chị kể lại một câu chuyện chị cho là rất thú vị. Cuộc đời đầy dẫy những cánh cửa mà nếu không lê la đến gõ, chúng ta sẽ chẳng thể hình dung ra những bí ẩn nấp sau nó. Cũng như chúng ta sẽ không thể biết được cuộc sống phong phú ra sao nếu không lăn xả vào cùng sống, phải không?

Ngày tôi quyết định bỏ công việc ngồi văn phòng của mình để đi làm waitress, bạn bè thân sơ đều gào lên phản đối. Chị bạn ở Portland la muốn bể ống điện thoại:

- Bà điên không? Làm cái gì không làm, chui vô cái nghề hầu bàn! Có hai nghề trên đời tôi thề không bao giờ rớ tới, đó là hầu bàn và làm móng tay. Có tiền thì có tiền, mình phải giữ cái giá trị (?) của mình chớ! Tại sao ông Huấn lại cho bà đi bưng đồ ăn vậy? Chỉ mấy người mới qua, chữ nghĩa không có mới phải hầu thiên hạ! Tôi thà, nếu làm nhà hàng, tôi làm chủ chứ không ngu đi làm đầy tớ như bà.

Chị cho một dây lếch-chơ khiến tôi đắng họng, ú ớ nói liều:

- Ừa, tui đi làm để có hứng... viết văn.

Chị ré to hơn:

- Bộ bà tìm thấy văn chương trong những đồng tiền típ thiên hạ thí cho bà hả? Đâu phải nhà văn đều phải là bồi bàn mới vọt ra chữ nghĩa được?

Một chị bạn khác cùng thành phố khi tình cờ điện thoại đến, gặp con gái tôi cho biết mẹ con đang làm ở Cafe Han, chị canh giờ tôi tan... sở, tức tốc gọi liền, cho bài học khác:

- Hết chuyện dỡn chơi sao mà đổi qua "dóp" thơm vậy má? Tụi nhỏ nó trẻ mới làm việc này. Mình già rồi, chạy lon ton coi chi đặng? Chưa kể cái con Nhung nó ghê lắm đó! Má cứ làm đi rồi má sẽ nghe được cả thành phố này nói về má ra sao.
Có lẽ vui nhất với thái độ who cares là lũ con tôi. Đối với Đức, chuyện mẹ làm waitress chẳng khác gì công việc nó đang đứng sau cái Drive- through Window của Mc Donald. Chỉ là một phương tiện cho mục đích mình muốn. Đức cần tiền để mua sắm quần áo, đi chơi cùng bạn bè. Mẹ cần đổi… boss, cần có điều gì đó… vui vui trong quãng thời gian con cái đi học. Mấy đứa nhỏ hơn hí hửng vì trưa nào từ trường về, mẹ cũng có một hộp đồ ăn đầy nhóc thay đổi mỗi ngày của cô Nhung gửi. Riêng tôi, tôi đang thử thay đổi môi trường sống bình thường để tìm điều gì đó khác hơn. Và điều gì đó chính là những cánh cửa mà nếu chúng ta cứ tự giam trong bức tường của thành kiến, chúng ta sẽ không thể biết được cuộc sống đa dạng ra sao.

Dạo mới nhận việc, một hôm, tôi chợt giật mình vì tiếng lầm thầm cất lên đâu đó trong tiệm. Mùa đông, cái mầu xám ảm đạm bên ngoài xâm chiếm cả cái nhà hàng rộng chưa kịp bật đèn. Chỉ một ngọn neon nơi bàn nước chỗ tôi loay hoay pha cà phê, đổ nước lạnh vào dẫy ly thủy tinh đang ngay ngắn xếp thành hàng. Ngó quanh quất, tôi nhìn ra cái bóng nhỏ thó của chị Sao đang tự nói tự cười.

Tôi gọi lớn:

- Chào chị! Chuyện gì vui thế? Kể em nghe với!
Chị nhe răng:

- Có chi vui đâu cô ơi! Ảnh tệ với em quá nên buồn, nói một mình vậy thôi.

Tôi không có đức tính ưa đâm sầm vào đời tư người khác nên diễu dở:

-Để em mở bản Nỗi Lòng cho chị nghe nhé! Hơi sức đâu buồn mấy ổng, chị ơi! Đàn ông mà!
Cái câu an ủi rất huề vốn đó có lẽ chẳng mang lại chút ép- phê. Giọng hát người ca sĩ não nuột Yêu ai yêu cả một đời còn chị thì ư ử Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Dường như câu hát bình dân của chị thấm hơn cách lựa chọn lãng mạn của tôi thì phải? Rồi chị bất chợt thở dài, la to:

- Mình thương người ta mà người ta chẳng thương mình thì thôi, cô ơi!

Nghe chị nói, tôi ngỡ như tiếng than của cô gái vừa lớn, mới chớm biết yêu đã biết sầu. Vừa lúc ấy, Nhung bước vào. Nhung nháy mắt với tôi, cười rích rích:

- Đấy chị xem! Già chứ mà còn đa tình lắm. Chị Sao nè, em mà như ảnh, em bò về với chị ngay! Ổng có điện thoại gì cho chị không?

Chị buồn bã:

- Có! Ổng phôn cho con gái, nói, ổng chúc mừng sinh nhật nó!

Có lẽ thấy tôi ngây ra không hiểu câu chuyện hai người, Nhung phân bua:

- Chị ấy dở hơi lắm cơ! Chồng thì đẹp trai, cao lớn, hiền lành. Cãi nhau cứ việc cãi, lại dại dột ghen tuông đuổi ổng đi! Thế là ổng đi luôn! Bây giờ ngồi tiếc...

Chị bẽn lẽn liếc tôi:

- Thì lúc nóng lên nói tầm bậy, tưởng chỉ nói chơi ai dè ổng làm thật! Em nhắn gọi ảnh về mấy lần nhưng ảnh không chịu. Em bảo, Mình về với tui đi! Tui hứa không to tiếng với mình nữa đâu! Mình không thương tui thì cũng về, coi nhau như bạn. Còn hai đứa con nữa, mình cũng nên nghĩ tới tụi nó một chút. Thân tôi một chắt, lo sao cho xuể cả ba?

Tôi nghe cũng mủi lòng, hỏi:

- Ảnh trả lời ra sao hở chị?

Chị Sao buồn bã lắc đầu:

- Ảnh nói, bao nhiêu lần bà hứa không chửi tui mà khi cơn bà lên, bà quên mẹ hết! Tui là đàn ông chứ tui có phải là con bà đâu mà bà không nể trọng? Em hứa, em sẽ không như vậy nhưng ảnh hết tin em rồi! Thôi thì mình thương người ta mà người ta chẳng thương mình, làm gì được bây giờ?

Thôi thì mình thương người ta mà người ta chẳng thương mình, câu nói một lần nữa được lập lại vẫn khiến tôi chẳng thể thoát khỏi nỗi xúc động đến não lòng. Tôi ngó khuôn mặt chị. Những nếp nhăn đã xếp lớp trên trán. Sự mệt mỏi lộ rõ bên đường rãnh hằn sâu từ cánh mũi xuống khoé môi, trong ánh mắt đã đục theo thời gian nhưng sao tiếng nói của trái tim chị vẫncòn như hừng hực lửa yêu đương thế nhỉ? Nhung lại cười ré lên:

- Đúng là tình đầu ne-vờ đai! Khổ! Thôi, nếu anh ấy về, em hứa sẽ cho chị nghỉ một tuần lễ mà vẫn trả lương đủ cả. Chị ráng dụ ảnh về đi để hưởng tuần trăng mật nhé!

Đôi mắt chị bỗng sáng rực lên, chị cười bẽn lẽn và chao ơi, trước mắt tôi, hình như không phải là người đàn bà đã ngoài năm mươi với rất nhiều dấu ấn của sự vất vả chất chồng mà rõ ràng, cái thẹn thùng của cô gái xuân thì khi bị đem ra chọc ghẹo.\

Chị reo to:

- Khỏi cần cô Nhung cho nghỉ có lương. Em sẽ nghỉ luôn, ở nhà chăm sóc cho ảnh.

Dường như cả buổi hôm ấy, chị mất hẳn dáng vẻ lù khù chậm chạp. Chị đẩy xe dọn dẹp nhanh nhẹn hơn và đôi lúc vắng khách, tôi lại bắt gặp chị ngân nga như trong vô thức, Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Đôi khi lầm lỡ, giết chết ân tình cũ.

Tiệm ăn nằm giữa khu trung tâm thương mại toàn là Mỹ trắng. Đa số là dân cổ cồn cà vạt với rất nhiều văn phòng về đủ mọi dịch vụ

chung quanh nên khách hàng khá lịch sự và nhã nhặn. Công việc chính của chị Sao là dọn dẹp, chuẩn bị bàn cho khách nhưng vào giờ cao điểm, từ 12 đến 1 giờ trưa, chúng tôi làm việc như một đội ngũ gắn bó, không phân biệt người nào nhất định ở phần vụ nào. Có lẽ cái không khí gia đình ấy đã là lý do giữ chân tôi lại khá lâu với Nhung. Vào những lúc đông khách, chị Sao vui lắm. Tay quơ chén đĩa bỏ vào chậu, mắt chị và cả đôi tai chị tuồng như vẫn lắng nghe tiếng chuông vào cửa. Tôi không hiểu trong tư thế đầy cảnh giác đó, chị có mang nỗi mong ngóng người chồng cũ bỗng đột nhiên xuất hiện không nhỉ? Thoáng có khách là chị buông ngay chiếc xe đẩy, tủm tỉm cười rất trẻ thơ, bước ra đón. Thường khi, chị chỉ nói giản dị một chữ Hi rõ to và sau đó, giơ một, hai hay ba ngón tay kèm theo câu hỏi ngắn gọn one, two hoặc three rồi cầm thực đơn, đưa khách vào bàn. Những hôm tôi bận không kịp lấy order, chị hăng hái ghi order luôn. Có lần, một người khách Mỹ ngồi dựa tuốt trong vách tường của cái ghế dài, hỏi chị cắt nghĩa một món ăn nào đó. Chị quỳ hẳn một chân lên mặt nệm, nhoài thân hình nhỏ thó đến sát tấm thực đơn anh ta cầm trên tay, mái tóc gần như kề vào mặt khách, nói huyên thuyên. Tôi bật cười khi từ bếp bước ra, thấy anh đưa mắt nhìn tôi nháy nhó cầu cứu. Tay phải cầm tờ thực đơn, tay trái anh ta luồn phía dưới, thò ngón tay trỏ, ngoắc ngoắc tôi ra hiệu. Tôi cười nhẹ:

- Chị để em lo cho. Ông ấy muốn gì vậy hở chị?

Chị nói rất to, cười hỉ hả:

- Ổng muốn ăn món cá kho tộ đó. Ổng hỏi em, cá là loại cá gì? Tiệm mình dùng cá bông lau mà tự dưng em quên mất, không nhớ ra tiếng Mỹ cá bông lau gọi chi nữa. Em gọi nó là con fish flower. Thôi, chị nói lại dùm em đi.

Chị sống tựa hồ giữa ranh giới của một đứa trẻ con và một cô thiếu nữ. Lần đầu tiên và duy nhất tôi biết được chuyện tình của chị và anh Quang- người chồng đã bỏ chị đi mà Nhung nửa đùa nửa thật gọi đó là "tình đầu ne-vờ đai"- do một sáng chị vào tiệm, mặt mũi bơ phờ với lời than, "Đêm qua, em nhức đầu quá, không ngủ được tới sáng". Rồi chị thẫn thờ buông tiếng thở dài: "Cứ đợi ảnh về mỗi ngày thế này làm răng mà ngủ được, phải không cô? Em qua đây, thân côi cút, chỉ có chồng và hai đứa con, ảnh nỡ bỏ em chi vậy?". Tôi ái ngại, "Thế gia đình chị không có ai ở Mỹ à?". Chị thở dài hơn, "Quê em tuốt tận cái làng có một chắt ở Quảng Trị đó. Cha mẹ em chết khi em còn nhỏ. Em được bà cô mang vô Sài Gòn, nuôi trong nhà như người giúp việc. Hồi đó, ảnh lái xe díp cho cái ông trung tá kế bên. Anh đẹp trai lắm. Tụi em đứa nào cũng mê mà ảnh đâu thèm biết tới em. Rồi ảnh lấy vợ. Lấy ai em cũng không rõ. Năm 75, em chạy theo gia đình bà cô qua trại tị nạn Fo- xáp- fi, gặp lại ảnh trong trại. Tụi em đều mừng cả. Dễ gì gặp lại người quen vào cái thuở ấy đâu cô? Chừng ấy, em mới hay vợ con ảnh đều bị kẹt lại. Em tội quá, chăm sóc ảnh tận tình. Rồi ảnh nói ảnh thương em, muốn chung sống với em. Em... mừng quá, nhận lời liền. Anh hiền và dễ thương lắm cô ơi! Chỉ tại em có cái bệnh nhức đầu nên nóng tính, nhiều khi chuyện không ra gì cũng dễ sanh chửi bậy. Ừ, ảnh mà về với em bây giờ, em sẽ không đi làm nữa, sẽ tu tâm dưỡng tánh để có được ảnh suốt đời. Mà cô đoán, ảnh có về không? Em thắp nhang khẩn cầu Phật Bà mỗi ngày đó".

Chao ơi, tôi đâu có tài bói toán để nhìn ra tương lai dùm cho chị? Tôi cũng không thể nói bừa khiến chị thêm hy vọng nên đành ước thật: "Giá chi em gặp được ảnh, em sẽ kể anh nghe những điều chị nói. Nếu em là ảnh, chắc em thể nào cũng phải ù té chạy về cùng chị ngay".

Chị cười rạng rỡ, đập cái chát đau điếng vào vai tôi: "Cái cô này, nhớ lời hứa hôm nay đó nghe!".

Vào làm được hơn ba tháng thì liên tiếp bốn ngày, tôi không thấy chị. Hỏi Nhung, Nhung nói, "Cái bà ấy dở hơi lắm. Lúc làm lúc nghỉ, chả ra sao cả! Mọi lần còn gọi em xin phép. Lần này, chẳng thấy nói năng gì? Dám chồng về rồi nên lo ở nhà ấp chồng lắm à".

Tôi cũng mong như thế. Cứ xin sẽ được. Cứ gõ, cửa sẽ mở. Chẳng phải Chúa đã phán dậy thế sao? Có lẽ những lời cầu khẩn của chị đã theo nhang khói, thấu đến tận Đức Phật Bà Quan Âm chăng? Tôi yên tâm với ý nghĩ này của mình cho đến một sáng cuối đông, mặt đường chỉ còn chút tuyết đọng lại nhưng cái lạnh vẫn còn buốt lắm, tôi bắt gặp người đàn bà Á Đông nhỏ thó trong cái áo nỉ đen bạc mầu dầy cộm quen thuộc, vừa đi vừa quơ chân múa tay, cười nói lầm thầm trên lề đường, ngược chiều với hướng xe tôi chạy. Chị Sao. Chị Sao… Xe vút qua, tôi còn kịp nhận thấy ánh mắt chị vô hồn hơn và nụ cười méo mó của một người dường như không còn trí nhớ.
2hi.us