Snack's 1967
LỖ HỔNG - TRÊN TƯỜNG VÀ CHÉN TRÀ NHẠT

LỖ HỔNG - TRÊN TƯỜNG VÀ CHÉN TRÀ NHẠT

Tác giả: Sưu Tầm

LỖ HỔNG - TRÊN TƯỜNG VÀ CHÉN TRÀ NHẠT

Tôi lặng lẽ đi trong bóng đêm tĩnh mịch hướng đến căn phòng bố mẹ hẵng còn sáng đèn ngủ, nơi những tiếng động ồn ào phát ra. Tôi khẽ đẩy nhẹ cánh cửa khép hờ, ánh sáng dịu nhẹ của đèn ngủ phả ra khiến mắt tôi giật giật vì chưa quen sáng. Bố tôi ngồi trên thành giường im lìm, người ngả về đằng trước, hai tay ôm mặt lặng thinh. Mẹ tôi, trái lại, đứng ngả nghiêng và đang khóc nức nở, chốc chốc lại đẩy mạnh người bố. Nhưng bố tôi, thật chẳng khác con lật đật, bị đẩy xiên xẹo rồi lại tự trở về trạng thái ban đầu.
"Mẹ kiếp, những giấc mơ hồi trẻ của chúng ta đâu rồi?

Sao cuộc đời lại vô vị và khốn nạn thế này?
….
Anh không cảm thấy trống rỗng sao? Sống vậy cũng sống được sao?
…"
Tôi khép nhẹ cánh cửa lại. Quay trở về phòng mình lên giường ngủ. Nhưng mắt vẫn mở thao láo. Tôi quyết định dậy bật đèn, ngồi vào bàn học, nhưng không phải để đọc sách hay học bài, mà lôi trong hộc bàn ra cuốn truyện tranh "Doraemon" và say sưa đọc.
Phải nói rằng, truyện tranh là một thứ cao siêu hơn bất cứ cuốn sách nào!
Người lớn làm hỏng cuộc đời họ, rồi họ lại muốn làm hỏng cuộc đời con cái họ bằng những lời nói dối. Họ bảo rằng trẻ con phải cố gắng đọc thật nhiều sách, học thật giỏi để sau này kiếm được thật nhiều tiền, rồi thì tương lai sẽ rộng mở, cuộc đời sẽ vô cùng hạnh phúc. Nhưng tôi biết rằng họ nói dối. Như bố mẹ tôi, họ có rất nhiều tiền, một toà nhà cao tầng cho thuê và một vài bất động sản khác, nhưng họ đâu có thôi ca thán về cuộc đời?
(Lại nói về tòa nhà của bố mẹ, hôm qua, lúc tôi vừa đi học về, đang đứng ngay bên ngoài. Đột nhiên bịch một cái, rơi rầm ngay trước mặt tôi, chỉ cách vài mét thôi. Lúc tôi kịp định thần, nhìn xuống dưới đất, trước mặt là một đống thịt, máu me bê bết bắn xung quanh. Máu bắn lên cả mũi tôi. À không, tôi cũng không biết nữa, có thể là như thế, hoặc là tôi tưởng tượng như vậy. Đó là một người đàn ông tự tử từ trên sân thượng toà nhà của bố mẹ. 18 tầng bạn biết không. Rầm một cái, há, thế là hết rồi. Đi đời nhà ma. Sao mà ngắn ngủi thế.)
Và rồi họ còn nói dối về bức tường.
Đó là bức tường cổ kính bên rìa ngoài thành phố, đã dựng lên từ rất lâu. Tìm trên mạng được một hàng dài các tài liệu liên quan, lý do chủ yếu bức tường được xây nên, người ta đề cập nhiều đến: "mâu thuẫn chính trị, mâu thuẫn tôn giáo" và một tỷ các thứ mâu thuẫn khác. Cái này thì tôi chẳng rành mấy, nói trắng ra là mù tịt. Rêu phong đã phủ kín, bức tường rất cao và dài đến mức không thể nhìn sang phía bên kia làm tôi rất đỗi tò mò. Mỗi khi hỏi người lớn (thường là bố tôi) bên kia bức tường như thế nào thì họ chỉ thường nói "ôi dào, cũng vậy thôi mà". Tôi tin là người lớn nói dối, hoặc đó chẳng qua là một câu nói qua loa cho xong chuyện. Tôi muốn vượt sang bên kia bức tường nhưng bố tôi cười bảo rằng: "Nó rất cao, con không thể trèo qua được đâu"…. hoặc "Nó rất dài, con không thể đi hết được đâu". Tôi vẫn cứng đầu, quả quyết cho rằng khi nào tôi lớn hơn, tôi sẽ vượt qua bên kia bức tường, thì bố nghiêm mặt: "Không, không được, chúng ta không được phép đi sang bên kia, đó là luật, nghe rõ chưa?" Đối với tôi hay nhiều đứa trẻ khác ở độ tuổi 13, từ "luật pháp" nghe xa xôi tít tắp.
Bố mẹ hình như lại vừa cãi nhau. Tôi không thấy mẹ đâu nhưng bố thì đang ngồi một mình trong phòng đọc sách của bố. Gương mặt vốn nhiều nếp nhăn của bố lại càng nhăn nhúm hơn sau cuộc cãi vã. Bố lặng thinh nhâm nhi một chén trà, như thói quen thường ngày của bố. Cơ mặt bố dần giãn ra.
Tại sao người lớn lại thích làm khổ nhau đến vậy? Nếu cảm thấy sống với nhau đau khổ như vậy thì thà họ bỏ quách nhau đi cho rồi. Sống đáng chán bên nhau như vậy để làm gì?
Tôi tự hỏi và viết (rồi lại gạch) chi chít chữ ly dị lên trên bức tường "mâu thuẫn" (tôi gọi nó như vậy). Rồi đột nhiên tôi phát hiện ra một điều thú vị: một lỗ hổng nhỏ trên bức tường chỉ nhỏ bằng ngón tay cái nhưng cũng đủ để có thể nhìn sang phía bên kia tường.
Thật kỳ lạ! Đó là một thế giới hoàn toàn khác!
Đó là một cánh đồng rộng trải dài một màu xanh mướt, những cánh chim tự do chao nghiêng nghiêng đôi cánh dưới ánh mặt trời vàng rực và bầu trời trong xanh cao vút. Điểm xuyết là những bông hoa dại nhiều màu mềm mại uốn theo làn gió. Tôi chưa từng nhìn thấy cảnh vật nào đẹp như vậy. Chúng khác hẳn với cái thành phố bụi bặm, ồn ào huyên náo xe cộ và những toà nhà – những khối bê tông cao chọc trời (hay những chấn song của nhà tù?) mà tôi đang sống. Cảnh vật trước mắt tôi thật yên ả và đẹp như trong giấc mơ. Có phải đó là nơi thiên đường ngự trị?
Những ngày sau đó, cứ tan học là tôi lại chạy ra chỗ bức tường, nhìn ngó sang bên kia một lúc rồi mới khoan khoái về nhà. Tôi chăm chú quan sát một con chim đang nhảy lóc chóc trên đống cỏ gần đó. Tôi theo dõi một bông hoa đương nở mỗi ngày, từ lúc nó chỉ mới nhú nụ cho tới lúc nó héo tàn, và có lẽ ai đó, hoặc gió đã thổi nó đi chỗ khác.
Những cuộc cãi vã của bố mẹ hình như ngày một nhiều, nhưng chẳng còn khiến tôi bận tâm nữa. Tôi vẫn ra chỗ bức tường hằng ngày và đọc truyện Doraemon đều đặn mỗi tối. Cuộc sống vậy là đã đủ!
Rồi một tối, tôi đang vắt vẻo nằm đọc truyện tranh trên salon ở phòng khách.Tiếng đóng sầm cửa làm tôi giật mình ngừng lại. Mẹ tôi kéo vali đi ra. Dừng lại, mẹ quay lại ôm tôi và bật khóc nức nở. Tôi vẫn cầm cuốn truyện và để mặc cho mẹ ôm mà không nói gì. Mẹ khóc một hồi rồi bảo tôi hãy nói xin mẹ ở lại đi. Tôi nhìn trân trối vào đôi mắt đẫm nước của mẹ và điềm nhiên nín thinh. Mẹ có vẻ sững lại trước biểu hiện của tôi và thôi khóc. Rồi bằng động tác dứt khoát, mẹ đứng dậy, kéo vali ra khỏi nhà. Tôi nhìn dáng mẹ quay lưng bỏ đi cho đến khi khuất bóng. Tôi khâm phục mẹ mình, lần đầu tiên trong đời.
Tôi lại cầm quyển truyện lên đọc tiếp nhưng trong đầu tôi không còn yên ổn nữa. Mắt tôi mở thao láo, nhưng không phải nhìn vào quyển truyện mà là nhìn vào bóng tối hư vô.
Rút cục họ đã bỏ nhau. Họ sẽ thôi không còn làm khổ nhau được nữa. Đúng như ước muốn của tôi lúc trước. Nhưng tôi thấy vui không?
Tôi cảm thấy nóng râm ran trong người. Dường như một ngọn lửa đang thiêu cháybên trong tôi. Cổ họng cháy khát, tôi nuốt ực một cái. Tôi đưa một tay lau mặt, khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi. Quyển truyện đặt trước ngực, những ngón tay cấu chặt vào đệm ghế salon.
Rồi dường như ngọn lửa bùng cháy dữ dội, tôi bật nảy dậy và chạy một mạch. Đi đâu?
Bố ở đâu? Mẹ thì đã đi còn bố ở đâu rồi?
Tôi hốt hoảng lao vào bóng tối, lạc lõng những bước chân không biết chạy về đâu. Rồi tôi thấy một căn phòng phả ánh sáng hiu hắt. Tôi dừng lại trước cửa. Đó là căn phòng đọc sách riêng của bố. Bố vẫn ngồi đó với chèn trà như mọi khi. Khuôn mặt bố phẳng lặng không còn nhăn nhúm như thường ngày nữa. Bố cầm chén trà đặt hờ hững trên môi dường như chưa hề uống. Lạ thay, một giọt nước lăn từ khoé mắt nhiều nếp nhăn của bố, chảy trên gò má cao rồi rơi xuống chén trà. Bố ngồi im như tượng.
Tôi cảm thấy chán ngán và quay đi, bỏ lại căn phòng và bố. Bước chân tôi xiêu vẹo, đá vào nhau. Tôi cảm thấy mình không còn thở nữa. Tôi mở cửa, bước ra ban công. Những ánh đèn đường phố và xe cộ lập loè đập vào lùng bùng trước mắt. Những tiếng huyên náo

con người, tiếng ồn ào xe cộ đập chói vào tai tôi. Tôi bịt tai lại, quay người chạy vào trong phòng, đóng hết các cửa sổ, kéo rèm hết lại, tắt mọi nguồn sáng trong phòng và tôi nằm phịch lên giường, áp mặt vào gối. Tôi thấy vị mằn mặn trên miệng mình. Tôi khóc từ bao giờ và ngủ từ bao giờ?
Trong giấc ngủ chập chờn, hình ảnh của bức tường "mâu thuẫn" cứ miên man nhiều chiều vô định. Bóng dáng mẹ thấp thoáng bên kia bức tường, qua cái lỗ hổng. Mẹ cứ đi liêu xiêu, đi mãi, đi mãi mà không nghe thấy tiếng tôi gọi lại khản đặc: "Mẹeee!…". Tôi nghe thấy tiếng nói lúng búng trong miệng. Và những âm thanh hỗn tạp: "Ta phải đi thôi. Phải đi sang bên kia bức tường thôi."
Sáng sớm tinh mơ hôm đó tôi đã tỉnh dậy. Không, chưa phải là sáng vì trời còn rất tối, mặt trời vẫn chưa mọc.Tôi đứng soi mình trước gương. Nhìn tôi quá mệt mỏi, đầu tóc rối bù, tôi chẳng ngủ được là bao. Ngước nhìn lại trong gương, tôi chẳng hề nhận ra mình nữa. Tôi không còn là một đứa trẻ. Một đứa trẻ thì không có đôi mắt trũng sâu và hằn học quầng thâm mệt mỏi như vậy. Tôi không muốn nhìn thấy mình trong gương nữa, tôi loạng choạng quay đi. Tôi phải thoát khỏi cuộc sống tù túng này. Nhưng tôi phải làm gì?
Những mảnh vỡ giấc mơ vừa qua quay lại trong tâm trí tôi. Bức tường với lỗ hổng! Tôi phải biến khỏi nơi này. Tôi sẽ biến đi, biến sang phía bên kia bức tường – nơi mọi thứ dịu nhẹ và êm ả.
Tôi quyết định sẽ đập một lỗ hổng trên tường để chui sang bên kia. Vẫn còn rất sớm, chỗ đó cũng khuất người qua lại..
Tôi lặng lẽ đi vào phòng đọc sách. Bố đang ngủ gục trên bàn. Chén trà vẫn còn nguyên vẹn. Tôi quan sát gương mặt bố phảng phất trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn bàn. Gương mặt in hằn thời gian và cuộc đời này, những nếp nhăn hình như xuất hiện rất nhiều hơn trước. Nhưng hình như có điều gì đó đọng trên khuôn mặt bố, một thứ gì đó mà tôi không giải thích, không cắt nghĩa được nổi, thứ gì đó mà trên mặt tôi không có, mặt bạn bè tôi cũng không có. Thứ gì đó còn vĩnh hằng hơn cả mặt trăng.
Tôi đạp xe đến chỗ bức tường lỗ hổng. Chưa từng đi đâu sớm thế này nên cảm giác thật khác lạ. Không gian dường như vẫn đang ngủ, tất cả đều tĩnh lặng. Chỉ có gió là đương thức. Rồi mùi hương ngái ngủ của mặt trời và cây cỏ gờn gợn vào mũi tôi. Mặt trời dần mọc lên. Tôi đi qua con đường cắt ngang hồ và nhận ra cảnh đẹp thật kỳ ảo. Sương lờ mờ trong không gian khiến bầu trời và mặt nước như hoà vào nhau. Mặt trời đỏ rực như quả cầu lửa mọc lên từ dưới mặt nước ẩn hiện xa xa. Tôi dừng xe lại. Kìa, tôi nhớ lại cảnh tượng này cách đây lâu lắm rồi, khi tôi còn là đứa bé thơ ngây chẳng biết gì. Bố tôi reo lên rằng "Nước đang sôi kìa con. Con có nghe thấy tiếng nước sôi hay không? Quả cầu lửa đang đun sôi nước đấy". Thế là tôi tin điều đó là thật và cũng tin rằng mình cũng đang nghe thấy tiếng nước sôi.
Tôi làm như đang sống lại cái thời xa xưa ấy. Tôi nhắm mắt lại, lắng nghe âm thanh của đất trời, và kỳ lạ thay, văng vẳng tiếng réo sôi của nước, nhè nhẹ phía xa xăm.
Có lẽ cái đẹp vẫn còn rơi rớt lại.
Tới nơi, khu này vốn vắng người thì bây giờ càng chẳng có một bóng ma. Tôi khẩn trương nện búa vào tường, từng nhát từng nhát thật mạnh. Mặc dù cái búa quá nặng và to so với tôi, nhưng dường như lúc đó tất cả sức mạnh tiềm ẩn của tôi từ đâu ùa ra, có lẽ tôi phải khoẻ gấp đôi, gấp ba lúc bình thường. Những nhát đầu bức tường chưa thấm tháp gì, nhưng càng về sau những miếng gạch vữa rơi ra càng nhiều và nhanh. Trên tường đã dần thủng một lỗ càng ngày càng to. Bụi bắn đầy lên mặt và mũi tôi, lại còn phải ra sức đập nên lúc đó tôi hầu như nhắm tịt mắt không nhìn gì, chỉ ra sức đập búa vào tường như vô thức. Một lúc sau tôi mới định thần lại, nhận ra lỗ thủng trên tường đã vừa đủ, tôi ngừng đập, lấy tay bới đống gạch vữa vụn ra. Lỗ thủng hiện lên rõ ràng. Nhưng tôi cũng lờ mờ nhận ra một điều không bao giờ ngờ được: Đằng sau bức tường vẫn là… Tôi không tin vào mắt mình, chui tọt qua cái lỗ sang bên kia. Nó không giống những gì tôi từng nhìn thấy lúc trước, mà giống những gì người ta từng nói "cũng vậy thôi". Một bãi đất trống toàn rác rưởi và những đống gạch vụn. Vẫn là những toà nhà cao tầng, những công trình bê tông cốt thép thảm hoạ của thời đại này. Chẳng khác gì bên nơi tôi đang sống! Không thể, không thể là sự thực được! Chẳng nhẽ mắt tôi nhìn nhầm? Đây là sự thực ư? Cả đất trời quay cuồng xung quanh tôi. Chân tôi mềm nhũn, không đứng vững nữa, tôi quỵ xuống. Rồi tôi bật khóc, khóc nức nở. Hạnh phúc ở đâu? Thiên đường ở đâu?
Một ông bảo vệ già của bãi đất trống này chạy tới hớt hải, có lẽ kinh động do tiếng đập búa.
- Mày làm gì thế oắt con?
Tôi sợ chết khiếp nhưng cũng ráng lấy lại bình tĩnh và sự thông minh vốn có. Tôi nín khóc và dàn xếp với ông ta bằng đống tiền dự định cho chuyến đi xa. Tiền bạc có thể dàn xếp được mọi chuyện, cái này thì người lớn nói thật. Ông già nói tôi biến và quay lưng đi, xem như chưa hề đến đây lúc này và gặp tôi.
Trước khi quay lại, tôi vẫn cảm thấy khóhiểu và bối rối hỏi nốt ông lão:
- Sao cháu tưởng nơi đây là một đồng lúa xanh tươi?
- Mày mơ ngủ hả? Sinh trước 20 năm nhé!
Tôi bồn chồn: "20 năm trước đây nơi này là đồng lúa ư?"
Ông già quẳng nốt câu cuối rồi đi thẳng không quay đầu lại nữa: "Phải, 20 năm trước chỗ này mới là một đồng lúa. Bị san bằng từ lâu rồi. Thôi biến cho mau đi oắt con".
"20 năm trước" – tôi lẩm bẩm…
Ngay chiều hôm đó, lỗ hổng đã được các nhà chức trách bịt kín lại như trước.
Chiều hôm đó, tôi về nhà, vào phòng đọc sách của bố. Đóng chặt các cửa lại. Ngồi vào cái ghế mà bố hay ngồi. Chén trà vẫn còn nguyên từ hôm qua ở trước mặt. Tắt chiếc đèn bàn bên cạnh, tôi nhắm mắt lại, đưa tay cầm chén trà lên miệng nhâm nhi. Chén trà đã nguội lạnh, rất loãng. Ban đầu là cảm giác về sự tinh khiết, rồi ta lại thấy phảng phất thoang thoảng mùi trà thơm dìu dịu nhè nhẹ vào sâu trong tim, thi thoảng lại nhang nhác có vị mằn mặn, có lẽ là do giọt nước mắt của bố hôm qua nhỏ vào? Hay đó là nước mắt ban nãy còn sót lại trên môi tôi? Một hương vị khiến thời gian ngừng lại, tất cả mọi thứ tan biến trong một chén trà. Mọi bức tường đều biến mất, chỉ còn lại thứ nước thần tồn tại hàng nghìn năm. Tôi cảm thấy những sợi dây mỏng manh vô hình đang được giăng nối giữa tâm hồn tôi và bố. Bỗng chợt, tôi hiểu vì sao bố lại hay uống trà đến vậy. Hồn tôi đang tan vào chén trà, và nó thủ thỉ với tôi một chân lý:
Nếu một ngày tất cả điên đảo. Nếu một ngày thế giới sụp đổ. Nếu một ngày bạn lặng đi tan vỡ. Hãy bình thản nhâm nhi một chén trà nhạt con con. Và… đừng quên nhắm mắt!
2hi.us