Đời này, ta còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần?
Đời này, ta còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần?
Dạo này ngoại tôi cứ sốt liên miên. Ở cái tuổi 85 gần đất xa trời, mọi người vẫn cứ nghĩ đó là chuyện bình thường thôi, "già rồi thì hay ốm vặt ấy mà" cậu mợ tôi vẫn cứ bảo thế. Tôi thì tôi biết vậy, chứ trong bụng vẫn cứ lo lo.
***
Tuần vừa rồi, bác đón ngoại lên Hà Nội chơi, thấy cái thân già còng queo của ngoại, ai nấy cũng sửng sốt và không khỏi xót xa. Chẳng mấy khi ra thủ đô, bác bảo: "Thôi đưa bà mấy đứa đi khám tổng quát xem sao, chứ ngó chừng có bệnh." Thế là cả nhà lỉnh kỉnh, đưa nhau ra viện.
Hôm nay, đi lấy kết quả chẩn đoán của ngoại về mà tôi khóc nhiều quá, tôi chẳng nói gì, mọi người chuyền tay nhau tờ kết quả, cũng chẳng ai nói gì. Ngoại tôi yếu lắm, phẫu thuật liệu có là quá sức, nhưng cứ để ngoại đau đớn thế thì con cháu nào cam tâm.
Tối nay đi học về, dẫu muộn, tôi cũng qua với ngoại, tôi cứ ngồi thế thôi, ngoại cứ hối:
- Mày lo mà về đi cho sớm, con gái con nứa cứ đi đêm.
- Thế hoá ra ngoại đuổi con à?
- Cha bố cô, ừ, tôi đuổi đấy, không về sớm thì ở lại đây ngủ, chứ về khuya là tôi không cho.
- Bố con mất rồi ngoại cứ nhắc – tôi bâng quơ.
- ....
Ngoại im lặng, chẳng nói gì, trở người, quay lưng đi chỗ khác. Tôi hiểu, ngoại đang khóc ấy, ngoại không khóc bằng cặp mắt mù loà mà khóc bằng cái mím môi rất chặt, bằng những tiếng thở dài thườn thượt và tôi nghe đâu cũng có tiếng nấc.
Ngoại gầy quá, cái thân già tong teo của ngoại làm tôi thấy sợ. Tôi lần tay xoa xoa gan bàn chân bà, bà nhoài người, đập tay tôi một cái:
- Cái con này, buồn bà.
- Buồn mà cười hả ngoại ?– tôi trêu lại.
- Đáo để nó vừa thôi, cứ thế này thì thằng nào nó chịu làm chồng cô.
- Con không lấy chồng, ở vậy nuôi mẹ với nuôi ngoại.
- Thôi tôi không khiến, không có chồng người ta chửi cho vào mặt ấy.
- Ai chửi, mẹ con cũng không có chồng ai dám chửi đâu – tôi gân cổ lên cãi.
- Đó là bố cô mất, chứ mẹ cô không chồng hồi nào?
- Cũng giống vậy mà ngoại – tôi cười trừ.
Ngoại lại im lặng, tôi nghe thấy tiếng thở dài.
- Phương này, mấy đứa thương mẹ thì động viên mẹ đi bước nữa nghe con. Cứ như ngoại, ông chúng mày mất sớm, tao cũng khổ lắm điều.
Giờ thì tôi im lặng. Nói thật tôi chẳng muốn thế đâu, tôi ghét phải gọi người khác là bố. Nhớ ngày xưa, lúc còn học cấp ba ở Kontum, cứ một mực đòi ra Hà Nội học, vì ngoài này có chú Quốc Khánh, mà chú ấy thì giống bố tôi như lột. Tôi nghĩ chỉ cần gặp chú ấy thôi, tôi sẽ xin phép được gọi chú ấy làm cha một ngày.
Trong "một ngày" đó, tôi sẽ ôm thật chặt chú, sẽ lại nói chuyện về cái chết của Hitle, sẽ lại vùng vằng hét lên: "Bố không thương con hả?". Khi "bố" bắt tôi phải thi Y, vì bố tôi học Dược mà, và cái ước mơ "vớ vẩn" của bố là hai bố con sẽ mở phòng mạch....
Nhưng tôi thấy rồi, cũng có khóc đấy, khóc nhiều, bần thần đứng nhìn mãi, nhưng cũng thế thôi, đó không phải là bố tôi...xa lắm...tôi không tới được.
Lại nói đến chuyện của ngoại tôi, cách đây chừng mấy tháng, hồi nghỉ hè xong trước khi trở ra Hà Nội , tôi có về thăm ngoại mấy hôm. Nghe tin cậu lên Đồng Văn đón tôi về, ngoại cứ ra ra vào vào, ngóng ngóng đợi đợi. Vừa nghe thấy tiếng xe cậu, ngoại đã lò dò ra tít đầu ngõ. Thấy ngoại cậu quát lớn:
- Khổ, cháu nó đằng nào chả phải vào nhà mà bà ra đây làm gì?
- Kệ tôi. – bà đáp gọn lỏn với cậu vì bà còn mải túm lấy tay tôi, túm lấy tóc tôi rồi quát lên:
- Cha mày, cắt tóc à. Chúng mày chả nghe lời bà. Con gái mà tóc cứ ngắn cụt thế này à?
- Cháu cắt có mỗi năm phân – Khiếp, lần nào về tôi cũng bị bà túm tóc đo đo như thế
- Bình thường bốn gang, giờ còn hai gang mà năm phân à? – bà lại quát lên
- Tại tay bà dài ra thôi – tôi lém lỉnh trêu lại bà rồi bỏ chạy, sợ lắm mỗi lần thế là lại ăn vài cái cốc đầu.
Đêm đó là đêm hè cố, gọi thế là chẳng qua, thích nằm cạnh bà, tay day day cái lớp da nhão nhoẹt khô khô của bà nên ở lại cố một hôm, dù bỏ mất một ngày học.
- Mẹ mày bận lắm à? – Bà hỏi.
- Vâng, đi làm rồi đưa út đi học suốt – tôi đáp.
- Ừ, khổ thân, một mình mẹ mày lo cho hai đứa cũng vất vả - bà chặc lưỡi – số phụ nữ rõ khổ, lấy chồng gần không sao, lấy chồng xa biết bao giờ mới được về với bố mẹ.
- Ôi dào, cứ có tiền mua vé máy bay là bay đi được hết, chẳng qua mẹ con không có tiền thôi.
Bà lẳng lặng, mò mẫm mở cái nắp hòm lấy ra một cái bọc vải rồi dúi vào tay tôi.
- Tiền trợ cấp của bà đấy, cũng được tầm hai triệu, chắc chẳng đủ, dạo này ốm đau nên thuốc men cả - bà nói.
- Bà cho mẹ con vé máy bay thiệt á – tôi nhổm dậy.
- Không, bà cho mày tiền học, đầu năm, đủ khoản, mẹ mày lo sao được. Mẹ mày thỉnh thoảng cũng điện về cho bà rồi, thế cũng được, ra chi cho tốn kém, nay mai, cứ miễn tao chết ra cho tao thấy cái mặt là được, ba năm rồi còn gì. – giọng bà nhỏ dần. Còn tai tôi thì cứ ong gong.
- Ngoại cầm lấy mà ăn uống thuốc men, con đùa ngoại thôi, chứ con dạo này đi làm có tiền rồi, mẹ không phải cho con nữa – tôi nói.
- Mày không phải giấu ngoại, mày còn đi học ai cho làm? Tối qua mày vay tiền cậu tao nghe cả rồi.
- Con thương ngoại quá – tôi ôm ngoại khóc nức nở.
- Cha bố cô, không cần thương tôi, thương lấy cái thân mẹ cô là tôi vui rồi.
Đời là thế mà, bà ngoại thương mẹ, mẹ lại thương con, cứ thế, các bà mẹ cứ yêu con mình theo chiều đi mãi và chẳng mong chiều ngược lại.
Mẹ vừa gọi điện bảo tôi mẹ sắp ra Hà Nội thăm tôi coi như là quà sinh nhật. Tôi nũng nịu: "mẹ ra thăm bà thì có chứ thăm gì con." Mẹ lại mắng: "ngoại dành cả đời để lo cho mẹ, và nửa đời để đợi mẹ, còn mẹ ở bên con cả đời mà." Tôi chỉ đùa mẹ thế thôi chứ tôi hiểu, bà bảo chỉ cần tôi yêu mẹ là bà vui, còn niềm vui của tôi là mẹ về với ngoại...dẫu có là lần cuối.
Mẹ tôi ở xa ngoại quá, tôi cũng xa mẹ tôi quá. Tự dưng lúc này lại nhớ tới một bài báo có tựa "đời này ta còn gặp được bố mẹ bao nhiêu lần":
"Có người mỗi năm chỉ về thăm bố mẹ được một lần. Nếu bố mẹ còn sống được 20 năm nữa thì họ cũng chỉ được gặp 20 lần. Nhưng với nhiều người, bố mẹ có thể còn sống trên đời này khoảng 10 năm nữa thôi, vậy là chỉ còn 10 lần gặp mặt bố mẹ. Khoảng thời gian bố mẹ còn trên đời này của mỗi người có thể ngắn hơn nữa; chắc có người trong chúng ta không dám nghĩ tiếp".
Tới đó thôi, tự dưng cứ thấy khoé mắt cay cay. Quên đi cái chuyện bà tôi đang ốm, cứ tạm thời nghĩ lúc này tôi đang vui. Không phải vui vì cái điều "mẹ tôi ra thăm tôi" khiến tôi đã từng khóc bao lần khi nó xảy ra với người khác và biết chắc sẽ không bao giờ xảy ra với mình. Mà tôi vui vì đời này, tôi lại được gặp mẹ tôi thêm một lần và mẹ tôi được gặp ngoại tôi thêm một lần nữa.
Đời này, ta còn được gặp bố mẹ bao nhiêu lần?
Beoni