Truyện teen- Để Hôn Em Lần Nữa
Tác giả: Internet
Truyện teen- Để Hôn Em Lần Nữa
Đã sang tháng Tám, trời vẫn nóng nhưng nắng không còn chói chang nữa, những đốm nắng lọt qua lớp
lá có răng cưa của cây leo, vẽ trên mặt bàn những đốm nắng lung linh. Quỳnh mở túi lấy cuốn sách mới mua, từ tốn giở từng trang. Cô đọc không nhiều lắm, chủ yếu chỉ đọc tiểu thuyết tình cảm nhẹ nhàng. Bên cạnh thần tượng Marc Levy, cô còn thích truyện của mấy tác giả văn học mạng Trung Quốc như Cố Mạn hay Tình Không Lam Hề. (Hừ hừ, nó toàn hâm mộ ngoại bang thế này có phẫn uất không?!)
Với sách của Marc Levy, cô chọn mua đơn giản vì hâm mộ tác giả. Với những cuốn của tác giả Trung Quốc, cô lại chú ý hơn đến người dịch. Cuốn cô đang cầm là truyện của một tác giả mới toanh, nói chính xác hơn là lạ hoắc lạ huơ đối với độc giả không mấy am hiểu như cô. Quỳnh chỉ chọn vì tín nhiệm dịch giả. Hải Thuỷ dịch không nhiều nhưng cuốn nào cũng mềm mại và trôi chảy. Nghĩ đến đây, cô chợt thấy buồn cười. Cô không học tiếng Trung, vậy mà nhận xét về dịch giả cứ như thật!
Một cái bóng tiến lại, lấn vào trang sách và đứng yên tại đó. Vì thấy vẫn đủ sáng, Quỳnh không định ngẩng lên, nhưng một giọng nói quen quen đã thay đổi quyết định của cô. Điệp, thư ký toà soạn, người có khuôn miệng nhỏ xinh như búp bê Nhật, đang đứng bên bàn mỉm cười với cô. Nhiệt độ của nụ cười này có lẽ cũng phải đến 33 hoặc 34, nhưng là độ F. Chỉ vào chiếc ghế trống bên cạnh ghế cô, Điệp nhả chữ nhỏ nhẹ, hơi kiểu cách:
- Ghế này có ai ngồi chưa em?
- Dạ… chưa. Chị ngồi đi ạ. – Quỳnh định buông quyển sách, lại lúng túng không biết phải để tay xuống bàn hay cất vào túi, đành cầm nguyên trên tay – Chị đi xem phim ạ?
Điệp không trả lời cô, nhìn quyển sách một lúc rồi lại mỉm cười, nụ cười không ấm hơn là bao nhiêu:
- Hải Thuỷ dịch được đấy chứ?
- Vâng, em mới đọc hai cuốn, đây là cuốn thứ ba.
Người phục vụ đi tới chìa thực đơn. Điệp phẩy tay:
- Không cần, chị đi bây giờ.
Câu nói rõ ràng dành cho người phục vụ nhưng vì ánh mắt Điệp không rời khỏi mặt Quỳnh nên cô cảm thấy nó cũng nhằm vào mình. Cô tránh cái nhìn thẳng tắp của chị, cố tìm một câu để hỏi lại chị cho phải phép:
- Chị đến xem phim ạ?
- Ừ, phim hay, nhân văn mà lại có chất giễu nhại… – Điệp gật gù, chèn thêm một tràng thuật ngữ liên quan đến phê bình điện ảnh cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt rồi hạ kết luận – Bác Steve này đúng là quái!
- Vâng – Quỳnh trả lời với một chút gượng gạo khó tả, rất giống cảm giác chột dạ. Cô tưởng rằng Điệp vừa mới tới và chuẩn bị xem suất chiếu tiếp theo. Chị nói thế này nghĩa là chị đã đến đây từ lúc hai giờ và hẳn đã thấy cô đi vào phòng chiếu cùng Đăng? Thậm chí, nếu ngồi ở một vị trí thuận tiện, Điệp còn có thể quan sát tất cả những biểu hiện ngưỡng mộ đến mức gần như sùng kính mà cô dành cho anh? Bỗng chốc, lòng bàn tay Quỳnh bị tráng một lớp mồ hôi dính, lạnh.
Điệp vẫn thản nhiên quan sát cô. Một lát, thấy cô có vẻ như đã đủ hoang mang, chị mấp máy môi, đuôi mắt ẩn ẩn nét cười:
- Trước khi vào báo mình, Đăng làm cho HDA.
- Thế ạ! – Quỳnh trả lời, không giấu được nỗi ngạc nhiên. HDA là một tổ chức lớn chuyên tài trợ cho các dự án phòng chống thiên tai và xoá đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển. Trong một buổi giao lưu hướng nghiệp mà trường tổ chức cho sinh viên năm cuối, cô nghe ai đó nói văn phòng HDA tại Việt Nam trả lương cao bậc nhất trong số các NGO, và nhân viên của họ dĩ nhiên phải có năng lực tương xứng với mức lương. Nếu Đăng thực đã làm cho họ, vậy thì chức vụ trưởng nhóm ở báo Quan Sát có vẻ là sự thụt lùi trong sự nghiệp của anh… Nhưng Điệp nói với cô chuyện này để làm gì?
Như đoán được câu hỏi của cô, Điệp mỉm cười, nói tiếp:
- Chị phải thuyết phục mãi, Đăng mới chịu về Quan Sát.
- À, vâng – Quỳnh cũng chẳng thể nói gì thêm. Cô biết Điệp đã từng giữ vị trí trưởng nhóm tin quốc tế, tức là người tiền nhiệm của Đăng, nhưng cô không biết chính chị đã kéo anh về báo. Khoan đã! Cô vừa nghĩ ra điều gì đó… Ý của Điệp khi nói ra hai câu vừa rồi chẳng phải là muốn tuyên bố về quan hệ gắn bó giữa chị và Đăng ư? Anh từ bỏ công việc đáng mơ ước ở HDA về đây là vì chị?
Tiếng chuông điện thoại vang lên cắt đứt mạch câu hỏi âm thầm của Quỳnh. Cô chộp ngay lấy máy với thái độ y hệt người chết đuối vớ đượcphao.
- A lô, em đi chưa? – Giọng Đức lẫn giữa những âm thanh huyên náo của công viên.
- Em sắp đi đây ạ.
- Nói to lên tí coi, bên này ồn quá, anh nghe không rõ.
- Em nói em sắp đi đây ạ! – Quỳnh thoáng mỉm cười, nói to hơn.
- Tạt qua hiệu thuốc mua cho anh lọ nhỏ mắt nhé.
- Mắt anh bị sao?
- Chắc bị cái gì bay vào mắt thôi, chả hiểu sao xót vật!
- Anh đừng dụi mắt, mười phút nữa em đem thuốc qua. Anh ở chỗ nào thế?
Đức ậm ừ một lát rồi tả cho cô góc công viên mà anh đang ngồi. Quỳnh nhanh chóng cúp máy đứng dậy vào bên trong tính tiền, không để ý đến ánh mắt gần như hằn học của người ngồi cùng bàn. Giờ đây, ngay cả nụ cười 34 độ F cũng không thể nở trên mặt cứng đờ của chị. Đợi cô nhận xong tiền trả lại và ra đến chỗ gửi xe, Điệp mới đứng lên đuổi theo, ném cho cô câu hỏi mà độ sát thương của nó không thua một nhát dao găm:
- Quỳnh còn nhớ Phương không?
______
1. Phần này là quà sinh nhật (muộn) dành tặng một dịch giả tiếng Trung thường xuyên ngó nghiêng web của mình. Có cần nêu đích danh không bé gì ơi?
2. Mình vừa đếm, phần này được những 1600 từ. Các bạn từ từ nhấm nháp nhé. Phần 40 mình đã viết lưng lưng nhưng chưa ưng nên sẽ câu giờ khá lâu.
3. Còn bạn nào nhớ Phương là ai không?
_______
- Chú nói thật ạ?
Đăng suýt nữa thì nhổm khỏi ghế, sửng sốt nhìn phó tổng biên tập. Cuộc họp giao ban cuối ngày vừa kết thúc, ông bảo anh nán lại để bàn về tình hình nhân sự của nhóm tin quốc tế. Và rồi ông thông báo cho anh một chuyện khó tin đến mức buồn cười. Nhân viên thử việc của phòng anh từ chối ký hợp đồng chính thức.
- Tôi tưởng cậu phải nắm được trước tiên chứ?
- Cháu nghĩ không có vấn đề gì nên cũng không trao đổi trước.
- Con bé này kể cũng lạ nhỉ! – Ông phó tổng biên tập gãi cằm – Nếu không định ký hợp đồng chính thức sao tháng vừa rồi còn làm như trâu?
Đăng không trả lời, cúi xuống lật giở xấp tài liệu trong tay. Chính anh cũng đang tự hỏi mình câu tương tự. Một lát, anh ngẩng lên, đón ánh mắt ái ngại pha lẫn nghi hoặc của người đối diện. Ông đang nhìn anh như thể anh là người thiếu trách nhiệm, chẳng quan tâm gì đến cấp dưới. Trời ạ, anh có quan tâm, đặc biệt quan tâm!
- Cô ấy có nói rõ lý do không chú? – Anh hỏi nhanh, mặc kệ bản thân đang tỏ ra nóng nảy, sốt sắng hay lố bịch đến mức nào.
- Chỉ thấy bảo là việc riêng thôi. Hay nó định học lên nữa?
Đăng nhíu mày một giây rồi lắc đầu, không chắc chắn lắm. Trong lần gần đây nhất chat với anh, Quỳnh bảo rằng cô không có ý định học lên. Nhưng cuộc trò chuyện đó là từ thứ Bảy tuần trước. Suốt tuần nay, anh không có cơ hội gặp riêng cô, dù là online hay offline. Một hội thảo quốc tế do báo Quan Sát đồng tổ chức, vài cuộc hẹn bàn công việc với biên tập viên nhà xuất bản và mấy buổi đi dịch đột xuất cho đạo diễn Steve Huntington đã vét sạch quỹ thời gian của anh. Những lúc hiếm hoi anh có thể vào Yahoo Messenger thì lại không thấy nick cô sáng. Ở văn phòng, hai người vẫn gặp nhau nhưng chẳng kịp
nói gì ngoài mấy câu chào hỏi và vài lời trao đổi về bài dịch.
Một thành viên có năng lực của nhóm tin quốc tế xin nghỉ không lương dài hạn để đưa người thân sang Singapore chữa bệnh, lượng công việc dồn cho những người còn lại nhiều hơn và đòi hỏi phải có một bảng phân công mới. Đây cũng là lý do Đăng quyết định đề nghị phòng nhân sự ký hợp đồng chính thức với Quỳnh khi cô chỉ vừa xong tháng thử việc đầu tiên. Phần vì bận rộn, phần vì muốn cho cô một niềm vui bất ngờ, anh không nói gì với cô. Bây giờ thì người bất ngờ lại là anh, và bất ngờ này chẳng vui vẻ chút nào.
Rời khỏi phòng họp, Đăng bước dọc hành lang trong cảm giác thấp thỏm kỳ lạ, vừa mong Quỳnh vẫn còn ở lại để hỏi cho rõ ràng, vừa mong cô đã ra về để anh có thêm thời gian sắp xếp những ý nghĩ không được mạch lạc của mình. Mãi cho đến hôm nay, sau khi nghe tin cô từ chối ký hợp đồng, anh mới lờ mờ nhận ra suốt tuần qua cô dường như luôn tránh mặt anh. Tại sao lại như vậy? Mãi suy nghĩ, Đăng suýt nữa thì bỏ qua người đang đi về phía lối thang bộ, chính là người đang chạy marathon trong tâm trí anh.
- Quỳnh! – Tiếng gọi của anh vang khắp hành lang.
Quỳnh không dừng lại, dù chỉ một giây. Cô vội vã đi vào lối thang bộ, nép sát tường, lắng nghe động tĩnh ở bên kia cánh cửa. Không có tiếng chân đuổi theo. Cô chặn tay lên ngực, hít một hơi thật sâu. Vừa rồi, cô bước nhanh và thở gấp hệt như những nhân vật bị sát thủ truy đuổi trong phim hành động.
Tiếng chuông báo tin nhắn vang lên cắt đứt mạch tưởng tượng của cô. Từ quán chè chén bên hông toà nhà, Đức gửi cho cô một icon biểu thị sự sốt ruột vì chờ đợi. Chiều nay, cô hẹn Đức đi ăn hoa quả dầm để đền bù àn “leo cây ngoạn mục” hôm Chủ nhật. Vì cô muốn nán lại sửa mấy tin giờ chót, Đức xuống lấy xe trước. Quỳnh soạn mấy chữ “em đang xuống” trả lời anh, tự nhiên thấy vui vui.
Nhưng chỉ vừa xuống đến gần chiếu nghỉ tầng hai, cô đã hiểu thế nào là niềm vui “ngắn chẳng tày gang”. Đăng đứng tựa tường, tay khoanh trước ngực, đôi mắt mà ai cũng nghĩ là lãnh đạm đang ráo riết nhìn như muốn tạo ra một luồng năng lượng vô hình đẩy cô bắn ngược lên tầng sáu, thậm chí lên tầng cao nhất. Anh liếc nhìn màn hình điện thoại:
- Nếu đi thang máy, em sẽ tiết kiệm được khoảng một phút bốn mươi giây.
Quỳnh bám chặt tay vịn cầu thang, dở khóc dở cười trước câu nói nửa châm chọc nửa trêu ghẹo của Đăng. Cô đúng là ngu ngốc khi tin rằng anh không đuổi theo mình, và còn ngu ngốc hơn khi ung dung “trốn” anh bằng cách leo thang bộ. Trong lúc cô băn khoăn không biết mình nên bước xuống chỗ Đăng bằng tốc độ của rùa hay của sên, anh đã bắt đầu chứng minh rằng anh, lao ra khỏi thang máy rồi lại chạy như điên vào lối thang bộ, có mặt ở đây không phải để nói chuyện thời tiết hay thời trang.
- Tại sao em tránh mặt tôi? – Anh nhấc người khỏi vách tường, câu hỏi xen lẫn vài hơi hổn hển.
- Em có tránh gì đâu ạ!
- Tại sao không ký hợp đồng?
- Em có việc riêng ạ. – Cô nói nhanh rồi hấp tấp đi xuống để tránh khỏi sức nóng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của anh.
- Việc gì? – Anh cũng đi theo cô, không vội vã, đằng nào thì cô cũng đang ở rất gần.
- Tạm thời em chưanói được.
- Chưa nói được hay không nói được?
Chỉ có sự im lặng trả lời cho câu hỏi vặn của Đăng. Không khí ở khu vực chiếu nghỉ đột nhiên trở nên ngột ngạt. Quỳnh miết những ngón tay nhớp mồ hôi vào tay vịn inox, cố bước nhanh hơn. Cô cần rời khỏi chỗ này để hít thở, trước khi người đặt câu hỏi dùng những vấn đề hóc búa hút hết oxy quanh cô.
Nhưng người đặt câu hỏi càng lúc càng không thể hiểu nổi cách phản ứng đầy bất an, gần như hoảng hốt của Quỳnh. Anh sải những bước dài xuống, kịp thời ngăn giữa cô và cánh cửa dẫn ra sảnh. Cô lùi lại. Trong tích tắc, tất cả những cách trả lời vòng vo tế nhị hay trắng trợn thẳng thắn mà cô đã chuẩn bị trước đều bốc hơi bằng hết. Cô chỉ có thể ngó thẳng về phía trước với vẻ vừa ngơ ngác vừa phiền muộn. Đăng dịch sang bên một chút để chừa cho cô thêm chút không gian cùng cảm giác yên ổn. Anh thở dài:
- Tôi làm gì mà em sợ tôi thế này?
- Em…
- Đừng nói là không sợ. – Anh đưa mắt nhìn xuống – Chân em đều run cầm cập kìa.
- Đấy là do em vừa xuống cầu thang. – “Với hai đầu gối có đinh vít”, Quỳnh bỏ qua về sau của câu, cố trả lời nghe thật đơn giản.
Đăng nhìn cô, nét mặt ghi rõ câu “Tôi chẳng tin”. Anh phẩy tay, quay lại vấn đề chính:
- Nói tôi nghe, sao lại từ chối ký hợp đồng? Trong phòng có ai phá em?
Quỳnh lắc đầu, chẳng biết phải nói gì. Ngoài lần tắt máy khó hiểu trong ngày đầu tiên đi làm, những tuần sau đó, cô thỉnh thoảng cũng gặp vấn đề với máy tính, dây mạng “tự nhiên” tuột, chuột “tự nhiên” bẩn hay bàn phím “tự nhiên” kẹt. Nhưng những sự cố này thực sự rất vặt vãnh, cô cũng chỉ tự khắc phục hoặc âm thầm nhờ Đức giúp chứ không cố truy xem ai ra tay. Dù sao thì cô mới vào làm, chịu thiệt một chút còn hơn là động đến “ma cũ” rồi bị chụp cho cái mũ “chuyện bé xé ra to”.
- Em đổi số điện thoại.
- À, vâng, sim kia hết tiền nên em bỏ luôn.
- Mấy hôm nay cũng không vào Yahoo Messenger?
- Em sợ log in rồi mất tập trung. Chị Hạnh vừa nghỉ, cộng tác viên lại gửi nhiều bài…
- Tối về nhà cũng không online?
- Máy nhà em có vấn đề, Yahoo bị lỗi.
- Tức là em cũng chưa đọc offline?
- Offline nào ạ?
Đến đoạn này thì nét mặt của Đăng biểu thị rõ câu “Em giỏi lắm!”, nhưng anh không nói ra lời mà tiếp tục hỏi:
- Thế còn mấy thứ em để ở bàn tôi thì sao? – Sáng thứ Hai, anh đi họp giao ban đầu tuần về thì thấy có một chiếc phong bì để bên trong một quyển tạp chí Y học. Cô trả lại anh một triệu đồng, kèm thêm một tấm thiệp in sẵn có chữ “Thank you”.
- Em thấy anh bận nên gửi thế cho tiện.
- Lỡ nó không đến tay tôi thì sao?
- Dạ? – Cô chợt giật mình, quên mất là mình phải lảng tránh ánh mắt anh.
- Nếu tôi bảo tôi chỉ nhận được tạp chí và cái phong bì rỗng không thì em tính sao?
- Em… – Quỳnh nghẹn ngang, có cảm giác bị anh đùa nhử chạy vòng quanh.
Đăng mím môi nén cười. Anh không biết là cô ngây thơ hay lơ đãng nữa? Có lẽ cả hai. Cố giữ nét mặt thật nghiêm nghị, Đăng hỏi một câu mang tính tổng kết:
- Đổi số điện thoại, không online Yahoo, vừa rồi gọi không thưa… em làm bấy nhiêu việc, không phải vì sợ tôi?
Quỳnh lắc đầu. Quả thật, cô không sợ anh. Cô chỉ sợ những cảm xúc khó tả, những ấn tượng khó quên, những nỗi lo sợ khó áp chế… mỗi khi cô đối diện với anh. Vẻ mặt có một chút gì đó hơi giống sự thương tâm của cô khiến Đăng không nỡ “tra khảo” thêm. Anh chìa tay:
- Đưa điện thoại cho tôi.
- Dạ?
- Cho tôi mượn điện thoại.
- À… vâng.
Cô mở túi lấy điện thoại nhưng không đưa cho anh, mắt vẫn nhìn đăm đăm vào một điểm cố định nào đó phía trên cánh cửa, chắc là chữ Exit. Đăng vươn tay tóm chiếc điện thoại trong tay cô, bấm số của chính mình. Trên màn hình hiện ra chữ “I’m Dang”. Tiếng chuông kiểu điện thoại bàn đời cũ từ máy anh ré lên, Quỳnh vẫn lơ mơ như người đi trong sương mù.
- Không ai nói với em là kiểu ngơ ngác như trẻ đi lạc này rất nguy hiểm à? – Đăng nhích thêm một bước về phía trước, hai người gần đến nỗi anh có thể ngửi thấy mùi nước xả
vải trên chiếc áo sơ mi mềm rũ của cô.
Khoảng cách gần quá mức bình thường làm Quỳnh không thể không “hồi tỉnh”. Cô lùi về phía sau, lưng va nhẹ vào tay vịn lạnh như băng của cầu thang, hơi lắp bắp:
- Anh vừa… vừa bảo gì cơ ạ?
Đăng định nhắc lại câu nói của mình theo một cách khác dễ hiểu hơn thì cánh cửa phía sau lưng anh đột ngột mở. Đức, hiên ngang như nhữnh cảnh sát đặc nhiệm trong phim hành động Mỹ, đứng xoạc chân chiếm gần hết bề ngang khung cửa, cầm điện thoại di động bằng cả hai tay và hô:
- Giơ tay lên!
Nếu vào thời điểm khác, hẳn màn trình diễn kiêm pha trò này của Đức sẽ được hưởng ứng nhiệt tình hơn, ít nhất Quỳnh sẽ cười khẽ và thực sự giơ tay còn Đăng sẽ trợn mắt, nói móc hoặc vờ nạt lại đôi câu. Nhưng hôm nay, chẳng ai trong số hai kẻ tình nghi bất đắc dĩ kia lên tiếng đáp lại anh, dù là bằng tiếng cười hay tiếng càu nhàu. Đăng nhìn lướt qua mặt Đức bằng cặp mắt của người qua đường bàng quan liếc một người xa lạ đang đi chợt thử trồng cây chuối. Chưa đầy nửa giây sau, anh quay lại, chìa chiếc điện thoại màu hồng có dây đeo lấp lánh cho chủ nhân của nó.
Quỳnh hơi tránh sang một bên rồi mới nhận chiếc điện thoại. Cô cúi đầu vờ sắp xếp lại đồ trong túi để giấu hai gò má thoáng đỏ. Đức cũng đã nhận ra không khí gượng gạo khác thường giữa hai người. Vẫn cầm nguyên điện thoại, anh chàng bắt đầu đổi sang giọng đọc nghiêm trọng của những phóng sự điều tra trong chương trình thời sự 19h:
- Chúng tôi đang có mặt tại khu vực thang thoát hiểm của toà nhà Sufis cùng với hai đương sự trong vụ án quấy rối nơi công sở. Hiện chưa rõ ai là nạn nhân, ai là thủ phạm.
Lần này, khả năng pha trò của Đức được đánh giá cao hơn hẳn. Một trong hai “đương sự” cau có giơ tay định gạt “thiết bị ghi hình” xuống. Đức xoay người né, cười ha ha:
- Yên tâm, em không cho lên server báo mình đâu.
- Chỉ cho lên Youtube thôi chứ gì? – Đăng rụt vai hất tay Đức ra, trừng mắt.
Đến đoạn này thì “đương sự” còn lại không thể không có phản ứng. Dù biết đây chỉ là đùa và mọi chuyện vẫn đang trong tầm kiểm soát, cô vẫn kéo Đức lùi lại, kín đáo bày ra mấy động tác canngăn. Tâm tình của ai đó đang rất âm u tù mù, có lẽ cứ tránh đi là hơn.
*
- Trăm phần trăm là lão Đăng thích em.
Nghe xong lời tường thuật không mấy đầy đủ của Quỳnh, Đức bưng cốc hoa quả đẫy sữa đặc và cốt dừa, vừa sục thìa vào dầm vừa hạ một kết luận xanh rờn. Quỳnh thở dài, không có gì để phản bác. Nếu vừa rồi Đức không sốt ruột trở vào tìm cô, chẳng biết diễn biến tiếp theo của cuộc nói chuyện riêng kia sẽ là gì nữa!
- Ý em thế nào? – Đức nhìn cô không chớp trong lúc vẫn tăng đều đều tốc độ tiêu thụ hoa quả dầm.
Quỳnh lắc đầu, tập trung hoàn toàn vào những vụn đá bào trong bát.
- Hơ hơ, lắc nghĩa là sao? Là chê lão kia không đẹp trai bằng anh hay là không chịu nói cho anh?
- Là em ăn phải miếng mãng cầu đông đá, đang buốt răng! – Quỳnh cười cười, tìm cách lảng đi, cô không muốn biến bữa ăn vặt thành một buổi tâm sự lâm li giữa hai người bạn khác giới chỉ mới quen biết hơn một tháng.
- Kể ra anh thấy ông Đăng này ổn phết. Tuy xấu hơn anh một tí, hâm hơn anh một tí, nhưng tính tình được, không chơi bời lăng nhăng….
- Lăng nhăng như anh hả?
- Không chớp thời cơ chửi xéo thế nhá! – Đức đá đá vào chân ghế của Quỳnh – Trong cơ quan mình hơi bị nhiều gái thích lão kia đấy.
- Vâng.
- Em cũng biết, đúng không? Madame Butterfly ấy.
- Madame Butterfly? – Quỳnh hơi ngẩn người nhưng ngay lập tức luận ra – Là chị Điệp đúng không ạ?
- Còn ai trồng khoai đất này! Nghe Tây nó đồn là hồi đi học, bà này bóc tem ông Đăng á… Nhưng mà em yên tâm, phi công giải nghệ rồi, không ham lái máy bay nữa đâu.
Quỳnh chậm chạp nhai nuốt món hoa quả dầm ngọt buốt và nghiền ngẫm cách dùng từ có phần… lá cải của Đức. Một lát, dường như đã xử lý xong cả hai thứ, cô ngẩng lên, hỏi một câu chẳng đâu vào đâu:
- Trong các bảo bối của Doraemon, anh thích cái gì nhất?
- Anh thích cái túi của nó nhất, chỉ cần có túi là có đủ các bảo bối, ha ha. – Đức không mất nhiều thời gian để gọi nụ cười ra, nhưng thái độ là lạ của Quỳnh khiến anh đột nhiên cảnh giác, anh lại đá đá vào chân ghế – Nhưng sao tự nhiên em hỏi câu này?
- Nhiều lúc em ước có máy thời gian.
- Để biết kết quả xổ số ngày mai rồi đánh đề à?
- Không, em muốn quay về quá khứ, sửa chữa sai lầm.
- Anh mà làm thế, chắc anh kiệt sức chết trước khi sửa xong, vì nhiều việc quá.
- Em thì chỉ có một việc thôi.
- Việc gì? – Đức buột miệng, nhưng ngay lập tức giơ tay lên gõ đầu – Xin lỗi, anh hỏi hơi ngu.
- Không sao ạ – Quỳnh lẩm bẩm, cô nhìn bát đá bào đang dần tan thành nước, lại buột miệng hỏi thêm một câu chẳng đâu vào đâu – Anh thấy em có đáng ghét không?
- Không.
- Cảm ơn.
- Anh nói thật đấy. Em tự tin lên. Em cũng thích lão Đăng, đúng không?
Quỳnh mỉm cười yếu ớt, không gật, không lắc. Đức vẫn tiếp tục vai trò điều tra xét hỏi:
- Nếu không phải thích lão kia, chẳng lẽ em thích anh?
- Oh my God! – Cô ôm đầu.
- Được rồi, không đùa nữa. Tóm lại, em là lesbian?
Đến đây thì Quỳnh đành phải đứng bật dậy gọi tính tiền. Dù sao thì Đức cũng chỉ giỏi pha trò giải khuây, và hàng hoa quả dầm không phải địa điểm lý tưởng để bất cứ ai bày trò hỏi đáp kiểu Thanh Tâm Tầm Thư. Không rõ có phải vì đứng dậy đột ngột hay không, một bên đầu gối của cô chợt đau nhói lên. Cô cố bước đi nhưng không thể, đành vịn tay vào tường, đứng lặng.
- Sao thế Quỳnh? – Đức đã ra đến vỉa hè, không thấy cô theo kịp nên quay lại hỏi.
- Em không sao.
- Không sao gì mà lại đứng như có sao. Hoa mắt, đúng không? Hay chóng mặt?
- Không ạ, chắc em ngồi lâu nên tê chân.
- Tê chân á? Ngồi ghế chứ có ngồi xổm đâu mà bị nhỉ?
- Chân em nó mong manh – Quỳnh cố nặn ra một câu nói đùa, cô xua tay – Anh cứ về trước đi, em đứng đây một lát rồi về sau.
- Làm người ai làm thế!
Không nói gì thêm, Đức đỡ lấy tay Quỳnh, nửa dìu nửa dắt cô ra chỗ để xe cách đó một quãng. Quỳnh đi tập tễnh, bỗng nhiên nhớ đến thái độ khó hiểu của Đăng khi thuật lại những lời đồn đoán về chuyện Đức coi cô là đối tượng mới nhất. Lúc đó cô hơi bối rối nên không để ý, hình như Đăng tức giận…
- Này, hay em để anh cõng cho nhanh? – Thấy Quỳnh khựng lại ngẩn người, Đức vội vã đề nghị rồi cúi khom xuống, chìa lưng về phía cô, nhiệt tình mời chào – Lên đi!
Quỳnh bừng tỉnh, lắc đầu, cái lắc đầu quá nhẹ để có thể trục xuất một người ra khỏi tâm trí và quá mạnh đối với lời đề nghị xuất phát từ sự lo lắng vô tư của một người khác.
- Đừng ngượng, anh hứa không bình luận gì về cân nặng của em đâu. – Không nghe được tiếng trả lời, Đức ngoái đầu lại phía sau, cười cười, vẫy tay – Lên đi!
- Còn có một đoạn, em chỉ cần vịn thôi ạ.
Đức thấy Quỳnh không cười, lại nói bằng giọng quá nghiêm túc và thành khẩn, nên cũng không nài thêm, chỉ đứng thẳng dậy đi kèm bên cô. Hai người chậm chạp diễu qua hàng chục cặp mắt nhàn rỗi tò mò của những khách ăn hoa quả dầm đang ngồi tràn hai bên vỉa hè. Quỳnh hơi cúi đầu, nén tiếng thở dài. Giữa Đức và cô chẳng có phản ứng hoá học,
tia lửa điện hay cái gì đại loại thế. Cái cách anh nâng khuỷu tay cô lúc này cũng thận trọng và thoải mái như bất cứ người qua đường tốt bụng nào giúp đỡ một đứa bé vấp chân hay một bà cụ già yếu. Ở cạnh Đức, nói chuyện với anh, chạm vào người anh, cô chỉ thấy một cảm giác dễ chịu thư thái, không có lấy nửa giây mất tự nhiên chứ đừng nói là rung động, xao xuyến. Nhưng nhìn tình cảnh hiện giờ, ai sẽ tin được điều này?
Dĩ nhiên, trên đời hẳn vẫn còn ai đó tin rằng một cô gái, dù đi sát, vịn tay và gần như ngả vào ngực một chàng trai, nhưng lại không phát sinh chút hiện tượng tâm lý thú vị nào với anh ta. Chỉ có điều, người đó chắc chắn không phải tên là Lê Hải Đăng. Người (bị Trần Thu Trang dụ dỗ ép buộc) mang cái tên sáng trưng ấy đang đứng ở một ngõ cụt tối om gần bãi để xe tự phát đầu phố. Anh tựa lưng vào bức tường chi chít vết sơn quảng cáo khoan cắt bê tông, nhìn hút theo bóng hai chiếc xe vừa rời đi và thấy mình đúng là điên!
Hình như cơn điên bắt đầu từ cuối giờ chiều nay, khi anh bị một thằng nhãi vô duyên xông vào cắt ngang cuộc nói chuyện nghiêm túc liên quan đến tươnglai của một số người, trong đó có anh. Vài phút sau, anh còn chưa kịp dùng nắm đấm dạy cho kẻ phá đám đáng ghét một bài học về sự tế nhị và phép lịch sự, người đáng ra phải tiếp tục cuộc nói chuyện nghiêm túc với anh đã vội vàng kéo tên kia đi mất. Mang tâm trạng của một tay thám tử mẫn cán nhưng không mấy sáng suốt, anh bám theo họ đến tận đây, nhìn dáo dác khắp dãy phố với cả chục hàng hoa quả dầm mà hàng nào cũng đông nghịt rồi chẳng biết làm gì hơn là đứng trầm mặc trong ngõ tối, giữa vòng vây của lũ muỗi đói, chờ đợi họ trở ra. Và đến lúc họ trở ra, thân mật hơn nhiều so với trong tưởng tượng của anh, anh chợt cười thành tiếng, tự thấy tất cả những hành động của mình từ nãy đến giờ sao mà… vô nghĩa.
Sáu năm trước, anh đã một lần tự đẩy mình vào tình cảnh bất đắc dĩ kiểu này. Thậm chí, nếu xét theo tiêu chuẩn nóng bỏng giật gân câu lượt đọc của các thể loại báo điện tử hiện tại thì những gì anh vừa chứng kiến chỉ là tin tức hạng bét so với những gì anh bắt gặp trước kia. Đăng ngửa đầu nhìn ánh đèn tuýp trắng nhờ toả ra từ ô cửa sổ của ngôi nhà cuối ngõ, chầm chậm rút lại nụ cười. Không hiểu sao, so với khi đó, giờ phút này, anh lại thấy khó chịu, bực mình, hoặc nói hơi ngoa là phẫn nộ hơn.
Có lẽ vì cách đây sáu năm, trước khi sự kiện xứng đáng lên trang nhất báo mạng đó xảy ra, tình cảm của anh và người ấy đã rạn nứt đến mức không thể cứu vãn. Có lẽ vì cách đây sáu năm, anh quá tự ti còn kẻ thứ ba lại ở quá cao. Có lẽ vì khi đó, không ai thường xuyên nhìn anh bằng ánh mắt vừa ngưỡng mộ, say mê vừa e dè, tiếc nuối. Có lẽ vì khi đó, không ai mặc chiếc áo sơ mi cổ thuyền bằng vải voan mềm dịu đi lướt qua người anh, để rớt lại một mùi hương nhàn nhạt khó gọi tên…
Phẩy tay đuổi mấy con muỗi táo tợn bay xông vào tận mặt, đồng thời cũng gạt những dòng hồi tưởng hỗn độn vào một góc tâm trí, Đăng nhấc lưng khỏi bức tường, uể oải đi ra khỏi ngõ. Đã đến giờ cơm tối nhưng anh chẳng muốn về nhà.
Cuối tuần, tuyến phố chính của khu phố cổ biến thành chợ đêm dành cho người đi bộ, xe cộ dồn hết vào các đường ngõ nhánh quanh đó, gây ra những điểm ùn tắc nho nhỏ. Phải vòng vèo mất một lúc, Đăng mới tìm được quán bar trong trí nhớ. Đã hai năm nay, anh không quay lại chỗ này. Hồi còn làm ở văn phòng cũ, mấy đồng sự độc thân thỉnh thoảng lại kéo nhau đến đây xả hơi cuối tuần. Những khi không phải đi công tác ở tỉnh, anh cũng thường tham gia, uống bia, nghe nhạc, xem bóng đá Anh hoặc xem người khác nhảy, thưởng thức cuộc sống về đêm sôi động của một thủ đô phồn hoa trước khi quay về với những dự án phục vụ mục tiêu thiên niên kỷ ở các vùng trung du, miền núi nghèo xơ xác.
Đẩy hai lớp cửa kính bước vào, Đăng chậm rãi đi qua quầy bar chỉ lác đác đôi ba khách để tới ngồi bên một băng gỗ dài và hẹp được bắt thẳng vào bức tường sơn xanh sẫm như chiếc kệ vừa đủ để những người khách không có nhu cầu ngồi bàn riêng có thể đặt đồ uống và tì tay. Góc này ở gần cuối căn phòng, sát chỗ dành cho DJ, chỉ cần xoay người là sẽ thấy khoảng trống được chừa làm sàn nhảy. Chưa đến bảy rưỡi tối, trong quán, tiếng nhạc vẫn nhỏ hơn tiếng nhân viên nói chuyện, mấy bóng đèn halogen lắp trên cao hắt những quầng ánh sáng vàng vọt yếu ớt xuống những bức vẽ mô phỏng phong cách tranh cổ động thời chiến và những chiếc ghế đẩu sơn đen cao lênh khênh. Điều hoà hình như mới bật cách đây ít phút, hơi nóng vẫn len lỏi giữa không gian tối om khen khét mùi thuốc lá tích tụ