Insane
Rất xa, rất gần

Rất xa, rất gần

Tác giả: Sưu Tầm

Rất xa, rất gần

Tôi không còn nhớ mình đã bắt đầu biết yêu từ khi nào. Nhưng trong trí óc của tôi vẫn còn lưu lại một thứ tình yêu đầu, thứ tình yêu nảy nở trong khoảng cách. Tôi yêu bằng những lá thư viết vội, bằng những tin nhắn, những nụ đằng xa. Tuổi mới yêu bỡ ngỡ, tôi ngại ngùng và tha thiết. Từ xa xôi, những cháy bỏng vẫn thắp lên, vừa mơ hồ lại vừa rõ ràng.


Trong bỡ ngỡ, tôi chẳng định nghĩa được tình yêu. Thế nên tôi cũng không thể nhớ được mối tình đầu của mình, tôi không thể nhớ mình đã từng có bao nhiêu tình yêu đầu, bao nhiêu lần tôi yêu bằng thứ tình yêu trong xa cách. Nếu mỗi bỡ ngỡ là một lần quay lại với những xúc cảm của tình đầu, tôi mong tim mình sẽ vẹn nguyên sau những đau thương để mà bỡ ngỡ mãi. Để mỗi mối tình trong tôi lại là một mối tình đầu.


Nhưng dẫu thế, tôi vẫn có một mối tình đầu thứ nhất trong tâm trí. Mối tình đầu mà ở đó, những dở lỡ trọn vẹn nhất trong tôi.


***


  Rất xa, rất gần


Mọi chuyện bắt đầu từ lá thư, đúng hơn là một mẩu giấy nhỏ tôi để trong hộc bàn đứa con gái mà tôi để ý. Cho tới giờ, tôi không thế nhớ nổi hồi đó mình đã nghĩ gì khi viết lá thư ấy. Một cậu nhóc lớp 9 thuở ấy thì có thể nghĩ những gì mà lại viết ra trêm mẩu giấy những dòng tình tứ như thế này: "ta ngắm một vì sao vì hai lẽ, một là vì nó sáng, hai là vì ta chẳng hiểu gì về nó. Anh thích em vì anh thấy em xinh, anh thích em vì anh chẳng hiểu gì về em cả, và anh tin em là người con gái tuyệt vời nhất."


Giờ tôi hai mươi tuổi rồi. Tôi đi nhiều hơn qua những cung bậc và xúc cảm của yêu đương nhưng mỗi lần nghĩ lại chuyện cũ, tôi đều không lý giải được mình và lại bật cười. Tôi thích nói từ việc trích dẫn lời người khác, hóa ra từ thuở mới yêu, tôi đã biết dùng danh ngôn mà tán gái.


Có thể bạn sẽ thấy dòng thư đầu tiên của tôi buồn cười giống như cảm xúc của tôi khi đôi lần nhớ lại thuở ban đầu. Nhưng tôi tin, thuở ấy tôi nói thật. Bởi vì một lý do duy nhất thôi: đứa con gái ấy là Thùy. Trong kí ức của tôi về Thùy, mọi thứ đều chân thật và vẹn nguyên.


Ngày đó, tôi hơi rụt rè. Thời chúng tôi, tất cả những chuyện con trai với con gái, lớp chín mà biết nhìn nhau bằng ánh mắt khác đều là những câu chuyện rụt rè, hơn nữa đó lại la chuyện của một thằng nhút nhát như tôi. Thế nên, tôi quen Thùy theo một cách cũng thật lạ: tôi quen Thùy qua câu chuyện một người bạn kể trong lúc bông đùa. Phải rồi, ngày ấy tôi gọi những gặp gỡ như thế là "quen". Tôi thấy quen nhau nghĩa là biết lòng nhau chứ đâu phải quen nhau có nghĩa là chạm mặt. Ta chạm mặt mà lòng hồ nghi thì ta vẫn cứ là người lạ. Có những kẻ sống với nhau mãi vẫn cứ là người lạ trong nhau đó thôi.


Thế là, theo một cách rất lạ của một người lạ đứng từ xa, tôi đã quen Thùy.


Đó là một ngày nhạt nắng. Từng gợn nắng mơ hồ vắt vẻo trên cột cờ giờ ra chơi. Ánh nắng nhạt như cố chứng tỏ mình nghịch ngợm. Và lũ bạn tôi cũng không chịu kém cạnh, chúng vắt vẻo trên những chiếc ghế đỏ hay dùng để ngồi vào giờ chào cờ. Chúng ngồi la liệt trước cửa lớp như những cô bán hàng nơi vỉa hè. Chỉ khác là chúng không bán mặt hàng gì, chúng trao đổi những lời của gió, có nghĩa là chúng chém gió.


Những lời của gió, có thể là bàn về những nhân vật trong game, những trận đánh, những món đồ từ game. Hoặc là bàn về đánh nhau, về con gái. Tính tôi không thích tụ tập, nhưng thi thoảng tôi vẫn nhập vào cái nhóm "ngôi cửa lớp" kia. Tuổi mười ba, mười sáu buồn cười lắm, con gái thì thích đứng cửa sổ còn con trai thì thích ngồi cửa lớp. Mà đã tụ tập cưa lớp thì chỉ quanh quanh những thứ chuyện như thế thôi. Hồi ấy, tôi chưa ý thức được cái ngu ngơ của đám đông. Tôi vẫn tưởng cái gì nhiều người nói là đúng thì nó là đúng. Như là nhận xét của bọn con trai lớp tôi về cái Thùy chẳng hạn.


Hôm đó, Thùy đi qua cửa lớp tôi, lũ con trai ngồi cửa lớp vừa thấy Thùy thì réo ầm lên. Chúng réo lên, thế cũng có nghĩa, Thùy là một đứa con gái xinh. Còn nếu đi qua cửa lớp là một đứa con gái bình thường, chúng sẽ vẫn ngồi như thế, giữ cái điệu bộ vắt vẻo nhạt nhẽo mà chém gió tiếp. Bởi vì ngôi trường này những hơn năm trăm học sinh. Giờ ra chơi, không biết bao nhiêu đứa con gái đi qua cửa lớp tôi, mà bọn con trai ngồi cửa thì kiếm đâu ra hơi sức để réo nhiều như thế. Cũng có khi chúng hô ầm ĩ khi thấy một đứa con gái xấu, hô để trêu người ta. Nhưng Thùy thì chắc hẳn không phải đứa con gái xấu, theo cảm nhận đầu tiên của tôi.


Dưới ánh nắng nhàn nhạt lưng chừng giờ trưa. Thùy sáng lên trong chiếc áo trắng và quần bò đen. Tôi thấy Thùy có vẻ lớn hơn so với bọn con gái cùng lứa tuổi, lớn qua dáng dấp và điệu bộ. Thùy mặc bộ quần áo ôm lấy đường nét cơ thể, đi lướt thật nhanh qua cửa lớp. Từ sau ô cửa sổ, tôi lặng lẽ nhìn theo, tôi không thể miêu tả lại cảm giác lúc đó cũng như không thể kể lại được cái "nhớn hơn" của Thùy so với bọn con gái tôi hay gặp, chỉ biết là tôi như xao đi. Mà khi nào nao lên vì thứ gì, ta chẳng nên giải thích hay tìm lý do. Đời sẽ mất vui nếu như ta cứ cố tìm lý do tại sao nó lại cứ vui. Đôi khi cuộc sống chỉ cần ta cảm nhận nó thôi, không nên nghĩ nhiều.


Rất may là ô cửa sổ với cái nắng nhàn nhạt đã giữ cho hồn tôi được mơ màng. Mơ màng để không vội nghe tiếng ầm ĩ của lũ con trai đang ngồi tràn cả cửa:


- Nhìn kìa, con kia xinh gớm!


Trong đám đông, thằng Sơn chợt reo lên khi thấy Thùy đi qua. Và lũ con trai lại được dịp ầm ĩ. Thằng Hải, không như ồn ào như mọi lần, nó đợi đám con trai dịu lại rồi mới từ từ mà nói:


- Con này có cái gì đâu.


- Sao lại không có gì, tao đố mày yêu được một con như nó đấy!


Trong đám con trai, một thằng lên tiếng đáp lời Hải.


- Tao chẳng ham. Chơi bời nghịch ngợm thì còn được chứ yêu con này thì thôi tao xin!


Rồi nó chậm rãi mà kể tiếp:


- Con này tên Thùy, học lớp 8B. Trông ngây thơ thế thôi nhưng vô số tội đấy. Nó yêu không biết bao nhiêu thằng rồi. Năm lớp sáu đã bị mẹ bắt được ngủ với con trai, bé tí mà yêu cái thằng già hơn cả chục tuổi.


Cả bọn con trai lại ồn ào lên cả, lại những câu bàn tán của cái tuổi nông nổi. Bảo chúng nó giống thứ nắng nhạt vắt vẻo trên cột cờ cũng chẳng có gì sai. Cái tuổi chưa hiểu gì, người ta thích bàn đại sự, thích chê bai, thích đánh giá. Tôi thấy nhiều người lớn rồi vẫn đôi khi trôi về cái tuổi không hiểu gì như thế.


Tôi không nghĩ là mình đã hiểu điều gì về Thùy. Nhưng ít ra thì tôi đã chạm được vào nó. Tôi thấy nó xinh, thấy cái dáng nó gọn gàng và vẻ mặt thật nhiều băn khoăn. Một thứ băn khoăn lạnh lùng và bất cần. Tôi chỉ cần biết như thế thôi. Chỉ cần như thế là đủ cho nụ cười của Thùy tìm đường đến giấc mơ tôi trong những xúc cảm chân thật nhất.


Tôi thấy cảm thông là sức sống của tâm hồn. Tôi thấy lạ kì cho cái sức sống tâm hồn những kẻ mười bảy. Sống trên đời, đôi khi đừng nên hiểu nhiều quá. Kẻ biết mình không nên hiểu nhiều mới là kẻ mà cuộc sống này cần, còn cái ngữ soi mói người khác, cái hạng người luôn tìm cách vùi dập những ai từng sai lầm thì cuộc sống đã quá thừa thãi rồi.


Đêm hôm ấy, tôi mơ về Thùy. Trong giấc mơ, tôi nói với cố ấy, theo một cách tình tứ nhất có thể:


- Anh thấy em là người con gái đẹp nhất.


- Em chẳng đẹp đâu.


Thùy vội vã đáp lại tôi, khi xấu hổ người ta sẽ hoặc là rất vội vã, hoặc là sẽ lặng thinh. Câu trả lời vội vã của Thùy chẳng khác gì sự lặng thinh. Sự lặng thinh lạ lùng ấy khiến tôi phải ngắm nhìn Thùy một lần nữa: đúng là cô ấy đẹp, đôi mắt đen và to còn nét mặt vừa như rất tự tin lại vừa đượm buồn. Nhưng còn một thứ gì đó tôi không thể nhìn thấy được từ Thùy, một thứ gì mà Thùy đã cố tình đóng khép lại. Một thứ gì mà trong mơ hồ, tôi vẫn tin rằng nó đẹp.


Vì niềm tin rất trẻ ấy mà đêm hôm sau, tôi lại gặp Thùy nữa. Tôi thấy lạ vì cô gái lạ ấy cứ tìm đường vào giấc mơ của tôi. Nhưng cái sự ấy với mọi người xem ra cũng chẳng có gì là lạ, người ta còn đặt tên cho nó cơ: Tương tư.


Trong tương tư, tôi lại chờ Thùy, tôi mong và tin cô ấy sẽ đến vì trong tâm trí, chúng tôi đã hẹn nhau.


Đêm hôm đó, Thùy vẫn đến, nhưng đến muộn so với giờ hẹn, mà tôi thì đang chờ, mà tôi thì đang mong ngóng....


- Em có biết gió lạnh đang về không? Và việc chờ em làm cơn gió lạnh hơn với anh.


Vì là trong giấc mơ cho nên tôi có thể nói theo cách mà tôi thích. Nhưng tôi vẫn sợ Thùy không hiểu. Thật may là cô ấy đã nghe thấy lòng tôi và mỉm cười:


- Em xin lỗi!


Lời xin lỗi của kẻ đang được yêu chất chứa tất cả định nghĩa về sự dịu dàng. Ánh mắt Thùy làm tôi tin rằng cô ấy đã cố tình đến muộn. Để tôi chờ. Để cô ấy dịu dàng mà nói xin lỗi tôi. Bởi vì cô ấy là con gái. Thế nên, tôi vờ hỏi Thùy một câu hết sức ngu ngơ:


- Em mải làm bài tập à, hay phải làm việc nhà.


Thùy cười:


- Em chỉ hơi bận thôi, xin lỗi anh!


Thế là tôi tin rằng Thùy bận thật. Từ trong những trả vờ, vô số tình cảm thật đến lạ lùng được gieo lên. Thứ tình cảm ấy bắt tôi phải nhớ Thùy mãi.


Và như thế, tôi đã có một mối tình, mối tình trong mơ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.


Tôi đã không thật thà lắm khi kể lại sự bắt đầu giữa tôi và Thùy. Thực ra tôi cũng có hỏi thăm mọi người về cô ấy, cũng đôi lần gặp cô ấy ở sân thể dục hay dưới căng –tin trường chứ chẳng phải chỉ là trong giấc mơ. Nhưng tôi muốn kể về tình yêu bằng sự gặp gỡ lạ kì trong cảm nhận của tôi. Như bạn biết đấy, khi muốn kể cái gì tận sâu trong lòng thì đừng nên thật thà quá. Mà nếu nói dối được thì càng tốt, nói dối như là cách mà những người yêu nhau nói dối nhau về sắc đẹp hay sự dịu dàng của đối phương. Tôi thấy rằng chúng ta chẳng nên sống trong mơ, nhưng phải biết trông vào giấc mơ để mà sống.


Giấc mơ còn kéo dài thêm một đêm nữa. Đêm thứ ba của những giấc mơ, tôi quyết nói với Thùy rằng tôi nhớ, rằng tôi thấy Thùy xinh xắn nhất trên đời, rằng Thùy là người con gái ngoan nhất. Phải, bạn không hề đọc nhầm: đêm thứ ba, tôi nói với Thùy, cô ấy là ngoan nhất:


- Em là một cô bé ngoan...


Thùy cúi mặt xuống, bần thần. Rồi với cái giọng rụt dè khe khẽ, Thùy nói với tôi:


- Em chẳng hề ngoan đâu... Em là một cô gái không tốt!


- Nhưng anh thương em mất rồi!


Thùy lặng đi, không trả lời tôi nữa. Cô ấy chỉ nhìn tôi, ánh mắt cô ấy trong như là giọt nước, một ánh mắt biết cười. Nhưng giờ, ánh mắt biết cười ấy đang trực khóc. Thùy lặp lại câu nói lúc nãy. Lần này, giọng cô ấy run đi:


- Em là cô gái không tốt... Em không ngoan đâu anh!


Ánh mắt cô ấy vẫn nhìn tôi, tôi cũng chỉ biết đáp lại bằng ánh mắt. Ngay cả trong mơ mà tôi vẫn nhút nhát, giá không rụt rè quá thì có lẽ tôi đã đến và ôm lấy cô gái tôi thương. Nhưng tôi mới có lớp chín thôi mà, và tôi chưa yêu bao giờ, thế nên tôi chỉ biết đứng từ xa xa mà nhìn Thùy. Tôi đứng từ xa nhìn Thùy trong giấc mơ... Có lẽ như thế lại tốt, bởi vì khoảng cách tạo cảm giác an toàn cho những người chưa biết nhau nhiều. Nguồn gốc của sự nghi ngờ là việc ta cố tiến lại gần ai đó trong khi cô ấy chưa cảm thấy ta đáng tin. Mà tôi lại vừa mới nói một điều chẳng mấy đáng tin: Tôi bảo Thùy là một cô gái tốt, một cô gái ngoan trong mắt tôi.


Người con gái như Thùy, một người con gái tim đã đôi lần vụn vỡ thì làm sao có thể tin câu nói đó của tôi ngay. Một cố gái biết mình hư là một cô gái mong muốn có ai đó thấy mình ngoan. Nhưng thật khó có ai có thể cho một cô gái hư biết rằng cô ấy thật ngoan. Một thông điệp yêu thương sẽ khó được truyền tải nếu trái tim người nhận đã đau thương quá nhiều rồi.


Đôi lần tôi thấy Thùy bước thật nhanh qua cửa lớp tôi. Tôi hiểu vì sao Thùy bước nhanh như thế, bởi vì ở cửa lớp, bọn con trai lớp tôi đang nhao lên bàn tán. Chúng bàn về phẩm hạnh của con gái, chúng bàn về cái mà chúng gọi là "trinh". Lũ con trai mới lớn nhiều khi hiếu kì và mang cái suy nghĩ cổ như một ông già. Mà quái thay, chúng lại chẳng phải ông già hẳn, một ông già thì làm gì ngây ngô như thế.


Tôi thấy bọn con trai lớp tôi bảo:


- Con này mất trinh rồi, con gái đẹp mà chẳng còn trinh thì chỉ làm đồ chơi thôi.


Một thanh niên mười sáu tuổi sẽ suy nghĩ như vậy đấy. Chúng hay bàn về cái chúng chẳng hiểu gì. Khi người ta chẳng hiểu nổi mong muốn của mình, người ta sẽ thấy đời toàn quái thai. Người ta có thể sẽ nghĩ rằng: những ai đã một lần lỡ làng sẽ lỡ làng mãi. Người ta quen một cô gái từng lầm lỡ vì mong rằng cô ấy sẽ lầm lỡ thêm một lần nữa... Tôi thương Thùy. Đôi khi thương với yêu là một thứ gì đó thật gần nhau.


Tôi nghe người ta kể vê gia đình Thùy. Bố mẹ Thùy li dị từ năm cô lên sáu. Thùy về sống với mẹ. Mẹ Thùy đi chợ xa suốt, giao cô cho bà ngoại. Cô lớn lên trong lời ru của bà, trong vị ngọt của những chiếc kẹo bỏng dài và những câu chuyện cổ tích toàn người tốt. Có những lúc, Thùy thấy chú Năm hàng xóm xách điếu cày đuổi đánh vợ, cô bé tự hỏi: sao chú Năm không tốt như trong chuyện cổ tích, sao bụt không hiện ra giúp cô Năm?


Lớn lên một chút, Thùy chẳng tin lời bà nữa. Những câu chuyện cổ tích bà kể toàn nói dối cả. Những cây bỏng dài, những que kem, những cây kẹo kéo Thùy ăn cũng chẳng thấy ngon nữa. Đồ ngọt vốn dĩ không chứa nhiều năng lượng. Và cái màu hồng của cặp kính đôi khi còn góp phần đánh chân người ta quỵ xuống, bởi sẽ có lúc ta phải tháo nó ra. Thùy lớn thêm, bà chẳng thể quản được cô nữa, còn mẹ thì vẫn đi biệt. Bà thương Thùy lắm, nhưng tình thương đơn thuần, cho dù vô bờ bến cũng không thể nào làm người ta yên bình. Trong mỗi con người vốn dĩ luôn có một chất nổi loạn, thế cho nên một vòng tay sẽ chẳng thể nào giữ lấy một tâm hồn được.


Thùy cứ thế lớn trong những chơi vơi. Tôi tin chính Thùy cũng chẳng biết mình "hư" từ khi nào. Bạn thấy người khác hư là vì bạn không có cơ hội để hư thôi, nếu cứ được tự do trong cám dỗ và ước muốn người ta sẽ từ từ mà đi tới lầm lỡ.


Với lại, tôi thấy Yêu là một ước muốn hết sức bình thường ở con người. Con gái nếu không muốn mất trinh thì hãy cứ chuẩn bị khăn gói mà lên chùa. Mà trên đời, ni cô có khi cũng còn mất trinh ấy. Chuyện sớm muộn cũng là chuyện của cơ thể, là chuyện của những sợi dây trói người ta lại. Tôi thấy Thùy vẫn có thể là đứa con gái ngoan. Con gái có thể chẳng còn "trong trắng" nhưng họ phải giữ cho mình lòng tự trọng.


Mà Thùy thì đang cúi đầu, cố đi cho nhanh. Tôi thấy Thùy buồn...


Tôi cần lòng tin của cô ấy, để nói rằng cô ấy đừng buồn nữa. Tôi cảm giác rằng lòng tin đúng đắn nhất của phụ nữ có khi mang hình hài một ảo tưởng. Nhưng dù gì tôi cũng đã gặp Thùy.


Nỗi buồn, đó là nơi tôi gặp Thùy. Tôi đã đi tới nỗi buồn của cô ấy băng một niềm băn khoăn, niềm băn khoăn của người lạ. Tôi thấy như là mình thích thích và có tình cảm với đứa con gái ấy. Ta có thể thích ai đó về bất cứ điều gì, nhưng nếu muốn tiến lại gần cô ấy thì ta phải có tình cảm đã, nếu không ta lại giống như loài thiêu thân, lao vào lữa mà ngỡ là ánh sáng của đời nó. Thanh niên thì cần phải nhiệt huyết nhưng nhiệt huyết như thiêu thân thì buồn lắm!


Thế là tôi đợi những giấc mơ lớn thêm.


Thế là tôi tìm hỏi mọi người về Thùy.


Như thế, nỗi buồn của cô ấy lớn lên trong cảm nhận của tôi, lớn lên bằng những suy nghĩ, những giấc mơ tôi, những giấc mơ của đời thật.


Mẩu thư đầu tôi gửi, Thùy đã trả lời:


- Em cảm ơn anh!


Tôi xin nhắc lại mẩu thư đó:


"ta ngắm một vì sao vì hai lẽ, một là vì nó sáng, hai là vì ta chẳng hiểu gì về nó. Anh thích em vì anh thấy em xinh, anh thích em vì anh chẳng hiểu gì về em cả, và anh tin em là người con gái tuyệt vời nhất."


Hạnh phúc nho nhỏ của người con trai khi yêu, đấy là làm cho người con gái họ thương tin rằng cô ấy đẹp nhất. Cái niềm tin trong thế giới riêng của hai người lắm khi lại là sức mạnh để một trong hai người họ bước ra thế giới của nhiều người, tôi tin thế.


Nhưng một lời cảm ơn chưa nói lên được điều gì, nhất là khi nó chỉ là một dòng chữ Thùy nhờ một người bạn đưa cho tôi. Tôi lấy được sô điện thoại của Thùy. Thế là tôi lại viết, lần này là viết tin nhắn, tôi bảo Thùy:


- Em chưa thể tin lời anh được. Anh biết là em rất ngoan, ngoan theo một cách mà anh chưa hiểu hết, nhưng anh tin..


Thùy bảo tôi:


- Anh ngốc lắm.


Tôi trả lời:


- Anh ngốc mà. Nhưng em còn ngốc hơn nữa, vì tới lời của một kẻ ngốc nghếch mà em cũng chẳng dám tin.


Thùy kể với tôi về những buổi đi chùa cùng bà. Vùng quê tôi, hầu như người phụ nữ lớn tuổi nào cũng lên chùa hàng tháng, có người hàng tuần, có người thì rất thường xuyên. Ngôi chùa rợp bóng cây cổ kính khá tách biệt với những ồn ào chuyện làng xóm ấy gắn với tuổi thơ của nhiều đứa trẻ. Với chúng, ngôi chùa là những thức lộc, là khoảng không gian yên bình và cũng là địa điểm tổ chức nhiều cuộc vui, chơi bi, chơi khăng hay trốn tìm. Khoảng đất rộng và bình yên ấy là cả một thế giới kì thú của bọn trẻ.


Nhưng khi lớn rồi thì lũ trẻ ít lên chùa hơn. Chúng có nhiều trò khác vui hơn. Riêng Thùy vẫn thường đi lên chùa với bà, suốt từ đó tới bây giờ. Tôi tin là cô ấy đang cố tìm sự yên bình. Đôi mắt đen nhiều buồn tủi của đứa trẻ không cha và mẹ thì sống bạt mạng ấy có bảo giờ yên bình đâu mà chẳng phải cố mà kiếm.


Tôi thấy như là lòng mình yêu.


Tôi định viết vào câu chuyện này vài chi tiết dối trá. Rằng tôi với Thùy đã từng yêu nhau, từng đi với nhau đâu đó, từng bên nhau ca hát, lang thang hội với quán. Nhưng tôi nghĩ lại, nếu tôi là kẻ yêu theo kiểu Tìm sự chân thật trong mơ thì tại sao tôi lại phải cố xây mộng mơ bằng những sự thật lãng xẹt. Với lại hồi ấy tôi mới lớp chín thôi, và sự thật thì câu chuyện của tôi với Thùy hồi ấy vẫn mãi chỉ là những vu vơ xa vời. Tôi thấy vu vơ không đồng nghĩa với hời hợt và nông lãng. Tôi vẫn tin có nhiều người yêu bằng giấc mơ, yêu bằng thứ tình yêu trọn vẹn trong một nửa của thực tại.


Có một câu chuyện vê chàng trai lớp chín yêu một cô bé lớp tám.


Có một câu chuyện về một thằng chỉ biết học với học yêu một đứa con gái mà mọi người vẫn nói là hư.


Và tất cả chỉ là vui vơ trong tôi, nếu như Thùy không bảo:


- Anh là người cho em sự chân thành.


Mọi sự sẽ vu vơ mãi nếu tôi không tin lời nói đó của Thùy. Trái tim mỗi người có thể ấm lên khi biết rằng mình vừa thắp một đốm lửa nơi trái tim người khác. Nhưng tấm lòng tôi không đủ can đảm mà che chở cho Thùy, đôi chân tôi chưa đủ vững mà cõng cô ấy đi tìm một vạt nắng ấm áp có thể làm lu mờ cái nắng nhạt trịch thượng trên cột cờ kia.


Tình yêu tôi chỉ là những xa vời. Bao lần tôi nghe Thùy khóc, cô ấy rất dễ xúc động, nhưng năm đó tôi học lớp Chín, nhưng năm đó tôi còn rụt rè quá. Nếu không phải như thế thì mọi chuyện sẽ sao nhỉ?


Nếu năm đó tôi lớn hơn và chẳng rụt rè, có lẽ tôi đã chẳng có một tình yêu. Một tình yêu rất xa, rất gần......


Nguyên Bảo

2hi.us