Nhà chàng ở cạnh nhà tôi
Nhà chàng ở cạnh nhà tôi
Cũng dạo đó người ấy lại ra đi nhanh như khi xuất hiện, nghe nói con gái anh phải vào viện nên công tác ở trường lại phải thay người khác, tôi có để tâm nhưng không còn lưu luyến nữa. Cảm giác cũng thật nhẹ nhàng.
***
Trong một quần thể kiến trúc hỗn tạp của cái ngõ miền núi này có rất nhiều kiểu nhà, từ nhà ba gian mái ngói tới cổ lỗ sĩ thời chị Dậu như nhà tôi, nhà ống, nhà vuông nhà tranh mọc lên san sát từ chân dốc cho tới tận đỉnh đồi. Hay như biệt thự sân vườn hào nhoáng giống ngôi nhà kế bên nhà tôi cũng chẳng thiếu. Thử làm một cuộc so sánh sự phô trương giữa nhà bên đó với nhà tôi đi, đúng là một sự đối chọi khủng khiếp giữa một bên đại diện cho sự cũ kĩ của thời gian và một bên thể hiện sự xa hoa hiện đại của thời đại. Nhìn toàn cảnh nó được xem như một bức tranh phân biệt giai cấp và dù có là người yêu văn hóa dân tộc chăng nữa tôi cũng phải công nhận một điều rằng thứ cũ kĩ cần được bảo tồn gìn giữ kia chỉ làm phông nền tôn lên giá trị của thứ xa xỉ.
Và nhà đó nuôi một con chó pitbull dữ tợn. Con vật hung dữ đó được nuôi dưỡng giống như một ông hoàng hợm hĩnh giống hệt chủ của nó vậy. Mỗi sáng gã chủ vênh váo lái một chiếc W màu vàng chóe hãnh diện lướt trên những con đường bùn đất của thôn xóm. Phải nói rằng, xét về độ khoa trương thì Pitbull và chủ nó khá là giống nhau. Sáng sáng chiếc W con bọ lướt đi với những tiếng rít như kiểu trình diễn còn tiếng con chó cắn sủa ầm ĩ cả ngày khiến tôi không có thời gian mà trầm tư ai oán nữa.
"Tại sao chúng ta phải chịu đựng một gã dị thường như thế hả mẹ?"
Tôi gần như phát điên, tóc tai bu xù ngước lên nhìn sân trước nhà bên cao tới nóc mái nhà nhà tôi, và từ trái phải nơi tôi ngủ cửa sổ hướng ra vườn yên tĩnh mỗi sáng lại bị phá đám bởi tiếng chơi đùa của một người một chó. Thi thoảng bọt tắm rửa của chó bay qua một khoảng vườn khiêm tốn mà chui thẳng vào giường tôi nằm. Mẹ kiếp! Tôi muốn làm lông con chó ấy và cả gã hàng xóm không biết cư xử chút nào kia ra.
"Tôi với bố cô đã quen với điều này rồi, cho nên dù có cảm thấy phiền một chút cũng cho qua cho xong chuyện, hàng xóm mà" Mẹ tôi ậm ừ, cái kiểu dĩ hòa vi quý ấy đã cổ xưa lắm rồi.
"Nếu gã đó cư xử không lịch sự chúng ta cần gì phải nhịn. Mới sáng này ra đã bày đặt tắm cho chó, không phải là cố ý dìm sự yên tĩnh của người khác vào bể xà phòng thì là không coi ai ra gì sao?"
Tôi càu nhàu một hồi rồi quyết định vẫn mặc nguyên áo ngủ đi nhanh lên dốc, trên đường gặp mấy cô hàng xóm đi chợ về nhìn tôi tủm tỉm cười không khỏi trêu đùa.
"Trầm Hạ mới về đã chăm đi tập thể dục như vậy ư?" - Thật biết đùa, tôi có bị ấm đầu đâu mà mặc nguyên bộ áo quần đầy gấu mèo thế này lăng quăng khắp xóm làng nếu không vì giấc ngủ bị phá bĩnh.
"Không ạ! Cháu tìm nhà pitbull" Tôi khẳng định chắc chắn như thế rồi cứ như vậy tiến thẳng lên đồi. Các cô nhìn nhau không hiểu mới sáng ra tôi ăn phải thuốc nổ gì.
Nhà pitbull trên một con dốc thoai thoải, đường lát đá ong hai bên đường là hai dãy cau đang mùa hoa thơm nức, mỗi bước chân tôi qua có cảm tưởng rất thanh thản, như thể được đắm chìm vào trong gió thu hây hẩy thổi, xung quanh bỗng nhiên được ướp hương hoa ngào ngạt. Nhà hàng xóm ngay cạnh nhà tôi nhưng cổng ra vào lại nằm tít trên dốc. Cứ một mình một chốn nên lộng hành là phải thôi. Rồi tôi nhìn thấy cái cổng, phải nói đó là một sự hưởng thụ tao nhã khi cả vòm cửa toàn những bông hồng nở rộ thơm ngát, nhà có tiền nên đương nhiên được tự do vùng vẫy, bởi về tư hữu tài sản ngôi nhà này chiếm gần hết nửa quả đồi chứ chẳng chơi.
Tôi nhấn chuông cửa và chờ đợi nhưng đón tôi không phải là ai khác mà là con chó có hàm răng nhe nhởn, tôi tự hỏi tại sao họ có thể làm bạn được với một giống chó săn hung hãn và dữ dằn như thế lại còn thản nhiên cho nó tự do đi lại trong gia cư.
"Suy suy" Tôi phẩy tay khi con chó gần như nhảy bổ lên vì nhác thấy bóng người thập thò ngoài cửa. Móng sắc của nó cọ vào cửa kim loại kêu rin rít nghe thật muốn bỏ chạy.
"Đừng có nói chuyện như thế với con chó, nó hiểu là cô đang kì thị nó đấy" Một giọng nói bất ngờ vang lên, cái giọng nói hàng ngày tha thiết gọi con chó là "người đẹp này người đẹp kia" đứng ngay phía sau, vóc dáng thanh tú nhưng khỏe mạnh, mái tóc hơi bù xù và cặp mắt đang giống như tôi đang phán đoán đối phương qua những tấm song cửa.
"Tôi không kì thị, Tôi chỉ muốn nó hiểu rằng tôi không phải là thịt cừu". Nhìn vào mắt con chó tôi nghĩ là nó đang liên tưởng về tôi như thế đấy nên không ngại mà nói cho chủ nó biết, tôi vốn nhạy cảm với nguy hiểm. Một thoáng tôi thấy gã cười rồi nói gì đó khiến con chó chạy vào trong, con chó vốn lúc trước hung hăng giờ nghe lời chủ liền im lặng đi vào ngoan ngoãn, có vẻ nó cũng đã được thuần hóa khá tốt.
"Cô tới có chuyện gì không?", giọng gã ra vẻ khó chịu.
"Nhà tôi ở ngay bên dưới kia"- Tôi chỉ tay về phía nhà mình
"Tôi biết" - Gã biết đó là nhà tôi cơ đấy không khỏi làm tôi ngạc nhiên nhưng mặc xác việc gã có biết tôi hay không chính yếu vẫn là phải nói cho ra nhẽ vấn đề để cho cạn cơn nổi giận của mình.
"Tôi mới về đây nghỉ ngơi được vài ngày và cần không gian yên tĩnh nhưng hình như anh và con chó có vẻ nói chuyện không nhỏ nhẹ cho lắm, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng. Trên hết cái cửa sổ chỗ tôi nằm xem ra phải hứng chịu những màn rửa xe và tắm cho chó của anh khuấy đảo như kiểu mưa nhân tạo vậy. Vì thế..." đôi mắt gã nheo lại và tôi cố gắng nói thật nhã nhặn nhất có thể nhưng trái với thiện ý của tôi là con chó kia xuất hiện như âm binh dưới chân chủ nghe ngóng bằng bộ mặt không thiện cảm.
"Vì thế...rồi sao nữa?" gã ung dung tự mãn.
Tôi nhìn con chó run lên một hồi, dạo gần đây những tai nạn do chó Pitbull gây ra chiếm tỉ lệ khá cao, tôi không muốn là một trong những trường hợp đó, người ta có nhiều cách chết mà vẫn vinh dự vẻ vang còn việc chết do chó săn cắn thật đúng là chỉ tổ cho báo giật tít: "Cô gái trẻ H đã chết vì bị chó săn thuần chủng hàng xóm hỏi thăm" đừng có đùa.
"Đừng để nó nhìn tôi như thể nhìn sườn nướng thế kia nữa", vừa nói tôi vừa chạy nhanh xuống dốc, trong khi đó tôi nghe phía đằng sau là tiếng gã chủ rít lên với con chó "Thôi nào Jodie". Ôi! Thì ra một ả chó cái, mà ả cũng biết ghen cơ đấy.
Mỗi buổi chiều tôi ngồi trước hiên nhà ngắm chiều nhạt dần trôi, những mảng nắng chiếu hết góc sân này rồi tới góc sân khác và rồi cũng biến mất nhanh chóng. Tôi sợ những buổi chiều bình yên tĩnh lặng như thế, giống như mọi giác quan bị thả lỏng và rơi đến những vùng nhạy cảm, nó cho bạn thời gian để nhớ đến những chuyện không vui và rồi đột nhiên bạn nhận ra mình đang dần mất đi vẻ vốn có. Rồi thì ...có một thứ khuấy đảo những buổi chiều yên tĩnh này, đó là gã hàng xóm với thú la hét nô đùa, sáng tắm cho chó chiều rửa xe, cuộc sống gắn liền với lễ hội té nước không màng đến cuộc đời trôi nổi của những kẻ khác. Chí ít thì, cuộc vui thú của gã và người đẹp mĩ miều mà gã vẫn thường âu yếm gọi tên, cũng làm buổi chiều tà với ánh hoàng hôn buồn thảm của tôi qua mau trong ồn ã chứ không phải là thứ bình yên đến tẻ ngắt.
"Jodie! Có thấy cô gái ngồi hiên nhà kia giống sườn cừu nướng không?"
Tiếng gã hàng xóm từ trên cao vọng xuống giống như bỡn cợt, gã cười khúc khích còn con chó nhe hàm răng và tiếng gầm ghè như tán thưởng, sự ghen tuông hằn trong cái miệng rộng của nó. Tôi ngước lên nhìn có chút khó chịu, lòng không khỏi chán ghét với cái sự thấp kém của ngồi nhà và cả chính bản thân mình khi muốn hét lên cũng phải ngước cổ trông đợi như đang được ban ân huệ.
"Anh đang tiêm nhiễm cho loại vật ghê sợ đó cái ý nghĩ tôi là sườn nướng, nhỡ lần sau nó phi thân qua đây xé xác tôi thì sao?"
"Jodie không ghê sợ như vậy đâu. Nó chỉ bảo vệ khi có ai đó muốn bắt nạt tôi thôi"
"Trong mắt con chó anh là một kẻ tội nghiệp như vậy ư?" - Giọng tôi hằn học, cố ý khiến gã khó chịu.
"Cô bất mãn gì chứ?" Nhăn chán một cái gã thắc mắc.
"Anh không biết tôi bất mãn gì ư? Đó là vì tôi ghét bị làm ồn mỗi khi sáng sớm, và xem này anh và con chó tíu tít như cái chợ sáng và cái cửa sổ phòng tôi với cái nơi tắm cho chó không cách xa gì đâu" - giọng tôi gần như giận dữ.
"Ồ! Xin lỗi! Nếu có mưa nhân tạo làm hỏng giấc mơ đẹp của cô mỗi sáng, nhưng cô yên tâm đi nó không phải là bọt tắm của Jodie mà chỉ là nước tưới vườn thôi, cô nên đóng cửa sổ mỗi khi đi ngủ chứ"- Giọng gã hàng xóm thản nhiên coi như mọi chuyện do tôi tự mình mà ra.
"Tôi thích mở cửa sổ khi ngủ thì đâu có ảnh hưởng đến ai"- Giọng tôi ngang ngược.
"Tướng ngủ của cô trông... xấu lắm"
Gã điềm nhiên nói xong một người một chó lúc lắc cái đầu đi khuất dạng sau những tán cây rậm rì, để lại tôi một nỗi nghẹn ngào không ra tiếng. Nuốt giận tôi bỏ vòi phun nước đi tưới vườn, tưới không xong thành phá hoại, nghĩ thấy chán nản lại thôi ngồi phệt xuống hiên nhà. Tôi về đây là để nghỉ ngơi vậy mà toàn những chuyện không đâu chứa đầy não phiền không tả nổi.
***
Đầu đông cảnh sắc tiêu điều, mấy cây bàng ở góc quán cóc bên kia đường rụng trơ cành, chỉ còn lơ thơ vài cái lá đỏ quạch cố bám trụ. Nhìn nó tôi liên tưởng tới mình cũng có khoảng thời gian cố gắng theo đuổi những thứ viển vông, như chiếc lá bàng bề ngoài vàng úa nhưng bên trong sự cố chấp vẫn còn dai dẳng không chịu buông bỏ, chỉ chờ một cơn gió đông rì rào mới chịu rời xa. Nhưng sau mùa đông dài lại chồi lên những mầm xanh nơi chính chiếc lá đã lìa cánh như cảm xúc của tôi sau một chặng đường dài lại rơi vào vũng lầy mới, bởi có những thứ tưởng như đã dứt bỏ được nhưng rốt cuộc lại phát hiện ra bản thân vẫn cố tham lam luyến giữ lại những vụn vặt, cứ nghĩ những thứ đó không thể làm ảnh hưởng mình thêm nữa. Hóa ra chuyện của năm năm trước lại có thể bị làm cho khuấy đảo bởi một một hình bóng cũ trở về. Người đàn ông ấy trở về, không còn như trước kia tôi có thể vui vẻ chạy đến nắm lấy bàn tay, giờ chỉ có thể từ xa gật đầu chào với vẻ miễn cưỡng, sự trở về này rốt cuộc khiến tôi phát hiện ra mình cũng chẳng phải là kẻ mạnh mẽ như đã từng nghĩ, cũng có thể bởi đã từng mặc định cho bản thân mình như thế nên cứ coi mình là người có thể chiến thắng mọi nỗi u sầu. Câu trả lời là tôi đang ở nhà sau một tuần mổ ruột thừa cấp cứu và cố gắng để chạy chốn anh, trốn khỏi tình cảnh mà mình không hề mong đợi để tự cân bằng lại cũng như tìm kiếm một lý do để không còn nhung nhớ.
Sau trận mưa đêm thế mà trời lại lạnh đi rất nhanh, tôi đi dạo qua mấy con đường vắng rồi thì tìm lên đồi. Tôi nhớ hồi còn nhỏ mình từng cùng lũ bạn đi hái mít mọc hoang trên những khoảng đất trống không thuộc nhà ai cả mà đem về, bao nhiêu năm đã qua, những con đường không còn khó đi nữa mà trở nên thơ mộng đến ngạc nhiên. Đôi giầy của tôi lấm lem bùn đất và những chiếc lá ướt mưa trông thật sức sống. lâu không leo dốc thế nên chân tôi mỏi nhừ trước đây tôi có thể băng qua những con dốc này không mấy khó khăn còn giờ đây...có lẽ tôi đã quá quen với những con đường bằng phẳng để quên mất có một nơi để mình luyện tính kiên trì.
"Sườn nướng, đừng nói cô nhớ Jodie nên mới tới đây đấy?" gã hàng xóm có tiếng khúc khích cười rất đặc trưng, thường người ta sẽ cười thành tiếng còn gã thì giấu tiếng cười như một âm gió thoát ra từ mũi, làm cho âm điệu trở nên nhẹ nhàng hơn.
"Ai cho phép anh gọi tôi như thế?" tôi trừng mắt lên rồi lo lắng nhìn sang con chó. Nó không còn hằm hè như thể bị ai đó kích động nữa nhưng ánh mắt trừng trừng nhìn tôi cảnh giác và tiếng gầm gừ trong cổ họng mỗi lúc một lớn hơn.
"Jodie, cô ấy là bạn gái của tao" - Nhát cái con chó hiền hòa ngay lập tức, còn tôi thì cố gắng dồn sự chú ý của mình chờ đợi gã giải thích giùm chuyện gì đang xảy ra - "Jodie nhạy cảm lắm, chỉ cần biết cô có quan hệ gần gũi với tôi nó sẽ cho cô gần gũi".
"Tiếc là tôi không có ý nghĩ đó trong đầu" tôi đủng đình đáp ngay khi nghe gã giải thích trời biển mà chẳng ăn nhập gì với thực tế đang diễn ra.
"Không biết chừng nó sẽ yêu quý cô đấy".
"Tôi không thiện cảm với động vật" tôi chán nản định quay đi.
"Jodie thơm cô ấy một cái đi" nghe vậy con chó bỗng thay đổi thái độ tiến lại gần tôi làm tôi phát hoảng.
"Không làm ơn" tôi ngồi thụp xuống lấy tay che đầu một phản xạ rất tự nhiên khi gặp cái gì hiểm nguy lao tới mà không thể kháng cự.
Con chó liếm cái miệng ướt nhoẹt của nó vào cánh tay tôi, dụi cái đầu vào đầu tôi như thể giữa tôi với nó có một sự sự thân thiết gần gũi lắm, điều này còn khiến tôi kinh hãi hơn.
"Thấy chưa Jodie cũng không có đáng sợ như cô nghĩ."
"Chờ đến khi nó cắn vật gì đó và chẳng chịu nhả ra anh mới thôi trấn an tôi như một đứa trẻ thế" tôi trách cứ.
"Nó không được huấn luyện để làm chó săn".
"Chắc là vì được tắm rửa thường xuyên nên tôi đồ rằng nó được huấn luyện để rửa xe".
Gã lại cười, như thể lời tôi nói khiến gã thích thú lắm vậy.
"Cô có đi dạo cùng chúng tôi không?"
"Với nó thì không".
"Tôi nói Jodie không đáng sợ gì đâu mà".
"Chỉ là với anh thôi".
Cuối cùng thì chúng tôi cũng cùng nhau đi dạo, cuộc nói chuyện giữa những đối chọi cũng bắt đầu cởi mở hơn, khi tôi biết tên của gã hàng xóm là Ánh Dương, một cái tên hệt như chính vẻ ban đầu gã cho người khác thấy qua vẻ bề ngoài của mình. thoạt đầu nhìn thấy gã là người khá tuần tú với dáng đi lịch thiệp, khuôn mặt không thuộc hàng đẹp nhưng có những nét cá tính ưa nhìn, đôi mắt sáng và cái miệng hoạt ngôn, nhìn tổng thể gã là người trầm tính với hình ảnh thân thiết giữa người và động vật, một sự sắp đặt như sinh ra đã dành cho nhau vậy.
Những ngày tiếp theo cuộc nói chuyện của người trên cao với người dưới thấp diễn ra như một cuộc trò chuyện tốn hơi nhất tôi từng tham gia, con chó vẫn luôn mang bộ mặt hình sự với đôi mắt lim dim đặc trưng và banh cái miệng rộng ra để nghe ngóng. Vẻ như nó không còn ghét tôi nữa nhưng cũng chẳng hẳn là yêu thích. Giống như một bà quản gia khó tính nó ở bên cạnh chủ với vẻ nghiêm trang xét nét. Trong khi đó, bố và mẹ tôi nhìn nhau rồi thì cũng mặc kệ, họ thường giả vờ không bận tâm xem tôi giao thiệp với ai nhưng kì thực trong lòng cũng không khỏi thắc mắc. Cũng biết rõ tính cách thất thường mưa nắng của tôi và âm thầm trông chờ tôi sẽ phát triển một mối quan hệ nào đó rồi thì tiến tới hôn nhân, bớt sống là một đứa con gái tự do với những chuyến hành trình dài ngày không chủ đích.
Tôi và Ánh Dương có một cái nhìn cuộc sống khác nhau, anh ta thực tế còn tôi lại hơi bay lượn. anh ta là mọt bác sĩ thú y còn tôi là một giáo viên nghệ thuật nhưng lại có thể mặc nhiên mà nói về các chủ đề với sự thú vị ngoài sức tưởng tượng. và câu chuyện mỗi buổi chiều tà của chúng tôi đơn thuần chỉ về chủ đề cái nhà cổ bao đời và những nề nếp cũ đi kèm trong suy nghĩ của người dân nơi đây, mà tôi là hậu duệ thừa hưởng nó. Ánh Dương từng hỏi tôi cái gì khiến tôi ngang tàn bướng bỉnh như thế, thi thoảng lại chửi thề như một kẻ đầu đường xó chợ. Trong khi tôi xuất thân là con nhà nho giáo, thuần phong mĩ tục có thừa lại là một cô gái, một giáo viên nghệ thuật. Tôi không cười, vẻ mặt tôi lặng thinh vờ suy nghĩ kì thực tôi không biết phải trả lời sao. Trước đây mỗi ngày nghe bố tôi than vãn vì sao tôi không là đàn ông cho bố được nhờ, lòng tôi không khỏi trầm buồn. Đã có thời tôi ước mình có thể là đàn ông để cuộc sống gia đình được yên ấm, để không phải nghe những tiếng gắt gỏng đập phá, tôi bắt đầu học cách sống như vậy và tính cách của tôi cũng hình thành từ những ý nghĩ gai góc mình tự tạo dựng.
***
Sang tháng 12 trời vẫn có những ngày ấm nắng, tôi chợt có ý nghĩ không muốn quay lại cuộc sống trước kia cứ bình thản mà hưởng thụ cuộc sống yên ả của vùng quê hiền hòa này xem chừng cũng không quá tệ. Thi thoảng có thể cầm cọ vẽ vài bức tranh hay dạo chơi cùng Ánh Dương trên những con dốc mỗi chiều tà, khi anh ta xong việc ở bệnh viện thú y của riêng mình ở trong thành phố.
"Dạo này không thấy cô cằn nhằn vì tiếng chó sủa" bố tôi đi đâu về thấy tôi khoan thai trên xích đu ở góc sân, không đoái hoài gì với tiếng chó ầm ĩ nhà bên như hồi đầu nên đâm ra thắc mắc ghê lắm.
"Con đã kịp làm quen với con chó đó".
"Cô có bao giờ yêu thích động vật đâu, từ nhỏ đã thờ ơ với súc vật".
Đúng vậy tôi vốn chẳng bao giờ có cảm tình với bất kì con vật nào dù nhà nuôi một đàn mèo lông trắng giống Ba Tư đẹp đến nỗi ai cũng thích thú ôm ấp mỗi khi thấy chúng, riêng tôi thì thản nhiên như không. Đôi khi chúng cố tình dụi mình vào chân tôi là tôi đá văng không thương tiếc, mỗi lần thế bố tôi lại suýt xoa gọi tôi là đứa máu lạnh. Giờ thấy tôi không hẳn là thân thiết với Jodie nhưng cũng không kì thị nó nữa nên bố tôi không tin nổi điều gì khiến con gái mình thay đổi như thế.
"Nhà đó có một lão già khó tính, tính tình chẳng khác gì con chó cả".
"Con không biết nhà đó còn có một ông lão nữa đấy?" tôi bật dậy khỏi ghế ngồi không phải vì quá ngạc mà tự nhiên phát hiện ra vài cái lông mèo dính trên quần áo.
"Tôi tự hỏi nếu cô là con dâu của ông ta thì điều gì sẽ xảy đến?".
"Bố nói gì chứ? Con sao lại là con dâu của ông ta được?" tôi vẫn cặm cụi nhặt lông mèo.
"Không phải cô đang thân thiết với con trai lão ấy còn gì?"
Có đôi lần tôi với Ánh Dương đi dạo buổi sáng và cũng có đôi lần nói chuyện phiếm ở sân vậy mà bố tôi nghĩ xa xôi tôi đã phải lòng anh ta.
"Anh ta và con có sự đối lập về tư tưởng. Anh ta theo chủ nghĩa hoàn mĩ còn con theo chủ nghĩa tự do, bố nghĩ điều gì có thể căn cứ là chúng con sẽ tiến xa hơn." Bố tôi có vẻ thắc mắc vài giây trước khi lại bắt đầu điệp khúc cằn nhằn.
"Lại là tư tưởng, cô vứt quách cái tư tưởng ấy ngay đi, con gái dòng họ này trước kia cũng không cần học rộng, duy chỉ có cô được nuông chiều cho đi học cao du nhập toàn những tư tưởng lập dị không đâu, đã đến lúc tạo cho mình một dòng họ riêng như thế mới thấy đời mình có ý nghĩa"
Bố tôi chưa bao giờ đề cập hôn nhân với tôi, thế nhưng toàn đem những thứ cao siêu như dòng họ này nọ, hay đại loại người thừa kế phải tuân theo các luật lệ của dòng họ, đặt lợi ích của dòng họ ra để nói chuyện, tôi biết ông chờ đợi tôi sẽ lấy chồng giống như mọi đứa con gái khác chỉ là tôi còn không biết mình có phần trăm nào hứng tú hay không. Đặc biệt khi tôi rới vào lưới tình của một người đàn ông không thể mang lại cho tôi một phần của hôn nhân , đã lấy đi trong tôi một phần niềm tin rằng mình có thể biết thế nào là tình yêu .vậy thì những thứ phù phiếm đó có thể đem lại cho tôi hy vọng được chăng. tôi từng nói với sinh viên của mình rằng thứ mà các bạn đang thấy là những thứ rất xấu xí nhưng cái mà mà bạn đang tưởng tượng ra lại rất tốt đẹp. điều đó cho thấy con người ta đang lý tưởng hóa mọi vật. còn những người làm nghệ thuật như chúng ta thì sao đôi khi những lập dị lại tạo ra những tác phẩm nghệ thuật những đổ nát lại có thể đem đến nhiều cảm xúc hơn mọi cái hoàn mĩ.
Kì nghỉ của tôi qua rất nhanh, mới đó trường tôi đang cộng tác gọi tôi về hoàn thành nốt môn cuối cho sinh viên. Cũng đã vào mùa đông như thế này năm ngoái tôi còn ngồi uống cà phê với họ thâu đêm để chuẩn bị cho việc làm tác phẩm tốt nghiệp, cho tới tận mùa hè chúng tôi mới hoàn thành công việc. thời gian tưởng dài mà lại rất ngắn mới đó mà tôi đã đi qua một mùa hè rực lửa và lại tiếp tục cùng một lứa kế tiếp say xưa với điêu khắc.
Nghĩ sẽ lâu lắm mới về lại nên tôi lên dốc hướng thẳng lên đồi, đá đôi giầy lên những vạt cỏ mềm đẫm sương đêm cho nó bớt đẹp đi mà có chút không đành, nó cứ đẹp như vậy thì khiến tôi không lỡ xa nơi này hơn. Tôi khoác chiếc áo bông xù xì và đặt trên bậu cửa nhà Pitbull một mảnh gốm tôi từng làm với sinh viên khi đi dã ngoại, nó có hình một khúc xương, chẳng hiểu sao tôi luôn đeo nó ở túi xách rồi nghĩ nó hợp với Jodie. Tôi từng nghĩ mình sẽ có những ngày tháng gặm nhấm nỗi cô đơn tuyệt vọng của mình ở nơi này thế mà tôi ở một phương diện nào đó tìm thấy vẻ vốn có của mình nhờ những người bạn mới, nơi này đã từng có những giờ phút vui vẻ của tôi, một hoài niệm tốt đẹp trong lúc cuộc sống và tâm trạng tôi chới với. Trong chuyến xe trở lại thành phố, tôi ngắm mùa đông ảm đạm bên ngoài khung cửa nghĩ vẩn vơ mãi tới khi phát hiện một chiếc w màu vàng chạy song song với chiếc xe khách tôi đang ngồi và Jodie giống như là đang cười với ánh mắt lim dim nhìn tôi qua ghế sau. Tôi vẫy tay tạm biệt chiếc xe vẫn chạy theo mãi cho tới hết con đường tỉnh lộ mới rẽ đi hướng khác.
Tôi vẫn đến trường ngày hai buổi, đầu tóc và quần áo lấm lem đất lặn, vẫn gặp người đó thường xuyên đến độ cảm xúc đan xen lẫn lộn rất khó chịu, đôi khi tôi muốn chạy đến nắm lấy bàn tay anh rồi lại thấy mình giống một đứa cứ trẻ hồn nhiên đòi hỏi ở anh sự che trở là điều không bao giờ được phép nên lại thôi. Anh vẫn đi qua tôi đôi mắt trìu mến thân thương của một người thầy đáng kính, chỉ có tôi và thứ tình cảm không nên tồn tại này cứ đã đi quá xa và tôi có cảm giác mình là một người xấu xa đến cùng cực. Ánh Dương từng nói sự gai góc bởi vẻ ngoài lãnh đạm của tôi giống như một kết giới giam hãm ý nghĩ của người khác khiến họ mãi ở vị trí muốn tìm hiểu xem tôi đang nghĩ điều gì, mà thật ra vẻ ngoài có phần phức tạp của tôi lại chỉ là vỏ bọc che đậy một tính cách cự kì đơn giản. Và chỉ có tôi là người chịu nhiều thương tổn khi cứ luôn che giấu cảm xúc bằng vẻ khó hiểu như thế nên chỉ khiến bản thân mình khổ sở hơn mà thôi. Vì vậy tôi bắt đầu suy nghĩ theo chiều hướng giống như mình tự giăng ra một thứ kết giới chỉ cần tôi thay đổi thái độ của mình thì kết giới đó cũng tự động mất đi. Vậy là tôi thản nhiên bước qua anh, đôi mắt vô định nụ cười nhàn nhạt và bắt đầu nghĩ về một thứ bình yên dịu dàng khác. Trái tim có thổn thức rồi cũng có lúc dịu lại chỉ cần thời gian khiến ta tập quen với điều đáng chán này và một ý nghĩ tích cực lóe lên sẽ khiến bạn làm được điều tưởng như không thể ấy.
Một ngày Ánh Dương đứng trước cửa phòng tôi, vì phải làm việc khuya nên tôi ngủ dậy muộn. Nghe tiếng gõ cữa nhưng phải mười phút sau mới rứt khỏi cái chăn ấm mà đi ra, cũng vì sự kiên trì của người bấm chuông mà tôi mới bực bội đến thế.
"Chuyện gì?" tôi hỏi giọng nói chứa đầy nộ khí nếu là nhân viên thu tiền thì hẳn đây là giữa tháng. Mắt tôi vẫn nhắm nghiền mặc kệ là ai đang ở trước mặt.
"Tính cô vẫn xấu như ngày nào" giọng Ánh Dương nhè nhẹ làm giác quan của tôi dần thức tỉnh.
"Sao biết nhà tôi?"
"Chuyện ấy thì có khó gì Ánh Dương thản nhiên đi vào trong mà chưa cần tới lời mời của tôi... Nhìn cô vẻ như phải làm việc thâu đêm vậy?"
"Ừ!" tôi trả lời cụt ngủn rồi vào trong bếp lấy một cái hộp đựng thức ăn trong tủ lạnh cho vào lò vi sóng lại rồi đi nấu cơm. Dù thế giới này có sụp xuống tôi vẫn phải ăn cơm đó là nguyên tắc bất di bất dịch của Vũ Trầm Hạ tôi.
"Có món thịt bò hầm rau củ công phu của tôi, anh ăn cơm nhé?"
"Tôi thấy cô vo nhiều gạo?"
"Đúng vậy, tôi nghĩ anh sẽ ăn" giọng tôi bình thản và chắc chắn với điều mình thốt ra đến độ khiến Ánh Dương có phần ngạc nhiên.
"Giờ này đã chín giờ rồi cô nương, tôi chắc mình không muốn ăn sáng hai lần" - đây là một dạng châm biếm thường thấy của Ánh Dương, người đàn ông lúc nào cũng rất nguyên tắc.
"Không sao cơm còn lại tôi dùng cho bữa tối không mất đi đâu mà sợ" tôi không mảy may quan tâm đến việc anh ta châm chọc mình thế nào. Tôi vẫn vậy nấu một bữa ăn hai.
"Cô ăn uống thất thường như vậy ư?" Ánh Dương tỏ ra ngạc nhiên, tôi hiểu điều anh ta thắc mắc nhìn chung đó là một dạng lười cơ bản của những người có ít thời gian dành cho bản thân như tôi.
"Tôi biết cách chăm sóc cho bản thân mình anh không cần phải lo lắng, dẫu sao thì tôi đã sống như vậy bảy năm nay. Từ khi hai mươi tôi đã có một ý nghĩ sống rất phóng khoáng đó là làm những gì tôi thích, chẳng nhẽ đến ăn cũng không được tự do?"
"Tự do và ăn cơm đâu có liên quan tới nhau, ăn như vậy thảm nào trông cô có phần..." sau cái câu nói lấp lửng ấy tôi đoán biết Ánh Dương muốn nói tôi cò hương. Tôi nhìn anh ta ra điều phật ý nhưng kì thực đã biết rõ những điều anh ta nói hoàn toàn chính xác.
" Ý tôi là... mình hạc sương mai" Ánh Dương tủm tìm cười, nụ cười ẩn chứa sự nịnh bợ.
Tôi suýt chút nữa phun hết nước trong miệng ra vì lời tán dương giả rối nhưng đầy chất thơ ấy của Ánh Dương, đáng chết là tôi lại thích nghe những lời như vậy.
Chúng tôi ngồi ăn đối diện nhau qua chiếc bàn nhỏ xíu dành cho cá nhân, Ánh Dương ngồi nhìn tôi ăn là chính anh ta thỉnh thoảng nhấp một ngụm trà. Kể chuyện hồi du học Nhật Bản có đi thưởng ngoạn trà đạo rốt cuộc thì trà đó vẫn không ngon bằng trà của nước mình. Kĩ thuật pha trà của họ quá cầu kì nâng lên mức trở thành một tín ngưỡng không đơn giản như trà bình dân vài ngàn một cốc dưới những gốc xà cừ, gốc me gốc xấu vỉa hè, đơn giản mà hiệu quả lại cao luôn được trọng dụng trong cuộc lựa chọn của những người có thiên hướng sống giản đơn. Về điểm này chúng tôi giống nhau.
Nguyên ngày đó chúng tôi dành cho việc thăm quan mấy chỗ di tích lịch sử trên một chiếc xe cup cổ điển nhưng tiếng máy êm dịu, chạy khắp thành phố trong cái lạnh run người. Ghé qua công viên ngồi ăn xúc xích nóng rồi đi về như hai kẻ vô tích sự. Nhưng cuộc gặp gỡ không có gì đặc biệt ấy lại khiến ngày của tôi có ý nghĩa hơn, chỉ khi màn đêm tới tôi hoàn toàn là con người khác, sự trầm tư khiến tôi phải dùng đến thuốc an thần. Tôi tự hỏi đã bao lâu quên mất việc nhấp nháp một viên thuốc trắng trắng không có gì đặc biệt nhưng lại có sức thuyết phục ghê gớm đến thế.
***
Kết thúc những ngày cuối cùng với nhóm sinh viên năm cuối đó là một ngày cái rét không còn cắt da cắt thịt. Chúng tôi tiến hành liên hoan chia tay. Việc dĩ nhiên thường diễn ra khi tôi chịu trách nhiệm với các nhóm học trò trong suốt một quá trình dài làm việc. tôi không đòi hỏi họ những món quà nhưng một bữa gặp gỡ ăn uống thì không bao giờ từ chối, có lẽ do bản tính ham vui của tôi ngay khi còn trẻ. Sẽ không quá khó khăn với tôi nếu như người đó không xuất hiện với tư cách là người đồng hành cùng họ trong suốt hai học kì. Ngoài tôi còn vài đồng nghiệp khác nữa cuộc vui chợt biến thành sự khó chịu đối với riêng tôi.
Trong suốt những năm qua, Tôi đã chạy trốn khỏi cảm xúc sẽ yêu một ai đó quá nồng nàn thế nhưng cũng giống như một viên thuốc an thần bạn sẽ tỉnh lại khi thuốc hết tác dụng. Quanh đống lửa cháy sáng người đó nhìn tôi, đôi mắt chứa đầy sự tuyệt vọng, có những rào cản không thể nào bước qua đối với một người phải có trách nhiệm với gia đình bên mình. Tôi bỗng thấy lòng nhẹ nhõm khi nghĩ thông suốt nhưng bây giờ nhìn vào ánh mắt đó lòng tôi lại trĩu những suy tư. Thật ra yêu một người không nên yêu là một sự mâu thuẫn nội tâm ghê gớm là nửa muốn chiếm hữu nửa mong cho họ được hạnh phúc còn bản thân mình thì mặc kệ, vừa muốn chạy trốn vừa muốn gặp gỡ như thể hai con người cùng tồn tại trong một thể xác. Cái đó là bản ngã một xấu một tốt trong mỗi con người cái mà Elizabeth Gilber viết trong cuốn tự sự của mình khi đi thăm thú những vùng đất để cố gắng tìm kiếm chân lý và thoát khỏi trầm cảm dường như cũng xuất hiện trong tôi, nhưng thay vì đi đâu đó tôi chấp nhận nhốt mình một chỗ và rồi an tĩnh suy nghĩ một thời gian đủ dài để tự mình đưa ra kết luận và rồi tôi quyết định sẽ thực sự quên anh đi. Nhưng bằng cách nào nhất thời