Ring ring
Ngoài biển là nhà

Ngoài biển là nhà

Tác giả: Sưu Tầm

Ngoài biển là nhà

( "Tháng năm không ở lại")


Tôi ngồi xổm xuống, tháo giày ra, lặng lẽ xỏ dây giày. Cứ tháo ra xỏ lại miết cho tới khi nước mắt ngừng chảy. Tôi mất anh ấy rồi.


***


Tôi thường đến trường sớm, tầm sáu giờ sáng. Trời khi ấy hãy còn hơi sương ẩm ướt. Thành phố nửa muốn dậy chào ngày mới, nửa lại muốn rúc đầu vào màn sương mỏng ngủ tiếp.


Ngoài biển là nhà


Trang thắc mắc không biết tôi làm cái quái gì ở trường vào giờ ấy. Tôi tặc lưỡi:


- Thì...tao rình trai.


- Có trai cho mày rình á?


- Ờ thì...chậc, chỉ có bác bảo vệ thôi.


- Biết ngay mà, làm gì có ai - Trang lẩm bẩm một mình như kiểu phát hiện ra điều gì ghê gớm lắm. Tôi cười tủm tỉm.


Thật ra tôi cũng không lí giải được tại sao mình lại thích đi học sớm. Cũng giống như việc tôi nhất định phải uống nước sau khi đánh răng xong hay tháo dây giày xỏ đi xỏ lại vài lần mỗi khi tâm trạng "bấn loạn" vậy.


Thường thì tôi chạy một lèo lên tầng bồn thư viện, vừa chạy vừa ré. Lên tới nơi, tôi thở hồng hộc, uống nước, ăn ổ mì, cặm cụi học bài. Cũng có khi tôi làm vài việc khùng điên, như sáng nay chẳng hạn. Tôi chắp hai tay sau mông, đi đi lại lại trước bản tin của trường. Nét chữ mềm trên bảng tin khiến tôi mím miệng cười. Sau không chịu nổi, tôi cười khùng khục, nói oang oang một mình:


- Ui cha, công nhận chữ mình đẹp sảng hồn luôn!


Lúc chuyển từ trạng thái tít mắt sang hé mắt, tôi giật phắt một cái khi thấy gã trai ngồi thù lù ở chân cầu thang bên phải. Hắn cũng đang tròn mắt nhìn tôi:


- Thư?


- À..ừ...chào Thành. Cậu đi sớm thế?


Tôi xuề xòa đánh trống lảng, trong đầu lẩm nhẩm gọi tên các vị thánh, cầu mong cậu ta không nhìn thấy hành động điên rồ vừa nãy. Hoặc giả có thấy thì lơ đi dừng nói với ai, nếu không chắc tôi ế quá!


Thành không có vẻ gì cười cợt hay trêu chọc, thậm chí một cái nhếch mép cũng không. Cậu ta giơ máy ảnh ra, bảo:


- Tớ vừa mua cái này nên đi sớm chụp vài tấm.


- Wow, máy đẹp quá!!! Tớ xem được không?


- Dĩ nhiên rồi. Cậu ngồi xuống đi, đứng lâu mỏi chân đấy.


- Hề hề, cậu tốt ghê.


Thành im lặng nhìn tôi trầm trồ ngắm nghía. Thi thoảng tôi chu môi "Đẹp quá chời ơi chời ơi", cậu chỉ cười. Thành hỏi tôi liệu có muốn đi chụp chung với cậu không, cậu không biết chọn góc thế nào cho phù hợp, không biết bố cục kiểu gì, ánh sáng ra sao... Tôi suy nghĩ hồi lâu, chép miệng tiếc rẻ:


- Chắc tớ không đi được đâu, lịch học kín mít.


- Ừ thôi vậy.


Tôi dòm qua, thấy mặt cậu buồn buồn.


Nghe "giang hồ" đồn Thành hay đánh nhau gì gì đó, có "máu mặt" máu mũi gì gì đó nên tôi không dám chơi. Các cụ dạy rồi, gần mực thì đen.


Ờ mà sao lúc này tôi thấy Thành hiền khô hà. Mấy người ác mắt phải trợn trợn, miệng bặm lại, đi tới đâu sát khí nặng mùi tới đó cơ. Đằng này Thành mặc sơ mi trắng, đeo cái máy ảnh như gã lãng tử. Chưa kể cái lúc mặt trời thò lên, vài tia nắng rọi vào tóc cậu ấy, phơn phớt vàng, nhìn đẹp. Chắc Thành không phải người xấu đâu. Mà thôi, chậc, cẩn thận vẫn hơn.


Mới hôm trước nghĩ về Thành hơi tốt đẹp chút thì hôm sau cậu bị gọi lên để "biêu dương" trong giờ chào cờ, cùng một gã nữa.


Tôi nhận ra gã trai đứng bên Thành, mà như thầy đọc trong biên bản kỉ luật thì là người bị Thành đánh. Hắn chuyên trêu chọc tụi con gái. Hắn ép mấy em xinh xinh lớp dưới ngồi lên đùi cho hắn vuốt ve. Lạ ở chỗ không ai dám lên tiếng.


Hôm lên văn phòng đoàn nộp sổ cờ đỏ, tôi bị hắn ngoắc lại:


- Tên Thư học C3 phải không?


- Phải


- Cho hôn cái được không?


- Khùng!


Tôi xăm xăm bỏ đi, bị hắn giật ngược lại, ép vào tường. Tụi bạn hắn reo hò cổ vũ. Có đứa còn rút điện thoại ra quay phim chụp ảnh gì đấy. May lúc đó có thầy đi ngang qua, hắn gãi đầu giải thích loạn xạ. Tôi lườm hắn, bỏ về lớp.


Bố tôi bảo sẽ làm ra trò vụ đấy. Mẹ đề nghị chở tôi đi học. Tôi tiếc vì không được đến trường sớm nữa, nhưng lại hả hê trong bụng vì bố sẽ "xử đẹp" thằng dê xồm ấy, cho nó khỏi huênh hoang bệnh hoạn.


Chào cờ xong, trong dòng người nhốn nháo, tôi nghe cổ tay mình bị ai đó nắm chặt lôi đi. Chạy lên đến tầng bốn thư viện, tôi thở không ra hơi, ngồi bệt xuống. Thành vẫn không chịu buông cổ tay tôi ra, cậu ngồi theo, cười cười. Tôi tròn mắt:


- Cậu cười gì? Kéo tôi lên đây làm gì?


- Má cậu hồng hồng dễ thương


- Điên! Về lớp đây.


- Này, lần cuối tớ đánh nhau đấy, từ nay tớ không nhúng tay vào mấy vụ đánh đập nữa đâu.


- Thì sao?


- Không...không sao cả, tớ nói vu vơ thôi. Cái này cho cậu_Thành dúi vào tay tôi vỉ thuốc ngậm ho_Mấy hôm nay thấy cậu ho suốt. Gắng giữ gìn sức khỏe.


Tôi nhìn theo Thành từ phía sau, ngơ ngác không hiểu cậu ta đang nói gì. Thuốc ngậm ho, tự nhiên tôi bật cười.


Tôi bắt đầu chú ý đến Thành một chút.


Ngoài biển là nhà


Cậu ta đi học chỉ dắt cuốn vở "tổng hợp" (ghi nhiều môn) với cây bút sau túi quần, thong dong như học sinh lớp 10. Ấy vậy mà những ngày giải thử đề thi đại học, cậu ta làm người khác bất ngờ bởi sự thông minh của mình. Giải toán, cậu ta có những cách làm vừa sáng tạo vừa dễ hiểu.Trong lúc thầy đọc mấy câu trắc nghiệm hóa thì cậu ta không chép mà chỉ bấm máy rồi chọn luôn kết quả. Và kết quả luôn đúng.


Nhiều đứa con gái trầm trồ ngưỡng mộ. Thầy cô bộ môn bất ngờ. Tôi không có cảm xúc gì đặc biệt. Việc cậu ta như thế nào chẳng liên quan tới tôi. Cậu ta, như bao người khác, thò thò cái chân vào cuộc sống của tôi, rồi thấy lạnh lẽo, rồi rụt lại. Tôi cười vì những suy nghĩ trẻ con của mình.Sinh nhật mười tám tuổi, giữa lúc nước sôi lửa bỏng vì hai kỳ thi quan trọng sắp tới, tôi dẹp sách vở sang một bên, bắt xe ra biển. Ra tới nơi thì cái bánh sinh nhật chảy nước nhão nhoẹt, nhìn tội tội thế nào.


Tôi ngồi một mình trên cát mịn, hát khe khẽ bài "Khúc hát mừng sinh nhật", nước mắt túa ra. Không biết Thành đi theo tôi tự bao giờ, cậu ta im lặng ngồi xuống bên cạnh. Tôi không buồn chào, khẽ nấc một cái, vội lau nước mắt.


- Thử nói tớ nghe xem nào, những nỗi buồn của cậu.


- Ngoài đó là nhà, phải không?


Tôi chỉ tay về phía con tàu bé tí ngoài khơi xa. Một đốm trắng nhỏ xíu trên nền đại dương mênh mông. Tôi tin đó là nhà. Hồi tôi còn bé, bố đã bảo với tôi như vậy. Tôi hồn nhiên mơ về ngôi nhà trên biển, tôi thích có nó, ngôi nhà trơ trọi giữa mênh mông sóng gió, như tôi.


Sau này mọi người bảo tôi điên, đó là con tàu thôi, nhà ở kia kìa, sau lưng ấy. Bố cũng đính chính lại rằng đó là tàu. Tôi khư khư ôm giấc mơ của mình, không hé miệng nói với bất kì ai về đốm trắng ấy nữa.


Thành nhìn theo hướng tay tôi chỉ, đáp tỉnh queo:


- Ừ, cậu còn phải hỏi nữa, nó là nhà mà.


Tôi nhìn Thành, trơ ra. Chúng tôi im lặng.


***


Buổi học cuối cùng trước khi nghỉ hè ôn thi tốt nghiệp, Thành lại đánh nhau. Nạn nhân là thằng Hải "ruồi". Tôi chứng kiến cảnh Thành vật thằng Hải ra, đấm túi bụi vào mặt nó. Tôi cố gắng rẽ đám đông, níu tay Thành lại. Ánh mắt cậu từ từ dịu xuống. Cậu buông thằng bạn cùng lớp ra, phủi phủi áo quần, tránh cái nhìn của tôi.


- Tôi tưởng cậu thay đổi vì tôi thật. Hóa ra ngựa quen đường cũ, côn đồ vẫn chỉ là côn đồ thôi.


Suốt buổi đó, Thành không học. Tôi nghe lòng trống hoác, đau đau. Trống đánh hết tiết, cậu trở về trong tình trạng say khướt, mùi rượu nồng nặc. Cậu kéo tay tôi đi, mặc cho các bạn há hốc mồm nhìn.


- Cậu lại kéo tôi lên đây làm gì?


- Anh yêu em!


- ...


- Anh nhìn trộm em, đi theo em. Anh không đánh nhau, không uống rượu, bỏ thuốc lá. Anh gắng học để lo cho em. Anh đã thay đổi rất nhiều, không còn là thằng Thành chuyên gây chuyện nữa. Vì em, anh sẵn sàng làm tất cả, kế cả thay đổi bản thân. Anh muốn lo cho tương lai của em sau này, biết không Thư?


- Tôi tự lo cho mình được.


- Thằng đó, gì nhỉ, à, Hải. Hắn dám bảo em chỉ là hạng bèo, tán ba ngày đổ, anh không kìm được, anh...


- Cậu say rồi, về đi!


- Anh yêu em.


Thành giữ chặt vai tôi, ghé mặt xuống. Rất gần. Rất gần. Mùi rượu. Hơi thở. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Đột nhiên cậu buông tôi ra, nhả từng chữ một qua kẽ răng: Tôi- không- phải- côn- đồ.


Cậu bỏ đi. Đi hẳn.


Tôi đứng khóc một mình. Muốn chạy lại để xin lỗi Thành, để nói tôi lỡ thích cậu rồi, tôi sai rồi, đừng giận nữa. Nhưng tôi chỉ biết chôn chân nhìn cậu ấy đi khuất. Thành sẽ chẳng tha thứ cho tôi đâu, cậu ấy không tin tôi đâu.


Tôi ngồi xổm xuống, tháo giày ra, lặng lẽ xỏ dây giày. Cứ tháo ra xỏ lại miết cho tới khi nước mắt ngừng chảy. Tôi mất anh ấy rồi.


Chúng tôi đã không gặp lại nhau. Thành khóa Facebook, thay sim điện thoại. Nghe bảo cậu đậu vào một trường Đại học danh tiếng ở Hà Nội. Tôi vào Sài Gòn học nhiếp ảnh, hiện thực hóa ước mơ của mình.


Thi thoảng nhớ cậu ấy, tôi lại chơi trò buộc dây giày.


Tôi tự hỏi cậu có hận tôi không. Có phải những lời tôi nói đã cứa vào cậu những vết thương sâu hoắm? Liệu những dằn vặt trong tôi chừng ấy tháng năm có khiến cậu nguôi ngoai mà tha thứ cho con bé tôi mười tám tuổi dại khờ?


Nếu gặp nhau, tôi sẽ hỏi Thành điều này, rằng anh có muốn trở thành nam chủ nhân của ngôi nhà trên biển ấy không...


Trần Thị Phượng

2hi.us