Kẻ sống chung nhà
Kẻ sống chung nhà
(Admin - "Tháng năm không ở lại")
Nhìn bộ dạng hắn nhàu nhĩ và đau khổ cùng tận. Nước mắt đàn ông hiếm hoi rơi vì tình mới thấy tình yêu quả có sức hủy diệt ghê sợ.
***
Tôi quen hắn từ những ngày còn là học sinh cấp Ba. Hắn đến trọ ở nhà tôi khi đang là sinh viên Đại học Y. Mẹ tôi chẳng ưa gì hắn, một thằng con trai giống mọi thằng con trai nhà quê khác, trông hắn luộm thuộm và hôi hám.
Ngày trước, tôi chỉ chực cười phá lên mỗi lần mẹ la ó hắn hãy dọn dẹp phòng cho gọn gàng và đừng có để cái mùi hôi kinh khủng ấy tỏa ra trong nhà. Hắn lành như đất. Mẹ tôi mắng như cơm bữa song hắn vẫn cứ để kệ thế, cũng không phản ứng lại dù chỉ một lời cằn nhằn hay phá phách bằng việc xô đổ chậu cây ngoài ban công hoặc đổ cơm thừa xuống bồn cầu rồi gạt nước cho tắc hỏng nhà vệ sinh. Hắn chẳng bao giờ làm thế! Một biểu hiện lịch thiệp nhất trong con người của hắn đấy ư? Sự nhẫn nhịn ấy của hắn có khi làm tôi phát cáu. Nếu phải tay một đứa nóng tính như tôi, chắc tôi phải tru tréo lên mà cãi nhau tay đôi với một mụ chủ nhà ghê gớm. Chỉ có thể nói là "nếu...", còn thực tế bà ấy dù kinh khủng đến đâu thì tôi cũng không thể thay thế cách gọi "mẹ" bằng một cái tên khác.
Tôi ở kế phòng với hắn. Mẹ tôi vẫn dặn:
- Nó là con trai, mày phải kín đáo một chút, bà dặn tôi. Nhớ đóng cửa nếu ở trong phòng để tránh thằng nhãi ranh kia thập thò nhòm ngó biết chưa?
Tôi cười sằng sặc mỗi lần bà tỏ vẻ nghiêm trọng dặn dò. Lần đầu tôi nói chuyện với Hoàng. Tên của hắn là Hoàng. Gọi là nói chuyện có vẻ như làm giảm đáng kể cách định nghĩa chuẩn xác một thông ngôn. Thực ra tôi mắng xơi xơi vào hắn khi mình bị ngã sõng xoài ngoài ban công. Tôi nghĩ bụng:
- Chỉ có hắn, chỉ hắn làm đổ nước lênh láng ra đây làm mình ngã.
Tôi tru tréo lên hệt như khi mẹ tôi thường cư xử với hắn. Chắc nét tính cách đặc thù này là đặc điểm di truyền rõ rệt nhất giữa tôi và mẹ.
- Anh là loại vô ý thức. Anh làm gì để nước lênh láng ra sàn thế hả?
Hắn tỉnh bơ nói xin lỗi, cũng không hề đỡ tôi dậy. Tôi đâm ra căm ghét hắn. Khinh bạc hắn. Dường như tôi chưa tìm được lý do ngụy biện cái việc mình không tỏ ra thương yêu đồng loại như chính bản thân mình. Và tôi như điên lên khi có lần trông thấy con mèo thân yêu kêu giọng hoảng sợ, còn hắn thì thấp thểu đi vào phòng từ phía ngoài cửa, hình như là nhặt chiếc dép đi trong nhà đã dùng ném con mèo. Hắn chẳng hề yêu động vật. Thế mà hắn học bác sĩ. Hay bác sĩ chữa người khác cách đối xử với mèo? Tôi mong cho hắn bị thất nghiệp. Tôi rùng mình nghĩ đến cái lương đức nghề nghiệp của hắn khi dám cả gan mắc sai phạm tày trời - ném con mèo của tôi.
Tôi đã gọi con mèo đủ độ tha thiết, song dù thế nào nó cũng không chịu thò đầu ra. Con mèo tỏ ra hoảng sợ bao nhiêu càng chứng tỏ cú lia dép tăng thêm độ mạnh. Tôi phóng thẳng mắt vào phòng hắn không gõ cửa, trong đầu đã vạch sẵn một đoản ca chửi bới có bài bản. Thế nhưng chẳng ai đoán biết được sẽ có một tình huống quái gở nào đó đột nhiên chen ngang. Tình thế thay đổi hoàn toàn khi tôi không chửi hắn theo kịch bản chuẩn bị sẵn. Mặt tôi đỏ lựng hay tái xanh khi đó tôi cũng còn nhớ rõ, chỉ kịp hét lên một tiếng thất kinh rồi đóng rầm cửa chạy xuống dưới.
Mẹ tôi nói vọng từ tầng 3 xuống:
- Con kìa, làm gì mà mày gào lên thế? Có biết đang là buổi trưa không?
Có chết tôi cũng không dám nói với bà vì sao tôi gào lên như thế. Và cuốn nhật ký cũng không dám ghi chép lại vì sợ có ai đó vớ lấy đọc thì bẽ bàng mặt mày. Bây giờ chỉ làm cái việc thuật chuyện nên tôi chẳng phải dè dặt, giấu giếm gì. Tôi hét lên là vì lúc đó ... hắn đang thay quần. Và ít nhiều tôi cũng nhìn thấy hắn trong bộ dạng thiếu vải. Tôi ngại nhắc lại chúng một cách nguyên bản.
***
Ngày thứ Bảy tuyệt đẹp! Trời mùa hè trút xuống trận mưa đêm mát lành nên tôi tính ngủ tít đến khi mẹ gọi dậy ăn trưa. 9h sáng, tiếng gõ cửa phòng khiến tôi cáu kỉnh:
- Mẹ để con ngủ thêm lát nữa.
- Không phải bác gái. Là tôi, Hoàng đây.
Tôi mắt nhắm mắt mở nói vọng qua lớp cửa dày:
- Anh định kiếm chuyện gì vào sáng sớm thế?
Hắn ậm ừ nhát ngừng:
- Tôi có việc cần cô giúp.
Tôi khó chịu bò xuống giường quên mất trên người là quần áo ngủ mỏng manh, không bận đồ lót:
- Gì đây hả anh bạn cạnh phòng yêu dấu?
Câu nói khinh khỉnh của tôi được hắn biến tấu nâng lên thành sự hài hước. Hắn cười. Đó là lần đầu tiên tôi thấy hắn cười. Hắn không xấu. Có điều sự lầm lỳ và bừa bộn của hắn khiến mẹ tôi không ưa nổi.
- Tôi muốn mượn 500.000đ. Tôi...tôi hứa sẽ trả sớm.
- Tôi làm quái gì có xu nào mà vay? Mà anh vay làm gì thế đồ hôi hám?
Ánh mắt hắn hiện vẻ đáng thương tội nghiệp. Hắn kể ngắn gọn:
- Mẹ cô giục tiền điện nước tháng này. Tôi không còn xu nào cả. Tháng lương tiền làm thêm của tôi cũng hết rồi. Tôi chỉ mượn tạm ít ngày thôi.
- Anh biết tiêu tiền quá nhỉ? Một tháng làm mà tiêu rụi trong vài ngày sao? Tôi không dư dật để cho một kẻ không quý trọng sức lao động như anh vay đâu.
Hắn không đáp lại, quay đi. Tôi nhếch mép khinh bỉ, đóng sầm cửa lại. Tôi khát ngủ hơn việc quan tâm đến chuyện của một thằng cha thuê trọ như hắn. Hình như suy nghĩ ấy diễn ra rất ngắn.
Thế mà cũng mất 10p tôi ngồi bần thần nghĩ ngợi. Tôi bắt đầu nghĩ xem hắn phá phách gì mà hết. Chơi gái, đi bar hay mời bạn ăn uống tơi bời một trận? Không! Một con người quanh đời không hé môi trừ lúc đánh răng, ăn, uống, ngáp, may ra có thêm lúc thầy cô gọi trả bài hoặc thi vấn đáp như hắn có lẽ nào hắn có bạn bè hoặc cả những trò yêu đương? Tôi nghĩ hắn có chuyện gì đó. Tôi gõ cửa phòng. Phải đợi mất 5phút cửa phòng mới hé mở. Mắt hắn đỏ hoe. Tôi không nghĩ hắn khóc mà hỏi một câu ngây thơ:
- Vẫn còn tiền ăn mỳ tôm Hảo Hảo chua cay nên bị cay mắt cơ mà. Tôi hết biết anh luôn rồi.
Hắn không nói. Tôi ngồi xuống giường tự nhiên vì là nhà mình nhưng hành vi ngồi mép giường lại có vẻ hao hao giống chị mặt lưỡi cày trong truyện "Vợ nhặt" của ông Kim Lân trong ngày gặp bà cụ Tứ. Phải nói là căn phòng hôm nay không bừa bộn lắm! Nó gọn gàng và thơm tho lạ thường.
Tôi đưa cho hắn 700.000đ. Lần đầu tiên tôi làm cái chuyện ấy. Cái chuyện nghe tưởng là khôi hài nhất trong cuộc đời này khi một đứa con gái mang tiền nhà mình cho một thằng thuê trọ mượn để nó lại lấy số tiền ấy trao tận tay cho mình. Tôi vẫn tò mò. Ở tuổi của tôi, con gái, con trai ai cũng tò mò như thế cả nhưng tôi không biết hỏi gì hắn. Tôi đứng dậy, bước ra khỏi phòng hắn.
Hắn gọi với theo:
- Cảm ơn Hân nhiều.
Cả trưa hắn không ngủ. Hắn lịch kịch như phá nhà gì đó. Buổi chiều tôi thấy bóng hắn xuống nhà, chắc là nộp tiền điện nước cho mẹ. Tôi cười một cách thật lòng. Ngó sang bên phòng hắn, chiếc ba lô to kềnh để sẵn trên giường. Hình như hắn chuẩn bị đi đâu đó. Chắc hắn về quê. Mày quan tâm chuyện đó làm gì? Tôi đóng của lại trước khi hắn trở lại.
Tôi đánh một giấc đến chiều tối. Một cuối tuần "tuyệt sờ vời" trong một cuộc đời đang phơi phới. Hắn đi vắng. Mẹ tôi cũng không có nhà. Bọn sinh viên nữ xung quanh đa phần là bọn học Văn. Chúng cứ im thin thít. Mắt chúng cận lòi ra. Cặp kính dày như đít chai chúng vẫn đeo mà có khi đi vẫn suýt va đầu vào mình đủ biết chúng học hành kinh khủng thế nào. Chúng kém thân thiện. Cứ như thể bọn trọ ở đây sinh ra là để sống cùng một căn nhà, để cùng nhau nhiễm một căn bệnh kinh dị -- bệnh lầm lỳ như mấy loại sinh vật biển chết không mở miệng.
***
Vắng hắn thấy nhà cửa im ắng dù có hắn ở đây cũng chẳng ồn ã, vui vẻ gì. Đến ngày thứ hai thì tôi trộm nghĩ:
- Hay hắn vay rồi bùng tiền rồi? Chứ trong tuần sao hắn không về lấy sách đi học?
Hắn mất nết. Hắn đi biền biệt hai ngày rồi. Nhưng đồ đạc vẫn còn, dù là chiếc gối cũ, chiếc chăn rách, bộ quần áo thổ tả và ít sách vở quăn queo, cũ nát mà hắn chưa cuỗm chúng đi. Tôi thấp thỏm nhưng không hiểu mình như thế này là bị bệnh gì về cảm xúc. Hay mình nhớ hắn rồi cũng nên? Chắc không phải đâu. Tôi gò mình nghĩ rằng hắn là con nợ thì mình phải nhắc và nghĩ đến hắn chứ! Điều đó không sai nhưng quả thực là không đúng đắn. Tôi nghĩ nhiều đến hắn nhưng không dám tin mình nhớ hắn.
Hắn đã về. Bơ phờ và mệt tã. Hắn đi qua trong lúc tôi đang mở tủ lạnh lấy chút đồ uống lạnh. Khi hắn thấp thểu bước lên bậc cầu thang, tôi gọi với theo hắn rồi ném một quả táo chín mộng. Hắn không đỡ trúng vì mắt hắn mệt mỏi quá rồi hoặc hoa mắt vì đang ở ngoài nắng đi vào chỗ râm.
Tôi chế giễu hắn:
- Miếng ăn mà không bắt được thì anh sống uổng phí lắm!
Tôi không biết là đường bay của quả táo lại mạnh đến nỗi làm mũi hắn chảy máu. Hắn đau. Hắn lờ tảng, chịu đựng cơn đau ấy. Hắn leo lên gác. Tôi hoảng sợ chạy theo lên phòng đập cửa hối hả:
- Anh bị chảy máu đấy!
Nghe tôi nói, hắn nhìn xuống áo thấy vết máu đỏ tươi thấm ướt mới biết. Hắn chồm lên:
- Trời ơi máu...
Tôi nhe răng cười sảng khoái:
- Anh là thứ gì thế? Con trai học Y mà sợ máu. Hahaha.
- Tôi không sợ máu, nhưng tôi sợ người ta thấy tôi thế này lại...
Khi hắn phát ngôn ra câu đó, tôi nghĩ hắn ám chỉ mình. Mặt tôi đỏ bừng, rút tay lại khỏi quãng mũi hắn đang giữ miếng bông thấm máu.
Hắn đỡ lời:
- Ngày mai tôi đi gặp cô ấy...
Hoàng nhắc đến "cô ấy" của hắn. Chẳng rõ tôi vì đâu mà bối rối rồi hụt hẫng. Tôi lảng đi rồi về phòng, định không nói chuyện với hắn luôn. Thế mà 12h đêm hắn gõ cửa:
- Tôi về muộn quá! Trả cô tiền bữa trước mượn. Mai tôi về quê sớm luôn cho khỏi nắng sợ lại làm phiền cô ngủ.
- Mai anh về quê rồi à?
Hắn gật đầu rồi chúc tôi ngủ ngon. Hắn khép lại cánh cửa phòng tôi rồi lẩn về phòng nhanh như tốc độ của đường truyền ánh sáng. Tôi nằm vắt tay lên trán không ngủ nổi. Nghĩ đến cả mùa hè hắn không lên đây nữa thì buồn thật. Mà hắn trả tiền rồi thì mình chẳng còn cớ gì để nghĩ ngợi về hắn. Nhưng thật khó để đuổi được suy nghĩ ấy đi.
Tôi bước đến cửa phòng hắn định gõ cửa thì chợt nhớ chuyện lần trước nên khựng lại thận trọng. Tiếng thì thào hắn nói chuyện điện thoại với cô bạn gái:
- Chồng sợ ngày hôm nay qua nhanh quá! Chồng còn sợ chồng không quên được vợ...
Thấy hắn đang dở câu chuyện "romantics", tôi không gõ cửa nữa.
Về phòng nằm, tôi không nghĩ người như hắn cũng có người yêu. Mà còn xưng hô "vợ chồng" nghe đến ghê. Tôi bắt đầu ghen tuông dù điều đó rất vô lý. Kệ hắn. Báu bở gì bọn có người yêu chứ? Tôi nằm nghĩ thế đến khi ngủ quên mất.
***
Nửa tháng sau...
Buổi chiều, tôi trở về thấy phòng hắn sáng điện. Tôi gõ cửa hỏi thăm một câu lấy lệ:
- Lên sớm thế? Nhớ nàng rồi hả anh Hoàng?
- Không, tôi lên dự đám cưới cô ấy hôm nay thôi.
- Ơ, sao lại...
- Cô ấy lấy chồng Hà Nội, đẹp trai, nhà giàu. Tôi có gì mà yêu đương. Một thằng sinh viên quèn, nghèo đói như tôi... Hắn cười với tôi dù điều đó không thật lòng.
Hôm nay hắn mặc véc, bộ đồ lịch lãm của tầng lớp tư sản. Lần đầu tôi thấy hắn ưa nhìn đến vậy.
Tôi hỏi:
- Anh định đi gì đến đó?
- Ờ thì xe ôm, hắn ngập ngừng.
- Trời, xe ôm? Người ta sẽ cười vào mặt anh mất thôi. Haha.
- Cười tôi mắc mớ gì đến cô mà cười. Điên mất.
Tôi ngỏ ý theo đi, hắn từ chối. Tôi vin cớ mình có xe và không muốn mất mặt vì sinh viên trọ nhà tôi bị một đứa con gái xỏ mũi để được theo đi cùng. Theo đi để xem cô gái kia thế nào, theo đi để cô ấy tưởng hắn cũng có bồ mới xinh đẹp chừng nào chứ.
Con gái phố, da trắng như bóc, tôi chỉ quẹt quẹt tí son cho tươi tỉnh. Và cũng không muốn mất thì giờ để hắn phải đợi.
Tôi thấy hắn cười suốt trong đám cưới người yêu cũ. Kỳ thực hắn có vui gì đâu cơ chứ? Anh đừng cố vui vẻ nữa. Tôi kéo hắn ra khỏi niềm vui giả dối ấy. Hai đứa đi lang thang bên ngoài cho giải tỏa đầu óc đến khi điện thoại đổ chuông mẹ gọi về.
Mẹ biết tôi đi với hắn nên cấm tiệt. Tôi không tưởng được rằng mình đã phải khổ sở van vỉ thế nào để bà không sờ gáy mắng nhiếc, cảnh báo hắn thậm tệ. Hắn khổ sở đủ rồi.
Cuối tuần, mẹ tôi thường đi lễ bên quận Hà Đông mất hai ngày. Bọn sinh viên đứa ngủ bù, đứa đi chơi với người yêu. Tôi bị bắt ở nhà trông nhà cửa.
Tối cuối tuần, hắn đi đâu đó muộn chưa về. Tôi vẫn đợi. Tiếng động mạnh ở ngoài, tôi đoán hắn về. Chạy ra thấy hắn ngã vật ở ngoài cửa. Người hắn nồng nặc mùi rượu át hết mùi hôi hám trên cơ thể hắn những ngày nóng nực. Tôi đỡ hắn lên phòng như một cô chủ nhà tốt tính, vô tư rồi bỏ đấy. Hắn thều thào nói bằng giọng say:
- Em đừng phí thì giờ quan tâm tôi nữa. Mặc xác tôi.
Nhìn bộ dạng hắn nhàu nhĩ và đau khổ cùng tận. Nước mắt đàn ông hiếm hoi rơi vì tình mới thấy tình yêu quả có sức hủy diệt ghê sợ. Tôi nói:
- Hân đây. Không phải em người yêu cũ nào đâu.
Nhưng hắn chỉ còn ngọ nguậy trong vô thức miên man. Tôi đóng cửa về phòng mình. Tôi nói sẽ canh xem hắn có cần nước hay nhỡ lại chết oan uổng trong căn phòng này nhưng tôi cũng đã ngủ quên.
***
Hôm sau gặp thấy hắn uể oải, tôi hỏi:
- Chưa tỉnh rượu à?
- Tôi nhớ đêm qua hình như cô đỡ tôi lên phòng?
Tôi không cúi mặt cười kiểu e thẹn mà trâng tráo đúng với kiểu cư xử của một đứa con gái mới lớn:
- Tôi định mặc xác anh chết vì cảm bên ngoài rồi. Anh say trông mắc cười lắm đó.
Hắn không nói gì, chỉ lẳng lặng bước xuống cầu thang Hắn ngoái lại nhìn tôi cười mệt mỏi. Và những lúc như thế trông hắn đầy vẻ bí ẩn.
***
Hắn lại đang chuẩn bị về quê. Tôi làm hắn ngạc nhiên bằng lời đề nghị kinh điển nhất:
- Cho tôi về quê anh chơi với. Một hai ngày gì đó thôi. Hà Nội ồn ào và mòn mỏi đối với tôi quá!
- Cô nghĩ gì thế cô bé, lần đầu tiên hắn gọi tôi là "cô bé". Cô không sợ mẹ cô không đồng ý sao?
- Ơ, anh học đại học mà ngu si thế nhỉ? Tôi có quyền tự quyết đấy chứ? Hoặc là tôi nói dối bà đi cùng đám bạn cũng được mà.
Lâu lâu tôi mới ngồi xe bus. Hà Nội không còn mới mẻ nữa trong mắt đứa con gái gốc gác thuộc về nơi này. Quê hắn ở Hưng Yên, quê hương nhãn lồng "bổ ngập dao phay" lại cạnh đất vải Hải Dương, quê hương của một người họ hàng xa với gia đình tôi mà ít có dịp về.
Tôi tiếc vì sinh ra ở phố. Tôi không biết phân biệt con trâu với con bò. Không biết cây nào là lúa, cây nào là đồng vực. Mùa hè là mùa cấy. Hắn bắt tôi ở nhà vì sợ tôi nắng lại ốm. Tôi không nghe lời cứ đội chiếc nón cũ của mẹ hắn, xỏ đôi dép nhựa cứng của mẹ hắn, xắn quần quá mắt cá chân theo hắn đi nhổ mả. Hắn mệt vì nắng, đau lưng vì nhổ mạ lại chở theo tôi như đè thêm gánh nặng. Tôi vui sướng khi biết rằng hóa ra để có gạo ăn phải cắm cái cây kia xuống nước úng. Tôi thích thú muốn được vầy nước. Hắn dọa ruộng có đỉa, bị nó cắn thì ghê lắm để giảm bớt cái khoái cảm lạ đời của đứa con gái phố.
Hai ngày về quê hắn, bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Con gái khoái được khen. Bà hắn khen tôi trắng trẻo, xinh xắn lại hiền ngoan. Tôi cười tít mắt. Hắn thì nguýt dài nói "hiền gì chứ?". Nhà hắn có ba gian, không ngăn phòng, khép kín như nhà tôi. Nhà nợp ngói, mùa hè gió thổi mát rượi. Ở Hà Nội không yên bình thế này. Tôi thích trải chiếu ngắm trăng ngồi hè hóng gió mát, thích cả tiếng những con kèng kẹc kêu đêm không mỏi miệng. Tôi không quen ngủ hớ hênh trên chiếc giường đã cũ nhà hắn. Điện thoại sáng, tôi online suốt đêm. Kỷ niệm còn đây những nốt thẹo muỗi cắn.
Sáng hôm sau, tôi về Hà Nội. Mẹ hắn đi chợ sớm mua đủ thứ quà quê gửi tôi mang biếu bố mẹ. Bố tôi đi nước ngoài quanh năm suốt tháng. Còn mẹ tôi, đời nào tôi dám hé răng nói về quê hắn rong rưởi mấy ngày. Tôi cười toe toét và từ chối. Tất nhiên phải nói sẽ đi chơi tiếp ở nơi khác chứ không về nhà luôn.
Hắn đèo tôi trên chiếc xe đạp cà tàng ra huyện bắt xe khách, chiếc xe phượng hoàng màu xanh ngọc từ thuở nào rất xa xưa. Đường quê đá lởm chởm, hắn phóng nhanh như bay. Sợ ngã, tôi cứ víu lấy áo hắn.
Xe đến, hắn vén tóc tôi xõa xuống mắt rồi xách đồ lên xe. Tôi muốn ôm hắn nhưng vẫn ý thức ở quê làm thế người ta cười chết, mà tôi cũng ngại.
***
Hắn cứ sống trong căn phòng ấy đến khi ra trường. Thời gian hối hả trôi. Mới ngày nào Hoàng lên nhập học mà cũng đến ngày hắn nhận bằng tốt nghiệp. Có lẽ từ đây hắn bận lo chuyện công việc, gia đình và cuộc sống riêng. Hắn đi và không quay lại đây nữa.
Chu Thị Trang