Duck hunt
Vược

Vược

Tác giả: Sưu Tầm

Vược

Và thêm một điều khác nữa, ấy là Vược có vợ đủ ba miền Bắc - Trung - Nam.


***


Từ những đứa bé lẫm chẫm biết đi cho đến người lớn, tất thảy mọi người đều nhận thấy Vược không giống với họ. Vược nói giọng Bắc sang sảng, vun vút. Vược cao, to, da đỏ như bã trầu mới nhổ. Vược khác hẳn với đám người miền Trung lủng củng với "chi, mô, răng, rứa". Và thêm một điều khác nữa, ấy là Vược có vợ đủ ba miền Bắc - Trung - Nam.


Vược


Nghe thiên hạ kể lại, thì quê Vược ở đâu tít tận Hải Phòng. Gia đình Vược vốn có truyền thống làm cách mạng, bố và anh trai đã ra chiến trường, nên học dở phổ thông thời ấy, Vược đã xung phong vào bộ đội. Vược không sợ chết, chỉ tiếc mỗi Khìn. Khìn đẹp thế, gái mười sáu phổng phao trắng nõn. Vược đành tặc lưỡi, phải hi sinh thôi, chẳng lẽ bắt Khìn phải đợi chờ ngày Vược trở về, như thế thì quá lắm, phải hi sinh thôi.


Vược vào đến quân khu Trị Thiên, đúng dịp bắt đầu đánh trận tết Mẫu Thân sáu tám. Đánh nhau được một trận, Vược chưa kịp xả súng vào quân thù đã bị thương ở chân, phải rút về điều trị. Vết thương chân chưa kịp lành, thì vết thương lòng Vược nhói đau khi anh em cùng quê cho hay tin Khìn sắp đi lấy chồng. Mà Khìn lấy ai? Khìn lấy Định. Định cũng là bạn hồi nhỏ của Khìn và Vược, lại học cùng lớp với nhau, nên chơi rất thân. Khi còn ở nhà, Vược lúc nào cũng che chở cho Định, cho Khìn, giống như một người anh tốt. Định không phải đi bộ đội vì Định là con trai một, hơn nữa Định đã đi học sư phạm để trở về làm thầy giáo. Suy cho cùng, cũng phải có những người đàn ông như Định ở lại, chẳng lẽ lại đi hết, trừ đàn bà con gái? Ngày Vược lên đường, cũng chính Vược đã nắm tay Định mà sẻ chia như thế.


Ấy vậy mà, ngay khi nghe tin Khìn sắp làm đám cưới với Định, thì lòng Vược đã sục sôi nhức nhối. Hàng loạt câu chửi rủa thầm phun ra đến cổ họng Vược, rồi tắc nghẹn ở đấy. Vược rủa Định là thằng hèn, là thằng hớt tay trên, là thằng núp bóng con trai một, mang danh đi học đại học, làm thầy để trốn nghĩa vụ. Chả thế thì là gì, nhà Vược tuy rằng có hai anh em trai, nhưng anh trai Vược cũng đã theo chân bố vào chiến trường, còn lại mỗi Vược thì khác gì con trai một, vậy mà Vược cũng xung phong hi sinh vì đất nước đó thôi. Vược nghĩ vậy, rồi Vược trách Khìn không chịu chờ Vược, không biết hi sinh. Vược giận lắm, nên cái chân Vược càng đau gấp bội. Vược lăn qua lăn lại, nghĩ cách phải làm thế nào đó để chiếm lại được Khìn.


Rồi chẳng hiểu Vược vui hay buồn, nhưng nói chính xác là nhờ cái tin ấy mà Vược được về nhà. Đó là khi vết thương chân đang dần lành lại mà vết thương lòng thì càng lở loét sâu hơn, thì Vược nhận được cùng lúc hai tin dữ. Bố Vược đã hi sinh, còn anh trai Vược mất tích sau một trận đánh, đã nửa gần năm nay không có tin tức gì. Mẹ Vược gửi thư vào đơn vị, xin cho Vược được phục viên, về quê lấy vợ sinh con, duy trì nòi giống. Gia đình Vược cống hiến như thế cũng đủ rồi, thế nên, Vược được phục viên. Vược khập khiễng, chân cao chân thấp trở về làng.


Vược trở về đúng cái đêm trước ngày Khìn đi lấy chồng. Khìn khóc, Khìn xin lỗi Vược. Khìn bảo tại Vược đi không chịu thư tin gì về, mà anh Định thì nói thương Khìn thật lòng. Vược nói, ôi trời ơi, chiến tranh bom đạn liên miên như thế, còn thì giờ đâu mà thư với từ. Rồi thì Vược im lặng, cái im lặng khiến Khìn rờn rợn. Khìn thấy Vược thật xa lạ, trong khi Vược chỉ mải mốt nghĩ một điều, làm sao chiếm lại được Khìn. Mà Khìn đang đứng đó, chứ có xa xôi gì đâu. Khìn vẫn đẹp thế, ánh mắt ướt rượt dưới trăng, cái cổ ngó sen đa tình chứ không phải ít. Vược nuốt nước bọt, biết rằng hai người đang đứng nơi mênh mông không có ai ngó nghiêng cả. Vược nhìn Khìn lần nữa, rồi bất ngờ ôm chụp lấy Khìn, hôn lấy hôn để. Khìn giãy, Khìn vùng vẫy, cố thoát ra khỏi Vược, nhưng vòng tay Vược chặt quá, cứng quá. Vược lướt trên cổ Khìn, trên môi Khìn như người ta thèm một món gì đó mà mãi mới được ăn. Khìn nấc lên, rồi Khìn xuôi dần, xuôi dần trong tay Vược. Khìn nằm ngửa mặt nhìn trăng, để mặc cho Vược vần vũ cơ thể mình trong cơ man hoang dại. Vược chống tay, căng người, hú dài dưới trăng, vết thương chân đang lên da non đau rát. Đến lúc ấy, thì người Khìn cũng cong lên, tay bấu chặt vào cổ Vược.


Khi Vược ngồi dậy mặc lại quần áo thì Khìn cũng đang vấn lại tóc. Vược lại nhìn cái cổ ngó sen nhỏ xinh của Vược mà nuốt nước bọt, chắc mẩm Khìn đã thuộc về mình. Thế nhưng, Khìn đã quay lại, ánh mắt cong lên nhìn Vược. Khìn nói, coi như Khìn đã trả xong nợ cho Vược. Vược ngạc nhiên quá đỗi, muốn hỏi lại Khìn, nhưng Khìn đã không cho Vược được mở miệng. Khìn nói, dù Vược có trộm cướp được quả, thì cũng không thể chiếm được cả cái cây. Khìn vẫn sẽ lấy Định, có như thế thì cuộc sống của Khìn mới hòng yên ổn. Nhà Vược quá nghèo. Lấy Vược, Khìn biết sống kiểu gì? Thêm nữa, tĩnh nghĩa giữa ba người cũng không phải ít ỏi gì, thiên hạ cũng biết đấy. Nếu Khìn bỏ Định mà lấy Vược, thì bố mẹ Khìn còn mặt mũi nào, Khìn và Vược cũng chả biết sống làm sao... Khìn nói nhiều lắm, nhiều lắm, vì thế nên, chuyện đêm nay, chỉ có Khìn và Vược được biết thôi. Nếu Vược yêu Khìn thì hãy để cho Khìn được yên lòng, Khìn nói thế đấy.


Mãi đến khi Khìn đã bỏ đi, Vược mới ngẩng mặt lên được. Vược bật cười cay đắng, những tiếng khùng khục phát ra đau đớn. Vược thấy cái tuổi hai mươi của mình thật khốn nạn, Khìn cũng thật khốn nạn. Vược đá chân xuống đất, Vược nguyền rủa Khìn, sẽ không để Khìn được yên như Khìn muốn. Vược sẽ thông báo chuyện đêm nay cho cả phố cả phường biết, cho Định biết, để xem còn ai muốn rước Khìn về làm vợ nữa hay thôi.


Thế nhưng, khi vô tình bắt gặp vệt máu nho nhỏ còn tươi nguyên trên lá cỏ, thì Vược chợt khững lại. Trăng sáng quá, trăng cứ tưng tửng bắt Vược phải chăm chăm nhìn vào vệt trinh nữ ấy của Khìn mà nghĩ lại. Lòng Vược chợt ân hận. Khìn cũng khổ, chẳng hiểu rồi mai đây đối diện với chồng như thế nào nếu chồng Khìn biết được Khìn đã mất đời con gái. Vược trách mình ích kỷ. Nếu yêu một người mà cứ bắt người đó phải khổ cùng mình thì có phải là quá đáng lắm không? Vược nghĩ thế, rồi Vược lại tự nguyền rủa mình. Vược vùi mặt xuống đám cỏ mà cào cấu, mà hối tiếc.


Vược


Nhưng Vược chẳng hối tiếc được lâu, vì Khìn lấy Định được đâu hai tháng thì cúp núp đi tìm Vược. Khìn thở ngắn thở dài, chẳng nói rõ lý do, nhưng Vược cũng lơ mơ hiểu là Định học xa, thi thoảng mới về nhà, mà có về thì cũng chỉ được đôi lần rồi đi. Rồi thì Khìn nhìn Vược, Vược nhìn Khìn. Hai người lao vào nhau. Khìn hổn hển nói không thể quên được cái đêm đầu tiên của mình. Vược nghĩ, cũng phải. Cái eo nóng hổi và đôi môi ẩm ướt của Khìn cũng đủ chứng tỏ Khìn không dễ kìm lòng.


Rồi thì Vược cũng mở được một chỗ cắt tóc nhỏ ở trước nhà, chỉ bao gồm cái ghế dựa với mảnh gương gắn vào thân cây bạch đàn. Thế là xong, Vược ngày qua ngày gắn bó với mấy cu con trong làng chạy lon ton ra chơi thì nhiều, mà hớt tóc thì ít. Nhưng kể thế cũng vui. Thi thoảng Khìn lại đến, nhất là những đêm sáng trăng. Khìn đến với đôi má hồng hồng và mái tóc bết lại vì vừa tắm gội, mùi sả thơm thơm quấn lấy ngực Vược, không thể cưỡng lại. Có lần vui vẻ, Vược nửa đùa nửa thật hỏi Khìn đã thấy hối hận chưa, về chuyện lấy Định ấy. Khìn cau mặt lại bảo Khìn không hối hận, chỉ là đôi lúc Khìn thấy cô đơn mà thôi. Vược lại hỏi, cô đơn thế sao không lên thành phố ở cùng Định, nấu cơm cho Định đi học. Khìn bảo, ở nhà Định còn bố mẹ già, Khìn mà bỏ lên thành phố thì khó coi lắm, cũng không đành lòng. Kể ra Khìn nói cũng có đạo lý, nên Vược cười trừ cho qua chuyện.


Mẹ Vược giục con trai lấy vợ. Vược nhớ đến mùi sả trên tóc Khìn, lắc đầu. Mẹ Vược bỏ ăn, bảo rằng mẹ phải viết thư vào tận đơn vị mày, xin cho mày về là để lấy vợ sinh con, duy trì nòi giống. Vược nghĩ cũng phải, chỉ là khi anh hừng hực về đây là trong lòng còn nghĩ đến chuyện cướp lại Khìn chứ không phải lấy một người khác. Vược suy nghĩ một đêm rồi đem chuyện nói với Khìn. Khìn bảo cũng đến lúc Vược phải lấy vợ thật rồi, ngay từ đầu Khìn đã biết Vược không thể nào chỉ của riêng Khìn. Vược lắc đầu, nói chả biết lấy ai. Khìn bảo Khìn có chị bạn làng bên được lắm, hơi nhiều tuổi hơn Vược một tý, nhưng hay lảm hay làm, chịu khó lắm. Vược hỏi, sao Khìn xui Vược lấy một người như thế. Khìn cấu vai Vược, nói vì người đó xấu hơn Khìn, thậm chí còn ngốc hơn Khìn nữa, có như vậy thì chuyện Khìn với Vược mới dài lâu mà không bị ai phát giác.


Thế là Vược đi sang làng bên cưa cẩm chị bạn của Khìn. Thời gian đầu, Khìn còn đi với Vược với tư cách là người làm mối. Nhưng chỉ tháng sau, Khìn có mang, nghén lên nghén xuống, người xanh như tàu lá. Nửa đêm Khìn kêu thèm chuối xanh luộc chấm muối. Bố chồng Khìn chiều con dâu, xách dao ra vườn chặt chuối, loay hoay thế nào dẫm phải bom còn sót lại từ hồi Mỹ bắn phá miền Bắc năm sáu lăm. Bố chồng Khìn mất hẳn hai chân, cả nhà dốc tiền chạy chữa, thành ra gia cảnh nghèo khó. Mẹ chồng Khìn rủa con dâu là đồ báo hại. Khìn khóc ấm ức, đã nghén ngẩm lại còn ốm o suốt ngày.


Sau tai nạn của bố, Định nghỉ học trở về làm lao động chính trong nhà, cũng là để bênh vực Khìn trước sự thịnh nộ của mẹ. Khìn ít khi ra khỏi nhà, chỉ gặp Vược có hai lần. Khìn bảo Vược đợi Khìn khỏe rồi lại sang làng bên, nhưng Vược không đợi Khìn nữa, mà đã quen đường thuộc lối. Chị bạn Khìn có vẻ hơi già thật, gầy bủng beo như người thiếu ăn, hai má tóp lại đen xám xịt, nhìn cả ngày không tìm thấy điểm nào duyên cả. Ấy thế nhưng cũng đành, vì Khìn muốn thế, nên Vược sẽ làm thế. Vược đi ăn hỏi chị bạn xóm bên của Khìn. Khìn khóc, không hiểu vì chuyện Vược ăn hỏi, hay vì chuyện nhà chồng Khìn đã đến hồi khốn khổ. Đói ăn cộng với những cơn khóc rấm rứt khiến Khìn càng trở nên yếu ớt, dù ngày sinh đã cận kề.


Một tuần trước ngày cưới, Vược ra bãi trống cạnh kho thóc hợp tác xã để ngắm trăng lên, hồi tưởng lại những đợt hừng hực với Khìn. Chợt một bóng người lướt qua sân kho khiến Vược giật mình chú ý. Vược bước đến, dõi mắt vào trong coi thử. Bóng người đang lom khom vần trên mình hai bao lúa, lưng oằn xuống khiến bao lúa rơi tuột. Bóng người đang cố gắng ôm một bao bên tay phải, tay trái run rẩy lôi bao còn lại đặt lên lưng. Hóa ra có trộm, mình phải bắt hắn mới được, Vược thầm nghĩ. Thế nhưng, khi gương mặt trên trộm xoay nghiêng dưới ánh trăng thì Vược ngớ ra kinh ngạc. Đó là Định, cái dáng thư sinh lỏng khỏng đang cố vật lộn với hai bao thóc. Vược cố gắng nhấc chân lên, nhưng dường như không di chuyển được.


Định chật vật vác hai bao lúa ra sân, cuống quýt chạy thì chợt khựng lại vì cái bóng đổ dài chênh chếch bên cạnh mình. Cái bóng có vẻ đứng yên khiến Định không thể bỏ chạy, mà run rẩy quay đầu lại nhìn. Hai bao lúa rơi tuột xuống đất, rơi xuống dưới chân. Hai người đàn ông nhìn nhau, im lặng.


Trong ánh mắt Vược là một dấu hỏi.


Ánh mắt Định bẽ bàng cuống quýt trả lời, rằng Khìn sắp sinh, nhà không còn gì để ăn cả. Định không muốn Khìn và con chết đói, Khìn lại sức yếu, phải có thuốc thang tẩm bổ cho cô ấy.


Và vì thế, Định nhìn Vược như van vỉ.


Và chính vì ánh mắt van vỉ yếu đuối của Định, Vược lóe lên ý nghĩ, không thể nào, Định đã cướp Khìn từ tay Vược, và bây giờ, Định đứng trước mắt Vược chỉ là một gã tội nhân, không hơn không kém. Cái gì gọi là tình nghĩa, anh em, vứt hết, ngu thì chết chứ tội gì.


Vược


Chợt những bước chân đổ dồn về phía nhà kho, nơi hai người đang ông đang đứng nhìn nhau cùng hai bao thóc ở giữa. Định hớt hải nhìn về phía tiếng người, rồi lại hối hả nhìn Vược. Trong phút chốc, Vược chớp mắt, chân đặt lên bao thóc, đầu cúi xuống. Khi mọi người ập tới cùng với tiếng la hét có trộm, thì Vược dùng tay đẩy mạnh Định sang một bên, ánh mắt gườm gườm. Bảo vệ hợp tác xã dùng gậy chỉ vào mặt Vược, quát to, hỏi sao cả gan dám ăn trộm thóc của công? Định chưa hết bàng hoàng, mới chống tay đứng dậy thì đã thấy Vược hất mặt lên nhìn bảo vệ. Vược bảo đói thì phải trộm chứ sao. Định ú ớ khua tay, nhưng Vược đã nhíu mày thoáng nhìn Định. Định đứng im thin thít, mồ hôi tuôn ròng ròng trên trán. Mọi người chỉ trỏ, bàn tán xì xào. Vược cười khẩy bảo, lẽ ra tao thoát rồi nếu không có thằng Định ngáng chân. Bảo vệ giơ gậy cảnh cáo Vược, bảo Vược đừng có láo toét, đã giở thói trộm cắp rồi khoe cả thói côn đồ. Vược túm cổ áo bảo vệ, hỏi nếu người nhà ông sắp chết đói, ông có dám to mồm như thế không. Bảo vệ không nói không rằng, giáng cho Vược cái tát nảy lửa. Vược cũng không chịu thua, thụi ngay cú đấm vào bụng bảo vệ.


Vược bị kết tội sáu tháng tù do trộm cắp tài sản công, cộng với sáu tháng tù vì chống đối người thi hành công vụ. Vào tù rồi, Vược cay đắng ngồi ôm chân nghĩ ngợi, chẳng hiểu sao mình lại đứng ra nhận tội thay tình địch. Rõ ràng Vược đã rất hả hê, đã muốn trừng phạt Định, muốn vạch mặt Định cho thiên hạ thấy, cho Khìn hối hận vì đã chọn Định chứ không chọn Vược. Vược nhớ đến mùi sả trên tóc Khìn, nhớ đến ánh mắt Định bẽ bàng xấu hổ. Thế rồi Vược tặc lưỡi, dù thế nào thì lựa chọn là việc của Khìn, chứ không phải lỗi của Định. Suy cho cùng, Khìn lấy Định rồi còn qua lại với Vược thì Khìn đối với Định cũng chẳng ra gì, Vược đối với Định cũng chẳng ra gì. Suy cho cùng, Định cũng chỉ là thằng chồng tội nghiệp. Nếu chẳng phải vì Khìn, Định đã không phải bước tới đường cùng như hôm nay. Thôi, cũng coi như chuộc lỗi, làm chút việc nghĩa cho bạn bè, thiệt thòi chút ít không đáng bao nhiêu, ngồi tù một năm không có gì đáng kể.


Nghĩ thế thôi, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản. Ở tù được ba tháng, Vược vướng vào một vụ đánh nhau giữa các phạm nhân. Nói đúng ra là trong lúc lao động, họ đánh nhau, Vược chỉ là người đứng ra can ngăn. Kết quả, Vược lĩnh trọn nhát cuốc mát mẻ từ bạn tù, phải nằm viện cả tháng trời. Nhát cuốc để lại trên thái dương Vược vết sẹo bằng hai ngón tay trẻ con ghép lại.


Vược ra tù, điều đầu tiên được thông báo là mẹ Vược đã uống thuốc sâu tự tử mất rồi. Mẹ Vược chết vì Vược. Bà nhục vì có thằng con làm bại hoại thanh danh truyền thống gia đình. Bà muốn chết vì chẳng còn lý do gì để sống. Ngôi nhà lạnh lẽo tang tóc. Vược thẫn thờ trước bàn thờ mẹ, nhưng người chết dù sao cũng chết rồi, người sống thì vẫn phải sống, Vược nghĩ vậy. Vược bước ra "quán" cắt tóc của mình, nhưng không đứa trẻ con nào dám đến chơi với Vược, không người lớn nào đưa đầu mình cho Vược cắt tóc. Vược đi đến đâu, người ta xa lánh đến đó. Người ta kháo nhau chuyện Vược ăn trộm thóc, chuyện đánh người không biết sợ ai, kể cả người thi hành công vụ, chuyện Vược đánh nhau với bạn tù chí mạng, bằng chứng là vết sẹo trên mặt, chuyện Vược lẽ ra bị mấy năm tù giam nhưng chắc trốn trại ra ngoài. Người ta kết tội Vược giết mẹ, rằng Vược là một gã tù, và nhắc nhở bọn trẻ tránh Vược càng xa càng tốt.


Vược đâm ra hận cuộc đời, hận Định, hận Khìn. Nếu không phải vì họ, thì Vược đã không phải thê thảm đến thế. Vược đến tìm Định, hầm hầm muốn cho Định một trận nên thân. Ấy thế nhưng khi tới nơi, nhìn thấy Định đang bế đứa bé gái một tuổi cưng nựng trước sân, thì lòng Vược chùn lại. Bỗng nhiên Vược thấy mình yếu đi nhiều, sức lực không còn đủ để mà đánh nhau. Tiếng cười đùa của bố con Định cứ văng vẳng bên tai Vược, ánh mắt đứa trẻ trong veo đến lạ. Thấy Vược đứng sững trước cổng nhà mình, Định vội ôm con bước ra. Định cười, Định áy náy, Định cảm ơn, xin lỗi Vược về tất cả. Định nói suốt đời này sẽ không quên ơn Vược, và xin Vược hãy coi con gái Định như con gái mình, nếu có thể. Vược nắm bàn tay năm ngón bé xíu của đứa bé, chỉ biết nở nụ cười buồn tênh rồi quay đầu bước ra về.


Vược quyết định đi khỏi làng, khuất khỏi tầm mắt dị nghị của những con người nơi đây. Khìn tìm Vược, gái một con mây mẩy ham muốn. Vược đẩy Khìn ra. Vược nói mình sẽ đi xa, khuyên Khìn hãy sống thật tử tế với Định. Định yêu Khìn, thương Khìn, vì Khìn mà khổ sở đến thế, Khìn không nên phụ tấm lòng của Định. Khìn tức lắm, ánh mắt nhìn Vược giận dữ. Vược bỏ đi, mùi sả thoang thoảng nồng nàn năm xưa chợt khiến Vược rùng mình. Vược quay lại, nhưng đó không phải là Khìn, mà là chị bạn xóm bên, người đã được Vược mang trầu cau sang ăn hỏi. Chị này héo hon nhìn Vược, mái tóc xõa dài đến đầu gối. Vược chợt thấy mình có lỗi, nhưng Vược không thể sống yên ổn ở cái đất này, Vược phải đi thôi. Chị bạn của Khìn bảo Vược đi cũng được, nhưng hãy để lại cho chị một đứa con. Đàn ông phần nhiều đi đánh trận chưa về, phần còn lại cũng chẳng ai để ý tới một người quá lứa lỡ thì như chị. Chị không cần gì, chỉ cần có đứa con sau này còn có chỗ dựa lúc về già. Biết làm sao được, từ chối không đặng, dẫu sao hai người cũng đã có lễ hỏi đàng hoàng, thôi thì nếu mình muốn bỏ đi thì cũng phải trọn nghĩa. Vược nghĩ vậy, rồi nói luôn: "Em xin anh một đứa con, anh sẵn sàng, nhưng anh không muốn sống ở đất này, cũng không mang em theo được".


Vược


Thế rồi Vược đi thật. Vược chạm đất Nghệ An đúng lúc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Những cái chết bom khiến Vược dựng tóc gáy. Trên ruộng, xác nằm rải rác khắp nơi, có người chết mất đầu, chôn được ba ngày mới tìm thấy đầu bị bắn treo trên ngọn tre làng. Vược theo một đám người chạy loạn lên một huyện miền núi của Nghệ An, nơi bom Mỹ ít bắn tới nhất. Đây là vùng đất kinh tế mới bắt đầu xây dựng, những đồi chè thoai thoải mới trồng còn trắng phớ màu đất. Kể từ đó, Vược nghiễm nhiên trở thành một công nhân trồng chè trên mảnh đất trung du cằn cỗi này.


Nông trường chè có một con đập dài dài chảy quanh dưới chân đồi. Người ta phân công Vược bảo vệ con đập. Vược được phân cho một cây súng, ngày ngày dạo quanh thong thả. Một hôm, có anh bộ đội người Bắc ra câu cá ở đập, bị Vược phát hiện. Vược giương súng lên, bắn cho anh bộ đội một phát vào mông. Anh bộ đội không chết, cũng chỉ bị thương nhẹ. Nhưng ngay tối hôm ấy, bộ đội kéo nhau vào khu tập thể nơi Vược ở. Vược phải trốn sang một khu tập thể khác, chạy vào trong nhà tắm nữ. Đúng lúc ấy thì một cô gái ôm đồ bước vào, nhìn thấy Vược. Cô gái thất kinh hét lên, nhưng Vược đã kịp thời bịt miệng cô lại. Cô gái ú ớ trong tay Vược, nhưng chỉ tới khi Vược suỵt khẽ ra hiệu không được lên tiếng, thì cô gái mới được Vược nới tay thả lỏng. Một giọng miền Nam khe khẽ tới ngọt ngào cất lên: "Anh là ai, làm chi ở đây"?


Cô gái ấy là Nhình, người sau này trở thành vợ chính thức của Vược.


Mãi tới nửa đêm, khi bộ đội đã sục sạo rút quân, Vược mới dám bò ra ngoài, gặp Nhình. Nhình có nước da ram rám, nhưng nụ cười duyên duyên kỳ lạ của con gái miền Nam. Suốt đêm ấy, Vược phải trốn trong phòng của Nhình, nghe kể chuyện mới biết Nhình quê ở Đồng Nai, được bố mẹ gửi ra đi lánh nạn chiến tranh, rồi thất lạc gia đình từ mấy năm nay. Nhình ở chung với một cô gái Nghệ An tên là Toan, hai người thân thiết coi nhau như chị em ruột. Toan nhỏ người, ít tuổi hơn nên là em, còn Nhình là chị. Mới đầu gặp, Toan cứ nép người sau lưng Nhình, chỉ dám nhìn trộm Vược. Rồi Vược kể chuyện làm quà gặp mặt, Vược kể về câu chuyện đời mình, tất nhiên là trừ chuyện dùng dằng với Khìn và chị bạn Khìn. Nhình và Toan cứ trợn tròn mắt nghe Vược kể chuyện, ra chừng thích thú.


Rồi câu chuyện của Vược cứ thế lan truyền từ người này qua người khác. Nếu có ai đó hỏi về vết sẹo trên thái dương, Vược đều nói đó là dấu tích của cái hồi đầu đi bộ đội. Chuyện Vược đứng ra nhận tội thay bạn, người ta kháo nhau rằng Vược là một anh hùng.


Nhình bén duyên Vược rất nhanh, chẳng mấy chốc họ nhất trí lấy nhau bằng cái đám cưới nho nhỏ, vui vẻ. Nhình khỏe, mắn đẻ, ngay năm đầu tiên đã sinh cho Vược thằng cu kháu khỉnh, đặt tên là Vông. Trộm vía, Vông càng lớn càng giống bố, trừ mỗi nước da. Da Vông trắng nõn như da con gái, môi hồng, khác với nước da bã trầu và đôi môi đỏ đỏ thâm thâm của Vược. Sau Vông, Nhình còn sinh thêm bốn đứa nữa, nhưng toàn con gái. Vị chi trong tám năm, Nhình sinh được năm đứa con, một trai, bốn gái.


Nhình là người tháo vát, nhanh nhẹn, cũng được lòng anh em bạn bè công nhân đồng lứa. Họ chung tay dựng cho hai vợ chồng Nhình ngôi nhà gỗ cạnh con đường to dẫn vào nông trường. Năm Vông lên năm tuổi, tức là khi Nhình đang mang thai đứa thứ tư trong bụng, thì đột nhiên Khìn xuất hiện. Khìn dắt theo hai đứa trẻ gái đến tìm Vược. Vược ngạc nhiên lắm, hỏi vì sao Khìn biết chỗ Vược ở thì Khìn bảo rằng dù Vược ở đâu, Khìn cũng tìm tới được. Khìn chỉ đùa thế thôi, cố tình đưa mắt chọc tức Nhình một tí, rồi nói thật là cái anh bộ đội bị Vược bắn thủng mông lại là bạn học của chồng Khìn, chuyện qua chuyện lại vài lần thì Khìn biết nơi Vược ở. Vược nhìn hai đứa bé sem sém nhau, chột dạ. Khìn nói, Khìn đưa hai đứa con đến trả Vược. Vược như nghe không rõ, hỏi lại xem chúng nó con ai. Khìn chỉ tay vào đứa lớn hơn chút xíu, bảo nó là con gái của Khìn và Vược, đứa nhỏ hơn một chút là con gái của Vược với chị bạn của Khìn. Chị bạn Khìn bị chết bom năm bảy ba, khi ấy đứa bé mới được hai tháng tuổi. Định bảo Khìn đưa đứa bé về nuôi, coi như báo đáp ân tình của Vược. Khìn nghĩ mà thấy tức cười, chẳng phải Định đang nuôi đứa con rơi của Vược mà cứ nghĩ là con gái mình đó sao?


Khìn để hai đứa trẻ lại cho Vược, nói rằng bây giờ Định đã biết hết mọi chuyện, Khìn không thể nuôi hai đứa trẻ này được nữa. Vược không chối được, mà chối làm sao khi hai đứa con gái na ná nhau và lại giống hệt như Vông và hai em gái của Vông? Mà cũng thật lạ là, Nhình không từ chối hai đứa trẻ, chỉ bảo Khìn hãy đi đi, đây không phải là nơi Khìn có thể ở. Khìn đi thật, nhưng hai hôm sau người ta kêu Vược đến bên con đập hồi trước Vược bảo vệ. Xác Khìn nổi lên trên mặt nước, mái tóc bồng bềnh xõa rối, người trương phình hết cả lên, duy chỉ có gương mặt là vẫn hồng hào mơn mởn như ngày nào.


Nhình bảo, âu cũng là cái mệnh. Khi Khìn dẫn hai đứa trẻ đi tìm Vược, chắc Khìn cũng đã dự tính sẵn kết quả này, nên khó trách ai được. Nhình cũng nói thẳng, hai đứa trẻ là chuyện quá khứ của Vược, nên Nhình không truy cứu nhiều. Tuy nhiên, kể từ bây giờ, khi mà Nhình nuôi dạy hai con riêng của Vược tử tế, thì Vược cũng nên biết điều mà đừng có léng phéng nữa. Từ đó, Vược mới kể lại câu chuyện của mình, tất nhiên là không quên thêm vào chuyện lăng nhăng với Khìn và chị bạn của Khìn.Khi đứa con thứ năm của Nhình và Vược được tuổi rưỡi, thì Nhình nhận được tin báo đã tìm được gia đình thất lạc của mình ở Vũng Tàu. Vui mừng khỏi nói, Nhình ngay lập tức thu xếp vào Vũng Tàu để gặp lại gia đình. Thế nhưng, đứa út còn nhỏ quá, đi không tiện, mà Vược cũng vừa mới qua cơn sốt rét, đi lại càng mệt hơn. Nhình quyết định để Vược và đứa nhỏ ở lại, cũng là nhân dịp cai sữa cho nó. Nhình nhờ Toan chăm sóc bố con Vược mấy tháng, còn Nhình dẫn Vông và năm đứa con gái vào Vũng Tàu.


Đứa nhỏ đột ngột bị tách khỏi mẹ, khóc suốt ngày suốt đêm. Vược mới ốm dậy, nghe tiếng trẻ con khóc thì muốn phát sốt trở lại, nên cứ giờ trước giờ sau lại gọi Toan sang cầu cứu. Toan dỗ không nổi, phải vạch áo mình lên cho đứa nhỏ ngậm ti mình, nhưng không có sữa nên nó vẫn khóc toáng lên. Riết rồi cũng quen, đứa nhỏ bớt khóc hơn, thỉnh thoảng lại ngậm ti dì Toan cho đỡ thèm, rồi ăn no lăn ra ngủ. Có hôm, Vược đi từ đồi xuống, thấy Toan ôm đứa nhỏ trong lòng nằm ngủ trưa, chiếc áo bật cúc hớ hênh mà đứa nhỏ đang thò tay vào sờ ti dì ngủ ngon lành. Lòng Vược chợn rợn xốn xang. Vược khẽ nuốt nước bọt, đứng nhìn Toan hồi lâu cho đến khi Toan trở mình thì Vược mới bỏ chạy ra ngoài. Toan nghe tiếng bước chân, giật mình nhìn theo, kịp trông thấy dáng Vược. Toan vội ngồi dậy khép hai cánh áo, mặt đỏ bừng lên xấu hổ. Kể từ lúc ấy, Vược và Toan cứ ngường ngượng mỗi khi nhìn thấy nhau.


Một đêm, đứa trẻ nhì nhằng đòi dì Toan ở lại ngủ với nó. Toan nhìn trộm Vược, bắt gặp Vược đang nhìn mình thì cúi mặt xuống, lảng tránh. Tối hôm đó, khi đứa nhỏ ngủ say, Vược mò vào giường, nhẹ nhàng nằm xuống bên cạnh Toan. Toan không hề giật mình, cũng không lấy làm lạ, chỉ hơi toát mồ hôi nhè nhẹ. Vược dắt tay Toan ra ngoài nương sắn, rồi ghì Toan trên đám lá non xanh tía. Mãi cho đến khi tiếng khóc của đứa nhỏ ngằn ngặt vang lên, hai người mới chịu buông nhau ra, quay trở về giường. Từ hôm ấy, Vược và Toan cùng đứa nhỏ ngủ chung một giường, không phải né tránh gì cả. Đêm hôm, chiếc giường rung lên, đến cả người đi đường cũng nghe thấy tiếng rên rỉ vật vã từ ngôi nhà vọng ra tới bên ngoài. Người ta kháo nhau, rồi xì xào, nhưng tuyệt nhiên Toan và Vược không hề lấy làm áy náy.


Vược


Bốn tháng sau, Nhình dẫn em trai mình và các con quay trở lại. Làng trong xóm ngoài đã rỉ tai nhau khiến Nhình cảm thấy bất an. Về đến nhà, cái bụng ba tháng của Toan bắt đầu nhô nhô sau làn áo đập vào mắt Nhình. Nhình chết điếng. Em trai Nhình nhảy vào đánh Vược hai bạt tai, chửi ông anh rể là đồ khốn nạn. Vược nói chú mới gặp anh lần đầu, đã biết gì mà sao dám chửi anh. Em trai Nhình bảo anh còn tư cách hỏi câu đó, anh quả thật khốn nạn, rồi giáng thêm cú đấm vào mũi khiến Vược bị chảy máu. Đám trẻ sợ hãi nép sau chân Nhình, khóc ré lên. Em trai Nhình túm lấy cổ tay Toan, lôi đi xềnh xệch. Chợt Nhình bình tĩnh gọi lại, bảo em trai buông tay Toan ra. Nhình hỏi Toan, chúng ta coi nhau là chị em, bao nhiêu năm nay tôi chăm cô như chăm em gái, tại sao cô lại cướp chồng của tôi. Toan không nói gì, nhưng ánh mắt nhìn Nhình như kiêu hãnh, như thách thức. Nhình cười nhạt. Nhình vốn là con người thẳng thắn, nên cư xử rất nhanh. Nhìn bảo, thôi được, nếu đã thế thì hai người cứ việc sống với nhau, tôi cũng không ham hố loại người trâng tráo đến vậy. Thế rồi Nhình và Vược bỏ nhau. Nhình bán tất cả nhà cửa, vào với gia đình mình ở Vũng Tàu. Hai đứa con riêng của Vược quấn lấy Nhình không rời, nhất nhất chỉ gọi Nhình là mẹ, Nhình đành phải mang theo. Vông phải ở lại với bố, vì Vông là thằng con trai duy nhất. Đứa út bị tách khỏi dì Toan, khóc lên khóc xuống, cuối cùng cũng bị mẹ dắt đi. Vậy là Nhình cùng đoàn con gái và em trai mình lục đục kéo nhau vào Nam, từ đó không hề một lần quay trở lại.


Toan sinh con gái đầu lòng đặt tên là Bản, hai năm sau sinh tiếp thằng cu nữa đặt tên là Phóng, rồi nghỉ hẳn. Chuyện Toan cướp chồng chị kết nghĩa và chuyện Vược lăng nhăng cũng được lan truyền từ đó. Vược vẫn khỏe mạnh, da dẻ vẫn đặm đà, bước đi thoăn thoắt như chưa từng có cơn sốt rét rừng hành hạ. Chuyện cũng nguôi dần, người ta cũng công nhận Toan nuôi Vược mát tay. Vược làm khỏe như trâu, không biết mệt. Trong nông trường thỉnh thoảng có đàn bà con gái lỡ thì lại đến tìm Vược, ra nương sắn xin đứa con. Vược thì chỉ trả lời mỗi một câu: "Em xin anh đứa con, anh sẵn sàng, nhưng anh không nuôi em được". Cũng vì thế, hầu như đứa trẻ nào không cha được sinh ra trên mảnh đất này, người ta đều quy chúng nó là con của Vược. Toan biết nhưng không nói gì, cứ kệ. Toan cũng nuôi Vông chu đáo hệt như các con đẻ của mình, không có phân biệt đối xử bao giờ. Duy chỉ có điều, những đứa trẻ hầu như không học hành gì, có học thì cùng lắm cũng chỉ đến lớp hai là bỏ học. Hồi ấy, ăn còn chưa đủ, trẻ con đi học là chuyện quá xa xỉ. Chúng nó rủ nhau bỏ học tập thể là chuyện bình thường, Vông và Miền cũng thế.


Miền là con gái của Mỵ, một phụ nữ không chồng nhưng đã có hai con gái với hai người đàn ông khác nhau. Mỵ đậm người, thậm chí là hơi béo, cái mặt to bản với ánh mắt đĩ thõa lúc nào cũng cười cười. Trộm vía, hai đứa con gái Mỵ sinh ra đều trắng trẻo, xinh xắn, nhất là Miền. Nghe đâu Miền là con của một bộ đội từng đóng quân tại nông trường. Miền nhỏ nhắn, nước da trắng nõn, khác hẳn những đứa con gái cùng trang lứa. Có vẻ như rừng thiêng nước độc không đốt cháy được vẻ đẹp như hoa của Miền. Em gái cùng mẹ khác cha của Miền tên là Hưởng, ít hơn Miền tận sáu tuổi, bụ bẫm hơn chị, lại tinh ranh, khôn ngoan. Nhìn hai con

2hi.us