Vịt Anh

Vịt Anh

Tác giả: Sưu Tầm

Vịt Anh

Mọi người gọi bạn bằng gì không quan trọng. Quan trọng là cách họ gọi tên bạn nhớ đến bạn qua tên gọi thân thương ấy.


Vịt Anh


Ngày mẹ sinh nó trong bệnh viện, bố bỏ nhà, lang thang các quán nhậu. Năm lần siêu âm đều là gái. Bố gắt: "Cứ sinh con gái là tôi đặt tên Vịt".


Bà ngoại thở dài: "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng." Nhưng trong tư tưởng của người đàn ông độc đinh như bố không có quan niệm đó. Nó chào đời, tiếng khóc to, khỏe, nặng gần 3,5kg. Mẹ sung sướng đến trào nước mắt. Cô y tá tưởng mẹ khóc vì thất vọng, giọng giấm giẳng: "Gớm, được hoàng tử vàng kháu thế còn ủ ê gì!" Mẹ phì cười: "Không, tại nhà em bị cháu nó lừa."


Bố đến xã làm tờ khai sinh, đinh ninh con gái, bố chọn cái tên Bế Cảnh Vịt. Nó mang cả họ bố lẫn họ mẹ. Cảnh là họ của mẹ - Cảnh Thùy Linh. May cho nó bố không đặt chữ Thị. Bố vốn ghét thị, có nghĩa thị mẹt, Thị Nở...


Về nhà, biết mẹ sinh con trai, bố lặng người. Giấy khai sinh làm rồi, sao đổi được. Bố nhanh ý viết thêm chữ Anh bên cạnh chữ Vịt. Ừ, thì Anh là con trai, Vịt Anh cũng là con trai, chỉ con trai mới được làm anh chứ bộ, tưởng dễ à. Khà khà. Bố cười đắc ý.


Ở nhà, mọi người cứ quen gọi nó là Vịt. Đến lớp, cô giáo và các bạn vẫn gọi Vịt Anh. Có đứa hàng xóm biết tên ở nhà của nó, còn ác mồm gọi cả tên lẫn họ, nhưng cố ý gọi chệch đi: Bẻ Cánh Vịt. Nó giận nhưng không làm gì được.


Thích mỗi con bé Lê hàng xóm. Con bé có đôi mắt to đen, hàng lông mi cong dài, đôi môi mọng đỏ như quả nhót chín cây. Lê hơn nó một tuổi, học trên một lớp hẳn hoi, ấy thế mà toàn gọi nó bằng anh. Cứ mỗi lần nghe tiếng con bé "Anh ơi", là nó lại le te chạy đến cạnh bờ rào ngăn cách hai nhà. Khi nó gần đến nơi, con bé hét rõ hơn: "Anh ơi, chị bảo!" Nó hậm hực cong đít chạy về, mồm lầm bầm từ giờ cạch mặt con bé.


Hết mẫu giáo rồi lớp Một, nó trưởng thành thêm một chút, bắt đầu biết xấu hổ khi ai hét rống cái tên Vịt của nó. Nó ghét tên ở nhà. Nó bảo thằng cu Tâm, cũng là hàng xóm, bạn bắn chim của nó: "Tao ghét đứa nào gọi tao bằng tên ở nhà. Nghe như Vịt giời, tên đó chỉ con gái thôi."


Thằng Tâm vặc lại: "Nhưng đã là tên, gọi quen rồi, không đổi được đâu." Nó cãi: "Đó là tên gọi lúc nhỏ thôi. Lớn rồi, ai lại gọi tên ở nhà!" Thằng Tâm ghé tai nó, vẻ quan trọng vấn đề: "Ý, đừng dại đổi tên. Như tao nè, tên ở nhà là Cún. Bây giờ, mọi người cũng gọi Cún. Tao bực quá liền bảo mẹ tao: "Con lớn rồi, ứ thích tên Cún nữa đâu, mọi người đừng gọi con là Cún nữa. Mày biết chị Hai tao bảo gì không? Chị bảo: Haha, đúng rồi, lớn rồi thì không gọi là Cún nữa, thế gọi em là Chó nhé? Tao ức chỉ muốn túm tóc chị mà vày."


Nó nghe xong, vặc lại: "Nhưng con cún lớn thì gọi chó đúng rồi. Chớ con vịt lớn thì vẫn là con vịt mà." "Ừa, có khi người ta gọi Vịt Quay thì sao?" Thằng Tâm cũng không vừa. "Sao gọi là Vịt Quay được?" Nó thắc mắc: "Chớ mày coi, xưa nay có ai quay vịt con đâu? Người ta toàn quay vịt to không hà." "Ừa", nó gục gặc đầu, không phản đối nữa.


Rồi nó cũng ngậm ngùi cho qua chuyện cái tên. May thay, cô giáo cứu nó một phen. Cô giáo mới về trường, nhận chủ nhiệm lớp nó. Buổi đầu tiên điểm danh, cô gọi: Bế Cảnh Việt Anh. Cả lớp im như thóc. Nó cũng im re.


Mấy đứa bàn đầu nhao nhao: "Thưa cô, Vịt Anh ạ. Tên bạn ấy là Vịt Anh." Cô giáo cười, gọi lại cho đúng với tên của nó. Tối đó, nó về nhà, đem chuyện kể lại với mẹ. Bố nó đang ngồi đọc báo, nghe thấy thế liền hối hả chạy đi tìm giấy khai sinh của nó, ông ồ lên một tiếng rồi cười: "A, đúng rồi, sao ta không đổi tên Vịt Anh thành Việt Anh nhỉ? Đây nè, còn sửa được nhé."


Bố đưa tờ khai sinh cho mẹ, chả hiểu xưa làm khai sinh, bố hay chú nào viết tên mà thương tình để chừa ra khoảng trống ti hí giữa chữ "I" và chữ "T", vậy là bố chét thêm chữ "Ê" vào giữa.


Nghiễm nhiên, nó thành Việt Anh. Bố bảo may còn sửa kịp, mới có học bạ lớp Một phải sửa thôi, nên không vấn đề gì. Cái tên Bế Cảnh Việt Anh theo nó từ đó. Nó lớn lên, gia đình chuyển nhà, rồi mấy lần chuyển trường, không ai còn nhớ cái tên Vịt Anh ngày bé nữa.


Tuy nhiên, những kỷ niệm về cái tên tuổi thơ thì theo nó suốt cuộc đời. Lạ thay, giờ đây, nó lại không thấy ghét cái tên đó mà thấy yêu thì đúng hơn. Nó đã hiểu, để nói lên một con người, đâu chỉ mỗi một cái tên. Thế là nó trân trọng dùng cái tên Vịt Anh dưới mỗi bài thơ, bài báo nó viết, hay khi tham gia các diễn đàn, các câu lạc bộ tuổi trẻ. Nó hy vọng một ngày nào đó, con bé hàng xóm mắt to đen, môi hồng quả nhót vô tình nhìn thấy tên nó mà mừng rỡ hét lên: "Anh ơi!"

2hi.us