Thị trấn bốc cháy
Thị trấn bốc cháy
Nguyễn bảo, dạo sau này tao ít về quê, nhưng chẳng biết làm sao nữa. Về quê thì lại thấy đời chán thật. Mình là một đứa lạc loài...
***
Đã có những tháng năm dài, Nguyễn thường ngồi nhìn màn hình máy tính trong đêm, đánh lên đó những con chữ về đời mình rồi xóa đi một cách không thương tiếc. Không ngủ được. Ngồi nhìn vào bóng tối trong căn nhà trọ trên phố, nó cảm giác như mình đang tồn tại trong một cõi nào khác với mặt đất trần tục.
Cuối cùng thì cũng về đến nhà Nguyễn, cái thị trấn với con dốc cắt ngang phố như một cây thập tự. Gian nhà Nguyễn giờ được quây mặt tiền cho người ta mượn bán hàng khô, những gói bỏng nhuộm phẩm xanh đỏ khiến liên tưởng tới những bông trái cho ngày tết. Lũ trẻ con thập thò nhìn Nguyễn, mua những quả bóng bay đầy phẩm rồi thổi phì phẹt, lúc sau đã nhoe nhoét hai bên má màu xanh lẫn với màu hồng. Thị trấn có một dãy nhà chạy dọc bên đường cái, mùa đông bụi trôi về đỏ những ngọn bàng. Đất này không biết trồng gì, người ta thả hoang cho những bầy dê, bò chạy. Giống như cô gái điếm từng một thời xuân sắc, thị trấn của Nguyễn giờ nằm hiu hắt với những ngọn đồi góa chồng, nham nhở những hố sâu một thời từng mang đến sự hào nhoáng giàu có cho thị trấn. Những hố vàng và từng đoàn người tha nhau đến chui vào lòng đất, mong kiếm một cuộc đổi đời. Nguyễn bảo, giờ về nhà thấy buồn. Ngày trước, lúc tao còn bé, sầm uất lắm.
Lúc nào Nguyễn cũng nói về thị trấn ngày nó còn bé, nhưng đó vẫn là một mảnh đất xa mãi không ai tìm lại được. Ngay cả Nguyễn, bằng tất cả tình yêu thương chắt chiu sau năm tháng khó nhọc, giờ thị trấn cũng đã như một miền cỏ hoang. Vậy mà ông già tao bỏ mạng ở đây. Thị trấn này biết bao người tự tử. Vàng mà. Vàng! Thật chả đáng.
Nguyễn nói rồi quay đi. Nghe như có tiếng gió rít qua tai. Nguyễn lúc nào cũng buồn. Suốt những buổi chiều ấu thơ Nguyễn ngồi nhìn ra đường, khóc trong bóng tối xuống dần. Nguyễn lớn lên với ông nội. Ông nội mất, nó bỏ ra thành phố. Đời Nguyễn buồn như chén rượu nhạt...
Chúng tôi leo đồi. Lâu ngày chạy xe thành phố nhiều, chân mỏi. Nguyễn chỉ, kia là mộ ông già, cỏ mọc tràn vào hoa. Hoa chết hết rồi. Thôi để ông già bạn bầu với cỏ dại. Tôi đứng lên đỉnh đồi, nhìn trời, thấy đất này cây này đẹp thật, mà sao người ta sống lầm lụi quá. Đi ngoài đường cũng ít ai ngẩng mặt lên. Nguyễn gọi tôi, mày qua chào ông già tao đi, mày là người bạn đầu tiên tao giới thiệu với ông già. Cuộc đời không cho Nguyễn nhiều tình người nên nó quý từng mụn bạn vặt vãnh. Vặt vãnh như tôi.
Nguyễn bảo, dạo sau này tao ít về quê, nhưng chẳng biết làm sao nữa. Về quê thì lại thấy đời chán thật. Mình là một đứa lạc loài... Đến lúc này tôi vẫn không cắt nghĩa được, Nguyễn đã sống được trong chừng ấy năm bởi điều gì. Nó bạc bẽo với chính bản thân mình. Bạt mạng. Như một con thú hoang cô đơn.
Nguyễn không có gì liên quan đến tôi, kể cả từ hình thức đến tính cách. Chúng tôi chỉ có một điểm chung là những cái nhìn quá góc cạnh. Tôi và nó. Vì bị cô lập, vì cô độc mà hợp nhau lại như tìm một điểm tựa, một niềm tin trên con đường dài không có bạn bầy. Nguyễn luôn là một điều bí mật, bí mật cả trong từng việc làm của nó, khiến chẳng ai có thể hiểu một cách rành mạch. Nguyễn yêu nhiều, rồi tình tan nhanh. Kể cả đến bây giờ, tôi vẫn không ghép được khuôn mặt ấy, cái ngang tàng ấy của hiện tại vào những mảnh vụn quá khứ quá nhiều nước mắt. Tôi đã từng cho rằng, đang có một hội chứng hoang tưởng trong những người trẻ tuổi, hay thích gắn kết những chi tiết trong phim ảnh thành câu chuyện của đời mình. Trên những trang blog, rất nhiều cô cậu non tơ đã kể vẻ rất sành đời, đã nói về quá khứ của mình rất đỗi bi thương, nhưng thực chất họ mới bước qua tuổi mười lăm và chưa bao giờ biết đến mùi của những giọt mồ hôi khó nhọc. Tôi rất không muốn tin một đứa như nó lại sống một ấu thơ không ra gì. Nguyễn ít cởi lòng. Nên những gì về nó giống như những giọt nước rơi lơ mơ trong những câu chuyện giữa những buổi uống rượu đêm buồn. Sau nhiều cuộc nhậu, chúng tôi coi nhau như huynh đệ. Huynh đệ rồi biết rõ cuộc đời nhau. Cuộc đời như những trang giấy nham nhở. Để rồi đến giờ tôi vẫn không biết Nguyễn sống vì những điều gì.
Đã có những tháng năm dài, Nguyễn thường ngồi nhìn màn hình máy tính trong đêm, đánh lên đó những con chữ về đời mình rồi xóa đi một cách không thương tiếc. Không ngủ được. Ngồi nhìn vào bóng tối trong căn nhà trọ trên phố, nó cảm giác như mình đang tồn tại trong một cõi nào khác với mặt đất trần tục. Rồi nó buộc phải lôi cái hộp thuốc trong túi xách, lấy ra một liều rồi vả hết vào mồm. Luôn là những liều an thần. Không ngủ được. Tao cũng không biết khi tao ba chục tuổi, tao còn nhớ được gì không. Nhưng mà không ngủ được, phải uống. Cảm giác như khi uống thuốc ngủ, Nguyễn tìm được mình trong giấc mơ dễ dàng hơn.
Chúng tôi xuôi đồi. Những cây hoa dại mùa đông nở những bông không hương. Buổi tối, chỉ có quán cơm duy nhất giữa thị trấn, chủ quán ngồi vêu chờ đám xe tải chạy đường dài. Chúng tôi ngồi ăn cơm với thịt nhím xào. Rượu không? Bà chủ hỏi, ngực trễ phơi cả một vườn lê già. Nguyễn cười, cho chai rượu ngô. Rượu ngô lâu ngày tôi không uống, từ ngày xa nhà, giờ bất chợt lại thấy nhớ. Nguyễn nói, rượu ngô như chăn đơn cũ, người mới cầm thì chê thô, người đắp lâu lại thấy ấm ngào ngạt. Hóa ra chúng tôi cùng ra đi từ những xó rừng, cùng thích thứ rượu bần hàn mà thôi. Nhưng sao tôi khác Nguyễn, tôi đã không bạt mạng được như nó, tôi đã không tự quyết định được mọi chuyện của cuộc đời mình một cách rành mạch? Tôi cũng không biết nữa. Nhưng tôi đã yêu em, đã nhìn thấy em đi cùng Nguyễn, đã thấy những giấc mơ vụn dưới chân mình, mà tôi đã không thốt lên được lời nào. Tình yêu như một giấc mơ buồn thảm mà mãi sau này, khi mọi thứ đi qua rồi, tôi cũng thấy mình có lỗi.
Bà chủ quán dọn rượu rồi ngồi hóng chuyện. Dạo này thị trấn nhiều chuyện rùng rợn lắm. Thằng chồng con Huê mới nhảy lầu tự tử . Nợ nhiều quá, không trả nổi, đầu gấu nó lùng, trốn mãi sao được. Chiều đó qua nhà tôi uống rượu, rồi đêm đến nghe đánh bụp như quả mít rụng. Sáng sau người ta thấy nằm im lìm trước nhà. Sợ lắm. Đất này bạc bẽo mà. Bà chủ quán nói với Nguyễn. Nguyễn ngồi im uống rượu. Rồi đột nhiên Nguyễn hỏi, cô Huê giờ sao? Bà chủ quán bảo, thì vẫn vậy. Con đó số hồng nhan, mới hơn ba chục tuổi đầu mà góa bụa. Một mình sống thôi. Chả có con cái gì. Nó mới mở một sạp hàng nhỏ, bán miến rong với nấm hương cho người ta mua về xuôi. Nguyễn bảo, nhà cô ấy ở đâu? Bà chủ quán hỏi, tính đến thăm hả? Mày còn trẻ, còn trai tân, mắc mớ gì mà đến? Nguyễn bảo, kệ mẹ tôi, bà hỏi tò mò quá. Bà chủ quán bảo, đến chỗ nào có cái chùm chuông gió treo điếc tai hàng phố thì là nhà nó. Thanh niên đẹp trai vậy mà tính khí khó ưa. Nguyễn bảo, mày cứ ngồi đây, chờ tao. Rồi bỏ đi. Bà chủ quán được dịp nói chuyện về cô Huê. Ngày trước cô Huê là mối họa của đàn bà thị trấn. Biết bao nhiêu gã đàn ông đến, săn tìm và người ta đồn cô đã ngủ với tất cả đàn ông thị trấn. Cô Huê đẹp. Tôi cắt lời bà, bà có thấy ai ngủ với cô ấy chưa? Quỷ sứ! Cậu ăn mắm ăn muối đâu mà hỏi chuyện vớ vẩn vậy? Mà lạ lắm, đám tài xế xe tải hôm nào đi về cũng mang cho nó nắm tiền, túi hoa quả. Họ bảo, có quà đón tay nó đi xa về gần may mắn. Nó là cái thần tài. Mà cậu là thế nào với cái thằng Nguyễn trời đánh? Là bạn. Bạn bè gì cái thằng này, ngày nhỏ nó đập không biết bao nhiêu người. Nhiều đứa mụ mị vì ăn đòn của nó. Mà tôi thấy cậu hiền lành quá. Nó hiền mà nó ăn thịt bà được đấy – tiếng Nguyễn bất chợt vọng lại. Nguyễn đã về, rót rượu ra chén, uống một mình. Bà chủ quán hấp háy mắt, không giấu được nỗi tò mò. Con Huê sao? Sao là sao? Thì tôi hỏi xem nó như thế nào mà? Như thế nào thì liên quan gì đến nhà bà? Biến ngay! Biến thì biến, thanh niên gì khó tính như ông già. Nguyễn ném tiền lên bàn. Tan một bữa tối. Bữa tối vắng trong thị trấn vắng, ảm đạm.
Chúng tôi ngồi hút thuốc dưới gốc cây bàng cụt ngọn. Thi thoảng có chiếc xe tải chạy ậm ạch qua. Mùa đông lạnh như một nắm cơm khô. Nguyễn rít thuốc như tích tụ trong lồng ngực mình một bình khói. Rồi bảo, cô ấy đã không còn yêu tao nữa. Hóa ra bao nhiêu tháng bao nhiêu năm, bạt mạng cả cuộc đời nhưng Nguyễn vẫn không đổi thay được chính mình, không dứt bỏ được xứ này như dứt bỏ một thứ quá khứ buồn đau. Vì sao? – Tôi hỏi. Tao cũng không biết nữa. Tao đã đi qua đời con gái của cô ấy. Nhưng cũng chả trách được. Tao đối với cô ấy chả ra gì... Những ngày cũ kỹ ấy, hóa ra với Nguyễn không chỉ là những ngày tháng dằn vặt. Nó còn có cả một tình yêu thầm lén và cuồng dại. Khi Nguyễn biết mình là người đàn ông đầu tiên của Huê, gần như Nguyễn đã ngất đi. Một tình yêu mà mãi sau này, Nguyễn vẫn không sao quên được. Không ai cho Nguyễn cái cảm giác ngây ngất ấy. Những người đàn bà đi qua đời Nguyễn đã gom góp từng ngày sự khinh miệt trên mặt nó. Để rồi hôm nay, khi tôi hiểu nó sống vì những điều gì thì điều ấy đã vỡ vụn mất rồi. Ngày Huê cưới chồng cũng là ngày Nguyễn bỏ thị trấn về thành phố. Huê lấy một người đàn ông làm chủ những chuyến xe hàng. Huê có yêu người đàn ông đó không? Đến bây giờ Nguyễn vẫn không trả lời được. Nhưng lòng người thiếu phụ ấy đã vĩnh viễn khép lại sau khi chồng cô mất. Nguyễn đã không còn lại gì với thị trấn, ngoài một tình yêu bị nhốt giấu trong lòng người như huyệt mộ và một nắm xương tàn của cha.
Tao muốn về Hà Nội quá, Nguyễn bảo. Tôi gật đầu. Và khoác túi, bước ra ngoài, tìm một chiếc xe tải để vẫy xin đi nhờ. Nguyễn lụi cụi trong nhà rất lâu. Như thể ngắm nhìn ngôi nhà thơ ấu lẫn trong bóng tối. Đến khi tiếng xe chạy tới, Nguyễn lao ra cùng tôi. Chúng tôi leo lên thùng xe chất đầy những bao thảo quả. Nguyễn bảo, thôi, coi như tạm biệt.
***
Một câu chuyện rất cũ. Hai năm rồi, phải, cũng phải đến hai năm rồi tôi mới chợt nhớ lại. Một ngày mùa đông nào đó trong cuộc đời mình, mình đi trên một hành trình không phải để cho mình mà cũng không vì điều gì cả. Tôi đi như một điểm tựa cho Nguyễn sau biết bao câu chuyện. Tôi sợ nó tự tử, chính xác là như vậy. Hai năm kể từ ngày đó, kể từ ngày Nguyễn lên máy bay vào Sài Gòn để bắt đầu một cuộc sống không cần thuốc ngủ để tẩy rửa, tôi cố tình không liên hệ với Nguyễn. Không phải vì những hiểu lầm trong một mối quan hệ tay ba như người ta thêu dệt về tôi sau này mà đơn giản để Nguyễn bắt đầu ở một nơi không có nước mắt. Cuộc sống của tôi sau hai năm cũng mang nhiều biến động. Một gia đình và một tình yêu. Tôi chỉ chợt nhớ lại Nguyễn khi một ngày rảnh việc sục sạo các blog để tìm ý tưởng cho một chương trình quảng cáo. Cái blog ấy không biết của ai, nhưng nó gợi lại cho tôi về cái thị trấn đầy hoài niệm ấy.
Dương Bình Nguyên