Pair of Vintage Old School Fru
Ngọc núi

Ngọc núi

Tác giả: Sưu Tầm

Ngọc núi

(Admin - "Tháng năm không ở lại")


Nhỏ ôm chầm lấy nó và một nửa bức tranh bướm phượng. Những giọt lệ nức nở của nhỏ lăn trên gò má mà không nói lấy một lời.


***


Hồi nhỏ nó sống ở một thành phố đầy nắng, gió, bão giông. Mang tiếng là thành phố nhưng thành phố thời đó còn khó khăn lắm. Những con đường đất chạy quanh quanh, những hàng tre xanh rợp bóng cả một thời ấu thơ. Những rặng núi sừng sững đứng soi bóng bên bờ sông Lam. Khác với bây giờ, bờ rào ngăn cách giữa các nhà với nhau là hàng gạch thì bờ rào ngăn cách giữa các nhà hàng xóm thời đó cũng chỉ là một hàng dâu tằm. Trưa hè nắng nóng lại ra hái dâu mà ăn. Nhà nó và các nhà hàng xóm xung quanh thường trồng rất nhiều ổi. Những cây ổi cao bằng chiều cao mái nhà ngói.


Ngọc núi


Ở xóm nó, có một người con gái thua nó một tuổi. Nhỏ tên là Ngọc. Nó hay gọi nhỏ với tên là Ngọc Núi. Sở dĩ nhỏ có tên đó là do nhà nhỏ ở dưới chân núi Quyết. Thời đó là thời kì còn đang cấm vận, việc đun nấu của các nhà ở thành phố là một vấn đề tương đối khó khăn. Chưa có nhà nào có bếp ga. Nhà khá giả thì đun củi còn hầu như xóm nó ai cũng đi lấy lá thông ở trên núi Quyết về đun. Người dân xóm nó thường gọi việc này là đi rú Quyết vơ thông. Ngày nào cũng vậy, cứ đến buổi sáng sau khi học bài xong thì nó lại làm nhiệm vụ "đảm đang" là đi vơ thông. Đi ngang qua nhà nhỏ, nó gọi: "Ngọc Núi ơi ! Đi vơ thông đi !". Ngọc Núi trả lời : "Ờ ! Đợi một tí". Một lát sau, Ngọc Núi được "trang điểm" bằng một cái nón cũ mềm, một cái móc thông và thế là hai đứa lên đường "làm nhiệm vụ".


Hồi đó, đường lên rú Quyết tương đối gập ghềnh trắc trở. Nó xung phong leo lên trước sau đó kéo tay nhỏ lên. Hai đứa vừa leo rú vơ thông nhưng cũng không quên đi tìm những quả dại mọc trên núi có thể ăn được. Đó là những quả bông trang, những quả cơm nguội hay nhiều hơn cả đó là những quả mua hay quả sim chín. Lúc vơ thông xong, hai đứa bèn cột các bao đựng thông lại và cho thả cùng một lúc. Nếu bao thông của người nào rớt xuống chân núi trước thì người đó thắng. Người thua phải về nhà hái ổi đền cho người thắng cuộc. Thường thì nó hay nhường nhỏ. Nó đếm một, hai, ba nhưng đến ba nó chưa thả liền mà đợi cho nhỏ thả trước thì nó mới thả. Vì thế cây ổi thời ấu thơ của nhà nó thật tội nghiệp. Những quả to bằng nắm tay đã hiếm thì những quả to bằng cái bát lại càng không có.


Vùng đất nó sống thường có truyền thống hiếu học. Ngoài nhiệm vụ đi vơ thông giúp ba mẹ thì bọn con nít chúng nó thường hay học bài chung với nhau. Nhỏ cũng không phải là ngoại lệ. Nhỏ thường hay đến nhà nó chơi để hỏi bài. Nó học cũng tương đối khá nên nhỏ hỏi gì nó cũng trả lời được. Cạnh nhà nó, có thằng hàng xóm rất hay trêu chọc. Cứ mỗi lần nhỏ đến nhà để hỏi bài thì y như rằng, thằng hàng xóm liền nhỏng đít lên lêu lêu : "Tụi bây ơi, ra mà xem hai đứa chơi trò chơi vợ chồng kìa !" Nó tức lắm, nhỏ cũng tức lắm nhưng trong lòng cũng có cái gì đó ... thích thích.


Nhà thằng hàng xóm công nhận ổi to thật. Những quả to bằng cái nắm tay đã nhiều thì những quả to bắng cái ấm trà cũng không phải là hiếm. Một hôm, thằng hàng xóm và gia đình đi vắng. Nó và nhỏ đang học bài thì nhỏ bỗng ngước nhìn về cây ổi nơi góc vườn nhà thằng hàng xóm. Nhỏ nhìn quả ổi vàng ươm mà quên rằng nó đang giảng bài cho nhỏ. Nó nhìn nhỏ và nhìn quả ổi. Chợt nó nghĩ ra một cách. Nó nói "Em vào trong giã muối ớt đi, để anh đi hái trộm ổi cho !". Nói là làm. Nhỏ có khuyên can nó đừng làm như thế vì như thế là không tốt đâu. Nhưng máu anh hùng của nó nổi lên. Vì sự thèm muốn của nhỏ và hơn nữa là nó không thể quên được cái thù hay trêu chọc của thằng hàng xóm. Thế là, nó leo lên cây ổi nhà nó, đu mình cho cành ổi vươn sang cây ổi nhà thằng hàng xóm. Phựt một cái, quả ổi to bằng cái bát đã nằm trong tay nó. Hai đứa hí hửng vào nhà xe ổi ra ăn nhưng lòng nó đầy lo sợ. Ổi ăn trộm công nhận ngon thật. Nó vừa ăn vừa sợ gia đình thằng hàng xóm biết được. Nhưng bụng bảo dạ "Nhà nó nhiều ổi chắc cũng không biết đâu !". Khi học xong bài, nhỏ ra về thì thằng hàng xóm cũng vừa quay về. Thật không may cho nó, trưa hôm đó, thằng hàng xóm ra vườn ổi để hái ổi vào ăn. Thằng hàng xóm bỗng nhận ra quả ổi ngon nhất bị mất. Thằng hàng xóm mếu máo chạy vào méc mẹ nó. Mẹ nó liền hiểu ra vấn đề. Và thế là ba roi cho cái tội ăn trộm ổi. Ba roi vừa to vừa dài như những con lươn hằn lên mông nó. Nó khóc vì đau nhưng hả dạ. Nó thầm nghĩ "Đáng đời tội cái thằng hay trêu tao !".


Thời gian cứ thế dần qua. Nhỏ Ngọc bây giờ đã là một thiếu nữ. Nó năm nay lên lớp cấp III và nhỏ cũng thế. Nhỏ đẹp thật ! Nhỏ có đôi mắt trong xanh như dòng sông Lam đầy thơ mộng. Mái tóc dài đen tuyền. Lông mi dài và cong vút. Nhỏ có làn da trắng như ánh sương mai đọng trên rú Quyết. Hai đứa cùng học chung một trường. Ba mẹ nhỏ rất tin tưởng nó nên giao nó nhiệm vụ là đưa nhỏ đi học và đón nhỏ về. Hai đứa trong lòng có chút vấn vương nhưng tương lai đang còn chờ phía trước.


Hè về, hoa phượng đã nở. Nó thường hay chở nhỏ đi hái hoa phượng về ép. Nó thường leo lên cây phượng ven đường bẻ cho nhỏ cả một giỏ đầy hoa phượng. Nó đưa nhỏ về trên một con đường dát nắng vàng. Hàng phượng vĩ bên đường như còn vấn vương về tà áo dài bay trong gió của nhỏ. Ánh nắng chiều chắc còn lưu luyến mái tóc huyền chấm ngang vai. Và nó, nó dường như muốn tuổi mộng mơ cứ thế dài dài hơn nữa.


Nó đã đậu đại học ở một trường đại học ở phía Nam. Nó báo tin cho nhỏ. Nhỏ rất mừng nhưng đôi mắt thoáng buồn. Hôm chia tay ở ga tàu, nhỏ có trao cho nó một con bướm phượng ép đậu trên một nhánh cây hoa cẩm chướng. Trên tay nhỏ cũng là một con bướm phượng. Hai con bướm phượng này được cắt từ một bức tranh bướm. Đó là đôi bướm phượng rất đẹp đậu trên bông hoa cẩm chướng. Bướm phượng to đậu và che chở cho con bướm phượng dưới. Nó nhận con bướm phượng và chợt hiểu. Nó khuyên "Thôi ! Em về đi. Anh đi học bốn năm rồi anh về !". Nhỏ ôm chầm lấy nó và một nửa bức tranh bướm phượng. Những giọt lệ nức nở của nhỏ lăn trên gò má mà không nói lấy một lời.


Dòng đời cứ mãi trôi. Những lá thư được viết vội. Cũng như bao lời ước hẹn của những đôi bạn trẻ, những lá thư dần thưa. Những lời hứa được cất vào ngăn tủ để dành cho những toan tính hiện tại. Nó đi phụ quán cà phê, làm gia sư và làm tất cả những gì để có thể lo cho cuộc sống hiện tại bởi nhà nó không phải giàu có gì. Nhỏ giờ đã vào học một trường đại học danh tiếng ở phía Bắc. Vây quanh nhỏ là những thiếu gia giàu có và rất gă-lăng. Nó có lần nhận được tin thằng bạn hàng xóm mà ngày xưa nó trộm ổi báo tin rằng, nhỏ Ngọc hiện khác lắm! Không còn vẻ đằm thắm thùy mị nữa đâu! Tay nhỏ được sơn màu đỏ của trái mận chín. Tóc dài ngang vai được cắt thành tóc tém. Tà áo dài xưa giờ đã vắng bóng lâu lắm rồi. Thay vào đó, là váy ngắn, váy dài đủ màu sắc sặc sỡ. Nó nhận được tin của thằng bạn mà lòng bán tín bán nghi. Nó mơ hồ rằng có chuyện gì đó sẽ xảy ra. Nó liền gửi thư hỏi tin nhỏ xem có đúng không nhưng nhỏ phản ứng lại một cách quyết liệt. Nhỏ nói "Ừ ! Em thay đổi đấy ! Nếu anh không tin tưởng em thì thôi ! Chúng mình chia tay đi !". Đó là nội dung bức thư cuối cùng mà ở thành phố phương Nam này nhỏ gửi cho nó....


Thế là đã bốn năm đã qua! Nó đã học xong Đại học. Nó về quê. Quê nó giờ không còn con đường đất nữa mà thay vào đó là con đường rãi thảm nhựa. Hàng ổi nhà thằng hàng xóm ngày xưa cũng không còn. Đô thị hóa đã quét qua xóm nó. Nhà thằng hàng xóm đã chặt hết ổi và cho xây một dãy phòng trọ. Nó sang chơi và tặng quà cho nhà thằng hàng xóm. Thằng hàng xóm thấy nó về mừng lắm, ôm chầm lấy nó và rót nước mời nó uống. Sau khi trò chuyện một hồi lâu, thằng hàng xóm chợt hỏi "Mày biết tin gì chưa ?" – "Chưa !". Nó trả lời ! "Nhỏ Ngọc mới lấy chồng cách đây vài tháng. Nó nghỉ học và lấy chồng là do có bầu đó !". Nó đứng lặng hồi lâu và nơi khóe mắt chợt thấy cay cay.


Nó đi vội sang nhà nhỏ nhưng nhà nhỏ giờ không còn ai. Nhà nhỏ giờ đã bán cho người khác. Nó lang thang đi ngang qua cây phượng vĩ mà ngày xưa nó thường hay hái hoa cho nhỏ. Cây phượng vĩ giờ đã to hơn và ra nhiều hoa lắm. Nó chợt nhớ đến con bướm phượng mà ngày xưa nhỏ tặng cho nó lúc chia tay. Nó thầm kêu lên : "Ngọc ơi ! Phượng còn đây mà em nay đâu ?"


Nguyễn Ngọc Giang

2hi.us