XtGem Forum catalog
Mùa xuân đã đến trong đời

Mùa xuân đã đến trong đời

Tác giả: Sưu Tầm

Mùa xuân đã đến trong đời

Còn hơn chục ngày nữa là Tết. Trước cổng cơ quan rực rỡ những đào, những quất và muôn sắc màu của những bộ thời trang hiện đại. Không khí đường phố rộn ràng, tấp nập. Ngồi viết báo cáo mà lòng tôi như lửa đốt. Giờ này mọi năm, tôi đã sắp về với mẹ. Bố tôi mất ngày 26, áp Tết. Mẹ thường gói bánh chưng trước để kịp giỗ bố. Nhưng năm nay, mẹ đang ốm nên tôi phải nghỉ sớm để về quê giúp mẹ gói bánh.


***


Tôi rón rén gõ cửa phòng thủ trưởng - người mới về nhậm chức được hai tháng nay. Thủ trưởng là người trầm tư, ít nói, luôn say mê với công việc nên ai cũng kính trọng nhưng ngại tiếp xúc. Với tôi, việc xin ông cho nghỉ phép áp Tết quả thật là liều.


- Nhà cháu ở tận Hà Quảng, Cao Bằng cơ à? Thủ trưởng sau khi đọc đơn của tôi chỉ hỏi vậy chứ không trả lời đồng ý hay không. Tôi vô cùng hồi hộp trước vẻ mặt đầy đăm chiêu của ông. Chợt ông ngẩng lên bảo:


- Cháu đợi chủ nhật hãy về, vì hôm đó có xe của bác cũng lên Hà Quảng, đưa cháu về luôn được không?


Mùa xuân đã đến trong đời


Lời Thủ trưởng khiến tôi mừng khôn tả. Còn bây giờ, tôi đã ngồi bên ông trong một chiếc xe ô tô 4 chỗ. Xe riêng chứ không phải xe công của cơ quan như tôi nghĩ. Và người lái chính là Thủ trưởng. Nhưng như thế khiến tôi sờ sợ thế nào. Bởi từ lúc tôi vào xe, ông chỉ nói với tôi hai câu. Câu đầu tiên lúc đón tôi từ nhà trọ đi ra, ông bảo: "Cháu có cần mua gì thêm cho gia đình cứ mua vì xe chỉ có cháu". Câu thứ hai là: "Nếu từ huyện về nhà cháu, đi được xe ô tô thì đợi bác, xong việc ở huyện, bác đưa về tận nhà?". Nghĩ thấy phiền hà đến Thủ trưởng, tôi đành từ chối. Không thấy ông nói gì. Từ lúc đó, ông càng im lặng bên tay lái nên tôi cũng không dám chuyện trò.


Gần đến Thái Nguyên, thấy ông mở nhạc. Bài hát Cô gái mở đường rộn rã trong xe khiến tôi rất nhớ mẹ, vì bà hay hát bài này. Tôi chủ động phá bầu không khí im lặng giữa tôi và ông: "Mẹ cháu rất thích bài này vì trước mẹ cháu là thanh niên xung phong, bác ạ". "Thế à?" Thủ trưởng thấy tôi khoe bất ngờ nên ông rất hồ hởi. Thấy thế, tôi khoe thêm: "Mẹ cháu hát cũng hay lắm. Nhất là bài này. Nghe mẹ kể ngày trước vì mê tiếng hát của mẹ mà bố cháu lấy mẹ đấy". Thủ trưởng bỗng bật cười ha hả. Tiếng cười sảng khoái, hiếm hoi chưa bao giờ tôi thấy. Cười xong, ông cũng đùa: "Bố cháu thật hạnh phúc. Ngày trước bác cũng mê tiếng hát của một người nhưng vì không lấy được người đó mà bác ở vậy đến giờ đấy". Tôi nghe mà ngạc nhiên không cười nổi. Điều bí mật là "Thủ trưởng chưa hề lập gia đình" sao cơ quan tôi không ai biết nhỉ? Đang nghĩ thì thủ trưởng hỏi: "Cháu có biết hôm nay bác lên Hà Quảng có việc gì không? Bác đến nghĩa trang huyện viếng người đồng đội của bác hồi trước đã cứu bác thoát chết trong một trận bom ở Trường Sơn". "Ai hả bác?". Tôi tò mò hỏi luôn. Nhưng thủ trưởng chỉ cười bảo: "Lúc nào đến đó, cháu vào viếng với bác sẽ biết". Tôi đồng ý ngay vì trong nghĩa trang đó có bố tôi. Nhân thể tôi cũng vào thắp hương cho bố luôn.


Thế là từ lúc đó, hai bác cháu tôi nói chuyện rôm rả. Gần trưa chuẩn bị đến huyện, tôi khoe: "Bố cháu cũng nằm trong nghĩa trang huyện, bác ạ!". Thủ trưởng nghe tôi nói thì hỏi ngay: "Bố cháu tên gì? Hy sinh năm nào? Mặt trận nào?". Tôi nói bố tôi là Lê Văn Quyết, hy sinh ngày 19/1, tại mặt trận Quảng Trị. Lập tức mặt ông biến sắc, ông kêu lên: "Cháu có phải là cái Bống ngày bé không? Mẹ là Cúc, quê Thái Bình, phải không?". Lúc ấy, tôi vô cùng ngạc nhiên khi ông hỏi về tôi và mẹ. Tôi mới chỉ vâng mà ông lặng người đi. Bỗng chốc, ông trở lại con người trầm lặng như trước làm tôi phát hoảng.


Rồi tự nhiên thấy ông từ từ dừng xe. Bất ngờ ông nói với tôi: "Bống ơi! Thế là bác đã tìm ra mẹ con con rồi. Hồi ấy ở chiến trường, mẹ con có thai với bố con nên phải về địa phương Thái Bình sinh con. Sau đó, bố con hi sinh. Bác mất luôn liên lạc. Mấy năm trước, bác được tin hài cốt bố con đã được đưa về nghĩa trang trên này, năm nào bác cũng về đây thắp hương. Ai ngờ con và mẹ đã lên đây sinh sống?".


Khi vào nghĩa trang thắp hương cho bố tôi, tôi đã kể với bố về sự hội ngộ tuyệt vời này. Còn Thủ trưởng thì lầm rầm nói với linh hồn bố tôi: "Tao không dám đi tìm Cúc vì sợ mày hiểu lầm. Nhưng có phải mày đã "điều" tao về làm thủ trưởng của con Bống, để rồi có ngày hội ngộ hôm nay không? Mày khôn thiêng hãy phù hộ cho mẹ con Cúc khỏe mạnh, vững vàng. Còn con Bống nó giỏi, ngoan lắm. Để tao lo cho nó...".


Chiếc ô tô đi vào tận ngõ. Tôi mở cửa chạy ra và gọi to: "Mẹ ơi! Con mang mùa Xuân về cho mẹ đây này!". Mẹ tôi chạy ra, bà đã khỏe chứ không quá mệt như tôi nghĩ. Và khi thấy người đàn ông bước theo sau tôi, bà sững lại, nhìn trân trân, chợt bà kêu lên: "Anh Quân phải không?". Thế là hai người nhào vào ôm vai nhau. Tôi lặng người mà nước mắt vòng quanh.


Chiều ấy, bác Quân ở lại gói bánh chưng để kịp ngày mai cúng bố tôi. Cả đêm, bác lại cùng mẹ con tôi ngồi đun bánh chờ sáng. Trong hơi ấm của bếp lửa hồng, trong tiếng nước reo của nồi bánh, mẹ con tôi đã được nghe bác kể bao chuyện về bố. Năm giờ sáng. Bánh chưng chín vớt ra, mẹ kịp đặt bánh lên bàn thờ để bác Quân thắp hương khấn bố. Sau đó, bác mới tạm biệt mẹ con tôi về Hà Nội. Đưa bác ra xe, mẹ tôi dặn: "Nếu buồn, anh lên đây ăn Tết với mẹ con em nhé!". Bác Quân nhìn mẹ rất vui mà không nói gì. Tôi biết bác quá bận, có lẽ không thể lên đây theo lời mời của mẹ được.


Nhưng chiều 30 Tết, tôi đang cắm hoa thì nghe mẹ gọi ríu rít: "Bống ơi! Hình như có tiếng xe ô tô đi về phía nhà ta". Tôi chạy vội ra cổng nhìn về con đường núi. Đúng rồi. Đúng là chiếc xe của bác Quân đang đến gần nhà tôi. Tôi reo to: "Mẹ ơi! Đúng là mùa Xuân của mẹ đấy!". Mẹ tôi chạy ra. Bà đã mặc bộ thanh niên xung phong từ lúc nào. Trông mẹ trẻ trung, rạng rỡ như mùa Xuân đang trở lại.


Nguyễn Nhật Hoàng

2hi.us