Old school Swatch Watches
Một lần ra phố

Một lần ra phố

Tác giả: Sưu Tầm

Một lần ra phố

Thế nhưng giờ đây dù đã hết sức cảnh giác, hắn bỗng hoảng hồn khi lần tìm mãi mà cái túi vải không còn chỗ cũ.


***


Hắn được má giao nhiệm vụ đưa em gái lên TP dự thi đại học. Quãng đường từ miền Tây quê hắn đến trường thi phải qua một lần xuồng và một lần chuyển xe nữa mới tới nơi. Từ bé tới giờ chưa có dịp đi xa nên hắn rất lo lắng. TP mà theo hắn nghĩ là nơi nhộn nhịp, xô bồ và đầy bất trắc. Nơi đó có biết bao nhiêu cạm bẫy đang chờ anh em hắn.


Một lần ra phố


Má căn dặn: "Nhà mình nghèo, con sớm thất học nên tương lai chỉ trông chờ vào em gái con. Con phải cố gắng đi đến nơi về đến chốn, nghen con!". Hắn dạ dạ liên hồi mà bụng lo đến buốt ruột, còn con Nhím – tên gọi ở nhà của em gái hắn, thì háo hức ra mặt, luôn mồm nhắc: "Ngày nào mình lên đường anh Hai?".


Má cẩn thận khâu một cái túi nhỏ rồi dồn số tiền chẵn và dính chắc chắn vào chiếc quần đùi nó mặc. Còn số tiền lẻ đủ mua vé xe và chi phí dọc đường cho hai anh em được nhét vào đáy túi xách. Vậy mà má vẫn chưa yên tâm cứ dặn đi dặn lại hoài khiến hắn phải càu nhàu: "Má nghĩ con còn con nít lắm sao?". Má nó cười: "Ừ! Thằng Hai với con Nhím cố mà thi cho giỏi nha".


TP đúng là cái gì cũng hay cũng lạ thiệt. Hai đứa cứ lơ ngơ như bò đội nón. Thằng anh đeo hành lý vào cổ, xoay ra phía trước để tránh bị kẻ gian rạch túi. Mặt cố tỏ ra vẻ thản nhiên, bình tĩnh, dày dạn nhưng những bước đi của nó cứ lập bập mấy lần suýt té, cộng thêm nước da đen nhẻm màu bùn chính gốc dân miền Tây lắm kinh nhiều rạch không thể lẫn vào đâu được.


Con Nhím líu ríu theo anh, mắt ngước nhìn những tòa nhà cao ngất ngưởng đến nỗi chiếc nón vải trên đầu bị rơi xuống đường buộc hắn phải mấy lần ra hiệu cho em gái: "Nhìn thẳng phía trước mà đi". Mải ngắm nghía bên này bên kia, lâu lâu hắn lại giật mình thọc tay vào túi quần sờ nắn cái chỗ cồm cộm phía trong và biết nó vẫn yên vị thì thở phào nhẹ nhõm. Kể ra thì cũng bất tiện thiệt nhưng an toàn là việc cần thiết nhất thì phải ưu tiên thôi.


- Bạn gì ơi! Hai người lên dự thi đại học phải không? Các bạn có cần sự giúp đỡ gì không vậy?


Có tiếng gọi và một người cỡ tuổi hắn chạy lại bảo.


Chết cha! Sao nó biết hè – hắn cảnh giác – bọn lừa đảo ghê thiệt, cái chi cũng biết hết, giả đò làm quen làm biết để tìm cơ hội móc túi phải không, tao không mắc mưu tụi mày đâu hén. Nghĩ vậy, hai tay vẫn nắm chặt quai túi xách, như một cái máy, hắn chối biến:


- Không! Tụi tui lên bệnh viện thăm người nhà bị bệnh


Hắn nghĩ rằng như vậy sẽ rất tốt vì dù sao cũng sẽ đánh vào lòng trắc ẩn của con người dù người đó là kẻ cướp đi chăng nữa, ai đời lại đi cướp của những người ở vào hoàn cảnh éo le khổ sở như hắn (?!).


- Thế người nhà của bạn nằm ở bệnh viện nào?


- À... à Bệnh viện... Chợ Rẫy – hắn nói đại vì chợt nhớ ra đây là một bệnh viện lớn mà có lần hắn đã nghe ai nói thì phải.


- Vậy thì bạn nhầm đường rồi, Bệnh viện Chợ Rẫy ở quận 5, còn đây là quận Thủ Đức, hai bạn nên quay lại theo đường này, đi tiếp một đoạn khoảng cây số rồi kiếm mấy anh công an giao thông đứng ở ngã tư đường hỏi thêm thì mới đến nơi được.


Nói xong, người mặc áo xanh chạy vội đi. Hắn ngơ ngác nhìn theo, không phải là lừa đảo sao?


Một lần ra phố


Loanh quanh hỏi dò một hồi, được bác xe ôm chỉ đường cặn kẽ, hai anh em hắn cũng tìm được chỗ cần tìm. Đứng trước cái cổng to uỳnh là dòng chữ "Trường Đại học Nông Lâm". Điều hắn lạ lùng hơn nữa là có rất nhiều người cũng trạc cỡ tuổi hắn mặc áo màu xanh, đầu đội nón tai bèo, lúc nào cũng bận rộn với việc đón tiếp các sĩ tử từ các nơi kéo về. Họ chỉ dẫn tận tình, chu đáo. Con Nhím bảo: "Anh Hai nè, họ là những sinh viên tình nguyện đó". Hắn chặc lưỡi "Ờ... vậy sao".


Hai anh em được bố trí ở trong khu ký túc xá sinh viên, trong phòng có bốn chiếc giường tầng với tám người vừa đến. Theo sự giới thiệu của ban sinh viên tự quản, hai anh em hắn ra ngay tiệm cơm gần trường, làm hai phần cơm bụi, có nước rau muống vắt chanh ngon đáo để mà giá bình dân, lại thêm dì chủ tiệm vui tính, thì hắn bỗng nghiệm ra rằng, có những điều trên phố khác xa với những lo lắng của nó. Chắc cái bụng rồi, hắn mắc màn đi ngủ sau một ngày đường vất vả và căng thẳng, không quên gối chiếc túi xách kê đầu.


Ba hắn mất vì bệnh hiểm nghèo khi hắn đang học lớp tám. Nhà neo quá, hắn phải bỏ học giữa chừng. Dù tuổi còn nhỏ nhưng hắn đã là một lao động chính trong nhà. Mùa nước nổi, hắn theo bạn bè giăng câu, thả trúm cũng kiếm được ít tiền phụ với má. Mùa cạn, hắn theo đám vịt chạy đồng lang thang cả tháng trời ngoài bưng ngoài ruộng. Buổi sáng thì lùa đám vịt bầu ra đồng bằng cây sào có túm lá chuối khô phất phơ đầu ngọn, sau về lượm hột vịt cho má đem ra chợ bán.


Hôm đó má bàn với hắn bán phân nửa đàn vịt làm lộ phí cho hai anh em lên đường. Bà con xóm ấp cũng đến động viên đông đủ, người dăm ba chục, kẻ một trăm góp vào với lời chúc Nhím đậu đại học, đặng làm kỹ sư nông nghiệp sau về quê giúp bà con mần ăn cho đỡ cực, cho bà con nở mày nở mặt với xóm dưới ấp trên.


Thế nhưng giờ đây dù đã hết sức cảnh giác, hắn bỗng hoảng hồn khi lần tìm mãi mà cái túi vải không còn chỗ cũ. Hắn hoảng hốt thật sự khi thấy một kẻ lạ mặt nào đó đã không biết bằng cách nào lấy được số tiền lộ phí của anh em hắn. Ý thức về chuyện không hay xảy ra, hắn vừa kêu "Cướp! Cướp!" vừa co giò phóng vút qua đám gạch vữa lổn nhổn mà tên cướp vừa chạy qua. Càng cố sức đuổi theo tên cướp nhưng chân hắn sao cứ nặng như đeo đá. Bỗng nghe cái "oạch", hắn bị trượt chân, va vào tảng đá đau điếng nhưng miệng vẫn không ngớt kêu mọi người giúp đỡ bắt tên cướp lại.


- Có chuyện gì thế?


Điện bật sáng, mọi người trong phòng tỉnh dậy đã thấy hắn chổng ngửa trên sàn nhà sau một cú bay từ tầng trên xuống, giữa trán hắn nổi một cục u tím bầm như trái măng cụt lép hột. Tiếng người láo nháo ngoài sân, rồi có hai người mặc áo xanh tay đeo băng đỏ đi vô hỏi thăm có chuyện gì đã xảy ra. Mấy người cùng phòng đỡ hắn ngồi dậy: "Không sao anh ta mơ ngủ thôi mà". Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Ai đó đưa hộp dầu nóng vừa bóp bóp vào cục u vừa an ủi "Đau lắm không?". Còn hắn một tay ôm trán còn tay kia như thói quen, thọc nhanh tay vào túi và nhận ra mọi chuyện vẫn như cũ.


Hắn suy đi tính lại, ừ sao mà ở phố vẫn có nhiều người tốt quá, không như những gì mình nghĩ. Đành rằng ở đâu cũng có người ngay kẻ gian, nhưng rõ ràng cái xấu chỉ lẩn khuất đâu đó thôi, chứ xung quanh cái thiện vẫn hiện hữu như cuộc sống vốn có. Tự nhiên hắn thấy sự lo lắng không đâu đã làm hắn đâm mệt mỏi, căng thẳng không đáng. Cảm giác yên tâm hơn lần đầu đến với hắn kể từ khi bước chân từ xuồng lên lộ. Hắn thấy TP thân thiện và đáng yêu quá chừng. Vừa chợp mắt được một lúc, bầu trời đã chuyển sang ngày. Ánh bình minh rực rỡ xuyên qua khung cửa sổ làm sáng cả một góc phòng. Lấp lánh.


Đinh Xuân Tiễn

2hi.us