Old school Swatch Watches
Không có tiết canh mèo

Không có tiết canh mèo

Tác giả: Sưu Tầm

Không có tiết canh mèo

- Sao cơ ạ? – Tớ hét lên hoảng hốt – Chú sẽ giết con mèo này á?


***


Tớ thấy bên ngoài ầm ĩ nên chạy ra xem. Chú Hoàng đang xách cổ một con mèo màu xám vằn đen, nó giãy giụa liên hồi, kêu gào thảm thiết. Chú ở trọ nhà bà tớ. Là một thủy thủ, chú khỏe khủng khiếp, có giọng cười to và vang, rất hay đùa và cũng rất tốt bụng.


- Mèo nhà ai thế ạ? – Tớ hỏi.


- Mèo hoang – Chú cười toét – Chú bắt làm thịt đấy. Mai cho nhóc nhậu tiết canh mèo!


- Sao cơ ạ? – Tớ hét lên hoảng hốt – Chú sẽ giết con mèo này á?


Không có tiết canh mèo


Chú bật cười ha hả:


- Thế bình thường nhóc nhai sống thịt lợn đấy à? Phải giết nó rồi mới luộc lên được chứ! Lợn, gà, chó, mèo, vân vân, được sinh ra để cho con người ăn. Chú đang giúp nó – chú lúc lắc bàn tay cầm con mèo – hoàn thành bổn phận!


Tớ há miệng định cãi, nhưng chẳng nghĩ được gì để nói cả. Vậy là tớ cứ đứng đó với cái miệng há hốc, nhìn chú nhồi con mèo đã kiệt sức vào bao bố, cột chặt lại rồi quẳng đánh "uỵch" ra vườn cây, nghe chú nói với bà: "Để trong nhà tối nó kêu ngao ngao thì mất ngủ."


Tớ là Chíp. Tớ đang bị lương tâm dằn vặt, nên tớ phải chạy ngay về nhà tìm ba mẹ. Ba là một nhà "môi trường học" – tớ cũng chả rõ đấy là nghề gì – còn mẹ là giáo viên lịch sử. Họ có thể giải quyết hầu như mọi vấn đề của tớ. Đến cửa nhà tớ hét toáng:


- Bố! Mẹ! Chú Hoàng định ăn thịt một con mèo!


Hai cũng đang ngồi đó, bật cười: "Chíp nói nghe như chú ấy là quái vật vậy", còn mẹ nhíu mày: "Chuột rõ lắm mà lại đi bẫy mèo. Bắt chuột mà ăn thì hơn."


Tớ liền quay sang mẹ: "Mẹ, chú Hoàng làm sai phải không?" "Ừ. Không nên làm thế." "Nhưng mình cũng vậy mà. Mình cũng giết lợn để ăn còn gì, chú nói bổn phận của các con vật là làm thức ăn cho mình. Vậy con Đà Điểu cũng phải bị ăn thịt hả mẹ?" – Tớ mếu máo và bắt đầu khóc vì ý nghĩ ấy kinh khủng quá.


Mẹ và Hai vội ôm lấy tớ, ba thì bỏ quyển sách đang đọc xuống, đưa mắt nhìn mẹ. Đợi tớ nín, mẹ nói:


- Không, mọi thứ được sinh ra là để sống. Con người làm ra cái bàn này, vì vậy cái bàn được tạo ra để phục vụ con người. Còn cây cối, các con vật và cả con người nữa, được tự nhiên sinh ra và tự nhiên mới có quyền quyết định mục đích sống của chúng ta. Nhưng chú Hoàng cũng có cái đúng, con người chẳng phải đạo đức giả lắm sao, thịt gà thì vẫn ăn nhưng lại tỏ ra thương xót khi tận mắt thấy con gà bị cắt tiết. Anh nghĩ sao hả, nhà môi trường học hay-nhậu-cầy-tơ? - Mẹ đưa mắt về phía ba, khiến ba khẽ nhăn mặt.


- Chỉ là... bạn mời thì anh dùng thôi. Nghe này Chíp – ba xoay tớ lại đối diện với ba – Thịt lợn ngon và bổ, lợn lại chẳng biết làm gì ngoài ăn và ngủ nên ta nuôi thật nhiều lợn lấy thịt. Những con lợn được nuôi đó cũng giống như cái bàn được tạo ra này. Con mèo kia không được sinh ra và nuôi dưỡng theo cách đó nên nó có quyền sống. Chó mèo lại có ích và thân thiện, nên nhìn chung ta không nên giết chúng.


Nếu con thực sự thương chúng, đừng bao giờ ăn thịt chó mèo. Đừng nghĩ điều đó quá nhỏ nhoi. Mọi người vẫn thường nghĩ thế về việc bảo vệ môi trường. Rằng một miếng rác nhỏ không thể ảnh hưởng đến Trái Đất, nhưng họ nhiều lần nghĩ vậy, rồi nhiều người nghĩ vậy. Thế là ta có những bãi rác to hơn cả một trang trại. Cũng như thế, một lần con từ chối ăn thịt mèo là con đã giúp một con mèo không bị giết. Năm mươi lần, con cứu được cả một đàn mèo lớn. Chú Hoàng không phải người xấu, chú chỉ không hiểu hay coi trọng những điều này giống như rất nhiều người khác.


Không có tiết canh mèo


Hai gật gù. Những điều ba mẹ nói, tớ chẳng hiểu được bao nhiêu. Nhưng có một điều tớ biết chắc: Đà Điểu cũng như con mèo xám sọc đen kia phải được sống. Vì vậy tớ quyết định lau nước mắt và đi ngủ.


Bà nội thường dậy khá sớm, mở cổng ra ngoài đi bộ. Ba mẹ cũng vậy, và sáng nay, chỉ sáng nay thôi, tớ cũng vậy. Tớ rón rén mở khóa lẻn ra ngoài trong lúc ba mẹ đang tập thể dục. Đến cổng nhà bà tớ thấy ngay cái bao bố đựng con mèo, nó vẫn ở chỗ tối qua. Con mèo thấy có bàn tay chạm vào cái bao liền rên lên yếu ớt, nhưng tiếng tim tớ đập thình thịch còn to hơn.


Tớ rút cây kéo cắt đồ ăn lấy từ bếp và xoẹt!, cắt đứt nút buộc bao bố. Con mèo nhảy xổ ra, làm đổ chiếc xe đạp của chú Hoàng cái "rầm" kinh thiên động địa.


Bỗng có một bàn tay túm lấy tớ, thì thầm: "Về nhà, nhanh lên" rồi đẩy tớ về phía cổng. Chẳng đợi nói đến lần thứ hai, tớ vắt chân lên cổ chạy khỏi đó. Mẹ và Hai đã chờ sẵn, tớ vừa vào nhà liền đóng cửa lại. Qua tấm kính, chúng tớ thấy ba vứt cái bao bố vào xe chở rác gần đấy, ba giây sau thì chú Hoàng hùng hổ chạy ra, la lối:


- Anh có thấy đứa nào vừa "thuổng" mất con mèo của em không? Em nghe tiếng xe đạp bị đổ nên chạy ra ngay mà không kịp! Bà đi bộ để cổng mở nên mới sinh chuyện, đáng ra em phải để nó trong nhà!


- Thế à, tôi vừa ra vứt rác, không thấy ai cả. – Ba trả lời tỉnh queo. Chú nhặng xị hồi lâu rồi mới chịu bỏ về. Ba cũng đủng đỉnh trở vào.


Giờ thì cả ba, mẹ và Hai đều đang nhìn tớ nghiêm khắc. Tớ biết mọi người sẽ không tán thành hành động lén lút phá hoại của mình nên đã chẳng nói với ai. Nhưng con mèo được thả rồi, tớ không hối hận. Nó chắc chắn sẽ không bén mảng đến vườn nhà tớ nữa và không bị bắt nữa. Tớ im lặng chờ nghe phán quyết của mình.


- Lần sau nhớ phi tang chứng cứ nhé.


Tớ ngạc nhiên ngẩng lên, còn ba tặc lưỡi:


- Lộ liễu quá. Không có ba thì "tiêu" rồi. Lần sau nhớ bàn trước với cả nhà đấy.


Một giây im lặng nữa, rồi không hẹn trước, tất cả chúng tớ cùng phá ra cười ngặt nghẽo đến phát nấc cụt.


Nguyễn Vũ Hương Mai

2hi.us