Hãy nhìn vào mặt trái của cuộc sống

Hãy nhìn vào mặt trái của cuộc sống

Tác giả: Sưu Tầm

Hãy nhìn vào mặt trái của cuộc sống

Những người sống quanh ta đa số là người tốt. Nhưng "đa số" không có nghĩa là "tất cả". Thỉnh thoảng bạn vẫn bị ai đó làm tổn thương. Đôi khi, lý do lại là vì bạn không để ý phân biệt "đa số" và "tất cả".


***


Hãy nhìn vào mặt trái của cuộc sống


Một lần, trong buổi giao ban cuối tuần, giám đốc công ty tôi nói: "Hãy nhìn vào mặt trái của cuộc sống". Thật ra, giám đốc nói nhiều lắm, khoảng gần một tiếng. Nhưng không hiểu sao, tôi chỉ nhớ mỗi câu "hãy nhìn vào mặt trái của cuộc sống". Nghe có vẻ rất lãnh đạo, thể hiện tầm tư tưởng cao siêu. Chị ấy là thần tượng của tôi, lãnh đạo của tôi, giám đốc của tôi. Hãy nhìn vào mặt trái của cuộc sống...Nghe cứ như một bản trường ca...nó ngân nga mãi trong đầu tôi.


Tối về, trong bữa cơm với vợ yêu, tôi nói: "Hãy nhìn vào mặt trái của cuộc sống". Tôi có cảm giác câu nói được phát ra thật hùng hồn, chắc nịch và tự tin. Tôi liếc nhìn vợ. Nàng có vẻ sững sờ. Sau bữa cơm, nàng bảo: "Anh nghỉ ngơi đi, để em dọn dẹp cho". Thấy chưa! Không như mọi khi, nàng không bảo tôi bưng hộ cái nọ cái kia thì cũng bảo tôi lau bàn dọ ghế. Sức mạnh của câu nói thật ghê gớm.


Thường khi, sau phút cao hứng là sự bình tâm. Trong tư thế nửa ngồi nửa nằm xem ti vi, tôi cũng bình tâm lại. Rồi tôi sực nghĩ: Thế vợ hỏi mặt trái cuộc sống là gì thì trả lời như thế nào? Đây chính là điều tôi chưa bao giờ tự hỏi mình. Chà...


Tôi nhìn lên tấm ảnh hai vợ chồng, suy nghĩ...Mặt phải cuộc sống là cái mà mình đang nhìn thấy...thế mặt trái...Tôi nhỏm dậy, lấy tấm ảnh xuống, tháo ra, nhìn vào phía sau...Chả thấy gì. Tôi soi lên bóng đèn...thấy lờ mờ...mình bên này...vợ bên này...Nhưng đây là ảnh mình đã biết trước...nếu là ảnh lạ, chắc không phân biệt được gì nhiều. Không lẽ trả lời vợ rằng mặt trái của cuộc sống là thứ rất khó nhìn thấy, nếu cố lắm cũng chỉ thấy lờ mờ...Không được! Không ổn đâu...lơ mơ bị vợ vặn cho méo mồm...mà cô ấy là chúa hay vặn vẹo.


Hình như vợ sắp xong việc. Tôi bắt đầu thấy cuống. Sực nghĩ phải tìm cách hoãn binh, tôi tắt ti vi, bật máy tính, ngồi vào bàn như đang bận việc. Lại sực nghĩ sao không vào mạng tìm câu trả lời? Ừ nhỉ...


Tôi vào một trang mạng, không nhớ trang gì. Tâm trí đâu mà nhớ. Tìm câu trả lời mới là quan trọng. Tôi thấy một video clip với dòng chữ đập vào mắt: "Nói nhiều tao đéo lấy nữa bây giờ". Sao lại thê! Yêu nhau nói nhiều một chút cũng tốt chứ sao...làm gì đến nông nỗi không lấy nữa. Tôi tò mò vào xem xem là chuyện gì.


Hóa ra không phải yêu nhau mà nói nhiều thì không lấy nữa. "Lấy" ở đây là lấy tiền,chứ không phải lấy nhau. Trong clip, một cảng sát, hay đúng hơn là một thằng ranh con (xin lỗi các đồng chí cảnh sát) khoảng hơn 20 tuổi đeo lon binh nhất cảnh sát giao thông, ngồi trong ca bin xe tải vói tay tài xế khoảng 40 tuổi. Tay tài xế vừa lái xe vừa trình bày với thằng ranh con, à quên, đồng chi cảnh sát; thằng ranh, a đồng chí cảnh sát nói: "Nói nhiều tao đéo lấy nữa bây giờ"


Chả thấy mặt trái cuộc sống ở đâu. Tôi nhìn thấy rõ mồn một, nghe thấy rõ mồn một, như xem xi nê vậy. Mất thì giờ quá...


Tôi lại tìm tiếp. Phải kiên trì thôi...Và tôi lại thấy một clip khác. Clip này có hình cảnh sát với dân, nhưng cái hình tam giác nằm ngay mặt đồng chi cảng sát, nên tôi không hiểu chuyện gì. Mà lạ thật, sao toàn thấy clip cảnh sát...hay ý trời muốn dẫn dắt tôi tìm mặt trái cuộc sống ở chỗ cảnh sát? Tôi quyết định xem clip này.


Clip ghi lại cuộc đôi co giữa cảnh sát giao thông và dân địa phương. Cảnh sát có 3 hay 4 người gì đó, dân thì đông...Đại loại thế này:


Đồng chí đại úy cảnh sát (giọng hơi méo): Anh muốn tui chào anh, anh phải tôn trọng tui trước đã...


Một người dân: Tui làm gì mà anh nói không tôn trọng anh...


Đại úy cảnh sát: Anh mặc quần đùi...


Một người dân khác: A, bà con ơi, dân phải mặc quần dài cảnh sát mới tôn trọng...


Một người dân khác nữa: A, cảnh sát có mùi rượu bà con ơi...cảnh sát say xỉn đi chặn xe xét...


Một người dân khác: Đo độ cồn...phải đo độ cồn cảnh sát giao thông say rượu...


Một người dân khác nữa: Bắn đi...mày bắn đi...tao nè...


Một người dân khác: A cảnh sát móc súng bà con ơi...thằng này vừa móc súng ra...


Chả có gì. Thế mà cũng quay...chán thật.


Đột nhiên vợ nhắc: "Khuya rồi anh". Tôi xem đồng hồ, giật mình...11 giờ. "Anh còn bận tí, em ngủ trước đi", tôi bảo vợ.


Tôi tiếp tục tìm...tìm mãi...một lúc sau lại thấy một clip khác, có hình một cảnh sát túm cổ áo một thằng bé nhấc lên, ở dưới có dòng chữ: "Cảnh sát giao thông đánh trẻ em". Vớ vẩn...thôi không xem nữa.


Tôi nhìn đồng hồ: 1 giờ sáng...chà, khuya quá rồi...nhưng trả lời thế nào? Thôi, cứ nói mặt trái cuộc sống là cái gì đó rát khó nhìn thấy, cố lắm cũng chỉ thấy lờ mờ. Nghĩ kỹ thì thấy câu trả lời có tính trừu tượng cao ra phết. Nhưng, tốt nhất là không ai hỏi. Tôi mệt mỏi đi ngủ.


Hôm sau chủ nhật. Ông già vợ điện bảo về ăn cơm. May quá, thế nào cô ấy cũng quên. Mà cô ấy quên thật.


Sáng thứ hai, tôi họp phòng triển khai công việc. Khi kết thúc tôi nói: "Hãy nhìn vào mặt trái của cuộc sống, còn ai hỏi gì không?". Chết thật...tôi lỡ miệng. Lẽ ra không nên có đuôi "ai hỏi gì không". Nhưng muộn rồi...


Một cánh tay rụt rè đưa lên. "Nói đi", tôi bảo. "Dạ, anh cho em hỏi ạ, mặt trái cuộc sống là gì ạ?". Tôi không nói gì, nhìn thẳng vào mắt cậu ta. Cái nhìn nói: "Có thế mà cũng không biết. Ngu thế". Cậu ta cúi gầm ngay xuống, nhưng tôi vẫn nhìn. Cậu ta không thấy nhưng người khác thấy. Đây gọi là chiêu "rung cây nhát khỉ". Những đứa khác chắc không còn dám hỏi.


Sự ngưỡng mộ của tôi đối với giám đốc khiến tôi ủng hộ chi ấy trong mọi trường hợp. Giám đốc cũng biết thế nên có phần ưu ái với tôi hơn. Một hôm, khi tôi đi ngang qua, giám đốc vẫy tay gọi vào, bảo: "Công ty cần trang bị thêm một số thiết bị máy móc. Cậu đến chỗ ấy...gặp ông ấy...bàn việc và hẹn ngày lắp ráp, cuối tháng phải xong". Giám đốc đưa tôi danh sách.Tôi vâng dạ đi ngay.


Mọi việc diễn ra suôn sẻ, đúng thời hạn. Tôi làm báo cáo quyết toán trình giám đốc. Giám đốc cầm bản quyết toán, cầm cả điện thoại đi vào phòng trong. Khi quay ra, giám dốc bảo tôi đưa hóa đơn đến cho người ta làm lại, không quên nói: "Hãy nhìn vào mặt trái của cuộc sống".


Tôi tuân lệnh đi ngay. Người ta đưa cho tôi một hóa đơn khác, với số tiền tăng lên gấp nhiều lần. Tôi tần ngàn, muốn hỏi lại, nhưng nhớ đến ánh mắt và lời nói của giám đốc, tôi về làm bản quyết toán khác theo hóa đơn mới. Giám đốc ký ngay và cười, nhưng ánh mắt vẫn lạnh...


Hôm giao ban, giám đốc biểu dương tôi vì sự tận tụy và trách nhiệm. Tôi cảm nhận được sự thay đổi không khí xung quanh. Ông bí thư có vẻ vồn vã hơn.


Nhưng, như người ta thường nói, sau vận đỏ là vận đen. Tôi đang phấn khích tưởng tượng về tương lai thăng tiến của mình, bỗng máy móc thiết bị đua nhau hỏng, mà toàn là những thứ tôi quyết toán mới ác. Một lần nữa, tôi cảm nhận được sự thay đổi xung quanh.


Một hôm, nhân viên văn phòng Đảng ủy đến bảo tôi: "Ông bí thư muốn gặp anh". Khi tôi đến, ông bí thư đang đọc cái gì đó. Thấy tôi đến, ông bỏ kính, đằng hắng mấy lần, rồi với giọng có vẻ tiếc nuối, ông bảo: "Tập thể Đảng ủy và Ban Giám đốc đã quyết định...tôi rẩt tiếc...". Ông đưa tôi tờ giấy. Tôi liếc thấy dòng chữ lớn "Quyết định buộc thôi việc". Tôi như rơi phịch xuống ghế. Trong vài giây, tôi cảm thấy không điều khiển được cơ thể mình. Cổ họng không chịu nhúc nhích như ý. Tôi không nói được gì. Ông bí thư cũng chẳng nói gì. Tôi đứng dậy, lảo đảo bước ra...


"Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí". Vợ tôi biết tôi bị sa thải, bỏ về nhà cha mẹ, không nói một lời. Hóa ra khi nàng hay nói nọ nói kia, là còn yêu tôi. Không nói gì, xem ra gay đây. "Yêu cho roi cho vọt", tôi lắc đầu chua chát...


Nửa tháng sau, tôi như mới tỉnh lại. Tôi bắt đầu viết đơn, gửi nơi nọ nơi kia, gửi cả cho ông bí thư. Tôi trình bày rằng tôi bị oan, sự việc là như thế như thế chứ không phải như thế như thế; rằng lẽ ra tôi phải được tường trình kiểm điểm, lẽ ra tôi phải được có cơ hội nói ra sự thật. Chằng ai nói gì...Không có hồi âm. Tôi nhận ra bây giờ tôi mới hiểu "im phăng phắc" nghĩa là như thế nào...Nghe nói giám đốc là cán bộ nguồn gì đấy.


Rồi một hôm, có một ông đến nhà tìm tôi. Ông đưa ra một đống giấy tờ, chứng minh rằng ông ta là ông ta, ông ta là luật sư và rằng ông ta là luật sư bảo vệ quyền lợi của vợ tôi. Cuối cùng, ông nói ngắn gọn: vợ tôi muốn ly hôn.


Trong cơn tuyệt vọng, điên tiết và bất cần, tôi ký giấy. Ly thi ly.


Tòa gửi giấy mời, tôi không thèm đến. Hơn tháng sau, ông luật sư đến đưa tôi quyết định ly hôn, rồi bảo tôi trả nhà. Tôi ngớ ra. Ông lại đưa giấy tờ ra, nói nhà vẫn đứng tên ông già vợ. Tôi không còn tư cách ở lại.


Tôi về quê, tiếp tục viết đơn kên cấp cao hơn, và ngóng đợi suốt nửa năm. Chẳng có gì. Người ta không quan tâm...


Khi bắt đàu hoàn hồn, tôi đi xin việc. Chẳng ai nhận. "Thằng này hay kiện cáo lung tung lắm", tôi nghe thấy tiếng xì xầm sau lưng như thế.


Tôi về quê, nằm dài. Tôi như muốn gục xuống. Không được, tôi tự nhủ...với đấng nam nhi, không đòn nào là không chịu được...Phải kiếm việc gì làm.


Tôi vào mạng tìm việc, rồi phát hiện ra một quảng cáo tuyển dụng làm việc online tại nhà, đăng quảng cáo lên mạng, lương tháng 3 đến 5 triệu. Tạm được, cứ làm đỡ đi rồi tính tiếp. Tôi đăng ký.


Nhà tuyển dụng hồi âm tức thì, hẹn ngày đó, tháng đó, giờ đó, đến chỗ đó phỏng vấn. Tôi xem lịch, hóa ra thứ hai tuần sau.


Đúng hẹn, tôi đến phỏng vấn. Có rất nhiều người ngồi chờ phỏng vấn. Đến lượt tôi, một tay đầu trọc tiếp.


Tay đầu trọc chả phỏng vấn gì, chỉ nói về cách làm. Đại loại nếu có khách hàng click vào quảng cáo do tôi đăng để mua hàng online, tôi sẽ có hoa hồng. Thông thường khoảng 3 đến 5 triệu một tháng. Nếu trúng, được mười mấy triệu không chừng. Tôi đồng ý, nghĩ mình sẽ chọn mặt hàng phổ biến để đăng. Tay đầu trọc lại bảo tôi đóng 195 ngàn, "để quản lý theo dõi đường link", anh ta bảo thế. Không đáng bao nhiêu, tôi nghĩ, và đóng tiền.


Anh ta bảo tôi về nhà, cứ mở email, sẽ có đường link và mât khẩu đăng nhập ở đó, không quên dặn có gì thắc mắc cứ hỏi.


Tôi về mở email, quả nhiên mọi thứ có sẵn. Còn chờ gì nữa, tôi nghĩ. Tôi vào trang web của công ty, tìm đến danh mục sản phẩm. Hóa ra quảng cáo tuyển người cũng là một sản phẩm. Ngoài ra còn có 12 sản phẩm khác, như quảng cáo bán vé máy bay giá rẻ,quảng cáo các lớp đào tạo lấy chứng chỉ các loại...


Tôi chọn quảng cáo bán vé máy bay đăng thử. Tôi đăng lên facebook của mình. Làm xong, tôi click vào trang quảng cáo xem họ viết gì ở trong. "Tài khoản này đã đình chỉ". Thứ tôi đọc được chỉ có thế. Sao lại thế! Tôi nghĩ mình thao tác có gì sai sót chăng, nên xóa đi làm lại. Kết quả vẫn thế. Tôi lấy luôn quảng cáo tuyển người của công ty ra đăng, kết quả rất tốt,tài khoản không đình chỉ. Tôi đăng các sản phẩm khác: đình chỉ. Xem ra công ty chỉ có mỗi sản phẩm quảng cáo tuyển người là thật, các thứ khác toàn đồ "dỏm".


Tôi thấy nghi ngờ..mình bị lừa chăng? Tôi xem kỹ lại đường link. Chỉ có tên công ty...thế thì làm sao phân biệt quảng cáo do ai đăng được. Tôi viết email hỏi về mọi chuyện. Không có trả lời. Tôi đợi một tuần, hỏi lại nữa, vẫn im lặng. Vậy là rõ. Họ chỉ quảng cáo để thu tiền tuyển dụng, một kiểu lừa đảo đa cấp. Đầu tiên là công ty đăng, rồi người đến tuyển dụng đóng tiền đăng, lớp được tuyển dụng thứ hai lại đến đóng tiền xong đăng...Cứ thế. Mạng lưới quảng cáo rộng dần, người đến đóng tiền tăng dần.


Làm gì đây? Tố cáo lừa đảo? Tôi đã có kinh nghiệm rồi...vô ích, không ai để ý tới. Đòi tiền? Mất thì giờ...Tôi chỉ đoán, chứ không có kiến thức cơ bản về tin học để chứng minh họ lừa đảo. Thôi, coi như học phí cho một bài học. Nhưng xem ra tôi hơi bị "dừ xương" vì học bài. Bài học trước, tôi phải trả giá bằng gia đình và sự nghiệp.


Tôi cần tỉnh táo lại.


Tôi quyết định đến một thành phố nhỏ, thuê nhà, chạy xe ôm. Tôi có thời gian suy nghĩ, và cũng kiếm được cái gì bỏ vào bụng, không phiền đến ai. Tạm thời thế đã, tính sau...


Một hôm, tôi đang ngồi nghỉ trong một công viên nhỏ, chợt một cơn gió mạnh thổi qua. Một mảnh báo rách bay đến chỗ tôi ngồi, và tôi thoáng thấy một gương mặt quen. Tôi lấy chân chặn mảnh báo lại. Tôi nhìn thấy thần tượng của tôi, kẻ thù của tôi. Vẫn nụ cười ấy, với ánh mắt lạnh lùng ấy, nhưng là Tổng Giám đốc.


Tôi nhìn tấm ảnh lấm lem và bật cười. Trong tấm ảnh bẩn thỉu, tôi nhìn thấy rõ mồn một mặt trái của cuộc sống. Tôi không cần phải nghiêng bên nọ bên kia hay nhìn từ phía sau, tất cả vẫn hiện lên rõ ràng, kể cả hình ảnh của mấy tay cảnh sát...


Người ta nói chỉ có thể có sự hiểu khi đã có sự trải qua... Đúng thật. Tôi như đang trưởng thành dần lên. Chính xác hơn, tôi đang dần biết phân biệt "đa số" và "tất cả".


Nguyễn Phan Long 

2hi.us