Cô giáo thực tập của tôi
Cô giáo thực tập của tôi
(Admin - Tham gia viết bì cho tập truyện ngắn "Tháng năm không ở lại")
Bạn bè giờ ở đâu? Cô ở đâu?
***
Kính tặng cô giáo Nga
Suốt ba năm học cấp III dưới mái trường THPT thị xã Quảng Trị, chúng tôi may mắn được đón các thầy cô giáo về thực tập tại trường. Thầy cô giáo ấy phần đông là giáo sinh thuộc trường Đại học sư phạm Huế. Họ rất trẻ tuổi và thậm chí có nhiều thầy cô vóc dáng còn nhỏ hơn cả học sinh. Nếu cô giáo nào mặc áo dài trắng thì không nhận ra đâu là cô giáo thực tập đâu là học sinh. Tôi nhớ có một lần trong buổi chào cờ đầu tuần, sáng thứ hai nào cũng vậy thầy Bí thư Đoàn trường đi quanh sân trường một vòng để kiểm tra sĩ số, bảng tên, đồng phục. Bất chợt thầy phát hiện ra một người đứng cuối hàng mặc áo dài trắng nhưng không có bảng tên. Thầy tiến đến và nói:
- Em này mặc áo dài sao không có bảng tên, ra khỏi hàng. Đây là học sinh lớp nào 11C phải không, trừ 20 điểm.
Thầy nói liên tục một hồi khiến cô giáo mặt đỏ bừng chưa kịp thanh minh, lát sau một bạn đến nói với thầy:
- Thưa thầy, đó là cô giáo thực tập lớp chúng em đó ạ!
Thầy bối rối: Ủa! sao nhỏ vậy... thế mà tôi cứ tưởng...
Tiết chào cờ kết thúc, ai cũng vào lớp ổn định chuẩn bị cho tiết học sắp đến. Năm ấy chúng tôi là lớp 11C, lớp quậy phá nhất trường. Thầy cô giáo nào cũng than phiền và không thích dạy vì vừa học yếu vừa hoang nghịch.
Nhưng lớp tôi được may mắn là có thầy cô giáo về thực tập tại lớp. Trong buổi ra mắt đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm giới thiệu: Hôm nay lớp chúng ta rất vinh dự dược đón các thầy cô về thực tập tại lớp chúng ta. Cô hy vọng các em sẽ đón nhận và giúp đỡ các thầy cô trong thời gian thực tập. Sau đây cô xin giới thiệu với các em:
- Đây là thầy Hải dạy môn Anh văn, thầy Sang dạy môn toán và cuối cùng là cô Nga dạy môn văn.
Cả lớp vỗ tay, bỗng có tiếng xì xào, cuối lớp tiếng thằng Long cất lên: Cô giáo gì mà nhỏ hơn cả bồ tau nữa.
Bàn bên cạnh mấy bạn nữ xì xào: thầy Hải đẹp trai quá mày ạ! Thầy đeo kính vào trông giống như San- U ấy.
Buổi ra mắt các thầy cô thực tập kết thúc, ngày hôm sau đến phiên tôi trực nhật lớp nên phải đi sớm thì thấy cô giáo thực tập ngồi ở đó rồi. Cô trong bộ áo dài tím thướt tha rất đẹp như con gái Huế. Khoảng 30 phút sau thì cả lớp vào đông đủ. Cô nói:
- Từ hôm nay trở đi, theo quy định mới của nhà trường là các lớp sinh hoạt mười lăm phút đầu giờ nên cô muốn các em cũng thực hiện nghiêm túc. Bây giờ cô trò chúng ta cùng làm quen nhau một tý. Cô tên là Nga – Lê Thanh Nga, giảng dạy môn văn. Bổng có tiếng nhao nhao cuối lớp: nhà cô ở đâu để chúng em đến chơi, nhà cô trồng nhiều ổi, xoài không cô?
Sau đó các bạn trong lớp đứng dậy lần lượt tự giới thiệu về mình. Cô đến sát bên tôi và hỏi: Lớp mình ai là lớp trưởng
Tôi nói: Dạ em ạ!
- Em có thể cho cô danh sách lớp được không?
- Dạ được ạ! Tôi trả lời
Sau buổi học cô gặp riêng tôi và nói chuyện. Mới tiếp xúc lớp lần đầu nhưng cô rất ấn tượng tốt về lớp. Cô chưa nắm rõ tình hình của lớp. Em có thể cho cô biết rõ hơn được không?
- Dạ lớp mình tổng số là 48 bạn, trong đó có 30 bạn nam. Vì toàn là con trai nên lớp rất nghịch ạ!
- Thế trong lớp có bạn nào là học sinh cá biệt không?
- Dạ thưa cô chỉ có hai bạn Long và Hưng thôi ạ!
- Cô cảm ơn em!
Ngày thứ tư đến là cô có tiết thao giảng. Hôm đó cô đến rất sớm trong bộ áo dài tím thướt tha thật là đẹp. Nhìn khuôn mặt của cô tôi đoán cô rất lo lắng và hồi hộp vì lần đầu tiên bước lên bục giảng trước đông người.
Tùng...Tùng...Tùng tiết học bắt đầu, thông thường là phần kiểm tra bài cũ. Cô nhìn xuống lớp không thấy ai giơ tay nên gọi tên trong sổ điểm.
- Nguyễn Phan long, xin mời em lên bảng
Long giật cả mình và bàng hoàng sau những phút lơ đễnh, rồi từ từ bươc lên bục giảng theo sau là tiếng cười khúc khích của mấy cậu con trai phía cuối lớp.
- Em đọc thuộc bài thơ " Đất nước" của Nguyễn Đình Thi?
Long gãi đầu, gãi tai nói ấp a ấp úng: Dạ! Dạ! thưa cô em ...em không thuộc bài ạ!
Cô cho Long về chỗ nét mặt cô hiện thoáng buồn, may mà trong lớp có bạn Thu thuộc bài đem lại không khí vui tươi cho lớp.
Sau mười phút kiểm tra bài cũ, cô tiến hành giảng bài mới. Giọng cô giảng thật hay, nghe như rót vào lòng người. Cô giảng say sưa trong niềm tự tin, mạnh dạn, mất đi cái vẻ lo âu, hồi hộp của cô trước giờ lên lớp.
Ở cuối lớp, thầy cô giáo dự thao giảng rất đông. Thế rồi có một chuyện không vui đã xảy ra. Khi cô đi xuống cuối lớp và quay lên lại thì một tờ giấy dán vào tà sau áo dài của cô đong đưa hàng chữ "em yêu cô". Cả lớp cười rộ lên, cô chẳng biết có chuyện gì. Thấy cô bỡ ngỡ, tôi bèn đến gỡ mảnh giấy đó ra và đưa cho cô. Cô nhìn thoáng qua rồi đem cất vào cặp. Nguồn cảm hứng bài thơ cô đang phân tích rất hay bỗng dưng bị chững lại. Kể từ đó không khí lớp học trở nên hết sức nặng nề.
Tiết học đã kết thúc, mọi người lần lượt ra về, còn cô ở lại và bật khóc. Có lẽ cô không sợ đánh giá giờ dạy hôm đó kết quả thấp mà cô buồn vì trò nghịch ngợm của học sinh. Tôi đành nán lại để chia sẻ nỗi buồn đó cùng cô. Tôi đoán thủ phạm gây ra việc ấy chính là Long chứ không ai khác.
Hôm sau đến lớp, cô vẫn vui vẻ và nở một nụ cười thật tươi. Cô nhắc nhở cả lớp rất nhẹ nhàng về trò đùa đó, chúng tôi đã nhận ra lỗi lầm của mình. Nhưng rồi những buổi học sau đó Long không đến lớp nữa. Đã một tuần nay chỗ ngồi của Long bỏ trống, mà tháng này là tháng cao điểm để chuẩn bị cho thi học kỳ II.
Tan buổi học, cô gặp riêng tôi và hỏi:
- Em là lớp trưởng, em có biết vì sao Long nghỉ học không?
- Thưa cô, em cũng không rõ lắm, nhưng nghe đâu bố bạn ấy bị ốm, phải đi bệnh viện cô ạ! Tôi đáp.
Ngày hôm sau cả lớp tôi cùng cô đến nhà Long. Ngôi nhà lợp tranh, xung quanh phên đất, có chỗ bị hư hỏng nặng, nếu trời mưa to chắc bị dột lắm. Thấy có tiếng người vào nhà, mẹ Long gắng gượng dậy tiếp chúng tôi. Mẹ Long nói:
- Mời cô và các cháu vào nhà chơi!
- Bác cứ nằm đi, mặc kệ chúng cháu. Cô giáo nói.
Trong nhà yên lặng, mấy chú gà con lạc mẹ kêu chiêm chiếp in ỏi. Ngoài sân, hai đứa em Long đang chơi trò ô ăn quan. Cô đến bên giường mẹ Long và hỏi:
- Thưa bác, bác trai đi đâu rồi ạ!
- Khổ quá cô ơi! Hôm kia ông ấy đạp xích lô chở khách trên đường bị một thằng say rượu va vào làm gãy chân nên phải đi bệnh viện rồi.
- Thế còn Long sao mấy hôm nay không đi học hở bác? Cô hỏi tiếp.
- Vì ông ấy nằm viện nên nó thay bố đạp xích lô để kiếm tiền mua thức ăn hằng ngày. Tôi thì đau ốm suốt không làm gì được. Thương nó lắm chứ, nhưng giờ biết làm sao! Bà nghẹn ngào đáp.
Cuộc viếng thăm nhà Long kết thúc, chúng tôi ra về. Tôi thoáng thấy một nét buồn hiện trên khuôn mặt cô giáo.
***
Một buổi chiều cuối tuần nắng gắt, lớp tôi cùng các thầy cô thực tập đi công viên chơi. Tình cờ gặp Long, nhưng Long vờ ngoảnh mặt đi nơi khác và đội mũ cụp xuống nhưng cô vẫn nhận ra. Cô nói to:
- A! Long kìa!
Chúng tôi chạy đến vây quanh Long, Long tỏ vẻ hốt hoảng, ngượng ngùng. Cô nhẹ nhàng nói:
- Em đi học lại đi! Sắp thi học kỳ rồi đấy! Có khó khăn gì, cô và các bạn sẽ giúp đỡ em.
- Dạ, em cảm ơn cô. Bệnh của bố em cũng ổn rồi, tuần tới em sẽ đi học lại. Long mạnh dạn hứa.
- Hoan hô! Chúc mừng Long! Cả đám bạn chúng tôi reo lên rồi vây quanh Long như những vòng tay thân ái che chở bạn.
Cả chiều hôm đó, chúng tôi vui đùa bên nhau thật vui. Gần tối rồi mà không ai muốn về.
Thời gian hai tháng thực tập của các thầy cô thực tập đã kết thúc. Chúng tôi phải chia tay các thầy cô.
Hôm chia tay, đứa nào cũng buồn và rưng rưng nước mắt. Cô đọc một bài thơ để tặng lớp trước khi từ biệt. Đọc giữa chừng, bỗng cô nghẹn ngào bật khóc khiến cả lớp phải khóc òa theo. Đó là những hình ảnh cuối cùng của cô mà đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi. Chẳng biết dến bao giờ tôi mới gặp lại cô nữa.
Hôm tiễn các thầy cô trở lại Huế, chúng tôi vây quanh cô và muốn nói với cô rất nhiều điều nhưng lại không nói được, cứ lưu luyến bịn rịn mãi. Bạn nào cũng rưng rưng không giấu nổi niềm xúc động.
- Cô nhớ viết thư về cho chúng em cô nghe! Tôi nghẹn ngào nói.
- Ừ, cô sẽ viết ngay khi cô đặt chân đến Huế. Vừa nói cô vừa quàng tay ôm chúng tôi vào lòng, tôi cảm thấy vòng tay ấm áp làm sao.
Biết bao giờ gặp lại cô ơi!
***
Tiếng còi tàu báo hiệu sắp vào ga Quảng Trị. Sân ga chiều ấy thật đông người. Chỉ lát sau tàu đến. Cô bước lên tàu mà tay cô vẫn không muốn rời chúng tôi. Bỗng có tiếng gọi lớn từ đằng sau:
- Cô Nga ơi, đợi em...!
Cô vội bước xuống tàu cùng mọi người nhìn lại thì thấy Long chạy đến, mồ hôi nhễ nhại. Hóa ra cả buổi chiều đến giờ Long không có mặt. Cô biết Long có hoàn cảnh đặc biệt, sợ em mặc cảm nên cô cũng không đề cập gì đến lý do vắng mặt của Long. Nhưng Long thì lại quên cả e dè, mặc cảm. Long mếu máo:
- Em biết chiều nay cô vào Huế nên em chở khách chạy thật nhanh để về cho kịp tiễn cô.
Quá xúc động, Long òa khóc, cô trò chúng tôi cũng khóc theo.
Tàu từ từ chuyển bánh rời ga. Chợt Long chạy theo bên mạn tàu và hét lớn:
- Mong cô tha lỗi cho em vì trò đùa đó cô nghe!
Thì ra bấy lâu nay Long vẫn áy náy trong lòng vì hành vi bất kính đối với cô ngày trước. Không biết cô có nghe rõ những lời Long nói bởi tiếng gầm rú của tàu, nhưng thoáng thấy cô ngoảnh lại nhìn theo Long, tôi nghĩ chắc cô đã hiểu.
Đã mười mấy năm trôi qua, lớp tôi đứa nào cũng thành đạt trên nhiều lĩnh vực và đều có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Riêng Long, người bạn học ngày xưa tinh nghịch và lận đận ấy nay có muốn đạp xe thồ cũng không được nữa, bởi vì Long đã về cõi vĩnh hằng sau một cơn bạo bệnh.
Cô giáo Nga giờ cũng đang công tác tại một trường cấp III tỉnh Kontum. Cô đã lập gia đình và cũng có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Gần đây, thông qua người bạn cũ, tôi liên lạc được với cô qua thư điện tử. Tình cảm cô trò vẫn ấm áp, thắm đượm như xưa...
Đó là những hoài niệm có thực của tôi đã xảy ra trong thời áo trắng. Mỗi khi về lại thăm trường cũ, bước vào lớp học xưa, nơi tập thể lớp 11C chúng tôi đã từng gắn bó suốt 3 năm học thì những hình ảnh của tuổi học trò và cô giáo Nga ngày nào lại hiện về trong tôi, gợi cho tôi một nỗi buồn man mác.
Bạn bè giờ ở đâu? Cô ở đâu? Một dòng nước mắt chảy nhẹ nhàng trên gò má. Tôi thầm gọi nhỏ:
- Nhớ quá cô ơi! Lớp 11C chúng em vẫn mãi bên cô đó!
Thu Thanh